Truất hữu, bảo đảm đầu tư và trách nhiệm bồi thường do truất hữu tài sản của nhà đầu tư nước ngoài

01/04/2015

Bài viết giới thiệu khái quát về khái niệm truất hữu trong luật đầu tư quốc tế, khai thác một số vấn đề phát sinh khi thực hiện việc bồi thường cho cả việc truất hữu hợp pháp và bất hợp pháp đối với tài sản của nhà đầu tư nước ngoài. Tác giả cũng sẽ phân tích về yêu cầu của luật quốc tế cho việc bồi thường hợp lý và thực tiễn áp dụng các chuẩn mực quốc tế trong việc bồi thường hợp lý khi truất hữu tài sản của nhà đầu tư nước ngoài. Những vấn đề này có ý nghĩa quan trọng về mặt lý luận và thực tiễn đối với Việt Nam trong việc xây dựng chính sách đầu tư cũng như áp dụng các biện pháp quản lý đầu tư, nhằm hạn chế thiệt hại khi tranh chấp với nhà đầu tư nước ngoài. 
Untitled_248.png
Ảnh minh họa: (Nguồn internet)
1. Tổng quan về truất hữu tài sản của nhà đầu tư nước ngoài
Truất hữu (expropriation)[1] là một khái niệm pháp lý mới trong luật đầu tư quốc tế, được đề cập lần đầu tiên vào năm 1961 bởi các giáo sư Louis Sohn và Richard Baxter khi soạn thảo Công ước về Trách nhiệm pháp lý quốc tế của các quốc gia đối với những thiệt hại gây ra cho người nước ngoài (Convention on International Responsibility of States for Injuries to Aliens). Theo đó, truất hữu được định nghĩa như việc tước tài sản có thể bồi thường (a compensable taking of property)[2].
Truất hữu bao hàm trong nó hành vi “tước đoạt” (taking) bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với tài sản của một chủ thể với mục đích nhằm chuyển giao quyền sở hữu đối với tài sản đó cho một chủ thể khác,thường sự tước đoạt tài sản này phải được thực hiện nhằm phục vụ mục đích công (public purpose) và cho phép bên bị tước đoạt tài sản nhận một khoản bồi thường [từ nhà nước] sau đó.
Tại Việt Nam, các văn bản quy phạm pháp luật không quy định về ‘truất hữu’, khái niệm tương đương duy nhất có thể tìm thấy trong luật đầu tư là ‘quốc hữu hóa’ (nationalization)[3]. Tuy nhiên, từ góc độ lý luận của khoa học pháp lý, đây không phải hai khái niệm đồng nhất, mặc dù nội hàm của chúng có sự chồng lấn nhất định. Quốc hữu hóa tài sản của nhà đầu tư nước ngoài được hiểu là việc nhà nước tước đoạt tài sản hoặc quyền tài sản của nhà đầu tư nước ngoài nhằm chấm dứt quyền sở hữu của đầu tư ngoài trong ngành công nghiệp cụ thể của nền kinh tế [quốc gia][4]. Mục tiêu của quốc hữu hóa thường sẽ là chuyển các tài sản thuộc sở hữu tư (tài sản thuộc quyền sở hữu cá nhân, công ty tư nhân) trong một ngành công nghiệp và/hoặc lĩnh vực kinh tế thành sở hữu nhà nước. Nói cách khác, biện pháp quốc hữu hóa sẽ có ảnh hưởng tới tất cả các nhà đầu tư, bao gồm cả nhà đầu tư nước ngoài và trong nước, trong một ngành công nghiệp cụ thể chứ không chỉ liên quan tới một/một số nhà đầu tư như trường hợp của truất hữu.
Truất hữu có thể xảy ra trực tiếp khi nhà nước tước quyền sở hữu và/hoặc thu giữ [trực tiếp] toàn bộ tài sản của nhà đầu tư nước ngoài bằng quyết định hoặc chính sách cụ thể. Đặc điểm của truất hữu trực tiếp là sự tước đoạt dựa trên quy định pháp luật hoặc hành chính dẫn tới sự chuyển giao quyền sở hữu và chiếm hữu vật lý (physical possession) [đối với tài sản][5]. Trường hợp truất hữu trực tiếp có thể so sánh tương đương với quốc hữu hoá tài sản của nhà đầu tư.
