Xây dựng, hoàn thiện pháp luật thi hành án hình sự về “tạm tha có điều kiện”

01/01/2015

Nhân đạo, khoan hồng, hướng thiện là đạo đức truyền thống của dân tộc ta, là quan điểm, chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật hình sự nói riêng, đặc biệt trong giai đoạn xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì nhân dân và thực hiện hội nhập quốc tế.
Quan điểm, chủ trương này đã được thể hiện tập trung, rõ nét trong Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020; trong đó nhấn mạnh: “Cải cách tư pháp phải... coi trọng việc hoàn thiện chính sách pháp luật hình sự và thủ tục tư pháp, đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội; giảm hình phạt tù, mở rộng áp dụng… hình phạt cải tạo không giam giữ đối với một số loại tội phạm; từng bước thực hiện việc xã hội hóa… một số công việc thi hành án”. Trên cơ sở đó, nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Đặc xá, Luật Thi hành án hình sự...; một số biện pháp hình sự mang tính nhân đạo, khoan hồng đã được quy định như đại xá, đặc xá, giảm thời hạn, miễn chấp hành hình phạt tù, tạm đình chỉ thi hành án phạt tù…
Thực tiễn thi hành các biện pháp này trong thời gian qua đã cho thấy sự đúng đắn, hiệu quả và ý nghĩa tích cực[1] mang lại đối với xã hội, Nhà nước và bản thân người phạm tội. Không chỉ bảo đảm tính trừng trị, răn đe, giáo dục, cải tạo người phạm tội và đấu tranh, phòng chống tội phạm, bảo đảm trật tự xã hội mà còn mang ý nghĩa nhân văn, nhân đạo, mở ra cơ hội mới để người phạm tội tái hòa nhập cộng đồng để phát triển; đồng thời, giảm bớt áp lực, nguồn lực cho công tác quản lý người phạm tội và phục vụ tốt yêu cầu chính trị, góp phần phát triển đất nước. Song bên cạnh đó, cũng đã xuất hiện những hạn chế, bất cập và vướng mắc, khó khăn cần phải tiếp tục nghiên cứu giải quyết. Trong đó, có một vấn đề đang được quan tâm và cần nghiên cứu thấu đáo, đó là xây dựng cơ chế “tạm tha có điều kiện trong thi hành án phạt tù”.  
Untitled_267.png
Ảnh minh họa: (Nguồn internet)
1. Tạm tha và cơ sở, sự cần thiết của việc bổ sung quy định về “tạm tha có điều kiện” trong pháp luật thi hành án hình sự  
Tạm tha (parole) là từ có nguồn gốc từ tiếng Pháp cổ, parol, với nghĩa là “lời hứa danh dự” (của một tù nhân, tù binh để được tha). Đến đầu thế kỷ XX (1908), parole đã trở thành thuật ngữ hình sự với nghĩa là “thả (phóng thích) một tù nhân trước thời hạn tù với những điều kiện kèm theo”[2]. Đến nay, “tạm tha” đã trở thành thuật ngữ pháp lý hình sự khá phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới với hàm ý chỉ một trong hệ thống các chính sách hình sự (hay biện pháp, cách thức quản lý phạm nhân) mang tính nhân đạo và xã hội hóa của Nhà nước. Tạm tha thường được xếp với một số chính sách cùng loại như: đại xá, đặc xá, tạm tha, miễn, giảm thời hạn chấp hành án, giam giữ tại nhà, kết hợp giam giữ và điều trị, cải huấn tại cộng đồng…
  Có thể nêu một số đặc điểm nổi bật của “tạm tha” được pháp luật các nước quy định để so sánh với một số chính sách tương tự như sau:
(i) Chỉ áp dụng đối với người đang chấp hành án phạt tù (hẹp hơn đại xá, đặc xá);
(ii) Thường áp dụng đối với phạm nhân được cho rằng “không nguy hiểm cho xã hội và không nhất thiết phải giam giữ”. Có thể mỗi nước có quy định khác nhau, nhưng về cơ bản đều xác định phạm nhân là người phạm tội lần đầu, phạm tội do vô ý, phạm tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng nhưng đã chấp hành được một phần của bản án; có nhân thân tốt, biết ăn năn, hối cải, có thái độ và kết quả cải tạo tốt…
(iii) Sau khi có lệnh tạm tha thì người được tạm tha không bị giam giữ (không ở trong tù mà sinh sống bên ngoài xã hội với cộng đồng);
(iv) Có thể thực hiện tạm tha thường xuyên bởi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (có thể theo đợt nhưng không chặt chẽ như đại xá, đặc xá);
(v) Mang đặc tính tư pháp và xã hội hóa nên thường được tiến hành bởi cơ quan tư pháp (không nặng tính chính trị như đại xá, đặc xá);
(vi) Về mặt pháp lý, người được tạm tha vẫn là phạm nhân và vẫn đang thi hành án phạt tù (hậu quả pháp lý khác đại xá, đặc xá);
(vii) Có cơ chế giám sát chặt chẽ sau đó.
