Ba vấn đề về vi phạm nghĩa vụ hợp đồng trong Bộ luật Dân sự năm 2005: kinh nghiệm nhìn từ Nhật Bản

01/06/2015

Bài viết này trình bày 3 vấn đề cần sửa đổi hoặc bổ sung liên quan đến hậu quả vi phạm nghĩa vụ hợp đồng theo Bộ luật dân sự (BLDS) năm 2005 của Việt Nam, bao gồm: (1) Điều kiện để hủy bỏ hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng; (2) Phạm vi bồi thường thiệt hại; và (3) Hậu quả của giao dịch với bên thứ ba khi hợp đồng bị hủy bỏ hoặc đơn phương chấm dứt. Bài viết cũng bình luận các quy định của Dự thảo BLDS sửa đổi (bản lấy ý kiến nhân dân tháng 1/2015) liên quan đến 3 vấn đề nói trên.
Untitled_229.png
Ảnh minh họa: (Nguồn internet)
1. Điều kiện hủy bỏ hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng
Điều 425 và 426 BLDS Việt Nam (2005) quy định hợp đồng bị huỷ bỏ hay đơn phương chấm dứt “nếu các bên có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định”. Hậu quả khi hợp đồng bị hủy bỏ là trở lại vị trí ban đầu trước khi giao kết giữa các bên, hợp đồng được coi như chưa tồn tại. Hậu quả khi hợp đồng bị đơn phương chấm dứt là hợp đồng có hiệu lực đến thời điểm bị đơn phương chấm dứt. Kể từ thời điểm hợp đồng bị chấm dứt, các bên không có bất kỳ nghĩa vụ hợp đồng tương lai nào với nhau nữa. Bên có lỗi khiến hợp đồng bị hủy bỏ hoặc đơn phương chấm dứt phải bồi thường thiệt hại. Đa phần trong 13 loại hợp đồng điển hình, BLDS quy định những trường hợp nào thì một bên có quyền hủy bỏ hoặc đơn phương chấm dứt thực hiện và dừng lại ở đây.
Cách xây dựng các quy định về hủy bỏ và đơn phương chấm dứt hợp đồng theo BLDS Việt Nam nói trên dẫn đến một hậu quả nghiêm trọng là một hợp đồng có thể sẽ không bao giờ bị (được) hủy bỏ hoặc đơn phương chấm dứt nếu nó nằm ngoài 13 loại hợp đồng điển hình quy định tại BLDS và đồng thời các bên đã quên không thoả thuận điều kiện để hủy bỏ hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng (như nêu tại ví dụ (a) dưới đây). Ngoài ra, ngay cả trong 13 loại hợp đồng điển hình tại BLDS, BLDS cũng không quy định về điều kiện hủy bỏ hay đơn phương chấm dứt trong một số trường hợp (như nêu tại ví dụ (b) dưới đây). Cuối cùng, mặc dù có quy định về điều kiện hủy bỏ (hay đơn phương chấm dứt), hậu quả hủy bỏ (hoặc đơn phương chấm dứt) được quy định tại BLDS cũng không hợp lý (như nêu tại ví dụ (c) dưới đây).
Ví dụ (a): Hợp đồng thuê mua tài sản, ví dụ máy móc, phương tiện vận tải. Theo đó, bên thuê sẽ thuê tài sản trong thời gian đầu, sau đó sẽ thực hiện việc mua lại từ bên cho thuê/bên bán. Nếu các bên không thỏa thuận về điều kiện và hậu quả chấm dứt hợp đồng thì quy định nào của BLDS sẽ được áp dụng để chấm dứt hợp đồng thuê mua tài sản nói trên? Hậu quả sẽ là hậu quả khi hợp đồng bị hủy bỏ hay đơn phương chấm dứt?
Ví dụ (b): Hợp đồng vay tiền thành nhiều kỳ giữa hai bên. Theo đó, bên cho vay sẽ cho bên vay vay tiền thành nhiều đợt. Khi đang thực hiện hợp đồng (vẫn còn một số khoản chưa cho vay vì chưa đến hạn), bên cho vay nhận thấy tình hình kinh doanh của bên vay không tốt (lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán với mình và chủ nợ khác). Vì vậy, bên cho vay không muốn cho vay tiếp nữa. Giả sử các bên không có thỏa thuận về điều kiện đơn phương chấm dứt hợp đồng thì bên cho vay có thể sử dụng điều khoản nào của BLDS về hợp đồng vay tài sản để chấm dứt hợp đồng vay?