Tuy nhiên, truất hữu cũng bao gồm cả trường hợp nhà nước sử dụng một số biện pháp, mặc dù không trực tiếp tước quyền sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, nhưng lại gián tiếp triệt tiêu các giá trị kinh tế của quyền tài sản hoặc loại trừ quyền kiểm soát tài sản của nhà đầu tư, làm cho nhà đầu tư bị rơi vào tình trạng như bị tước quyền sở hữu. Hình thức truất hữu thứ hai này là “truất hữu gián tiếp”.
Truất hữu gián tiếp cũng có thể liên quan tới trường hợp cơ quan chức năng của quốc gia sở tại ra quyết định tước các quyền phụ cận (auxiliary rights) liên quan chặt chẽ đến các quyền sở hữu và quyền tài sản của nhà đầu tư, chẳng hạn như các quyền đối với sáng chế[6]. Việc buộc công ty nước ngoài phải cho phép nhà nước hoặc doanh nghiệp được nhà nước bảo trợ nắm giữ các cổ phần chi phối của công ty cũng được coi là một hình thức truất hữu gián tiếp vì quốc gia đã tước quyền kiểm soát đối với tài sản và lợi nhuận của doanh nghiệp liên quan. Thậm chí việc nhà nước buộc công ty nước ngoài phải bổ nhiệm người quản lý do mình chỉ định cũng là một hình thức truất hữu gián tiếp vì điều này dẫn tới việc nhà đầu tư nước ngoài bị tước đi quyền định đoạt tài sản đầu tư. Nhìn chung, phạm vi nội hàm của truất hữu gián tiếp rất rộng, phức tạp và cũng thường là vấn đề tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và quốc gia tiếp nhận đầu tư.
Mặc dù không quy định về truất hữu trong các văn bản pháp luật trong nước, các Hiệp định đầu tư song phương và khu vực (BIT) mà Việt Nam tham gia ký kết hoặc đang trong quá trình đàm phán đều có các điều khoản về quốc hữu hoá, truất hữu tài sản của nhà đầu tư nước ngoài[7]. Từ góc độ pháp luật quốc tế, Việt Nam có trách nhiệm tuân thủ và thực thi các cam kết quốc tế của mình[8]. Như vậy, các quy định và biện pháp của (các) cơ quan nhà nước nếu mang tính chất truất hữu tài sản của nhà đầu tư nước ngoài mà Chính phủ Việt Nam đã ràng buộc bảo đảm đầu tư (thông qua BIT hoặc hợp đồng đầu tư quốc tế) sẽ có thể dẫn tới trách nhiệm bồi thường của Nhà nước Việt Nam.
2. Trách nhiệm bồi thường của quốc gia
Trong quan hệ kinh tế quốc tế, truất hữu tài sản của nhà đầu tư nước ngoài thường dẫn tới những căng thẳng trong quan hệ giữa các quốc gia liên quan (quốc gia thực hiện truất hữu và quốc gia có công dân, pháp nhân có tài sản bị tước đoạt). Tuy nhiên, các hành vi này của quốc gia không bị cấm hoặc bị coi là sự vi phạm luật quốc tế, vì chúng được bảo đảm bởi nguyên tắc chủ quyền quốc gia. Dựa trên lý luận về việc thực thi chủ quyền kinh tế của quốc gia, quốc gia có quyền thực hiện các biện pháp hành chính để điều phối nền kinh tế quốc dân và các tài nguyên trên lãnh thổ quốc gia. Quyền trưng thu, tịch thu, truất hữu, quốc hữu hoá tài sản của cá nhân, tổ chức của nhà nước nhằm phục vụ các mục đích chính trị - kinh tế quốc gia được chấp nhận rộng rãi tại nhiều quốc gia trên thế giới[9]. Vấn đề này cũng được khẳng định trong hai văn kiện quốc tế quan trọng là Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc về Chủ quyền vĩnh viễn của các quốc gia đối với tài nguyên thiên nhiên (1962) và Hiến chương của Liên hợp quốc về các Quyền và nghĩa vụ kinh tế của các quốc gia (1974).  
Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày nay, khi lợi ích kinh tế được đề cao và thu hút đầu tư nước ngoài được coi là động lực quan trọng cho phát triển của các nền kinh tế, quan điểm trước đây về chủ quyền tuyệt đối của nhà nước đối với các tài sản trên lãnh thổ quốc gia đang dần được thay đổi[10]. Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều ghi nhận trong luật đầu tư của mình về trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư nước ngoài, bảo đảm vốn đầu tư và tài sản hợp pháp của nhà đầu tư không bị quốc hữu hóa, không bị tịch thu bởi các biện pháp hành chính hay không bị truất hữu bất hợp pháp.
