Giới hạn quyền cơ bản ở Cộng hòa Liên bang Đức và bài học kinh nghiệm

01/07/2015

Vấn đề giới hạn bằng cách thức nào và đến đâu đối với các quyền cơ bản là một trong những vấn đề phức tạp bậc nhất của khoa học Luật hiến pháp. Sự phức tạp của vấn đề nằm chính trong lý do, cách thức và phạm vi giới hạn những quyền này. Ở nhiều quốc gia khác nhau, trong nhiều trường hợp cụ thể, mặc dù đã tồn tại những nguyên tắc giới hạn quyền nhất định, nhưng vẫn không dễ để đo lường chính xác sự giới hạn, chính vì thế luôn có nhiều quan điểm rất khác nhau, thậm chí trái ngược nhau hoàn toàn về câu hỏi: giới hạn quyền, nhưng những quyền nào và đến đâu thì vừa? Chính điều này khiến cho việc nghiên cứu cơ chế giới hạn quyền cơ bản trở nên lý thú, mang tính thời sự, thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới học giả và những người làm công tác thực tiễn trên thế giới. Bài viết phân tích phương thức giới hạn các quyền cơ bản ở Cộng hòa Liên bang (CHLB) Đức, từ đó đưa ra các nhận định riêng và giải pháp góp phần hoàn thiện cơ chế giới hạn quyền mới được quy định tại Hiến pháp Việt Nam năm 2013. 
Untitled_216.png
Ảnh minh họa: (Nguồn internet)
1.  Những phương thức giới hạn quyền cơ bản ở Đức
Từ nội dung của Luật Cơ bản (Hiến pháp) và thực tiễn xét xử ở CHLB Đức, các phương thức giới hạn quyền cơ bản có thể được tóm lược như sau:
Ở CHLB Đức, việc xác định cơ chế giới hạn quyền ra sao được tiến hành theo nguyên tắc phân tích hai bước (two stage- theory): Bước 1 làm rõ vấn đề phạm vi quyền trong Hiến pháp được xác định ra sao; Bước 2 làm rõ vấn đề Hiến pháp có tiếp tục cho phép tồn tại sự giới hạn quyền khác không. Hay nói cách khác, bước này cần làm rõ có việc ủy quyền trong Hiến pháp cho phép một “quy định Hiến pháp phụ” (a sub-constitutional law) hay không.
a)  Phương thức giới hạn hiến định
Giới hạn hiến định là việc giới hạn trực tiếp bởi những câu chữ trong Hiến pháp.
Ví dụ khoản 2 Điều 8 Hiến pháp Đức cho phép công dân Đức có “quyền biểu tình một cách ôn hòa và không vũ khí”. Như vậy, quy định này loại trừ việc biểu tình có vũ trang hoặc không ôn hòa.
Hoặc khoản 1 Điều 2 Hiến pháp Đức đã giới hạn quyền phát triển tính cách của mỗi người bằng quy định: Mỗi người đều có quyền  phát triển tính cách riêng của mình trong phạm vi mà người đó không xâm phạm đến quyền tự do của những người khác, không vi phạm trật tự hợp hiến hay luân lý đạo đức”.
Bảng tóm lược một số quyền cơ bản trong Hiến pháp của Đức
Điều 1. Bảo vệ nhân phẩm
Điều 2. Các quyền tự do cá nhân
Điều 11. Tự do đi lại
Điều 3. Quyền bình đẳng trước pháp luật
Điều 12. Tự do lựa chọn nghề nghiệp, chỗ làm việc và cơ sở đào tạo nghề
Điều 4. Tự do tín ngưỡng, lương tâm và tự do tôn giáo và thế giới quan
Điều 12 a. Quyền cơ bản trong việc thực hiện nghĩa vụ quân sự
Điều 5. Tự do ngôn luận; quyền tiếp cận thông tin; Tự do nghiên cứu và giảng dạy; quyền tự do báo chí, tự do truyền tải qua phương tiện truyền thông và tự do phim ảnh; tự do nghệ thuật và khoa học
Điều 13. Bất khả xâm phạm về chỗ ở
 
Điều 6. Bảo vệhôn nhân, gia đình và con ngoài giá thú
Điều 14. Quyền sở hữu, quyền thừa kế
Điều 7. Các quyền cơ bản về giáo dục
Điều 15. Quyền được bồi thường khi quốc hữu hóa
Điều 8. Quyền tự do hội họp
Điều 16. Quyền đối với quốc tịch, nghiêm cấm việc trục xuất công dân Đức ra nước ngoài
Điều 9. Quyền lập hội và lập công ty
Điều 16 a. Quyền tỵ nạn chính trị
Điều 10. Các quyền cơ bản về bí mật cá nhân
Điều 17. Quyền kiến nghị/ khiếu nại
Điều 19. Các nguyên tắc giới hạn quyền cơ bản, đảm bảo quyền khởi kiện khi các quyền cơ bản bị xâm phạm.
b)  Phương thức giới hạn bởi luật hoặc trên cơ sở một đạo luật
Không phải với tất cả các quyền con người, quyền công dân đều áp dụng một nguyên tắc chung trong Hiến pháp là những quyền này “chỉ có thể bị giới hạn bằng luật”. Trong Hiến pháp Đức, giới hạn bởi luật (durch Gesetz) chỉ được áp dụng đối với một số quyền cơ bản.
Chẳng hạn về các quyền tự do của con người tại Câu 3 khoản 2 Điều 2 , Hiến pháp Đức quy định: “Chỉ dựa trên cơ sở luật (durch Gesetz), Nhà nước mới có thể hạn chế những quyền này”. Hoặc về các quyền tự do ngôn luận, tự do thông tin, tự do báo chí, tự do nghệ thuật và tự do khoa học, khoản 2 Điều 5 Hiến pháp Đức quy định: “Những quyền này bị giới hạn bởi các quy định của các đạo luật chung, các quy định của các luật vì mục đích bảo vệ thanh thiếu niên và bởi quyền tôn trọng danh dự cá nhân”.
