Khung pháp luật riêng về hòa giải thương mại của Uncitral

01/07/2015

Để khuyến khích các bên tranh chấp sử dụng thủ tục hòa giải, đồng thờikiến tạo khung pháp luật thống nhất trên thế giới cho các bên khi tham gia thủ tục hoà giải, Uỷ ban Pháp luật thương mại quốc tế của Liên hợp quốc (UNCITRAL) đã xây dựng Quy tắc hoà giải vào năm 1980 (Quy tắc hòa giải) và Luật mẫu về hoà giải thương mại quốc tếvào năm 2002 (Luật mẫu về hòa giải). Trên cơ sở xem xét các quy định của Quy tắc hòa giải và Luật mẫu về hòa giải, cũng như liên hệ đến điều kiện Việt Nam, bài viết tập trung làm rõ hai vấn đề: thủ tục hòa giải theo Quy tắc hòa giải, vàhòa giải thương mại theo Luật mẫu về hòa giải. 
Untitled_217.png
Ảnh minh họa: (Nguồn internet)
1. Thủ tục hòa giải theo Quy tắc hoà giải năm 1980 của UNCITRAL
Khác với các quy định mang tính bắt buộc của pháp luật, Quy tắc hòa giải được áp dụng hoàn toàn dựa trên sự thỏa thuận của các bên[1]. Quy tắc hòa giải được coi là một trong hai thành tựu quan trọng nhất (cùng với Quy tắc trọng tài năm 1976) trong tiến trình hoàn thiện các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế của UNCITRAL từ khi UNCITRAL được thành lập[2]. Quy tắc hòa giải được quy định rất súc tích, gồm 20 Điều và một Thỏa thuận hòa giải mẫu[3], hàm chứa các điểm then chốt sau:
Thứ nhất, Quy tắc hòa giải đề cao tính tự do và tự nguyện của các bên tranh chấp ở tất cả các bước của quá trình hòa giải[4]. Chẳng hạn, Quy tắc hòa giải chỉ được áp dụng nếu các bên tranh chấp thỏa thuận sử dụng nó cho tranh chấp giữa họ. Các bên có thể thỏa thuận loại bỏ hoặc sửa đổi một trong các quy định của Quy tắc hòa giải tại bất kỳ thời điểm nào[5]. Việc hòa giải chỉ được bắt đầu khi có sự đồng ý của cả các bên tranh chấp[6]. Quy tắc hòa giải cũng bao hàm nhiều quy định, trong đó thể hiện sự kiểm soát và lựa chọn bởi các bên tranh chấp, đặc biệt các vấn đề liên quan tài chính[7]. Ví dụ, hòa giải viên có thể có được sự hỗ trợ hành chính của tổ chức, cá nhân thích hợp nhưng trước tiên phải có sự đồng ý của các bên tranh chấp[8].
Thứ hai, Quy tắc hòa giải trao cho hòa giải viên quyền hành xử mềm dẻo khi tiến hành hòa giải, chỉ với yêu cầu là phải hành xử một cách “vô tư và độc lập”[9] và phải “tuân thủ nguyên tắc khách quan, công bằng và công lý”[10]. Hòa giải viên có thể đưa ra đề xuất/giải pháp giải quyết vụ việc tại bất kỳ thời điểm nào của quá trình hòa giải[11]. Ngay sau khi được chỉ định, hòa giải viên có quyền yêu cầu từng bên nộp bản tường trình tóm tắt về vụ việc, về quan điểm của mình[12]. Tại bất kỳ thời điểm nào của quá trình hòa giải, hòa giải viên cũng có thể yêu cầu một bên nộp cho mình các thông tin bổ sung cần thiết; có thể mời các bên tới gặp (cùng lúc hoặc riêng rẽ) hoặc liên lạc với hòa giải viên[13].
