Nâng cao hiệu quả giám sát bảo vệ, phát triển và khai thác sử dụng tài nguyên nước

01/03/2015

1. Nước, thực trạng và xu hướng cung cầu về nước
Nước là tiền đề vật chất của sự sống. Không có nước không có sự sống. Nước là thành phần cấu tạo chính trong cơ thể sinh vật ở trái đất, chiếm từ 50 - 97% trọng lượng cơ thể của sinh vật. Nước còn là nhân tố khí hậu, môi trường sinh thái của sự sống trên trái đất.       
 Theo nhiều tài liệu, nước bao phủ 71% diện tích của quả đất, nhưng có 97% là nước mặn, chỉ có 3% là nước ngọt. Trong 3% thì có hơn 3/4 lượng nước mà con người không sử dụng được vì nước nằm quá sâu trong lòng đất, bị đóng băng, ở dạng hơi trong khí quyển và dạng tuyết trên lục địa..., do đó chỉ có 0,5% nước ngọt hiện diện trong sông, suối, ao, hồ mà con người đã và đang sử dụng, nếu trừ phần nước bị ô nhiễm ra thì chỉ có khoảng 0,003% là nước ngọt sạch mà con người có thể sử dụng được. Đó là lượng rất ít trong điều kiện dân số ngày càng tăng, công nghiệp hóa, đô thị hóa ngày càng lớn và hiện đại… Những thách thức khan hiếm nước là rất cấp bách. Dự báo đến năm 2050, nhu cầu nước cho sản xuất và đời sống ngày càng cao, trong khi tình trạng ô nhiễm các nguồn nước và sự sụt giảm lưu lượng các nguồn nước do phá rừng, làm hồ, đập thủy điện, làm mất hệ sinh thái đầu nguồn… đang ngày càng trầm trọng, nên sự thiếu nước, khan hiếm nước đang là nguy cơ thách thức, báo động đối với toàn nhân loại.
Không những thế, tình trạng sa mạc hóa và nạn hạn hán, lũ lụt nhiều vùng đất đang tiếp tục xảy ra, 40% dân số thế giới bị ảnh hưởng. Nhiều dòng sông đang bị bức tử. Biến đổi khí hậu đang là thách thức của cả hành tinh. Tình hình trên là bài học đắt giá mà nhân loại đang phải trả cho nhiều hành vi của mình. 
Nước tanằm trong vùng nhiệt đới ẩm, có lượng mưa tương đối lớn, trung bình hàng năm vào khoảng 1.960 mm, có 2.378 con sông. Diện tích các lưu vực sông chiếm 80% diện tích của cả nước. Tuy thế nhưng do địa hình hẹp, nhiều vùng dốc ra biển, hơn 64% lượng nước mặt có nguồn gốc từ nước ngoài nên lượng nước mặt bình quân theo đầu người của Việt Nam năm 1943 là 16.641 m3/người, năm 2010 chỉ có 3.850 m3/năm, nên Hiệp hội TNN Quốc tế (IWRA) liệt nước ta vào nhóm quốc gia thiếu nước với ngưỡng dưới 4000 m3/năm. Nếu dân số nước ta tăng lên 150 triệu người thì chỉ còn đạt 2467 m3/người, nằm xấp xỉ với những quốc gia hiếm nước. Dự báo đến năm 2020, các lưu vực sông trên cả nước sẽ ở mức căng thẳng cao do thiếu nước như lưu vực các sông Hồng, Ba, Đồng Nai, Hương và Trà Khúc. Do khí hậu biến đổi nên trong vòng 50-60 năm tới, lượng nước nội địa của Việt Nam sẽ giảm 10-20% so với hiện nay. Đây là một thực trạng đáng báo động và nếu không quản trị tốt thì trong tương lai gần, nước ta sẽ rơi vào tình trạng khan hiếm nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh nguồn nước.