Ngoài việc giới hạn bởi luật, Hiến pháp Đức cũng quy định cả trường hợp giới hạn “trên cơ sở một đạo luật” (auf Grund eines Gesetzes). Đó là trường hợp “ủy quyền lập pháp”. Chẳng hạn, khoản 2 Điều 8 Hiến pháp Đức quy định: “Đối với những trường hợp hội họp ở ngoài trời thì quyền này có thể bị hạn chế bởi một đạo luật (durch Gesetz) hoặc trên cơ sở một đạo luật (auf Grund eines Gesetzes)”. Tương tự, khoản 3 Điều 6 cũng có quy định những điều kiện tương tự: “Trẻ em chỉ được phép tách khỏi gia đình trái với mong muốn của người có quyền giáo dục trẻ em dựa trên cơ sở của một đạo luật (auf Grund eines Gesetzes), nếu người có quyền giáo dục trẻ em từ chối hoặc trẻ em bị đe dọa bỏ rơi vì các lý do khác”.
Theo Điều 80 Hiến pháp Đức[1], Chính phủ liên bang, các bộ trưởng liên bang hoặc các Chính phủ bang có thể được ủy quyền bởi luật để ban hành sắc luật (Rechtsverordnungen).
c)  Phương thức giới hạn gắn với trật tự hiến pháp
Hiến pháp trong nhiều trường hợp có thể không quy định cụ thể giới hạn đối với một số quyền cơ bản. Hay nói cách khác, tại những điều khoản này, Hiến pháp không trực tiếp đưa ra một giới hạn cụ thể nào. Ví dụ, khoản 1 Điều 4 Hiến pháp quy định ngắn gọn rằng: “Tự do về tín ngưỡng, nhận thức và tự do theo một tôn giáo hoặc tự do theo một  thế giới quan nào đó là bất khả xâm phạm” hay khoản 3 Điều 5 quy định: “Nghệ thuật và khoa học, nghiên cứu và giảng dạy đều được tự do”. Không đưa ra giới hạn trực tiếp tại điều luật đó, nhưng hoàn toàn sai lầm nếu hiểu rằng những quyền này là vô hạn và bất cứ ai cũng có thể lợi dụng những quyền này để xâm hại lợi ích chung hay lợi ích của các cá nhân, tổ chức khác.
Từ đây cũng phát sinh một câu hỏi: Vậy khi các quyền này xung đột nhau thì ở Đức họ giải quyết như thế nào?
Trong một vụ việc thực tế khi có xung đột giữa các quyền cơ bản, Tòa án Hiến pháp liên bang Đức thường dựa trên sự cân nhắc giữa các lợi ích, thứ bậc ưu tiên giữa các quyền cơ bản để đưa ra phán quyết.
Vụ án hiến pháp Mephisto nổi tiếng ở Đức là một ví dụ: Trong cuốn tiểu thuyết Mephisto, tác giả Klaus Mann đã mô tả nhân vật Hoefgen (một nhân vật làm nghề diễn viên trong thời kỳ đế chế thứ ba do Gustaf Gründgens[2] thủ vai), với ý ám chỉ những người làm nghề này (như Gustaf Gründgens) là kẻ cơ hội, thấp kém, hèn hạ. Giải quyết trường hợp này Tòa án Hiến pháp liên bang đã khẳng định: Ở đây có sự xung đột giữa quyền tự do ngôn luận, tự do thể hiện các ý tưởng nghệ thuật được quy định ở khoản 1, khoản 3 Điều 5 xung đột với phẩm giá và tự do phát triển cá tính được bảo vệ ở Điều 1 và Điều 2 Hiến pháp. Tòa án Hiến pháp đã đồng ý rằng quyền lợi của Gustaf Gründgens phải được ưu tiên bảo vệ vì nó liên quan đến nhân phẩm của con người - giá trị cao nhất của Hiến pháp. Hệ quả là cuốn tiểu thuyết Mephisto đã bị cấm xuất bản[3].
Hay một ví dụ khác: Vào năm 1969, một nhóm người đã dùng vũ lực tấn công bất ngờ vào căn cứ quân sự ở làng Lebach. Nhóm này đã giết chết bốn người lính và lấy đi nhiều vũ khí. Sau đó, những kẻ phạm tội này đã bị bắt và bị xét xử. Một đồng phạm trong số họ tên là B bị kết án 6 năm tù giam. Ngay trước thời điểm B chuẩn bị ra tù năm 1975, kênh truyền hình quốc gia ZDF đã cho phát một bộ phim tài liệu về vụ việc này và nêu tên tất cả những người có liên quan trong đó có B. B đã phát đơn kiện kênh truyền hình ZDF vì cho rằng, việc nêu đích danh tên của B trên truyền hình là đã xâm phạm nghiêm trọng nhân phẩm của B, được bảo vệ tại câu 1 khoản 1 Điều 1 Hiến pháp[4]. Kênh truyền hình ZDF phản bác lại và cũng viện dẫn Điều 5 Khoản 1 Hiến pháp về quyền tự do thông tin[5] để bảo vệ mình. Thẩm phán Tòa án Hiến pháp đã dựa trên nguyên tắc cân nhắc lợi ích các bên và phán xét rằng: Vấn đề đặt ra là B chuẩn bị ra tù và khi phát sóng chương trình này kênh ZDF đã nêu đích danh tên của B. Việc làm này sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đối với việc tái hòa nhập cộng đồng của B. Vì vậy, việc làm của kênh ZDF đã xâm phạm đến nhân phẩm của B, một giá trị cao nhất của Hiến pháp được quy định tại câu 1 khoản 1 Điều 1 của Hiến pháp. Theo Tòa án Hiến pháp liên bang, trường hợp này nhân phẩm con người phải được coi trọng hơn quyền tự do thông tin. Hệ quả là kênh truyền hình ZDF phải công khai xin lỗi và bồi thường thiệt hại cho B[6].