Ở nước ta, thuật ngữ “tạm tha” chưa được định nghĩa một cách chính thức, phổ biến trong từ điển tiếng Việt và trong các văn bản quy phạm pháp luật về hình sự hiện nay cũng không quy định biện pháp này. Có chăng, ở giai đoạn 1945 - 1957, thuật ngữ này được sử dụng trong một số văn bản quy phạm pháp luật[3] nhưng lại có nội hàm khác. Theo các văn bản này, “tạm tha” được hiểu là hệ quả pháp lý từ việc tạm giữ, tạm giam. Tức là, sau thời hạn tạm giữ, tạm giam, cơ quan có thẩm quyền có thể ra quyết định “tha hẳn, tạm tha, hoặc giải lên Toà án nhân dân hoặc công an cấp trên”. Lệnh tạm tha thường được áp dụng khi xét thấy việc tạm giam không cần thiết cho cuộc điều tra nữa, hoặc việc tạm tha không gây nguy hiểm gì cho trật tự chung; hoặc đối với những can phạm già yếu, có bệnh nặng, hoặc phụ nữ có thai nghén, hoặc phụ nữ đang thời kỳ cho con bú (nhưng nếu cần sẽ giám thị tại chỗ ở).
Trong pháp luật hình sự hiện hành không có quy định về tạm tha phạm nhân nhưng có một số khái niệm khá tương đồng như (i) đại xá, (ii) đặc xá; (iii) giảm thời hạn; (iv) miễn chấp hành hình phạt tù; (v) tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù. Tuy nhiên, nếu so sánh với khái niệm và các đặc điểm của tạm tha như trên thì có sự khác biệt.
Theo chúng tôi, việc nghiên cứu để xây dựng cơ sở pháp lý về tạm tha trong hệ thống pháp luật thi hành án phạt tù ở nước ta là cần thiết, bởi những lý do cơ bản sau đây:
Thứ nhất, đây là một biện pháp phù hợp với bản chất nhân đạo và chính sách khoan hồng của xã hội, Nhà nước, Đảng ta; đồng thời, góp phần hiện thực hóa tư tưởng của Hiến pháp mới năm 2013 về đề cao, tôn trọng, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân. Rõ ràng là nếu tạm tha được triển khai thì nhiều khía cạnh của quyền con người sẽ được bảo đảm hơn như ăn, mặc, ở, đi lại…;
Thứ hai, tạm tha là một biện pháp hình sự mới, việc bổ sung vào luật sẽ không gây chồng chéo, làm ảnh hưởng quá nhiều tới thực tế thực thi các biện pháp tương đồng trong thi hành án phạt tù hiện nay như đại xá, đặc xá, miễn, giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, tạm định chỉ chấp hành án phạt tù… Mặt khác, còn tăng tính đa dạng của các biện pháp, qua đó tăng sự linh động, chủ động trong việc lựa chọn các biện pháp cũng như bảo đảm tính phù hợp, hiệu quả.