Thứ ba, Quy tắc hòa giải phân biệt rõ ràng thủ tục hòa giải với các thủ tục tài phán (trọng tài hay tòa án). Quy tắc hòa giải không khuyến khích việc sử dụng thủ tục trọng tài hay tòa án khi đang tiến hành hòa giải: “Các bên cam kết trong quá trình hòa giải, không tiến hành bất cứ thủ tục tố tụng nào tại Tòa án hoặc trọng tài đối với tranh chấp là đối tượng của quá trình hòa giải, trừ trường hợp một bên có thể tiến hành thủ tục tố tụng này nếu cho rằng thủ tục đó là cần thiết để bảo vệ quyền lợi của mình”[14]. Quy tắc hòa giải cũng ngăn cấm các bên và hòa giải viên thực hiện các hành vi nhất định trong các phương thức giải quyết tranh chấp sau đó. Hòa giải viên sẽ không được làm trọng tài viên, người đại diện, chuyên gia tư vấn của một bên tranh chấp hay người làm chứng trong thủ tục tố tụng tòa án hoặc trọng tài đối với tranh chấp là đối tượng của quá trình hòa giải[15]. Các bên tranh chấp không được viện dẫn hoặc không được đề nghị xem xét như chứng cứ trong thủ tục tố tụng tòa án hoặc trọng tài cho dù các thủ tục tố tụng đó có liên quan tới tranh chấp là đối tượng của quá trình hòa giải các vấn đề sau đây: (i) Các quan điểm hoặc đề nghị mà bên kia đưa ra về giải pháp cho tranh chấp; (ii) Các sự việc được bên kia thừa nhận trong quá trình hòa giải; (iii) Các đề xuất mà hòa giải viên đưa ra; (iv) Việc bên kia sẵn sàng chấp nhận đề xuất giải quyết tranh chấp mà hòa giải viên đưa ra[16]. Tuy nhiên, cũng có học giả cho rằng, quy định về những hành vi hòa giải viên không được làm trong các phương thức giải quyết tranh chấp sau đó và việc không được viện dẫn như chứng cứ các nội dung hòa giải nêu trên không thực sự liên quan tới các thủ tục tố tụng sau đó mà chỉ nhằm làm tăng sự cởi mở của các bên trong quá trình hòa giải và theo đó sẽ làm giảm khả năng phải tiếp tục các thủ tục tố tụng sau đó[17]. Khác với thủ tục trọng tài và tòa án, các bên tranh chấp trong thủ tục hòa giải gánh chịu chi phí hòa giải ngang bằng nhau, trừ khi các bên có thỏa thuận khác. Điều này phản ánh ý niệm rằng, hòa giải là thủ tục hướng đến kết quả đôi bên cùng thắng (win-win result)[18].
Về quá trình hòa giải
Khởi nguồn của thủ tục hòa giải là việc một bên tranh chấp gửi cho bên kia thư đề nghị hòa giải theo Quy tắc hòa giải, trong đó nêu vắn tắt nội dung tranh chấp[19]. Nếu bên kia đồng ý, việc hòa giải được bắt đầu.[20] Một hòa giải viên sẽ được chỉ định hỗ trợ giải quyết vụ việc, trừ khi các bên có thỏa thuận là có 2 hay 3 hòa giải viên[21]. Các bên tranh chấp sẽ gửi văn bản tóm tắt vụ việc tranh chấp và quan điểm của mình cho hòa giải viên. Hòa giải viên có thể yêu cầu các bên cung cấp thêm thông tin ở bất kỳ thời điểm nào của quá trình hòa giải[22]. Các bên tranh chấp có thể chọn người đại diện hoặc hỗ trợ cho mình, chẳng hạn luật sư hay các chuyên gia tư vấn[23]. Hòa giải viên trợ giúp các bên tranh chấp tìm kiếm giải pháp theo thỏa thuận cho tranh chấp giữa họ[24]. Khi hòa giải viên thấy rằng, có những nội dung tranh chấp có thể được cả hai bên chấp thuận thì hòa giải viên soạn thảo các điều khoản thỏa thuận giải quyết tranh chấp và đưa cho các bên xem xét. Nếu các bên đạt được thỏa thuận về việc giải quyết tranh chấp và ký vào biên bản thỏa thuận giải quyết tranh chấp thì các bên kết thúc tranh chấp và chịu sự ràng buộc của thỏa thuận đó[25]. Trong trường hợp các bên tranh chấp hoặc hòa giải viên thấy giải pháp giải quyết tranh chấp là không thể đạt được thì họ có thể chấm dứt quá trình hòa giải[26].
