Nhận diện tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng và các kiến nghị phòng ngừa, xử lý

01/05/2015

Ngân hàng là công cụ quan trọng giúp Chính phủ điều hành nền kinh tế, huy động vốn cho các dự án, là trung tâm thanh toán và thực thi chính sách tiền tệ, nơi tập trung khối lượng tiền, ngoại tệ, các giấy tờ có giá và các tài sản quý. Do đó, tội phạm luôn xác định ngân hàng là mục tiêu, điểm đến để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Hiện nay, chưa có một khái niệm chính thống và cũng chưa có một văn bản quy phạm pháp luật nào quy định về tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng. Do đó, việc nhận diện đúng tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng cũng như các tình tiết liên quan có ý nghĩa rất quan trọng về mặt lý luận cũng như về mặt thực tiễn trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm 
Untitled_235.png
Ảnh minh họa: (Nguồn internet)
1. Thực trạng tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng
Tình hình tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng ở Việt Nam đang diễn ra rất phức tạp, với tính chất, quy mô, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt và có chiều hướng ngày càng gia tăng. Đối tượng phạm tội ngày càng đa dạng, bao gồm người Việt Nam và cả người nước ngoài, hoạt động trong quốc gia hoặc xuyên quốc gia với công nghệ cao. Người phạm tội thường che giấu hành vi phạm tội, tiêu huỷ chứng cứ, dùng nhiều thủ đoạn để đối phó với các cơ quan quản lý, cơ quan tiến hành tố tụng, đồng thời lợi dụng các mối quan hệ “phức tạp” để tác động, chạy tội, gây khó khăn cho hoạt động tiến hành tố tụng.
1.1. Phương thức, thủ đoạn phạm tội
Đối tượng là người làm việc trong ngân hàng
- Là các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tạo dựng hồ sơ, giấy tờ giả, sổ tiết kiệm khống, vàng giả để thế chấp, sau đó chiếm đoạt tài sản. Giả mạo chữ ký của khách hàng gửi tiền để tham ô, không hạch toán vào tài khoản của khách hàng mà hạch toán vào tài khoản của cá nhân rồi thông qua tài khoản chuyển tiền đi ngân hàng khác để rút tiền. Sử dụng bút toán giả, thu tiền nợ vay không nhập quỹ, lập hồ sơ vay khống hoặc hồ sơ ghi tăng số tiền vay để rút tiền. Không thẩm định hoặc cố tình thẩm định sai tài sản thế chấp, thế chấp không đúng với thực tế để hưởng phần trăm trên tổng số tiền vay. Sử dụng các đối tượng bên ngoài, “sân sau”để thực hiện các hành vi tham nhũng, tự kê khai trên giấy gửi tiền và ghi vào sổ tiết kiệm không đúng với số tiền mà khách hàng kê khai…
- Lợi dụng uy tín của tổ chức ngân hàng để lừa đảo, thông qua các biện pháp nghiệp vụ như: huy động vốn, sửa chữa, tẩy xoá, nâng giá trị tiền lên nhiều lần trong các chứng chỉ tiền gửi của các ngân hàng phát hành, rồi đem thế chấp tại chính ngân hàng mình đang làm việc. Lập các chứng từ uỷ nhiệm chi, giấy nộp tiền, giấy nhận tiền, rồi giả mạo chữ ký của chủ tài khoản vào các tờ séc, giấy uỷ nhiệm chi để chuyển vòng vo thông qua các tài khoản tiền gửi, tiền vay của khách hàng để rút tiền.
- Thiếu tinh thần trách nhiệm, cả tin, quan liêu, năng lực yếu kém, nên gây hậu quả nghiêm trọng.
- Chiếm đoạt tài sản thông qua việc thực hiện chính sách, chế độ tài chính - tiền tệ, các gói kích cầu, hỗ trợ, giải cứu doanh nghiệp. Loại hành vi này rất tinh vi, khó phát hiện.
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian gây ảnh hưởng đến người khác để trục lợi.
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền trong khi thực hiện nhiệm vụ để đòi hối lộ.
- Sử dụng chuyên môn, nghiệp vụ mà mình đảm nhiệm để chiếm đoạt tài sản.
- Câu kết với khách hàng để chiếm đoạt tài sản của ngân hàng.