2. Thực hiện chính sách pháp luật về tài nguyên nước của nước ta
2.1. Các quy định pháp luật cơ bản
   a. Hiến pháp năm 2013 tại Điều 53 đã tiếp tục khẳng định và làm rõ: “TNN… là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”.
    b. Các Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm đề ra các chỉ tiêu về nước và có liên quan về nước như:
- Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh;
- Tỷ lệ dân số đô thị được sử dụng nước sạch;
- Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý;
- Tỷ lệ chất thải rắn ở đô thị được thu gom;
- Tỷ lệ chất thải rắn y tế được xử lý;
- Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường;
- Tỷ lệ che phủ rừng;
Đây là những chỉ tiêu được theo dõi, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện tại các kỳ họp của Quốc hội, Hội đồng nhân dân.
   c. Luật TNN và các luật có liên quan đã quy định cụ thể về các hoạt động quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng TNN, phòng chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra cùng nhiều chế tài cụ thể, hệ thống tổ chức bộ máy và nguồn tài chính, trách nhiệm các cơ quan chức năng… để quản trị TNN;
2.2. Kết quả thực hiện pháp luật và những tồn tại
Năm 2013, tỷ lệ dân số nông thôn được cấp nước sinh hoạt là 62,1- 66%, tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 85%; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 75%;tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,1%. Đó là những tiến bộ đáng kể đạt được trong một thời gian ngắn.
Tuy nhiên, so với yêu cầu và những vấn đề thực tiễn đang bức xúc đặt ra thì còn rất nhiều hạn chế phải khắc phục và thúc đẩy các hoạt động bảo vệ khai thác sử dụng hiệu quả TNN.
Tình trạng suy giảm, khan hiếm nguồn nước ở hạ lưu các dòng sông xảy ra thường xuyên, năm năm gần đây, nguồn nước mưa xấp xỉ trung bình nhiều năm, nhưng nước mặt ở hạ du trên những lưu vực sông chính phổ biến lại thấp hơn trung bình hàng năm từ 9 - 20%, có nơi thấp hơn khá nhiều. TạiHà Nội, thấp hơn tới 22%, có năm thấp hơn tới 30% trong mùa kiệt.
Chất lượng nước ở nhiều lưu vực sông đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Thậm chí có những đoạn sông đã "chết" hoàn toàn. Nước dưới đất cũng đang phải đối mặt với những vấn đề như bị nhiễm mặn, nhiễm thuốc trừ sâu, các chất có hại khác… Việc khai thác tự phát quá mức, không có quy hoạch, đã làm cho mực nước dưới đất bị hạ thấp, gây sụt lún, úng ngập và ô nhiễm, khó khắc phục.
Sự suy giảm nguồn và chất lượng nước ở các lưu vực sông có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do dân số gia tăng nhanh; quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa nhanh nhưng quá trình nhận thức và quản lý TNN chưa tương xứng; các cơ chế, chính sách chưa hoàn thiện; công tác giám sát còn hạn chế; các nguồn lực đầu tư chưa đáp ứng tình hình thực tiễn; nạn phá rừng đầu nguồn ngày càng tăng, chất lượng hệ sinh thái rừng ngày càng thấp; các hồ, đập thủy điện khai thác quá mức TNN... Theo khuyến cáo của các tổ chức UNEP[1], thì ngưỡng khai thác tài nguyên nuớc chỉ nên giới hạn trong phạm vi 30% của dòng chảy, nhưng ở Việt Nam, có nhiều nơi như miền Trung, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên... đã khai thác trên 50% lượng dòng chảy về mùa kiệt.
Trên mặt đất, chúng ta chưa kiểm soát được các nguồn chất thải và chưa quan tâm đầu tư thỏa đáng cho các hệ thống thu gom, xử lý các chất thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt, nhất là ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề và đô thị; do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, El Nino; mặn xâm nhập sâu do mực nước biển dâng; do phương thức sử dụng nước trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản theo truyền thống còn nhiều lãng phí thất thoát nước… nên đây đang là những vấn đề bức xúc trong quản lý TNN.
