Những quy định mới trong Hiến pháp năm 2013 về điều ước quốc tế và việc triển khai thực hiện

01/02/2015

1. Những quy định liên quan đến điều ước quốc tế trong Hiến pháp năm 2013
Với mục tiêu xây dựng một bản Hiến pháp của thời kỳ hội nhập và phát triển đất nước nên các nội dung quan trọng liên quan đến chính sách đối ngoại của Nhà nước ta về quyền con người, bảo vệ hoà bình an ninh khu vực và thế giới, tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và điều ước quốc tế (ĐƯQT) mà Việt Nam là thành viên, lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến Việt Nam, đã được Hiến pháp năm 2013 quy định tại Điều 12, 70, 88, 96, 98 với những nội dung cơ bản sau đây:
1.1. Hiến định việc tuân thủ Hiến chương Liên Hợp quốc và các ĐƯQT mà Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên
Về phương diện pháp luật quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc là nguồn của luật quốc tế và là ĐƯQT đa phương, toàn cầu quan trọng nhất. Với giá trị pháp lý và tầm vóc như là “Hiến pháp của cộng đồng quốc tế”, Hiến chương quy định các nội dung cơ bản, quan trọng nhất liên quan đến các quốc gia, dân tộc trên toàn thế giới với tôn chỉ mục đích duy trì hòa bình và an ninh quốc tế; phát triển mối quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc bình đẳng và tự quyết của các dân tộc và tiến hành những biện pháp phù hợp khác để củng cố hòa bình thế giới; thực hiện sự hợp tác quốc tế trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế về kinh tế, xã hội, văn hoá và nhân đạo, và trong việc khuyến khích phát triển sự tôn trọng các quyền của con người và các quyền tự do cơ bản cho tất cả mọi người không phân biệt chủng tộc, giới tính, ngôn ngữ hoặc tôn giáo; trở thành trung tâm phối hợp mọi hành động của các dân tộc[1]...
Từ khi gia nhập Liên hợp quốc đến nay[2], Việt Nam luôn tuân thủ và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của quốc gia thành viên theo quy định của Hiến chương. Tuy nhiên, trong các bản Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 cũng như các bộ luật, luật và văn pháp quy phạm pháp luật khác của nước ta được ban hành trước Hiến pháp năm 2013 không có văn bản nào quy định nghĩa vụ tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc. Do vậy, Hiến pháp năm 2013 hiến định, Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam “tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc” tại Điều 12 là lần đầu tiên nước ta khẳng định và “tự ghi nhận” nghĩa vụ quốc tế đặc biệt quan trọng này. Đây là một sự thay đổi lớn, có tính bước ngoặt về chính sách đối ngoại của Nhà nước ta nhằm cụ thể hóa quan điểm nhất quán Việt Nam muốn là bạn và là đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế. Đồng thời, khẳng định vai trò và tầm quan trọng của luật quốc tế nói chung và Hiến chương Liên hợp quốc nói riêng đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận bằng những thành tựu to lớn mà Liên hợp quốc đã đạt được trong 69 năm hình thành và phát triển trên tất cả lĩnh vực của quan hệ quốc tế, đặc biệt là lĩnh vực bảo vệ hoà bình và an ninh quốc tế, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người. Do vậy, hợp tác toàn diện với Liên hợp quốc trong khuôn khổ của Hiến chương để xây dựng, bảo vệ vững chắc chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ, đa dạng hoá và đa phương hoá các mối quan hệ quốc tế là rất cần thiết. Cũng chính từ mối quan hệ hợp tác với Liên hợp quốc mà vị thế, vai trò của nước ta trong khu vực và thế giới ngày càng được củng cố và nâng cao. Chính vì vậy, hiến định nghĩa vụ tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc trong Hiến pháp là một tất yếu khách quan trong bối cảnh quốc tế ngày nay.
