Xử lý vi phạm quyền tác giả trên internet bằng biện pháp hành chính ở Việt Nam

01/06/2015

1. Các hành vi vi phạm quyền tác giả trên Internet
1.1. Quyền nhân thân
Pháp luật Việt Nam đã liệt kê một danh sách các quyền nhân thân thể hiện mối quan hệ giữa tác giả với tác phẩm của mình (Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ - SHTT). Có thể tóm tắt chúng trong ba đặc quyền cơ bản gồm quyền đứng tên tác phẩm, quyền công bố tác phẩm và quyền tôn trọng sự toàn vẹn của tác phẩm[1]. Các thành tố này của quyền nhân thân chịu sự tác động khác nhau bởi sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số và Internet. Một vài đặc quyền sẽ chịu ảnh hưởng nhiều hơn so với một số đặc quyền khác.
Tác động của Internet đến quyền đứng tên tác phẩm[2]
 Việc thực hiện quyền đứng tên tác giả có thể gặp phải những vấn đề khó giải quyết trong môi trường không gian ảo. Trên thực tế, quyền này không phải lúc nào cũng được tôn trọng. Không giống với việc tôn trọng quyền đứng tên tác giả trong các phương tiện truyền thống như sách, tạp chí hay như CD, việc số hóa các tác phẩm có nguy cơ làm ảnh hưởng không nhỏ đến quyền này bởi khả năng vô tận trong việc in sao lại toàn bộ hoặc một phần tác phẩm cũng như việc lưu trữ các tác phẩm trong một bộ nhớ cứng mà không kèm theo tên tác giả của nó. Và trong trường hợp này, các tác phẩm có thể được công bố và sử dụng bởi nhiều người thông qua Internet mà không biết danh tính chính xác của tác giả. Vì vậy, một câu hỏi đặt ra khi thực hiện quyền đứng tên tác giả là khả năng tác giả có biết được việc có hay không hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, tác giả sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc đòi lại quyền của mình bởi sẽ rất gian nan trong việc phát hiện hành vi vi phạm trong thế giới ảo khổng lồ. Theo chúng tôi, đó có thể là một trong những nguyên nhân mà các vụ kiện liên quan đến việc đòi lại quyền đứng tên tác giả trên Internet hiếm khi xuất hiện, mặc dù hành vi xâm phạm tồn tại không ít.
Sự tác động của Internet lên quyền công bố tác phẩm[3]
 Theo quy định của pháp luật Việt Nam, việc phát tán tác phẩm trên Internet lần đầu tiên sẽ không được xem là hành vi công bố tác phẩm, nhưng được xem là hành vi truyền đạt tác phẩm đến công chúng và rơi vào lĩnh vực quyền tài sản[4]. Bởi lẽ, nếu căn cứ vào câu chữ được quy định trong luật, việc truyền đạt tác phẩm đến công chúng thông qua Internet được gọi là "phát sóng"[5] và tổ chức thực hiện việc này sẽ được gọi là "tổ chức phát sóng". Vì vậy, khi một tổ chức phát sóng sử dụng tác phẩm đã công bố hợp pháp để phát sóng và truyền đạt đến công chúng trên Internet thì sẽ không cần sự cho phép của tác giả nhưng phải trả tiền nhuận bút hoặc thù lao cho tác giả (Điều 26 Luật SHTT). Đây là một trường hợp ngoại lệ của quyền tác giả được quy định bởi luật Việt Nam. Và để được như vậy, tác phẩm cần phải được công bố trước dưới một hình thức nào đó, không bao gồm Internet. Tuy nhiên, điều này lại tỏ ra mâu thuẫn với Luật Xuất bản năm 2012. Điều 4 Luật Xuất bản quy định, "Xuất bản là việc tổ chức, khai thác bản thảo, biên tập thành bản mẫu để in và phát hành hoặc để phát hành trực tiếp qua các phương tiện điện tử”. Như vậy, theo nghĩa trên, việc công bố tác phẩm vẫn có thể tiến hành thông qua Internet dưới hình thức xuất bản điện tử.
