Chính sách - Pháp luật - Phát triển nhìn nhận qua mô hình kinh doanh taxi Uber

01/02/2015

Trong những tháng cuối năm 2014, trên truyền thông và dư luận xã hội sôi nổi bàn luận về một loại hình dịch vụ vận chuyển hành khách bằng taxi Uber (taxi Uber) tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Đây được coi một mô hình kinh doanh mới trong lĩnh vực dịch vụ vận chuyển khách, khác hẳn với dịch vụ taxi truyền thống. Chính phủ Việt Nam đang đứng trước một vấn đề cần phải giải quyết - đó là nên có chính sách và pháp luật như thế nào đối với taxi Uber.  
 Untitled_263.png
Ảnh minh họa: (Nguồn internet)
1. Từ vấn đề đến nhu cầu hoạch định chính sách
Taxi Uber xuất hiện như một phương thức mới trong dịch vụ vận chuyển hành khách. Trước hiện tượng này, từ phía cơ quan quản lý Nhà nước và các doanh nghiệp taxi truyền thống đã có những quan điểm khác nhau[1].
Các doanh nghiệp taxi truyền thống cho rằng, “Uber taxi không phải là đơn vị kinh doanh vận tải, chỉ làm nhiệm vụ kết nối giữa lái xe và hành khách, không được điều chỉnh bởi Luật Giao thông đường bộ Việt Nam. Đây là loại hình vận tải trực tiếp thu tiền của người đi xe không thông qua đơn vị kinh doanh vận tải, như vậy là trái với Luật Giao thông đường bộ và nghị định kinh doanh vận tải bằng ô tô, không đáp ứng điều kiện kinh doanh vận tải như không có đăng ký kinh doanh, không giấy phép kinh doanh vận tải”. Hiệp hội Taxi TP. Hồ Chí Minh kiến nghị “Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải quyết định chấm dứt hoạt động của Uber tại Việt Nam cho đến khi có quy định mới của Nhà nước phù hợp với hoạt động này"[2].
Quan điểm của Bộ Giao thông Vận tải, được Bộ trưởng Đinh La Thăng bày tỏ tại cuộc họp Bộ sáng ngày 2/12/2014. Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, taxi Uber là loại hình kinh doanh có giá thấp hơn so với taxi thông thường, người dân thấy lợi nhờ sử dụng dịch vụ này. Trên thế giới đã có nhiều nước ứng dụng rồi thì Việt Nam cũng cần triển khai[3].
Như vậy, hiện tượng taxi Uber là một vấn đề phát sinh từ thực tiễn cuộc sống, đang đòi hỏi cơ quan quản lý nhà nước phải hoạch định một chính sách rõ ràng, hiệu quả. Cho phép hay không cho phép taxi Uber hoạt động? Những chính sách nào cần phải có đối với taxi Uber? Cần phải có một khuôn khổ pháp luật gì nhằm thể chế hóa những chính sách cụ thể với mô hình kinh doanh vận tải taxi Uber?
2. Chính sách lớn: Cho phép hay không cho phép taxi Uber
Hoạch định một chính sách cần phải được tiến hành thông qua việc phân tích các mặt lợi, hại, những yếu tố hệ quả tích cực, tiêu cực phát sinh từ hành vi của các chủ thể liên quan.
Trước hết cần xác định những chủ thể liên quan tới vấn đề hoạt động taxi Uber. Đó là những chủ thể như sau:
-  Công ty Uber.
-  Người lái xe cung cấp dịch vụ taxi Uber.
-  Hiệp hội các doanh nghiệp taxi truyền thống.
-  Người sử dụng dịch vụ taxi Uber.
-  Cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động dịch vụ vận chuyển hành khách - Bộ Giao thông Vận tải.
Về hành vi của Công ty Uber
Theo xác nhận của đại diện công ty Uber, “Uber không phải là một công ty taxi, mà là một công ty công nghệ. Chúng tôi không sở hữu đội xe hay thuê lái xe mà chỉ đơn giản kết nối người cần di chuyển với lái xe của các doanh nghiệp vận tải đã đăng ký. Điều này cũng giống như eBay kết nối người mua hàng và người bán hàng”[4].
