Trách nhiệm hoàn trả của công chức theo Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước

01/02/2016

1. Các quy định của pháp luật về trách nhiệm hoàn trả
Thực hiện trách nhiệm bồi thường (TNBT) của Nhà nước được đặt ra lần đầu tại Nghị định số 47-CP ngày 03/5/1997 của Chính phủ quy định về việc giải quyết bồi thường thiệt hại (BTTH) do công chức, viên chức nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra. Ngày 17/3/2003, Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 388/2003/NQ-UBTVQH11 về BTTH cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra. Đặc biệt, ngày 18/6/2009 tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (Luật TNBTNN), có hiệu lực từ ngày 01/01/2010, quy định về trách nhiệm hoàn trả (TNHT) của người thi hành công vụ.
Vấn đề TNHT nói chung, được xác định là “hoàn trả đầy đủ và nguyên vẹn những gì đã mượn hoặc đã vay”[1]. Một người phải thực hiện việc hoàn trả nguyên vẹn tài sản đã mượn hoặc đầy đủ số tiền đã vay theo đúng thời hạn đã thỏa thuận hoặc theo thời hạn đã ký kết trong hợp đồng.
Như vậy, Luật TNBTNN đã quy định cụ thể các trường hợp công chức phải thực hiện TNHT hoặc không phải thực hiện TNHT trong từng hoạt động, theo đó:
(i) Trong hoạt động quản lý hành chính, thi hành án, tố tụng hành chính và tố tụng dân sự, nếu người thi hành công vụ gây thiệt hại thì tùy vào mức độ lỗi (vô ý hoặc cố ý), mức độ thiệt hại xảy ra và điều kiện kinh tế của người thi hành công vụ, người đó sẽ phải hoàn trả một khoản tiền theo quyết định của Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền.
(ii) Trong hoạt động tố tụng hình sự, chỉ trường hợp người thi hành công vụ gây thiệt hại với lỗi cố ý mới phải thực hiện TNHT.
Bên cạnh đó, Luật TNBTNN còn quy định cụ thể về trình tự, thủ tục quyết định việc hoàn trả, gồm: thẩm quyền ra quyết định hoàn trả; khiếu nại, khởi kiện quyết định hoàn trả; hiệu lực của quyết định hoàn trả; thực hiện việc hoàn trả và quản lý, sử dụng tiền hoàn trả[2].
Về nguyên tắc xác định mức hoàn trả, Nghị định số 16/2010/NĐ-CP đã quy định cụ thể về xác định mức hoàn trả phải bảo đảm các nguyên tắc sau: (i) Trường hợp người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây ra thiệt hại, nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, cơ quan có TNBT căn cứ vào mức độ thiệt hại gây ra, điều kiện kinh tế của người đó để quyết định họ phải hoàn trả một khoản tiền nhất định, nhưng tối đa không quá 36 tháng lương của người đó tại thời điểm quyết định việc hoàn trả. Trường hợp người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây ra thiệt hại mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự do việc thực hiện hành vi trái pháp luật gây ra thiệt hại đó thì phải hoàn trả toàn bộ số tiền Nhà nước đã chi trả bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định tại Điều 18 của Nghị định; (ii) Trường hợp người thi hành công vụ có lỗi vô ý gây ra thiệt hại thì cơ quan có TNBT căn cứ vào mức độ thiệt hại gây ra, điều kiện kinh tế của người đó để quyết định họ phải hoàn trả một khoản tiền nhất định, nhưng tối đa không quá 03 tháng lương của người đó tại thời điểm quyết định việc hoàn trả, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 56 Luật TNBTNN[3].