Mối đe dọa của Internet và công nghệ kỹ thuật số lên quyền tôn trọng sự toàn vẹn của tác phẩm[6]
Một mặt, phải thừa nhận rằng, công nghệ kỹ thuật mới cho phép bảo đảm quyền tôn trọng sự toàn vẹn của tác phẩm: việc số hóa cho phép tác phẩm được sao chép một cách hoàn hảo, và các bản sao không khác biệt với bản gốc là mấy về hình ảnh, màu sắc, âm thanh... Nói khác đi, nhờ công nghệ kỹ thuật mới, sự toàn vẹn của tác phẩm được hoàn thiện một cách tốt hơn. Tuy nhiên, mặt khác, các công nghệ kỹ thuật mới lại có thể bị xem như một nguy cơ đe dọa thực sự đối với quyền này. Chúng ta biết rằng, việc sao chép và tải lên mạng các tác phẩm có thể được thực hiện bởi bất kỳ một người nào có kiến thức bình thường về kỹ thuật tin học, mà không cần phải là một chuyên gia máy tính. Mỗi bộ phận của tác phẩm đều có thể là đối tượng của việc chỉnh sửa cả về nội dung lẫn hình thức, màu sắc hay âm thanh. Và các chỉnh sửa này có thể làm thay đổi đáng kể nhận thức của công chúng về tác phẩm, và do vậy ảnh hưởng đến mong muốn "cái tôi" của tác giả được thể hiện trong tác phẩm của mình. Ngày càng nhiều tác phẩm của nhiều tác giả được xử lý theo nhiều cách khác nhau trên các trang web, có hoặc không có sự đồng ý của tác giả. Tuy nhiên, theo các quy định hiện nay, tác giả cần phải chứng minh thiệt hại về danh dự hoặc uy tín, nhân phẩm mà mình phải gánh chịu do những sự chỉnh sửa không được sự chấp thuận này.
1.2. Quyền tài sản
Điều 20 Luật SHTT Việt Nam đã liệt kê các quyền tài sản của tác giả hoặc các chủ sở hữu quyền tác giả được bảo vệ. Quyền tài sản gồm các quyền sao chép tác phẩm, quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng (theo nghĩa rộng), quyền phân phối và quyền cho thuê. Những quyền này được thừa nhận như những độc quyền của tác giả hoặc các chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm của mình (khoản 2 Điều 20 Luật SHTT). Và về nguyên tắc, bất kỳ sự khai thác nào đối với một tác phẩm đều đòi hỏi phải có sự cho phép của tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả.
Quyền sao chép tác phẩm[7] trong thời đại kỹ thuật số và Internet
Ngày nay, người tiêu dùng được cung cấp ngày càng nhiều thiết bị máy móc kỹ thuật số để có thể thực hiện việc sao chép, đến mức việc số hóa được xem là một thách thức pháp lý đối với quyền tác giả. Việc lưu trữ các thông tin được số hóa trên bộ nhớ máy tính hoặc trên một trang web trực tuyến vừa hoàn hảo vừa có khả năng “sinh sản vô tận”. Theo quy định của pháp luật, việc số hóa một tác phẩm được xem là việc sao chép tác phẩm và điều này cho phép mang lại lợi ích về tài sản cho tác giả. Về nguyên tắc, mọi việc sao chép tác phẩm phải có sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả. Tuy nhiên, có hai trường hợp ngoại lệ được quy định trong luật của Việt Nam, nghĩa là được sử dụng tác phẩm mà không cần xin phép tác giả hay chủ sở hữu quyền tác giả (Điều 25 và 26 Luật SHTT), đó là, việc sao chép được sử dụng cho mục đích cá nhân không cần phải có sự cho phép của tác giả (Điều 25 Luật SHTT). Khi việc lưu trữ được thực hiện trên một trang web có thể được truy cập bởi công chúng lại là trường hợp khác. Nói cách khác, việc lưu trữ một tác phẩm được số hóa trên trang web trực tuyến không thuộc các trường hợp ngoại lệ của quyền tác giả. Điều này có nghĩa là cần phải có sự đồng ý của tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả để có thể sao chép tác phẩm lên trang web[8].
Quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng[9] dưới ảnh hưởng của kỹ thuật số và Internet
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, việc số hóa hay việc lưu trữ một tác phẩm trên một trang chủ trực tuyến sẽ cấu thành hành vi sao chép tác phẩm. Việc đưa tác phẩm này đến những người sử dụng Internet được xem là hành vi truyền đạt tác phẩm đến công chúng, bởi lẽ thông qua các trang web trực tuyến, tác phẩm có thể được truy cập trên toàn thế giới. Để tránh mọi tranh chấp pháp lý có khả năng xảy ra trước sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông, Tổ chức SHTT thế giới (WIPO) đã ban hành một Hiệp ước quốc tế liên quan đến việc sửa đổi Công ước Berne nhằm đưa ra những nguyên tắc quốc tế mới và giải thích rõ một vài nguyên tắc hiện có để đưa ra câu trả lời đầy đủ cho các câu hỏi được đặt ra bởi sự phát triển của công nghệ nêu trên[10]. Theo Điều 8 Hiệp ước này thì tác giả "được hưởng độc quyền cho phép truyền đạt đến công chúng tác phẩm của họ bằng vô tuyến hay hữu tuyến, bao gồm cả việc đưa tác phẩm của họ đến công chúng theo cách thức mà những thành viên trong xã hội có thể tiếp cận các tác phẩm đó tại địa điểm và thời gian do chính họ lựa chọn".