Trên thực tế, công ty Uber tiến hành kết nối người cần di chuyển với người có phương tiện (xe ô tô) thông qua một phần mềm Uber. Bất kỳ người nào là chủ/lái xe đều có thể đăng ký phần mềm Uber, trên xe có thiết bị thanh toán bằng thẻ tín dụng. Bất kỳ người nào muốn sử dụng dịch vụ vận chuyển thông qua Uber, phải cài đặt phần mềm Uber với mức phí khoảng 5.000 đồng và phải có tài khoản thẻ tín dụng (Visa, MasterCard). Phần mềm Uber tự động kết nối nhu cầu giữa hành khách với lái xe. Sau khi thực hiện xong dịch vụ vận chuyển hành khách trên một cung đường cụ thể, Công ty Uber được hưởng 20% phí vận chuyển, người lái xe được hưởng 80% phí vận chuyển. 
Phương thức hoạt động nêu trên của taxi Uber hiện nay có những mặt tích cực và tiêu cực như thế nào ?
Mặt tiêu cực
Công ty Uber không trực tiếp tham gia vào hoạt động kinh doanh vận tải, về hình thức chỉ là một công ty cung cấp và quản lý phần mềm Uber - sở hữu và khai thác công nghệ. Tuy vậy, lại không thể coi Công ty Uber thuần túy là một Công ty công nghệ. Trên thực tế, Công ty Uber tham gia vào khâu then chốt của dịch vụ vận chuyển - đó là kết nối giữa người sử dụng dịch vụ vận chuyển với người cung ứng dịch vụ vận chuyển. Dịch vụ vận chuyển hành khách không thể so sánh với dịch vụ thương mại hàng hóa trên Internet như eBay, như đại diện của Công ty Uber phát biểu. Vì liên quan tới con người, nên kinh doanh vận chuyển hành khách là một loại hình kinh doanh có điều kiện nhằm đảm bảo tính mạng và tài sản của hành khách. Theo quy định pháp luật, hoạt động kinh doanh vận tải hành khách phải có đăng ký/giấy phép kinh doanh, dù là công ty hay cá nhân, và phải tuân thủ đầy đủ về các điều kiện kinh doanh nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của hành khách, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế đối với Nhà nước.
Hiện nay, Công ty Uber kết nối với những doanh nghiệp vận tải có đăng ký kinh doanh, và cũng không ít cá nhân có xe ô tô cũng kết nối để tham gia dịch vụ vận chuyển hành khách. Kết nối với những doanh nghiệp, cá nhân có đăng ký kinh doanh vận chuyển hành khách, dường như Công ty Uber đang hoạt động một cách hợp pháp, nếu đảm bảo các nghĩa vụ nộp thuế đối với Nhà nước. Tuy nhiên, nếu như Công ty Uber thực hiện việc kết nối với những cá nhân, công ty không có đăng ký kinh doanh vận chuyển hành khách, thì có nghĩa là Công ty Uber hiện nay đang hoạt động vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh vận chuyển hành khách.
Mặt tích cực[5]
Áp dụng công nghệ thông tin hiện đại, Công ty Uber tạo nên sự kết nối nhanh chóng và hiệu quả giữa người có nhu cầu vận chuyển và người có năng lực vận chuyển. Người có nhu cầu vận chuyển đặt hàng về cung đường đi, có thể lựa chọn loại phương tiện (xe ô tô bình dân, ô tô cao cấp, v.v..). Phần mềm Uber tự động xác định được đoạn đường ngắn nhất, hiệu quả nhất, tính phí trên đoạn đường này, báo trước cho người có nhu cầu di chuyển. Người lái xe xác định trước được thời gian, địa điểm đón khách. Hơn thế nữa, khả năng tham gia vận tải hành khách không chỉ dừng lại ở những xe chuyên kinh doanh vận tải hành khách, mà có thể mở ra cho bất kỳ người nào là chủ/lái xe ô tô cũng có thể tham gia kinh doanh vận tải hành khách, kết hợp với nhu cầu di chuyển riêng của chủ/lái xe. Điều này mở ra một cơ hội tăng cường tính hợp lý, hiệu quả mà nguyên lý logistics đang được vận dụng trong các lĩnh vực vận tải đa phương thức, cũng như trong thương mại theo xu thế tận giảm chi phí và tận dụng các nguồn lực nhàn rỗi.