Ví dụ (c): Bên A cung cấp nguyên liệu thực phẩm cho bên B (kinh doanh khách sạn, nhà hàng) mỗi ngày. Hợp đồng đã được thực hiện qua một thời gian. Sau đó bên B thấy chất lượng thực phẩm không đúng thỏa thuận và vì vậy đã nhắc nhở bên A. Dù bên A bị nhắc nhở nhưng chất lượng thực phẩm vẫn không được cải thiện. Vì vậy, bên B muốn chấm dứt hợp đồng. Tuy nhiên, Điều 437 BLDS (trách nhiệm giao vật theo đúng chủng loại của hợp đồng mua bán) chỉ cho phép bên A được hủy bỏ hợp đồng (không phải là đơn phương chấm dứt). Vậy quy định này của BLDS có hợp lý?
Khuyến nghị: Pháp luật hợp đồng Nhật Bản có cách tiếp cận khác. Thứ nhất, hợp đồng có thể bị hủy bỏ khi các bên có thỏa thuận hoặc khi có pháp luật quy định.[1] Như vậy, quy định chung này giống như quy định của BLDS Việt Nam khi quy định về cơ sở hủy bỏ và đơn phương chấm dứt hợp đồng. Tuy nhiên, khác với các quy định của BLDS Việt Nam khi các quy định về hủy bỏ và đơn phương chấm dứt chỉ được quy định tại các hợp đồng điển hình. BLDS Nhật Bản quy định một số nguyên tắc chung cho phép hủy bỏ hợp đồng và được áp dụng cho tất cả các loại hợp đồng.[2] Các nguyên tắc này bao gồm hủy bỏ vì lý do một bên không thực hiện (bao gồm cả việc thực hiện không đúng), chậm thực hiện và không thể thực hiện trái vụ. Như vậy, bất kỳ một hợp đồng nào cũng có thể bị hủy bỏ dựa vào các nguyên tắc trên.
Hậu quả của việc hủy bỏ theo BLDS Nhật Bản là hợp đồng “trở lại vị trí ban đầu” trước khi hợp đồng giao kết (genjo kaifuku hay restitutio in integrum).[3] Như vậy, hậu quả này cũng giống hậu quả hủy bỏ theo BLDS Việt Nam.
Tuy nhiên, các học giả và án lệ Nhật Bản thừa nhận rằng nguyên tắc “trở lại vị trí ban đầu” không thích hợp trong nhiều trường hợp. Ví dụ như khi vật đã bán cho người thứ ba hay đối với hợp đồng thuê hay hợp đồng lao động v.v. thì khả năng khôi phục lại tình trạng ban đầu của các bên là không thể. Trong trường hợp này, quan điểm của học giả và Tòa án Nhật Bản là hậu quả “trở lại vị trí ban đầu” chỉ áp dụng cho những trái vụ tương lai. Có nghĩa là kể từ thời điểm hợp đồng bị hủy bỏ, các bên không có nghĩa vụ thực hiện các trái vụ theo hợp đồng kể từ thời điểm này nữa. Lợi ích một bên nhận được phải hoàn trả cho bên kia. Ví dụ như hàng hóa chưa thanh toán, tiền thuê nhà đã ứng ra trước v.v. thì phải hoàn trả cho bên bán hoặc bên đi thuê. Còn những trái vụ trước khi hợp đồng bị hủy bỏ thì tiếp tục được các bên thực hiện cho đến thời điểm hủy bỏ. Ví dụ như tiền lương lao động, tiền thuê nhà chưa thanh toán thì phải thanh toán. Hậu quả “trở lại vị trí ban đầu cho trái vụ tương lai” này là ngoại lệ của nguyên tắc cơ bản “trở lại vị trí ban đầu” để áp dụng cho loại hợp đồng có tính liên tục (như hợp đồng thuê, mua bán dài kỳ hay hợp đồng lao động v.v.). Nhìn chung, hậu quả “trở lại vị trí ban đầu cho trái vụ tương lai” này giống như hậu quả đơn phương chấm dứt hợp đồng theo BLDS Việt Nam.