2. Những nguyên tắc giới hạn cụ thể khác
Để đảm bảo nguyên tắc công bằng và bảo vệ tối đa những quyền con người, quyền công dân, Hiến pháp Đức đã quy định các nguyên tắc cơ bản sau:
a)  Nguyên tắc nghiêm cấm lập pháp cá biệt
Xuất phát từ nguyên tắc nghiêm cấm hành xử không công bằng, Hiến pháp Đức tại câu 1 khoản 1 Điều 19 quy định: “Nếu một quyền cơ bản nào trong Hiến pháp này bị giới hạn bởi một đạo luật hoặc trên cơ sở một đạo luật nào cụ thể, thì đạo luật đó phải được áp dụng chung và không là ngoại lệ dành riêng cho một trường hợp cá biệt nào”. Như vậy, với quy định này thì một đạo luật do Nghị viện ban hành không được giới hạn quyền của một nhóm người cụ thể. Đạo luật phải được áp dụng chung, có hiệu lực đối với tất cả mọi người, không phải đối với một cá nhân hay một nhóm người để cưỡng bức họ hoặc tạo đặc quyền cho nhóm này, loại bỏ nhóm khác.
b)  Nguyên tắc nghiêm cấm việc giới hạn làm mất đi bản chất của quyền
Khoản 2 Điều 19 Hiến pháp Đức quy định:“Trong mọi trường hợp, việc giới hạn một quyền cơ bản nào đó không được làm mất đi bản chất cốt lõi của quyền đó”.Khi ban hành một đạo luật nhằm hạn chế quyền của công dân, Nghị viện buộc phải tuân thủ đúng những quy định về thẩm quyền, trình tự thủ tục, hình thức. Chính những ràng buộc phức tạp, khắt khe về mặt thủ tục, cùng với việc Hiến pháp trao cho Tòa án Hiến pháp liên bang quyền tuyên bố một đạo luật là vi hiến nếu đạo luật đó trái với Hiến pháp tại khoản 1 Điều 100 Hiến pháp[7] sẽ góp phần hạn chế những đạo luật vi hiến hoặc làm mất đi bản chất của các quyền cơ bản.
c)  Nguyên tắc  tương xứng
Bất cứ sự can thiệp nào từ phía Nhà nước cũng phải đảm bảo tính phù hợp giữa mục đích và phương tiện lựa chọn để đạt được mục đích có phù hợp, có cần thiết và có tương xứng không.
Chẳng hạn, cậu bé X ăn trộm một quả táo trong siêu thị và đang chuẩn bị bỏ chạy. Một cảnh sát quan sát được hành vi ăn trộm đó của X và đã dùng súng để bắn vào chân của cậu bé. Việc bắn thẳng vào cậu bé là một hành vi không tương xứng với mức độ phạm tội của cậu bé. Ở đây phải cân nhắc giữa hai lợi ích: quyền được sống của cậu bé (Khoản 2 Điều 2 Hiến pháp) và ngăn chặn việc ăn trộm một quả táo.
Một ví dụ khác: câu 1 khoản 7 Điều 15 Luật Săn bắn ở Đức (BjagdG) yêu cầu tất cả những người săn bắn chim ưng (falconer) phải chứng minh kiến thức về vũ khí để được cấp bằng săn bắn. Những người đi săn cho rằng quy định này là vô lý, tạo ra một giới hạn đi ngược lại quyền được tự do hành động theo khoản 1 Điều 2 Hiến pháp. Tòa án Hiến pháp liên bang phán quyết rằng: Mục đích yêu cầu cấp bằng cho những người săn chim ưng thì phải yêu cầu họ có hiểu biết về loài chim ưng và nghề săn bắn chim ưng, chứ không phải là kiến thức về vũ khí. Quy định phải chứng minh kiến thức về vũ khí không phù hợp với mục đích của đạo luật. Do vậy, Tòa án đã kết luận quy định này là vi hiến và cần phải bãi bỏ[8].
Những quy định về hạn chế của quyền cơ bản ở Hiến pháp Đức cho thấy: đa phần các quyền cơ bản không phải là tuyệt đối, chúng cần phải được giới hạn, một mặt để những quyền này không phải là “bánh vẽ” hay những lời hứa suông, mặt khác chúng có tác dụng, hiệu lực trực tiếp, xác lập ranh giới ràng buộc trách nhiệm của cơ quan công quyền. Xã hội luôn thay đổi vì thế cũng đòi hỏi sự ra đời những quy định bảo vệ quyền theo cách hiểu của xã hội hiện đại.
d)  Nguyên tắc giới hạn quyền vì lý do bảo vệ môi trường
Theo Hiến pháp Đức, việc hạn chế quyền cũng có thể được tiến hành trong những trường hợp vì lý do bảo vệ môi trường. Đây là trường hợp nhà lập hiến Đức đã lường tính đến khả năng phát triển bền vững, vì lợi ích chung của cộng đồng và thế hệ tương lai của đất nước. Điều 20a Hiến pháp Đức quy định: “Nhà nước với trách nhiệm đối với các thế hệ tương lai bảo vệ các điều kiện sống cơ bản tự nhiên và động vật trong khuôn khổ của trật tự hiến pháp thông qua lập pháp và theo quy định của luật và lẽ phải thông qua hành pháp và tư pháp.”
Tóm lại, đa phần các quyền là tương đối, chỉ có một số lượng rất ít một số quyền là tuyệt đối, tức không thể bị giới hạn trong bất kỳ trường hợp nào. Cấu trúc các quyền cơ bản và các giới hạn các quyền cơ bản ở Đức cho ta thấy logic rất rõ rằng: Thứ nhất, Hiến pháp sinh ra có chức năng để hạn chế quyền lực nhà nước và ràng buộc trách nhiệm của Nhà nước. Do vậy không thể tồn tại cách quy định theo kiểu Nhà nước ban ơn, hoặc cách quy định trao quyền quá lớn, phạm vi quyết định quá rộng cho Nhà nước. Thứ hai, đối với người dân, các quyền cơ bản cần được mở rộng tới mức được áp dụng trực tiếp, ràng buộc công quyền và tất cả những gì mà luật không cấm, không xâm phạm đến quyền lợi của các chủ thể khác, thì bất cứ cứ ai cũng đều được phép làm.
3. Nhân phẩm - giá trị cao nhất, không thể bị giới hạn theo Luật Hiến pháp  
Sau chiến tranh thế giới thứ hai, khi xây dựng lại đất nước từ trong hoang tàn, đổ nát, có lẽ nhân dân Đức là những người thấu hiểu hơn ai hết sự bạo tàn của chiến tranh, sự phi nhân tính của chủ nghĩa phát xít, cũng như hệ quả đau thương mà nó gây ra. Họ cũng là những người thấu hiểu việc bảo vệ phẩm giá của con người quan trọng và cần thiết như thế nào.
