Triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 với việc sửa đổi, bổ sung Luật Tố tụng hành chính

01/08/2015

Luật Tố tụng hành chính (TTHC) được Quốc hội thông qua ngày 24/11/2010 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2011. Sau hơn ba năm thi hành, Luật TTHC đã tạo ra một diện mạo mới trong công tác thụ lý và giải quyết vụ án hành chính, đặc biệt là số vụ án hành chính được thụ lý và giải quyết có sự gia tăng đáng kể[1]. Tuy nhiên, với việc ban hành Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (TAND) năm 2014 làm cho một số quy định của Luật TTHC không còn phù hợp. Bài viết phân tích những điểm mới của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức TAND năm 2014, trên cơ sở đó đưa ra một số kiến nghị góp phần hoàn thiện pháp luật TTHC.
Untitled_211.png
Ảnh minh họa: (Nguồn internet)
1. Bổ sung nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng hành chính
Các nguyên tắc cơ bản giữ một vai trò rất quan trọng trong hoạt động tố tụng vì đây là những tư tưởng, quan điểm mang tính chỉ đạo được áp dụng xuyên suốt trong quá trình xây dựng, áp dụng và thực hiện pháp luật của các ngành luật tố tụng. Việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng những nguyên tắc này là biểu hiện của sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng dẫn đến bản án bị Tòa cấp trên hủy để yêu cầu xét xử lại[2]. Chính vì vậy, các quy định mang tính nguyên tắc trong hoạt động xét xử được Hiến pháp năm 2013 tiếp tục ghi nhận với nhiều sửa đổi quan trọng về mặt nội dung và kỹ thuật lập pháp, trong đó đáng chú ý là Hiến pháp năm 2013 đã bổ sung quy định “Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm” tại khoản 5 Điều 103 và quy định này đã được Luật Tổ chức TAND năm 2014 triển khai quy định tại Điều 13 về bảo đảm tranh tụng trong xét xử, cụ thể: Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm. Tòa án có trách nhiệm bảo đảm cho những người tham gia tố tụng thực hiện quyền tranh tụng trong xét xử. Việc thực hiện nguyên tắc tranh tụng trong xét xử theo quy định của luật tố tụng”.
Trong khi đó, Chương 1 Luật TTHC về những quy định chung đã liệt kê nhiều quy định mang tính nguyên tắc trong hoạt động xét xử của Tòa án như: Tòa án xét xử tập thể, xét xử công khai, thực hiện chế độ hai cấp xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật… nhưng chưa quy định nguyên tắc tranh tụng trong TTHC mà chỉ quy định đương sự được quyền tham gia tranh luận tại phiên tòa[3]. Đây là sự thiếu sót của Luật TTHC bởi lẽ nếu không quy định về nguyên tắc này thì trong quá trình giải quyết vụ án hành chính cơ quan tiến hành tố tụng hoặc người tiến hành tố tụng có thể xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ án nhằm cản trở họ đưa ra các luận cứ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Do đó, để bảo đảm việc triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 và đồng bộ với quy định của Luật Tổ chức TAND năm 2014, Luật TTHC cần bổ sung nguyên tắc tranh tụng trong Chương 1 về những quy định chung.
