Luật để tạo ra pháp luật

01/04/2015

1. Tên gọi của Luật
Tất cả các nhà nước đều phải tạo ra pháp luật, song mỗi nhà nước lại có cách thức tạo ra pháp luật khác nhau. Việt Nam là một trong những nhà nước cố gắng ban hành ra luật để tạo ra pháp luật. Luật để tạo ra pháp luật tưởng chừng như đơn giản, nhưng lại vô cùng phức tạp và đã có không ít ý kiến khác nhau về Luật này. Trước đây không có Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) thì pháp luật Việt Nam vẫn được ban hành, nhưng khi xây dựng luật thì ngay từ tên gọi của Luật đã có nhiều ý kiến khác nhau. Ban đầu có quan điểm cho rằng, nên gọi là “Luật Ban hành văn bản pháp luật - VBPL” vì trước đây trong khoa học pháp lý Việt Nam, VBPL là nói tắt của văn bản QPPL. Quan điểm này bị giới học thuật phản đối vì họ cho rằng, VBPL bao gồm cả văn bản QPPL và các loại văn bản có giá trị pháp lý khác như văn bản áp dụng pháp luật. Quan điểm khác cho rằng, nên gọi là “Luật Ban hành văn bản pháp quy” vì cho rằng, “pháp quy” là nói tắt của pháp luật và quy phạm (pháp là pháp luật, còn quy là quy phạm). Hiềm một nỗi là Chính phủ Việt Nam (khi đó là Hội đồng Bộ trưởng) lại ra một thông tư, trong đó có quy định những VBPL từ Hội đồng Bộ trưởng trở xuống ban hành được gọi là “văn bản pháp quy”. Như vậy, theo tinh thần của văn bản này thì “văn bản pháp quy” là để chỉ những văn bản QPPL có hiệu lực pháp luật thấp, nên việc lấy tên là “Luật Ban hành văn bản pháp quy” là không phù hợp. Do vậy, luật chính thức có tên là “Luật Ban hành văn bản QPPL”, mặc dù có dài dòng nhưng đã có sự phân biệt rõ ràng giữa văn bản QPPL và các loại văn bản có giá trị pháp lý khác. Gần đây, để hợp nhất các luật ban hành văn bản QPPL thì vấn đề tên gọi của Luật lại được đặt ra (nên giữ nguyên tên Luật như cũ hay gọi là Luật Ban hành VBPL với nội dung có sự thay đổi là trong nó sẽ bao gồm việc ban hành tất cả các văn bản có giá trị pháp lý (bao gồm cả văn bản QPPL và văn bản áp dụng pháp luật …). Ý kiến không đồng tình thì cho rằng, hiện thời chỉ riêng việc ban hành văn bản QPPL, chúng ta đã phải ban hành hai luật (một của trung ương, một của địa phương - Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân) mà trong đó vẫn chưa quy định được các vấn đề liên quan đến việc ban hành Hiến pháp. Nay lại đưa thêm cả việc ban hành các loại VBPL khác vào nội dung của Luật thì e rằng, quy mô của Luật sẽ rất lớn và càng phức tạp. Chúng tôi cho rằng, không nên đưa việc ban hành các văn bản không phải là văn bản QPPL vào nội dung của Luật, vì như vậy, sẽ rất phức tạp và nội dung của Luật sẽ quá lớn.
Theo chúng tôi, nên đặt tên Luật là “Luật Ban hành pháp luật”với nội dung được mở rộng theo hướng quy định việc ban hành những gì được gọi là pháp luật ở Việt Nam (không chỉ văn bản QPPL mà còn cả việc ban hành tiền lệ pháp và việc thừa nhận tập quán… trong hoạt động nhà nước ở Việt Nam) tạo cơ sở pháp lý thống nhất cho việc ban hành và áp dụng các loại nguồn pháp luật ở Việt Nam. Sở dĩ chúng tôi đề nghị như vậy vì trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa, hình thức pháp luật (nguồn pháp luật) của pháp luật Việt Nam ngày càng đa dạng hơn, nên cần có sự quy định về việc hình thành tất cả các loại nguồn pháp luật, nói cách khác là toàn bộ việc hình thành pháp luật Việt Nam hoặc ít nhất là đối với các nguồn pháp luật quan trọng và phổ biến, chứ không nên chỉ tập trung vào văn bản QPPL (mặc dù nguồn pháp luật Việt Nam hiện nay và về sau chủ yếu vẫn phải là văn bản QPPL).