Tóm lại, quyền truyền đạt tác phẩm được áp dụng hiển nhiên trong môi trường kỹ thuật số, nơi mà khán giả không ở trước một sân khấu hay trong một nhà hát mà là trước màn hình của máy tính. Tuy nhiên, trên thực tế, quyền tài sản này của tác giả phải gánh chịu ngày càng nhiều thiệt hại dưới tác động của công nghệ kỹ thuật số và Internet. Mọi người đều biết rằng, Internet cho phép truyền đạt tác phẩm đến công chúng một cách dễ dàng dù ở bất kỳ nơi đâu với điều kiện có hợp đồng thuê bao với nhà cung cấp dịch vụ Internet. Trên một số trang web, chúng ta có thể nhập từ khóa thông qua công cụ tìm kiếm và sau đó xuất hiện tất cả các loại tác phẩm đã sẵn sàng để được sử dụng mà không có sự cho phép của tác giả hay phải trả tiền[11]. Phải nói rằng, việc làm này có thể gây ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường tác phẩm, và nói cách khác là gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích hợp pháp của tác giả[12]. Hơn nữa, việc số hóa và sau đó là đưa tác phẩm lên trang web Internet bất hợp pháp cũng ảnh hưởng đến chất lượng đích thực của tác phẩm do có thể có sai sót trong việc tải hình ảnh và nội dung của tác phẩm[13].
Quyền phân phối tác phẩm[14] dưới ảnh hưởng của Internet
Pháp luật Việt Nam quy định, tác giả được hưởng độc quyền thực hiện hoặc cho phép người thứ ba phân phối tác phẩm của mình bằng bất kỳ hình thức hoặc phương tiện kỹ thuật nào[15], có nghĩa là bao gồm việc truyền tải các bản sao của tác phẩm qua mạng Internet. Tuy nhiên, việc truyền tải này có thể gây ra ảnh hưởng đáng kể đến lợi ích tài chính của tác giả, vì nếu đi đến tận cùng của vấn đề, có thể thấy hành vi này gây ra sự tác động trực tiếp lên quyền sao chép tác phẩm và quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng của tác giả do việc phân phối ở đây không liên quan đến các phương tiện vật chất mà là phương tiện kỹ thuật số.
Quyền cho thuê tác phẩm[16] trong môi trường kỹ thuật số
Việc truyền tín hiệu qua Internet các tác phẩm điện ảnh và chương trình máy tính trên thực tế có cùng vai trò và dẫn đến kết quả tương tự như việc cho thuê các phương tiện vật chất như đĩa CD, VCD hay DVD… Đã không có sự khác biệt thực sự giữa việc cho thuê các phương tiện vật chất truyền thống trong một cửa hàng với việc cho thuê phi vật chất trên mạng bởi vì với hai phương thức trên, chúng ta cũng chỉ có thể sử dụng tác phẩm trong một thời hạn xác định[17]. Cũng cần bổ sung thêm rằng, đối với việc cho thuê phi vật thể thông qua Internet, có thể thấy loại tác phẩm thường xuyên nhất là các chương trình máy tính. Thật vậy, một chương trình máy tính được đặt trên mạng Internet và có thể được tìm thấy trong bộ nhớ của máy tính của người sử dụng nhờ vào cơ chế tải xuống (download). Nghĩa vụ trả chi phí để sử dụng có thời hạn chương trình được tải xuống được quy định khác nhau trong các hệ thống pháp luật khác nhau. Luật của Pháp quy định một cách rõ ràng rằng, tác giả của chương trình máy tính được hưởng quyền cho thuê hoặc cho phép việc cho thuê có tính chất đền bù hoặc không dưới bất kỳ phương thức nào (Điều L.122-6, 3o Bộ luật SHTT Pháp). Trong khi đó pháp luật Việt Nam quy định bên thuê có trách nhiệm thực hiện việc thanh toán cho chủ sở hữu quyền tác giả (khoản 3 Điều 20 Luật SHTT). Mặc dù có các quy định như vậy, nhưng việc vi phạm quyền cho thuê của tác giả, ví dụ như việc sử dụng mã tương tự cho nhiều máy tính hay việc kéo dài thời hạn sử dụng các chương trình phần mềm cũng xảy ra khá phổ biến ở Việt Nam, nhờ vào kỹ thuật "bẻ khoá". Và do đó, người thực hiện hành vi vi phạm trong lĩnh vực này thường là các chuyên gia máy tính.
2. Các biện pháp hành chính và thẩm quyền xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật Việt Nam
2.1. Các biện pháp xử phạt hành chính
Điều 211 Luật SHTT Việt Nam đã liệt kê một danh sách các hành vi xâm phạm quyền SHTT có thể bị xử phạt hành chính, theo đó những hành vi xâm phạm quyền tác giả được thực hiện trên Internet cũng nằm trong đối tượng được luật áp dụng. Cụ thể, đó là những hành vi “xâm phạm quyền SHTT gây thiệt hại cho tác giả và những chủ sở hữu quyền” (Khoản 1 Điều 211 Luật SHTT). Tuy nhiên, quy định này còn rất chung chung, do vậy, theo quy định tại khoản 2 Điều 211 Luật SHTT, việc quy định cụ thể về các hành vi xâm phạm quyền SHTT bị xử phạt hành chính được giao cho Chính phủ thực hiện. Theo đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 về quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả và quyền liên quan, trong đó có liệt kê các hành vi vi phạm quyền tác giả.