2. Sửa đổi quy định thực hiện chế độ hai cấp xét xử tại Điều 19 Luật Tố tụng hành chính
Khoản 6 Điều 103 Hiến pháp năm 2013 quy định “chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được bảo đảm” nhằm bảo đảm cho hoạt động xét xử của Tòa án được đúng đắn và khách quan vì không phải lúc nào việc xét xử tại cấp sơ thẩm cũng đúng trình tự, thủ tục do pháp luật quy định. Việc thực hiện chế độ hai cấp xét xử được Luật TTHC quy định tại Điều 19. Tuy nhiên, khoản 1 Điều 19 Luật TTHC lại quy định: “Toà án thực hiện chế độ hai cấp xét xử vụ án hành chính, trừ trường hợp xét xử vụ án hành chính đối với khiếu kiện về danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội, danh sách cử tri bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân”. Theo chúng tôi, các nhà làm luật quy định việc giải quyết đối với khiếu kiện này chỉ qua một cấp xét xử xuất phát từ yêu cầu giải quyết khiếu kiện này phải được thực hiện nhanh chóng, kịp thời bởi lẽ mục đích chính của người khởi kiện đối với vụ việc này là đảm bảo có tên trong danh sách cử tri hoặc tên phải được ghi đúng trong danh sách cử tri, còn nếu như việc giải quyết vụ án hành chính trải qua hai cấp xét xử thì sau khi Tòa án xét xử tuyên chấp nhận yêu cầu của người khởi kiện cũng không còn ý nghĩa vì hoạt động bầu cử đã qua đi. Chính vì chỉ trải qua một cấp xét xử nên Điều 172 Luật TTHC đã quy định: “Bản án, quyết định đình chỉ vụ án giải quyết khiếu kiện về danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội, danh sách cử tri bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân có hiệu lực thi hành ngay. Đương sự không có quyền kháng cáo, Viện kiểm sát không có quyền kháng nghị”. Theo chúng tôi, pháp luật TTHC quy định không thực hiện chế độ hai cấp xét xử đối với khiếu kiện danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội, danh sách cử tri bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân là không phù hợp.Hoạt động xét xử của Tòa án khó tránh khỏi những thiếu sót. Vì vậy, Luật TTHC đã quy định chế độ hai cấp xét xử tại Điều 19 Luật TTHC nhằm giúp cho Tòa án cấp phúc thẩm khắc phục những hạn chế trong hoạt động xét xử của Tòa án cấp sơ thẩm. Đối với khiếu kiện về danh sách cử tri không thực hiện chế độ hai cấp xét xử có thể sẽ ảnh hưởng đến tính đúng đắn trong quá trình giải quyết vụ án bởi lẽ không phải lúc nào chất lượng xét xử của Tòa án cấp sơ thẩm cũng được đảm bảo. Chúng tôi không đồng ý với quan điểm cho rằng, do yêu cầu giải quyết khiếu kiện này phải được thực hiện nhanh chóng, kịp thời nên khiếu kiện này chỉ trải qua một cấp xét xử, bởi lẽ nếu án giải quyết nhanh chóng nhưng chất lượng xét xử không đạt được thì việc giải quyết vụ án cũng không có ý nghĩa gì. Do vậy, để đảm bảo tính kịp thời trong việc giải quyết khiếu kiện này mà vẫn đảm bảo tính đúng đắn trong quá trình giải quyết vụ án, Luật TTHC nên quy định khiếu kiện danh sách cử tri vẫn thực hiện chế độ hai cấp xét xử như các loại khiếu kiện khác, đồng thời điều chỉnh lại quy định về thời hiệu khởi kiện, thời hạn chuẩn bị xét xử nhằm đảm bảo đủ thời gian xét xử phúc thẩm[4].
3. Bổ sung quy định áp dụng thủ tục rút gọn trong xét xử các vụ án hành chính
Khoản 4 Điều 103 Hiến pháp năm 2013 quy định “TAND xét xử tập thể và quyết định theo đa số, trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn”. Việc quy định thủ tục rút gọn trong hoạt động xét xử góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Tòa án, tạo cơ sở pháp lý để Tòa án xử lý hoặc giải quyết nhanh chóng các vi phạm hoặc các tranh chấp phát sinh trong xã hội mà vẫn bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Bên cạnh đó, việc áp dụng thủ tục rút gọn sẽ giảm nhẹ đáng kể thời gian, vật chất cho hoạt động tố tụng của Tòa án, giảm nhẹ đáng kể chi phí tố tụng, thời gian, công sức của các đương sự cho việc tham gia tố tụng tại Tòa án[5]. Hiện nay, thủ tục xét xử rút gọn đã được Bộ luật Tố tụng hình sự và Bộ luật Tố tụng dân sự đề cập đến[6], trong khi đó Luật TTHC chưa có những điều khoản cụ thể quy định về thủ tục này. Do đó, Luật TTHC cần sớm bổ sung quy định này để đảm bảo sự phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013.
