Nghĩa vụ chứng minh trong tố tụng

01/04/2015

1. Quan niệm chung về nghĩa vụ chứng minh
Chứng minh trong tố tụng là một quá trình gồm thu thập, cung cấp, sử dụng chứng cứ nhằm làm sáng tỏ cơ sở pháp lý cũng như cơ sở thực tế các yêu cầu của các bên trong vụ án. Mỗi một chủ thể tham gia vào quá trình này có những quyền và nghĩa vụ riêng biệt, tùy thuộc vào vị trí tố tụng của họ. Khái niệm nghĩa vụ chứng minh (mà người ta thường gọi là Onus probandi theo tiếng La tinh, Beweislast theo tiếng Đức, Burden of proof theo tiếng Anh, hay La charge de la preuve theo tiếng Pháp) được hình hành nhằm xác định bổn phận phải gánh vác của một chủ thể trong việc chứng tỏ hoặc phản bác một vấn đề trong vụ án. Thông thường, nói đến nghĩa vụ chứng minh, người ta nói đến nghĩa vụ chứng minh nội dung và nghĩa vụ chứng minh hình thức.
1.1. Nghĩa vụ chứng minh nội dung
Nghĩa vụ chứng minh nội dung còn gọi là nghĩa vụ thuyết phục, nghĩa vụ khẳng định, nghĩa vụ nội dung, nghĩa vụ theo luật, nghĩa vụ khách quan ... Đây là nghĩa vụ được ấn định dứt khoát cho bên có cáo buộc (nguyên đơn, người phản tố, người công tố) và không thể chuyển cho bên kia. Chủ thể mang nghĩa vụ chứng minh nội dung sẽ thua kiện nếu anh ta không thực hiện được việc chứng minh của mình. Việc chứng minh, trong trường hợp này là ngoài việc xuất trình các chứng cứ cần thiết để khẳng định sự thật, người đặt ra yêu cầu (giả thuyết phải chứng minh) còn phải lập luận viện dẫn các cơ sở thực tiễn, logic và pháp lý cho các yêu cầu đó. Cũng chính vì vậy, người ta gọi đây là nghĩa vụ thuyết phục (quan tòa). Trong thực tiễn và học thuật, "nghĩa vụ chứng minh nội dung" (burden of persuasion) khi được dùng tương đương "nghĩa vụ chứng minh" (burden of proof).
Ngay từ thời La Mã cổ đại, một cáo buộc được đệ trình lên tòa cũng có nghĩa là bên cáo buộc đã đặt phía bên kia vào một trạng thái bất lợi và cũng đồng thời tự đặt mình vào một nghi vấn về một sự lạm dụng quyền đi kiện. Bởi vậy, người đi kiện có bổn phận chứng minh (onus probandi actori incumbit) cho giả thuyết của mình đã đưa ra là có cơ sở và không có một sự lạm dụng nào được thực hiện. Mở rộng ra, nguyên tắc onus probandi actori incumbit còn được áp dụng đối với cả những phản tố của các đương sự khác không phải là nguyên cáo, khi đó, nó được hiểu là "nghĩa vụ chứng minh thuộc về người khẳng định, chứ không phải là bên từ chối" (ei incumbit probatio, qui dicit, non qui negat )[1]. Sự từ chối ở đây được hiểu là bên bị không thừa nhận cáo buộc của bên nguyên. Anh ta sẽ xuất trình chứng cứ cho sự từ chối hay bác bỏ này theo yêu cầu của tòa án nhưng việc chứng minh cho sự không đúng sự thật của cáo buộc chỉ là quyền chứ không phải là nghĩa vụ của anh ta. Trường hợp bên nguyên không thuyết phục được tòa án về tính có căn cứ của cáo buộc, cáo buộc sẽ bị bác bỏ và việc phản đối hay từ chối cáo buộc không cần thiết phải chứng minh.
Trong các vụ án hình sự, nghĩa vụ chứng minh được đặt lên vai cơ quan công tố, cơ quan này phải làm sáng tỏ trước khi quan tòa ra phán quyết, rằng bị cáo đã thực hiện một tội phạm và tính chất nguy hiểm cũng như hậu quả của hành vi của anh ta tương xứng với những hình phạt nhất định.
Trong các vụ án dân sự, nguyên đơn thường phải gánh chịu nghĩa vụ chứng minh để khẳng định các yêu cầu của mình là có cơ sở, có thật và hợp pháp. Bị đơn chỉ có nghĩa vụ chứng minh khi anh ta đặt ra một yêu cầu phản tố, độc lập với yêu cầu của nguyên đơn. Tuy vậy, trong mô hình tố tụng thẩm vấn, nguyên đơn dân sự cũng chỉ phải chứng minh mình bị tranh chấp, xâm hại, việc quyết định đúng sai và trách nhiệm dân sự tương ứng phụ thuộc vào việc xác minh sự thật vụ án của tòa án.
Trong các vụ án hành chính, ở đa số các nước theo truyền thống luật dân sự áp dụng nguyên tắc điều tra sự thật của các cơ quan nhà nước và tòa án. Khi đó, việc xác định nghĩa vụ chứng minh không có ý nghĩa bởi nghĩa vụ ra phán quyết của tòa án hoặc cơ quan giải quyết khiếu nại dựa trên kết quả điều tra của họ. Những cáo buộc của nguyên đơn chỉ làm phát sinh thủ tục và có ý nghĩa tham khảo. Họ chỉ có nghĩa vụ chứng minh rằng mình bị thiệt hại, bị xâm phạm, còn quyết định hành chính, hành vi hành chính có quan hệ nhân quả với thiệt hại hay không lại thuộc trách nhiệm xác minh của cơ quan giải quyết. Ở các nước theo hệ thống thông luật mà điển hình là Mỹ, thủ tục tranh tụng cũng được áp dụng trong tố tụng hành chính, nghĩa vụ chứng minh do người đi kiện gánh vác như trong tố tụng dân sự.
