Bảo đảm quyền con người của bị cáo trong hoạt động tranh luận tại phiên tòa xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự

01/04/2015

1. Khái quát về bảo đảm quyền con người của bị cáo trong hoạt động tranh luận tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự của Tòa án nhân dân  
1. Quyền con người là những giá trị, chuẩn mực tuyệt đối, có tính khách quan gắn bó với nhau trong mối tương quan biện chứng, vừa mang tính phổ biến nhưng cũng có tính đặc thù, tính lịch sử - xã hội được thể hiện trong các lĩnh vực chính trị, dân sự và kinh tế, văn hóa, xã hội được ghi nhận và bảo vệ bởi luật quốc gia và luật quốc tế. Bảo đảm quyền con người là trách nhiệm của các quốc gia. Hiến pháp Việt Nam năm 2013 khẳng định các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật.
Bị cáo tham gia tố tụng hình sự (TTHS), kể từ khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử đến khi bản án hoặc quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật và bản án đó phải được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục luật định, bị cáo không đồng nghĩa với khái niệm chủ thể của tội phạm mà mới chỉ bị tình nghi là người đã thực hiện hành vi phạm tội. Với tư cách là cá nhân, công dân, quyền con người của bị cáo bao gồm những giá trị, những lợi ích về vật chất và tinh thần được pháp luật ghi nhận và bảo đảm thực hiện phù hợp với các chuẩn mực pháp lý quốc tế và tiến bộ xã hội.
Tham gia vào quan hệ pháp luật TTHS, pháp luật quy định bị cáo có các quyền như quyền và nghĩa vụ cơ bản, được thể hiện trước hết trong Hiến pháp, Bộ luật Hình sự (BLHS), Bộ luật Tố tụng hình sự (THHS), Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (TAND), Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân và các văn bản pháp luật khác. Ngoài các quy định pháp luật trao quyền, để bảo đảm quyền con người của bị cáo, pháp luật quy định về các nguyên tắc trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, đặc biệt là nguyên tắc tổ chức và hoạt động của các cơ quan điều tra, công tố và xét xử. Trong mỗi hệ thống cơ quan này, pháp luật có những quy định riêng, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan. Đối với hệ thống cơ quan xét xử có các nguyên tắc như nguyên tắc xét xử độc lập chỉ tuân theo pháp luật, xét xử kịp thời, công khai, công bằng; suy đoán vô tội, nguyên tắc hai cấp xét xử… Đồng thời, để bảo đảm quyền con người của bị cáo, pháp luật quy định về trách nhiệm của các chủ thể tiến hành và chủ thể tham gia tố tụng. Đó là trách nhiệm, nghĩa vụ của điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, hội thẩm nhân dân, người bảo chữa, người phiên dịch, người giám định, người làm chứng…  
2. Khi bị cáo tham gia vào quan hệ pháp luật TTHS thì xuất hiện nhu cầu cần phải bảo vệ các quyền con người của bị cáo từ hai phía cả Nhà nước và bị cáo. Bởi vì, xét về bản chất, phương pháp điều chỉnh của ngành luật TTHS là phương pháp quyền uy để tác động lên mối quan hệ giữa cơ quan tố tụng, người tiến hành tố tụng với người tham gia tố tụng (ở đây là bị cáo - người đã bị tòa án quyết định đưa vụ án ra xét xử). Trong quan hệ này không có sự thỏa thuận hay thương lượng giữa Nhà nước và bị cáo mà sự bất bình đẳng luôn luôn thuộc về bị cáo. Bị cáo phải phục tùng các quyết định của Nhà nước. Nói cách khác, vì yêu cầu của nhiệm vụ đấu tranh, phòng chống tội phạm, bảo đảm trật tự xã hội, Nhà nước phải sử dụng các biện pháp đối với bị cáo nhằm hạn chế một số quyền của họ. Hơn thế, bị cáo luôn đối mặt với quyền lực nhà nước, thể hiện qua đội ngũ làm nhiệm vụ tố tụng được đào tạo bài bản, có chuyên môn sâu, giàu về kinh nghiệm và am hiểu về pháp luật. Bị cáo luôn ở thế yếu. Trong trường hợp này, các quyền con người của họ có “nguy cơ” bị xâm phạm nếu không có các biện pháp bảo đảm chúng. Mặt khác, trong nhà nước pháp quyền, pháp luật là tối thượng, các quyền con người của bất kỳ cá nhân nào không chỉ được ghi nhận mà còn phải được bảo đảm thực hiện.  