Mô hình hoạt động vận chuyển hành khách qua phần mềm của Công ty Uber mở ra triển vọng cho sự tham gia của chủ/lái xe ô tô nhỏ chở khách, bổ sung nguồn cung cho thị trường vận chuyển hành khách, tạo nên sức ép cạnh tranh với thị trường vận tải truyền thống. Nếu hoạt động của taxi Uber được cho phép, thì đây sẽ là một thách thức đối với taxi truyền thống, buộc taxi truyền thống phải tăng cường chất lượng dịch vụ và giảm phí vận chuyển. Người sử dụng dịch vụ sẽ được hưởng lợi.
Đời sống kinh tế của Việt Nam ngày được cải thiện, số người sở hữu xe ô tô riêng ngày một tăng. Việc sử dụng xe riêng là tiện ích cho chủ sở hữu xe, nhưng cũng cho thấy sự lãng phí trong những trường hợp một chiếc xe 5 - 7 chỗ thường chỉ dùng để vận chuyển 1 - 2 người. Kết nối bằng phần mềm của Công ty Uber cho phép chủ/lái xe có thể kết hợp chở thêm hành khách, và như vậy, tính trên đầu người đi xe sẽ tiết kiệm được đáng kể chi phí nhiên liệu. Nếu tính trên tổng chi phí toàn xã hội, thì mức tiết kiệm chi phí nhiên liệu trong vận tải hành khách sẽ là rất lớn.
Với mô hình taxi Uber, số lượng người sử dụng taxi Uber tăng, thì sẽ làm giảm số lượng người đi xe taxi truyền thống. Điều này sẽ giảm số lượng người có nhu cầu sử dụng xe taxi truyền thống, và có thể phát sinh hệ quả là giảm số lượng xe taxi truyền thống, bớt được sức ép ùn tắc giao thông.
Việc taxi Uber sử dụng phương thức thanh toán qua thẻ sẽ tạo nên văn hóa thương mại không dùng tiền mặt, cơ quan nhà nước dễ dàng kiểm soát thu nhập của lái xe taxi Uber và của Công ty Uber.
Về hành vi của người lái xe cung cấp dịch vụ taxi Uber
Hiện nay, người chủ/lái xe ô tô sử dụng dịch vụ kết nối bằng phần mềm của công ty Uber để vận chuyển hành khách phần lớn là những người có xe ô tô cá nhân, không có đăng ký kinh doanh dịch vụ vận chuyển hành khách. Muốn tham gia cung cấp dịch vụ taxi Uber, chủ/lái xe cần cài đặt phần mềm/đăng ký với Công ty Uber, và trang bị thiết bị thanh toán bằng thẻ tín dụng. Hành vi của chủ/lái xe tham gia vận chuyển hành khách theo mô hình Uber (lái xe taxi Uber) có thể được phân tích qua các mặt tiêu cực và tích cực như dưới đây.
Mặt tiêu cực
Không có đăng ký/giấy phép kinh doanh, hành vi vận chuyển hành khách của lái xe taxi Uber là hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh vận tải hành khách. Xe ô tô được dùng vận chuyển hành khách theo phương thức Uber không có biển hiệu taxi, logo; người lái xe taxi Uber không thực hiện việc nộp thuế thu nhập cá nhân. Việc mua bảo hiểm thân xe và hành khách trên xe không phải là nghĩa vụ bắt buộc đối với chủ xe ô tô cá nhân. Với những bất cập như vậy, hoạt động của lái xe taxi Uber đang gây nên những lo ngại về an toàn tính mạng và tài sản của hành khách sử dụng taxi Uber, cũng như sự quan ngại của các cơ quan có thẩm quyền về hoạt động của taxi Uber.
Ví dụ: Lúc 8h30, chiếc ôtô màu đỏ chở 3 khách dừng lại trên đường Lê Hồng Phong (quận 5 TP. Hồ Chí Minh). Khi những người trong xe vừa định bước xuống thì lực lượng thanh tra giao thông xuất hiện. Mọi người đều tỏ ra rất ngạc nhiên khi được các thanh tra thông báo chiếc xe kinh doanh chở khách nhưng không có logo, biển hiệu và yêu cầu tài xế xuất trình các giấy tờ liên quan. Trình bày với lực lượng chức năng, tài xế Nguyễn Quang Bình (29 tuổi, ngụ quận Tân Bình) không xuất trình được giấy tờ liên quan nên bị thanh tra giao thông lập biên bản hành chính với lỗi "kinh doanh vận tải bằng ôtô mà không đăng ký kinh doanh, giấy phép kinh doanh vận tải theo quy định". Theo thanh tra, Bình lái ôtô (chủ xe là người khác). Tại thời điểm kiểm tra, hành khách tên Long cho biết đã đặt xe qua ứng dụng phần mềm Uber để đi cùng hai người bạn. Sau đó tài xế Bình đến đón tại đường Mạc Thiên Tích, đi đến đường Lê Hồng Phong (quận 5). Kết thúc chuyến đi, điện thoại của ông Long được thông báo tiền cước là 29.267 đồng, thanh toán qua thẻ Visa[6].