2. Nội dung của Luật
Chúng tôi đồng ý là trong luật để tạo ra pháp luật không nên quy định các vấn đề liên quan đến việc làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp, kể cả việc giải thích Hiến pháp, vì Hiến pháp là luật cơ bản của nước nên phải có quy định riêng.
Ở Việt Nam, Đảng Cộng sản đề ra đường lối, chủ trương về các vấn đề, trong đó có vấn đề ban hành pháp luật, trên cơ sở nghị quyết và các văn kiện của tổ chức Đảng đã ban hành, Nhà nước sẽ hoạch định chính sách để ban hành pháp luật xuất phát từ tình hình thực tiễn quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Tuy vậy, vẫn có tình trạng một số dự án luật đã được soạn thảo nhưng lại không được trình hoặc không được đưa vào kế hoạch của Quốc hội để xem xét thông qua, làm lãng phí tiền bạc, công sức của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân … đồng thời gây dư luận không tốt trong xã hội. Do vậy, trong luật để tạo ra pháp luật không nên quy định kế hoạch xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, mà việc ban hành luật, pháp lệnh hay các loại nguồn pháp luật khác phải là sự chủ động từ Chính phủ và từ các chủ thể có thẩm quyền có sáng kiến pháp luật. Chủ thể có thẩm quyền sáng kiến pháp luật căn cứ vào nhu cầu cuộc sống, nhu cầu quản lý nhà nước đề xuất để Quốc hội xem xét, thông qua. Khi có chủ thể đệ trình dự án luật thì Quốc hội phải có kế hoạch xem xét hết tất cả các dự án và phải kết luận là có thông qua hay không thông qua vì những lý do gì.
Vấn đề quan trọng nhất của luật để tạo ra pháp luật là phân định một cách chi tiết hơn, rõ hơn so với Hiến pháp, thẩm quyền về nội dung các nguồn pháp luật mà mỗi cơ quan nhà nước được quyền quy định (nội dung của các loại hình thức (nguồn) pháp luật, những vấn đề mà mỗi cơ quan nhà nước được quy định. Chẳng hạn, Chính phủ thì được quy định về những vấn đề gì trong các VBPL mà mình được quyền ban hành; tòa án cấp nào thì được quyền sáng tạo hay áp dụng loại án lệ nào; các tập quán có nội dung quy định về những vấn đề gì thì các cơ quan nhà nước được phép áp dụng …). Nếu không phân định được thật rõ, chính xác thẩm quyền về nội dung của các nguồn pháp luật mà mỗi cơ quan nhà nước được quyền ban hành sẽ dẫn đến trong thực tế tình trạng tự ban hành hoặc ủy quyền ban hành cả những vấn đề mà cơ quan đó không được quyền ban hành.
Trong luật để tạo ra pháp luật không nên chú trọng quá nhiều đến yếu tố kỹ thuật như trình tự, thủ tục ban hành, nguyên tắc ban hành… xơ cứng, máy móc, mang tính học thuật, dẫn đến thực tiễn phong phú cũng bị xơ cứng theo các quy định của luật. Chẳng hạn, hiện nay trong Dự thảo Luật Ban hành văn bản QPPL (Dự thảo 3)[1] có đưa ra những định nghĩa về “QPPL” và “văn bản QPPL”, thống kê tên những văn bảnQPPL… thiết nghĩ sẽ làm khó cho việc thực hiện pháp luật trên thực tế. Ví dụ, về QPPL trong Dự thảo ghi: QPPL là quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc, được áp dụng lặp đi lặp lại nhiều lần đối với mọi đối tượng hoặc một nhóm đối tượng trong phạm vi cả nước hoặc địa giới hành chính nhất định, do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định trong Luật này đặt ra hoặc thừa nhận và được Nhà nước bảo đảm thực hiện. Theo quy định trên có thể suy luận là: Quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc, được áp dụng lặp đi lặp lại nhiều lần đối với mọi đối tượng hoặc một nhóm đối tượng trong phạm vi cả nước hoặc địa giới hành chính nhất định, do cơ quan nhà nước có thẩm quyền đặt ra hoặc thừa nhận và được Nhà nước bảo đảm thực hiện, nhưng vì không được quy định trong Luật này (Luật Ban hành văn bản QPPL) nên không được coi là QPPL.