Quan niệm chung được thừa nhận hiện nay, bảo đảm được hiểu là “là làm cho chắc chắn, thực hiện được, giữ gìn được hoặc có đầy đủ những gì cần thiết"[1]. Ý kiến khác cho rằng “bảo đảm quyền con người là hoạt động của Nhà nước, các cơ quan, cá nhân, tổ chức cá nhân trong việc xây dựng và thực hiện pháp luật… nhằm thiết lập, triển khai đầy đủ các quyền trên cơ sở những đảm bảo chung về quyền con người[2]. Từ quan niệm chung trên đây, có thể hiểu bảo đảm quyền của bị cáo trong hoạt động tranh luận tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự của TAND là việc Hội đồng xét xử và các chủ thể khác tôn trọng, bảo vệ và tổ chức thực hiện các quyền con người của bị cáo theo đúng trình tự, thủ tục luật định.
Như đã phân tích ở trên đây, bảo đảm quyền con người của bị cáo trong hoạt động tố tụng nói chung và trong hoạt động xét xử sơ thẩm vụ án hình sự nói riêng luôn được đặt ra như một yêu cầu và nhiệm vụ cấp thiết. Trong nhà nước pháp quyền, tòa án là hiện thân của công lý, có nhiệm vụ bảo vệ quyền con người, thực hiện quyền tư pháp. Ở giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự có nhiều hoạt động, chúng liên hệ chặt chẽ với nhau, mỗi hoạt động giải quyết một nhiệm vụ trong tố tụng theo luật định. Tranh luận tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự được coi là một giai đoạn rất quan trọng thể hiện vai trò độc lập, khách quan của tòa án trên con đường đi tìm chân lý; đồng thời qua đây bị cáo được sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền con người của mình một cách công khai, dân chủ trước sự chứng kiến của các bên buộc tội, bên gỡ tội, những người tham gia tố tụng khác và cả xã hội trên cơ sở có đầy đủ các chứng cứ, tài liệu liên quan đến vụ án.  Có thể khẳng định các hoạt động được tiến hành trong tranh luận tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự có vai trò đặc biệt quan trọng đối với toàn bộ quá trình giải quyết vụ án. Nhận thấy được tầm quan trọng của việc tranh luận tại phiên tòa, Đảng ta đã có nhiều quan điểm, chủ trương nhằm nâng cao chất lượng xét xử vụ án nói chung và xét xử sơ thẩm vụ án hình sự nói riêng. Qua đó, các quyền con người, quyền công dân của bị cáo được bảo đảm[3]
3. Về nội dung, bảo đảm quyền con người của bị cáo trong hoạt động tranh luận tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự là việc các chủ thể gồm thẩm phán - chủ tọa phiên tòa, các thành viên của hội đồng xét xử và các chủ thể khác như kiểm sát viên, người bào chữa, người làm chứng, người phiên dịch (trong đó thẩm phán - chủ tọa phiên tòa, các thành viên của hội đồng xét xử có vai trò quyết định) phải tôn trọng, thừa nhận các quyền con người của bị cáo được ghi nhận trong pháp luật; đồng thời có các biện pháp bảo vệ trách sự xâm phạm và tổ chức thực hiện các quy định pháp luật về quyền con người của bị cáo thông qua hoạt động tranh luận công khai tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự. Theo đó, hội đồng xét xử phải giữ vai trò trọng tài, bảo đảm tranh luận giữa các bên buộc tội và bên gỡ tội thật khách quan, công khai, dân chủ; giữ vị trí trung lập, tuyệt đối không thiên vị cho bên nào.