Vấn đề tranh cãi trong đầu tư quốc tế ngày nay chủ yếu liên quan tới trách nhiệm bồi thường của quốc gia thực hiện truất hữu hợp pháp (bằng các thủ tục pháp lý hợp pháp) đối với nhà đầu tư nước ngoài. Đối với vấn đề này, các nước phát triển luôn có quan điểm cho rằng việc truất hữu tài sản của nhà đầu tư nước ngoài phải diễn ra theo một tiêu chuẩn quốc tế tối thiểu do luật quốc tế quy định[11]. Ngược lại, các nước đang phát triển (đặc biệt trong thời kỳ hậu thuộc địa) thường cho rằng, hoàn cảnh và điều kiện truất hữu là những vấn đề thuộc quyền quyết định tuyệt đối của nước thực hiện việc truất hữu[12].
2.1.Tiêu chuẩn về trách nhiệm bồi thường của quốc gia
Các quốc gia phát triển, đứng đầu là Mỹ, luôn cho rằng luật quốc tế đòi hỏi một tiêu chuẩn đối xử tối thiểu trong lĩnh vực bảo đảm đầu tư (investment protection) vì có những quyền không thể dịch chuyển, được công nhận bởi luật quốc tế mà quốc gia phải dành cho nhà đầu tư nước ngoài, dù luật trong nước không quy định[13]. Trong vụ tranh chấp giữa Mexico và các doanh nghiệp Mỹ vì chính sách quốc hữu hoá tài sản của các công ty dầu khí nước ngoài tại Mexico vào năm 1938, Mỹ đã ban hành Đạo luật Hull[14] nhằm trừng phạt thương mại đối với Mexico vì nước này đã vi phạm chuẩn mực quốc tế về bảo đảm đầu tư và trách nhiệm bồi thường cho nhà đầu tư nước ngoài. Theo Đạo luật Hull “việc bồi thường tương xứng, hiệu quả và kịp thời cho những tài sản bị tịch thu” được quy định bởi luật quốc tế và là nghĩa vụ quốc tế mà chính phủ một quốc gia phải bảo đảm[15]. Mexico đã phản đối Đạo luật Hull khi cho rằng, việc truất hữu đối với đất đai và tài nguyên quốc gia diễn ra nhằm tái phân phối tài sản trong xã hội là hợp lý và phù hợp nhu cầu phát triển của quốc gia. Mexico cũng nhấn mạnh rằng luật quốc tế phân biệt việc truất hữu là kết quả của việc sửa đổi của cơ quan có thẩm quyền (và có ảnh hưởng như nhau đối với tất cả công dân) và việc truất hữu được quy định trong các trường hợp cụ thể (có ảnh hưởng đến lợi ích được biết trước và được xác định riêng biệt)[16]. Mặc dù cho rằng quốc gia phải có trách nhiệm đối với các nhà đầu tư nước ngoài và tài sản đầu tư của họ, Mexico khẳng định việc truất hữu phát sinh trong các cuộc cải cách xã hội không tạo ra nghĩa vụ quốc tế để thực hiện việc bồi thường ngay lập tức[17].
Nhìn chung, học thuyết “tiêu chuẩn đối xử tối thiểu” nêu trên của Đạo luật Hull luôn bị các quốc gia tiếp nhận đầu tư phản đối. Đại diện cho khuynh hướng cực tả đối với tiêu chuẩn về trách nhiệm bồi thường của quốc gia thực hiện truất hữu là Học thuyết Calvo[18]. Học thuyết này được xây dựng xung quanh ba lập luận sau: (i) nhà đầu tư nước ngoài không được đối xử thuận lợi hơn nhà đầu tư trong nước; (ii) quyền của nhà đầu tư nước ngoài được quy định bởi luật trong nước; (iii) tòa án trong nước có thẩm quyền tuyệt đối với các tranh chấp liên quan đến các nhà đầu tư nước ngoài[19]. Gần đây, một số nước Nam Mỹ như Venezuela và Bolivia khi thực hiện truất hữu/quốc hữu hóa tài sản của nhà đầu tư nước ngoài đã từ chối bồi thường dựa trên lý luận của học thuyết Calvo và khẳng định rằng, luật đầu tư quốc tế phải dựa trên nguyên tắc đãi ngộ quốc gia (NT), tức là nhà đầu tư nước ngoài sẽ chỉ được hưởng các quyền lợi ngang bằng với những quyền lợi mà nhà nước dành cho nhà đầu tư trong nước[20]. Nói cách khác, khi các nhà đầu tư trong nước không được bồi thường cho việc truất hữu, nhà đầu tư nước ngoài cũng không được đối xử thuận lợi hơn. Tuy nhiên, học thuyết Calvo cũng không được thừa nhận rộng rãi như một nguyên tắc của tập quán quốc tế.
