Hợp đồng vô hiệu - từ quy định hiện tại đến Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)

01/08/2015

Hiện nay, các quy định về hợp đồng vô hiệu trong pháp luật nước ta còn nhiều bất cập, một số điều khoản còn có sự mâu thuẫn, chồng chéo, không thống nhất; các căn cứ để tuyên bố hợp đồng vô hiệu còn nhiều điểm chưa rõ ràng; nhiều vấn đề bất cập nổi cộm chưa được giải quyết triệt để như: hợp đồng vô hiệu do vi phạm về hình thức; hợp đồng vô hiệu do vượt quá thẩm quyền ký kết; vấn đề bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba ngay tình; hậu quả pháp lý khi hợp đồng bị tuyên bố vô hiệu… Những bất cập này đã làm cho quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể tham gia các quan hệ dân sự, thương mại không được đảm bảo một cách thỏa đáng. Các cơ quan có thẩm quyền cũng gặp rất nhiều khó khăn, lúng túng trong công tác xét xử.  
  Bài viết nêu lên một số bất cập trong các quy định của pháp luật về hợp đồng vô hiệu và đưa ra các kiến nghị nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề này
Untitled_207.png
Ảnh minh họa: (Nguồn internet)
1. Hợp đồng vô hiệu do vi phạm hình thức
Hiện nay trên thực tế, việc không tuân thủ quy định về hình thức của hợp đồng trong giao dịch dân sự là khá phổ biến, một phần là do người dân không nắm vững các quy định của pháp luật, một phần là do đối tượng của giao dịch dân sự chưa đáp ứng hoặc không đủ điều kiện để thực hiện quy định về hình thức (chẳng hạn như để thực hiện việc công chứng, chứng thực hợp đồng về tài sản hay quyền sử dụng đất thì cần phải có Giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản hay Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng nhiều người có tài sản hoặc đã được công nhận quyền sở hữu hợp pháp song chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp các giấy tờ này, nên khi có nhu cầu giao dịch dân sự liên quan đến tài sản đó, họ không thể tuân thủ quy định về hình thức của hợp đồng giao dịch dân sự).
Thực tiễn cho thấy, trong một số trường hợp, nếu cứ tuyên bố hợp đồng vi phạm về hình thức sẽ vô hiệu thì xảy ra nhiều hệ lụy, như khuyến khích sự bội ước, khuyến khích bên giao dịch không đứng đắn thực hiện những việc trái lương tâm khi họ thấy có lợi cho mình, làm phương hại đến bên kia, làm giảm tính ổn định của pháp luật và mất lòng tin của nhân dân. Xin dẫn chứng một ví dụ: Năm 2004, anh A đã bán gấp quyền sử dụng thửa đất 100m2 để lấy tiền chữa bệnh cho người thân. Anh B đồng ý mua. Thửa đất chuyển nhượng là đất ở mà chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) nên hai bên nhất trí lập hợp đồng chuyển nhượng có người làm chứng nhưng không công chứng, chứng thực. Việc giao nhận tiền và đất diễn ra ngay sau đó, có biên bản giao nhận. Sau khi mua, anh B xây nhà 2 tầng trên đất và ở ổn định trên đất được hơn 10 năm. Sau đó, khi giá trị đất tăng cao, vì hám lợi nên vợ anh A đã cùng chồng gửi đơn ra tòa án yêu cầu tòa tuyên bố hợp đồng trước đây vô hiệu. Theo quy định hiện hành, tòa án đã cho hai bên một thời gian để hoàn thiện hình thức hợp đồng, nhưng vì các bên vẫn không hoàn thiện được nên tòa đã tuyên hợp đồng giữa hai bên là vô hiệu do vi phạm hình thức. Hậu quả là các bên phải