Như vậy, theo pháp luật hợp đồng Nhật Bản, nguyên tắc cơ bản của hậu quả hủy bỏ hợp đồng là “trở lại vị trí ban đầu”. Tuy nhiên, nếu bản chất của hợp đồng không cho phép, ngoại lệ “trở lại vị trí ban đầu cho trái vụ tương lai” sẽ được áp dụng. Pháp luật hợp đồng Nhật Bản không nhất thiết phân biệt rạch ròi trường hợp nào thì được áp dụng hậu quả “hủy bỏ” và trường hợp nào thì được áp dụng hậu quả “đơn phương chấm dứt hợp đồng” theo cách tiếp cận của BLDS Việt Nam.
Lập theo bảng, chúng ta có những sự khác biệt sau:
 
TT
Vấn Đề
BLDS Việt Nam
BLDS Nhật Bản
1
Cơ sở hủy bỏ/đơn phương chấm dứt hợp đồng
Quy định cụ thể tại BLDS hoặc luật chuyên ngành
Quy định các nguyên tắc chung cho việc hủy bỏ hợp đồng
2
Hậu quả hủy bỏ/đơn phương chấm dứt
Áp dụng riêng cho mỗi loại hợp đồng, căn cứ theo quy định pháp luật
Quy định một hậu quả chung là “trở lại vị trí ban đầu”. Nếu bản chất hợp đồng không cho phép áp dụng hậu quả chung, sẽ áp dụng ngoại lệ là nguyên tắc “trở lại vị trí ban đầu cho trái vụ tương lai”
 
Khi sửa đổi BLDS Việt Nam, nhà làm luật nên cân nhắc áp dụng cách tiếp cận của nhà làm luật Nhật Bản.[4] Như vậy, nó sẽ giúp tránh được các vấn đề không rõ của pháp luật nêu tại các ví dụ từ (a) - (c) trên. Nếu sửa đổi BLDS Việt Nam theo hướng trên, việc sửa đổi các điều khoản về hủy bỏ và đình chỉ hợp đồng theo Luật Thương mại 2005 cũng là cần thiết. 
Cập nhật: Dự thảo BLDS sửa đổi có sửa đổi cơ bản về các quy định về chấm dứt hợp đồng theo BLSD 2005. Cụ thể, khái niệm và hậu quả của trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng (Điều 426 BLDS 2005) đã bị bỏ đi. Thay vào đó, Điều 445 Dự thảo chỉ đề cập trường hợp hợp đồng chấm dứt do bị hủy bỏ (bên cạnh các căn cứ chấm dứt khác mà không có đơn phương chấm dứt). Dự thảo đã bổ sung các Điều 447 – 449, kế thừa cơ bản nội dung của các Điều 541 – 543 BLDS Nhật Bản. Cuối cùng, Điều 452 Dự thảo quy định về khái niệm và hậu quả của việc hủy bỏ hợp đồng với khác biệt cơ bản với quy định tại Điều 425 BLDS 2005. Cụ thể, quy định mới này như sau:
“Điều 452. Hậu quả của việc huỷ bỏ hợp đồng
1. Khi hợp đồng bị huỷ bỏ thì các bên tham gia được miễn trừ khỏi các nghĩa vụ trong hợp đồng, trừ nghĩa vụ bồi thường thiệt hại.
2. Khi hợp đồng bị huỷ bỏ thì hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết và các bên phải hoàn trả cho nhau tài sản đã nhận; nếu không hoàn trả được thì hợp đồng chấm dứt tại thời điểm bên kia nhận được thông báo chấm dứt, các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ. Bên đã thực hiện nghĩa vụ có quyền yêu cầu bên kia thanh toán. Nếu không hoàn trả được nghĩa vụ bằng hiện vật thì phải trả bằng tiền. Khi cả hai bên đều có nghĩa vụ hoàn trả thì các nghĩa vụ này phải được thực hiện trong cùng một thời điểm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
3. Bên tham gia hợp đồng có nghĩa vụ hoàn trả lại tiền do hợp đồng bị huỷ phải hoàn trả thêm lợi nhuận của số tiền đó tính từ ngày bên đó nhận được tiền. Trường hợp phải hoàn trả lại vật đã nhận thì phải hoàn trả lại cả những nguồn lợi phát sinh từ vật đó.