Về chỉ định hòa giải viên
Quy tắc hòa giải đưa ra phương án chỉ định hòa giải viên cho ba trường hợp hòa giải: (i) Nếu hòa giải với một hòa giải viên, các bên cố gắng thống nhất chỉ định một hòa giải viên nào đó; (ii) Nếu hòa giải với hai hòa giải viên, mỗi bên chỉ định một hòa giải viên; (iii) Nếu hòa giải với ba hòa giải viên, mỗi bên chỉ định một hòa giải viên và cùng cố gắng thống nhất chỉ định hòa giải viên thứ ba[27].
Các bên cũng có thể nhờ sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong việc chỉ định hòa giải viên. Cụ thể là một bên có thể đề nghị tổ chức, cá nhân giới thiệu hòa giải viên hoặc các bên có thể thỏa thuận đề nghị tổ chức, cá nhân trực tiếp chỉ định một hoặc nhiều hòa giải viên. Tổ chức, cá nhân giới thiệu/chỉ định hòa giải viên phải đảm bảo hòa giải viên đó phải vô tư và độc lập trong giải quyết vụ việc. Trong trường hợp giới thiệu/chỉ định hòa giải viên duy nhất hoặc hòa giải viên thứ ba (trong vụ việc có ba hòa giải viên) thì tổ chức, cá nhân đó phải tính tới khả năng chỉ định hòa giải viên có quốc tịch khác với quốc tịch của các bên[28].
Về cung cấp thông tin và bí mật thông tin
Hòa giải viên khi nhận được thông tin có liên quan tới tranh chấp của một bên sẽ thông báo cho bên kia nội dung thông tin đó để bên kia có cơ hội trình bày các lập luận giải trình, trừ trường hợp bên cung cấp thông tin yêu cầu hòa giải viên giữ bí mật thông tin được cung cấp[29].
Hòa giải viên và các bên phải giữ bí mật về mọi vấn đề liên quan tới quá trình hòa giải cũng như thỏa thuận giải quyết tranh chấp, trừ khi việc cung cấp các thông tin liên quan tới thỏa thuận giải quyết tranh chấp là cần thiết để thi hành nó[30].
2. Hoà giải thương mại theo Luật mẫu về hòa giải thương mại quốc tế 2002 của UNCITRAL
Khác với Quy tắc hòa giải - các quy định được áp dụng để hòa giải dựa vào sự thỏa thuận của các bên, Luật mẫu về hòa giải được ban hành nhằm kiến tạo một khung pháp lý thống nhất giữa các nước về hòa giải, tạo ra môi trường pháp lý khuyến khích thủ tục hòa giải và giúp các bên tham gia thủ tục hòa giải tránh bị ảnh hưởng tiêu cực bởi pháp luật của nhà nước. Luật mẫu về hòa giải được Ủy ban pháp luật thương mại quốc tế thông qua ngày 24/6/2002 theo nguyên tắc đồng thuận. Ngày 19/11/2002, tại khóa họp toàn thể thứ 52, Đại hội đồng Liên hợp quốc cũng thông qua Nghị quyết khuyến nghị tất cả các quốc gia xem xét nghiêm túc việc sử dụng và nội luật hóa Luật mẫu về hòa giải nhằm đảm bảo sự hài hòa trong các quy định pháp luật về giải quyết tranh chấp và đáp ứng những yêu cầu đặc thù của thực tiễn hòa giải thương mại quốc tế[31]. Nhìn chung, Luật mẫu về hòa giải được xây dựng phần lớn dựa trên các quy định trong Quy tắc về hòa giải[32]. Các vấn đề cơ bản về hòa giải thương mại quốc tế được Luật mẫu về hòa giải quy định như sau:
Khái niệm hòa giải
Theo khoản 3 Điều 1 Luật mẫu về hoà giải: “hòa giải là một thủ tục được gọi bằng cụm từ hòa giải, trung gian hay một cụm từ khác có nghĩa tương đương, trong đó các bên yêu cầu một bên thứ ba (hòa giải viên) hỗ trợ mình đạt được thỏa thuận giải quyết tranh chấp liên quan tới quan hệ hợp đồng hay mối quan hệ pháp lý khác”. 