Ngày 23/01/2014, liên ngành Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Thông tư liên tịch số 04/2014/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC, hướng dẫn chi tiết về trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan có TNBT và cơ quan có liên quan trong thực hiện xem xét, quyết định nghĩa vụ hoàn trả của công chức[4]; trình tự, thủ tục xem xét TNHT của người thi hành công vụ, việc thu nộp, đôn đốc thực hiện TNHT[5] và thực hiện TNHT của công chức trong một số trường hợp cụ thể như: TNHT trong trường hợp người có TNHT đã nghỉ hưu; TNHT trong trường hợp người có TNHT đã chuyển công tác sang cơ quan khác trong bộ máy nhà nước; TNHT trong trường hợp người có TNHT không còn làm việc trong các cơ quan nhà nước; TNHT trong trường hợp người có TNHT chết và quyền khởi kiện người có TNHT thực hiện nghĩa vụ hoàn trả[6].
Như vậy, các văn bản quy định và hướng dẫn thực hiện vấn đề hoàn trả theo quy định của Luật TNBTNN đã đầy đủ và cụ thể, tạo thuận lợi cho việc áp dụng thực hiện.
2. Thực tiễn áp dụng và những bất cập
Theo Báo cáo của Bộ Tư pháp tại Hội nghị Tổng kết toàn quốc 6 năm thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, từ ngày 01/01/2010 đến ngày 31/12/2015, các cơ quan có trách nhiệm bồi thường đã thụ lý, giải quyết 258 vụ việc yêu cầu bồi thường, trong đó, đã giải quyết xong 204 vụ việc (đạt tỷ lệ 79%), còn 54 vụ việc đang giải quyết, với tổng số tiền Nhà nước phải bồi thường là 111 tỷ 149 triệu 416 nghìn đồng.
 Các cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thương đã thực hiện trách nhiệm hoàn trả 22 vụ việc, với tổng số tiền là 676 triệu 742 nghìn đồng (trong lĩnh vực quản lý hành chính có 09 vụ việc, với số tiền hoàn trả là 388 triệu 213 nghìn đồng; trong lĩnh vực thi hành án dân sự có 12 vụ việc, với số tiền hoàn trả là 280 triệu đồng; trong ngành Tòa án có 01 vụ việc, với số tiền hoàn trả là 8 triệu 529 nghìn đồng)[7]. Thông qua các số liệu về xem xét, thực hiện TNHT của công chức nêu trên, có thể rút ra một số nhận xét:
(i) Số vụ việc và số tiền hoàn trả là rất thấp so với số vụ việc mà cơ quan có TNBT đã giải quyết cũng như với số tiền Nhà nước đã phải chi trả cho người bị thiệt hại.
(ii) Công chức có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại (đã thực hiện TNHT) chưa được xử lý nghiêm về trách nhiệm kỷ luật hành chính tương xứng với hành vi gây thiệt hại và kinh phí Nhà nước đã chi trả cho người bị thiệt hại.
Về nguyên nhân, có thể đưa ra một số nguyên nhân cơ bản sau:
Thứ nhất, quy định của Luật TNBTNN còn chưa chặt chẽ, đồng thời, quy định cũng chưa thực sự công bằng trong việc thực hiện TNHT giữa các hoạt động (trong hoạt động quản lý hành chính và thi hành án, người thi hành công vụ gây thiệt hai do lỗi cố ý hay vô ý đều phải thực hiện TNHT, còn trong lĩnh vực tố tụng hình sự, người thi hành công vụ phải có lỗi cố ý mới phải thực hiện TNHT[8]). Bên cạnh đó, việc quy định mức hoàn trả tối đa không quá 03 tháng lương đối với lỗi vô ý và tối đa không quá 36 tháng lương đối với lỗi cố ý cũng là một bất cập, vì thực tế trong số 20 vụ việc đã thực hiện hoàn trả (cả 20 vụ việc đều xác định là do lỗi vô ý), có vụ việc Nhà nước phải chi trả bồi thường trên 2,3 tỷ đồng, nhưng do xác định là lỗi vô ý, nên công chức gây thiệt hại chỉ phải hoàn trả tối đa là 03 tháng lương hiện hưởng tại thời điểm xét hoàn trả (trên 18 triệu đồng), là không tương xứng với số tiền Nhà nước đã chi trả bồi thường.