4. Việc huỷ bỏ hợp đồng không được gây ảnh hưởng đến lợi ích của người thứ ba.”
Như trên có thể thấy, Dự thảo đã tiếp thu các quy định của BLDS Nhật Bản bằng cách bổ sung các Điều 447 – 449, quy định về các trường hợp hủy bỏ luật định. Ngoài ra, Khoản 2 Điều 452 Dự thảo đã quy định về hậu quả chung khi hợp đồng bị hủy bỏ là trở lại trạng thái trước khi hợp đồng được giao kết và hậu quả đặc biệt trong trường hợp bản chất hợp đồng không cho phép trở lại trạng thái trước giao kết (dù cách hành văn còn rắc rối và rất cần được viết lại). Cuối cùng, Điều 452 cũng đã quy định về hậu quả pháp lý đối với bên thứ ba khi hợp đồng bị hủy bỏ.
Tuy nhiên, bên cạnh việc sửa đổi tích cực nêu trên, các quy định về hủy bỏ hợp đồng theo Dự thảo cũng còn những điểm không thích hợp. Cụ thể, mặc dù Điều 445 Dự thảo bỏ đi trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng, thuật ngữ này vẫn tiếp tục được sử dụng tại phần các hợp đồng cụ thể của Dự thảo. Ví dụ: Điều 500, 501, 503, 504 về hợp đồng thuê; Điều 512, 515 về hợp đồng thuê khoán; Điều 540, 544 về hợp đồng dịch vụ; Điều 553 về hợp đồng vận chuyển; Điều 569, 574, 575 về hợp đồng gia công; Điều 592 về hợp đồng ủy quyền. Ở đây, nhà làm luật có lẽ đã quên không định nghĩa thế nào là đơn phương chấm dứt và hậu quả của nó!
Ngoài ra, các nhà làm luật đã xây dựng nên một hậu quả có thể đoán trước là rất tai hại khi hợp đồng bị hủy bỏ. Cụ thể, Khoản 3 Điều 452 đã quy định khi hợp đồng bị hủy bỏ, bên có nghĩa vụ hoàn trả phải hoàn trả thêm phần lợi nhuận của số tiền đã nhận hoặc nguồn lợi phát sinh từ vật nếu phần nhận được là vật. Hậu quả này tai hại ở những điểm sau:
(a)  Trong trường hợp hợp đồng bị hủy bỏ vì lý do bất khả kháng, quy định này có áp dụng không?
(b)  Các bên (và cơ quan giải quyết tranh chấp) sẽ áp dụng cơ sở nào để tính toán phần lợi nhuận từ tài sản đã nhận?
(c)  Yêu cầu thanh toán phần lợi nhuận nói trên có độc lập với yêu cầu bồi thường thiệt hại?
Thật ra, quy định tại Khoản 3 Điều 452 nêu trên dường như đã sai với nguyên tắc chung khi một hợp đồng bị chấm dứt theo pháp luật hợp đồng. Cụ thể, nguyên tắc này là khi một bên vi phạm nghĩa vụ hợp đồng, bên bị vi phạm có quyền chấm dứt (theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật) và yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu hành vi vi phạm không phải do sự kiện bất khả kháng hoặc do lỗi của bên bị vi phạm. Nghĩa vụ chứng minh thiệt hại thuộc bên bị vi phạm. Nay, ngoài quy định về bồi thường thiệt hại nêu tại Khoản 1, các nhà làm luật còn xây dựng nên các quy định lửng lơ về nghĩa vụ thanh toán thêm lợi nhuận quy định tại khoản 3 Điều 452!       
2. Phạm vi bồi thường thiệt hại
Ví dụ (d): A đồng ý bán cho B một con trâu để B sử dụng trong việc cày bừa. Tuy nhiên, con trâu A bán là một con trâu bị bệnh. Vì bị bệnh nên con trâu chết. Vì contrâu bị chết nên B không cày bừa được. Vì không thể cày bừa,B không có gì để thu hoạch cho vụ mùa đó. Vì không có gì thu hoạch nên B bị phá sản (vỡ nợ). Vì B phá sản nên con của B bị ốm rồi qua đời mà không được chữa chạy, còn vợ của B thì yêu cầu ly hôn. Theo pháp luật dân sự Việt Nam, A phải bồi thường cho B những thiệt hại nào?