Hoạt động của lái xe taxi Uber hiện nay trên thực tế khó bị kiểm tra, kiểm soát bởi các cơ quan chức năng, do một thực tế là bất cứ xe ô tô cá nhân nào cũng có thể chở khách để kinh doanh, bên ngoài xe ô tô không có biển hiệu taxi, hay một dấu hiệu nào khác thể hiện là xe kinh doanh chở khách. Đây là yếu tố dường như mở ra cơ hội cho những chủ xe ô tô muốn kiếm thêm thu nhập tham gia dịch vụ taxi Uber, với toan tính rằng có thể tránh được chế tài pháp luật (phạt hành chính).
Lái xe taxi Uber hoạt động kinh doanh không thông qua một doanh nghiệp có đăng ký và giấy phép kinh doanh vận chuyển hành khách. Trong những tình huống như xảy ra tranh chấp về giá cước, hay mất mát tài sản của hành khách, sẽ không có địa chỉ cụ thể để hành khách thực hiện quyền khiếu nại của mình.
Mặt tích cực
Người lái xe taxi Uber cho rằng cơ hội kết hợp sử dụng xe ô tô cá nhân để kiếm thêm thu nhập và/hoặc giảm bớt chi phí nhiên liệu trong lúc xe nhàn rỗi, có thêm hành khách kết hợp đi cùng đoạn đường theo lộ trình công việc của chủ/lái xe (thường nhật/đột xuất) - là mối quan tâm của không ít người sở hữu xe ô tô cá nhân.
Như vậy, việc sử dụng xe ô tô cá nhân vào hoạt động taxi Uber mang lại thu nhập, giảm chi phí nhiên liệu cho cá nhân sở hữu xe ô tô cá nhân, tăng cường hiệu quả khai thác xe. Nếu tính trên tổng giao dịch xã hội, và với điều kiện người lái xe taxi Uber thực hiện nghiêm chỉnh việc nộp thuế thu nhập cá nhân, thì hàm số chi phí - hiệu quả trong việc sử dụng xe ô tô cá nhân có lợi cho cả Nhà nước, xã hội và chủ sở hữu xe ô tô.
Về hành vi của Hiệp hội các doanh nghiệp taxi truyền thống
Các hiệp hội vận tải/taxi truyền thống là những tổ chức xã hội - đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ doanh nghiệp taxi truyền thống. Tiếng nói của các Hiệp hội vận tải, taxi truyền thống có ý nghĩa rất quan trọng trong hoạch định chính sách đối với mô hình kinh doanh vận tải hành khách Uber.
Mặt tiêu cực
Đại diện cho các doanh nghiệp taxi truyền thống, các Hiệp hội vận tải/taxi, xuất phát từ lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp taxi, không mong muốn có thêm một chủ thể mới với phương thức hoạt động vận chuyển hành khách khác với mô hình kinh doanh taxi truyền thống, tham gia thị trường vận tải hành khách. Sự xuất hiện taxi Uber, nếu được phép hoạt động, sẽ làm cho phân khúc thị trường vận chuyển hành khách của taxi truyền thống bị suy giảm. Phản ứng như vậy của các Hiệp hội vận tải/taxi là lẽ tự nhiên. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là các Hiệp hội vận tải/taxi khi phản ứng quyết liệt đối với taxi Uber, thì có tính đến lợi ích của người sử dụng dịch vụ vận chuyển hành khách hay không? Quan điểm của Hiệp hội có phiến diện hay không - điều này cần phải được lưu ý khi hoạch định chính sách đối với hoạt động của taxi Uber.
Mặt tích cực
Hiệp hội vận tải/taxi truyền thống hoàn toàn có lý khi cho rằng hoạt động của taxi Uber hiện nay là trái với các quy định pháp luật về vận chuyển hành khách. Taxi Uber không thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước, không mua bảo hiểm cho hành khách, cạnh tranh không bình đẳng.