Đối tượng là người làm việc ngoài ngân hàng
- Thực hiện hành vi lừa đảo, tự tạo dựng hồ sơ dự án, giả mạo hợp đồng, lập hồ sơ vay vốn, thế chấp tài sản, hợp đồng kinh tế, hợp đồng thuê kho bãi, hàng hoá, hoá đơn, chứng từ chiết khấu, dự án, cổ phiếu, trái phiếu, phương án kinh doanh, phương án trả nợ giả.
- Nâng giá trị tài sản thế chấp tăng lên nhiều lần, tài sản thế chấp là thật nhưng không đủ giấy tờ pháp lý hoặc đang có tranh chấp. Lập dự án không có thật, “dự án ma”, làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà ở, giấy tờ có giá hoặc dùng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà ở, giấy tờ có giá của người khác, thế chấp bằng hàng hoá hình thành từ vốn vay để thế chấp vay tiền ngân hàng rồi chiếm đoạt. Hành vi lừa đảo dưới dạng đầu tư tài chính qua mạng, huy động vốn theo kiểu kinh doanh đa cấp, giả danh các tập đoàn đầu tư tài chính toàn cầu. Ví dụ, đối tượng tự nhận là đại diện tổ chức tài chính quốc tế, có một khoản tín dụng lớn ở nước ngoài đang tìm đối tác cho vay với lãi suất hấp dẫn, thời gian vay dài, nếu muốn vay thì người vay phải ký quỹ từ 5% đến 10% vốn đối ứng, sau đó dùng chữ ký giả của người ký quỹ để rút tiền chiếm đoạt.
- Hành vi làm giả tài liệu, giấy tờ để chiếm đoạt tài sản của ngân hàng. Đó là, người phạm tội ký các hợp đồng tiền gửi giả mạo, hợp thức hoá đầu tư tài chính của tổ chức qua việc chuyển tiền vào tài khoản trung gian của chính tổ chức mình đại diện. Tạo dựng hồ sơ dự án, giả mạo hợp đồng, giả mạo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà… để thế chấp vay ngân hàng chiếm đoạt tài sản.
- Hành vi đột nhập mạng ngân hàng, trộm cắp mật khẩu, tạo lệnh chuyển tiền giả nhằm chiếm đoạt tài sản.
- Hối lộ người có chức vụ, quyền hạn để họ tạo điều kiện cho hành vi chiếm đoạt tài sản. Vì hoạt động của hệ thống ngân hàng có rất nhiều những quy định chặt chẽ, nhất là trình tự về vay vốn nên hành vi và thủ đoạt của người phạm tội có tinh vi đến đâu, nhưng nếu không có sự liên kết, giúp sức của những người làm việc trong ngân hàng thì khó có thể thực hiện được hành vi chiếm đoạt tài sản.
Rửa tiền
Là hành vi sử dụng tiền, tài sản có được do phạm tội mà có, “tiền bẩn” để mua bán bất động sản, chứng khoán… hợp thức hoá số tiền bẩn thành “tiền sạch”, sau đó thông qua hệ thống ngân hàng lại chuyển tiền về các tài khoản của mình, để tham gia vào các hoạt động giao dịch công khai. Đây là loại tội phạm có độ ẩn, rất tinh vi, do đó rất khó phát hiện. Các dòng tiền về cơ bản từ khi bắt đầu, đến khâu trung gian, cho đến khi kết thúc, hầu hết đều thông qua tổ chức tín dụng và thường được sử dụng ở ba giai đoạn trong chu trình rửa tiền, đó là: sắp đặt, phân tán và hoà nhập.
Dưới hình thức kinh doanh ngoại hối và giấy tờ có giá giả
Là hành vi kinh doanh ngoại tệ, lợi dụng sơ hở trong quản lý kinh doanh ngoại tệ, sử dụng mã giao dịch của thanh toán viên để sửa bút toán, giao dịch, sửa mã bảo mật (password) của thanh toán viên để sửa số liệu, tự ý thực hiện toàn bộ quá trình kinh doanh ngoại tệ liên ngân hàng…
Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả. Lừa đảo thông qua việc thanh toán hoặc đổi séc du lịch.