Để xử phạt hành chính những hành vi xâm phạm quyền SHTT, trong đó có quyền tác giả, Điều 214 Luật SHTT Việt Nam quy định hai hình thức xử phạt chính gồm cảnh cáo và phạt tiền. Tuy nhiên, đối với hình thức xử phạt cảnh cáo, Luật SHTT Việt Nam không có bất kỳ quy định đặc thù nào áp dụng riêng cho hành vi xâm phạm quyền tác giả trên Internet. Và trong Nghị định số 131/2013/NĐ-CP, hình thức phạt cảnh cáo cũng không được nhắc đến. Nói cách khác, theo quy định hiện hành, mặc dù Luật SHTT công nhận hình thức phạt cảnh cáo tồn tại, nhưng khi đưa vào áp dụng trên thực tế bởi nghị định của Chính phủ, thì hình thức cảnh cáo không được áp dụng. Còn đối với hình thức phạt tiền, số tiền phạt được quy định tối đa đến 500.000.000 đồng tuỳ theo tính chất và mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm[18]. Theo chúng tôi, số tiền này không hề nhỏ, nó có tính ngăn ngừa và răn đe hiệu quả trong lĩnh vực quyền tác giả trên Internet. Ngoài ra, bên cạnh những hình thức xử phạt chính, những hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp khắc phục hậu quả cũng được quy định tại Điều 214 Luật SHTT. Nghị định số 131/2013/NĐ-CP cũng đã cụ thể hoá các biện pháp khắc phục hậu quả này, đó là yêu cầu dỡ bỏ những tác phẩm đăng tải trái phép dưới hình thức điện tử trên Internet.
Đối với nhà cung cấp dịch vụ lưu trú, truyền đưa thông tin, mạng xã hội hoặc trang thông tin điện tử, chúng tôi nhận thấy, những chủ thể này có thể bị xem xét trách nhiệm hành chính cho những hành vi vi phạm của mình liên quan đến quyền tác giả theo quy định của Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện. Cụ thể, đó là những hành vi cung cấp đường dẫn đến trang thông tin điện tử có nội dung vi phạm quy định của pháp luật (Điểm b, khoản 1 Điều 64 Nghị định số 174/2013/NĐ-CP), hành vi không thực hiện việc ngăn chặn, loại bỏ thông tin vi phạm quy định pháp luật khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền (Điểm đ, khoản 4 Điều 65 Nghị định số 174/2013/NĐ-CP), hành vi không chấm dứt việc cho thuê chỗ lưu trữ thông tin hay không chấm dứt cung cấp công cụ tìm kiếm đến các nguồn thông tin vi phạm trong trường hợp tự mình phát hiện hoặc theo thông báo của cơ quan có thẩm quyền (Điểm a, b khoản 2 Điều 66 Nghị định số 174/2013/NĐ-CP)… Để xử lý những hành vi vi phạm trên, Nghị định số 174/2013/NĐ-CP chỉ quy định một loại hình thức xử phạt chính, đó là phạt tiền kèm theo đó là các hình thức xử phạt bổ sung. Theo chúng tôi, cách quy định như vậy làm tăng tính răn đe như đã được trình bày ở trên, nhưng đồng thời cũng đã làm vô hiệu hoá hình thức xử phạt cảnh cáo được pháp luật thừa nhận rộng rãi trong xử lý vi phạm hành chính.
2.2. Thẩm quyền xử phạt
Theo quy định hiện hành, có nhiều cơ quan được trao cho thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Theo đó, cơ quan có thẩm quyền xử phạt những hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực Internet (theo Nghị định số 174/2013/NĐ-CP) bao gồm thanh tra chuyên ngành, chủ tịch uỷ ban nhân dân các cấp, công an nhân dân, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, hải quan, cơ quan thuế, cơ quan quản lý thị trường. Trong lĩnh vực quyền tác giả, hầu hết các cơ quan này cũng đều có thẩm quyền xử lý vi phạm (Nghị định số 131/2013/NĐ-CP). Và như vậy, trong trường hợp một hành vi vi phạm quyền tác giả trên Internet nếu thuộc thẩm quyền xử phạt của nhiều cơ quan thì việc xử phạt sẽ do cơ quan thụ lý đầu tiên thực hiện.
Theo chúng tôi, việc quy định nhiều cơ quan có thẩm quyền xử phạt, trên lý thuyết, sẽ có lợi là cho phép phát hiện các hành vi vi phạm trong mọi trường hợp, giúp cho việc xử phạt các hành vi vi phạm được thực hiện một cách nhanh chóng và kịp thời. Tuy nhiên, trên thực tế, việc này có thể gây ra một số khó khăn cho việc bảo vệ quyền tác giả trên Internet, do vậy cần có một cơ quan chuyên môn để có thể đưa ra những hình thức xử phạt hợp lý và hiệu quả hơn.