Tương tự như vây, Luật cho rằng, “văn bản QPPL” là văn bản chứa QPPL do cơ quan nhà nước ban hành hoặc phối hợp ban hành theo thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định trong Luật này. Theo quy định này thì cũng có thể suy luận là: Văn bản chứa QPPL do cơ quan nhà nước ban hành hoặc phối hợp ban hành theo thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục nhất định, nhưng nếu không được quy định trong Luật này (Luật Ban hành văn bản QPPL) thì cũng không được coi là văn bản QPPL. Vậy, xin hỏi những văn bản như Quy chế hoạt động của đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội hay Quy chế thi tuyển sinh … chúng đều do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, có chứa quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc, được áp dụng lặp đi lặp lại nhiều lần đối với những đối tượng nhất định trong phạm vi cả nước, nếu không được coi là văn bản QPPL thì chúng được gọi là văn bản gì? (xin cung cấp thêm là trong Bộ pháp điển về tổ chức và hoạt động của Quốc hội, Nxb. Chính trị - hành chính xuất bản năm 2009 coi Quy chế hoạt động của đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội là có chứa QPPL). Hoặc trong trường hợp chúng ta áp dụng các điều ước quốc tế hoặc pháp luật nước ngoài thì các quy định đó hoặc văn bản đó đều không do “cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định trong Luật này đặt ra hoặc thừa nhận” hoặc không “do cơ quan nhà nước ban hành hoặc phối hợp ban hành theo thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định trong Luật này” thì chúng có được gọi là QPPL hoặc văn bản QPPL hay không? Thiết nghĩ, không nên định nghĩa về QPPL và văn bản QPPL trong luật, còn nếu buộc phải định nghĩa thì nên bỏ chữ “quy định trong Luật này”, để định nghĩa về QPPL và văn bản QPPL bao quát hơn.
Hiến pháp nước ta không phân định rạch ròi văn bản nào là văn bản QPPL, văn bản nào không phải văn bản QPPL, vậy thì, trong luật để tạo ra pháp luật không nên phân định rạch ròi, cứng nhắc về các văn bản do các cơ quan nhà nước ban hành khi thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Bởi trong thực tiễn có một số văn bản do các cơ quan nhà nước ban hành luôn là văn bản QPPL như luật, pháp lệnh, nghị định, thông tư… một số văn bản khác do các cơ quan nhà nước ban hành trong quá trình áp dụng pháp luật luôn là văn bản áp dụng pháp luật như bản án, quyết định bổ nhiệm…, còn một số văn bản do cùng một cơ quan nhà nước ban hành nhưng khi thì là văn bản QPPL (nếu có chứa quy phạm), khi thì lại không phải là văn bản quy phạm (nếu không chứa quy phạm). Như vậy, văn bản nào là văn bản QPPL thiết nghĩ không cần phải liệt kê trong luật mà phụ thuộc vào nó có chứa QPPL hay không. Còn nếu cứ buộc phải có một Luật Ban hành văn bản QPPL thì chỉ nên quy định: Luật này quy định về việc ban hành các văn bản QPPL sau đây, nghĩa là ngoài những văn bản quy định trong luật thì còn có những văn bản khác chưa được quy định, chứ không phải chỉ có những văn bản quy định trong luật này mới là văn bản QPPL.
Nếu khoản 2 Điều 2 Dự thảo Luật quy định: “Văn bản QPPL” là văn bản chứa QPPL do cơ quan nhà nước ban hành hoặc phối hợp ban hành theo thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định trong Luật này, thì việc quy định thêm: “Văn bản do cơ quan nhà nước ban hành hoặc phối hợp ban hành không đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục được quy định trong Luật này hoặc không chứa QPPL thì không phải là văn bản QPPL” là không cần thiết. Chưa kể là sẽ có trường hợp văn bản do cơ quan nhà nước ban hành hoặc phối hợp ban hành không đúng trình tự hoặc không đúng thủ tục được quy định trong Luật này nhưng lại không phát hiện ra ngay những sai sót trên để không thừa nhận nó là văn bản QPPL như Luật này quy định mà sau nhiều năm mới phát hiện ra, thì khi đó sẽ giải quyết như thế nào đối với những trường hợp đã coi văn bản có sai trái đó là văn bản QPPL (căn cứ pháp lý) để áp dụng giải quyết các vấn đề của cuộc sống.