Sử dụng công nghệ cao
- Trộm cắp thông tin thẻ ngân hàng (dãy số thể hiện loại thẻ do ngân hàng phát hành - số thẻ), số PIN, thông tin về cá nhân (họ tên, địa chỉ, số điện thoại, E-mail), để rút tiền mà không cần đến thẻ của chủ sở hữu.
- Thành lập công ty “ma”, công ty “ảo” để trộm cắp dữ liệu, bằng hình thức này tiền được chuyển về tài khoản khác chứ không phải tài khoản của công ty.
- Sản xuất và sử dụng thẻ giả để rút tiền ở các máy ATM, trả tiền mua hàng, khách sạn, dịch vụ. Sử dụng thẻ ngân hàng trộm cắp được để mua hàng trực tuyến.
- Trộm cắp dữ liệu của các chủ tài khoản ngân hàng, sửa chữa thông tin, giả mạo chữ ký để chuyển tiền về các tài khoản ảo mở sẵn (được đăng ký bằng các loại giấy tờ giả). Sau khi tiền được chuyển đến tài khoản, nhanh chóng rút hết tiền và không bao giờ thực hiện thêm các giao dịch tiếp theo.
- Lợi dụng hệ thống thanh toán Swift của ngân hàng để thực hiện các giao dịch giả mạo.
- Truy cập bất hợp pháp vào Website, dùng phần mềm E-mail giả để lấy các thông tin cá nhân (thủ đoạn phishing[1]), phát tán thư rác, tạo trang Web bán hàng giả.
Thâu tóm, lũng đoạn, chi phối ngân hàng theo kiểu “lợi ích nhóm”.
Lợi ích nhóm là sản phẩm tất yếu của nền kinh tế thị trường, nó bao gồm lợi ích nhóm đa số, lợi ích nhóm thiểu số, lợi ích nhóm tiêu cực, lợi ích nhóm tích cực. Lợi ích nhóm ở Việt Nam trong thời gian qua có đặc trưng liên quan đến những người có chức vụ, quyền hạn trong lĩnh vực tài chính, đầu tư, địa chính, bất động sản… Nó xuất hiện với tần suất dày đặc và theo hướng tiêu cực là chủ yếu, hoạt động của nó rất linh hoạt theo từng vụ việc và vây quanh một số cá nhân nhất định. Lợi dụng cơ chế hiện hành, tính thiếu công khai, minh bạch, các lợi ích nhóm thường tiếp xúc theo kiểu “quan hệ” cá nhân hoặc có thể thông qua trung gian, như con cái, người thân mà chất kết dính là lợi ích vật chất.
Trong lĩnh vực hoạt động ngân hàng, lợi ích nhóm xuất hiện với ý đồ thâu tóm, lũng đoạn thị trường tài chính, nó cắm rễ và chi phối hệ thống - hoạt động của ngân hàng.
1.2. Hậu quả của tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng
- Làm cho quá trình triển khai chủ trương, chính sách, pháp luật về hoạt động ngân hàng bị sai lệch, gây ra hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiệm trọng, không chỉ làm thiệt hại về tài sản mà còn làm ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống tài chính, làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Nó làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào sự quản lý, điều hành của Nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng.
- Làm gia tăng rủi ro và nguy cơ gây mất an toàn hệ thống ngân hàng, đẩy ngân hàng vào tình trạng mất khả năng thanh khoản, đóng băng tín dụng và tác động trực tiếp đến an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia.
- Làm tha hoá, biến chất, phá hoại tư tưởng những người làm trong hệ thống ngân hàng.
2. Nguyên nhân
2.1. Những bất cập của cơ chế, chính sách và pháp luật
Cơ chế, chính sách điều tiết kinh tế thay đổi khá nhanh, chuyển đổi liên tục, từ thắt chặt sang nới lỏng, tăng trưởng kinh tế bị giảm sút dẫn đến tình hình xã hội phát sinh nhiều tiêu cực, tội phạm. Việc hạn chế tín dụng bằng trần tăng trưởng tín dụng dẫn đến nguồn cung tín dụng giảm đột ngột, nhu cầu tín dụng qua hệ thống ngân hàng không đáp ứng được yêu cầu của các cá nhân, tổ chức, nên các cá nhân, tổ chức có nhu cầu vốn phải đi vay tiền ngoài hệ thống ngân hàng (thị trường không chính thức). Do đó, có sự liên thông giữa thị trường không chính thức và thị trường chính thức của ngân hàng thương mại đối với các dịch vụ đáo nợ, cầm đồ, cho vay nặng lãi… của người bên ngoài bắt tay với người làm việc trong các ngân hàng. Mặt khác, hiện nay Ngân hàng Nhà nước thường sử dụng các biện pháp hành chính trong quản lý hoạt động ngân hàng thay cho các biện pháp định hướng thị trường, dẫn đến tình trạng “lách luật”. Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật điều chỉnh trực tiếp lĩnh vực ngân hàng được ban hành nhiều nhưng chồng chéo, mâu thuẫn, không theo kịp tình hình phát triển của xã hội.