Quy định đầu tiên, trang trọng nhất của Luật Cơ bản của Đức là quy định về nhân phẩm: “Nhân phẩm là bất khả xâm phạm” (câu 1 khoản 1 Điều 1)[9]. Đặc biệt, thông qua quy định của khoản 3 Điều 79 Hiến pháp, vấn đề nhân phẩm là bất khả xâm phạm tại câu 1 khoản 1 Điều 1 Hiến pháp này đã được vĩnh viễn hóa, trở thành một trong những giá trị cao nhất của Hiến pháp Đức. Theo đó, trong mọi trường hợp, quy định “nhân phẩm” tại Điều 1 là không thể sửa đổi.
Chỉ có một câu duy nhất: “Nhân phẩm là bất khả xâm phạm”, nhưng quy định này đã phản ánh đầy đủ tính nhân bản, tính dân tộc và tính thời đại của Hiến pháp Đức. Cũng chỉ bằng một câu duy nhất ấy, người ta có thể thấy được người Đức trân trọng nhất điều gì, đồng thời cũng cho thấy giá trị mà họ muốn hướng tới, muốn bảo vệ là gì.
Theo Giáo sư Luật Hiến pháp Günter Dürig, nhân phẩm quy định ở khoản 1 Điều 1 Hiến pháp Đức không phải là một quyền cơ bản đơn thuần, mà là giá trị khách quan, cao nhất của Hiến pháp, là quy tắc ràng buộc toàn bộ mục đích, nhiệm vụ và hành vi của công quyền. Nhân phẩm bị xâm phạm khi cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền hành xử với con người như một vật thể đơn thuần (bloßes Objekt)[10]. Những hành vi của công quyền như bắt người làm nô lệ, tra tấn, phân biệt đối xử, làm nhục, từ chối cung cấp những điều kiện sống tối thiểu của một con người đều là những hành vi xâm phạm nhân phẩm và vi hiến.
Ở Đức, không một lý do nào có thể biện minh cho việc chà đạp lên phẩm giá của con người, ở bất kỳ hình thức nào. Tất cả mọi người đều được bảo vệ nhân phẩm, không phân biệt người đó là ai, trẻ em hay người trưởng thành, người bị tâm thần hay tội phạm, thậm chí không phụ thuộc vào việc chủ thể đó có nhận thức được về nhân phẩm của mình và nhận thức chúng cần phải được bảo vệ hay không[11].
Không chỉ việc tử hình bị coi là vi phạm nhân phẩm con người[12], mà ngay cả hình phạt tù chung thân (die lebenslange Freiheitsstrafe) không chú ý đến khả năng hoàn lương của con người cũng bị coi là vi phạm nhân phẩm ở Đức. Tòa án Hiến pháp liên bang Đức vào năm 1977 đã ra phán quyết rằng áp dụng hình phạt tù chung thân mà không tạo khả năng giảm án là vi hiến, vì xâm phạm nhân phẩm của con người. Ngày nay ở Đức, một người tù thụ án tù chung thân có thể được giảm án, nếu cải tạo tốt, nhưng sớm nhất là không dưới 15 năm tù giam[13].
Một ví dụ khác: Xuất phát từ nhu cầu thực tế phòng chống nạn khủng bố, đặc biệt là từ vụ việc ngày 11/9/2001 ở Mỹ, vào năm 2005, Nghị viện liên bang Đức đã thông qua Luật An toàn hàng không. Theo khoản 3 Điều 14 của đạo luật này, trong những trường hợp nghiêm trọng, khẩn cấp, cơ quan an ninh quốc gia được phép bắn vào máy bay dân dụng mà kẻ khủng bố sử dụng làm công cụ khủng bố. Tòa án Hiến pháp liên bang trong phán quyết ngày 15/2/2006 đã cho rằng: Quy định này cho phép công quyền coi việc giết người vô tội là công cụ để cứu người khác. Việc giết hại một số ít người vô tội để cứu một số lượng người lớn hơn không thể được hợp pháp hóa, đó chẳng khác gì việc coi con người là một “vật thể đơn thuần”. Quy định này là vi hiến, do xâm phạm đến nhân phẩm và quyền được sống của con người[14].
Cũng liên quan đến vấn đề nhân phẩm của con người, vào năm 1979, ở Đức có một vụ án như sau: Sau khi tiến hành phẫu thuật chuyển giới, B đã đệ đơn đề nghị cơ quan hộ tịch thành phố X tiến hành công nhận việc thay đổi giới tính từ nam sang nữ cho mình, nhưng đã bị cơ quan này từ chối yêu cầu của B. Thời điểm đó ở Đức cũng chưa có luật cho phép việc chuyển giới. Quan điểm của Tòa án Tối cao liên bang là vì chưa có luật nên việc cơ quan hộ tịch từ chối là đúng, nhưng Tòa án Hiến pháp liên bang Đức lại phản bác và kết luận cho rằng: Nhân phẩm con người là giá trị cao nhất, mọi người đều được quyền yêu cầu công nhận giới tính thật của mình, đó thuộc về nhân phẩm con người. Việc cơ quan hộ tịch từ chối đơn đề nghị của B là hành vi vi hiến[15]. Sau đó khoảng một năm, vào ngày 10/9/1980, đạo luật về chuyển giới (Transsexuellengesetz) đã được Nghị viện thông qua, chính thức hợp pháp hóa về phương diện luật việc chuyển đổi giới tính.
Ngày nay, nhiều vấn đề xoay quanh nhân phẩm của con người vẫn gây rất nhiều tranh cãi ở Đức. Chẳng hạn, vấn đề có nên cho phép việc nạo phá thai hay không. Đạo luật cho phép nạo phá thai đầu tiên của Đức năm 1975 đã bị tuyên vi hiến, do Tòa án tuyên bố rằng bào thai đã thành thai cũng thuộc đối tượng bảo vệ của nhân phẩm. Theo Bộ luật Hình sự Đức hiện hành, việc nạo phá thai là bất hợp pháp[16], trừ khi có những bằng chứng cụ thể, được quy định tại Điều 219 Khoản 1 Bộ luật này.