Có thể thấy rõ hơn sự cần thiết của việc bổ sung biện pháp tạm tha qua sự việc xảy ra tại Đồng Nai, Bình Dương, Hà Tĩnh vào tháng 5/2014 (xuất phát từ việc người dân biểu tình phản đối việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép vào vùng thềm lục địa, vùng đặc quyền của Việt Nam), đã có trên 300 trường hợp bị xử lý nhưng không có trường hợp nào là “tù tha”.
Thứ ba, góp phần khắc phục được một số hạn chế, bất cập từ công tác đặc xá hiện nay như số lượng người được đặc xá nhiều và có xu hướng tăng, trong khi đó hậu quả pháp lý của đặc xá là “tha tù trước thời hạn” nên trong một số trường hợp, rất khó quản lý, kiểm soát và xử lý đối với những đối tượng sau khi đã được đặc xá.
Thứ tư, phù hợp với thực tế công tác giáo dục, cải tạo và chủ trương xã hội hóa công tác hình sự cũng như giảm áp lực cho công tác quản lý và tiết kiệm ngân sách nhà nước.
Thực tiễn cho thấy, (i) hiệu quả, công tác giáo dục, cải tạo có chuyển biến tích cực rõ nét trong những năm qua (tỷ lệ phạm nhân cải tạo khá, tốt chiếm trên 60%; số tha tù tái phạm chỉ 6%, ở thành phố là trên 7%). (ii) từ năm 2008 đến 2013, bình quân hàng năm, số lượng người có án phạt tù tăng khoảng 13%. Điều này gây áp lực rất lớn đối với công tác quản lý cũng như tốn kém ngân sách của Nhà nước[4]. Theo tính toán ban đầu, nếu thực hiện biện pháp tạm tha thì hàng năm có khoảng 7.000 phạm nhân được tạm tha và tiết kiệm cho ngân sách khoảng 250 tỉ đồng[5]. Đây cũng là cơ sở đáng tin cậy cho việc có thể mở rộng biện pháp hình sự để đối tượng được hòa nhập cộng đồng sớm hơn.
Thứ năm, là sự kế thừa, phát triển quy định của pháp luật hình sự Việt Nam, đồng thời phù hợp với xu thế của nhiều nước trên thế giới.
Đối với pháp luật Việt Nam, như đã đề cập ở phần trên, biện pháp tạm tha đã được quy định trước đó. Dù rằng nội hàm có sự khác biệt, nhưng cũng đã có những nét tương đồng như về đối tượng, điều kiện… làm cơ sở cho việc kế thừa, phát triển chính sách hình sự trong giai đoạn hiện nay.
Tạm tha là một biện pháp trong thi hành án phạt tù được khá nhiều nước trên thế giới áp dụng, kể cả ở những nước phát triển (Mỹ, Canada, Anh, Hà Lan, Thụy Sỹ, Thuỵ Điển, Nhật Bản, Australia...) hay ở những nước đang phát triển (Thái Lan, Ma-lai-xi-a...). Hiện nay, ở Châu Âu đã lập Hiệp hội Tạm tha và hình thành Hiệp hội Tạm tha thế giới với sự tham gia của nhiều quốc gia. Kinh nghiệm cho thấy, việc thực hiện biện pháp tạm tha là có hiệu quả, chứa đựng nhiều yếu tố tích cực.
2. Một số kiến nghị về tạm tha trong quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật thi hành án hình sự
Thứ nhất, cần có nhận thức, quan điểm thống nhất, chính xác về tạm tha có điều kiện
Trước hết, phải coi tạm tha chỉ là thay đổi hình thức thực hiện chấp hành án phạt tù, từ chỗ đang chấp hành án phạt tù trong các cơ sở giam giữ, sang “nơi mới” ở cộng đồng xã hội (không giam giữ); chỉ áp dụng đối với những phạm nhân cải tạo tiến bộ và kèm theo những cơ chế giám sát cụ thể nhằm mục đích giúp những phạm nhân này có cơ hội, điều kiện dần tái hoà nhập cộng đồng.