1.2. Nghĩa vụ chứng minh hình thức (burden of production)
Đây là nghĩa vụ xuất trình chứng cứ (burden of evidence production hoặc burden of production) và chỉ là một phần của nghĩa vụ chứng minh. Đây là nghĩa vụ chung của các bên đương sự, khi tham gia tố tụng phải có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ cho tòa án để làm cơ sở cho khẳng định hay bác bỏ một vấn đề. Những vấn đề này có thể liên quan đến yêu cầu hay cáo buộc chính, chẳng hạn con nợ có thể nại ra rằng tổng số nợ không như cáo buộc của nguyên đơn bằng cách đưa ra các chứng từ thanh toán, hoặc liên quan đến một chứng cứ như trong trường hợp một bên đề xuất giám định một chứng cứ. Về bản chất, nghĩa vụ xuất trình chứng cứ là một bảo đảm cung cấp công cụ cho nghĩa vụ chứng minh nội dung. Khác với nghĩa vụ chứng minh nội dung là nhằm vào sự thật vụ án và chỉ ràng buộc với bên đi kiện, nghĩa vụ xuất trình chứng cứ nhằm đến các công cụ pháp lý để phục vụ nghĩa vụ chứng minh nội dung và nó có thể chuyển dịch giữa các bên trong quá trình tố tụng. Việc giải phóng nghĩa vụ chứng minh nội dung chỉ diễn ra khi bên cáo buộc thuyết phục được tòa án, cơ quan giải quyết tranh chấp rằng việc chứng minh đã đáp ứng được các tiêu chí luật định và cáo buộc được thừa nhận là có thật. Trong khi đó, bằng việc xuất trình các chứng cứ theo yêu cầu của tòa án, các bên được giải phóng khỏi nghĩa vụ xuất trình chứng cứ.
Có thể thấy là, bên có nghĩa vụ chứng minh nội dung sẽ đương nhiên phải có nghĩa vụ xuất trình chứng cứ. Tuy vậy, phía bên kia không hề có nghĩa vụ chứng minh nội dung, anh ta vẫn có nghĩa vụ xuất trình chứng cứ. Trong một vụ kiện, khi một bên đã xuất trình đủ các chứng cứ cần thiết cho các cáo buộc của mình (còn gọi là chứng cứ cáo buộc, chứng cứ chính hay chứng cứ thuyết phục - persuasive evidence, Hauptbeweis), thì bên kia sẽ được đặt trong trạng thái phải chống đỡ. Một khi bên bị bác bỏ cáo buộc của bên nguyên, anh ta phải đưa ra các chứng cứ để bác bỏ nó - tức là nghĩa vụ xuất trình chứng cứ bảo vệ (hoặc chứng cứ bác bỏ - rebuttal, Gegenbeweis) đã được chuyển sang bên bị. Nếu anh ta không đưa ra được chứng cứ cần thiết, các chứng cứ do bên kia đưa ra sẽ được thừa nhận là xác thực (hay hiển nhiên đúng prima facie) cáo buộc của họ sẽ được chấp nhận. Điều này xuất phát từ nguyên tắc "một giả thuyết được coi là chân thực cho tới khi nó bị chứng minh là sai"[2]. Những hoài nghi có tính chất cá nhân của bên bị không thể coi là một sự phản chứng nếu anh ta không đưa ra được chứng cứ.
Theo thông lệ, bên nguyên chứng minh trước, sau khi hoàn tất việc chứng minh, nghĩa vụ chứng minh cho bên bị. Đến lượt mình, nếu bên bị lại phản bác và đã chứng minh cho những phản bác, nghĩa vụ xuất trình chứng cứ lại được chuyển lại cho nguyên đơn để anh ta thực hiện việc bảo vệ cho mình. Chứng minh tại tòa án là một quá trình gồm hàng loạt các việc "chuyển" như vậy cho đến khi không bên nào còn có thể bác bỏ hay đề xuất gì thêm. Quy trình "chuyển" này tương tự như thủ tục tranh luận tại phiên tòa trong tố tụng dân sự Việt Nam. Kết thúc việc "chuyển" đó, tòa án sẽ ra phán quyết về vụ án.
Chuyển nghĩa vụ chứng minh (shift the burden of proof) theo nghĩa như trên chỉ là chuyển nghĩa vụ xuất trình chứng cứ. Nó hoàn toàn khác với việc "đảo nghĩa vụ chứng minh" (reverse the burden of proof) đang được dùng phổ biến trong các quy định về trách nhiệm pháp lý liên quan đến sở hữu trí tuệ, thiệt hại môi trường, trách nhiệm sản phẩm và bảo vệ người tiêu dùng.
1.3. Đối tượng chứng minh và việc xác định sự thật vụ án
Từ thời La Mã, câu châm ngôn "hãy cho tôi sự thật rồi tôi - tòa án, sẽ cho anh công lý" đã được hình thành[3]. Điều đó hoàn toàn không có ý nghĩa là các đương sự phải xác minh hay tìm ra sự thật vụ án mà chỉ là chứng tỏ những gì mình phàn nàn hay cáo buộc là có thật. Bởi vậy, bản chất của hoạt động của các đương sự không phải là việc xác định sự thật mà việc thuyết phục một sự tin cậy của quan toà đối với các đòi hỏi, cáo buộc của mình bằng các chứng cứ, những lập luận kèm theo. Đối tượng của chứng minh, vì thế là những giả thuyết mà tự họ đặt ra trong đơn kiện hoặc yêu cầu phản tố.