Bắt đầu tranh luận, kiểm sát viên trình bày lời luận tội, đề nghị kết tội bị cáo theo toàn bộ hay một phần nội dung cáo trạng hoặc kết luận về tội nhẹ hơn; nếu thấy không có căn cứ để kết tội thì rút toàn bộ quyết định truy tố và đề nghị hội đồng xét xử tuyên bố bị cáo không có tội. Luận tội của kiểm sát viên phải căn cứ vào những tài liệu, chứng cứ đã được kiểm tra tại phiên toà và ý kiến của bị cáo, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự và những người tham gia tố tụng khác tại phiên toà. Sau phần luận tội của kiểm sát viên đối với bị cáo, chủ tọa phiên tòa hướng dẫn bị cáo trình bày lời bào chữa, hoặc người bào chữa cho bị cáo trình bày quan điểm và bị cáo có thể bổ sung ý kiến. Người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc người đại diện hợp pháp của họ được trình bày ý kiến để bảo vệ quyền và lợi ích của mình; nếu có người bảo vệ quyền lợi cho họ thì người này có quyền trình bày, bổ sung ý kiến.
Để bảo đảm quyền của bị cáo, một mặt, chủ tọa phiên tòa tạo điều kiện cho bị cáo và những người có tụng có liên quan trình bày ý kiến, quan điểm về luận tội của kiểm sát viên và đưa ra đề nghị của mình. Mặt khác, tòa án không thiên vị cho kiểm sát viên mà yêu cầu họ trả lời, hoặc đưa ra những luận cứ cho quan điểm của mình công khai tại phiên tòa, đề nghị kiểm sát viên phải đáp lại những ý kiến có liên quan đến vụ án của người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác mà những ý kiến đó chưa được kiểm sát viên tranh luận. Chủ toạ phiên toà không được hạn chế thời gian tranh luận, tạo điều kiện cho những người tham gia tranh luận trình bày hết ý kiến, nhưng có quyền cắt những ý kiến không có liên quan đến vụ án. Luật quy định, nếu qua tranh luận mà thấy cần xem xét thêm chứng cứ thì hội đồng xét xử có thể quyết định trở lại việc xét hỏi. Xét hỏi xong phải tiếp tục tranh luận. Chủ tọa phiên tòa chỉ được phép tuyên bố kết thúc tranh luận khi những người tham gia tranh luận không trình bày gì thêm. Bị cáo được quyền nói lời sau cùng. Không được đặt câu hỏi khi bị cáo nói lời sau cùng. Nếu trong lời nói sau cùng, bị cáo trình bày thêm tình tiết mới có ý nghĩa quan trọng đối với vụ án, thì hội đồng xét xử phải quyết định trở lại việc xét hỏi.
Ngoài việc quy định và bảo đảm thực hiện các nguyên tắc trong TTHS, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của hệ thống tòa án, các quy định về trình tự, thủ tục xét xử sơ thẩm vụ án hình sự cũng không thể không tính đến các yếu tố tác động đến hoạt động này. Đó là mối quan hệ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng như cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án. Các quy định về xác định mối quan hệ giữa các cơ quan này một mặt tạo ra cơ chế hoạt động hiệu quả trong việc bảo đảm quyền con người của bị cáo; mặt khác tạo ra cơ chế kiểm soát hoạt động xét xử của tòa án, nhằm tránh vi phạm trong việc áp dụng pháp luật của thẩm phán và hội thẩm, góp phần bảo vệ quyền con người của bị cáo. Các yếu tố khác như bảo đảm sự tham gia của các cơ quan bổ trợ tư pháp; sự giám sát của nhân dân, cơ quan báo chí và truyền thông đối với hoạt động xét xử của tòa án; các điều kiện, phương tiện vật chất, kỹ thuật sẽ là những yếu tố tác động đến việc bảo đảm quyền con người trong hoạt động xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự của TAND.