Pháp luật hiện hành quy định mức chế tài về kinh tế còn quá thấp nên chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa, tình trạng “phạt cho tồn tại” vẫn còn phổ biến, hoặc mức phạt quá thấp so với tài sản mà người phạm tội chiếm đoạt. Cho nên, pháp luật cần phải quy định chế tài sao cho người phạm tội “không dám phạm tội”. Bởi vì, mục đích của hình phạt là phải triệt tiêu được yếu tố hình thành động cơ, mục đích phạm tội, mà căn nguyên để hình thành động cơ, mục đích vụ lợi của tội phạm là lòng tham của con người. Bên cạnh đó, nhiều hành vi vi phạm chưa được “hình sự hoá”, như hành vi vi phạm quy định về quản lý kiều hối - từ chối nhận, lưu hành tiền đủ tiêu chuẩn được lưu thông - sản xuất, lưu hành thẻ thanh toán giả - đầu cơ vàng… làm ảnh hưởng đến chính sách quản lý của Nhà nước về tiền tệ.
Tội phạm rửa tiền hiện nay ngày càng có xu hướng phát triển, diễn biến phức tạp, tinh vi, xảo quyệt nhưng Bộ luật Hình sự chỉ mới có một điều luật quy định về tội danh này, bên cạnh đó cũng chưa có các văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết.
Trong hoạt động quản lý, tiến hành tố tụng xử lý tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng sử dụng công nghệ cao, biện pháp tối ưu là truy tìm dấu vết tội phạm bằng các thiết bị công nghệ tin học qua Internet…Tuy nhiên, hiện nay Bộ luật Tố tụng hình sự chưa có quy định tài liệu, thông tin thu thập được bằng biện pháp trên là nguồn chứng cứ, nên không thể chuyển hoá và chứng minh được hành vi phạm tội.
Pháp luật hiện hành chưa có một khái niệm chính thống về tội phạm có yếu tố nước ngoài, nên có nhiều cách hiểu khác nhau trong quá trình áp dụng pháp luật.
Hiện nay, nước ta chưa có bộ phận chuyên trách làm công việc đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng. Một số người tiến hành tố tụng giải quyết các vụ án về tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ còn yếu kém, không đáp ứng được yêu cầu.
Bản thân hệ thống ngân hàng còn dễ bị tổn thương về tài chính, lỏng lẻo trong quản lý, yếu trong quản trị. Hành vi thực hiện phạm tội được tính toán, che giấu hết sức tinh vi và thường xảy ra trong thời gian dài trước khi bị phát hiện. Đối tượng bên ngoài thì lợi dụng kẽ hở trong cơ chế, chính sách, sơ hở trong quy trình, nghiệp vụ của ngân hàng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Hệ thống cơ quan, tổ chức, đơn vị chuyên trách về phòng chống tội phạm kinh tế nói chung, tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng nói riêng chưa ổn định, không đủ mạnh về thẩm quyền, hiệu quả trong hoạt động. Cơ chế, chính sách kinh tế - xã hội chưa theo kịp thực tế hình thành, phát triển và thay đổi của cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội, từ đó tạo ra mặt trái của sự phát triển, tạo môi trường để tội phạm phát triển. Sự phối hợp trong phòng ngừa, kiểm tra, giám sát, xử lý các vi phạm, thực hiện các quy định của pháp luật giữa các tổ chức tín dụng, ngân hàng với các cơ quan chức năng (thanh tra, kiểm toán, điều tra, kiểm sát, toà án) không chặt chẽ, thiếu đồng bộ nên chưa phát huy được hiệu quả trong việc phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng.