Như vậy, hòa giải được hiểu là một thủ tục trong đó một người hay một nhóm người (hòa giải viên) sẽ trợ giúp các bên trong việc giải quyết tranh chấp. Theo định nghĩa này, có thể thấy, khác với phương thức giải quyết tranh chấp bằng thương lượng (negotiation) - chỉ có sự tham gia của các bên tranh chấp, trong hòa giải có sự tham gia trợ giúp của bên thứ ba (hòa giải viên). Khác với trọng tài, trong hòa giải, các bên tranh chấp hoàn toàn làm chủ trong suốt quá trình giải quyết tranh chấp đến kết quả cuối cùng. Sự trợ giúp của người thứ ba (hòa giải viên) mang tính trung lập và người thứ ba không có quyền (khác với trọng tài) áp đặt giải pháp/kết quả giải quyết tranh chấp cho các bên[33].
Định nghĩa này cũng như các quy định khác của Luật mẫu về hòa giải cũng cho thấy rõ mô hình hòa giải của UNCITRAL. Mô hình tổ chức, hoạt động hòa giải ở một số nước phát triển cũng như trong khu vực châu Á thường được tổ chức theo một trong ba mô hình: Mô hình tổ chức hòa giải độc lập; Mô hình tổ chức hòa giải kết hợp với trọng tài và các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế khác ngoài tòa án; Mô hình hòa giải gắn kết với tòa án[34]. Ở đây, mô hình hoà giải của UNCITRAL được tổ chức theo mô hình hoà giải độc lập. Các bên có thể tự do lựa chọn một hoà giải viên hoạt động độc lập riêng biệt với toà án và trọng tài.
Thủ tục hòa giải
Luật mẫu về hòa giải đã dành phần lớn quy định cho các vấn đề then chốt của thủ tục hòa giải như: Bắt đầu thủ tục hòa giải; các phương thức tiến hành hòa giải mà các bên có thể thỏa thuận; lựa chọn/chỉ định hòa giải viên; liên lạc giữa hòa giải viên và các bên; cung cấp thông tin; bí mật thông tin; việc sử dụng chứng cứ thu được từ thủ tục hòa giải vào thủ tục khác; trách nhiệm của hòa giải viên và các bên liên quan; chấm dứt thủ tục hòa giải; thi hành thoả thuận đạt được sau thủ tục hoà giải[35].
- Thủ tục hòa giải được coi là bắt đầu vào ngày các bên tranh chấp đạt được thỏa thuận về việc tiến hành thủ tục hòa giải. Nếu bên đưa ra đề nghị hòa giải không nhận được trả lời đồng ý của bên kia trong vòng 30 ngày kể từ ngày gửi đề nghị hòa giải hoặc trong thời hạn khác được ghi rõ trong đề nghị thì có nghĩa là bên được đề nghị từ chối tiến hành hòa giải[36].
- Các bên tranh chấp được trao quyền tự do trong việc xác định phương thức hòa giải, chẳng hạn có thể viện dẫn một quy tắc hòa giải nào đó[37]. Chỉ khi các bên không thỏa thuận được về phương thức tiến hành hòa giải thì hòa giải viên mới có quyền tiến hành thủ tục hòa giải theo phương thức mà mình cho là phù hợp nhất.