4. Sửa đổi về thẩm quyền xét xử phúc thẩm, thẩm quyền xét lại bản án theo thủ tục giám đốc thẩm và tái thẩm vụ án hành chính
Chúng tôi cho rằng, quy định của pháp luật TTHC về thẩm quyền xét xử phúc thẩm, thẩm quyền xét lại bản án theo thủ tục giám đốc thẩm và tái thẩm cần thay đổi cho phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức TAND năm 2014. Theo quy định tại khoản 2 Điều 102 Hiến pháp năm 2013 thì TAND gồm TAND tối cao và các Tòa án khác do luật định. Quy định này đã được Luật Tổ chức TAND năm 2014 triển khai tại Điều 3, cụ thể: tổ chức TAND bao gồm TAND tối cao, TAND cấp cao, TAND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương và Tòa án quân sự. Như vậy, so với quy định của Luật Tổ chức TAND năm 2002 thì Tòa án cấp cao là tòa án mới được thành lập nên hiện nay Luật TTHC chưa có quy định về thẩm quyền giải quyết của Tòa án cấp này.
Nhiệm vụ và quyền hạn của TAND tối cao, TAND cấp cao, TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện được Luật Tổ chức TAND năm 2014 quy định tại các Điều 20, 29, 37, 44. Từ các điều luật này có thể tóm tắt thẩm quyền theo cấp Tòa án được quy định cụ thể như sau:
- TAND tối cao có các nhiệm vụ và quyền hạn: TAND tối cao là cơ quan xét xử cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của các Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo quy định của luật tố tụng; giám đốc việc xét xử của các Tòa án khác, trừ trường hợp do luật định; tổng kết thực tiễn xét xử của các Tòa án, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử; đào tạo; bồi dưỡng Thẩm phán, Hội thẩm, các chức danh khác của TAND; quản lý các TAND và Tòa án quân sự về tổ chức theo quy định của Luật này và các luật có liên quan, bảo đảm độc lập giữa các Tòa án; trình Quốc hội dự án luật, dự thảo nghị quyết; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết theo quy định của luật.
- TAND cấp cao có nhiệm vụ chủ yếu: một là, phúc thẩm vụ việc mà bản án, quyết định sơ thẩm của TAND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của luật tố tụng; hai là, giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ bị kháng nghị theo quy định của luật tố tụng.
- TAND cấp tỉnh có các nhiệm vụ và quyền hạn sau: sơ thẩm vụ việc theo quy định của pháp luật; phúc thẩm vụ việc mà bản án, quyết định sơ thẩm của TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của pháp luật; kiểm tra bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương, khi phát hiện có vi phạm pháp luật hoặc có tình tiết mới theo quy định của luật tố tụng thì kiến nghị với Chánh án TAND cấp cao, Chánh án TAND tối cao xem xét, kháng nghị; giải quyết việc khác theo quy định của pháp luật.
- TAND cấp huyện có các nhiệm vụ sơ thẩm vụ việc theo quy định của pháp luật và giải quyết việc khác theo quy định của pháp luật.
Từ các quy định trên, có thể thấy theo Luật Tổ chức TAND năm 2014 thì nhiệm vụ và quyền hạn của Tòa án các cấp có nhiều điểm khác biệt so với quy định của Luật Tổ chức TAND năm 2002, cụ thể TAND tối cao không còn nhiệm vụ xét xử phúc thẩm, TAND cấp tỉnh không còn chức năng xét lại bản án theo thủ tục giám đốc thẩm và tái thẩm, đặc biệt thành lập thêm TAND cấp cao để xét xử phúc thẩm bản án, quyết định của TAND cấp tỉnh và giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của TAND cấp tỉnh và TAND cấp huyện. Với những điểm mới như vậy, để bảo đảm sự đồng bộ với quy định của Luật Tổ chức TAND năm 2014, theo chúng tôi Luật TTHC cần có những sửa đổi sau:
- Thứ nhất, Luật TTHC cần bổ sung điều luật quy định thẩm quyền giải quyết của TAND cấp cao với nội dung: TAND cấp cao có nhiệm vụ xét xử phúc thẩm vụ án hành chính đối với các bản án, quyết định của TAND cấp tỉnh chưa có hiệu lực pháp luật khi bị kháng cáo, kháng nghị; giám đốc thẩm, tái thẩm vụ án hành chính đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp tỉnh và TAND cấp huyện và tương đương bị kháng nghị. Đề xuất này được đưa ra trên cơ sở do TAND cấp cao là cấp Tòa án mới được thành lập theo quy định của Luật Tổ chức TAND năm 2014 nên Luật TTHC trước đây chưa có các điều khoản quy định đối với cấp tòa án này.