Bên cạnh việc hiến định nghĩa vụ tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc, lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến Việt Nam, Hiến pháp năm 2013 cũng đã hiến định nghĩa vụ tuân thủ các ĐƯQT mà Việt Nam là thành viên. Mặc dù trước đó, Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện ĐƯQT của Việt Nam năm 2005 đã quy định: “Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam tuân thủ ĐƯQT mà Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên…”[3], nhưng hiến định nghĩa vụ tuân thủ ĐƯQT trong Hiến pháp là minh chứng khẳng định mạnh mẽ nhất, có giá trị pháp lý cao nhất với các nước trên thế giới rằng, Cộng hòa XHCN Việt Nam là quốc gia tôn trọng luật quốc tế, hành xử đúng luật quốc tế và thực hiện các mối quan hệ trên cơ sở luật quốc tế. Đồng thời, với cam kết này, các quốc gia, các tổ chức quốc tế sẽ tin tưởng hơn trong việc thiết lập và thực hiện các quan hệ chính trị, kinh tế, thương mại, văn hoá, khoa học kỹ thuật… với Việt Nam. Bởi lẽ, về phương diện pháp lý quốc tế, các quốc gia có nghĩa vụ tận tâm thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế (Pacta Sunt Servanda - một trong bảy nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế). Do vậy, quy định này của Hiến pháp năm 2013 là một sự thay đổi có tính đột phá trong chính sách đối ngoại nói chung và nhận thức về tầm quan trọng đặc biệt của ĐƯQT nói riêng trong bối cảnh hiện nay. Trên thực tế, để hội nhập quốc tế có hiệu quả, đòi hỏi các quốc gia trên thế giới phải dựa vào luật quốc tế, tuân thủ luật quốc tế. Mặt khác, khi chúng ta cam kết tuân thủ và thực thi đúng luật quốc tế thì chúng ta có quyền yêu cầu các quốc gia khác cũng phải tuân thủ và thực thi luật quốc tế. Trên bình diện quốc tế, Hiến pháp của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ[4], Cộng hòa Pháp[5], Đại Hàn Dân quốc[6], Cộng hòa Ba Lan[7]… cũng quy định nghĩa vụ tuân thủ và thực hiện ĐƯQT mà quốc gia đó là thành viên. Chính vì vậy, Hiến pháp năm 2013 hiến định, Việt Nam tuân thủ ĐƯQT mà Việt Nam là thành viên hoàn toàn phù hợp với xu thế chung của các quốc gia trên thế giới.
1.2. Hiến pháp năm 2013 đã quy định rõ hơn nhiệm vụ và quyền hạn phê chuẩn, gia nhập và chấm dứt hiệu lực ĐƯQT của Quốc hội so với Hiến pháp năm 1992
Cụ thể, theo khoản 14 Điều 70 Hiến pháp năm 2013, Quốc hội có nhiệm vụ và quyền hạn “…phê chuẩn, quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lựccủa ĐƯQT liên quan đến chiến tranh, hòa bình, chủ quyền quốc gia, tư cách thành viên của Cộng hòa XHCN Việt Nam tại các tổ chức quốc tế và khu vực quan trọng, các ĐƯQT về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và các ĐƯQT khác trái với luật, nghị quyết của Quốc hội”.Với quy định này, Hiến pháp năm 2013 đã hiến định cụ thể và chi tiết hơn Hiến pháp năm 1992 về nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội liên quan đến ĐƯQT[8]. Đồng thời, xác định rõ các loại ĐƯQT mà Quốc hội có thẩm quyền phê chuẩn; quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực là các điều ước có tầm quan trọng đặc biệt đối với quốc gia liên quan đến chiến tranh, hòa bình, chủ quyền quốc gia, tư cách thành viên của Cộng hòa XHCN Việt Nam tại các tổ chức quốc tế và khu vực quan trọng, các ĐƯQT về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và các ĐƯQT trái với luật, nghị quyết của Quốc hội[9].