Vấn đề tranh cãi ở đây là liệu những tiêu chuẩn đối xử tối thiểu có giới hạn đối với việc bảo vệ nhà đầu tư nước ngoài theo tập quán quốc tế và liệu rằng những tiêu chuẩn này có quy định một cấp độ bảo vệ cao hơn [mức hợp lý][21]? Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, hầu hết các quốc gia đã mở cửa thị trường, thu hút đầu tư nước ngoài và phát triển thương mại quốc tế; nhưng họ vẫn không thừa nhận một tiêu chuẩn đối xử tối thiểu trong bảo đảm đầu tư và trách nhiệm bồi thường “đầy đủ, ngay lập tức” cho nhà đầu tư nước ngoài có tài sản bị truất hữu như một nguyên tắc đương nhiên của tập quán quốc tế. 
Trong nỗ lực loại trừ những tranh cãi trong vấn đề này, các quốc gia xuất khẩu tư bản, đặc biệt là Mỹ, đã xúc tiến đàm phán ký kết nhiều điều ước quốc tế song phương về đầu tư với những quốc gia đối tác tiếp nhận đầu tư quan trọng của mình. Điều khoản về trách nhiệm bồi thường trong trường hợp truất hữu với yêu cầu là nhà nước phải bồi thường “nhanh chóng, tương xứng và hiệu quả” (prompt, adequate and effective) luôn là quy định trung tâm trong các BIT của Mỹ[22]. Nguyên tắc này cũng dần được ghi nhận trong nhiều điều ước hợp tác kinh tế khu vực. Chẳng hạn, Hiến chương châu Âu về Năng lượng quy định rằng “bồi thường được xem là thích hợp khi nó được thực hiện tương xứng, kịp thời và hiệu quả”[23]; tương tự, Hiệp định đầu tưtoàn diện củaASEAN (ACIA) quy định nước thành viên ASEAN tiếp nhận đầu tư phải bồi thường thích hợp, ngay lập tức, tương ứng với giá thị trường… cho nhà đầu tư bị ảnh hưởng từ biện pháp truất hữu hoặc quốc hữu hoá[24].
Tuy nhiên, án lệ trong thực tiễn giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế lại thường áp dụng một thuật ngữ khác được ghi nhận trong Nghị quyết của Liên hợp quốc về chủ quyền vĩnh viễn đối với tài nguyên thiên nhiên 1962 (Nghị quyết 1962) là “bồi thường thích hợp”[25]. Nguyên tắc này đã được viện dẫn trong hai vụ tranh chấp về đầu tư quốc tế nổi tiếng là vụ kiện Texaco[26]và vụ kiện Aminoil[27].
Vậy khái niệm “bồi thương thích hợp” có đồng nghĩa với “bồi thường tương xứng, kịp thời và hiệu quả”? Từ những thực tiễn giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế, có thể thấy hai thuật ngữ này không được coi là một khái niệm đồng nhất. Thẩm phán Amelie trong vụ kiện INA Corporation vs. The Islamic Republic of Iran đã cho rằng “[…] khái niệm truyền thống về bồi thường “kịp thời, tương xứng và hiệu quả” - một khái niệm thậm chí gây nghi ngờ vì chưa bao giờ được xây dựng một cách đầy đủ - [và] đã bị hủy bỏ và thay thế bởi khái niệm “bồi thường thích hợp”[28]. Như vậy, dù bồi thường tương xứng, kịp thời và hiệu quả có thể hội đủ điều kiện như bồi thường thích hợp, nhưng bồi thường thích hợp có thể không nhất thiết phải là tương xứng, kịp thời và hiệu quả. Điều này đặc biệt liên quan tới trường hợp hành động tước tài sản của nhà đầu tư là kết quả một cuộc cải cách xã hội ảnh hưởng lên toàn bộ ngành công nghiệp (nói cách khác là truất hữu hợp pháp) và không mang tính riêng biệt. Trong những trường hợp trước đó, không có nghĩa vụ quốc tế nào được áp dụng để buộc bồi thường ngay lập tức[29] hay bồi thường ít hơn giá trị thị trường đầy đủ của việc đầu tư[30].