Để chứng minh một giả thuyết trong hoạt động áp dụng pháp luật, người ta thường phải chứng minh các nội dung cụ thể sau:
-  Chủ thể cáo buộc là người có quyền;
-  Chủ thể cáo buộc bị thiệt hại hoặc tranh chấp về quyền;
-  Chủ thể bị cáo buộc đã thực hiện hành vi trái luật;
-  Tồn tại mối quan hệ nhân quả giữa hành vi của chủ thể bị cáo buộc với thiệt hại của chủ thể cáo buộc. Nói cách khác, thiệt hại của nguyên cáo là do bên bị gây ra.
Nhìn chung, bên nguyên sẽ phải chứng minh tất cả các nội dung trên để khẳng định mình thực sự bị vi phạm và gây thiệt hại do hành vi của phía bên kia. Tùy từng trường hợp và ở tùy từng nước, nghĩa vụ chứng minh này có thể sẽ được giảm nhẹ hoặc đảo ngược như là những ngoại lệ của nghĩa vụ chứng minh (chúng tôi sẽ trình bày trong phần sau).
Khác với các bên trong vụ án, tòa án là chủ thể trung lập, họ nhận định sự việc và đưa ra phán quyết cuối cùng về vụ án. Những đòi hỏi của pháp chế buộc tòa án phải có trách nhiệm đưa ra bản án phù hợp với thực tế khách quan và đúng pháp luật. Để bản án của mình phù hợp với thực tế khách quan, tòa án luôn bị đặt lên vai một nghĩa vụ là xác định sự thật hay theo cách gọi của khoản 1, Điều 197 Bộ luật Tố tụng dân sự Việt Nam 2004 là "xác định các tình tiết của vụ án". Tuy thế, cách thức xác định sự thật của tòa án như thế nào lại phát sinh nhiều quan điểm khác nhau mà lịch sử đã chứng kiến sự tồn tại của hai trường phái chính: Tố tụng tranh tụng và Tố tụng thẩm vấn (hay xét hỏi).
Những nước theo truyền thống thông luật thì cho rằng, sự nhận định của tòa án chỉ thuần túy dựa trên những gì mà đương sự, người truy tố chứng minh. Tòa án là một cơ quan thuần túy phân xử và độc lập với các bên cũng như những ràng buộc chính trị, do đó, tòa án sẽ nhận định và phán quyết cho bên nào chứng minh có lý hơn, đầy đủ hơn. Tòa sẽ xác định sự thật vụ án trên cơ sở của kết quả chứng minh. Đây là hệ thống tố tụng tranh tụng (Adversarial system).
Những nước theo truyền thống dân luật thì lại cho rằng, ngoài tư cách là một cơ quan độc lập, tòa vẫn còn nhiệm vụ bảo vệ trật tự pháp luật chung. Và do đó, khi các bên trong vụ kiện tuy đã chứng minh cho các yêu cầu kiện cáo của mình, tòa vẫn còn nguyên vẹn nghĩa vụ xác minh sự thật khách quan. Theo đó, tòa án sẽ phải điều tra, làm rõ những tình tiết của vụ án trước khi đưa ra phán quyết, những kết quả chứng minh của đương sự chỉ có ý nghĩa tham khảo. Đây là hệ thống tố tụng thẩm vấn (Inquisitorial system).
Mỗi một hệ thống đều có những ưu điểm và nhược điểm cố hữu của nó. Hơn nữa, cũng đã khá lâu, trên thế giới người ta không còn so sánh hệ thống tố tụng nào ưu việt hơn trong việc bảo vệ quyền của dân chúng cũng như bảo vệ trật tự pháp luật. Vấn đề đặt ra đối với giới học giả cũng như những người làm luật là tìm những ưu điểm của mỗi hệ thống tố tụng để kết hợp lại trong luật tố tụng của quốc gia mình. Hiện tại, đã có sự giao thoa của cả hai hệ thống tố tụng. Các đương sự, người đi kiện có bổn phận cung cấp chứng cứ và chứng minh cho yêu cầu, khẳng định hay những phản bác của mình, nguyên tắc tranh tụng được coi là chủ đạo trong tố tụng. Bên cạnh đó, nguyên tắc thẩm vấn cũng vẫn còn được áp dụng ở mức độ hạn chế[4]. Người ta đã tìm thấy trong tố tụng của các nước theo hệ thông luật có nhiều hơn các quy định về chứng cứ viết, các tài liệu giám định. Tòa án common law cũng đã tiến hành lấy lời khai nhân chứng mà không cần đến một đề nghị nào của các bên khi có mâu thuẫn hoặc tòa nhận định thấy chưa thể đủ căn cứ để phán quyết[5]. Vài thay đổi theo hướng đó cũng đã xuất hiện trong tố tụng của các nước theo hệ dân luật, không còn thấy hình ảnh của các quan tòa lắm lời mà thay vào đó là sự tranh luận miệng của các bên. Tự định đoạt và tranh tụng đã là một trong những nguyên tắc tố tụng cơ bản của người châu Âu lục địa và những câu chuyện liên quan đến nghĩa vụ điều tra của tòa án chỉ dành cho những vụ án đặc biệt như bảo vệ quyền trẻ em[6]. Ngoài ra, việc điều tra bổ sung của tòa án đã chỉ còn là những ngoại lệ được áp dụng với những điều kiện chặt chẽ[7].