Thứ hai, quy định về cơ quan có thẩm quyền xem xét TNHT chính là cơ quan quản lý trực tiếp người thi hành công vụ đã tạo tâm lý nể nang hoặc cố tình lẩn tránh trách nhiệm xem xét TNHT của công chức.
3. Kinh nghiệm của Nhật Bản và khả năng nghiên cứu vận dụng  
3.1 Kinh nghiệm của Nhật Bản[9]
a) Về TNHT của công chức
Luật Bồi thường nhà nước (BTNN) của Nhật Bản quy định như sau:
Khi công chức gây thiệt hại do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý nhưng nghiêm trọng, Chính phủ hoặc cơ quan nhà nước đã thực hiện bồi thường cho người bị thiệt hại, Nhà nước có quyền yêu cầu công chức gây thiệt hại hoàn trả khoản bồi thường[10]. Trên thực tế, việc thực hiện hoàn trả sẽ đặt ra các vấn đề: (1) từ đó về sau công chức không làm hết khả năng trong thực hiện công vụ, và (2) việc xác định công chức gây thiệt hại có lỗi cố ý hoặc vô ý nghiêm trọng hay không là không hề dễ dàng, nên việc yêu cầu hoàn trả hầu như không được áp dụng trên thực tế[11].  
Theo Điều 1 Luật BTNN của Nhật Bản, chủ thể có TNBT cho người bị thiệt hại là Chính phủ hoặc cơ quan nhà nước. Thêm nữa, trong các học thuyết hay án lệ cũng ghi nhận rằng công chức gây thiệt hại không trực tiếp chịu trách nhiệm BTTH cho người bị thiệt hại.   Bên cạnh việc quy định như khoản 1, Điều 1 Luật BTNN của Nhật Bản đã chỉ rõ chủ thể có TNBT là Chính phủ hoặc cơ quan nhà nước thì những quy định của luật riêng về trách nhiệm cá nhân của công chức nhà nước đã bị bãi bỏ khi xây dựng Luật BTNN; chỉ cần công nhận TNBT của Nhà nước là đã bảo đảm được việc bảo vệ quyền lợi người bị hại, nên không cần công nhận thêm trách nhiệm cá nhân của công chức nữa; hoặc việc công nhận trách nhiệm BTTH cá nhân có thể trở thành nguyên nhân làm giảm sút hiệu quả trong việc thi hành công vụ của công chức.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, đối với các trường hợp công chức gây thiệt hại do lỗi cố ý, đặc biệt là trường hợp lạm quyền nhằm thu lợi cho mình thì cần phải công nhận trách nhiệm cá nhân của công chức là hợp lý, bởi vì: một khi công chức vì lợi ích của mình mà gây thiệt hại thì sẽ không còn cần phải lo ngại đến vấn đề hiệu quả thực hiện công vụ bị ảnh hưởng do công chức lo ngại phải chịu trách nhiệm cá nhân nên không thực hiện công vụ ở mức độ cố gắng cao nhất nữa (theo phán quyết tòa án Tokyo ngày 6/9/1994).
Trong trường hợp có chủ thể khác có trách nhiệm liên quan trong việc gây thiệt hại, Chính phủ hoặc cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm BTTH có quyền yêu cầu chủ thể này hoàn trả[12]. Để bảo đảm tính phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 1, chỉ có thể thực hiện quyền yêu cầu hoàn trả nếu chủ thể này có lỗi vô ý nghiêm trọng. Tuy nhiên, đối với những chủ thể gây thiệt hại mà không phải là công chức nhà nước, pháp luật ghi nhận quyền của người bị thiệt hại trực tiếp yêu cầu chủ thể này BTTH. Từ quy định này có thể suy luận rằng, chủ thể gây thiệt hại là công chức nhà nước cũng không thể né tránh trách nhiệm BTTH cho người bị hại. Tuy nhiên, khi xem xét các vụ án mà không thể phân biệt rõ ràng trách nhiệm BTTH trong vụ án đó thuộc trường hợp quy định tại Điều 2 hay quy định tại Điều 1 thì những kiến giải có nội dung phủ nhận trách nhiệm cá nhân của công chức gây thiệt hại được chấp nhận.