Vấn đề bác sĩ có nên công bố cho người mẹ mang thai về những dị tật bẩm sinh của bào thai hay không cũng là vấn đề có những quan điểm trái ngược nhau. Quan điểm đồng tình thì cho rằng việc thông báo này liên quan trực tiếp đến lợi ích của xã hội, của cha mẹ và của chính đứa trẻ. Cha mẹ có quyền được biết về những dị tật của bào thai, để sớm đưa ra quyết định. Những trẻ em dị tật ra đời nhiều khi là khổ đau cho chính trẻ em và là gánh nặng cho xã hội[17]. Quan điểm phản đối cho rằng: không có gì cao hơn nhân phẩm của con người. Bào thai đã thành thai cũng là đối tượng cần phải được bảo vệ về nhân phẩm. Quyền được sống của một đứa trẻ bị dị tật cũng không kém giá trị hơn quyền được sống của một đứa trẻ không bị dị tật. Việc thông báo về dị tật của bào thai là vi phạm y đức và sẽ có tác động xấu đối với xã hội, làm gia tăng tỷ lệ nạo phá thai. Hay nói cách khác, không có bất kỳ ai có quyền tước đi quyền được sống của một đứa trẻ, cho dù đứa trẻ đó bị dị tật[18].
Cũng liên quan đến vấn đề này, hiện nay việc có nên cho phép nghiên cứu tế bào gốc (stammzellenforschung) hay không, ở Đức cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Việc nghiên cứu tế bào gốc, cấy ghép tế bào thai nhi vẫn bị cấm theo Điều 2, Điều 8 Luật Bảo vệ tế bào gốc (ESchG - Gesetz zum Schutz von Embryonen). Từ góc độ luật hiến pháp, bào thai cũng là đối tượng cần phải được bảo vệ về nhân phẩm theo câu 1 khoản 1 Điều 1 Hiến pháp. Tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến phản đối quy định này. Theo kết quả nghiên cứu của khoa học hiện đại, tế bào thần kinh là loại tế bào khi đã chết đi thì sẽ không có khả năng phục hồi và tái sinh, nhưng nhiều nhà khoa học khẳng định rằng việc nghiên cứu, cấy ghép tế bào bào thai, tế bào gốc và liệu pháp gen để thay thế các tế bào thần kinh đã chết sẽ là một hướng đi nhiều hứa hẹn để giải quyết vấn đề này. Việc ngăn cấm nghiên cứu tế bào gốc, hay cấy ghép tế bào thai nhi là vi phạm quyền tự do trong nghiên cứu khoa học[19].
Vấn đề nhân phẩm ngày nay không những được tranh luận ở tất cả các góc độ từ triết học, sinh học, đạo đức học, y học, luật học ở Đức, mà còn được hiểu và hiện thực hóa ở một phạm vi rất rộng. Theo phán quyết ngày 9/2/2010, Tòa án Hiến pháp liên bang đã khẳng định rằng Luật Trợ cấp xã hội (Hartz IV Gesetz) ra đời là bắt nguồn từ nguyên tắc bảo vệ nhân phẩm tại khoản 1 Điều 1 Hiến pháp và nguyên tắc nhà nước xã hội (Sozialstaatprinzip)[20]. Đạo luật này quy định rằng Nhà nước có trách nhiệm đảm bảo một mức sống tối thiểu đối với tất cả mọi người, đồng thời quy định cụ thể những đối tượng nào, trường hợp nào thì được hưởng trợ cấp xã hội. Theo Tòa án Hiến pháp liên bang, nhân phẩm sẽ không có giá trị ràng buộc trách nhiệm của Nhà nước, nếu như điều kiện sống tối thiểu của một con người cụ thể không được đảm bảo. Chế độ trợ cấp xã hội ở Đức hiện nay được đánh giá là rất tiến bộ, chế độ này ra đời xuất phát từ lý do căn bản là nhằm bảo vệ nhân phẩm con người, tạo sự bình đẳng về cơ hội và điều kiện phát triển tốt nhất cho con người.
Từ những đau thương và những trải nghiệm từ lịch sử, người Đức đã nhận thức được sâu sắc lý do vì sao cần phải bảo vệ nhân phẩm. Nhân phẩm vừa là điểm khởi đầu, nhưng cũng vừa là mục đích cuối cùng của Hiến pháp Đức. Tất cả các quy định khác trong Hiến pháp từ vấn đề các quyền cơ bản cụ thể, đến cơ chế phân công quyền lực, bảo vệ Hiến pháp suy đến cùng cũng vì con người và bảo vệ phẩm giá của con người. Câu chuyện nhân phẩm là vấn đề cũ, nhưng vẫn sẽ luôn mới, vừa là câu chuyện của hôm qua, nhưng cũng là câu chuyện của hôm nay và ngày mai, vừa là vấn đề lịch sử, văn hóa, sinh học, nhưng cũng vừa là vấn đề mang tính thời đại của Hiến pháp.  
4. Bài học kinh nghiệm và kiến nghị hoàn thiện pháp luật Việt Nam
Từ việc phân tích cơ chế giới hạn quyền theo pháp luật Đức, có thể rút ra nhiều bài học, nhưng quan trọng nhất là bài học về việc thông qua cơ chế giới hạn quyền hạn chế tối đa sự can thiệp tùy tiện của Nhà nước; bài học về sự cần thiết thiết lập tòa án độc lập có khả năng giám sát những hành vi công quyền xâm phạm những quyền cơ bản; bài học về nhận thức về các quyền tuyệt đối và việc giới hạn đối với các quyền tương đối; bài học về việc thiết lập các nguyên tắc giới hạn quyền nhằm bảo đảm việc thực hiện quyền; bài học về các phương pháp phân tích giới hạn quyền, đặc biệt là phương pháp phân tích tính tương xứng; bài học về việc tiếp thu các nguyên lý trụ cột của cơ chế bảo vệ quyền con người.
Khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam quy định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Việc Hiến pháp 2013 lần đầu tiên ghi nhận nguyên tắc giới hạn quyền con người là bước tiến lớn trong tư duy lập hiến. Đây là quy định hiện đại, mà mục đích cơ bản của nó không khác gì hơn là việc xác định ranh giới các trường hợp giới hạn quyền có thể xảy ra trên thực tế. Chúng tôi cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật về giới hạn quyền con người, quyền công dân ở Việt Nam theo những hướng căn bản sau:
Thứ nhất, cần giải thích khoản 2 Điều 14 Hiến pháp 2013
Khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 đã không kèm theo những ngoại trừ đối với những quyền tuyệt đối (non-derogable rights) theo luật nhân quyền quốc tế (xem các Điều 4 (2), 6, 7, 8, 11, 15, 16, 18 Công ước quốc tế về các Quyền dân sự, chính trị năm 1966). Vì vậy, cần tiếp tục nghiên cứu khắc phục mâu thuẫn, khiếm khuyết này bằng luật, để ngăn ngừa những hành vi lạm dụng hoặc áp dụng không đúng nguyên tắc này trong thực tế.
Khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 cũng cần được giải thích rõ những thuật ngữ như theo quy định của luật; trong trường hợp cần thiết ; lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.
Các mệnh đề chung về giới hạn quyền, mặc dù được diễn đạt khác nhau trong các Điều ước quốc tế và các hiến pháp, về cơ bản thể hiện ba triết lý. Thứ nhất, nguyên tắc này ghi nhận sự xung đột giữa quyền của người này với quyền của người khác cũng như với lợi ích chung của toàn xã hội. Thứ hai, việc giới hạn quyền được thực hiện thông các quy phạm pháp luật dưới Hiến pháp. Thứ ba, nguyên tắc này đòi hỏi đảm bảo tính tương xứng giữa quyền bị hạn chế với bảo vệ quyền của người khác và lợi ích chung. Tính tương xứng được đảm bảo đồng nghĩa với việc biện pháp giới hạn quyền mang tính hợp hiến.
Thứ hai, cần tiếp nhận phương pháp phân tích tính tương xứng của việc hạn chế quyền
Học thuyết về phân tích tính tương xứng, mặc dù vẫn cần bổ khuyết, đã chứng tỏ sự ưu việt ở nhiều quốc gia, trong đó có nước Đức. Phương pháp tương xứng tồn tại như một học thuyết mà những yếu tố cơ bản của nó được thể hiện bằng việc hiến định mệnh đề giới hạn chung và bằng sự giải thích hiến pháp. Với sự ghi nhận mệnh đề này, Điều 14 Hiến pháp đã tạo ra một nền tảng quan trọng để dần tiếp nhận và vận dụng học thuyết tương xứng.
Không thể có một văn bản nào đó, dù chi tiết đến đâu, có thể giải thích mọi khía cạnh của các nguyên tắc giới hạn quyền vốn rất trừu tượng, để áp dụng cho mọi trường hợp. Do đó, cần phải có một cơ quan chuyên giải quyết các vụ việc về hạn chế quyền. Học thuyết tương xứng đòi hỏi những thẩm phán chuyên nghiệp xử lý, vận dụng nó. Có lẽ chỉ có một cơ quan tài phán hiến pháp với những thẩm phán có chuyên môn sâu về đánh giá tính hợp hiến  mới đủ khả năng thực hiện những lập luận pháp lý về hạn chế quyền vốn rất phức tạp và khác biệt với những vụ việc của những Tòa án thông thường.
Thứ ba, cần hiến định các nguyên tắc về giới hạn quyền trong Hiến pháp
Khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.
Như vậy, việc giới hạn chỉ được đặt ra trong trường hợp cần thiết. Quy định này nhằm bảo đảm rằng việc hạn chế quyền chỉ được đặt ra khi có lý do khách quan, hợp pháp và hợp lý, trên cơ sở có sự nghiên cứu, cân nhắc cẩn thận của Nghị viện.
Những sửa đổi, bổ sung cần thiết lập được danh mục cụ thể những quyền có thể bị giới hạn, hoàn cảnh, điều kiện, mục đích của việc giới hạn, chủ thể có quyền đặt ra và áp dụng những giới hạn, chủ thể phải tuân thủ những giới hạn về quyền. Chỉ khi có những tiêu chuẩn rõ ràng như vậy thì mới ngăn ngừa được tình trạng lạm quyền của chủ thể quyền, cũng như tình trạng tùy tiện đặt ra và áp dụng các giới hạn quyền của các cơ quan, viên chức nhà nước. 
Trong quá trình sửa đổi, bổ sung như trên, để xác định, đánh giá một hạn chế quyền có hợp lý, cần thiết, phù hợp với các quy định của Hiến pháp năm 2013 và luật nhân quyền quốc tế hay không, cần đặt ra những câu hỏi: Việc giới hạn có hủy hoại bản chất cốt lõi của quyền liên quan đến vấn đề đó hay không? Liệu việc hạn chế quyền trên thực tế có tác dụng giảm thiểu tác động tiêu cực của vấn đề không? Có giải pháp nào khác bớt nghiêm khắc hơn không? Đã thử áp dụng các biện pháp đó chưa? Đó là giới hạn bao trùm, hay có độ linh hoạt hợp lý để xử lý các trường hợp cụ thể theo những cách thức khác nhau? Đã chú ý tới các quyền và lợi ích của những người bị ảnh hưởng bởi việc giới hạn quyền chưa? Có biện pháp gì đảm bảo hạn chế sai lầm và việc lạm dụng giới hạn quyền?
Ngoài ra, để đánh giá một hạn chế quyền có phù hợp với mục đích hợp pháp, chính đáng hay không, cần đặt những câu hỏi sau: Vấn đề đang được giải quyết bằng việc đặt ra các giới hạn quyền là gì? Vấn đề đó có đủ tầm quan trọng và sự hợp lý để lý giải cho việc hạn chế quyền trong một xã hội dân chủ hay không?
Thứ tư, cần xây dựng cơ chế phán quyết hữu hiệu về hạn chế quyền, bảo đảm thực thi nguyên tắc về giới hạn quyền của Hiến pháp
Hiến pháp năm 2013 nhấn mạnh việc bảo đảm nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa (khoản 5 Điều 103) - một nguyên tắc rất quan trọng trong việc đảm bảo sự bình đẳng giữa các chủ thể tham gia tố tụng. Muốn bảo vệ quyền con người, quyền công dân, cần có cơ quan tài phán độc lập để giám sát, thẩm định các hành vi của chính quyền xâm phạm đến quyền hiến định của cá nhân. Việc thiết lập Tòa án độc lập và cơ quan nhân quyền quốc gia độc lập để bảo vệ quyền con người, quyền công dân là một việc làm hết sức cần thiết và có ý nghĩa, thậm chí quyết định đến nội dung, tính chất và khả năng hiện thực hóa các nguyên tắc về hạn chế quyền.