Công tác lập pháp, xây dựng các thể chế, chế tài quản lý TNN tuy đã đạt nhiều kết quả nhưng việc tổ chức thực thi các vấn đề cụ thể còn gặp nhiều khó khăn, từ tổng quan đến vi mô chưa đủ mạnh và chưa tạo đựơc cơ chế, động lực tự giác cho mỗi người dân đến các doanh nghiệp, đơn vị địa phương… Công tác giám sát TNN chưa được thường xuyên liên tục.
3. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả giám sát bảo vệ, phát triển và khai thác sử dụng tài nguyên nước
Những năm gần đây, công tác giám sát của Quốc hội đã được chú ý tăng cường với các biện pháp như tăng thời gian thảo luận giám sát kinh tế - xã hội, chất vấn của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tại kỳ họp, ra nghị quyết về chất vấn và giải quyết các kiến nghị của cử tri, thực hiện các lời hứa; lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn; tổ chức các phiên giải trình trong phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, truyền hình trực tiếp các phiên họp giám sát, nhiều Đoàn ĐBQH, ĐBQH đã phối hợp tổ chức các giám sát chuyên đề ở địa phương và tham gia tích cực các cuộc giám sát của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội ...  
Tuy nhiên, hoạt động giám sát vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Số lượng, chất lượng, hiệu quả, hiệu lực giám sát còn nhiều hạn chế. Nhiều lĩnh vực bức xúc chưa được quan tâm giám sát, trong đó có việc vẫn chưa tiến hành một cuộc giám sát chuyên đề về TNN ở cả các cấp độ giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.  
3.1. Xây dựng Chương trình giám sát về TNN
Chương trình giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH là cơ sở pháp lý để hoạt động giám sát. Hiện nay, Quốc hội rất cần xây dựng một Chương trình giám sát về TNN.
Thực tiễn đang có rất nhiều nội dung về TNN cần được giám sát chung hoặc giám sát ở từng vấn đề như: (i) tình hình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách, chế tài để quản lý TNN; (ii) tình hình xây dựng chiến lược và các quy hoạch quản lý TNN; quy hoạch và quản lý xây dựng quá mức các hồ, đập thủy điện đầu nguồn gây mất cân bằng và sụt giảm nguồn nước trên các lưu vực sông lớn; (iii) công tác tổ chức quản lý các lưu vực sông lớn rất chậm tiến triển; (iv) việc tổ chức thu gom xử lý nước thải các đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, bệnh viện gây ô nhiễm trầm trọng một số lưu vực sông phía hạ lưu; (v) quản lý và sử dụng nước dưới đất tự phát gây sụt lún và ô nhiễm nước dưới đất khó khắc phục; (vi) tình hình ngập úng nước chậm được khắc phục ở một số đô thị và khu dân cư khi mưa lớn hoặc nước triều dâng; (vii) tình hình chậm xã hội hóa cung cấp nước sạch cho dân cư nên nhiều khu dân cư thiếu nước sạch kể cả ở đô thị; (viii) tình hình xả nước thải trái phép, chôn lấp xử lý chất thải nguy hại trái phép gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe và đời sống dân cư; (ix) giám sát tình hình sử dụng nước cho sản xuất công nghiệp, nông nghiệp… là những nội dung rất cần đưa vào chương trình giám sát ở các cấp độ hiện nay. Ngoài ra, cần kết hợp giám sát bảo vệ và phát triển để giữ và tăng cường lưu lượng nước đầu nguồn.