b) Một số quy định của pháp luật Nhật Bản liên quan đến vấn đề hoàn trả của công chức[13]
Hiện nay, Nhật Bản có chế độ bảo hiểm trách nhiệm đối với công chức ở địa phương. Theo khoản 2 Điều 243 Luật Tự chủ địa phương, những công chức trực tiếp thực hiện hoặc các công chức hỗ trợ thực hiện công việc quản lý về tài chính, tài sản… của địa phương, do lỗi cố ý hoặc vô ý nghiêm trọng (trường hợp quản lý tiền mặt thì chỉ cần lỗi vô ý) gây mất mát, giảm sút giá trị tiền, giấy tờ có giá, tài sản khác thì phải bồi thường. Những thiệt hại như thế này được coi là thiệt hại của toàn thể địa phương, tức là thiệt hại chung của nhân dân địa phương. Do đó, Luật cũng trao cho người dân địa phương “quyền yêu cầu giám sát” và “quyền khởi kiện”. Chế độ bảo hiểm trách nhiệm công chức là chế độ được tạo ra nhằm giúp công chức gánh chịu tiền BTTH khi thua kiện trong các vụ kiện do nhân dân địa phương khởi kiện và những chi phí cần thiết cho việc tham gia tố tụng. Cụ thể là trong các tình huống:
Thứ nhất, BTTH xuất phát từ yêu cầu giám sát từ nhân dân địa phương
Ví dụ: Trường hợp người chịu trách nhiệm thu tiền nước để quá thời hiệu được quyền yêu cầu nộp tiền nước nên không thu được tiền nước. Do việc này gây thiệt hại cho địa phương nên người dân có thể yêu cầu cơ quan giám sát các hoạt động ở địa phương có những biện pháp ngăn chặn hoặc khắc phục thiệt hại. Lúc này cơ quan giám sát yêu cầu người đứng đầu địa phương (cấp tỉnh, cấp hạt …) chỉ ra người chịu trách nhiệm trong việc thu phí sử dụng nước phải BTTH. Nếu thiệt hại là có thật và xác định được mức thiệt hại, cơ quan bảo hiểm sẽ chi trả tiền bồi thường và các chi phí khác có liên quan.
Thứ hai, trường hợp người dân khởi kiện lên Tòa án (các trường hợp theo điểm 4, khoản 1 Điều 242-2).
Ví dụ: Trường hợp bán đất thuộc sở hữu công, nhân dân địa phương có quyền khởi kiện đối với công chức thực hiện việc ký kết hợp đồng bán đất. Việc khởi kiện và bồi thường được thực hiện theo quy trình sau: Người dân khởi kiện đối với công chức, cơ quan nhà nước quản lý công chức đã thực hiện ký hợp đồng bán đất tại Tòa án. Trường hợp cơ quan nhà nước thua kiện, Nhà nước sẽ thực hiện việc bồi thường, sau đó Nhà nước yêu cầu công chức làm sai hoàn trả cho Nhà nước, lúc này cơ quan bảo hiểm sẽ thanh toán tiền bồi thường và các chi phí tham gia tố tụng tại Tòa án.
Thứ ba,trường hợp công chức bị yêu cầu hoàn trả tiền BTTH theo Luật BTNN (Điều 1, Điều 2): Đối với công chức thuộc các cơ quan nhà nước ở trung ương, chế độ bảo hiểm này chưa được áp dụng. Ở Nhật Bản, có ý kiến cho rằng do đã áp dụng với công chức ở cơ quan địa phương nên cũng cần phải áp dụng chế độ bảo hiểm này cho cả công chức thuộc cơ quan nhà nước ở trung ương.