2.2. Những bất cập trong nội bộ hệ thống ngân hàng
Đạo đức nghề nghiệp của một số người làm việc trong ngân hàng xuống cấp trầm trọng, không ít người không chỉ lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ, lợi dụng các hoạt động nghiệp vụ được giao, thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, tham ô, nhận hối lộ, đòi hối lộ, mà còn cấu kết, móc nối với những người làm việc ngoài ngân hàng để chiếm đoạt tài sản. Bên cạnh đó, một số người có hành vi nhũng nhiễu doanh nghiệp, quen “làm luật”, bắt “bôi trơn” “lại quả” mới được vay vốn. Một số ngân hàng không tuân thủ và không đáp ứng các quy định như tăng vốn điều lệ, tăng trưởng chi tiêu tín dụng, cho vay bất động sản, chứng khoán cao, thu lệ phí ngoài quy định, khi thị trường có nhu cầu thì bán ngoại tệ với giá cao để “ăn chặn” doanh nghiệp, làm cho thị trường ngoại tệ “náo loại”, hiện tượng “chợ đen” được hình thành ngay trong chính hệ thống ngân hàng. Từ đó cho thấy, đạo đức nghề nghiệp, đạo đức kinh doanh, đạo đức con người luôn là những yếu tố quan trọng được đặt lên hàng đầu trong khâu đào tạo, tuyển dụng những người vào làm việc trong ngân hàng.
Trong hoạt động cho vay, cách thu thập thông tin của một số ngân hàng còn thiếu chặt chẽ, chấm điểm tín dụng vẫn dựa vào nhiều thông tin về tài sản thế chấp do khách hàng cung cấp hoặc dựa vào sự tin tưởng trong một số giao dịch ban đầu, thiếu kiểm chứng. Đây chính là nguyên nhân khiến nợ xấu trong ngân hàng cao, thậm chí một số khoản cho vay có nguy cơ mất trắng do không có khả năng trả hoặc không có tài sản bảo đảm để thu hồi.
Hệ thống kiểm soát, kiểm toán nội bộ để phòng, chống các hành vi vi phạm tại một số ngân hàng còn kém hiệu quả, chưa đáp ứng được yêu cầu phòng ngừa, phát hiện và xử lý. Công việc thanh tra, kiểm tra của Ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng bị buông lỏng, đôi khi còn bị vô hiệu hoá. Công việc kiểm soát của ngân hàng có rất nhiều sơ hở, lỏng lẻo, không kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật, mặc dù các hành vi vi phạm pháp luật do những người trong ngân hàng thực hiện đều được diễn ra trong một thời gian dài, bị chiếm đoạt số tiền lớn nhưng không bị phát hiện trong các cuộc kiểm soát hàng ngày, kiểm tra, kiểm kê hàng quý và sáu tháng.
Việc phát hiện, xử lý tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng còn chậm, không triệt để, việc giám định thiệt hại trong các vụ án ngân hàng chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.
Một số ngân hàng đề cao chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận, canh tranh chiếm thị trường, sẵn sàng áp dụng mọi hình thức kinh doanh để tận thu, từ đó tạo ra kẽ hở về cơ chế, chính sách để những người làm việc trong ngân hàng lợi dụng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Tín dụng không chính thức “tín dụng ngầm - tín dụng đen” chưa được kiểm soát, quản lý, gây tác động tiêu cực đến hoạt động của hệ thống ngân hàng, là nhân tố làm gia tăng tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng. Tín dụng không chính thức đã xâm nhập và đang thách thức khu vực tín dụng chính thức, bằng cách mua lại nợ xấu ngân hàng, từng bước thao túng thị trường tín dụng. Nợ xấu (nợ quá hạn, nợ khó đòi) càng lớn, nhu cầu vốn để tăng trích lập dự phòng và bảo đảm khả năng thanh toán của ngân hàng thương mại luôn trong tình trạng thiếu thanh khoản cao. Tín dụng không chính thức là kênh quan trọng cho hoạt động rửa tiền thông qua hệ thống ngân hàng thương mại. Đổ vỡ tín dụng không chính thức kéo theo sự sụp đổ của nhiều doanh nghiệp, tạo ra nguy cơ gián tiếp đẫn đến đổ vỡ một số ngân hàng thương mại.