Thực tế, việc phân định nghĩa vụ chứng minh giữa đương sự và tòa án không là một nội dung của một lý thuyết nào về nghĩa vụ chứng minh đã tồn tại trên thế giới. Người ta chỉ đặt vấn đề nghĩa vụ xác định sự thật vụ án giữa tòa án với đương sự. Tòa án không có nghĩa vụ chứng minh mà chỉ có nghĩa vụ xác định sự thật vụ án và ra phán quyết[8]. Ở đâu đó, trong những trường hợp nhất định, tòa án thực hiện việc thu thập chứng cứ nhằm làm rõ hơn sự thật trong nhận định của họ thì cũng không phải là hành vi chứng minh, đó chỉ được coi là ngoại lệ của nghĩa vụ xuất trình chứng cứ - một phần của nghĩa vụ chứng minh. Ngoại lệ này nhằm giúp đỡ đương sự gặp bất lợi trong việc tiếp cận các nguồn chứng cứ và hình thành nên hoạt động điều tra của cơ quan giải quyết khiếu nại, kiện cáo.
1.4. Đảo nghĩa vụ chứng minh
Đảo nghĩa vụ chứng minh (Beweislastumkehr[9] hay reverse the burden of proof) là một nguyên tắc lần đầu tiên được nhắc đến trong Điều 139, Luật Sáng chế của Đức năm 1891. Nguyên tắc này sau đó cũng được quy định trong Luật Sáng chế của các nước Ý, Tây Ban Nha và Bỉ. Gần đây nhất, nó được quy định trong một văn kiện rất quan trọng của WTO là tại Điều 34 Hiệp định TRIPS[10]. Đây không phải là việc chuyển nghĩa vụ chứng minh hình thức (hay nghĩa vụ xuất trình chứng cứ - burden of evidence production) trong một phiên tranh tụng mà là sự giảm bớt nghĩa vụ nội dung (burden of persuasion) cho nguyên đơn. Theo đó, trong thủ tục tố tụng dân sự, nếu đối tượng sáng chế là quy trình sản xuất một loại sản phẩm, cơ quan xét xử có quyền bắt buộc bị đơn chứng minh cho việc không gây thiệt hại và không vi phạm của mình, tức là quy trình sản xuất ra sản phẩm đó của mình khác với (không phải là) quy trình đã được cấp sáng chế.
Lý giải cho việc áp dụng nguyên tắc này trong luật sở hữu trí tuệ có nhiều cách khác nhau. Tuy nhiên, nhiều quan điểm cho rằng đó là kết quả của sự phân tích chi phí - lợi ích trong đánh giá tác động quy phạm[11], một dạng của phương pháp phân tích kinh tế - luật. Theo đó, khi nguyên đơn có quá ít cơ hội để chứng minh do những trở ngại được coi là do chính bị đơn tạo ra, chẳng hạn không thể biết được bị đơn đã sản xuất và bán các sản phẩm vi phạm sáng chế cho bao nhiêu người và thu được bao nhiêu tiền là việc quá sức của nguyên đơn. Đảo nghĩa vụ chứng minh sẽ là một sự bù đắp cho sự thiệt thòi về vị thế chứng minh cho nguyên đơn và bảo đảm giảm thiểu chi phí tố tụng[12]. Hơn nữa, nếu bị đơn chỉ ra được mình không có trách nhiệm gì thì nghĩa vụ trang trải chi phí tố tụng (án phí, chi phí giám định...) vẫn sẽ được xác định cho bên thua kiện - tức là bên nguyên.
Về sau, Tòa án tối cao Liên bang Đức (BGH) đã phát triển thành một nguyên tắc tố tụng, nguyên đơn có thể được giảm bớt nghĩa vụ chứng minh và được đảo ngược nó trong những trường hợp nhất định. Những trường hợp này được xác định là nếu như bị đơn đã đặt nguyên đơn vào một vị thế không thể chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại của mình với hành vi của bị đơn, ví dụ như bệnh nhân thì có quá ít kiến thức để chứng minh thiệt hại của mình do sự vi phạm liệu trình của bác sĩ gây ra. Khi đó, nguyên đơn cần được coi như đã thực hiện xong nghĩa vụ chứng minh của mình, và phần nghĩa vụ chứng minh cho nguyên nhân gây thiệt hại được ấn định cho bị đơn[13]. Tuy nhiên, nguyên tắc này cũng không được áp dụng cho tất cả các trường hợp kiện tụng về trách nhiệm dân sự, chỉ trong một số trường hợp kiện ngoài hợp đồng đối với bên bị là người vi phạm nghĩa vụ nghề nghiệp[14], đặc biệt là trách nhiệm chăm sóc sức khỏe bệnh nhân của bác sĩ, hay trách nhiệm sản phẩm[15].