2. Thực trạng bảo đảm quyền con người của bị cáo trong hoạt động tranh luận tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự của Tòa án nhân dân
Nhìn chung, thời gian qua, trong các phiên tòa xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự, chủ tọa phiên toà đã điều hành tốt quá trình tranh luận theo đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định. Hội đồng xét xử đã xem xét khách quan, toàn diện toàn bộ các chứng cứ, lập luận qua phần tranh luận công khai giữa các bên tham gia tố tụng tại phiên tòa hình sự. Do đó, phần lớn các bản án hình sự đã tuyên đều đảm bảo chất lượng, bảo đảm tính khách quan, công bằng, bảo đảm các quyền con người của bị cáo. Điều này thể hiện qua việc hội đồng xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự của TAND cấp tỉnh đã tôn trọng ý kiến của bên buộc tội và bên gỡ tội, tôn trọng quyền của bị cáo, chú ý theo dõi, ghi chép ý kiến tranh luận giữa các bên về những vấn đề cần phải giải quyết trong vụ án. Hội đồng xét xử thể hiện được vị trí, vai trò trung tâm trong hoạt động tranh luận tại phiên tòa, không có những biểu hiện hạn chế thời gian tranh luận, hay định hướng việc tranh luận giữa các bên theo đề cương xét xử đã chuẩn bị trước. Nguyên tắc tôn trọng sự thật khách quan đã được coi trọng, tranh luận đã tập trung vào những vấn đề mấu chốt của vụ án nhưng chưa rõ, không giới hạn thời gian tranh tụng, không cắt ngang lời tranh luận của các bên; hướng các bên tập trung vào những nội dung chính, không kéo dài thời gian tranh luận tại phiên tòa khi không cần thiết.
Tại phiên tòa xét xử các vụ án hình sự sơ thẩm, kiểm sát viên là người nhân danh quyền lực nhà nước thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động xét xử đa phần đều “có thái độ nghiêm túc, cầu thị, sẵn sàng tiếp thu các quan điểm, luận cứ và luận chứng của người tranh luận đối lập khi thấy có lý, hợp pháp; ví dụ như tiếp thu các tình tiết giảm nhẹ mới và đề nghị hội đồng xét xử công nhận, bổ sung khi đánh giá trách nhiệm hình sự với bị cáo. Tình trạngáp đặt, chụp mũ một cách khiên cưỡng, không có cơ sở, không thuyết phục; thái độ và ngôn từ tranh luận gay gắt, đao to búa lớn của kiểm sát phiên tại phiên tòa xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự đã được khắc phục; thay vào đó, các kiểm sát viên đã xây dựng cho mình phong cách ứng xử khi tranh luận phù hợp với chuẩn mực của ngành và đúng quy định của pháp luật” [4].
Đội ngũ luật sư đã phát huy tích cực vai trò của mình khi đưa ra được các chứng cứ, nhiều tình tiết mới của vụ án góp phần gỡ tội cho bị cáo và được hội đồng xét xử chấp thuận. Sự có mặt của luật sư đã góp phần to lớn trong việc nâng cao chất lượng tranh tụng và giữ vai trò không thể thiếu trong việc bảo vệ quyền con người của bị cáo tại các phiên tòa xét xử vụ sơ thẩm vụ án hình sự.
Bên cạnh những kết quả đạt được trên đây, hoạt động tranh tụng tại phiên tòa xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự còn tồn tại những bất cập:
Tại một số phiên tòa, hội đồng xét xử chưa thực tốt việc giám sát hoạt động tranh luận. Chẳng hạn, kiểm sát viên chưa tích cực trong trình bày, đối đáp, trả lời ý kiến của người bào chữa, bị cáo và những chủ thể khác. Tâm lý “trọng chứng hơn trọng cung” vẫn còn tồn tại ở một số thẩm phán, hội thẩm nên chủ tọa phiên tòa chưa thực sự chú ý đến những tình tiết, chứng cứ mới của vụ án được thể hiện qua phần tranh luận. Vì vậy, những lời khai tại phiên toà, các tình tiết quan trọng và chứng cứ gỡ tội mà người bào chữa đưa ra thường ít được hội đồng xét xử quan tâm xem xét, chấp nhận và không được đề cập đến trong bản án. Một số thẩm phán và hội thẩm không chú ý, ghi chép lời tranh luận giữa các bên, thậm chí có đặt những câu hỏi xen ngang ý kiến của luật sư đang phát biểu, hoặc chưa chú ý đến một số tình tiết quan trọng, những chứng cứ mới, chưa tạo điều kiện cho luật sư và người bào chữa của họ tranh luận lại những ý kiến, quan điểm về những nội dung, tình tiết chưa thực sự sáng tỏ. Mặc dù luật quy định, khi xét xử thẩm phán và hội thẩm ngang quyền và họ độc lập tuân theo pháp luật, nhưng một số thẩm phán, hội thẩm có tâm lý trông chờ vào vai trò của chủ tọa phiên tòa, không tích cực quan sát, lắng nghe việc tranh luận giữa bên buộc tội và bên gỡ tội
Vai trò của kiểm sát viên trong hoạt động tranh luận tại một số phiên tòa xét xử các vụ án hình sự chưa thực sự tích cực. Một số kiểm sát viên được phân công nhiệm vụ thực hành quyền công tố tại phiên tòa xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự chưa đầu tư thời gian nghiên cứu hồ sơ vụ án; do vậy, khi ra tranh luận chưa tích cực trong việc phát hiện, tìm ra những mâu thuẫn trong các chứng cứ buộc tội và gỡ tội, trong khi đó quá chú trọng đến bản cáo trạng đã chuẩn bị sẵn nên chưa tạo ra không khí khách quan, dân chủ khi tranh luận. Chính vì thế, bị cáo không có nhiều cơ hội để đối đáp, bảo vệ quyền của mình. Một số kiểm sát viên vì chưa chuẩn bị tốt việc tranh luận, không dự đoán được một số tình huống nên khi bị cáo và người bào chữa có những chứng cứ mới thì kiểm sát viên trở nên bị động và lúng túng, né tránh những vấn đề mà bên gỡ tội nêu ra trái với quan điểm của kiểm sát viên, hoặc trả lời không đi thẳng vào trọng tâm của vấn đề đang tranh luận. Do đó, không thuyết phục được hội đồng xét xử cũng như không bảo đảm cho quyền lợi của bị cáo. Kỹ năng tranh tụng của một số kiểm sát viên tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự cũng chưa được đáp ứng tốt. Trong 3 năm (2011-21013), toàn quốc có 42 bị cáo bị tòa án cấp sơ thẩm tuyên bố không phạm tội, trong đó ở cấp tỉnh có 16 bị cáo. Tình trạng này xảy ra tại 12 đơn vị cấp tỉnh (Viện kiểm sát TP. Hồ Chí Minh, Hậu Giang, Cà Mau, Đồng Nai, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Quảng Ninh, Tây Ninh, Bạc Liêu, Hà Nội, Quảng Trị, Ninh Bình). Số bị cáo bị toà án tuyên không phạm tội nói trên là do kiểm sát viên vi phạm trong việc truy tố bị cáo; không tìm ra những điểm thiếu căn cứ trong quyết định truy tố để kịp thời xử lý, mà vẫn tiếp tục bảo vệ quan điểm truy tố, trong khi luật sư bào chữa và bị cáo đưa ra những chứng cứ thuyết phục hơn nên hội đồng xét xử đã bác bỏ quan điểm truy tố, tuyên bố bị cáo không phạm tội[5].