giao trả cho nhau những gì đã nhận và cùng xác định lỗi để bồi thường. Như vậy, anh B phải trả lại đất cho anh A và anh A phải trả lại tiền cho anh B. Có thể nhận thấy, thiệt hại rất lớn thuộc về anh B vì anh B đã mua đất, xây nhà trên đất, ở ổn định trên đất 10 năm. Rõ ràng, nếu nhìn nhận khách quan thì quy định của pháp luật đã tạo điều kiện để anh A bội ước. Từ ví dụ trên, có thể thấy giao dịch vi phạm hình thức bị tuyên vô hiệu chỉ nên dùng trong một số trường hợp đặc biệt nhằm bảo đảm sự an toàn pháp lý trong giao dịch dân sự cho cộng đồng và cho chính các chủ thể giao dịch. Chúng ta vẫn biết rằng, việc quy định các bên bắt buộc phải tuân thủ hình thức của hợp đồng là nhằm góp phần tăng cường sự quản lý của nhà nước đối với một số loại tài sản đặc thù có giá trị lớn, để hạn chế thiệt hại về tài sản chuyển dịch khi chủ thể không am hiểu nhiều về pháp luật. Tuy nhiên, cũng cần phải có quy định cụ thể để tránh thiệt hại cho bên mua (như ví dụ trường hợp anh B ở trên) và hạn chế tình trạng bội ước, lật lọng của các bên khi thấy có lợi cho mình từ hợp đồng vô hiệu.
Chúng tôi cho rằng, trước mắt vẫn cần quy định về vấn đề hình thức của hợp đồng, nhưng thời gian tới đây, khi mà nhận thức về pháp luật được nâng cao thì cần phải gỡ bỏ điều kiện về mặt hình thức, bởi vấn đề quan trọng nhất của luật hợp đồng là tôn trọng ý chí của các bên, vì vậy thỏa thuận là điều kiện then chốt. Mặt khác, pháp luật cần tôn trọng sự giản tiện, thói quen giao dịch… Việc bỏ quy định về mặt hình thức hợp đồng sẽ hạn chế được rất nhiều tranh chấp, tạo sự ổn định trong giao kết và thực hiện hợp đồng, hạn chế được vấn đề lợi dụng hình thức để bội ước, lật kèo.
2. Hợp đồng vô hiệu do vượt quá thẩm quyền
Vô hiệu do vượt quá thẩm quyền hiện nay phổ biến là vi phạm về thẩm quyền ký kết. Đây là loại hình dễ nhầm lẫn và dễ bị lạm dụng khi giao kết thực hiện hợp đồng với các đơn vị có định danh như: chi nhánh, trung tâm, xí nghiệp, trạm trại, công ty mẹ, công ty con, tập đoàn kinh tế, tổng công ty… Bởi vì, họ có con dấu, có tài khoản, hóa đơn chứng từ riêng nhưng chưa hẳn là pháp nhân, chưa hẳn là đơn vị có thẩm quyền trong ký kết hợp đồng. Từ ngày 01/07/2015, tình trạng vô hiệu do vượt quá thẩm quyền có nguy cơ gia tăng khi Luật Doanh nghiệp năm 2014 chính thức có hiệu lực. Thẩm quyền về ký kết hợp đồng mở rộng hơn rất nhiều so với trước đây bởi quy định người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp không phải chỉ là một người như trước đây, mà có thể có nhiều người; doanh nghiệp có thể đăng ký và sử dụng nhiều con dấu. Điều này có nghĩa là, có nhiều người cùng được tham gia ký kết hợp đồng nhưng chưa hẳn tất cả họ đều có thẩm quyền ký kết. Việc kiểm soát thẩm quyền của người ký hợp đồng trong trường hợp này là không dễ. Giả sử doanh nghiệp X có ba người đại diện theo pháp luật và có ba con dấu, trong đó anh A là một trong ba người được đăng ký đại diện theo pháp luật, được sử dụng dấu của doanh nghiệp và anh A muốn chiếm dụng vốn của doanh nghiệp Y nên đã ký hợp đồng mua một số sản phẩm của doanh nghiệp Y (mặc dù điều lệ công ty quy định anh A không có thẩm quyền ký hợp đồng mua loại hàng này của doanh nghiệp Y). Sau khi ký hợp