- Không giống với trọng tài thương mại quốc tế, thông thường ban trọng tài bao gồm ba thành viên, trong các vụ hoà giải thương mại, các bên thường chỉ mời một hoà giải viên giải quyết tranh chấp. Luật mẫu về hòa giải cũng quy định việc hòa giải nói chung được giải quyết chỉ bởi một hòa giải viên duy nhất, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác[38].
Luật mẫu về hòa giải khuyến khích các bên thoả thuận lựa chọn hoà giải viên. Nguyên tắc thoả thuận lựa chọn này giúp các bên có thể kiểm soát và tin tưởng vào quá trình hoà giải. Trong trường hợp hai bên không đồng thuận về việc lựa chọn hoà giải viên, các bên có thể tham khảo ý kiến của cơ quan hoặc người thứ ba liên quan[39]. Cơ quan, người thứ ba phải giới thiệu/chỉ định hòa giải viên đảm bảo tính độc lập, vô tư khi giải quyết vụ việc. Do đối tượng của Luật mẫu về hòa giải là các tranh chấp thương mại quốc tế, để đảm bảo tính độc lập và vô tư của hòa giải viên, Luật mẫu về hòa giải quy định rằng, trong trường hợp cần thiết, hòa giải viên được giới thiệu/chỉ định phải có quốc tịch khác với quốc tịch của các bên tranh chấp[40].
- Trong suốt quá trình hòa giải, hòa giải viên có trách nhiệm tự thân khai báo về các tình huống, yếu tố có thể ảnh hưởng tới sự độc lập và vô tư của mình khi hòa giải[41]. Hòa giải viên phải giải quyết một cách công bằng vụ việc tranh chấp giữa các bên[42].
Cho dù không nắm vai trò áp đặt/quyết định kết quả giải quyết vụ việc như trọng tài, với vai trò hỗ trợ của mình, tại bất kỳ thời điểm nào của quá trình hòa giải, hòa giải viên đều có quyền đưa ra các đề xuất/giải pháp để giải quyết vụ việc[43]. Trong quá trình giải quyết vụ việc, hòa giải viên có quyền gặp trực tiếp hoặc liên lạc với các bên tranh chấp một cách riêng rẽ hoặc cùng lúc[44]. Hòa giải viên có quyền truyền đạt nội dung thông tin do một bên tranh chấp cung cấp cho bên tranh chấp kia, trừ trường hợp bên cung cấp thông tin yêu cầu hòa giải viên phải giữ bí mật thông tin đó[45]. Tuy nhiên, hòa giải viên không được thực hiện chức năng trọng tài đối với cùng vụ tranh chấp đã hoặc đang tiến hành hòa giải, đối với các tranh chấp khác phát sinh từ cùng một hợp đồng hoặc quan hệ pháp luật, hoặc phát sinh từ bất kỳ hợp đồng hoặc quan hệ pháp luật có liên quan[46].
- Theo Luật mẫu về hòa giải, tất cả các thông tin liên quan đến quá trình hòa giải đều phải được giữ bí mật. Việc tiết lộ thông tin chỉ được đặt ra trong trường hợp các bên có thỏa thuận hoặc thuộc trường hợp pháp luật quy định hoặc việc tiết lộ đó là cần thiết cho việc thi hành thỏa thuận đạt được sau hòa giải[47].
- Hòa giải viên, các bên tranh chấp hay bất kỳ bên thứ ba nào không được viện dẫn hay cung cấp các chứng cứ thu được từ thủ tục hòa giải sau đây hoặc người làm chứng liên quan đến các chứng cứ đó vào thủ tục tố tụng khác (như trọng tài, tòa án): (i) Đề nghị hòa giải của một bên gửi cho bên kia hoặc việc một bên sẵn sàng tham gia thủ tục hòa giải; (ii) Quan điểm, đề xuất mà một bên đưa ra trong quá trình hòa giải liên quan đến giải pháp giải quyết vụ việc; (iii) Các tuyên bố hay tình tiết được một bên đưa ra hay thừa nhận trong quá trình hòa giải; (iv) Các đề xuất do hòa giải viên đưa ra; (v) Việc một bên thể hiện sự sẵn sàng chấp nhận đề xuất giải pháp giải quyết vụ việc do hòa giải viên đưa ra; (vi) Tài liệu được lập chỉ để phục vụ mục đích tiến hành thủ tục hòa giải[48]. Các thông tin này nếu được tiết lộ như là chứng cứ ở các thủ tục khác thì sẽ bị coi là vô hiệu[49].