Thứ năm, cần bổ sung quy định về bảo vệ nhân phẩm của con người trong Hiến pháp, coi đó là giá trị cao nhất của Hiến pháp
Xã hội luôn thay đổi, vì thế cũng đòi hỏi sự ra đời của những quy định bảo vệ quyền theo cách hiểu của xã hội hiện đại. Tương ứng với mỗi quyền thì cơ chế bảo đảm ở những thời điểm khác nhau với tính chất, mức độ cũng không giống nhau. Nhiều quy định trong Hiến pháp Việt Nam liên quan đến quyền con người, quyền công dân cần tiếp tục có những quy định về thủ tục để đảm bảo thực thi những quyền này. Những quy định thủ tục đó cũng sẽ góp phần khắc phục những lỗ hổng pháp lý mà chính vì những lỗ hổng này quyền con người, quyền công dân chưa được bảo đảm, bảo vệ một cách hiệu quả. Nhân phẩm là cốt lõi, nền tảng, ý nghĩa và mục đích của quyền con người, quyền công dân. Vì vậy, Hiến pháp một số nước đề cập cụ thể đến nhân phẩm theo nghĩa khẳng định giá trị, tầm quan trọng và sự cần thiết phải bảo vệ nhân phẩm.
Chính phẩm giá của con người (nhân phẩm) là nguồn cội của quyền con người, là giá trị vĩnh hằng, phổ quát. Bảo vệ nhân phẩm thực chất là bảo vệ những điều kiện, giá trị căn cốt nhất của con người, bảo vệ những gì tối thiểu để một con người xứng đáng là một NGƯỜI, khiến một con người khác một con vật[21]. Tất cả những quyền cụ thể của con người[22] như quyền được sống, quyền được mưu cầu hạnh phúc, tự do, bình đẳng đều xuất phát từ phạm trù gốc là “phẩm giá con người”. Những hành vi của công quyền như bắt người làm nô lệ, tra tấn, phân biệt đối xử, làm nhục, từ chối cung cấp những điều kiện sống tối thiểu của một con người… đều là những hành vi xâm phạm phẩm giá của con người. Tất cả những vấn đề như có áp dụng hình phạt tử hình hay không, có hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính hay không, có thừa nhận việc nạo phá thai hay không… đều động chạm đến “phẩm giá con người”[23].
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đi khảo sát tình hình thực tế ở một số địa phương, thấy cuộc sống của đồng bào còn nhiều khó khăn, Người đã căn dặn các cán bộ rằng: “Dù có độc lập tự do mà đời sống của đồng bào vẫn còn cực khổ, thì độc lập tự do cũng chẳng có ý nghĩa gì”[24]. Câu nói ấy cho thấy ẩn ý của Người về nghĩa vụ của Nhà nước phải bảo đảm các điều kiện sống tối thiểu của mỗi một con người.
Chính xuất phát từ việc phải bảo vệ nhân phẩm, nên những nhà lập hiến Đức đã đặt ra mục tiêu xây dựng một nhà nước xã hội tại khoản 1 Điều 20[25]. Họ quan niệm, chỉ khi nào xây dựng một nhà nước xã hội, khi mà mọi người đều được đảm bảo một mức sống tối thiểu, thì khi đó vấn đề nhân phẩm của con người mới có khả năng được bảo đảm thực sự[26]. Cốt lõi của nhà nước xã hội là hướng tới an toàn xã hội và công bằng xã hội. Nhà nước có trách nhiệm cân bằng lợi ích xã hội bằng những chính sách điều phối thu nhập thông qua chính sách thuế và phúc lợi xã hội, tạo ra sự bình đẳng về cơ hội cho các thành viên trong xã hội[27]. Theo phán quyết ngày 9/2/2010, Tòa án Hiến pháp liên bang đã khẳng định rằng Luật Trợ cấp xã hội (Hartz IV Gesetz) ra đời là bắt nguồn từ nguyên tắc bảo vệ nhân phẩm tại khoản 1 Điều 1 Hiến pháp và nguyên tắc nhà nước xã hội (Sozialstaatprinzip). Đạo luật này quy định: Nhà nước có trách nhiệm đảm bảo một mức sống tối thiểu (Existenzminimums) đối với tất cả mọi người, đồng thời quy định cụ thể những đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội.
Giáo dục quyền con người là cần thiết, vì nếu thiếu kiến thức cũng dẫn đến thiếu ý thức về quyền, tuy nhiên cần thiết không kém là vấn đề trách nhiệm của Nhà nước phải bảo đảm những điều kiện sống tối thiểu của mỗi một con người, để mỗi người có đầy đủ các điều kiện phát triển các năng lực của mình. Không những thế, cần phải thiết lập những ràng buộc pháp lý chặt chẽ sao cho từng hành vi của công quyền không thể xâm phạm những nhu cầu, lợi ích tự nhiên, chính đáng, vốn có và khách quan của con người.
Nghĩ tới việc bảo vệ phẩm giá con người, trước tiên hãy hướng tới mục tiêu xây dựng một nhà nước xã hội thực sự. Muốn “giáo dục quyền con người”, hãy nghĩ đến mục tiêu không cần phải “tuyên truyền, giáo dục ” về quyền con người, mà mỗi người sẽ chủ động tìm hiểu, đấu tranh bảo vệ nó, như những gì thiết thân nhất, tự nhiên nhất, giống như chốn nương thân của mình. Khi đó, chúng ta có quyền hi vọng rằng “giáo dục về quyền con người” ở Việt Nam sẽ thành công./.
 
[1] Khoản 1 Điều 80 Hiến pháp Đức quy định: “Chính phủ liên bang, các Bộ trưởng liên bang hoặc các Chính phủ bang có thể được ủy quyền bởi luật để ban hành sắc luật (Rechtsverordnungen). Ở đây, nội dung, mục đích và phạm vi ủy quyền phải được xác định trong đạo luật đó. Cơ sở pháp lý về ủy quyền phải được chỉ rõ trong sắc luật. Nếu luật quy định rằng có thể được ủy quyền tiếp, thì để ủy quyền tiếp, cần thiết phải có một sắc luật.”