Cụ thể hơn, “tạm tha có điều kiện” là hình phạt tù không giam giữ cho phạm nhân có mức án còn lại do Chánh án Toà án nhân dân tối cao quyết định tạm tha có điều kiện cho phạm nhân bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân đã được ân giảm có thời hạn, trên cơ sở đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Phạm nhân có đủ điều kiện phải viết đơn xin tạm tha và cam kết thực hiện các quy định của Toà án nhân dân và phải chịu sự quản lý, giáo dục của chính quyền địa phương.
Trong thời gian tạm tha, nếu người được tạm tha có hành vi vi phạm pháp luật hoặc các quy định bắt buộc đối với người được tạm tha thì sẽ bị huỷ bỏ quyết định tạm tha và phải đưa trở lại các cơ sở giam giữ để tiếp tục chấp hành hết thời hạn tù còn lại; trường hợp phạm tội mới thì phải tổng hợp phần án phạt tù còn lại với bản án phạt tù mới.
Về cách thức hoàn thiện cơ sở pháp lý quy định về tạm tha có điều kiện, có thể bổ sung những quy định có liên quan vào trong Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự hoặc ban hành một đạo luật mới.
Thứ hai, đối tượng, điều kiện để xét tạm tha có điều kiện và trường hợp không được xét tạm tha có điều kiện
- Đối tượng xét tạm tha có điều kiệnngười bị kết án phạt tù đang chấp hành án phạt tù tại trại giam, trại tạm giam, Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, Cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu.
Điều kiện để phạm nhân được xét tạm tha có điều kiện bao gồm:
(i) Phạm tội lần đầu;
(ii) Đã thực sự chấp hành ít nhất được một phần hai (1/2) thời hạn tù;
(iii) Đối với những người phạm tội do vô ý, vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết; phạm nhân là người chưa thành niên, phụ nữ có con nhỏ, phạm nhân là lao động chính hoặc cả vợ và chồng đang chấp hành án phạt tù có hoàn cảnh gia đình khó khăn (nên ưu tiên cho người là vợ); trường hợp đặc biệt (đã lập công lớn trong khi chấp hành án phạt tù; mắc bệnh hiểm nghèo hoặc đã quá già yếu, nữ 60 tuổi, nam 70 tuổi trở lên) thì đều phải chấp hành được ít nhất một phần ba (1/3) thời hạn tù;
(iv) Đã thực sự ăn năn hối cải, chấp hành tốt Nội quy trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, tích cực học tập, lao động cải tạo, liên tục được xếp loại chấp hành án phạt tù từ khá trở lên;
(v) Đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là phạt tiền, bồi thường thiệt hại, tiền truy thu, án phí hoặc nghĩa vụ dân sự khác, trừ những phạm nhân không bị kết án phạt tù về các tội phạm về tham nhũng đã 70 tuổi trở lên hoặc trên 60 tuổi nhưng thường xuyên ốm đau hoặc người đang mắc bệnh hiểm nghèo mà bản thân người đó và gia đình không còn khả năng thực hiện;
(vi) Phạm nhân đang chấp hành án phạt tù mà trước đó đã được Toà án quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù hoặc giảm xuống có thời hạn đối với người bị kết án chung thân;
(vii) Có đơn của phạm nhân xin tạm tha và cam kết tuân thủ pháp luật, các quy định bắt buộc đối với người được tạm tha; chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của địa phương, nội quy, quy chế nơi cư trú, làm việc;
(viii) Có nơi cư trú nhất định;
(ix) Khi được tạm tha không làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
- Các trường hợp không được xét tạm tha có điều kiện:
(i) Bản án hoặc quyết định của Toà án đối với phạm nhân đang có kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm; phạm nhân đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội khác hoặc đã được tạm tha có điều kiện hoặc đã được đặc xá;
(ii) Phạm nhân bị kết án về các tội đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia, tham nhũng có án phạt từ 15 năm trở lên, tội phạm chiến tranh, tội phạm phá hoại hoà bình;
(iii) Những đối tượng không thuộc diện được tạm tha theo quy định của từng đợt xét tạm tha.