1.3. Hiến pháp năm 2013 đã quy định rõ hơn nhiệm vụ và quyền hạn đàm phán, ký, gia nhập và chấm dứt hiệu lực ĐƯQT của Chủ tịch nước so với Hiến pháp năm 1992
Cụ thể, theo khoản 6 Điều 88 Hiến pháp năm 2013, Chủ tịch nước có nhiệm vụ và quyền hạn: “6. …quyết định đàm phán, ký ĐƯQT nhân danh Nhà nước; trình Quốc hội phê chuẩn, quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực ĐƯQT quy định tại khoản 14 Điều 70; quyết định phê chuẩn, gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực ĐƯQT khác nhân danh Nhà nước”. Như vậy, theo Hiến pháp năm 2013, Chủ tịch nước có 4 nhiệm vụ và quyền hạn liên quan đến ĐƯQT sau đây:
(1) Quyết định đàm phán các ĐƯQT nhân danh Nhà nước[10];
(2) Ký ĐƯQT nhân danh Nhà nước;
(3) Trình Quốc hội phê chuẩn, quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực của các ĐƯQT nhân danh Nhà nước liên quan đến chiến tranh, hòa bình, chủ quyền quốc gia, tư cách thành viên của Cộng hòa XHCN Việt Nam tại các tổ chức quốc tế và khu vực quan trọng, các ĐƯQT về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và các ĐƯQT trái với luật, nghị quyết của Quốc hội;
(4) Quyết định phê chuẩn, gia nhập hoặc chấm dứt các ĐƯQT nhân danh Nhà nước khác.
Chúng tôi cho rằng, nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch nước liên quan đến ĐƯQT được quy định tại khoản 6 Điều 88 Hiến pháp năm 2013 hợp lý, khoa học, phù hợp với thực tiễn, luật pháp và thông lệ quốc tế hơn Hiến pháp năm 1992[11].
1.4. Hiến pháp năm 2013 đã quy định rõ hơn nhiệm vụ và quyền hạn đàm phán, ký, gia nhập và chấm dứt hiệu lực ĐƯQT của Chính phủ so với Hiến pháp năm 1992
Theo khoản 7 Điều 96 Hiến pháp năm 2013, Chính phủ có nhiệm vụ và quyền hạn: “Tổ chức đàm phán, ký ĐƯQT nhân danh Nhà nước theo ủy quyền của Chủ tịch nước; quyết định việc ký, gia nhập, phê duyệt hoặc chấm dứt hiệu lực ĐƯQT nhân danh Chính phủ, trừ ĐƯQT trình Quốc hội phê chuẩn quy định tại khoản 14 Điều 70…”. Theo quy định trên, Chính phủ có hai nhiệm vụ:  (1) Tổ chức đàm phán, ký điều ước nhân danh Nhà nước theo uỷ quyền của Chủ tịch nước; (2) Quyết định việc ký, gia nhập, phê duyệt hoặc chấm dứt hiệu lực ĐƯQT nhân danh Chính phủ[12] (trừ các điều ước thuộc nhiệm vụ và quyền hạn phê chuẩn, gia nhập và chấm dứt hiệu lực của Quốc hội được quy định tại khoản 14 Điều 70). Như vậy, các quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong lĩnh vực đàm phán, ký kết và thực hiện ĐƯQT tại khoản 7 Điều 96 Hiến pháp năm 2013 là khoa học và hợp lý hơn so với các quy định tại Điều 112 khoản 8 Hiến pháp năm 1992[13].
1.5. Hiến pháp năm 2013 đã bổ sung nhiệm vụ và quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ đối với các hoạt động đàm phán, ký, gia nhập và thực hiện ĐƯQT[14]
Với tư cách là người lãnh đạo công tác của Chính phủ; lãnh đạo việc xây dựng chính sách và tổ chức thi hành pháp luật; lãnh đạo và chịu trách nhiệm về hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương, bảo đảm tính thống nhất và thông suốt của nền hành chính quốc gia[15], Hiến pháp quy định Thủ tướng Chính phủ có nhiệm vụ và quyền hạn trong việc quyết định việc đàm phán, chỉ đạo việc ký, gia nhập các ĐƯQT nhân danh Chính phủ, hoặc các ĐƯQT nhân danh Nhà nước được Chủ tịch nước uỷ quyền hoàn toàn phù hợp với vai trò cũng như nhiệm vụ và quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ. Bởi lẽ, trên thực tế, hầu hết các ĐƯQT mà Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên dù được đàm phán, ký kết với danh nghĩa Nhà nước hay Chính phủ cũng đều do các thành viên của Chính phủ tham gia đàm phán, ký kết. Mặt khác, tất cả các ĐƯQT được Quốc hội hay Chủ tịch nước phê chuẩn hoặc Chính phủ phê duyệt mới phát sinh hiệu lực hoặc phát sinh hiệu lực sau khi được ký chính thức đều do Chính phủ tổ chức thực hiện thông qua hoạt động của các bộ, ngành. Do vậy, khoản 5 Điều 98 Hiến pháp năm 2013 quy định Thủ tướng Chính phủ có nhiệm vụ và quyền hạn Quyết định và chỉ đạo việc đàm phán, chỉ đạo việc ký, gia nhập ĐƯQT thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ; tổ chức thực hiện ĐƯQT mà Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên”hoàn toàn phù hợp với vị trí và vai trò của Thủ tướng Chính phủ, là người đứng đầu Chính phủ, người lãnh đạo cao nhất của Chính phủ đã được Hiến pháp quy định.