Chúng tôi cho rằng, việc kiểm soát đối với thẩm quyền về hình thức của pháp luật thì không khó, nhưng kiểm soát đối với thẩm quyền về nội dung của pháp luật thì khá khó. Mỗi cơ quan nhà nước tự mình hoặc phối hợp sẽ được ban hành một số loại nguồn pháp luật nhất định và quan trọng nhất là nội dung những nguồn pháp luật ấy phải phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan đó đã được Hiến pháp, luật tổ chức cơ quan đó hoặc các văn bản khác quy định. Luật để tạo ra pháp luật không thể xác định thẩm quyền của cơ quan ban hành trái với Hiến pháp và luật tổ chức cơ quan đó. Do vậy, thiết nghĩ, nếu theo tinh thần đưa cuộc sống vào pháp luật thì trong luật không nên thống kê tên các văn bản được coi là văn bản QPPL. Luật chỉ cần xác định văn bản được ban hành đúng thẩm quyền về hình thức và nội dung theo quy định của Hiến pháp, pháp luật hiện hành và có chứa QPPL thì là văn bản QPPL. Luật nên để cho các chủ thể có thẩm quyền ở một mức độ nào đó có thể linh hoạt hơn trong quá trình ban hành pháp luật sao cho hiệu quả nhất. Bởi mục đích cuối cùng, điều quan trọng nhất mà chúng ta quan tâm đến khi ban hành pháp luật là mỗi quy định pháp luật đều phải được ban hành hợp hiến và hợp pháp, đúng thẩm quyền, phù hợp với các điều kiện kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, điều chỉnh một cách hiệu quả các quan hệ xã hội nhằm duy trì quản lý xã hội vì lợi ích của nhân dân.
Về việc ban hành văn bản quy định chi tiết,khoản 2 Điều 133 Dự thảo Luật Ban hành văn bản QPPL quy định: “Văn bản quy định chi tiết có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của văn bản được quy định chi tiết hoặc hiệu lực của điều, khoản, điểm được quy định chi tiết”. Đây là một quy định rất tiến bộ, song mâu thuẫn và không khả thi khi trình tự thủ tục ban hành văn bản quy định chi tiết trong Luật được quy định khá phức tạp. Chẳng hạn, khoản 2 Điều 71 Dự thảo quy định: “Chậm nhất là mười lăm ngày, kể từ ngày luật, pháp lệnh được thông qua, quyết định của Chủ tịch nước được ban hành, Bộ Tư pháp chủ trì phối hợp với Văn phòng Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo luật, pháp lệnh lập danh mục các văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh, quyết định của Chủ tịch nước”. Có thể thấy, trong thực tế rất khó ban hành văn bản quy định chi tiết kịp thời để chúng “có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của văn bản được quy định chi tiết hoặc hiệu lực của điều, khoản, điểm được quy định chi tiết”. Hiện tượng ban hành văn bản quy định chi tiết chậm đã là chuyện bình thường ở Việt Nam những năm qua. Chẳng hạn, Bộ luật Dân sự sau 10 năm thực hiện, đến lúc sửa đổi mà vẫn có những quy định của Bộ luật này phải quy định chi tiết nhưng văn bản quy định chi tiết vẫn chưa được ban hành.
Pháp luật phải được ban hành kịp thời, song phải đồng bộ, tại sao chúng ta không chậm ban hành một văn bản nào đó để có thời gian chuẩn bị các văn bản quy định chi tiết? Hoặc trong Luật nên quy định cho phép cơ quan ban hành văn bản xác định thời hạn tối đa buộc cơ quan có trách nhiệm ban hành văn bản quy định chi tiết phải ban hành văn bản quy định chi tiết. Trong trường hợp chậm trễ trong việc ban hành văn bản quy định chi tiết thì sẽ bị áp dụng biện pháp trách nhiệm pháp lý gì? 
3. Đối với các loại hình thức (nguồn) pháp luật khác
Trong khoa học pháp lý, hình thức (nguồn) pháp luật rất đa dạng[2], nếu không có điều kiện quy định hết thì tập trung vào hai loại nguồn khá quan trọng và được sử dụng nhiều trong quá trình áp dụng pháp luật là tiền lệ và tập quán.
Như trên đã nêu, trong luật để tạo ra pháp luật cần có những quy định cần thiết về tiền lệ (án lệ) khi chúng ta chính thức chấp nhận hình thức pháp luật này. Luật nên có quy định rõ những tiền lệ, bản án nào có thể được coi là tiền lệ pháp, cách thức trình bày một bản án được coi là án lệ, thời điểm có hiệu lực pháp luật của án lệ, khi nào thì tiền lệ pháp (án lệ) hết hiệu lực (không còn được coi là khuôn mẫu để giải quyết các trường hợp tương tự khác)... Những vấn đề trên đều cần được quy định thống nhất trong luật tạo ra pháp luật để có cơ sở pháp lý thực hiện.