- Thứ hai, bỏ đi chức năng xét lại bản án theo thủ tục giám đốc thẩm và tái thẩm vụ án hành chính của Ủy ban Thẩm phán TAND cấp tỉnh đối với bản án, quyết định sơ thẩm vụ án hành chính của TAND cấp huyện đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị. Theo quy định của Luật TTHC hiện nay tại khoản 1 Điều 219 thì “Ủy ban Thẩm phán Toà án cấp tỉnh giám đốc thẩm những vụ án mà bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án cấp huyện bị kháng nghị”. Tuy nhiên, theo Luật Tổ chức TAND năm 2014 thì TAND cấp tỉnh không còn chức năng giám đốc thẩm và tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp huyện khi bị kháng nghị vì hiện nay theo Luật Tổ chức TAND năm 2014 thì thẩm quyền này đã thuộc về TAND cấp cao.
- Thứ ba, đối với thẩm quyền của TAND tối cao thì Luật TTHC cần sửa đổi, bổ sung theo hướng bỏ đi quy định xét xử theo thủ tục phúc thẩm đối với bản án, quyết định của Tòa án cấp tỉnh chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo hoặc kháng nghị theo thủ tục xét xử phúc thẩm vì hiện nay Luật Tổ chức TAND năm 2014 đã trao thẩm quyền này cho TAND cấp cao. Bên cạnh đó, như trong phần trên đã phân tích, theo quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật Tổ chức TAND năm 2014 thì “TAND tối cao giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của các Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo quy định của luật tố tụng”. Chính vì vậy, Luật TTHC cần sửa đổi quy định về thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định bị kháng nghị của TAND tối cao cho phù hợp với quy định của Luật Tổ chức TAND năm 2014./.
        

 
[1] Năm 2011, TAND các cấp đã thụ lý 2323 vụ án hành chính, tăng 672 vụ so với năm 2010. Năm 2012, TAND các cấp đã thụ lý 6.177 vụ, tăng 3.854 vụ (bằng 166%) so với cùng kỳ năm trước. Năm 2013, TAND các cấp đã thụ lý 7.738 vụ, tăng 1.561 vụ (bằng 25%); đã giải quyết, xét xử được 6.430 vụ (đạt 83%), tăng 1688 vụ so với cùng kỳ năm trước; trong đó, giải quyết, xét xử theo thủ tục sơ thẩm 4.671/5.858 vụ; theo thủ tục phúc thẩm 1.751/1.861 vụ và theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm 8/19 vụ (Theo Báo cáo tổng kết và nhiệm vụ trọng tâm của ngành TAND qua các năm 2011, 2012 và 2013).
[2] Lê Việt Sơn (2014), Những điểm mới của Hiến pháp năm 2013 về các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động tố tụng của Tòa án, Tạp chí Kiểm sát, số 10, tr. 12.
[3] Khoản 14 Điều 49 Luật TTHC.
[4] Lê Việt Sơn (2014), Hoàn thiện các quy định về khiếu kiện danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội, danh sách cử tri bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân thuộc thẩm quyền xét xử hành chính của Tòa án, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 24, tr.10.
[5] Trương Hòa Bình (2014), Vấn đề áp dụng thủ tục rút gọn trong xét xử và thành lập tòa giản lược trong hệ thống tòa án nhân dân, Tạp chí Tòa án, số 4, tr.1.
[6] Thủ tục rút gọn được quy định tại Chương XXXIV Bộ luật Tố tụng hình sự và quy định tại Phần thứ Năm để quy định về thủ tục giải quyết việc dân sự - Những loại việc mà các đương sự không có tranh chấp nhưng có yêu cầu Tòa án công nhận hoặc không công nhận một sự kiện pháp lý là căn cứ làm phát sinh quyền, nghĩa vụ dân sự.