Trước hiện tượng taxi Uber, Hiệp hội vận tải/taxi truyền thống đã chủ động thực hiện các hoạt động vận động chính sách, gửi kiến nghị tới Bộ Giao thông Vận tải. Hành vi này của Hiệp hội vận tải/taxi thể hiện trách nhiệm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của cộng đồng doanh nghiệp taxi truyền thống, cần phải được cân nhắc trong việc ban hành chính sách đối với hoạt động của taxi Uber. 
Về hành vi của người sử dụng dịch vụ taxi Uber
Để sử dụng dịch vụ taxi Uber, hành khách taxi Uber phải cài đặt phần mềm Uber trên điện thoại di động của mình, mở tài khoản tín dụng tại ngân hàng, sử dụng thẻ tín dụng (Visa, Master). Khi có nhu cầu di chuyển trên một lộ trình cụ thể, hành khách taxi Uber đặt yêu cầu với Công ty Uber qua phần mềm Uber trên điện thoại di động. Hành khách có thể đặt yêu cầu về loại xe ô tô mình muốn sử dụng (xe Kia 4 chỗ, Mercedes, Inova, v.v..)
Vấn đề cần xem xét là taxi Uber có tác động tiêu cực/tích cực như thế nào đối với hành vi của người sử dụng dịch vụ taxi Uber.
Mặt tiêu cực
Khi sử dụng taxi Uber hiện nay, hành khách taxi Uber có thể phải gánh chịu những rủi ro như sau: lỡ thời gian di chuyển do lái xe taxi Uber bị kiểm tra, xử phạt hành chính; nếu bỏ quên/mất mát tài sản trên xe, không có địa chỉ khiếu nại, trình báo; không được bảo hiểm tính mạng khi xảy ra tai nạn, nếu chủ/lái xe không mua bảo hiểm thân xe và người trên xe.
Mặt tích cực
Hành khách taxi Uber được hưởng cước phí vận chuyển rẻ hơn, ít nhất là 20%, so với cước phí của taxi truyền thống, có thể lựa chọn loại xe ô tô để di chuyển, biết trước giá cước phí, yên tâm về sự lựa chọn quãng đường ngắn nhất cho lộ trình của mình theo thông báo qua phần mềm Uber, có thể phản hồi đánh giá chất lượng dịch vụ vận chuyển sau chuyến di chuyển bằng taxi Uber qua phần mềm Uber.
Về hành vi của cơ quan quản lý nhà nước - Bộ Giao thông Vận tải
Bộ Giao thông Vận tải là cơ quan hoạch định/thực thi chính sách đối với hoạt kinh doanh vận tải hành khách.
Bày tỏ quan điểm cần nghiên cứu triển khai mô hình hoạt động của taxi Uber, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh, quản lý nhà nước bằng pháp luật, bằng thể chế chính sách để thúc đẩy kinh tế phát triển. Các văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Giao thông Vận tải phải hướng đến năng suất cao hơn, chất lượng hơn, đem lại sự hài lòng hơn cho người dân và doanh nghiệp, giảm chi phí quốc gia. "Thể chế chính sách phải thật đơn giản, bỏ ngay tư tưởng không quản được thì cấm"[7]
Như vậy, chính sách lớn về hiện tượng taxi Uber đã được Bộ GTVT xác định: mô hình kinh doanh taxi Uber có thể được phép triển khai tại Việt Nam.
3. Từ chính sách lớn đến các chính sách cụ thể
Chính sách lớn - taxi Uber có thể được phép hoạt động tại Việt Nam, được xác định dựa trên những phát hiện qua khâu phân tích chính sách theo hành vi của các chủ thể liên quan trong hoạt động của taxi Uber.
Đồng thời, việc phân tích những mặt tiêu cực/tích cực qua các hành vi của các chủ thể liên quan trong hoạt động của taxi Uber có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định những căn cứ định tính và định lượng để hoạch định những chính sách cụ thể - làm tiền đề cho việc thể chế hóa chính sách cho phép taxi Uber hoạt động tại Việt Nam. Đó là những chính sách cụ thể như sau:
- Chính sách cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp: Taxi Uber và taxi truyền thống có cơ hội như nhau về điều kiện kinh doanh, tiếp cận thị trường.
- Chính sách đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho hành khách sử dụng taxi Uber: Hành khách dùng taxi Uber được đảm bảo về tính mạng, tài sản.