Quyền bào chữa của bị cáo là phương tiện, công cụ để bị cáo bảo vệ quyền của mình. Tuy nhiên, trong nhiều phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự “Chủ tọa phiên tòa và thậm chí cả hội thẩm cắt ngang lời luật sư khi luật sư đang trình bày đúng trọng tâm vụ án vẫn thường xảy ra; nội dung tranh tụng của luật sư không được ghi nhận trong bản án. Thực tế cho thấy, rất ít bản án có ghi ý kiến tranh luận của luật sư”[6]. Vì chưa coi trọng vai trò bào chữa của luật sư nên hoạt động tranh tụng tại nhiều phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án hình sự chưa thực sự chuyển biến về chất theo chủ trương cải cách tư pháp gần đây. Pháp luật đã trao cho bị cáo quyền chủ động, tích cực tham gia phiên tòa, sử dụng pháp luật về bảo vệ quyền lợi cho mình nhưng trong một số vụ án, “vẫn còn tình trạng mớm cung, bức cung, không chú ý lắng nghe ý kiến của luật sư, tiếng kêu oan của những người vô tội[7]. Việc phải tranh luận, phải đối đáp lại giữa hai bên kiểm sát viên và người bào chữa chưa dân chủ, bên buộc tội chưa tích cực khi trả lời những câu hỏi của các bên khác. Nguyên tắc suy đoán vô tội chưa được vận dụng triệt để, quyền bào chữa của bị cáo chưa được coi trọng, bên buộc tội và bên gỡ tội chưa thực sự bình đẳng trong việc đưa ra các chứng cứ, tài liệu hay viện dẫn các quy định pháp luật để hội đồng xét xử làm căn cứ ra phán quyết.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những bất cập trong hoạt động tranh luận tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự, nhưng cơ bản nhất là do trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của một số thẩm phán, hội thẩm chưa đáp được những yêu cầu, nhiệm vụ của hoạt động xét xử nói chung và hoạt động tranh luận tại phiên tòa nói riêng. Một số thẩm phán, hội thẩm nhận thức chưa thay đổi, vẫn còn định kiến với bị cáo; đồng thời trách nhiệm của kiểm sát viên, luật sư đối với hoạt động tranh luận để bảo đảm quyền con người của bị cáo chưa cao. Một nguyên nhân quan trọng khác là trong pháp luật TTHS đang tồn tại những quy định mâu thuẫn; do đó, hoạt động tranh tụng tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự chưa thực sự được coi trọng. Điều này cũng có nghĩa là chúng không được vận dụng theo tinh thần cải cách tư pháp khi đề cao nguyên tắc tranh tụng trong xét xử. Cụ thể, quy định tại Điều 221 của Bộ luật TTHS hiện hành (khi viện kiểm sát rút một phần hay toàn bộ quyết định truy tố nhưng tòa án vẫn tiến hành xét xử theo thủ tục chung) hoàn toàn mâu thuẫn với nhiều quy định của trong Bộ luật này và trái với Hiến pháp (trái với nguyên tắc xem xét sự thật khách quan, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án tại phiên tòa, nguyên tắc suy đoán vô tội, nguyên tắc xét xử công bằng) hoàn toàn gây bất lợi cho bị cáo, không bảo đảm quyền con người của bị cáo. Mặt khác, Điều 221 đưa đến những cách hiểu khác nhau, chưa rõ ràng về chức năng của tòa án và viện kiểm sát: tòa án thực hiện cả chức năng buộc tội thay viện kiểm sát trong khi chức năng của hai cơ quan này đã được phân định rõ trong Hiến pháp năm 2013: tòa án là cơ quan duy nhất có chức năng xét xử.
3. Một số kiến nghị tiếp tục bảo đảm quyền con người của bị cáo trong hoạt động tranh luận tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự của Tòa án nhân dân
Tiếp tục bảo đảm quyền con người của bị cáo trong xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự của TAND, trong thời gian tới, cần tiến hành đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt các nguyên tắc bảo đảm quyền con người của bị cáo trong TTHS được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013 khi tiến hành hoạt động tranh tụng tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự. Đó là nguyên tắc suy đoán vô tội; độc lập xét xử và chỉ tuân theo pháp luật; xét xử kịp thời trong thời hạn luật định, công bằng, công khai, nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của thẩm phán, hội thẩm…