2. Triển khai thực hiện các quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến điều ước quốc tế
Hiến pháp là đạo luật cơ bản, có giá trị pháp lý cao nhất và là đạo luật quan trọng nhất của một quốc gia. Chính vì vậy, để triển khai thực hiện có hiệu quả Hiến pháp năm 2013 chúng ta phải rà soát tổng thể hệ thống pháp luật Việt Nam để sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các quy định trong các văn bản luật và dưới luật có nội dung trái với Hiến pháp, nhằm bảo đảm giá trị pháp lý và hiệu lực tối cao của Hiến pháp. Từ lập luận nói trên, chúng tôi đưa ra hai nhóm kiến nghị. Một là, kiến nghị chung về tuân thủ và thực hiện các ĐƯQT mà Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên. Hai là, một số kiến nghị cụ thể về rà soát để sửa đổi, bổ sung Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện ĐƯQT năm 2005; Pháp lệnh Ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế năm 2007; Luật Tổ chức Chính phủ năm 2002 nhằm bảo đảm nguyên tắc, mọi văn bản luật của Việt Nam phải phù hợp với Hiến pháp.  
2.1. Kiến nghị chung về tuân thủ, thực hiện Hiến chương Liên hợp quốc và các ĐƯQT mà Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên
Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, hoạt động ký kết, gia nhập và thực hiện ĐƯQT nói chung và ĐƯQT trong lĩnh vực kinh tế, thương mại nói riêng đã trở thành nhu cầu không thể thiếu của các quốc gia trên thế giới mà Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Đối với Việt Nam, hoạt động ký kết và thực hiện các ĐƯQT có một vai trò rất quan trọng, là cơ sở, nền tảng pháp lý để tăng cường và mở rộng các quan hệ hữu nghị và hợp tác quốc tế. Bên cạnh đó, công tác ký kết và thực hiện ĐƯQT cũng có những đóng góp tích cực đối với việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật của Nhà nước ta. Làm tốt công tác này sẽ góp phần to lớn vào sự nghiệp phát triển toàn diện của đất nước, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế trong bối cảnh khu vực và thế giới hiện nay. Trong đó, tuân thủ và áp dụng ĐƯQT mà quốc gia là thành viên vào thực tiễn là hoạt động mang tính quyết định kết quả hợp tác giữa các quốc gia và các chủ thể khác của luật quốc tế. Bởi lẽ, việc áp dụng ĐƯQT sẽ làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các quốc gia đã được ghi nhận trong ĐƯQT mà quốc gia là thành viên.
Về phương diện pháp luật quốc tế, tuân thủ và thực hiện ĐƯQT mà quốc gia là thành viên là nghĩa vụ pháp lý quốc tế quan trọng nhất của quốc gia. Chính vì vậy, với cam kết tại Điều 12 Hiến pháp năm 2013, Cộng hòa XHCN Việt Nam tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc[16] và các ĐƯQT mà Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên đã chính thức hiến định nghĩa vụ quốc tế của Nhà nước ta trong việc tôn trọng, tuân thủ và thực hiện ĐƯQT mà Việt Nam là thành viên nói chung và Hiến chương Liên hợp quốc nói riêng. Để thực hiện đúng cam kết này, chúng ta phải tổng kết, đánh giá toàn diện công tác ký kết và thực hiện ĐƯQT nhằm thống kê chính xác số lượng ĐƯQT mà Việt Nam đã ký, phê chuẩn, phê duyệt, gia nhập đang có hiệu lực từ trước tới nay. Đồng thời, chúng ta phải rà soát hoạt động nội luật hóa các ĐƯQT mà Việt Nam là thành viên vào nội luật[17]. Trước mắt, chúng ta cần rà soát nhằm nội luật hóa Hiến chương Liên hợp quốc và các ĐƯQT có tầm quan trọng đặc biệt đã được ghi nhận tại khoản 14 Điều 70 Hiến pháp năm 2013 liên quan đến chiến tranh, hòa bình, chủ quyền quốc gia, tư cách thành viên của Việt Nam tại các tổ chức quốc tế và khu vực quan trọng, các ĐƯQT về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và các ĐƯQT khác trái với luật, nghị quyết của Quốc hội.