3.2 Một số vấn đề có thể nghiên cứu vận dụng  
Qua nghiên cứu quy định của pháp luật về BTNN và các luật có liên quan của Nhật Bản, có thể rút ra được một số vấn đề sau:
Thứ nhất, về TNHT của công chức giữa Luật TNBTNN Việt Nam và Luật BTNN Nhật Bản cơ bản giống nhau. Về quy định mức hoàn trả, Luật TNBTNN Việt Nam chỉ quy định mức hoàn trả không quá 03 tháng lương với lỗi vô ý, 36 tháng lương đối với lỗi cố ý và hoàn trả toàn bộ trong trường hợp công chức bị truy cứu trách nhiệm hình sự[14]. Luật BTNN Nhật Bản quy định công chức gặp lỗi cố ý hoặc sơ ý nghiêm trọng thì Nhà nước hoặc chính quyền địa phương có quyền yêu cầu công chức đó bồi thường[15], theo đó, trong trường hợp này, công chức phải bồi thường toàn bộ những thiệt hại đã gây ra, mà không phân biệt công chức gây thiệt hại khi thi hành công vụ trong lĩnh vực nào (hành chính, tố tụng hay thi hành án).
Thứ hai, bên cạnh quy định về TNHT của công chức, Luật BTNN Nhật Bản cũng có một quy định khá khả thi, có thể giải quyết cơ bản những quan ngại do quy định về hoàn trả của Luật BTNN, đó là vấn đề bảo hiểm trách nhiệm công chức (quy định trong Luật Tự chủ địa phương). Mặc dù quy định này chỉ được áp dụng đối với công chức tại các địa phương, nhưng do đặc thù quy định về tổ chức bộ máy chính quyền ở Nhật Bản (gồm hai cấp chính quyền: trung ương và địa phương)[16], trong đó, chính quyền địa phương có tính độc lập tương đối so với chính quyền trung ương về chính trị và kinh tế. Cơ cấu, thành phần và quyền hạn của các cơ quan lập pháp và của người lãnh đạo được bầu ra tại địa phương cũng được quy định cụ thể. Tại mỗi địa phương, Cục Tự trị địa phương là cơ quan có trách nhiệm xúc tiến thi hành Hiến pháp và Luật Tự chủ địa phương[17]. Do đó, đây cũng là vấn đề cần nghiên cứu để áp dụng vào thực tiễn Việt Nam.
4. Một số đề xuất, kiến nghị
Từ thực tiễn thi hành quy định về TNHT của công chức theo Luật TNBTNN và nghiên cứu, so sánh những quy định của pháp luật về TNBT của Việt Nam và Nhật Bản, tác giả xin đề xuất một số giải pháp để hoàn thiện quy định về TNHT của công chức như sau:
a) Phương án 1, đề xuất sửa quy định về TNHT của công chức trong Luật TNBTNN theo hướng:
Thứ nhất, về phạm vi, đối tượng phải hoàn trả: cần quy định TNHT trong ba hoạt động thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật TNBTNN (hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án), theo đó, công chức thi hành công vụ trong các hoạt động này, nếu gây thiệt hại mà Nhà nước phải bồi thường thì đều phải chịu TNHT (không loại trừ trường hợp gây thiệt hại do lỗi vô ý trong hoạt động tố tụng như quy định của Luật TNBTNN hiện hành).
 Thứ hai, về mức hoàn trả: không quy định mức hoàn trả theo số tháng lương của công chức như hiện nay, mà quy định theo phần trăm (%) số tiền công chức phải hoàn trả trên tổng số tiền Nhà nước phải chi trả bồi thường, theo hướng nâng mức hoàn trả cao hơn quy định hiện hành. Ví dụ: nếu Nhà nước phải bồi thường 100 triệu đồng, có thể quy định mức hoàn trả trong 02 trường hợp: Trường hợp 1, công chức vi phạm với lỗi vô ý, phải hoàn trả từ 20% đến 30% của số tiền 100 triệu đồng; nếu vô ý nghiêm trọng phải hoàn trả từ 31% đến 50% của số tiền 100 triệu đồng; trường hợp 2, công chức vi phạm với lỗi cố ý (áp dụng đối với tất cả các hoạt động thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật TNBTNN), phải hoàn trả 100% của số tiền 100 triệu đồng.