Tuy nhiên, các thông tin nêu trên sẽ được phép tiết lộ nếu có lệnh của Hội đồng trọng tài, Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Chúng cũng có thể được tiết lộ, cung cấp trong phạm vi cần thiết cho việc thi hành thỏa thuận đạt được sau hòa giải[50].
- Thủ tục hòa giải được coi là chấm dứt vào một trong các thời điểm sau: (i) vào ngày các bên đạt được thỏa thuận hòa giải thành; (ii) vào ngày hòa giải viên, sau khi tham khảo ý kiến của các bên, xác định rằng không cần thiết phải tiếp tục các nỗ lực hòa giải nữa; (iii) vào ngày các bên tuyên bố với hòa giải viên việc chấm dứt thủ tục hòa giải; (iv) vào ngày một bên tuyên bố với bên hoặc các bên kia và với hòa giải viên, nếu có, việc chấm dứt thủ tục hòa giải[51].
- Nguyên tắc của Luật mẫu về hòa giải là nếu các bên đạt được thỏa thuận hòa giải thành để giải quyết tranh chấp thì thỏa thuận hòa giải thành đó có hiệu lực bắt buộc đối với các bên và các bên buộc phải thi hành. Các quốc gia khi nghiên cứu nội luật hoá Luật mẫu về hòa giải, để tăng cường hiệu lực của việc thực thi thoả thuận hoà giải thành nên chỉ ra phương thức cụ thể để thi hành (thủ tục thi hành bắt buộc) hoặc dẫn chiếu các quy định liên quan đến việc thi hành thỏa thuận đó[52].
- Nếu các bên đã thỏa thuận áp dụng thủ tục hòa giải đối với một tranh chấp đã phát sinh hoặc có thể phát sinh và cam kết không sử dụng thủ tục trọng tài hay tòa án đối với tranh chấp đó trong một thời hạn nhất định hoặc cho đến khi xảy ra sự kiện nhất định thì cam kết đó sẽ được Hội đồng trọng tài và tòa án thừa nhận hiệu lực cho đến thời điểm các điều kiện đưa ra trong cam kết được đáp ứng, trừ khi một bên thấy cần phải sử dụng thủ tục trọng tài hoặc tòa án để bảo vệ quyền và lợi ích của mình. Việc tiến hành thủ tục trọng tài hay tòa án không được coi là hành vi khước từ thỏa thuận hòa giải và cũng không làm chấm dứt thủ tục hòa giải[53].
Xây dựng pháp luật luôn cần tính tới môi trường chính trị, đặc tính riêng biệt của mỗi hệ thống pháp luật cũng như điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội mỗi quốc gia. Tuy nhiên, những giá trị ưu việt mang tính phổ quát trong Luật mẫu về hòa giải và Quy tắc hòa giải của UNCITRAL như đã phân tích ở trên rất cần được kế thừa khi xây dựng khung pháp luật riêng về hòa giải thương mại ở Việt Nam. Mô hình hòa giải độc lập với tố tụng tòa án và trọng tài, quy trình thủ tục hòa giải linh hoạt, nguyên tắc tự do, tự nguyện của các bên tranh chấp, quyền hành xử mềm dẻo của hòa giải viên, bí mật thông tin và việc hạn chế sử dụng các chứng cứ thu nhận được trong quá trình hòa giải cho các thủ tục tố tụng tòa án hay trọng tài tiếp theo chính là những giá trị như vậy./.