Về phương pháp thực thi và nội luật hóa ĐƯQT, cần tuân thủ các nguyên tắc đã được quy định tại Điều 6 Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện ĐƯQT năm 2005. Theo đó, trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) và ĐƯQT mà Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của ĐƯQT. Việc ban hành VBQPPL phải bảo đảm không làm cản trở việc thực hiện ĐƯQT mà Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên có quy định về cùng một vấn đề[18]. Căn cứ vào yêu cầu, nội dung, tính chất của ĐƯQT, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ khi quyết định chấp nhận sự ràng buộc của ĐƯQT đồng thời quyết định áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần ĐƯQT đó đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong trường hợp quy định của ĐƯQT đã đủ rõ, chi tiết để thực hiện; quyết định hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành VBQPPL để thực hiện ĐƯQT đó[19].
Trong trường hợp ĐƯQT có quy định trái hoặc chưa được quy định trong VBQPPL của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ĐƯQT mà để thực hiệncần sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành VBQPPL của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội,phải được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi đàm phán, ký hoặc gia nhập; trong trường hợp đàm phán, ký hoặc gia nhập ĐƯQT có quy định trái với VBQPPL của Quốc hội thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội cho ý kiến[20].
2.2. Bổ sung, sửa đổi các luật hiện hành có liên quan đến ĐƯQT nhằm bảo đảm nguyên tắc, mọi văn bản luật của Việt Nam phải phù hợp với Hiến pháp
2.2.1 Bổ sung, sửa đổi Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện ĐƯQT năm 2005
Nghiên cứu nội dung của Luật này, chúng tôi thấy cần thiết phải bổ sungkhoản 2 Điều 7 các ĐƯQT về chiến tranh, quyền con ngườivà thay cụm từ “tổ chức quốc tế phổ cập và tổ chức quốc tế khu vực quan trọng” bằng cụm từ “tư cách thành viên của Cộng hòa XHCN Việt Nam tại các tổ chức quốc tế và khu vực quan trọng”. Bởi vì, theo quy định tại khoản 2Điều 7, danh mục ĐƯQT được ký kết hoặc gia nhập nhân danh Nhà nước chưa đề cập đến. Với việc bổ sung này, toàn văn của khoản 2Điều 7 Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện ĐƯQT 2005 mới sẽ có nội dung: “Điều 7….2. ĐƯQT được nội ký kết hoặc gia nhập nhân danh Nhà nước trong các trường hợp sau đây:
a) ĐƯQT do Chủ tịch nước trực tiếp ký với người đứng đầu Nhà nước khác;
b) ĐƯQT về chiến tranh, hòa bình, an ninh, biên giới, lãnh thổ, chủ quyền quốc gia;
c) ĐƯQT về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, về tương trợ tư pháp;
d) ĐƯQT về tư cách thành viên của Cộng hòa XHCN Việt Nam tại các tổ chức quốc tế và khu vực quan trọng;
đ) ĐƯQT được ký kết nhân danh Nhà nước theo thỏa thuận với bên ký kết nước ngoài.
2.2.2 Bổ sung Pháp lệnh Ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế năm 2007(gọi tắt là Pháp lệnh)
Theo khoản 1Điều 2 Pháp lệnh, nội dung thỏa thuận quốc tế là:
1.Thỏa thuận quốc tế là cam kết bằng văn bản về hợp tác quốc tế được ký kết nhân danh cơ quan nhà nước ở trung ương, cơ quan cấp tỉnh, cơ quan trung ương của tổ chức trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình với một hoặc nhiều bên ký kết nước ngoài, trừ các nội dung sau đây:
a) Hòa bình, an ninh, biên giới, lãnh thổ, chủ quyền quốc gia;
b) Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, tương trợ tư pháp;
c) Tham gia tổ chức quốc tế liên chính phủ;
d) Hỗ trợ phát triển chính thức thuộc quan hệ cấp Nhà nước hoặc Chính phủ Việt Nam;
đ) Các vấn đề khác thuộc quan hệ cấp Nhà nước hoặc Chính phủ theo quy định của pháp luật.