3. Đề xuất một số biện pháp hành chính xử lý vi phạm quyền tác giả đặc thù cho môi trường mạng
Như đã phân tích, pháp luật Việt Nam quy định hai hình thức xử phạt chính trong xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm pháp luật nói chung và các hành vi xâm phạm quyền tác giả nói riêng. Tuy nhiên, do tính đặc thù của quyền tác giả trong môi trường kỹ thuật số nên cần phải có những quy định riêng cũng như một cơ chế hiệu quả mới có thể bảo vệ tốt quyền tác giả trên Internet. Hiện nay, tại Việt Nam, chưa có một luật riêng quy định về việc bảo vệ quyền tác giả trên Internet. Ý tưởng về việc xây dựng luật này là hoàn toàn có cơ sở. Theo tìm hiểu của chúng tôi, Pháp đã ban hành Luật số 2009-669 ngày 12/6/2009 nhằm khuyến khích sự phổ biến và bảo vệ việc sáng tạo trên Internet (gọi tắt là luật Hadopi). Những kinh nghiệm này rất xứng đáng được nghiên cứu và đây cũng là những kiến nghị hoàn thiện pháp luật của chúng tôi liên quan đến các biện pháp xử phạt hành chính vi phạm quyền tác giả trên Internet.
3.1. Thành lập cơ quan hành chính có thẩm quyền độc lập
Luật Hadopi đã thành lập một cơ quan hành chính, cơ quan có thẩm quyền cao nhất trong việc phổ biến các tác phẩm và bảo vệ quyền tác giả trên Internet được gọi tắt là “Hadopi”. Theo Điều L331-12, đây là một cơ quan nhà nước độc lập có tư cách pháp nhân được thành lập để thay thế Cơ quan điều tiết các biện pháp kỹ thuật (ARMT)[19] và là cơ quan duy nhất có nhiệm vụ thực hiện việc giám sát và bảo vệ các quyền tác giả trên Internet. “Hadopi” được cấu thành bởi một Hội đồng và một Ủy ban bảo vệ quyền tác giả (Điều L331-15). Chủ tịch của Hội đồng cũng là chủ tịch của “Hadopi”. Cơ quan này thực hiện nhiều nhiệm vụ (Điều L331-13) như “khuyến khích việc chuyển nhượng quyền tác giả phù hợp với các quy định của pháp luật, giám sát việc sử dụng hợp pháp và bất hợp pháp các tác phẩm” và “bảo vệ các tác phẩm và các nội dung đối với sự xâm phạm các quyền này trên mạng thông tin điện tử”. Hơn nữa, cơ quan này còn có nhiệm vụ “điều tiết và giám sát các biện pháp kỹ thuật nhằm thực hiện việc bảo vệ và xác định các tác phẩm được bảo vệ” bởi quyền tác giả (ví dụ: bằng cách xác định cách thức thực hiện các trường hợp ngoại lệ được luật quy định và nhất là việc xác định số lượng sao chép tối thiểu trong giới hạn cho phép về việc sao chép riêng tư - Điều L331-39). Với những nhiệm vụ nêu trên, cơ quan này có quyền đề nghị sửa đổi tất cả các văn bản luật hoặc văn bản dưới luật có liên quan đến việc bảo vệ các quyền tác giả đối với các tác phẩm văn học và nghệ thuật.
Ngoài ra, luật này còn quy định “Hadopi” có thẩm quyền giải quyết tất cả các tranh chấp liên quan đến sự hạn chế mà các biện pháp kỹ thuật bảo vệ gây ra cho người có quyền trong những trường hợp ngoại lệ được luật quy định (Điều L331-41). Dựa trên sự tôn trọng quyền của các bên, luật khuyến khích một giải pháp thoả hiệp (Điều L331-43). Biên bản hoà giải có giá trị bắt buộc thi hành và biên bản này được nộp cho phòng lục sự của Toà sơ thẩm thẩm quyền hẹp. Tất cả các quyết định trong biên bản hoà giải đều có thể bị kháng cáo. Việc kháng cáo được thực hiện công khai trước Toà phúc thẩm Paris trên cơ sở tôn trọng những bí mật được pháp luật bảo vệ. Việc không thực hiện các quyết định hay việc không tôn trọng các cam kết trong biên bản hoà giải cũng có thể bị “Hadopi” phạt tiền (Điều L331-7). Luật cũng quy định rằng, cơ quan hành chính này được áp dụng những thủ tục cần thiết để khai thác các thông tin về danh tính, địa chỉ, địa chỉ điện tử và số điện thoại của những người truy cập vào các dịch vụ thông tin liên lạc công cộng trực tuyến trong trường hợp việc truy cập này được sử dụng nhằm mục đích sao chụp, trình diễn, cung cấp hoặc thông tin đến công chúng những tác phẩm được bảo vệ mà không có sự đồng ý của chủ sở hữu quyền (Điều L331-21).