 


* TS. Phó trưởng khoa Pháp luật thương mại quốc tế, Đại học Luật Hà Nội
* * ThS. Khoa Pháp luật thương mại quốc tế, Đại học Luật Hà Nội
[1]      [2]      Griffith and Mitchell, tlđd.
[3]      Nội dung của Thỏa thuận hòa giải mẫu như sau: “Trong trường hợp tranh chấp phát sinh từ, hoặc liên quan tới hợp đồng này, nếu các bên muốn giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thì quá trình hòa giải sẽ tiến hành theo Quy tắc hòa giải UNCITRAL đang có hiệu lực thi hành”.
[4]      Griffith and Mitchell, tlđd.
[5]      Khoản 1 và 2 Điều 1 Quy tắc hòa giải.
[6]      Điều 2 Quy tắc hòa giải.
[7]      Griffith and Mitchell, tlđd.
[8]      Điều 8 Quy tắc hòa giải.
[9]      Khoản 1 Điều 7 Quy tắc hòa giải.
[10]     Khoản 2 Điều 7 Quy tắc hòa giải.
[11]     Khoản 4 Điều 7 Quy tắc hòa giải.
[12]     Điều 5 Quy tắc hòa giải.
[13]     Điều 9 Quy tắc hòa giải.
[14]   Điều 16 Quy tắc hòa giải.
[15]   Điều 19 Quy tắc hòa giải.
[16]   Điều 20 Quy tắc hòa giải.
[17]   Griffith and Mitchell, tlđd., trang 198.
[18]   Griffith and Mitchell, tlđd.
[19]   Khoản 1 Điều 2 Quy tắc hòa giải.
[20]   Khoản 2 Điều 2 Quy tắc hòa giải.
[21]   Điều 3 Quy tắc hòa giải.
[22]   Điều 5 Quy tắc hòa giải.
[23]   Điều 6 Quy tắc hòa giải.
[24]   Điều 7 Quy tắc hòa giải.
[25]   Điều 13 Quy tắc hòa giải.
[26]   Điều 15 Quy tắc hòa giải.
[27]   Khoản 1 Điều 4 Quy tắc hòa giải.
[28]     Quy định này có ý nghĩa bởi Quy tắc hòa giải hướng đến các tranh chấp thương mại quốc tế, trong đó nhiều tranh chấp phát sinh giữa các bên có quốc tịch khác nhau.
[29]     Điều 10 Quy tắc hòa giải.
[30]     Điều 14 Quy tắc hòa giải.
[31]     [32]     [33]     UNCITRAL, xem chú thích [34]     [35]     Các Điều từ 4 - 11, Điều 14 Luật mẫu về hòa giải.
[36]     Điều 4 Luật mẫu về hòa giải.
[37]     Khoản 1 Điều 6 Luật mẫu về hòa giải.
[38]     Khoản 1 Điều 5 Luật mẫu về hòa giải.
[39]     Khoản 2 và 3 Điều 5 Luật mẫu về hòa giải.
[40]     Khoản 4 Điều 5 Luật mẫu về hòa giải.
[41]     Khoản 5 Điều 5 Luật mẫu về hòa giải.
[42]     Khoản 3 Điều 6 Luật mẫu về hòa giải.
[43]     Khoản 4 Điều 6 Luật mẫu về hòa giải.
[44]     Điều 7 Luật mẫu về hòa giải.
[45]     Điều 8 Luật mẫu về hòa giải.
[46]     Điều 12 Luật mẫu về hòa giải.
[47]     Điều 9 Luật mẫu về hòa giải.
[48]     Khoản 1 Điều 10 Luật mẫu về hòa giải.
[49]     Khoản 3 Điều 10 Luật mẫu về hòa giải.
[50]     Khoản 3 Điều 10 Luật mẫu về hòa giải.
[51]     Điều 11 Luật mẫu về hòa giải.
[52]     [53]     Điều 13 Luật mẫu về hòa giải.