2.2. Trách nhiệm pháp lý đối với truất hữu bất hợp pháp và truất hữu hợp pháp
Phạm vi trách nhiệm pháp lý của quốc gia trong trường hợp truất hữu tài sản của nhà đầu tư nước ngoài phụ thuộc vào tính pháp lý của hành vi truất hữu. Cho tới nay, mặc dù còn nhiều mâu thuẫn về các quan điểm đối với nội hàm và cấu thành của hành vi truất hữu, các quan điểm và học thuyết pháp lý trên thế giới đều thống nhất rằng, quốc gia phải chịu trách nhiệm pháp lý ở mức cao hơn đối với hành vi truất hữu bất hợp pháp, bao gồm bồi thường và sửa chữa [sai phạm] để nhà đầu tư có thể tiếp tục hoạt động kinh doanh[31]. Một số học giả và án lệ quốc tế cho rằng, trong trường hợp truất hữu bất hợp pháp, nhà nước phải bồi thường đầy đủ bằng vật chất hoặc bằng khoản tiền tương đương để đặt tình trạng của dự án đầu tư trở về hiện trạng ban đầu giống như việc tước đoạt tài sản không diễn ra[32].
Toà án Nhân quyền châu Âu (European Court of Human Rights - ECHR) trong thực tiễn xét xử của mình cũng phân biệt giữa tính bất hợp pháp của hành vi tước đoạt tài sản của nhà đầu tư khi thiết lập quy tắc áp dụng tự động mức bồi thường cao hơn[33]. Quy tắc này được hình thành từ vụ kiện Chorzow Factory được giải quyết bởi Toà án Công lý quốc tế (ICJ), hiện được quy định tại Điều 31 trong Bộ quy tắc về Trách nhiệm quốc tế của nhà nước của Uỷ ban Luật quốc tế của Liên hợp quốc.
Trong vụ Amco vs. Indonesia[34], Hội đồng trọng tài đã khẳng định quốc gia phải có trách nhiệm bù đắp cho tất cả thiệt hại mà chủ tài sản phải gánh chịu từ việc truất hữu bất hợp pháp. Trong các vụ việc như vậy, tập quán quốc tế yêu cầu quốc gia phải chịu trách nhiệm bồi thường đầy đủ thông qua các hình thức như buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu hoặc trả lại tài sản, nếu không, thì trả bằng khoản tiền tương đương[35]. Từ góc độ nguyên tắc công bằng, quốc gia vi phạm phải có trách nhiệm khắc phục những thiệt hại mà mình đã gây ra và nhà đầu tư phải được khôi phục các quyền và lợi ích kinh tế của mình trong dự án đầu tư. Thực tế, trong đa số các trường hợp, nhà đầu tư nước ngoài có mong muốn được nhận lại tài sản hơn là được bồi thường. Tuy nhiên, điều này có thể khó khăn trong những vụ việc mà có một cuộc cải cách được thực hiện bằng việc cưỡng chế chiếm dụng tài sản đầu tư, nhưng cũng có thể thực hiện được nếu có một cuộc cải cách ngược lại khôi phục việc khuyến khích đầu tư[36].