 Để Pháp lệnh này phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện ĐƯQT năm 2005 thì điểm a,b,c khoản 1Điều 2 Pháp lệnh cần bổ sung các nội dung về chiến tranh, quyền con người và tư cách của Cộng hòaXHCN Việt Nam tại các tổ chức quốc tế khu vực quan trọng. Từ kiến nghị này, chúng tôi đề xuất sửa đổi, bổ sung điểm a,b,c khoản 1Điều 2 Pháp lệnh với nội dung mới là:
“1……
a) Chiến tranh, hòa bình, an ninh, biên giới, lãnh thổ, chủ quyền quốc gia;
b) Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, tương trợ tư pháp;
c) Tư cách thành viên của Cộng hòa XHCN Việt Nam tại các tổ chức quốc tế và khu vực quan trọng;
d)…
đ)…”
2.2.3 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ 2001
Chúng tôi thấy cần thiết phải bổ sung các quy định liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ đối với hoạt động phê duyệt, gia nhập và chấm dứt hiệu lực của điều ước và nhiệm vụ của và Thủ tướng Chính phủ trong việc tổ chức thực hiện ĐƯQT, cụ thể:
(i) Bổ sung nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ. Theo khoản 8 Điều 8 Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001, trong lĩnh vực ĐƯQT, Chính phủ có nhiệm vụ và quyền hạn: “8. Thống nhất quản lý công tác đối ngoại; đàm phán, ký kết ĐƯQT nhân danh Nhà nước Cộng hòaXHCN Việt Nam, trừ trường hợp do Chủ tịch nước ký với người đứng đầu Nhà nước khác; đàm phán, ký, phê duyệt, gia nhập ĐƯQT nhân danh Chính phủ; chỉ đạo việc thực hiện các ĐƯQT mà Cộng hòaXHCN Việt Nam ký kết hoặc gia nhập; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, lợi ích chính đáng của tổ chức và công dân Việt Nam ở nước ngoài”. Tuy nhiên, về lĩnh vực ĐƯQT, Hiến pháp năm 2013 đã quy định cụ thể, chi tiết hơn về nhiệm vụ quyền hạn cũng như loại ĐƯQT thuộc thẩm quyền đàm phán, ký, gia nhập, phê duyệt hoặc chấm dứt hiệu lực của Chính phủ tại khoản 7 Điều 96. Do vậy, khoản 8 Điều 8 Luật Tổ chức Chính phủ cần phải sửa đổi, bổ sung nhằm đảo bảo tính thống nhất giữa Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức Chính phủ. Theo đó, khoản 8 Điều 8 Luật Tổ chức Chính phủ liên quan đến nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ về ĐƯQT cần quy định, “ Điều 8. …8. Tổ chức đàm phán, ký ĐƯQT nhân danh Nhà nước theo ủy quyền của Chủ tịch nước; quyết định việc ký, gia nhập, phê duyệt hoặc chấm dứt hiệu lực ĐƯQT nhân danh Chính phủ, trừ ĐƯQT liên quan đến chiến tranh, hòa bình, chủ quyền quốc gia, tư cách thành viên của Cộng hòaXHCN Việt Nam tại các tổ chức quốc tế và khu vực quan trọng, các ĐƯQT về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và các ĐƯQT khác trái với luật, nghị quyết của Quốc hội cần trình Quốc hội phê chuẩn; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, lợi ích chính đáng của tổ chức và công dân Việt Nam ở nước ngoài”.