Thứ hai, để bảo đảm quyền con người của bị cáo trong hoạt động tranh tụng tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự, cần tiếp tục hoàn thiện Dự thảo sửa đổi bổ sung Bộ luật TTHS năm 2003[8]. Theo tinh thần của Điều 31 về suy toán vô tội được quy định tại Hiến pháp năm 2013 thì cần sửa đổi Điều 179 Bộ luật TTHS hiện hành về việc tòa án trả hồ sơ cho viện kiểm sát điều tra bổ sung khi thấy hồ sơ vụ án thiếu những chứng cứ gỡ tội cho bị cáo (chỉ sửa theo hướng có lợi cho bị cáo). Đặc biệt, để đạt được mục đích của hoạt động tranh luận tại phiên tòa, theo nguyên tắc xét xử công khai, mọi chứng cứ, tài liệu liên quan đến vụ án phải được xem xét tại phiên tòa cần, sửa Điều 195, Điều 221 Bộ luật TTHS hiện hành theo hướng khi viện kiểm sát rút một phần quyết định truy tố thì hội đồng xét xử chỉ xem xét với những nội dung còn lại, nếu viện kiểm sát kết luận tội nhẹ hơn thì bị cáo phải được xét xử theo tội danh đó. Nếu viện kiểm sát rút toàn bộ quyết định truy tố thì hội đồng xét xử tuyên bị cáo vô tội[9]. Nên sửa Điều 196 Bộ luật TTHS năm 2003 theo hướng “tòa án chỉ xét xử những bị cáo và những hành vi mà viện kiểm sát truy tố và tòa án đã quyết định đưa ra xét xử”[10].Dự thảo đã bổ sung thêm một điều luật mới (Điều 313 - Bào chữa) để phát huy hiệu quả của hoạt động tranh luận, bảo đảm quyền bào chữa cho bị cáo, phù hợp với quy định của Hiến pháp; tuy nhiên, cần phải tiến hành đánh giá, rà soát những quy định mâu thuẫn, hoặc bổ sung những quy định mới trong các luật có liên quan như Luật Luật sư, Luật Trợ giúp pháp lý…
Thứ ba, để bảo đảm quyền con người của bị cáo trong xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự các giải pháp khác cần được tiến hành đồng bộ là không ngừng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ cho thẩm phán, hội thẩm, đội ngũ kiểm sát viên và luật sư. Đó là các lớp đào tạo trung hạn, ngắn hạn, tập huấn theo các chuyên đề về đường lối xét xử cho thẩm phán, hội thẩm, kỹ năng tranh tụng, đối đáp của kiểm sát viên, kỹ năng bào chữa của luật sư.
Thứ tư, hoàn thiện pháp luật, xây dựng Quy chế phối hợp hoạt động giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, tăng cường hoạt động giám sát của nhân dân, của các tổ chức xã hội, đoàn thể quần chúng nhân dân đối với hoạt động xét xử của tòa án; đồng thời, phát huy vai trò của các cơ quan báo chí và cơ quan truyền thông, ngôn luận trong việc góp phần tích cực về hoạt động cung cấp thông tin liên quan đến bảo đảm quyền con người của bị cáo trong xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự./.
 

* ThS. Chánh án TAND TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.  
[1] Từ điển tiếng Việt (1998), Nxb. Văn hóa Thông tin, H., tr. 175.
[2] Xem Lê Minh Thắng (2012), Bảo đảm quyền của người chưa thành niên trong TTHS ở Việt Nam, luận án Tiến sĩ luật, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, H., tr. 48.
[3] Các nghị quyết của của Đảng đều đặt ra mục tiêu nâng cao chất lượng tranh luận tại phiên tòa: Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp trong thời gian tới; Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; gần đây Nghị quyết số 37/NQ-QH13 ngày 23/11/2012 yêu cầu: “…TAND tối cao chỉ đạo các tòa án tiếp tục đẩy mạnh việc tranh tụng tại phiên tòa”.
 
[4] Lê Hữu Thể (2014),  Chuyên đề Tranh tụng và những giải pháp nâng cao chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên trong xét xử hình sự đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, Nguồn: http://www.vksndtc.gov.vn/khac-306, truy cập ngày 19/12/2014
 
[5] Lê Hữu Thể (2014),  Chuyên đề Tranh tụng và những giải pháp nâng cao chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên trong xét xử hình sự đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, Nguồn: http://www.vksndtc.gov.vn/khac-306, truy cập ngày 19/12/2014.
[7] Trần Ngọc Đường (2014), Những điểm mới trong Hiến pháp năm 2013 về cải cách tư pháp trong sách: Bình luận khoa học Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2013, Nxb. Lao động, H., tr. 488.
[8] Xem Dự thảo www.vksndtc.gov.vn/tintuc/up/FCKEditor.../File/0duthaohoanthien.DOC
[9] Xem Điều 317 Dự thảo Bộ luật TTHS tháng 10/2014,www.vksndtc.gov.vn/tintuc/up/FCKEditor...
/File/0duthaohoanthien.DOC
[10] Theo phương án 2 của Điều 291: Giới hạn của việc xét xử (sửa đổi, bổ sung) của Dự thảo Bộ luật TTHS, nguồn: như trên.