Thứ ba, thời điểm và diện đối tượng xét tạm tha
Có thể quy định “cứng” 1-2 năm/lần (vì đa số là tội phạm ít nghiệm trọng nên hình phạt dưới 5 năm tù) hoặc theo hướng “mềm” là căn cứ vào yêu cầu chính trị, pháp luật và thực tế công tác thi hành án hình sự, Bộ trưởng Bộ Công an thống nhất với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Toà án nhân dân tối cao quy định thời điểm và diện đối tượng xét tạm tha có điều kiện theo đề nghị của Cơ quan quản lý thi hành án hình sự Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.
Thứ tư, thời gian chấp hành tạm tha và thử thách đối với người được tạm tha có điều kiện
Thời gian chấp hành tạm tha đối với người được tạm tha là thời gian còn lại chưa chấp hành án phạt tù, tính từ ngày công bố quyết định tạm tha. Thời gian thử thách bằng thời gian còn lại của án phạt tù, nhưng không quá 05 năm đối với phạm nhân phạm tội lúc tuổi vị thành niên.
Thứ năm,trình tự, thủ tục xét, đề nghị, quyết định tạm tha
- Hội đồng xét, đề nghị tạm tha của trại giam thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng lập hồ sơ đề nghị tạm tha chuyển cho Hội đồng Thẩm định của Cơ quan quản lý thi hành án hình sự Bộ Công an, Bộ Quốc phòng kiểm tra, thẩm định. Các trại tạm giam thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng lập hồ sơ, báo cáo cơ quan quản lý trực tiếp cấp trên xem xét và đề nghị Hội đồng Thẩm định của Cơ quan quản lý thi hành án hình sự Bộ Công an, Bộ Quốc phòng kiểm tra, thẩm định.
Hội đồng xét, đề nghị tạm tha của Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện và trại tạm giam do Công an cấp tỉnh quản lý lập hồ sơ đề nghị tạm tha có điều kiện, báo cáo Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh xem xét, đề nghị Hội đồng Thẩm định của Cơ quan quản lý thi hành án hình sự Bộ Công an kiểm tra, thẩm định. Hội đồng xét, đề nghị tạm tha có điều kiện của trại giam, trại tạm giam cấp quân khu quản lý lập hồ sơ đề nghị tạm tha có điều kiện, báo cáo Cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu xem xét, đề nghị Hội đồng Thẩm định của Cơ quan quản lý thi hành án hình sự Bộ Quốc phòng kiểm tra, thẩm định.
Khi họp Hội đồng để xét, đề nghị tạm tha của các trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng; Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh mời Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh hoặc Viện Kiểm sát quân sự cấp quân khu (đối với trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng) dự và kiểm sát.
- Cơ quan quản lý thi hành án hình sự Bộ Công an báo cáo lãnh đạo Bộ Công an; Cơ quan quản lý thi hành án hình sự Bộ Quốc phòng báo cáo lãnh đạo Bộ Quốc phòng xem xét, phê duyệt chính thức hồ sơ, danh sách đề nghị Hội đồng xét, quyết định tạm tha của Toà án nhân dân tối cao.
- Tòa án nhân dân tối cao thành lập Hội đồng xét, quyết định tạm tha có điều kiện do Chánh án hoặc Phó Chánh án Toà án nhân dân tối cao làm Chủ tịch, các uỷ viên gồm: Đại diện lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, đại diện Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và một số lãnh đạo đơn vị thuộc Toà án nhân dân tối cao có liên quan.