Điều 307 BLDS Việt Nam (trách nhiệm bồi thường thiệt hại) quy định:
“1. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại bao gồm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất, trách nhiệm bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần.
2. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất là trách nhiệm bù đắp tổn thất vật chất thực tế, tính được thành tiền do bên vi phạm gây ra, bao gồm tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.
3. Người gây thiệt hại về tinh thần cho người khác do xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người đó thì ngoài việc chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai còn phải bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại”.
Theo quy định trên của BLDS Việt Nam thì dường như A sẽ phải thanh toán cho các thiệt hại vật chất cho đến mức B phá sản. Ngoài ra, A còn có thể phải chịu bồi thường tổn thất tinh thần cho B khi con B mất và vợ B đòi ly hôn. Hậu quả này có hợp lý?
Khuyến nghị: Trong vụ án giả định trên, theo các học giả Nhật Bản có hai loại thiệt hại: “thiệt hại thông thường” và “thiệt hại đặc biệt”. Thiệt hại phát sinh thông thường trong vụ án trên bao gồm thiệt hại về con trâu bệnh đã chết vì nó xuất phát từ nguyên nhân giao gia súc bị bệnh của A. A phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho mọi thiệt hại thông thường phát sinh từ hợp đồng mua bán. Thiệt hại thông thường ở đây là con trâu chết và chi phí điều trị (nếu có).
Ngoài thiệt hại thông thường nói trên, từ nguyên nhân A giao gia súc bị bệnh còn gây ra các hậu quả khác mà B phải chịu như việc B phá sản, con mất và vợ ly hôn. Nếu không có nguyên nhân giao gia súc bệnh từ A, B sẽ không phải chịu các hậu quả này. Theo học giả Nhật Bản, quan hệ nhân quả này được gọi là “quan hệ nhân quả đặc biệt”. Hậu quả phá sản, con mất, vợ đòi ly hôn được coi là “thiệt hại đặc biệt”.
Tuy nhiên, trong trường hợp này, các học giả Nhật Bản lý luận rằng dù tồn tại một quan hệ nhân quả giữa nguyên nhân giao gia súc bệnh và các hậu quả nghiêm trọng B phải chịu nêu trên, thì các hậu quả này chỉ là hậu quả ngẫu nhiên mà A không thể dự kiến được tại thời điểm giao gia súc bị bệnh cho B. Bởi vì, nếu B là một người bình thường khác thì khi gia súc của mình bị chết, B đã có thể thuê gia súc của người khác để cày bừa. Như vậy, các thiệt hại tiếp theo đã không xảy ra.
Chi phí cho việc thuê con trâu khác (nếu đã thực hiện) cũng được coi là thiệt hại đặc biệt. Cùng là “thiệt hại đặc biệt” nhưng thiệt hại do việc thuê một con trâu khác khác với thiệt hại phá sản (và con mất, vợ ly hôn) ở chỗ việc thuê con trâu khác A đã có thể biết khi giao gia súc bị bệnh của mình cho B. A phải chịu trách nhiệm vì đã biết hoặc buộc phải biết hậu quả B phải thuê gia súc khác vì việc mình giao gia súc bị bệnh sẽ gây nguy cơ gia súc bị chết và B sẽ không có gia súc để cày bừa như mục đích ban đầu của hợp đồng. Về thiệt hại B bị phá sản (con mất và vợ đòi ly hôn), những thiệt hại này được liệt vào dạng “thiệt hại đặc biệt” nhưng ở đây A không chịu trách nhiệm bồi thường vì A đã không thể dự kiến được những hậu quả này. Chỉ khi nào A đã dự kiến trước được hậu quả xảy ra (biết hoặc buộc phải biết) thì A mới phải chịu trách nhiệm cho những thiệt hại đó. Thực tế là A không thể biết vì nếu B là người bình thường thì đã đi thuê gia súc khác về giúp cày bừa chứ không chờ đến khi hậu quả cuối cùng xảy ra. Vì thế, A không chịu trách nhiệm cho những thiệt hại đặc biệt (phá sản, con mất và vợ ly hôn) này của B.