đồng với doanh nghiệp Y, anh A bán sang tay toàn bộ lô hàng cho ông C, thu tiền về và chưa trả tiền ngay cho doanh nghiệp Y. Khi doanh nghiệp Y cử người sang doanh nghiệp X thu hồi công nợ thì được biết việc này do anh A tự ký kết và thực hiện hợp đồng, lãnh đạo doanh nghiệp X không biết vì chưa được báo cáo. Câu chuyện đặt ra là doanh nghiệp Y làm sao để thu tiền bán hàng hoặc thu hàng từ anh A về trong điều kiện doanh nghiệp X không chịu trách nhiệm với lý do rất đơn giản là “hợp đồng vô hiệu” do anh A ký vượt quá thẩm quyền? Theo quy định của pháp luật thì khi hợp đồng ký kết vượt quá thẩm quyền mà lãnh đạo doanh nghiệp không biết thì hợp đồng đó sẽ vô hiệu, người ký hợp đồng sẽ tự chịu trách nhiệm cá nhân với phần vượt quá thẩm quyền (Điều 146 Bộ luật Dân sự - BLDS). Như vậy doanh nghiệp Y sẽ phải đòi tiền từ anh A vì lỗi thuộc anh A. Trường hợp này nếu anh A chiếm dụng vốn rồi cứ trả dần mỗi tháng một ít, trả trong 10 năm mới hết thì doanh nghiệp Y cũng chẳng có cách nào để xử lý anh A. Doanh nghiệp Y bị chiếm dụng vốn, bị thiệt thòi, nhưng không thể làm gì.  
Hay một số vấn đề khác mà một số doanh nghiệp làm ăn không lành mạnh có thể bội ước, lật kèo khi thấy bất lợi hoặc có lợi cho mình như khi ký hợp đồng mua, bán, vay, cho vay… có giá trị lớn hơn 35% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty mà không được phê duyệt của Hội đồng quản trị (HĐQT) hoặc Hội đồng thành viên (HĐTV) thì dẫn đến hợp đồng có thể bị vô hiệu. Khái niệm “Báo cáo tài chính gần nhất” của công ty quy định tại điểm h, khoản 2, Điều 149 Luật Doanh nghiệp năm 2014 không nói rõ “gần nhất” là được xác định từ thời điểm nào, ngày cuối tháng hay ngày cuối các quý hay ngày 31/12 hàng năm? Giả sử, tại thời điểm ngày 03/03/2015 giám đốc công ty A ký hợp đồng mua hàng của công ty B với giá trị tương đương với 34% tổng giá trị tài sản công ty A theo báo cáo tài chính gần nhất được lập ngày 31/12/2013. Vì hợp đồng có giá trị nhỏ hơn 35% nên không cần sự phê duyệt của HĐQT hay HĐTV mà hợp đồng vẫn có hiệu lực. Theo quy định hiện hành thì doanh nghiệp phải nộp báo cáo tài chính chậm nhất là 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính (tức chậm nhất là ngày 30/03/2015 doanh nghiệp mới phải nộp báo cáo tài chính của năm 2014) nghĩa là từ ngày 01/01/2015 đến ngày 30/03/2015 nếu doanh nghiệp ký hợp đồng thì căn cứ báo cáo tài chính ngày 31/12/1013 vì báo cáo tài chính gần nhất năm 2014 chưa được doanh nghiệp công bố. Câu chuyện đặt ra là sau khi nhận hàng thì xảy ra tranh chấp, HĐQT hoặc HĐTV yêu cầu công bố báo cáo tài chính gần nhất (năm 2014) và giả sử số liệu này thể hiện giá trị tài sản của công ty giảm, hợp đồng mua hàng ngày 03/03/2015 có giá trị bằng 60% tổng tài sản giá trị ghi trong “Báo cáo tài chính gần nhất - ngày 31/12/2014” thì rõ ràng, hợp đồng mà vị giám đốc ký để mua hàng đã vượt mức 35%, nên sẽ vô hiệu một phần do vượt quá thẩm quyền khi chưa được sự chấp thuận của HĐQT. Như vậy, nếu muốn bội ước thì doanh nghiệp A hoàn toàn có thể thực hiện được khi thấy có lợi hoặc bất lợi thuộc về mình. Hậu quả là doanh nghiệp B phải mất rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để giải quyết tranh chấp này.