Việc áp dụng tập quán của các cơ quan, nhà chức trách có thẩm quyền để giải quyết các vụ việc ở nước ta cũng còn rất chung chung, chưa cụ thể, chi tiết, do vậy, trong luật để tạo ra pháp luật cần phải quy định về mặt nguyên tắc những vấn đề như: những tập quán như thế nào thì có thể được áp dụng để giải quyết vụ việc (có những tập quán lạc hậu, trái với nguyên tắc tiến bộ, tốt đẹp của xã hội văn minh thì không nên hoặc không được phép áp dụng)? Nếu tập quán của các dân tộc khác nhau về cùng một vấn đề có nội dung khác nhau, trong trường hợp các bên không thỏa thuận được thì áp dụng tập quán của dân tộc nào? Thiết nghĩ, trong luật tạo ra pháp luật khi đã thừa nhận nhiều loại nguồn thì cũng nên đưa ra nguyên tắc trong việc ưu tiên áp dụng nguồn pháp luật nào khi có những quy định khác nhau của các loại nguồn pháp luật khác nhau hoặc của cùng một loại nguồn về cùng một vấn đề.
4. Quy định nghĩa vụ tham vấn đối với tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong xây dựng pháp luật
 Trong Dự thảo mới chỉ quy định một số cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm xin ý kiến, lấy ý kiến (Điều 26) hoặc có thể mời một số tổ chức cá nhân tham dự … (khoản 3 Điều 33) … Chúng tôi cho rằng, cần quy định nghĩa vụ tham vấn (xin ý kiến) đối với tất cả các cơ quan, tổ chức và cá nhân có thẩm quyền trong quá trình xây dựng pháp luật. Cụ thể là:
- Cơ quan, những người tham gia hoạch định chính sách. Những người này thường giữ những chức vụ quan trọng trong bộ máy Đảng và Nhà nước nên hoặc quá bận rộn, hoặc thường lầm tưởng mình là giỏi nhất, không cần tham khảo ý kiến của ai cả.
- Cơ quan, những người trong Ban soạn thảo bao gồm cả những người có chuyên môn pháp luật và những người có chuyên môn quản lý lĩnh vực. Các chuyên gia luật phải tham vấn những người có chuyên môn quản lý lĩnh vực và các chuyên gia có chuyên môn quản lý lĩnh vực phải tham vấn các chuyên gia luật khi thể hiện nội dung, hình thức văn bản mà pháp luật yêu cầu.
- Cơ quan, những người tham gia thẩm định. Thường là những người của Bộ Tư pháp, các Sở Tư pháp. Những người này chủ yếu là các chuyên gia luật, ít có điều kiện am hiểu về các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội khác nên họ cần tham vấn các lĩnh vực chuyên môn khác khi tham gia thẩm định một VBPL cụ thể nào đó.
- Cơ quan, những người tham gia thẩm tra. Thường là các Ủy ban, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, các cơ quan của Hội đồng nhân dân (HĐND). Những người này cũng cần phải tham vấn các chuyên gia chuyên môn về các lĩnh vực khác nhau thì mới có thể đưa ra các quyết định thẩm tra chính xác.
- Cơ quan, những người trực tiếp thông qua VBPL (Đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND…). Đây là những người quyết định gần như cuối cùng đối với việc VBPL có được thông qua hay không. Những người này cần tham vấn các chuyên gia có chuyên môn sâu. Các nước đều dành kinh phí và thời gian cho lực lượng này để thực hiện tham vấn chuyên gia. Có thể nói, trách nhiệm tham vấn của đối tượng này là rất cần thiết, rất quan trọng, bởi những lý do sau:
Thứ nhất, các văn bản QPPL ở Việt Nam thường có nội dung rất lớn, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều vấn đề rất phức tạp nên không một cơ quan hay cá nhân nào có thể nắm vững đầy đủ mọi vấn đề để có thể đưa ra những quy định pháp luật phù hợp.
Thứ hai, những chủ thể có thẩm quyền gia xây dựng pháp luật ở nước ta hầu hết là không chuyên (hoạt động xây dựng pháp luật chưa phải là nghề). Chẳng hạn, các đại biểu Quốc hội hầu hết là kiêm nhiệm, có quá nhiều công việc cần phải giải quyết nên thường không đủ thời gian để tập trung toàn tâm, toàn ý vào công tác xây dựng luật. Đã có thời kỳ Hiến pháp Việt Nam quy định: “Đại biểu Quốc hội phải dành thời gian để làm nhiệm vụ đại biểu” (Điều 100 Hiến pháp năm 1992). Hiện nay, không phải đã hết tình trạng đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND không dành đủ thời gian cần thiết làm nhiệm vụ đại biểu, trong đó có nhiệm vụ xây dựng luật.