Thứ ba, quy định cụ thể các hình thức xử lý kỷ luật hành chính đối với người thi hành công vụ phù hợp với hành vi gây thiệt hại và số tiền nhà nước đã chi trả bồi thường.
Thứ tư, quy định một số trường hợp đặc thù được miễn trừ TNHT.
  Ưu điểm của phương án 1:
- Bảo đảm được sự công bằng trong thực hiện hoàn trả của công chức trong phạm vi điều chỉnh của Luật TNBTNN mà vẫn bảo đảm tính đặc thù của một số trượng hợp người thi hành công vụ được xét miễn, giảm TNHT;
- Nâng cao tính răn đe đối với công chức vi phạm (thông qua quy định cụ thể các hình thức kỷ luật hành chính tương xứng với hành vi vi phạm và số tiền Nhà nước chi trả bồi thường ngay tại Luật);
- Thu hồi được một khoản tiền tương đối lớn so với khoản tiền Nhà nước đã phải bỏ ra chi trả bồi thường.
   Nhược điểm:
- Việc xác định lỗi cố ý hoặc vô ý để áp dụng mức hoàn trả là rất khó khăn, do thiếu căn cứ để xác định, (mặc dù Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về lỗi cố ý, lỗi vô ý trong xác định lỗi trong trách nhiệm dân sự[18]), tuy nhiên, để xác định lỗi cố ý hay vô ý của người thi hành công vụ trong việc ra các quyết định hành chính, bản án, quyết định hoặc quyết định thi hành án là rất khó xác định, trừ trường hợp người thi hành công vụ cố ý áp dụng sai quy định của pháp luật, ra bản án trái với chứng cứ đã có trong hồ sơ, hoặc ra quyết định thi hành án trái với yêu cầu của cơ quan tố tụng …);
- Việc mở rộng phạm vi đối tượng phải hoàn trả và nâng cao mức hoàn trả chắc chắn sẽ gây tâm lý e ngại cho công chức khi cần sự quyết đoán trong thi hành công vụ, cũng như đối với các công chức là điều tra viên, kiểm sát viên và thẩm phán trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử đấu tranh phòng, chống tội phạm. Những quyết đoán này có thể là hiệu quả hoặc không hiệu quả, nhưng nhờ đó mà kích thích sự sáng tạo, mở đường cho những cách làm mới, giải pháp mang tính đột phá trong thực thi các chính sách pháp luật.
b) Phương án 2, áp dụng chế độ bảo hiểm trách nhiệm đối với công chức, theo đó, Luật cần quy định:
Trường hợp 1, giải quyết tại cơ quan có TNBT. Khi công chức có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại, tổ chức, cá nhân bị thiệt hại (người bị thiệt hại) có quyền khiếu nại đến cơ quan trực tiếp quản lý công chức để yêu cầu xác định hành vi trái pháp luật. Sau khi có văn bản xác định hành vi trái pháp luật theo quy định, người bị thiệt hại yêu cầu cơ quan có TNBT giải quyết, sau khi thực hiện các trình tự, thủ tục giải quyết theo quy định của pháp luật (cơ quan bảo hiểm là một thành phần trong quá trình giải quyết bồi thường). Sau khi thống nhất mức bồi thường, cơ quan có TNBT ban hành quyết định giải quyết bồi thường. Cơ quan bảo hiểm sẽ làm thủ tục chi trả tiền bồi thường cho người bị thiệt hại.
Trường hợp 2: Giải quyết yêu cầu bồi thường tại Tòa án. Trường hợp người bị thiệt hại không đồng ý với quyết định giải quyết bồi thường và khởi kiện tại Tòa án, cơ quan có TNBT và cơ quan bảo hiểm sẽ tham gia. Nếu bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, cơ quan bảo hiểm sẽ căn cứ vào đó để làm thủ tục chi trả.