Như vậy, tuy người Đức đã đặt ra ngoại lệ của nghĩa vụ chứng minh với những lý giải hết sức thỏa đáng, song họ luôn thận trọng trước những lạm dụng ngoại lệ này. Ngay cả trong những trường hợp ngoại lệ, người bị thiệt hại vẫn cứ phải chứng minh cho cái thiệt hại xảy ra và chỉ ra được những bất cẩn hoặc cố ý vi phạm của bị đơn. Bởi vậy cái gọi là đảo ở đây chỉ mang ý nghĩa tương đối và cũng lại rất thận trọng. Tòa án tối cao Liên bang Đức gọi đây là nguyên tắc "Giảm nhẹ tới mức đảo nghĩa vụ chứng minh" (Beweiserleichterung bis zum Beweislastumkehr).Hiện nay, vấn đề đảo nghĩa vụ chứng minh được xác định chặt chẽ hơn trong các quy định về trái vụ của Bộ luật Dân sự Đức, Luật Trách nhiệm sản phẩm, Luật Trách nhiệm hành nghề bác sĩ. Đáng lưu ý, nghĩa vụ chứng minh của bị đơn trong trường hợp này vẫn là nghĩa vụ nội dung, chứng cứ họ đưa ra vẫn là chứng cứ chính (Hauptbeweis) giống như nguyên đơn khi đi kiện chứ không phải là chứng cứ bác bỏ (Gegenbeweis).
Cho tới nay, sau khi lý thuyết về trách nhiệm sản phẩm, trách nhiệm tuyệt đối đã ra đời, đảo nghĩa vụ chứng minh đã dần dần được thừa nhận trong tố tụng dân sự của nhiều nước mặc dù đôi khi nó vẫn được dịch chung tên gọi với việc "chuyển nghĩa vụ chứng minh"với những chú giải riêng biệt nhằm phân biệt với việc "chuyển"theo nghĩa truyền thống[16].
2. Các cấp độ chứng minh
Như trên đã trình bày, các chủ thể chứng minh trong quá trình áp dụng pháp luật sẽ xoay quanh các giả thuyết về một sự thật đã xảy ra trong quá khứ. Một đối tượng được đánh giá là đúng, là khách quan ở thời điểm này cũng có thể là sai lầm ở một thời điểm khác khi xuất hiện những tình huống, điều kiện mới. Quan niệm về cái “thật" với tính cách là một thực tại khách quan sẽ bị thách thức bởi những trường hợp người ta phát hiện có những chứng cứ phủ định những phép chứng minh đã hoàn tất. Chúng tôi cho rằng, cái thật ở đây là sự đúng đắn trong nhận thức với những điều kiện xác định và được kiểm tra bằng các luật logic. Một khi không thể chứng minh một đối tượng là không thật, thì nó phải là thật. Do đó, cái “sự thật" của các cáo buộc là cái “thật trong tư duy" chứ không phải là cái thật của thực tại khách quan.
Phép chứng minh sẽ hoàn tất chỉ đến khi người ta thuyết phục được cơ quan áp dụng pháp luật tin tưởng rằng giả thuyết đó là đúng. Chủ thể chứng minh sẽ thuyết phục bằng những bằng chứng cụ thể, những lập luận phù hợp với các quy luật logic được thừa nhận chung và những viện dẫn các quy định của pháp luật một cách rõ ràng. Thông thường, nghĩa vụ chứng minh có các cấp độ sau đây:
Không còn nghi ngờ hợp lý (beyond reasonable doubt)
Đây được xem là cấp độ cao nhất của chứng minh và được áp dụng trong những trường hợp kết quả chứng minh có ảnh hưởng đến sinh mạng, thân phận chính trị, tự do của con người như tố tụng hình sự. Một lẽ hiển nhiên là bất kỳ nhà làm luật nào cũng đều mong muốn khi kết tội một người, anh ta chắc chắn đã thực hiện một tội phạm. Thế nhưng xét về tổng thể, đây lại là điều không tưởng và không cần thiết bởi sự thật trong chứng minh chỉ là sự thật trong nhận thức như đã trình bày ở trên. Như vậy, một khi không thể đặt một giả thuyết (hay nghi ngờ) logic nào khác ngoài việc cho rằng bị cáo đã thực hiện một tội phạm thì có nghĩa là trong giới hạn nhận thức của con người, anh ta đã phạm tội. Nghĩa vụ chứng minh anh ta có tội của công tố đã hoàn tất. Trong chừng mực vẫn có thể đặt ra được những khả năng hợp lý khác ngoài việc phạm tội của bị cáo, về nguyên tắc, tòa phải tuyên anh ta không có tội. Nếu nguyên tắc không ai có thể bị coi là có tội nếu chưa có phán quyết chính thức có hiệu lực của tòa án về việc phạm tội của anh ta được gọi là nguyên tắc "suy đoán vô tội" thì việc tòa án nhận định không tồn tại một nghi ngờ hợp lý về việc có tội của anh ta có thể được coi là nguyên tắc "suy đoán có tội" trong luật hình sự các nước áp dụng hệ thống tranh tụng có từ thời trung cổ[17].
Chứng cứ rõ ràng và thuyết phục (clear and convincing evidence)
Đây là cấp độ thấp hơn của việc không còn nghi ngờ hợp lý. Các chứng cứ và lập luận đưa ra có thể sắp xếp thành những suy luận có tính logic về sự thật vụ án. Tuy nhiên, chứng cứ rõ ràng và thuyết phục không loại trừ khả năng vẫn còn có thể đặt ra một giả thuyết khác với giả thuyết mà chủ thể có nghĩa vụ chứng minh đã đưa ra. Cấp độ chứng minh này được sử dụng phổ biến trên thế giới, kể cả trong tố tụng hình sự, đặc biệt là các nước theo truyền thống luật dân sự. Chẳng hạn ở Đức, tòa án sẽ quyết định một cách độc lập về kết quả chứng minh trên cơ sở những tranh luận cụ thể tại phiên tòa[18]. Người Pháp cũng có quy định tương tự tại Điều 304 trong Bộ luật Tố tụng hình sự[19]. Đây cũng là cấp độ chứng minh được thể hiện trong luật tố tụng ở Việt Nam, căn cứ vào các chứng cứ thu thập được trong hồ sơ và kết quả tranh tụng, tòa án nhận định về vụ án và ra phán quyết.