 (ii)Bổ sung nhiệm vụ và quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ. Điều 20 Luật Tổ chức Chính phủ 2001 không có quy định nào về nhiệm vụ và quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến ĐƯQT. Điều này xuất phát từ việc Hiến pháp năm 1992 không quy định nhiệm vụ và quyền hạn của Thủ tướng về lĩnh vực này. Tuy nhiên, Hiến pháp năm 2013 đã quy định rất cụ thể nhiệm vụ và quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến hoạt động đàm phán, ký kết, thực hiện ĐƯQT. Do vậy, Luật Tổ chức Chính phủ cũng phải sửa đổi, bổ sung nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Hiến pháp vào thực tiễn. Từ thực trạng trên, nên bổ sung Điều 20 Luật Tổ chức Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có nhiệm vụ và quyền hạn “Quyết định và chỉ đạo việc đàm phán, chỉ đạo việc ký, gia nhập ĐƯQT thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ; tổ chức thực hiện ĐƯQT mà Cộng hòaXHCN Việt Nam là thành viên”./.
 
 

* Trưởng bộ môn Công pháp quốc tế, Khoa Luật Quốc tế - Đại học Luật TP.Hồ Chí Minh.
[1] Điều 1 Hiến chương Liên hợp quốc 1945.
[2] Tại phiên họp lần thứ 32 của Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 20/9/1977, Việt Nam được chính thức công nhận là thành viên thứ 149 của Liên hợp quốc.
 
[3] Khoản 6 Điều 3 Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện ĐƯQT năm 2005.
[4] Xem Điều 6 Hiến pháp Hợp chúng quốc Hoa Kỳ.
[5] Xem Điều 55 Hiến pháp Cộng hòa Pháp quy định: Điều ước hoặc Hiệp ước quốc tế đã được phê chuẩn hoặc phê duyệt theo đúng quy định, thì ngay khi được công bố sẽ có giá trị pháp lý cao hơn luật trong nước, với điều kiện điều ước hoặc Hiệp ước đó cũng được bên ký kết kia tôn trọng, áp dụng”. 
[6] Xem Điều 6 Hiến pháp Hàn Quốc.
[7] Xem Điều 9, khoản 1 Điều 87, Điều 91 Hiến pháp Ba Lan.
[8] Khoản 13 Điều 84 Hiến pháp năm 1992 quy định: Quốc hội có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây: “...13- Quyết định chính sách cơ bản về đối ngoại; phê chuẩn hoặc bãi bỏ ĐƯQT do Chủ tịch nước trực tiếp ký;phê chuẩn hoặc bãi bỏ cácĐƯQT khácđã đượcký kết hoặc gia nhập theo đề nghị của Chủ tịch nước”. Theo quy định này, Quốc hội chỉ có thẩm quyền phê chuẩn và bãi bỏ ĐƯQT mà không có thẩm quyền quyết định gia nhập ĐƯQT - thẩm quyền rất quan trọng của Quốc hội.
[9] Hiến pháp năm 1992 không quy định cụ thể ĐƯQT mà Quốc hội có nhiệm vụ quyền hạn phê chuẩn và bãi bỏ mà chỉ quy định chung là “...phê chuẩn hoặc bãi bỏ ĐƯQT do Chủ tịch nước trực tiếp ký; phê chuẩn hoặc bãi bỏ các ĐƯQT khác đã được ký kết hoặc gia nhập theo đề nghị của Chủ tịch nước” (khoản 13 Điều 84).
[10] Theo Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện ĐƯQT năm 2005, ĐƯQT được ký kết hoặc gia nhập nhân danh Nhà nước trong các trường hợp sau đây:
a) ĐƯQT do Chủ tịch nước trực tiếp ký với người đứng đầu Nhà nước khác;
b) ĐƯQT về hòa bình, an ninh, biên giới, lãnh thổ, chủ quyền quốc gia;
c) ĐƯQT về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, về tương trợ tư pháp;
d) ĐƯQT về tổ chức quốc tế phổ cập và tổ chức quốc tế khu vực quan trọng;
đ) ĐƯQT được ký kết nhân danh Nhà nước theo thỏa thuận với bên ký kết nước ngoài.
[11] Khoản 10 Điều 103 Hiến pháp năm 1992 quy định nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch nước liên quan đến ĐƯQT như sau: “10-Cử, triệu hồi đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam; tiếp nhận đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ngoài; tiến hành đàm phán, ký kết ĐƯQT nhân danh Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam với người đứng đầu Nhà nước khác; trình Quốc hội phê chuẩn ĐƯQT đã trực tiếp ký; quyết định phê chuẩn hoặc gia nhập ĐƯQT, trừ trường hợp cần trình Quốc hội quyết định”.