 - Chính sách về quản lý nhà nước một cách hiệu quả đối với hoạt động của taxi Uber: trách nhiệm/thẩm quyền của cơ quan nhà nước đối với hoạt động của taxi Uber liên quan tới nghĩa vụ thuế, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
4. Từ chính sách cụ thể đến việc thể chế hóa chính sách bằng các quy định pháp luật
Với cách làm như trên, chính sách lớn và chính sách cụ thể đối với hoạt động của taxi Uber được hoạch định từ thực tiễn của cuộc sống. Những chính sách này chỉ có thể quay trở lại với thực tiễn của đời sống thông qua một công đoạn rất quan trọng - đó là quy trình lập pháp, lập quy. Nói cách khác, chính sách cần phải được thể chế hóa, luật hóa. Và chính sách phải là cốt lõi, nòng cốt của văn bản quy phạm pháp luật.
Sau khi chính sách lớn và các chính sách cụ thể về mô hình hoạt động của taxi Uber được xác định, việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật cho hoạt động của taxi Uber phải bám sát các chính sách này như những nguyên tắc cốt lõi của văn bản quy phạm pháp luật.
a) Chính sách cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp vận tải hành khách cần phải được thể hiện như thế nào khi soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật về taxi Uber?
Quy định pháp luật về điều kiện kinh doanh của taxi truyền thống hiện nay như thế nào, thì tương tự cũng phải được áp dụng đối với taxi Uber, một cách bình đẳng. Cụ thể như:
- Những quy định về thời điểm, điều kiện tham gia thị trường của taxi Uber, tránh xáo trộn thị trường, phát sinh cạnh tranh không lành mạnh, không bình đẳng với taxi truyền thống.
- Những quy định về điều kiện, thủ tục đăng ký/cấp phép cung cấp dịch vụ vận chuyển hành khách: công ty Uber phải đăng ký/có giấy phép kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách; chủ xe ô tô muốn kinh doanh vận tải theo mô hình taxi Uber phải đăng ký/có giấy phép kinh doanh theo mô hình taxi Uber; xe taxi Uber phải có logo, nhãn hiệu nhận biết riêng.
Tóm lại, các điều kiện tiêu chuẩn, pháp lý, kỹ thuật khác hiện nay đang áp dụng với taxi truyền thống, thì cũng phải được ban hành và áp dụng đối với taxi Uber.
- Những quy định về nghĩa vụ nộp thuế của Công ty Uber hay bất kỳ doanh nghiệp nào hoạt động như Công ty Uber, cũng như của người lái xe taxi Uber.
b) Chính sách đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản của hành khách sử dụng taxi Uber phải được thể hiện tại các văn bản quy phạm pháp luật về Uber như thế này
Việc đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản của hành khách trong hoạt động kinh doanh vận tải luôn là một chính sách hàng đầu của ngành giao thông vận tải. Taxi Uber không thể hoạt động nếu không có những quy định nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của hành khách. Những quy định pháp luật về taxi Uber phải được soạn thảo, bám sát chính sách bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của hành khách, với những nội dung cụ thể như sau:
- Năng lực thể chất và hành vi của người đăng ký lái xe taxi Uber;
- Tiêu chuẩn về đạo đức, văn hóa của người lái xe taxi Uber;
- Điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật của phương tiện được sử dụng vào hoạt động taxi theo mô hình Uber;
- Trách nhiệm của người lái xe taxi Uber mua bảo hiểm thân xe và hành khách;
- Mức độ phân bổ trách nhiệm rủi ro gây thiệt hại cho hành khách giữa người lái xe taxi Uber và Công ty Uber;
- Quyền khiếu nại, khiếu kiện của hành khách taxi Uber trước những tổn thất về tính mạng, tài sản; v.v.     
c) Chính sách về quản lý nhà nước một cách hiệu quả đối với hoạt động của taxi Uber.
Bộ trưởng Đinh La Thăng đã chỉ đạo về chính sách quản lý nhà nước đối với taxi Uber như sau: "Nếu loại hình kinh doanh bằng phần mềm Uber chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật, các nghị định, thông tư, hướng dẫn, mình có trách nhiệm bổ sung để hợp pháp hoá. Phải làm sao để thuận cho quản lý nhưng tiện lợi cho người dân"[8]
Việc luật hóa chính sách quản lý nhà nước đối với taxi Uber phải được thể hiện tại các quy định pháp luật với những nội dung sau:
- Thẩm quyền/trách nhiệm của cơ quan đăng ký/cấp phép kinh doanh đối với taxi Uber;
- Thẩm quyền/trách nhiệm, quy trình làm việc của cơ quan chức năng trong việc thanh tra, giám sát hoạt động của taxi Uber;
- Thẩm quyền/trách nhiệm của cơ quan giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với những hành vi vi phạm về nghĩa vụ thuế, về an toàn tính mạng, tài sản của hành khách trong hoạt động của taxi Uber.