Cân đối khả năng hay xử thắng cho bên chiếm lợi thế về chứng cứ (preponderance of evidence, balance of propobility)
Đây là mức thấp nhất của nghĩa vụ chứng minh. Thông thường, khi kết thúc tranh tụng, tòa sẽ xử cho bên có chứng cứ mạnh hơn bất luận sự thật như thế nào. Nó thường được áp dụng trong các vụ việc về gia đình, chẳng hạn trong vụ tranh chấp quyền nuôi con, bên nào chứng minh mình có điều kiện tốt hơn bên kia trong việc chăm sóc đứa trẻ sẽ giành chiến thắng, kể cả trong trường hợp người thắng kiện có điều kiện cũng rất thiếu thốn về vật chất, dù là tốt hơn bên kia. Trong những vụ kiện như thế này, người có nghĩa vụ chứng minh được giải phóng khỏi nghĩa vụ khi chứng minh được lợi thế của mình.
3. Khả năng vận dụng trong pháp luật về nghĩa vụ chứng minh ở Việt Nam
3.1. Việc vận dụng chế độ tranh tụng trong tố tụng hành chính và giải quyết khiếu nại
Pháp luật Việt Nam thuộc hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa, dù còn có thể có những tranh cãi nhưng nó rất gần gũi với truyền thống luật dân sự. Tuy nhiên, trong thủ tục hành chính và tố tụng hành chính, nghĩa vụ chứng minh của người khiếu nại, người khởi kiện vụ án hành chính lại được quy định tương đối triệt để. Theo Luật Khiếu nại năm 2011 thì người khiếu nại có nghĩa vụ “trình bày trung thực sự việc, đưa ra chứng cứ về tính đúng đắn, hợp lý của việc khiếu nại; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan cho người giải quyết khiếu nại; chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung trình bày và việc cung cấp thông tin, tài liệu đó”[20]. Luật Tố tụng hành chính năm 2010 cũng quy định: "Kèm theo đơn khởi kiện phải có các tài liệu chứng minh cho yêu cầu của người khởi kiện là có căn cứ và hợp pháp” (khoản 2 Điều 105).Đây là những tranh chấp phát sinh không từ quan hệ bình đẳng về địa vị pháp lý giữa người khiếu nại với người, tổ chức bị khiếu nại, mà phát sinh từ mối quan hệ giữa một bên là công dân, một bên là cơ quan hành chính nhà nước. Từ góc độ quyền lực chính trị, khiếu nại hành chính phát sinh trong mối quan hệ giữa người thực thi quyền hành nhà nước và người dân. Chủ thể khiếu nại - là những người dân; Chủ thể bị khiếu nại - là công chức, cơ quan nhà nước ban hành quyết định hành chính, hoặc có hành vi hành chính bị xem là xâm hại quyền và lợi ích của người dân.
Trong mối quan hệ bất tương xứng này, chủ thể bị khiếu nại có nhiều lợi thế hơn so với chủ thể đi khiếu nại. Người, cơ quan bị khiếu nại - có quyền lực nhà nước, có hiểu biết pháp luật, nắm giữ mọi thông tin, tài liệu thuộc lĩnh vực phát sinh tranh chấp, có kinh phí để giải quyết, xử lý khiếu nại, được trả lương để xử lý, giải quyết khiếu nại. Trong khi đó, người dân thường không có điều kiện thuận lợi như công chức, cơ quan nhà nước. Thực hiện quyền khiếu nại khi quyền và lợi ích bị xâm phạm, người dân, nhất là những người nông dân vùng sâu, vùng xa, người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế: yếu thế trong so sánh quyền lực; thiếu hiểu biết về pháp luật; khó khăn trong việc tiếp cận thông tin về chính sách, pháp luật trong lĩnh vực khiếu nại; hầu như không được trợ giúp pháp luật.
Luật Tố tụng hành chính năm 2010 có quy định về việc điều tra, thu thập chứng cứ của toà án được áp dụng khi đương sự “có yêu cầu hoặc xét thấy cần thiết”[21].Ở đây, chúng ta thấy việc xét thấy cần thiết đã thể hiện quyền chủ động của thẩm phán khi cho rằng việc ra kết luận về vụ án cần thêm những tài liệu, chứng cứ ngoài những gì mà các bên cung cấp. Nó cũng khẳng định việc xác minh sự thật theo chức năng (examination ex officio - tức là đương nhiên phải xác minh bởi anh là người phán xử). Tuy thế, quy định này cũng cần thiết được làm rõ thêm nhằm tránh lạm dụng, vụ thì điều tra thêm, vụ khác thì lại không như vậy. Nó có thể dẫn đến tình trạng phân biệt đối xử, gây bất bình đẳng hoặc tuỳ tiện, vô pháp chế.