[12] Theo Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện ĐƯQT 2005, ĐƯQT được ký kết hoặc gia nhập nhân danh Chính phủ trong các trường hợp sau đây:
a) Để thực hiện ĐƯQT đã được ký kết hoặc gia nhập nhân danh Nhà nước;
b) ĐƯQT về các lĩnh vực, trừ các trường hợp quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều này;
c) ĐƯQT về các tổ chức quốc tế, trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản 2 Điều này;
d) ĐƯQT được ký kết nhân danh Chính phủ theo thỏa thuận với bên ký kết nước ngoài.
[13] Khoản 8 Điều 112 Hiến pháp năm 1992 quy định Chính phủ có nhiệm vụ và quyền hạn:“...8-Thống nhất quản lý công tác đối ngoại; đàm phán, ký kết ĐƯQT nhân danh Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, trừ trường hợp quy định tại điểm 10 Điều 103;đàm phán, ký, phê duyệt, gia nhập ĐƯQT nhân danh Chính phủ; chỉ đạo việc thực hiện các ĐƯQT mà Cộng hòa XHCN Nam ký kết hoặc gia nhập; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, lợi ích chính đáng của tổ chức và công dân Việt Nam ở nước ngoài”.
[14] Hiến pháp 1992 không có bất kỳ quy định nào về nhiệm vụ và quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến lĩnh vực đàm phán, ký kết và thực hiện ĐƯQT.
[15] Khoản 1, 2 Điều 98 Hiến pháp năm 2013.
[16] Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc bao gồm cả tuân thủ Quy chế của Tòa án Công lý quốc tế. Bởi lẽ, tại Chương XIV - Tòa án quốc tế của Hiến chương Liên hợp quốc, Điều 92 quy định: “Tòa án quốc tế là cơ quan tư pháp chính của Liên hợp quốc. Tòa án này hoạt động theo một quy chế xây dựng trên cơ sở quy chế của Tòa án quốc tế thường trực. Quy chế của Tòa án quốc tế kèm theo Hiến chương này là một bộ phận cấu thành của Hiến chương”.
[17] Ở Việt Nam, có hai quan điểm cơ bản về “nội luật hóa”. Quan điểm thứ nhất cho rằng, nội luật hóa là quá trình pháp lý do cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành nhằm chấp nhận hiệu lực ràng buộc của ĐƯQT. Quan điểm này gần như đồng nhất hoạt động nội luật hóa với việc quốc gia chấp nhận hiệu lực pháp lý của điều ước. Do đó, sau khi hoàn tất thủ tục pháp lý trong nước để chấp nhận sự ràng buộc của ĐƯQT thì các quy định của điều ước có giá trị pháp lý và được áp dụng trên lãnh thổ quốc gia. Quan điểm thứ hai cho rằng, nội luật hoá và quá trình chấp nhận hiệu lực pháp lý của ĐƯQT là hai khái niệm pháp lý khác nhau và có mối quan hệ tương đối độc lập với nhau. Việc chấp nhận hiệu lực pháp lý của điều ước là hành vi của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoàn tất các thủ tục pháp lý trong nước và thông qua đó thể hiện việc quốc gia tham gia điều ước chấp nhận việc áp dụng các quy định của điều ước đó đối với mình. Trong khi đó, nội luật hoá là quá trình các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành các hoạt động cần thiết để chuyển hóa các quy phạm của ĐƯQT thành quy phạm của pháp luật quốc gia bằng cách ban hành, sửa đổi, bổ sung VBQPPL trong nước để cho nội dung của các quy định của ĐƯQT chiếm toàn bộ hoặc đa phần nội dung của quy phạm pháp luật trong nước. Chúng tôi đồng thuận với quan điểm thứ hai. Xem thêm: Bộ Tư pháp, Viện Khoa học Pháp lý, Đề tài khoa học cấp bộ “Nội luật hóa ĐƯQT mà Việt Nam ký kết, gia nhập phục vụ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế”, Chủ nhiệm TS. Hoàng Phước Hiệp, tr.18.
[18] Khoản 1, 2 Điều 6 Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện ĐƯQT năm 2005.
[19] Khoản 3 Điều 6 Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện ĐƯQT năm 2005.
[20] Khoản 5 Điều 3 Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện ĐƯQT năm 2005.