Như vậy, việc xác định thẩm quyền của người ký hợp đồng rất quan trọng khi mà trong thực tiễn, nhiều người vẫn cho rằng, quyền đại diện cho doanh nghiệp của người đại diện theo pháp luật là không hạn chế, khiến nhiều doanh nghiệp ít quan tâm đến việc xác định thẩm quyền của người ký hợp đồng bên phía đối tác. Trên thực tế có rất nhiều trường hợp, người đại diện theo pháp luật chỉ là người làm thuê và quyền của họ bị giới hạn trong hợp đồng lao động ký với doanh nghiệp, nên quyền đại diện cho doanh nghiệp của người đại diện theo pháp luật không phải là vô hạn. Ở một phương diện khác, nếu không quy định rõ ràng vấn đề này thì nguy cơ trốn tránh trách nhiệm với đối tác từ các hợp đồng đã ký - khi có lợi hoặc bất lợi thuộc về mình - mà người đại diện theo pháp luật đồng thời là người lãnh đao cao nhất của doanh nghiệp chỉ cần khẳng định rằng mình không hề biết việc ký kết hợp đồng đó thì hợp đồng có thể bị tuyên vô hiệu. Doanh nghiệp mà họ đại diện nhờ vậy sẽ trốn tránh trách nhiệm phát sinh hoặc ít nhất người đại diện theo pháp luật sẽ phủi sạch trách nhiệm của mình và thiệt hại đương nhiên sẽ chuyển sang phía đối tác.
Trong doanh nghiệp, cần phân biệt hai loại: thẩm quyền ký kết và thẩm quyền quyết định. Với công ty cổ phần, thẩm quyền quyết định cao nhất thuộc về đại hội cổ đông và HĐQT, còn thẩm quyền ký kếtthuộc về đại diện theo pháp luật được ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Hợp đồng có giá trị trên 35% tổng tài sản có trong báo cáo tài chính gần nhất phải được HĐQT quyết định thông qua thì việc ký kết của người đại diện theo pháp luật mới hợp pháp, theo điểm h, khoản 2, Điều 149 Luật Doanh nghiệp năm 2014. Đây là hai quy định về thẩm quyền quyết định và thẩm quyền ký kết mà pháp luật buộc tất cả các bên tham gia giao dịch phải biết, rất tiếc là Luật Doanh nghiệp năm 2014 chưa đưa ra quy định cụ thể hơn cho vấn đề này. Hy vọng BLDS (sửa đổi) tới đây sẽ khắc phục được tình trạng trên.
3. Hợp đồng vô hiệu và vấn đề bảo vệ người thứ ba ngay tình
Bảo vệ người thứ ba ngay tình khi hợp đồng bị tuyên bố vô hiệu hiện nay cũng đang là vấn đề lớn được mọi người quan tâm, đặc biệt là trong giai đoạn BLDS đang được sửa đổi và bổ sung cho phù hợp. Theo quy định của pháp luật, người thứ ba ngay tình là người chiếm hữu không có căn cứ pháp lý đối với tài sản nhưng không biết và không thể biết việc chiếm hữu tài sản đó là không có căn cứ pháp luật.  
Điều 138 BLDS năm 2005 quy định trường hợp giao dịch dân sự bị tòa án tuyên bố vô hiệu nhưng tài sản là bất động sản hoặc động sản phải đăng ký quyền sở hữu đã chuyển giao cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch với người thứ ba bị vô hiệu và chủ sở hữu được nhận lại tài sản của mình, trừ hai trường hợp người thứ ba nhận được tài sản thông qua bán đấu giá hoặc người thứ ba giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó người này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy, sửa.