Đối với trường hợp truất hữu hợp pháp (chẳng hạn vì lợi ích công cộng, an ninh quốc phòng…), nhiều học giả và án lệ tranh chấp quốc tế về đầu tư có quan điểm rằng, quốc gia phải có trách nhiệm bồi thường đầy đủ cho nhà đầu tư (không phải sửa chữa sai phạm như trong trường hợp truất hữu bất hợp pháp). Phán quyết của trọng tài trong vụ kiện American International Group (AIG) vs. Iran[37] đã khẳng định “mặc dù có tồn tại sự tranh cãi về tiêu chuẩn bồi thường của tập quán quốc tế, quy tắc chung luôn buộc quốc gia phải bồi thường đầy đủ”[38] bởi vì “…việc tài sản bị chiếm dụng mà không được bồi thường đầy đủ là không phù hợp với sự công bằng cơ bản, lợi ích công cộng và lợi ích quốc tế. Nguy cơ bồi thường không tương xứng có thể làm giảm đầu tư quốc tế cần thiết vào các nước đang phát triển hay ít nhất làm tăng chi phí đầu tư vào các nước này”[39]. Ngoài ra, “… kể cả khi tập quán quốc tế chỉ yêu cầu bồi thường một khoản không đầy đủ, bồi thường đầy đủ nên được tuyên bố vì (i) nguyên đơn đầu tư với sự khuyến khích của chính phủ Iran [nước tiếp nhận đầu tư]; (ii) việc đầu tư không được thực hiện tại một thuộc địa hoặc bán thuộc địa; (iii) nguyên đơn đã đối xử một cách có trách nhiệm và không phương hại đến Iran (iv) Iran đã trở thành người thụ hưởng tất cả các nỗ lực [đầu tư kinh doanh] của AIG bằng việc quốc hữu hóa”[40]. Hội đồng đã buộc Iran bồi thường đối với giá trị hoạt động liên tục của lợi ích của nhà đầu tư, bao gồm cả lợi thế thương mại và thu nhập tiềm năng[41].
Nhìn chung, các cơ sở pháp lý ủng hộ quy tắc “bồi thường đầy đủ” trong trường hợp truất hữu hợp pháp chưa thật sự vững vàng. Cộng đồng quốc tế chưa có sự thống nhất quan điểm về vấn đề này. Đa số các quốc gia thực hiện truất hữu đều khẳng định trách nhiệm bồi thường đối với nhà đầu tư bị truất hữu tài sản, nhưng mức độ và hình thức bồi thường của quốc gia phải phụ thuộc vào hoàn cảnh kinh tế - chính trị - xã hội của quốc gia đó vào thời điểm nhà nước thực hiện biện pháp truất hữu. Tập quán quốc tế liên quan tới trách nhiệm của quốc gia trong bảo hộ đầu tư cũng chấp nhận trường hợp quốc gia thực hiện truất hữu hợp pháp có thể chỉ đền bù một phần cho nhà đầu tư nước ngoài trong nhiều trường hợp. Chẳng hạn khi nhà đầu tư nước ngoài trong quá khứ đã gây thiệt hại cho quốc gia (gây hại cho sức khoẻ của người dân bản xứ, ô nhiễm môi trường...) hoặc nhà đầu tư có các khoản lợi nhuận bất thường từ dự án đầu tư. Thời gian đầu tư tại quốc gia tiếp nhận đầu tư cũng là một yếu tố có liên quan được xem xét để xác định mức độ bồi thường. Nếu những lợi nhuận của nhà đầu tư nước ngoài đã bù đắp cho khoản đầu tư ban đầu thì giá trị của đền bù toàn bộ sẽ giảm đi tương ứng với khoản lợi nhuận mà nhà đầu tư đã thu được[42].
3. Kết luận
Vấn đề bảo đảm đầu tư, bảo vệ quyền sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài và quyền truất hữu mọi tài sản trên lãnh thổ quốc gia của nhà nước luôn là đề tài nóng trong quan hệ quốc tế. Trong vài thập niên trở lại đây, pháp luật quốc tế về đầu tư đã dần đạt được một mức độ thống nhất tương đối trong một số vấn đề cơ bản như khái niệm truất hữu tài sản của nhà đầu tư nước ngoài và nguyên tắc chung về trách nhiệm của quốc gia khi thực hiện truất hữu.
Tuy nhiên, luật quốc tế vẫn chưa hình thành toàn diện và dứt khoát về những quy định liên quan tới tính chất pháp lý của hành vi truất hữu và phạm vi hay mức độ trách nhiệm bồi thường của quốc gia. Hiện luật đầu tư quốc tế chưa thiết lập được một ranh giới rõ ràng giữa quy định không đền bù một mặt và, mặt khác, các biện pháp có tác dụng tước đi các tài sản và lợi ích kinh tế của nhà đầu tư nước ngoài và do đó dẫn tới trách nhiệm bồi thường; cũng như sự khác biệt về phạm vi trách nhiệm bồi thường đối với truất hữu hợp pháp và truất hữu bất hợp pháp.