Vì vậy, để bảo vệ quyền tác giả trên Internet, tại Pháp, một cơ quan hành chính được thành lập có nhiệm vụ giám sát việc thi hành các quyền sở hữu tác phẩm văn học nghệ thuật trên Internet. Điều này giúp cho việc bảo vệ các quyền nói trên được tập trung và hiệu quả hơn. Trong khi đó, tại Việt Nam, việc bảo vệ quyền tác giả không được thực hiện bởi một cơ quan chuyên môn trong lĩnh vực Internet mà được thực hiện bởi nhiều cơ quan nhà nước có thẩm quyền như đã nêu ở trên.
3.2. Giải pháp từng bước
Luật Việt Nam chỉ quy định hai hình thức xử phạt hành chính trong lĩnh vực quyền tác giả trong đó có hình thức phạt cảnh cáo. Tuy nhiên, luật lại không quy định cụ thể cách thức áp dụng hình thức xử phạt này. Hơn thế nữa, trong các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quyền tác giả hay trong lĩnh vực Internet, biện pháp cảnh cáo không được quan tâm đưa vào thực hiện. Vấn đề này có thể làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người dân, khi họ vô tình thực hiện hành vi vi phạm nhưng lại không có một có chế nhắc nhở nào trước khi bị xử phạt với hình thức cao hơn. Trong khi đó ở Pháp, với Luật số 2009-669 ngày 12/6/2009, biện pháp cảnh cáo được quy định rất rõ trong một cơ chế được gọi là “giải pháp từng bước”. Cơ chế này được biết đến lần đầu tiên tại Pháp, và Anh là quốc gia lớn thứ hai ở châu Âu chấp nhận phương pháp này nhằm chống lại sự vi phạm bản quyền trong lĩnh vực Internet.
“Giải pháp từng bước” bao gồm ba giải pháp, trong đó hai giải pháp đầu mang tính phòng ngừa và giải pháp thứ ba có tính chất trấn áp. Đối với hai giải pháp đầu, đầu tiên, một bức thư cảnh cáo điện tử sẽ được gửi đến người có hành vi vi phạm. Kế đến, một văn bản cảnh cáo sẽ được gửi đến bằng thư có bảo đảm. Nếu sau khi “Hadopi” đã gửi những lời cảnh cáo này đến người vi phạm nhưng hành vi vi phạm bản quyền vẫn không chấm dứt thì “Hadopi” có quyền đình chỉ thuê bao của người vi phạm trong thời hạn từ ba tháng đến một năm. Sự đình chỉ có thời hạn thuê bao của người vi phạm sẽ phụ thuộc vào việc cấm đăng ký lại với một nhà cung cấp dịch vụ Internet khác trong suốt thời gian quy định. Cần lưu ý rằng, biện pháp đình chỉ truy nhập Internet có thời hạn này đã gây ra tranh cãi trong suốt thời gian dự thảo luật. Chúng ta biết rằng, một đường truyền Internet thường được sử dụng chung cho nhiều người mà trong đó có nhiều người sử dụng hợp pháp và không có liên quan với hành vi vi phạm. Thế nhưng hành vi bất hợp pháp của một cá nhân có thể dẫn đến hình phạt đình chỉ truy cập Internet không chỉ đối với người vi phạm mà còn đối với các cá nhân khác sử dụng chung một đường truyền Internet. Vì vậy, có thể nói rằng, luật không trừng phạt hành vi vi phạm mà là trừng phạt đường truyền Internet được sử dụng để thực hiện hành vi đó. Có thể thấy, luật này quy định về trách nhiệm đối với hành vi của người khác - một nguyên tắc được thừa nhận trong luật dân sự nhưng bị cấm trong luật hình sự. Bên cạnh đó, người vi phạm phải cam kết với “Hadopi” rằng không tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm nữa và thừa nhận mình chính là người đã thực hiện những hành vi bất hợp pháp này. Vả lại, theo quy định tại Điều L331-31, người thực hiện hành vi vi phạm sẽ không được miễn việc thanh toán cho nhà cung cấp dịch vụ Internet trong thời gian bị đình chỉ dịch vụ. Đồng thời, thông tin của những người vi phạm bị đình chỉ cũng sẽ được công bố công khai.