Điều 148 Dự thảo BLDS (sửa đổi) đề xuất “Trường hợp đối tượng của giao dịch dân sự là tài sản phải đăng ký quyền sở hữu mà tài sản đó đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch khác cho người thứ ba và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba biết hoặc phải biết tài sản là đối tượng của giao dịch đã bị chiếm đoạt bất hợp pháp hoặc ngoài ý chí của chủ sở hữu” và “Trường hợp đối tượng của giao dịch dân sự là tài sản phải đăng ký quyền sở hữu mà tài sản đó chưa được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng đã được chuyển giao bằng một giao dịch khác cho người thứ ba thì giao dịch này bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó người này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị huỷ, sửa”.
Về vấn đề này, hiện có hai loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất nhất trí với quy định của Dự thảo BLDS (sửa đổi) vì các lý do sau đây:
Thứ nhất, quy định như Dự thảo góp phần bảo đảm tốt hơn, công bằng, hợp lý hơn quyền, lợi ích hợp pháp của người thiện chí, ngay tình trong giao dịch dân sự, theo đó, nếu người thứ ba ngay tình căn cứ vào việc tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà xác lập giao dịch thì người thứ ba ngay tình được bảo vệ.
Thứ hai, BLDS năm 2005 (Điều 168, Điều 439, Điều 692), Luật Đất đai năm 2013 (khoản 3 Điều 188) quy định thời điểm xác lập, thay đổi, chấm dứt quyền sở hữu đối với bất động sản, động sản có đăng ký quyền sở hữu được tính từ thời điểm đăng ký. Dự thảo BLDS (sửa đổi) năm 2015 tại khoản 3 Điều 182 về cơ bản kế thừa quy định của BLDS hiện hành và phù hợp với quy định của Luật Đất đai năm 2013. Do đó, việc quy định bảo vệ người thứ ba ngay tình trong trường hợp tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền là phù hợp với nguyên tắc đăng ký bất động sản hiện nay, bảo đảm sự ổn định trong các quan hệ dân sự.
Thứ ba, quy định như dự thảo BLDS (sửa đổi) năm 2015 góp phần thay đổi nhận thức của người dân đối với công tác đăng ký tài sản, đồng thời góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm của các cán bộ làm công tác đăng ký tài sản vì các cơ quan này có thể bị kiện ra tòa và phải chịu trách nhiệm bồi thường nhà nước, nếu việc đăng ký tài sản được thực hiện trái pháp luật.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị giữ như quy định của  BLDS hiện hành vì các lý do:
Thứ nhất, nguyên tắc ưu tiên bảo vệ chủ sở hữu tại Điều 138 BLDS hiện hành là kế thừa BLDS năm 1995 và đã được áp dụng ổn định trong gần 20 năm qua.
Thứ hai, bảo vệ tốt hơn quyền của chủ sở hữu tài sản là đối tượng của giao dịch và phù hợp với tinh thần bảo vệ quyền sở hữu được quy định tại Điều 32 Hiến pháp năm 2013.
Thứ ba, bảo đảm tính khả thi khi việc đăng ký bất động sản hiện nay ở nước ta đang có nhiều bất cập, còn nhiều sai sót mà chưa thể khắc phục ngay được.
 Cả hai loại ý kiến trên đều có những ưu điểm và nhược điểm. Tuy nhiên, nếu dựa theo các quan điểm và lập luận như trên thì câu chuyện tranh cãi về quyền sở hữu vẫn kéo dài và không có hồi kết. Các bên của hợp đồng vẫn có thể tìm mọi hình thức - kể cả gian dối - để chứng mình nhằm giành lợi thế về mình, vì vậy sự bội ước, tiêu cực, tranh chấp hợp đồng vẫn không giảm.  