3.2. Tăng cường giám sát xây dựng chế tài bảo vệ và phát triển nguồn nước
Trước hết, cần giám sát việc xây dựng, triển khai thực hiện Chiến lược và lập các quy hoạch về TNN. Đây là nội dung và công cụ quản lý tổng quan hiệu quả nhưng chúng ta thực hiện còn rất chậm và chồng chéo. Trong khi quy hoạch TNN chung cả nước, quy hoạch lưu vực sông chưa được xây dựng thì việc quy hoạch, cấp phép thủy điện và hồ nước thủy lợi được các bộ, các địa phương tiến hành tràn lan, quá mức, kết quả là việc quản lý sử dụng nguồn nước nhiều lưu vực sông rất bất cập. Do đó, giám sát cần nhanh chóng thúc đẩy điều chỉnh bổ sung Chiến lược, lập các quy hoạch và xác lập chế tài hạn mức được xây dựng các hồ đập của mỗi lưu vực sông tối đa không quá 30% lưu lượng nước mỗi dòng sông (trong khi có lưu vực sông đã sử dụng quá 50% lưu lượng nước). Ở khu vực miền Trung cần ở hạn mức thấp hơn. Thẩm quyền quyết định hạn mức này do Quốc hội thực hiện. Dựa trên cơ sở đó, Chính phủ lập quy hoạch, kế hoạch cho từng vùng, từng lưu vực sông lớn và từng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm. Những lưu vực sông hết hạn mức thì “đóng cửa”, không cho phép xây dựng hồ đập đầu nguồn (vừa qua, do sức ép của dư luận, có địa phương đã tự cắt giảm hơn 40 dự án thủy điện).
Chế tài này cần được phát triển và hợp tác với các nước trong khu vực, trên cơ sở hiệp ước hạn mức chung của mỗi lưu vực sông liên quốc gia để phân bổ hạn mức hợp lý cho mỗi quốc gia có liên quan.
Đồng thời đẩy mạnh thực hiện cơ chế giao khoán quản lý chăm sóc bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn, tái sinh rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, giao đất trồng rừng sản xuất ổn định lâu dài cho hộ dân địa phương để sớm đạt độ che phủ rừng, nâng cao chất lượng rừng, tạo rừng sinh thái cây bản địa, gỗ lớn, tăng thu nhập cho người dân, đồng thời tạo nguồn nước đầu nguồn có hiệu quả bền vững.
3.3. Giám sát việc quản trị nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp để bảo vệ nguồn nước
Hiện nay, các chế tài về giá nước, thuế tài nguyên về nước, phí bảo vệ môi trường về nước chưa có tác động thống nhất, tích cực để sử dụng tiết kiệm nước và bảo vệ môi trường đối với nước sinh hoạt, nước sản xuất công nghiệp, dịch vụ.
- Thuế tài nguyên mới chủ yếu tạo nguồn thu ngân sách, nhưng ở mức thấp nên kém tác động đến việc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả TNN.
- Giá nước sinh hoạt đô thị những năm gần đây rất thấp, mang nặng tính bao cấp, bình quân, do từng địa phương quyết định, nên chưa tạo cơ chế, động lực, chế tài để phát triển bảo vệ và tiết kiệm nước sinh hoạt và hạn chế nước thải. Việc gắn thu thêm 10% phí bảo vệ môi trường cũng kém phát huy tác dụng. Do đó, cần đổi mới cơ chế giá để vừa không bao cấp, đảm bảo tính xã hội, vừa đảm bảo sản xuất - kinh doanh, thu ngân sách, đồng thời tác động tích cực đến hành vi tiết kiệm nước, hạn chế nước thải. Bên cạnh đó, cần kiểm soát việc kê khai đăng ký, cấp nước thêm đầu hộ không đúng pháp luật, lấy trộm nước, chỉnh đồng hồ đo nước... Các địa phương có thể quyết định giá nước, nhưng cần hướng dẫn cách xây dựng giá để tạo chế tài tác động chung.
- Đối với nước dùng trong công nghiệp, là loại nước đang ngày càng tăng lưu lượng sử dụng cũng như xả thải, nhưng Nghị định số 67/2003/NĐ-CP ngày 13/6/2003 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải lại quy định mức thu phí bảo vệ môi trường đối với ngành công nghiệp là tính theo từng lượng (kg) chất gây ô nhiễm, mà chưa thu phí theo số lượng nước thải ra. Điều này chưa khuyến khích các doanh nghiệp tiết kiệm số lượng nước thải, xử lý nước thải, sử dụng khép kín nguồn nước trong sản xuất công nghiệp. Do đó, cần đổi mới chế tài thu phí nước thải công nghiệp theo các loại để khuyến khích sử dụng nước khép kín cho sản xuất công nghiệp; khuyến khích xử lý nước thải công nghiệp đủ tiêu chuẩn mới thải ra môi trường; hạn chế nước thải công nghiệp chưa sử lý thải ra môi trường và đặc biệt, thu phí gắn mức chất độc hại với số lượng nước thải thải ra môi trường, để tác động trực tiếp đến lợi ích của doanh nghiệp, thúc đẩy doanh nghiệp sử dụng tiết kiệm nước và bảo vệ môi trường.