Thông thường các nước theo truyền thống luật dân sự, mặc dù nguyên tắc tranh tụng vẫn là chủ đạo, nhưng đồng thời, họ áp dụng nguyên tắc điều tra sự thật của các cơ quan nhà nước và tòa án. Những cáo buộc của nguyên đơn chỉ làm phát sinh thủ tục và có ý nghĩa tham khảo. Họ chỉ có nghĩa vụ chứng minh rằng mình bị thiệt hại, bị xâm phạm còn quyết định hành chính, hành vi hành chính có quan hệ nhân quả với thiệt hại hay không lại thuộc trách nhiệm xác minh của cơ quan giải quyết[22]. Theo chúng tôi, đây là những điểm mà pháp luật hành chính cần quan tâm để một mặt hạn chế được việc lạm dụng quyền khiếu nại tràn lan nhưng cũng đồng thời hỗ trợ những người bất lợi trong việc tiếp cận các nguồn chứng cứ có cơ hội bảo vệ quyền của mình. Nên chăng, cần quy định cho cơ quan, người có quyết định hành chính bị kiện, khiếu nại có nghĩa vụ chứng minh các quyết định, hành vi hành chính của mình là không trái luật và không gây ra thiệt hại cho người khiếu nại, khởi kiện. Người khiếu nại, khởi kiện chỉ phải chứng minh mình có quyền khởi kiện hoặc bị thiệt hại bởi quyết định, hành vi hành chính đó.
3.2. Việc vận dụng chế độ tranh tụng trong tố tụng dân sự
Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 đã chấm dứt hoạt động điều tra của tòa án và thể hiện ý chí quyết tâm chuyển đổi sang hình thức tố tụng tranh tụng. Các nội dung liên quan đến bảo vệ lợi ích chung, bảo vệ trẻ em, người mắc các bệnh tâm thần được chuyển hoàn toàn cho những người khởi kiện. Trong điều kiện hiện nay, chúng tôi cho rằng chưa nên bỏ thẩm quyền điều tra của tòa án đối với những loại việc này khi các hoạt động của các hội, đoàn còn mang tính chất hình thức.
Theo pháp luật tố tụng dân sự hiện hành, tòa án xét xử theo phương châm "chứng cứ tới đâu, xét xử tới đó”, bất luận là những chứng cứ ấy có đầy đủ hay không. Về nguyên tắc, không thể tự mình thu thập chứng cứ mà chỉ có thể áp dụng các biện pháp thu thập chứng cứ được quy định tại Điều 94 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 nếu đương sự đã áp dụng tất cả các biện pháp cần thiết để thu thập chứng cứ nhưng không hiệu quả và có yêu cầu tòa án can thiệp. Về nội dung này, trường hợp duy nhất tòa án có quyền chủ động là tiến hành đối chất giữa các đương sự khi có những mâu thuẫn giữa các lời khai[23]. Pháp luật các nước theo hệ thống tranh tụng đều có quy định rõ ràng về việc xác minh theo chức năng, theo đó, khi các đương sự tranh tụng xong nhưng xét thấy không thể ra phán quyết, thẩm phán có quyền lấy lời khai các bên liên quan hoặc người làm chứng nhằm làm rõ sự thật vụ án[24]. Luật tố tụng dân sự hiện hành của Việt Nam chưa quy định rõ vấn đề xác minh theo chức năng. Xác minh theo chức năng của toà được áp dụng đối với những trường hợp các đương sự đã áp dụng tất cả các biện pháp nhưng những chứng cứ vẫn không đủ để ra phán quyết, tòa án có thể chủ động thực hiện một số biện pháp thu thập chứng cứ như lấy lời khai, tổ chức đối chất hoặc thẩm định thực tế không phụ thuộc vào yêu cầu của đương sự. Đây sẽ là một quy định ngoại lệ của nghĩa vụ chứng minh nhưng cần thiết để bảo vệ trật tự pháp luật và lợi ích công. Tuy nhiên, ngoại lệ thì luôn cần ràng buộc các điều kiện để tránh lạm dụng, chỉ nên áp dụng đối với những trường hợp cụ thể.
Cũng cần lưu ý là, phương châm chứng cứ đến đâu xét xử đến đó là một biểu hiện cấp độ chứng minh rất thấp như đã nêu trên, tức là người nào có lợi thế về chứng cứ sẽ thắng kiện, bất luận sự thật vụ án như thế nào. Ngay các nước theo hệ thống tranh tụng triệt để cũng không sử dụng cấp độ này một cách rộng rãi trong xét xử dân sự. Trên thực tế cũng có tòa án tiến hành kiểm tra chứng cứ, nhưng theo luật thực định thì điều này không được quy định. Thông thường những chứng cứ được tòa án kiểm tra là những kết quả đo đạc liên quan đến bất động sản. Đa số các tòa án đều tiến hành thẩm định tại chỗ đối với các tranh chấp loại này do đây là loại việc thường có sự không chính xác về đo đạc, cá biệt có trường hợp không thể thi hành vì diện tích thực tế không trùng với phán quyết của tòa. Đây không phải là hiện tượng bảo vệ trật tự pháp luật và xuất phát từ lợi ích công mà thực chất chỉ nhằm hạn chế việc phán quyết của tòa án quá vô lý và bị công luận lên án.
Cũng chính từ phương châm "chứng cứ đến đâu xử đến đó”, các tòa sơ thẩm sau khi bác yêu cầu của đương sự do họ không đủ chứng cứ, thường phải đối mặt với một khả năng là sau khi bản án bị phúc thẩm, bản án sơ thẩm sẽ có thể bị sửa với căn cứ được quy định tại khoản 2 Điều 276 Bộ luật Tố tụng dân sự Việt Nam năm 2004 khi đương sự giao nộp thêm chứng cứ. Đây là điểm mà các thẩm phán thường rất không muốn gặp phải vì nó ảnh hưởng đến các tiêu chuẩn tái bổ nhiệm trong nhiệm kỳ sau. Vì mối quan ngại này, nhiều thẩm phán đã chủ động hoặc gợi ý để đương sự yêu cầu tòa án áp dụng các biện pháp thu thập thêm chứng cứ.  Theo chúng tôi, tuy nghĩa vụ cung cấp chứng cứ thuộc về đương sự, người yêu cầu nhưng luật cần quy định một số thủ tục hỏi trước khi thụ lý đơn kiện. Bên cạnh việc giải thích cho đương sự biết về quyền và nghĩa vụ tố tụng, tòa án cũng cần thiết giải thích, hướng dẫn cho đương sự về loại, các cách thức thu thập chứng cứ để họ có thể thực hiện tốt việc thu thập và giao nộp chứng cứ. Ngoài ra, Bộ luật Tố tụng dân sự và các đạo luật về tổ chức cần làm rõ hơn trách nhiệm của thẩm phán trong các trường hợp ra bản án sau đó bị hủy hoặc sửa với lý do chứng cứ không được đương sự cung cấp đầy đủ./.