Ý tưởng chính sách mà người soạn thảo phải bám sát khi soạn thảo các quy định pháp luật về quản lý nhà nước đối với hoạt động của taxi Uber là: quản lý hiệu quả và tiện lợi cho người dân.
5. Đánh giá hiệu quả của pháp luật là đánh giá thực thi chính sách
Chính sách là nòng cốt của pháp luật. Chính sách được thực thi bởi pháp luật. Một khi pháp luật được xây dựng theo trụ cột của những chính sách được hoạch định, việc đánh giá hiệu quả của pháp luật phải được thực hiện thông qua đánh giá việc thực thi những chính sách đã được chuyển tải tại văn bản quy phạm pháp luật. Sau một thời gian vận hành trong cuộc sống, nếu chính sách hàm chứa trong văn bản quy phạm pháp luật được coi là thực thi thành công, thì văn bản luật sẽ được coi là hiệu quả. Nếu như việc thực thi chính sách thể hiện trong văn bản luật được xem là không đạt, văn bản luật liên quan phải được xem là không hoặc kém hiệu quả. Nhà làm luật không nên tiến hành sửa đổi, bổ sung luật, nếu như không có căn cứ cho rằng chính sách nội hàm của văn bản luật liên quan kém hiệu quả. Nếu xác định chính sách chuẩn, chuyển tải chính sách một cách khoa học vào văn bản quy phạm pháp luật, thể chế áp dụng thực thi pháp luật mạnh, có nghĩa là thúc đẩy được phát triển (chính sách được thực thi thành công). Với lẽ đó, Chính sách - Pháp luật - Phát triển là một phương pháp luận tư duy rất quan trọng trong hoạt động lập pháp. Chính sách phải được hoạch định từ nhu cầu của thực tiễn. Hoạch định chính sách phải là khâu đầu tiên, quan trọng nhất trong quá trình lập pháp và phải vì mục tiêu phát triển.  
Trong trường hợp đối với taxi Uber, như đã trình bày trên đây, hiệu ứng phát triển do có mô hình kinh doanh mới, kiểu Uber, sẽ đạt được nếu như các chính sách (cạnh tranh bình đẳng, an toàn tính mạng và tài sản của hành khách, quản lý nhà nước hiệu quả) được chuyển tải (soạn thảo) một cách chặt chẽ, đồng bộ, logic thành các điều luật (luật nội dung, luật hình thức, thiết chế thực thi luật) trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Đây chính là sự đảm bảo cho tính khả thi và hiệu quả của các văn bản pháp luật về taxi Uber.
6. Về quy trình lập pháp phát triển
Xem xét tình huống về hiện tượng taxi Uber, như đã trình bày trên đây, có thể rút ra một số nhận xét như sau:
- Pháp luật là công cụ để phát triển kinh tế - xã hội. Nhận thức này giúp cho nhà hoạch định chính sách/nhà soạn thảo luật có thái độ tích cực, chủ động trong việc xử lý các vấn đề phát sinh từ đời sống kinh tế - xã hội. Nếu chỉ dừng lại ở tư duy cho rằng pháp luật là công cụ quản lý nhà nước, thì dường như nhà hoạch định chính sách/nhà soạn thảo luật bị trói buộc bởi các thiết chế hành chính, pháp lý hiện hành, có thiên hướng về sự tiện lợi, tiện nghi của cơ quan quản lý nhà nước, hơn là vì lợi ích phát triển của quốc gia, của địa phương.
- Pháp luật tự bản thân nó không thể được thực thi nếu như không có các thiết chế hành chính, tư pháp. Tính khả thi của pháp luật không chỉ dựa vào những quy định về chế tài. Tính khả thi của pháp luật phụ thuộc chủ yếu vào năng lực hành vi của các thiết chế thực thi luật (hành chính, tư pháp). Bên cạnh đó, không kém phần quan trọng, tính khả thi của pháp luật phụ thuộc vào tính nhất quán về mục tiêu điều chỉnh (chính sách) được thể hiện tại nội dung của văn bản pháp luật.