- Với nước thải sinh hoạt đô thị, cần quy hoạch, xây dựng hệ thống thu gom tách riêng để xử lý. Trước mắt (có thể áp dụng cho nhiều đô thị) cần kết hợp sử dụng cải tạo, xử lý ô nhiễm ngay chính các sông, kênh nội đô (như các sông Tô Lịch, Nhuệ, Đáy, kênh Nhiêu Lộc…) đang bị ô nhiễm nặng để tạo dòng chảy lưu thông (đầu vào) lấy nước thượng lưu, nạo vét, thu gom rác thải, xây dựng các hồ, đầm và hệ thống xử lý cơ, sinh học (nuôi trồng thủy sinh hấp thụ chất thải) tập trung ở cuối hạ lưu … để “đủ chuẩn” trước khi chảy ra sông lớn. Đây là bước quá độ không tốn kém kinh phí nhiều và có thể tạo cơ chế xã hội hóa thông qua chia sẻ nguồn thu phí nước sinh hoạt (ví dụ sông Tô Lịch, chỉ cần khai thông nước đầu nguồn từ 1 - 1,5 km (với Hồ Tây và sông Hồng và cải tạo đầm Yên Sở cuối nguồn, tạo “màng lọc sinh học” sẽ tạo dòng lưu thông và xử lý nước thải sông có hiệu quả, không tốn kém nhiều).
3.4.  Giám sát thúc đẩy quản trị nước dưới đất
Do mật độ dân số nước ta khá đông, lại đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa nên việc khai thác sử dụng nguồn nước ngầm rất phổ biến, quá mức và không đảm bảo các quy chuẩn, tiêu chuẩn. Nguy cơ cạn kiệt, gây sụt lún đất, lụt úng rất lớn; ô nhiễm khó khắc phục. Luật TNN đã quy định nhiều chi tiết để quản trị như: điều tra, đánh giá, quy hoạch, vẽ bản đồ trạng thái, khoanh định các vùng cho khai thác, cấm khai thác, cấp phép khai thác và hành nghề khai thác, thu thuế khai thác nước dưới đất, trách nhiệm quản lý nhà nước ở các cấp, thanh tra xử lý vi phạm… Tuy nhiên, việc triển khai trên thực tế chưa có nhiều tiến bộ mà có nguy cơ ngày càng trầm trọng hơn, đòi hỏi công tác kiểm tra, giám sát phải tăng cường, trong đó cần thực hiện giám sát tối cao của Quốc hội để thúc đẩy Chính phủ và các cơ quan chức năng tổ chức thực thi hiệu quả đối với quản lý tài nguyên nước dưới đất.