Nói tóm lại, cơ sở để xác định thiệt hại là bên vi phạm có biết hoặc buộc phải biết về một hậu quả nào đó xảy ra từ việc mình vi phạm hợp đồng hay không. Triết lý này các học giả Nhật Bản lấy từ vụ án Hadley kiện Baxendale năm 1854 tại Anh.[5]
Kế thừa triết lý xác định phạm vi bồi thường thiệt hại từ vụ Hadley kiện Baxendale nói trên, các nhà làm luật Nhật Bản đã thiết kế quy định về phạm vi bồi thường thiệt hại tại Điều 416 BLDS Nhật Bản như sau:
“1. Yêu cầu bồi thường thiệt hại là yêu cầu người thụ trái bồi thường cho thiệt hại phát sinh thông thường từ việc không thực hiện trái vụ.
2. Trái chủ cũng có quyền phục hồi thiệt hại phát sinh trong các tình huống đặc biệt nếu các bên đương sự (người thụ trái) đã hoặc có thể dự kiến[6] được tình huống đặc biệt [sẽ phát sinh]”.
Như vậy, các nhà làm luật Việt Nam có thể cân nhắc sửa đổi Điều 307 BLDS Việt Nam theo triết lý và quy định nêu tại Điều 416 BLDS Nhật Bản nói trên. Việc sửa đổi này có thể giúp tách biệt tốt hơn phạm vi bồi thường thiệt hại.
Cập nhật: Điều 385 Dự thảo BLDS sửa đổi (thiệt hại do không thực hiện đúng nghĩa vụ) đã giữ cơ bản nội dung Điều 307 BLDS 2005. Thậm chí, Điều 18 (bồi thường thiệt hại) của Dự thảo còn quy định: “Cá nhân, pháp nhân có quyền dân sự bị vi phạm được bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.” Quy định như thế này, có lẽ A phải bồi thường cả thiệt hại tinh thần do vợ B ly hôn trong ví dụ (d) trên!
3. Giao dịch với người thứ ba khi hợp đồng bị hủy bỏ hoặc đơn phương chấm dứt
Ví dụ (e): A bán cho B một chiếc xe ô-tô. Vì là người quen, A đồng ý cho B thanh toán tiền mua xe thành nhiều đợt. B đã thực hiện việc đăng ký xe dưới tên mình. Sau đó, B hoặc (i) bán lại xe cho C; hoặc (ii) cho D thuê; hoặc (iii) thế chấp cho ngân hàng E để vay tiền. Vì B không trả tiền mua xe đúng hạn cho A và xét thấy B không có khả năng thanh toán, A khởi kiện yêu cầu tòa án hủy bỏ hợp đồng mua bán theo thỏa thuận tại hợp đồng. Trong trường hợp này pháp luật Việt Nam sẽ bảo vệ A hay C (trong trường hợp mua lại xe) hay D (trong trường hợp thuê xe) hay E (trong trường hợp nhận thế chấp xe)?
Đối với ví dụ trên, dường như pháp luật dân sự Việt Nam đã không đề cập đến quyền và lợi ích của bên thứ ba khi giao dịch bị hủy bỏ hay đơn phương chấm dứt.[7] Cũng không rõ phạm vi áp dụng của các Điều 257 và 258 của BLDS Việt Nam có được áp dụng không và nếu áp dụng thì áp dụng thế nào trong các trường hợp này?![8]
Khuyến nghị: Để bảo vệ tính ổn định của giao dịch nói riêng và ổn định xã hội nói chung, BLDS Nhật Bản đã bảo vệ bên thứ ba (cả ngay tình lẫn không ngay tình)[9] khi hợp đồng bị hủy bỏ một cách tuyệt đối. Cụ thể, Điều 545.1 Bộ luật này quy định: “Nếu một bên [hợp đồng] đã thực hiện quyền hủy bỏ [hợp đồng] thì bên kia có trách nhiệm hoàn trả bên hủy bỏ trở lại vị trí ban đầu [trước khi hợp đồng được giao kết]. Tuy nhiên, việc hủy bỏ này không được ảnh hưởng đến các quyền của bên thứ ba”. Như vậy, C (trong trường hợp mua lại xe), D (trong trường hợp thuê xe) và E (trong trường hợp nhận thế chấp xe) sẽ được Tòa án Nhật Bản bảo vệ.