Theo quy định của BLDS hiện hành thì pháp luật đang nghiêng về bảo vệ cho bên có tài sản mà không bảo vệ cho người nhận tài sản (Điều 138 BLDS 2005); trong Dự thảo BLDS (sửa đổi) năm 2015, các nhà làm luật có xu hướng điều chỉnh theo hướng ngược lại và bảo vệ cho người nhận tài sản (người thứ ba ngay tình) với lý do đã nêu trên và vì chủ sở hữu không quan tâm đến tài sản nên khi tài sản đã chuyển nhượng cho người khác thì phải công nhận cho họ (Điều 148 Dự thảo BLDS (sửa đổi)). Cả hai cách xử lý trên, theo chúng tôi, đều chưa chuẩn xác vì nếu pháp luật nghiêng về bảo vệ bên chủ sở hữu thì người thứ ba ngay tình bị thiệt và ngược lại, nếu bảo vệ người thứ ba ngay tình thì chủ sở hữu bị thiệt hại. Theo chúng tôi, để giải quyết triệt để vấn đề trên, cần phải tuân theo những nguyên tắc sau:
Thứ nhất, pháp luật phải trung lập, không thiên vị cho bên chủ sở hữu cũng như bên nhận chuyển nhượng (bên thứ ba ngay tình). Tức là không nghiêng về bên chủ sở hữu cũng không nghiêng về bên thứ ba ngay tình như hai quan điểm trên.
Thứ hai, pháp luật không can thiệp vào hoạt động này mà chỉ đứng giữa làm trọng tài xem xét về mặt ý chí, sự tự nguyện thỏa thuận, cam kết của các bên lúc giao kết để công nhận quyền tài sản cho họ.
Thứ ba, cần tôn trọng nguyên tắc tự do thỏa thuận, tự nguyện giao kết, quyền tự định đoạt của các bên đương sự trong giao dịch dân sự. Nghĩa là ý chí của các bên đương sự thỏa thuận lúc giao kết như thế nào thì phải thực hiện đúng nghĩa vụ mà mình đã cam kết trước đó. Pháp luật cần công nhận thỏa thuận đó. Có như vậy mới tạo ra sự công bằng cho các bên trong giao dịch và hạn chế được các tranh chấp.
4. Hậu quả pháp lý khi hợp đồng bị tuyên bố vô hiệu
Vấn đề giải quyết hậu quả pháp lý khi hợp động bị tuyên bố vô hiệu hiện nay đang là bài toán khó. Để nhìn nhận rõ vấn đề này, chúng ta cần khảo sát BLDS hiện hành và Dự thảo BLDS (sửa đổi) để có định hướng tổng thể.   
Điều 137 BLDS hiện hành quy định về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu: “Giao dịch vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên và khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường”.
Điều 147 Dự thảo BLDS (sửa đổi)kế thừa quy định tại Điều 137 của BLDS hiện hành, có sửa đổi, bổ sung một số điểm: “Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau tài sản đã nhận, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ việc thực hiện giao dịch dân sự sau khi trừ đi các chi phí hợp lý trong thực hiện giao dịch dân sự và chi phí làm phát sinh, bảo quản hoặc phát triển tài sản, hoa lợi, lợi tức. Việc hoàn trả được thực hiện bằng hiện vật. Trường hợp không hoàn trả được bằng hiện vật thì được trị giá thành tiền để hoàn trả; Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó; Bên bị thiệt hại vì hành vi trái pháp luật của bên kia được bồi thường; Việc giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu liên quan đến các quyền nhân thân do luật có liên quan quy định”.