Như chúng ta thấy, phương pháp thực hiện của «giải pháp từng bước» là rất rõ ràng và mạnh mẽ. Những giải pháp này được thực hiện bởi cơ quan hành chính có thẩm quyền là «Hadopi» và không có sự can thiệp của các quyết định tư pháp. Theo chúng tôi, điều này giúp cho việc đưa ra các quyết định được nhanh chóng và do đó, việc bảo vệ quyền tác giả sẽ hiệu quả hơn. Có thể thấy đây là vấn đề chưa được thực hiện tốt ở Việt Nam. Tuy nhiên, cũng cần nói thêm rằng, ở Pháp những giải pháp này đã bị Hội đồng bảo hiến Pháp công kích vì nó trái với các quy định trong Hiến pháp đối với việc đình chỉ truy cập Internet không do một cơ quan tư pháp ban hành[20]. Theo Hội đồng bảo hiến, “sự tự do trao đổi suy nghĩ và quan điểm là một trong những quyền quý giá nhất của con người” và nó được bảo vệ theo quy định tại Điều 11 Tuyên ngôn năm 1789. Quyền này bao gồm quyền tự do tiếp cận các dịch vụ truyền thông trực tuyến công cộng để “tham gia vào đời sống dân chủ và thể hiện những suy nghĩ, quan điểm”. Theo đó, “cơ quan lập pháp không thể uỷ thác các quyền (hạn chế hay ngăn cản việc truy cập Internet) cho một cơ quan hành chính vì mục đích bảo vệ các quyền tác giả và các quyền có liên quan”. Do đó, cần phải yêu cầu toà án quyết định hình phạt.
Trước tình hình đó, để không trái với các quy định của Hiến pháp, biện pháp đình chỉ thuê bao Internet có thời hạn đã được nghiên cứu để chỉnh sửa cho phù hợp. Ngày 8/7/2013, Luật số 2013-596 đã được ban hành nhằm loại bỏ biện pháp trên. Theo Luật này, quy định liên quan đến việc cắt tạm thời thuê bao Internet vi phạm quyền tác giả bị huỷ bỏ. Thay vào đó, biện pháp phạt tiền sẽ được áp dụng đối với những hành vi vi phạm do lỗi vô ý. Nghị định cũng hướng dẫn thể thức cung cấp thông tin cần thiết cho phép truy ra danh tính của thuê bao vi phạm. Có thể nói, sự sửa đổi này của luật đã làm chấm dứt vi phạm về quyền tự do thông tin được ghi nhận trong Hiến pháp của Pháp.
3.3. Áp dụng trách nhiệm cho các chủ sở hữu Hotspot Wifi
Đối với những khu vực công cộng, hệ thống mạng không dây (wifi) được sử dụng khá phổ biến, điển hình như tại các trường đại học, nhà hàng, thư viện… phục vụ cho nhiều mục đích đa dạng khác nhau, như nghiên cứu, thông tin, liên lạc… Để chống lại việc vi phạm bản quyền trên Internet, luật Hadopi đã đề cập đến trách nhiệm của các chủ sở hữu mạng wifi. Theo đó, luật yêu cầu những người này phải áp dụng những biện pháp kỹ thuật để ngăn cản việc truy cập vào những trang web chứa các tác phẩm được bảo vệ bằng các công cụ kết nối với bộ lọc.
Hiện nay, ở Pháp tồn tại sự tranh cãi về chủ đề này bởi vì các công cụ lọc không phải luôn luôn tốt[21]. Tuy nhiên theo chúng tôi, giải pháp này có vẻ phù hợp với Việt Nam. Mặc dù việc này không thể giải quyết đối với tất cả các trang web nhưng việc bắt buộc phải áp dụng các biện pháp kỹ thuật để bảo vệ quyền tác giả cũng giúp hạn chế phần nào việc vi phạm. Nhờ vào “bức tường lửa” khổng lồ, các thông tin sẽ được lựa chọn một cách nghiêm khắc phù hợp với các chính sách về bảo vệ quyền tác giả.
Có thể thấy, trong lĩnh vực SHTT nói chung, tại Việt Nam, những biện pháp hành chính được sử dụng thường xuyên hơn so với những biện pháp khác như dân sự hay hình sự[22]. Tuy nhiên, những biện pháp hành chính này cho thấy sự kém hiệu quả trong lĩnh vực quyền tác giả trên Internet do không đáp ứng được với sự thay đổi của thị trường thông tin, nơi mà Internet trở nên ngày càng phổ biến. Còn ở Pháp - một trong những quốc gia rất phát triển trong lĩnh vực bảo vệ quyền SHTT - đã ban hành Luật số 2009-669 ngày 12/6/2009 trong đó quy định những biện pháp hành chính rất mạnh mẽ, cụ thể và điển hình để trừng phạt những hành vi vi phạm thực hiện trên không gian mạng. Đây là điều mà Việt Nam có thể tham khảo để ban hành những quy định hợp lý hơn và phù hợp hơn cho lĩnh vực quyền tác giả trên môi trường mạng./.

* TS. Khoa Luật, Trường ĐH Kinh tế - Luật ĐHQG TP. Hồ Chí Minh
[1] Trong pháp luật Việt Nam, quyền nhân thân không bao gồm “quyền xem xét lại” hay “quyền rút lại”. Đặc quyền này cho phép tác giả đã chuyển nhượng tác phẩm của mình được thay đổi quyết định để rút lại việc chuyển nhượng hoặc sửa đổi nó. Đó là khi một tác giả cảm thấy hối tiếc vì đã công bố tác phẩm mà ông ta cho rằng không hoàn hảo, hoặc là không cho tác phẩm lưu hành vĩnh viễn vì nó không xứng đáng với tài năng của mình. Tuy nhiên, quyền này không được thừa nhận trong Công ước Berne.