Từ góc độ lợi ích của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, giải pháp hiệu quả là đàm phán ký kết các BIT với các đối tác chiến lược và củng cố các quy phạm pháp luật trong nước về bảo đảm đầu tư theo hướng quy định bổ sung về vấn đề truất hữu (bên cạnh quốc hữu hoá, tịch thu, trưng thu). Tuy nhiên, đối với việc đàm phán ký kết các BIT, chúng ta cũng cần tỉnh táo và hiểu rõ nội hàm của các khái niệm và nguyên tắc bồi thường được công nhận trong thực tiễn giải quyết tranh chấp quốc tế để có thể đạt được các điều khoản hợp lý và công bằng, tránh tình trạng bị đối tác ép các điều khoản có hậu quả bất lợi. Chẳng hạn nên gắn liền trách nhiệm bồi thường trên nguyên tắc “bồi thường thích hợp” thay vì “nhanh chóng, tương xứng và hiệu quả”; hay quy định về trách nhiệm pháp lý của Nhà nước đối với các trường hợp hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài có ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển bền vững của Việt Nam, như bảo vệ môi trường, sức khoẻ cộng đồng, bảo vệ văn hoá bản địa, cạnh tranh lành mạnh…
Đối với việc xây dựng pháp luật trong nước, cần quy định rõ ràng và chặt chẽ về các hình thức truất hữu để buộc cơ quan quản lý nhà nước phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi thực hiện các biện pháp tước đoạt hoặc triệt tiêu quyền sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Từ đó, cơ quan này sẽ có kế hoạch sử dụng hợp lý, tiết kiệm hơn các tài sản bị truất hữu, cho xứng với “giá phải trả” cho nhà đầu tư có tài sản bị truất hữu. Việc hiện đại hoá pháp luật đầu tư và áp dụng những điểm tiến bộ trong xu hướng mới của luật đầu tư quốc tế sẽ giúp Việt Nam thu hút thêm đầu tư nước ngoài, qua đó góp phần xúc tiến quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước./.

 


* TS. Quyền Trưởng khoa Luật Quốc tế, Đại học Luật TP.Hồ Chí Minh.  
 
[1] Thuật ngữ “truất hữu” (expropriation) không được sử dụng chính thức trong các văn bản pháp luật hiện hành của Việt Nam. Khái niệm tương đương gần nhất là “quốc hữu hóa”, tuy nhiên khái niệm truất hữu trong pháp luật quốc tế có nội hàm rộng hơn “quốc hữu hóa”. Hiện thuật ngữ này chỉ mới được sử dụng bởi các học giả tại Việt Nam trong những năm gần đây. Xem Nguyễn Ngọc Điện, Thu hồi đất: Khi nào và bằng cách nào, VnEconomy (http://vneconomy.vn/20130321101227178P0C9920/thu-hoi-dat-khi-nao-va-bang-cach-nao.htm), truy cập ngày  23/9/2013; Phạm Duy Nghĩa, Chế độ kinh tế trong Hiến pháp 1992 – phát hiện một số bất cập và kiến nghị hướng sửa đổi, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, Số 22/2011, tr. 57 – 69.
[4] Sornarjah M., ‘The International Law on Foreign Investment’, Cambridge University Press, 2010, tr. 366.
[5] UNCTAD, Taking of Property, UNCTAD series on issues in international investment agreements, (UNCTAD/ITE/IIT/15), (2000), tr. 3.
[6] PCIJ, Series A, No. 7,1926. Christie G. C., 'What Constitutes a Taking of Property under International Law?', 38 BYIL, 1962, tr. 307; Brownlie, System and State Responsibility, tr. 24-25; Whiteman, Digest, vol. VIII, tr. 1006.
[7] Điều 9 BIT Việt Nam - Nhật Bản (2003); Điều 4 BIT Việt Nam - Trung Quốc (1992); Điều 5 BIT Việt Nam - Vương quốc Anh (2002); Điều 5, BIT Việt Nam - Pháp (1992); Điều 5, BIT Việt Nam - Ý (1990); Điều 7 BIT Việt Nam - Úc (1991).
[8] Điều 6 Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (Luật số 41/2005/QH11)
[9]    Sornarajah M., ‘The International Law on Foreign Investment’, tlđd, tr. 361-367.
[10]  Như trên.
[11]  Như trên.