Trình độ quản trị nhân lực, ứng dụng khoa học - công nghệ trong quản lý còn yếu kém, chưa tương xứng với tốc độ phát triển, tăng trưởng tín dụng tiếp tục là nhân tố làm gia tăng tội phạm thuộc lĩnh vực ngân hàng.
Công tác cán bộ còn nhiều yếu kém, dư luận về tiêu cực, tham nhũng vẫn còn nặng nề, nhất là trong khâu tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm. Bộ máy quản lý còn cồng kềnh, biên chế người làm chuyên trách còn ít, một số người năng lực không thực sự đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của công việc.
Việc tăng trưởng tín dụng nhanh, mở rộng mạng lưới chi nhánh, điểm giao dịch, trong khi tổ chức tín dụng còn nhiều hạn chế về năng lực quản lý, điều hành, điều kiện cấp tín dụng lỏng lẻo và quy trình kinh doanh quản lý tín dụng chưa chặt chẽ, hệ thống quản trị, nhất là quản trị rủi ro, hệ thống kiểm tra, kiểm soát và kiểm toán nội bộ của các tổ chức tín dụng hoạt động chưa hiệu quả và chưa phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế dẫn đến rủi ro cao và để xảy ra nhiều vi phạm pháp luật trong hoạt động ngân hàng.
3. Kiến nghị giải pháp
3.1. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động ngân hàng
- Nhà nước cần ban hành một khung pháp lý cho hệ thống tài chính và cơ chế giám sát hữu hiệu hỗ trợ cho hệ thống ngân hàng. Kìm chế việc cho vay quá nhiều mà ngân hàng không kiểm soát được chất lượng tín dụng, hoặc đẩy mạnh tín dụng phát triển kinh tế theo kiểu “bong bóng” là nguy cơ đe doạ sự phát triển bền vững của hệ thống ngân hàng.
- Xây dựng hệ thống ngân hàng có tiềm lực vững mạnh, đa dạng các hình thức huy động vốn, cùng với đẩy mạnh phát triển thị trường tài chính nhằm khai thông vốn trong nước, đồng thời thu hút tư bản nước ngoài.
- Nhà nước cần có biện pháp mở cửa đồng bộ, cắt giảm thuế quan, chính sách ưu đãi tín dụng… để nâng cao chất lượng tín dụng. Trong hệ thống ngân hàng cần thiết kế các chương trình phòng chống rửa tiền, tội phạm công nghệ cao, bảo đảm an ninh mạng để đạt được sự an toàn của toàn bộ hệ thống ngân hàng.
- Kiểm soát chặt chẽ việc thành lập các ngân hàng mới, kiểm soát thị trường vốn trong hoạt động ngân hàng, ngăn chặn việc tự do hoá thị trường vốn ngắn hạn, cạnh tranh không lành mạnh, “đi đêm lãi suất”. Giám sát tình trạng một số tập đoàn, khi muốn huy động vốn thay vì họ phải vay ngân hàng, thì họ lại xin thành lập các ngân hàng là công ty con của họ hoặc góp vốn thành lập các ngân hàng thương mại cổ phần mới, nên họ có thể huy động vốn của người dân để đầu tư sản xuất kinh doanh với lãi suất thấp hơn nhiều so với việc đi vay.  
3.2. Sắp xếp lại ngân hàng
- Cần thiết phải giải thể, sáp nhập những ngân hàng nhỏ, năng lực quản trị yếu kém, thanh khoản kém và nợ xấu nhiều, hoạt động không hiệu quả.
- Tập trung thanh tra toàn diện, kiểm toán độc lập các ngân hàng yếu kém, tái cấu trúc ngân hàng thương mại để làm rõ nhóm cổ đông lớn, nhất là những cổ đông chỉ có một lượng vốn nhất định đầu tư vào một ngân hàng nhưng đã dùng cổ phiếu thế chấp nhiều ngân hàng vay vốn mua cổ phiếu và cùng một lúc trở thành cổ đông lớn của nhiều ngân hàng khác, tạo ra vốn ảo. Bên cạnh đó, phải ổn định hệ thống và quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền, sử dụng dịch vụ ngân hàng.