[2] Quyền đứng tên tác phẩm được quy định tại khoản 1, 2 Điều 19 Luật SHTT.
[3] Quyền công bố tác phẩm được quy định tại khoản 3 Điều 19 Luật SHTT.
[4] Khoản 2 Điều 22 và khoản 4 Điều 23 Nghị định số 100/2006/NĐ-CP ngày 21/9/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Dân sự và Luật SHTT về quyền tác giả và quyền liên quan.
[5] Khoản 11 Điều 4 Luật SHTT Việt Nam quy định: “Phát sóng là việc truyền âm thanh hoặc hình ảnh hoặc cả âm thanh và hình ảnh của tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng đến công chúng bằng phương tiện vô tuyến hoặc hữu tuyến, bao gồm cả việc truyền qua vệ tinh để công chúng có thể tiếp nhận được tại địa điểm và thời gian do chính họ lựa chọn”.
[6] Quyền tôn trọng sự toàn vẹn của tác phẩm được quy định tại khoản 4 Điều 19 Luật SHTT.
[7] Xem: Điều 20 Luật SHTT; khoản 8, 10 Điều 4 Luật SHTT.
[8] Khoảng năm 2004, thế giới biết đến vụ kiện giữa “Liên hiệp quốc tế các tổ chức quyền sao chép” (tên viết tắt tiếng Anh là “IFRRO”) chống lại Google liên quan đến vấn đề Google thực hiện việc số hóa các tác phẩm văn học trên trang web của mình mà không có sự cho phép của các tác giả. Và tại Việt Nam, theo Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam (tên viết tắt tiếng Anh là “VLCC”), có khoảng 4.400 tác phẩm văn học của Việt Nam được số hóa bởi Google. Kể từ năm 2009, Google đã thiết lập các cuộc đàm phán với các tác giả Việt Nam về việc trả thù lao. Nếu không được đồng ý, Google sẽ không có quyền đưa các tác phẩm này lên trang web của mình vào năm 2011 (theo http://www.thethaovanhoa.vn/173N20090718051256942T133/ky-voi-google-se-khong-mat-quyen-dua-tac-pham-len-cac-website-viet-nam!.htm; xem thêm http://www.giaothongvantai.com.vn/Desktop.aspx/News/Van-hoa/Ban_quyen_tac_gia_van_hoc-Cac_nha_van_se_dam_phan_voi_Google/; Báo Pháp luật ngày 7/9/2009).
[9] Pháp luật Việt Nam về SHTT thừa nhận cho tác giả quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng (theo nghĩa rộng) tại Điều 20 Luật SHTT. Theo đó, quyền «biểu diễn tác phẩm trước công chúng» được xem như một phương thức trình diễn, giới thiệu trực tiếp tác phẩm tới công chúng, còn quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng (theo nghĩa hẹp) được quy định là quyền «truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác».
[10] Xem Lời nói đầu của Hiệp ước về quyền tác giả của Tổ chức SHTT thế giới (WIPO), tại Genève, ngày 2-20/12/1996.
[11]http://vlcc.org.vn/modules.php?name=News&op=viewst&sid=39.
[12]http://vietbao.vn/Vi-tinh-Vien-thong/Ban-quyen-cho-tac-pham-am-nhac-Viet-Nam-tren-Internet/20583069/217/
[13]http://vlcc.org.vn/modules.php?name=News&op=viewst&sid=39
[14] Xem Điều 20 Luật SHTT.
[15] Khoản 3 Điều 23 Nghị định số 100/2006/ND-CP ngày 21/9/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Dân sự và Luật SHTT về quyền tác giả và quyền liên quan: "Quyền phân phối bản gốc hoặc bản sao tác phẩm… là quyền của chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện bằng bất kỳ hình thức, phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được để bán, cho thuê hoặc các hình thức chuyển nhượng khác bản gốc hoặc bản sao tác phẩm".
[16] Điểm e, khoản 1 Điều 20 Luật SHTT.
[17] Khoản 5 Điều 23 Nghị định số 100/2006/NĐ-CP ngày 21/9/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Dân sự và Luật SHTT về quyền tác giả và quyền liên quan: «Quyền cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính… do chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện việc cho thuê để sử dụng có thời hạn» ; Xem Điều 480 Bộ luật Dân sự Việt Nam về cho thuê.
[18] Điểm đ khoản 2 Điều 14 Pháp lệnh số 04/2008/UBTVQH12 ngày 2/4/2008 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính; Điều 2 Nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả và quyền liên quan.
[19] Cơ quan này đã được thành lập bởi Luật ngày 30/6/2006 về quyền tác giả và các quyền liên quan trong xã hội thông tin (DADVSI).
[22] Theo Ông Trần Việt Hùng, Cục trưởng Cục SHTT Việt Nam, tại Hội thảo về “Thực thi quyền SHTT” ngày 30/10/2009 tại TP.Hồ Chí Minh.