3.5. Thúc đẩy đổi mới phương thức sử dụng nước  nông nghiệp
Cần tăng cường giám sát, khảo sát để đánh giá tình hình sử dụng nước cho sản xuất nông nghiệp theo truyền thống hiện nay. Mặc dù đã đầu tư nhiều cho các chương trình cứng hóa kênh mương, xây dựng trạm bơm điện, áp dụng các công nghệ màng che hạn chế bốc hơi, xây dựng nhiều hồ, cống, đập thủy lợi khai thác sử dụng tiết kiệm nước, tăng năng suất cho sản xuất nông nghiệp, nhưng ở đây đang tồn tại nhiều bất cập cả về phương thức, công nghệ kỹ thuật, cơ chế khai thác sử dụng nước, nên còn nhiều lãng phí cả về TNN, tiền của và làm ô nhiêm nguồn nước. Trong đó, nổi lên là các vấn đề về điều chuyển nước; hệ dẫn và giữ nước; chưa tận dụng tối đa nguồn nước mưa tự nhiên; hạn chế sự bốc hơi và thẩm thấu nước; nhiều Công ty TNHH một thành viên về thủy nông đang chỉ sử dụng khoảng 30 - 50% công suất, thực hiện chưa đúng chính sách miễn thủy lợi phí, phân bổ kinh phí không phù hợp … nên hiệu quả thấp, chi phí cao; việc sử dụng các phân bón hóa học, hóa chất, thuốc trừ sâu, diệt cỏ gây ô nhiễm nguồn nước phá hủy hệ sinh thái nhiều vùng … Do đó cần tăng cường giám sát để sớm thúc đẩy đổi mới cơ chế quản trị và nghiên cứu ứng dụng các mô hình, công nghệ sử dụng nước hợp lý và hiệu quả.  
3.6. Giám sát thúc đẩy xã hội hóa cung cấp nước sạch 
Mục tiêu quan trọng nhất là nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Trong đó cung cấp nước sạch là một nhu cầu quan trọng. Nghị quyết của Quốc hội 5 năm và hàng năm có xây dựng các chỉ tiêu cung cấp nước sạch nông thôn và nước sạch đô thị và kết quả thực hiện luôn đạt và vượt chỉ tiêu. Việc cung cấp nước sạch đã được quy định xã hội hóa cho các thành phần kinh tế thực hiện, nhưng ở nhiều địa phương còn triển khai chậm, chủ yếu giao cho Công ty TNHH một thành viên của Nhà nước thực hiện. Nhiều địa phương vẫn dựa vào vốn từ ngân sách với giá nước bao cấp và dựa vào các chương trình mục tiêu ... nên các Công ty TNHH một thành viên này không có động lực mở rộng sản xuất kinh doanh, ngay cả trên địa bàn đô thị. Chất lượng nước cũng chậm được cải thiện. Do không có môi trường cạnh tranh nên phát sinh sự độc quyền và nhũng nhiễu, tạo khó khăn và buộc người dân phải chi phí ngầm.   
Do đó, cần giám sát thúc đẩy xã hội hóa cung cấp nước nước sạch, nhân rộng các mô hình như ở Thái Bình, Quảng Ninh …, điều chỉnh các chính sách, đơn giản các thủ tục, tạo thị trường cạnh tranh lành mạnh dịch vụ cung cấp nước sạch cho dân cư.
Sự khan hiếm nước cho sản xuất và đời sống đang ở mức đáng báo động, không chỉ ở các quốc gia hiếm nước, mà ở cả các quốc gia có nguồn nước khá dồi dào. Thực tiễn đang đặt ra yêu cầu nâng cao hiệu quả quản trị TNN, nâng cao ý thức, trách nhiệm, hành động quản lý bảo vệ, phát triển và sử dụng tiết kiệm TNN của mỗi quốc gia, cộng đồng và của từng người dân. Có rất nhiều giải pháp, mô hình quản trị TNN mang lại kết quả thiết thực, nhưng đòi hỏi phải có sự giám sát của các cơ quan quyền lực nhằm thúc đẩy, hoàn thiện các chính sách, chế tài pháp luật và thực thi pháp luật về TNN./.  
                       
*Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội khóa XII
 
 UNEP(United Nations Environment Programme): Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, một thể chế quốc tế (một chương trình, hơn là một cơ quan của Liên hợp quốc) điều phối các hoạt động môi trường của Liên hợp quốc, hỗ trợ các nước đang phát triển trong việc thực hiện các chính sách môi trường. Nó được thành lập như một kết quả của Hội nghị Liên hợp quốc về Môi trường Con người trong tháng 6 năm 1972 và có trụ sở tại Gigiri, Nairobi, Kenya. UNEP cũng có sáu văn phòng khu vực và nhiều văn phòng quốc gia khác nhau.