 

*Viện Nhà nước và Pháp luật
[1] Mojtaba Kazazi "Burden of proof and related issues: a study on evidence before international tribunals", Kluwer Law International, Den Haag, Holand 1996, trang 54.
[2] Clair A. Cripe, Michael G. Pearlman: Legal aspects of corrections management, Jones & Bartlett Publishers, 2004, trang 507.
[3] Harald Koch and Frank Dỉedrich: "Civil Procedure in Germany", Kluwer/C.H. Beck, Den Haag and München 1998, trang 25.
[4] Tuy vậy, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 của Việt Nam không phải là hạn chế mà là phủ định hoàn toàn hành vi này. Tòa án thu thập chứng cứ chỉ được thực hiện khi có yêu cầu của đương sự và đó được coi là một sự cực đoan trong việc áp dụng chế độ tranh tụng trong tố tụng dân sự ở Việt Nam. Xem thêm: Ngô Vĩnh Bạch Dương, "Chứng minh và chứng cứ trong giải quyết các tranh chấp kinh doanh, thương mại tại Tòa án", Tài liệu hội thảo: "Sửa đổi Bộ luật Tố tụng dân sự từ phương diện giải quyết tranh chấp trong kinh doanh", Viện Nhà nước và Pháp luật – Viện KAS CHLB Đức, Vũng Tàu, tháng 10/2009.
[5] Ví dụ: Án văn vụ Hợp chúng quốc Hoa Kỳ truy tố Kenvin Scott, No. 07-6111, Tòa Phúc thẩm liên bang, vòng 10, ngày 24/6/2008. Có thể đọc miễn phí (từ khóa "United States v. Scott") tại thư viện LexisNexis.
[6] Ví dụ: Điều 616 trước tháng 9/2009 trong Bộ luật Tố tụng dân sự Đức, nay là Điều 26 Luật thủ tục giải quyết các việc gia đình CHLB Đức 2009.
[7] Ví dụ: Các điều 142, 143, 144, 273 II Nr. 1 và 2, 448 Bộ luật Tố tụng dân sự Đức.
[8] Đáng lưu ý là trong các sách báo pháp lý ở Việt Nam hiện nay, tuy không ai khẳng định một cách rõ ràng rằng tòa án có nghĩa vụ chứng minh nhưng lại có không ít người coi tòa án là một "chủ thể chứng minh". Xem thêm: Đại học Luật Hà Nội: Giáo trình luật tố tụng dân sự Việt Nam, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2007, tr.145.
[9] Thật ra thì Beweislastumkehr vẫn đang được nhiều người sử dụng nhưlà một khái niệm rộng, nó bao gồm cả đảochuyển (shift & reverse) nghĩa vụ chứng minh. Xem thêm Othmar Jauernig: Zivilprozessrecht Juristischer Kurz Lehrbücher, 26. Auflage. Verlag C.H.Beck, München 2000, trang 202, 203.
[10] UNCTAD-ICTSD: Resource Book on TRIPS and Development, Cambridge University Press, 2005, trang 497.
[11] Benefit – Cost Analysis (BCA) - một phương pháp tiếp cận của việc đánh giá tác động quy phạm (RIA). BCA được xác định là bắt đầu sử dụng rộng rãi trong thời của tổng thống Ronald Reagan, đầu những năm 1980 ở Mỹ.
[12] Thomas R. Lee: Pleading and proof: The economics of legal burdens, Brigham Young University law Review, Vol 1997, trang 21.
[14] BGH 13.03.1962 - VI ZR 142/61: Giải thích pháp luật "Nghĩa vụ chứng minh trong trường hợp gây thiệt hại do vi phạm trách nhiệm nghề nghiệp" ( Beweislast bei Verletzung von Berufspflichten).
[15] Othmar Jauernig: Zivilprozessrecht, Sđd, trang 203.
[16] Ví dụ: W. van Gerven, P. Larouche, J. Lever, Sđd, trang 428/24.
[17] James Q. Whitman: The origins of reasonable doubt: theological roots of the criminal trial, Yale University Press, 2008, trang 202.
[18] Điều 261Bộ luật tố Tụng hình sự CHLB Đức (StPO).
[19] Dẫn theo Richard W. Wright: Proving Facts: Belief versus Probability, in European Tort Law 2008, at 79-105 (H. Koziol & B.C. Steininger eds., Springer 2009), trang 84.
[20] Điểm b, khoản 2 Điều 12 Luật Khiếu nại năm 2011.
[21] Khoản 2 Điều 78 Luật Tố tụng hành chính năm 2010.
[22] Wolfgang Rusch: Administrative procedures in EU member states, tư liệu OECD, Conference on Public Administration Reform and European Integration Budva, Montenegro, March 2009, trang 6.
[23] Điều 88, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004.
[24] Xem thêm Điều 448 Bộ luật Tố tụng dân sự Đức.