Ưu điểm của phương án 2:
Thực hiện TNHT của công chức thông qua việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp sẽ giúp cho công chức không phải lo lắng nhiều về khoản kinh phí phải hoàn trả trong trường hợp thi hành công vụ gây thiệt hại. Mặt khác, cuộc sống gia đình họ cũng không bị ảnh hưởng lớn về kinh tế, nên cơ bản yên tâm thực hiện nhiệm vụ.
Nhược điểm:
- Việc mua bảo hiểm trách nhiệm là bắt buộc, công chức sẽ phải gánh thêm một khoản chi phí được tính vào tiền lương hàng tháng (tùy vào quy định về mức kinh phí mua bảo hiểm), cũng ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của công chức.
- Việc quy định bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp là một loại hình bảo hiểm bắt buộc sẽ dẫn đến phải sửa đổi, bổ sung một số đạo luật liên quan (Luật Kinh doanh bảo hiểm) để phù hợp với quy định của Luật TNBTNN./.
 

[1]Nguồn: Từ điển.com
[2] Luật TNBTNN (các Điều 58, 59, 60, 61, 62).
 
[3] Luật TNBTCNN (Điều 16).
[4] Thông tư liên tịch số 04/2014/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC (từ Điều 1 đến Điều 5).
[5] Thông tư liên tịch số 04/2014/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC (từ Điều 6 đến Điều 15).
[6] Thông tư liên tịch số 04/2014/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC (từ Điều 16 đến Điều 20).
[7] Các Báo cáo số 300/BC-CP, Báo cáo số 413/BC-CP và Báo cáo số 431/BC-CP của Chính phủ về công tác bồi thường nhà nước các năm 2012, 2013 và 2014.
[8] Luật TNBTNN (khoản 2 Điều 56).
[9] Nguồn: (1) Inaba Kaoru, Hitomi Takeshi, Murakami Hiroaki, Maeda Masako, Luật Hành chính, Nxb. Yahikaku, 2010, tr. 309-310). (2) Luật Dân sự Nhật Bản.
[10] Luật Bồi thường nhà nước Nhật Bản (khoản 2 Điều 1).
[11] Qua khảo sát của Bộ Tư pháp về quy định và thực tiễn thi hành Luật Bồi thườngnhà nước tại Nhật Bản vào tháng 9/2012, từ năm 1947 đến nay, ghi nhận rất ít trường hợp công chức phải hoàn trả theo quy định của Luật Bồi thường nhà nước, khoảng trên 10 trường hợp (Báo cáo số 179/BC-BTP ngày 5/10/2012 của Bộ Tư pháp về kết quả khảo sát Luật Bồi thường nhà nước tại Nhật Bản).
[12] Luật Bồi thường nhà nước Nhật Bản (khoản 2 Điều 2).
[13]Nguồn:(1)http://www.jichiro8.net/html;(2)http://www.kyousai.jp/q_and_a/q_and_a2hoka.html;(3)http://www.google.com.vn/url?sa=t&rct=j&q=&esrc=s&frm=1&source=web&cd=7&ved=0CG0QFjAG&url=http%3A%2F%2Fibnhd.com%2Fsabpage%2Fkomuinbaiseki.pdf&ei=DBiHU-3GDtLl8AWX5IHQCA&usg=AFQjCNHHh1NS0ABVvTZWv7k8o4fY0ImIkQ&sig2=tfIpYwpzm9oBNDHqLqEtxQ.
 
[14] Nghị định số 16/2010/NĐ-CP (Điều 16).
[15] Như đã dẫn tại footnote 14.
[16] Hiến pháp Nhật Bản 1947.
[17] Hiến pháp Nhật Bản 1947 (chương 8).
[18] Điều 364, Bộ luật Dân sự năm 2015.