Vấn đề có bảo vệ bên thứ ba khi giao dịch bị hủy bỏ hay không cần được các nhà làm luật Việt Nam nghiên cứu và giải quyết vì đây là vấn đề rất quan trọng và có thể xảy ra trong thực tiễn. Quan điểm của Nhật Bản là một cơ sở để tham khảo. Quan điểm này cũng phù hợp với pháp luật dân sự tiên tiến khi luôn ưu tiên tính ổn định của giao dịch.
Dự thảo BLDS đã bổ sung quy định được khuyến nghị nêu trên tại Khoản 4 Điều 452./.
 

[1] Điều 540.1 BLDS Nhật Bản (lần sửa đổi 2006): “Nếu một trong các bên có quyền hủy bỏ hợp đồng theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật thì việc hủy bỏ sẽ được thực hiện bởi hành vi tuyên bố ý chí [của bên hủy bỏ] tới bên kia”.
[2] Tại các Điều từ 541 - 543 BLDS Nhật Bản. Các Điều luật này quy định như sau:
Điều 541. Hủy bỏ vì lý do không thực hiện:
Nếu một bên không thực hiện trái vụ của mình thì bên kia có quyền định ra một thời hạn hợp lý và yêu cầu bên kia thực hiện [trái vụ trong thời hạn này]. Bên yêu cầu có quyền hủy bỏ hợp đồng nếu bên kia không thực hiện trái vụ trong thời hạn đã định.
Điều 542. Hủy bỏ vì quá hạn:
Căn cứ vào bản chất của hợp đồng hoặc ý chí của các bên, nếu đối tượng của hợp đồng không thể đạt được trừ khi nó được thực hiện tại một thời điểm hoặc trong một thời hạn định trước, thì nếu một bên hợp đồng đã để thời điểm hoặc thời hạn này trôi qua mà không thực hiện trái vụ của mình, bên kia có quyền hủy bỏ hợp đồng ngay lập tức mà không cần đưa ra một thời hạn [bổ sung] nêu tại Điều trên.
Điều 543. Hủy bỏ vì không thể thực hiện:
Nếu việc thực hiện trái vụ trở nên không thể vì lý do bên thụ trái chịu trách nhiệm một phần hoặc toàn bộ, trái chủ có quyền hủy bỏ hợp đồng.
[3] Điều 545.1 BLDS Nhật Bản. Xem quy định của Điều luật này tại Phần 3 (Giao dịch với người thứ ba khi hợp đồng bị hủy bỏ hoặc đơn phương chấm dứt) dưới đây.
[4] Các nhà làm luật Việt Nam có thể cân nhắc áp dụng cách tiếp cận tương tự tại Phần 3 (Chấm dứt hợp đồng) tại Các Quy tắc của Unidroit về Hợp đồng thương mại quốc tế (phiên bản 2010). Các Quy tắc của Unidroit này có cách tiếp cận tương tự Nhật Bản nhưng cách hành văn sáng sủa hơn các điều luật của BLDS Nhật Bản.
[5] 9 Exch. 341 (1854). Trong các vụ án bồi thường thiệt hại do hành vi sai trái (bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng), đa phần các học giả Nhật Bản chấp nhận học thuyết của Đức rằng phạm vi trách nhiệm bồi thường thiệt hại được xác định bởi quan hệ nhân quả tương xứng (soto ingakankei).
[6] Nghĩa là người thụ trái (người có nghĩa vụ) có biết hoặc buộc phải biết về hậu quả có thể xảy ra.
[7] Điều 138 BLDS Việt Nam có quy định về giao dịch với bên thứ ba trong trường hợp hợp đồng vô hiệu. Tuy nhiên, điều kiện và hậu quả giữa một hợp đồng bị vô hiệu và một hợp đồng bị hủy bỏ là hoàn toàn khác nhau.
[8] Điều 257 và 258 BLDS Việt Nam quy định về quyền đòi lại tài sản của chủ sở hữu từ người chiếm hữu ngay tình.
[9] Trong trường hợp này, nhà làm luật giả định rằng đa phần bên thứ ba luôn không thể biết các điều kiện và thời điểm để giao dịch trước đó đối với tài sản của mình (giao dịch giữa A và B) có thể bị hủy bỏ bởi các bên. Vì vậy, bên thứ ba phải được bảo vệ tuyệt đối.