- Kiểm soát, xử lý việc thành lập “sân sau” của ngân hàng cổ phần thương mại là các doanh nghiệp, vì nó sẽ là điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Tiếp tục hoàn chỉnh các tiêu chí về vốn, tính thanh khoản, tỷ lệ nợ xấu, tỷ lệ an toàn vốn.
- Đổi mới phương thức hoạt động của ngân hàng, hệ thống ngân hàng cần tập trung nghiên cứu, phát triển theo hướng đa dạng thị trường tài chính, tín dụng chính thức về chủng loại, quy mô, thủ tục huy động vốn, cho vay và chất lượng sản phẩm tín dụng, đặc biệt lưu ý cải cách hành chính trong hoạt động tín dụng, xoá bỏ các thủ tục rườm rà ngăn cản người dân và doanh nghiệp tiếp cận với hệ thống ngân hàng thương mại, đáp ứng nhu cầu tín dụng chính đáng của người dân và doanh nghiệp. Chú trọng nâng cao tính bảo mật, an toàn, xây dựng và áp dụng các tiêu chí bảo mật trong lĩnh vực công nghệ thông tin, bảo đảm an toàn kho quỹ, đầu tư nâng cấp hệ thống thiết bị an toàn.
3.3. Tuân thủ các quy định của pháp luật trong tổ chức và hoạt động của ngân hàng
- Giới hạn bảo đảm an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng phải được các ngân hàng tuân thủ triệt để. Giới hạn bảo đảm an toàn tín dụng khi được thực hiện sẽ giúp cho ngân hàng kiểm soát được tình hình hoạt động, thực trạng các khoản nợ, ngược lại, nếu giới hạn bảo đảm an toàn bị phá vỡ sẽ tạo ra các kẽ hở để tội phạm thực hiện.
- Chính sách lãi suất phải được tuân thủ, nếu không tuân thủ sẽ tạo điều kiện cho tội phạm lợi dụng để kinh doanh trên “lưng” ngân hàng. Do đó, cần phải có chế tài đủ mạnh để phòng ngừa, nhằm lành mạnh hoá hoạt động tín dụng.
3.4. Hoàn thiện cơ sở pháp lý về phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng
- Cần ghi nhận những thông tin, tài liệu thu thập thông qua sử dụng công nghệ thông tin, các phương tiện ghi âm, ghi hình là nguồn chứng cứ và được sử dụng trực tiếp để chứng minh tội phạm trong tố tụng hình sự.
- Hoàn thiện pháp luật về phòng, chống rửa tiền, cũng như các văn bản hướng dẫn áp dụng. Ban hành các quy định để các tổ chức tín dụng hoạt động nhằm giảm bớt những sai sót, kẽ hở có thể bị tội phạm lợi dụng.
- Cần thiết phải sửa đổi các quy phạm pháp luật về thẩm quyền điều tra, xử lý các vụ án có yếu tố nước ngoài hiện đã bị lạc hậu. Thay vào đó, xây dựng quy trình xử lý các vụ việc, vụ án có liên quan đến tội phạm là người nước ngoài.
3.5. Nâng cao hiệu quả trong việc phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng để phát hiện, xử lý vi phạm
- Xây dựng mối quan hệ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc cung cấp, quản lý, xử lý thông tin. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ, xác minh, truy xét các vụ việc, làm rõ các hiện tượng liên quan đến “chạy chính sách”, “thao túng chính sách”, “nhóm lợi ích” và tiết lộ thông tin về chính sách tài chính, tiền tệ.
- Tăng cường chất lượng công việc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát, kiểm soát nội bộ để phát hiện và xử lý kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật, hạn chế rủi ro./.
 

* TS. TAND Quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh
[1] Phishing là một hình thức gian lận để có những thông tin nhạy cảm như username, password, credit card … bằng cách giả mạo như là một thực thể đáng tin cậy trong các giao tiếp trên mạng. Quá trình giao tiếp thường diễn ra tại các trang mạng xã hội nổi tiếng, các trang web đấu giá, mua bán hàng online…mà đa số người dùng đều không cảnh giác với nó. Phishing sử dụng email hoặc tin nhắn tức thời, gửi đến người dùng, yêu cầu họ cung cấp thông tin cần thiết. Người dùng vì sự chủ quan của mình đã cung cấp thông tin cho một trang web, trông thì có vẻ hợp pháp, nhưng lại là trang web giả mạo do các hacker lập nên.