[12]  Như trên.
[13]  Dugan, C., Wallace, D., Rubins, N., and Sabahi, B., ‘Investor-State Arbitration’, Oxford University Press, (2008), tr. 493.
[14]  Đạo luật Hull được đặt tên theo tên của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Cordel Hull - người khởi xướng chiến dịch chống lại biện pháp truất hữu tài sản của các doanh nghiệp dầu khí Mỹ tại Mexico vào năm 1938.
[15]  Dugan, C., Wallace, D., Rubins, N., and Sabahi, B., ‘Investor-State Arbitration’, tlđd., tr. 494-495.
[16]  Như trên.
[17]  Như trên.
[18]  Học thuyết Calvo lấy tên nhà luật học Urugoay Carlos Calvo trong công trình nghiên cứu có tên là Derecho internacional teórico y práctico de Europa y América, Paris, 1868. Học thuyết Calvo nhấn mạnh tới chủ quyền tuyệt đối của quốc gia tiếp nhận đầu tư đối với tài sản của các nhà đầu tư trên lãnh thổ của quốc gia. Calvo giải thích học thuyết này là cần thiết nhằm ngăn chặn sự lạm dụng thẩm quyền giải quyết tranh chấp tại các nước yếu hơn bởi các cường quốc.
[19]  Cremades, B. ‘Resurgence of the Calvo Doctrine in Latin America’, Business Law International, Vol. 7, No. 1, (2006) , tr. 54.
[20] Newcombe, A. and Paradell, L., ‘Law and Practice of Investment Treaties’, Kluwer Law International, 2009, tr. 13
[21]  Như trên.
[22]  Robinson, D., ‘Expropriation in the Restatement (Revised)’, (1984) 78 American Journal of International Law Vol. 78 Issue 170 (1984)tr. 178; cũng xem Sornarjah M., ‘The International Law on Foreign Investment’, tlđd, tr. 392-393.
[23] Điều 13, Hiến chương Châu Âu về Năng lượng (European Energy Charter Treaty) (1994) (http://www.dipublico.com.ar/english/treaties/european-energy-charter-treaty); truy cập 17/03/2013.
[24]  Điều 14, Hiệp định đầu tưtoàn diện củaASEAN (ACIA).  
[25]  Shaw, M., ‘International Law’, 6th Ed., Cambridge University Press, 2008, tr. 834.
[26]  Texaco-Libya Arbitration (Texaco), 17 ILM, (1978) tr. 3 và 29.
[27]  Kuwait v. The American Independent Oil Company (AMINOIL), 21 ILM 976 (1982) tr. 21.
[28]  Xem Judge Amelie’s dissenting opinion in INA Corporation v. The Islamic Republic of Iran 8 Iran-US CTR 407 ; [http://www.biicl.org/files/3943_ina_synopsis.pdf] truy cập 21/03/2013.
[29]  Lowenfeld, A. International Economic Law, Oxford University Press, (2002), tr. 397-403.
[30]  Judge Mosk’s view in American International Group, Inc. and American Life Insurance Company, v. Islamic Republic of Iran and Central Insurance of Iran (Bimeh Markazi Iran)(Case No. 2) 4 Iran-US CTR 117-8.
[31]  Sornarajah M., ‘The International Law on Foreign Investment”, tlđd., tr. 362; UNCTAD, Expropriation, UNCTAD Series on Issues in International InvestmentAgreements II, (2012), tr. 111-116.
[32]  Shaw, M., International Law, 6th Edition, Cambridge University Press, (2008), tr. 837.
[33]  UNCTAD, Expropriation, UNCTAD Series on Issues in International InvestmentAgreements II, (2012), tr. 44.
[34]    Amco Asia Corporation and others vs. Republic of Indonesia (ICSID Case No. ARB/81/1) .
[35]  Như trên.
[36]  Folsom, R., Gordon, M. and Spanogle, J. International Business Transactions, 2nd Edition, West Group (2001),) tr. 1059.
[37]  American International Group, Inc. and American Life Insurance Company vs. Islamic Republic of Iran (Bimeh Markazi Iran)(Case No. 2) 4 Iran-US CTR 117-8.
[38]  Như trên .
[39]  Như trên.
[40]  Như trên.
[41]  Như trên.
[42]  Sornarajah M., ‘The International Law on Foreign Investment”, tlđd, tr. 449-450.