Thứ sáu, quyền, nghĩa vụ và quản lý người được tạm tha có điều kiện
Trong thời gian tạm tha, người được tạm tha được hưởng các quyền cơ bản của công dân (trừ những quyền mà Toà án đã hạn chế hoặc tước bỏ trong bản án đã tuyên đối với từng người và các nội dung trong quy định bắt buộc đối với người được tạm tha). Đồng thời, phải thực hiện các quy định bắt buộc gồm:
- Sau khi được tạm tha phải trình báo ngay UBND cấp xã nơi về cư trú và đăng ký tạm trú theo quy định của Luật Cư trú;
- Thực hiện cam kết của mình về tuân thủ pháp luật và các quy định tạm tha; chấp hành nghiêm chỉnh quy định của địa phương, nội quy, quy chế nơi cư trú, làm việc. Không thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự đến mức phải ra quyết định xử lý hành chính;
- Chấp hành nghiêm các quy định về quản lý, giám sát và giáo dục người được tạm tha;
- Chịu sự quản lý, giám sát, giáo dục của UBND cấp xã, đơn vị quân đội được giao quản lý, giám sát; Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu nơi cư trú, làm việc và người được cơ quan có thẩm quyền phân công quản lý, giáo dục;
- Bị hạn chế quyền tự do cư trú. Đi khỏi địa bàn cấp xã nơi cư trú trong thời gian 01 ngày (24 giờ) phải được sự đồng ý của cán bộ được giao quản lý, giáo dục trực tiếp; từ trên 01 ngày trở lên phải được sự đồng ý của UBND cấp xã;
- Phải có mặt theo yêu cầu của UBND cấp xã hoặc đơn vị quân đội được giao quản lý, giám sát, giáo dục đối với đối tượng quân đội quản lý; Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, Cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu;
- Định kỳ hàng tháng hoặc khi có yêu cầu phải báo cáo bằng văn bản việc chấp hành các quy định đối với người được tạm tha với UBND cấp xã hoặc đơn vị quân đội được giao quản lý, giám sát, giáo dục; Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, Cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu;
- Bị cấm tham gia tổ chức chính trị; cấm đảm nhận chức vụ, quyền hạn; bị cấm tham gia các hoạt động có điều kiện; không được thực hiện quyền bầu cử, ứng cử đại biểu HĐND các cấp; quyền bầu cử, ứng cử đại biểu Quốc hội;
- Người đang được tạm tha không được hưởng đặc xá./.
 

[1] Từ năm 2002 đến 2012, Việt Nam đã có 107.709 người được đặc xá, trong đó phần lớn đã ổn định cuộc sống, hoà nhập cộng đồng, tỷ lệ người được đặc xá vi phạm pháp luật chỉ chiếm 3,02%.
[2] http://dictionary.reference.com/browse/parole
[3] (i) Sắc lệnh về việc bảo vệ tự do cá nhân năm 1946; (ii) Sắc lệnh ấn định thủ tục truy tố các khinh tội hay trọng tội khi phạm nhân là Bộ trưởng, Thứ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban hành chính Kỳ hay tỉnh và Đại biểu Quốc hội năm 1946; (iii) Luật về Bảo đảm quyền tự do thân thể và quyền bất khả xâm phạm đối với nhà ở, đồ vật, thư tín của nhân dân năm 1957...
[4] Để đầu tư xây dựng mới 01 Phân trại có quy mô giam giữ 1.000 phạm nhân, cần kinh phí khoảng 100 tỷ đồng và kinh phí chi cho hoạt động thi hành án phạt tù, chi cho việc thực hiện chế độ ăn, ở, mặc và các chế độ khác cho 01 phạm nhân bình quân là 36 triệu đồng/năm và biên chế cho 01 phân trại khoảng 160 cán bộ, chiến sỹ.
[5] Xem: Suy nghĩ về một đề tài xây dựng dự án Luật Tạm tha cho phạm nhân, (http://vksdongnai.gov.vn)