- Chính sách là nội dung can thiệp (Nhà nước đối với xã hội), là mục tiêu hướng tới giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội phát sinh từ thực tiễn cuộc sống, vì sự phát triển. Chính sách không thể tự nó được thực thi. Chính sách phải được đảm bảo thi hành bởi các văn bản pháp luật, được luật hóa. Chính sách có vai trò quan trong như sợi chỉ xuyên suốt nội dung của văn bản pháp luật. Tính nhất quán về mục tiêu điều chỉnh của văn bản pháp luật phụ thuộc vào mức độ rành mạch và rõ ràng của chính sách được thể hiện qua các quy định pháp luật.
- Phát triển là một trạng thái thay đổi mang lại lợi ích kinh tế, xã hội do thành công trong việc thực thi, bằng pháp luật, một cách hiệu quả các chính sách đúng đắn.
- Với những căn cứ nêu trên, có thể hình dung một quy trình Lập pháp – Phát triển như sau:
Chính sách > lập pháp/lập quy > thực thi pháp luật > đánh giá chính sách/pháp luật > phát triển (mục tiêu chính sách đã/chưa đạt được) >  điều chỉnh chính sách/pháp luật > thực thi pháp luật > phát triển (mục tiêu chính sách đã/chưa đạt được) > chính sách > lập pháp/lập quy > v.v..
Quy trình Lập pháp – Phát triển trên cho thấy: Chính sách là đầu vào không thể thiếu của pháp luật; đồng thời chính sách cũng là đầu ra, là mục tiêu mà Dự án Luật hướng tới (kết quả thực thi pháp luật). Như vậy, việc xây dựng một dự án Luật trước tiên phải căn cứ vào những chính sách rõ ràng; việc thẩm tra, thẩm định Dự án Luật cũng phải bám sát những chính sách này; cũng như vậy, khi đánh giá hiệu quả của Dự án Luật, thì việc đánh giá kết quả thực thi những chính sách mà Dự án Luật này hướng tới phải là một tiêu chí chủ yếu để xem xét tính khả thi và hiệu quả của văn bản pháp luật có hiệu lực./.
 

*TS, LS. Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật & Phát triển; Giám đốc Cty Luật Hoàng Giao & Cộng sự
[1] Thông tin, số liệu trong bài viết này, dùng để phân tích chính sách về hoạt động của mô hình taxi Uber được khai thác từ nguồn thông tin tư liệu trên phương tiện truyền thông, báo điện tử. Trên thực tế, để làm đúng với lý thuyết và kỹ năng lập pháp, thông tin, số liệu định tính và định lượng dùng vào phân tích chính sách trong quy trình lập pháp/lập quy phải được thu thập bằng các công cụ điều tra xã hội học (Hoàng Ngọc Giao)
[2] Báo điện tử Vnexpress ngày 29/11 và 04/12/2014
[3] Báo điện tử Vnexpress ngày 02/12/2014
[4] Báo điện tử Vnexpress ngày 04/12/2014
[5] Mô hình kinh doanh taxi Uber không chỉ ứng dụng riêng cho lĩnh vực vận chuyển hành khách, mà còn có thể mở rộng sang các lĩnh vực vận tải khác, thậm chí không loại trừ khả năng có thể áp dụng đối với lĩnh vực dịch vụ lưu trú. Đã có những thông tin cho biết tại Việt Nam đã xuất hiện xe ôm Uber.
Ônng Jodan Condo - Giám đốc chính sách của Uber tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết, hiện Uber đã bắt đầu triển khai kết nối giao nhận vận tải hàng hóa đường bộ tại Hồng Kông, góp phần làm giảm chi phí vận tải và giá cả các loại thực phẩm. Uber sẽ lưu tâm nghiên cứu và có văn bản trả lời chính thức Bộ trưởng Đinh La Thăng. 
Ông Đặng Việt Dũng, Tổng giám đốc Uber tại Việt Nam cho biết thêm, việc kết nối vận tải hàng hóa bằng trực thăng, đường biển cũng đang được Uber thí điểm tại 6 quốc gia. Đây là những lĩnh vực rất tiềm năng, đáp ứng được nhu cầu của người dân và các doanh nghiệp.
[6] Báo điện tử Vnexpress ngày 29/11/2014
[7] Báo điện tử Vnexpress ngày 02/12/2014
[8] Báo điện tử Vnexpress ngày 02/12/2014