Như vậy, quy định xử lý hậu quả pháp lý của giao dịch vô hiệu đã được sửa đổi để bảo đảm công bằng hơn giữa các chủ thể. Nhưng thực tế, các vụ tranh chấp khi hợp đồng bị tuyên vô hiệu và việc hoàn trả cho nhau những gì đã nhận là không dễ dàng, nhất là đối với các trường hợp mua bán, sáp nhập hoặc các vụ việc liên quan đến hợp đồng đã được thực hiện một phần hoặc toàn phần. Ví dụ, Công ty A là công ty thương mại có biết nhiều đối tác lắp ráp dây chuyền sản xuất thức ăn gia súc; Công ty B có nhu cầu mua dây chuyền nên hai bên giao kết hợp đồng mua bán, trong đó có điều khoản “Sau khi nghiệm thu dây chuyền chạy ổn định, bên B sẽ thanh toán nốt 1/3 số tiền còn lại và hai bên sẽ thanh lý hợp đồng”. Sau khi ký hợp đồng, bên A đã tiến hành lắp ráp chạy thử và được bên B nghiệm thu dây chuyền đủ tiêu chuẩn và đưa vào vận hành chạy thử 1 tháng, dây chuyền vẫn hoạt động tốt đáp ứng tất cả các điều kiện như hai bên thỏa thuận. Bên A yêu cầu bên B thanh toán nốt số tiền còn lại, nhưng bên B khất với lý do bên B đang gặp khó khăn chưa có điều kiện thanh toán. Bên A đã yêu cầu bên B niêm phong dây chuyền và tiến hành khởi kiện bên B yêu cầu trả tiền thanh toán còn thiếu. Trong quá trình kiểm tra hợp đồng và xét xử, tòa án phát hiện bên A không có chức năng kinh doanh dây chuyền, nên đã phán quyết hợp đồng giữa hai bên là vô hiệu và buộc bên B trả lại cho bên A dây chuyền, bên A phải trả lại cho bên B số tiền đã nhận. Cho rằng bản án không hợp lý, bên A đã kháng cáo toàn bộ bản án. Tại phiên tòa phúc thẩm, tòa án tuyên hợp đồng vô hiệu nhưng đường lối xử lý hậu quả lại khác. Tòa phúc thẩm đã căn cứ quy định “nếu không trả được bằng vật thì hoàn trả bằng tiền” theo Điều 137 BLDS nên buộc bên B giữ lại dây chuyền và phải bồi hoàn cho bên A đúng bằng số tiền chưa thanh toán ghi trong hợp đồng, với lý do dây chuyền đã chạy thử được một tháng nên đã cũ, không còn nguyên vẹn như ban đầu nên không thể hoàn trả bằng vật. Như vậy, có thể nhận thấy cùng một vụ việc nhưng có hai đường lối xử lý về hậu quả pháp lý khác nhau, cho hai kết quả khác nhau, chưa kể là nếu nhìn kỹ phương án xử lý của tòa phúc thẩm, chúng ta thấy giống với trường hợp buộc “tiếp tục thực hiện hợp đồng” như quy định ở Điều 297 Luật Thương mại; Điều 304 BLDS.
So sánh Điều 137 BLDS năm 2005 và Điều 148 Dự thảo BLDS (sửa đổi), chúng ta thấy rằng, việc sửa đổi này vẫn còn nhiều nội dung cần lưu ý vì còn phát sinh nhiều vấn đề khác chưa có chế tài xử lý tối ưu. Ví dụ, quy định “nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền” của BLDS năm 2005 hay “trường hợp không hoàn trả được bằng hiện vật thì được trị giá thành tiền để hoàn trả” của Dự thảo BLDS (sửa đổi). Cả hai điều luật này ở BLDS năm 2005 và Dự thảo BLDS (sửa đổi) vẫn không tránh khỏi vướng mắc như dẫn chứng nêu trên. Vậy nên chăng, chúng ta sửa đổi quy định trên bằng quy định “nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì được trị giá thành tiền để hoàn trả. Trường hợp các bên không thỏa thuận được thì hợp đồng không vô hiệu” giống như luật dân sự một số nước vẫn quy định? Tuy nhiên, đây chỉ là một vấn đề trong hàng loạt vấn đề khác chưa thể xử lý triệt để. Để xử lý vấn đề này, cần cả một hệ thống các quy định của pháp luật điều chỉnh: các vấn đề về tài sản và quyền sở hữu; Thực hiện công việc không có ủy quyền; Nghĩa vụ hoàn trả do chiếm hữu, sử dụng, được lợi về mặt tài sản không có căn cứ pháp luật; và Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật gây ra và một số chế định liên quan khác cần phải được làm rõ./.