[2]Gustaf Gründgens (1899-1963) là một trong những diễn viên tài ba và có ảnh hưởng nhất trong thế kỷ thứ 20 của Đức.
[3] Xem phán quyết: BverfGE 30, 173 (Mephisto-Urteil).
[4] Khoản 1 Điều 1 Hiến pháp Đức quy định rằng nhân phẩm của con người là bất khả xâm phạm (unantastbar).
[5] Khoản 1 Điều 5 Hiến pháp Đức quy định rằng mọi công dân đều có quyền tự do thể hiện suy nghĩ của mình bằng lời nói, chữ viết, hình ảnh, có quyền mở rộng và phổ biến nó từ các nguồn có thể truy cập phổ thông không bị hạn chế hay ngăn cấm (ungehindert).
[6] Xem phán quyết: BverfGE 35, 202 (Lebach)
[7] Khoản 1 Điều 100 Hiến pháp Đức quy định: “Nếu một Tòa án cho rằng một đạo luật là vi hiến mà hiệu lực của nó liên quan đến quyết định của mình, thì thủ tục tố tụng tại Tòa án bị đình chỉ và nếu điều đó liên quan đến vi phạm hiến pháp của một bang thì cần trình Tòa án của bang đó có thẩm quyền giải quyết tranh chấp hiến pháp quyết định, nếu điều đó liên quan đến vi phạm Đạo luật cơ bản này thì cần phải trình Tòa án Hiến pháp liên bang quyết định. Điều này cũng được áp dụng, nếu pháp luật bang vi phạm Đạo luật cơ bản này hoặc có sự mâu thuẫn giữa một đạo luật bang với một đạo luật liên bang.”
[8] Xem: Phán quyết BverfGE 55, 159 Falknerjagdschein.
[9] Câu 1 khoản 1 Điều 1 Hiến pháp Đức quy định: “Nhân phẩm là bất khả xâm phạm”. Tòa án Hiến pháp liên bang Đức coi nhân phẩm là giá trị cao nhất của Hiến pháp Đức, không có bất kỳ giá trị nào cao hơn nhân phẩm. Xem: BverfGE 32, 98 (108); 50, 166 (175); 54, 341 (357).
[10]Günter Dürig, in Theodor Maunz/Ders.: Grundgesetz, 1958, Art. 1 Abs. 1 Rn. 28, 34. Sau này định nghĩa về nhân phẩm của Dürig đã được Tòa án Hiến pháp liên bang Đức thừa nhận trở thành định nghĩa có tính chuẩn mực ở Đức. Xem thêm: BVerfGE 27, 1 (6); 28, 386 (391); 45, 187 (228).
[11] BverfGE 39, 1 (41 f.).
[12] Theo Điều 102 Hiến pháp Đức, hình phạt tử hình đã bị bãi bỏ.
[13] Xem Điều 57 a, Bộ luật Hình sự Đức.
[14] BverfGE 357, 05 (05 f.).
[15] BverfGE 49, 286, (301 f).
[16] Xem các Điều từ Điều 218 Bộ luật Hình sự Đức.
[17] Xem thêm: Manssen, Staatsrecht II - Grundrechte, 9. Aufl., 2012, Rn. 220.
[18] Đây cũng là quan điểm chính thức của Tòa án hiến pháp liên bang Đức. Xem: BVerfGE 88, 203 (296).
[19] Xem thêm: Manssen, Staatsrecht II - Grundrechte, 9. Aufl., 2012, Rn. 221 f.
[20] BverfGE 125, 175 ff.
[21] Chẳng hạn, khoản 1 Điều 1 Luật Hiến pháp Đức quy định việc bảo vệ nhân phẩm. Tòa án Hiến pháp liên bang Đức coi nhân phẩm là giá trị cao nhất của Hiến pháp Đức, không có bất kỳ giá trị nào cao hơn nhân phẩm. Xem: BverfGE 32, 98 (108); 50, 166 (175); 54, 341 (357). Câu đầu tiên trong lời nói đầu của Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền năm 1948 cũng nêu rõ: “Việc thừa nhận phẩm giá […] là nền tảng của tự do, công lý và hoà bình thế giới”.
[22] Quyền con người (human rights) là một phạm trù được tiếp cận dưới nhiều góc độ khác nhau, tuy nhiên hiểu một cách chung nhất thì đó là những đảm bảo pháp lý toàn cầu, là những gì con người được phép làm không phân biệt giới tính, chủng tộc, tôn giáo, địa vị xã hội như quyền được sống, quyền được mưu cầu hạnh phúc, tự do, bình đẳng… Những quyền này ai cũng đều có ngay từ khi sinh ra, những quyền ấy đều bắt nguồn từ nhu cầu bảo vệ phẩm giá con người, đơn giản vì ai cũng là những con người (Xem: United Nations, UNHCHR, Freequently Asked Questions on a Human Rightsbased Approach to Development Cooperation, New York and Gevena, 2006, p. 8).
[23] Xem thêm: Nguyễn Minh Tuấn, Chuyện bảo vệ nhân phẩm ở Đức, Tuần Việt Nam, đăng ngày 27/6/2013, truy cập tại địa chỉ:
http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/128790/chuyen-bao-ve-nhan-pham-o-duc.html
[24] Xem: Nguyễn Đăng Dung, Vũ Công Giao, Lã Khánh Tùng (Đồng chủ biên), Giáo trình Lý luận và pháp luật về quyền con người, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà nội, 2009, tr. 13.
[25] Nhà nước xã hội ở Đức là kết quả của một quá trình đấu tranh rất lâu dài từ thời Bismarck đến thời Cộng hòa Weimar và được kế thừa, phát triển trong Luật Cơ bản của Đức. Điều này có nghĩa việc xây dựng một nhà nước xã hội chính là mục đích của Nhà nước Đức. Hiến pháp Đức còn vĩnh viễn hóa nguyên tắc này ở Điều 79 Khoản 3 với tính chất là điều luật vĩnh cửu, ý muốn nói đó là triết lý, là mục đích cao nhất của Nhà nước này.
[26] Günter Dürig, in Theodor Maunz/Ders.: Grundgesetz, 1958, Art. 1 Abs. 1 Rn. 28, 34.
[27] Societaetsverlag và Bộ Ngoại giao Đức, Nước Đức – quá khứ và hiện tại, Societaetsverlag, 2010, tr. 65.