Thứ ba, nhiều VBPL ở nước ta được xây dựng mới hoặc được sửa đổi trong điều kiện rất khác so với trước đây, nên cần phải nghiên cứu rất nhiều tài liệu trong và ngoài nước mới có thể nắm bắt được cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn của vấn đề. Tài liệu được các cơ quan, đơn vị chuẩn bị phục vụ cho đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND nghiên cứu ở các kỳ họp thường rất nhiều, nên nhiều đại biểu không có điều kiện để nghiên cứu kỹ và đầy đủ.
Thứ tư, do nhiều lý do khác nhau mà dự thảo các VBPL được gửi đến các cơ quan, đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND có thẩm quyền ban hành văn bản thường bị chậm so với tiến độ, làm cho thời gian nghiên cứu của họ càng ít so với dự kiến. 
Vì những lý do trên, chúng tôi cho rằng, việc tham vấn là cần thiết và buộc phải tham vấn. Việc tham vấn có thể được thực hiện dưới những hình thức như xin ý kiến, lấy ý kiến, tham khảo, tư vấn, phản biện, …
5. Quy định cơ chế kiểm soát của nhân dân đối với quá trình ban hành pháp luật
Nhận xét về quá trình ban hành các văn bản QPPL hoặc các quy định pháp luật những năm vừa qua, có ý kiến cho rằng, các cuộc tranh luận chủ yếu diễn ra giữa các cơ quan nhà nước với nhau hoặc giữa cơ quan nhà nước với các nhà khoa học, chứ hầu như không có hoặc chưa có sự tranh luận giữa cơ quan nhà nước với nhân dân. Nói cách khác, vai trò của nhân dân trong quá trình ban hành pháp luật giai đoạn vừa qua là không nhiều, nhân dân chỉ được hỏi ý kiến khi cơ quan nhà nước xét thấy cần thiết, chưa có cơ chế để nhân dân kiểm soát được hoạt động ban hành pháp luật của các cơ quan nhà nước. Do vậy, trong luật để tạo ra pháp luật cần thiết kế cơ chế để nhân dân kiểm soát quá trình ban hành pháp luật của các cơ quan nhà nước một cách hiệu quả hơn. Chẳng hạn, khi Quốc hội hoặc Hội đồng nhân dân thông qua các văn bản QPPL (là những văn bản có liên quan đến lợi ích của cả đất nước, cộng đồng dân cư hoặc số lượng đối tượng áp dụng rất lớn thì cần phải công khai xem ai (đại biểu nào) đồng ý, ai (đại biểu nào) không đồng ý để nhân dân, cử tri biết được các đại biểu của họ có thể hiện đúng ý chí, nguyện vọng của nhân dân, cử tri hay không. Nhân dân, cử tri cần phải biết được đại biểu đại diện cho họ đã làm gì (đã phát biểu những gì ở Quốc hội, ở Hội đồng nhân dân, đã bỏ phiếu thuận, phiếu chống hay phiếu trắng đối với một văn bản, một quyết định nào đó). Những thông tin nói trên sẽ giúp cho nhân dân, cử tri hiểu hơn về người đại biểu của mình, về năng lực, bản lĩnh, trách nhiệm… của họ, từ đó nhân dân, cử tri có thể chia sẻ hoặc chất vấn, kiến nghị với người đại diện cho mình, thậm chí còn có thể là cơ sở để cử tri có hay không nên tiếp tục lựa chọn người đại diện cho họ ở những lần bầu cử sau. Việc công khai quá trình xây dựng pháp luật, thiết nghĩ, cũng là một trong những giải pháp nâng cao trách nhiệm của những người, những cơ quan có thẩm quyền ban hành pháp luật./. 
        

* PGS, TS. Trường Đại học Luật Hà Nội
** Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
[1] Dự thảo 3, Bộ Tư pháp đề nghị các cơ quan đóng góp ý kiến theo Công văn số 2815/BTP-VĐCXDPL và Công văn số 2816/BTP-VĐCXDPL ngày 25/6/2014 của Bộ.      
 
 
[2] Xem “Tạo lập nguồn pháp luật đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền và hội nhập quốc tế”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 13/2013.