Thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc theo Bộ luật Dân sự năm 2005

01/01/2015

Chế định thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc lần đầu tiên được quy định tại Điều 20 Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 với tiêu đề "Những người được hưởng di sản không phụ thuộc vào nội dung của di chúc", sau đó được quy định tại Bộ luật Dân sự năm 1995 tại Điều 672 và hiện nay được Bộ luật Dân sự năm 2005 (BLDS 2005) thể hiện tại Điều 669 với tiêu đề "người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc". Mặc dù BLDS 2005 đã quy định khá hoàn chỉnh về vấn đề này, tạo cơ sở pháp lý cho việc giải quyết các tranh chấp về thừa kế, tuy nhiên, chế định này vẫn còn một số vướng mắc khi thực thi. Chẳng hạn, luật quy định người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc phải được hưởng ít nhất bằng 2/3 suất thừa kế nếu như di sản được chia theo pháp luật, nhưng lại không nêu rõ là "di sản" nào. Trên thực tế, có những người vừa để lại di sản theo di chúc, vừa để lại di sản theo pháp luật, hoặc mặc dù họ để lại toàn bộ di sản theo di chúc nhưng đến thời điểm mở thừa kế thì có phần di chúc không có hiệu lực, nhưng theo quy định phần di sản đó sẽ được chia theo pháp luật. Vậy để xác định 2/3 của một suất thừa kế theo pháp luật, chúng ta chia trên toàn bộ di sản của người chết để lại hay chỉ lấy phần mà người đó để lại theo di chúc hoặc theo pháp luật? Hơn nữa, trong quá trình chia di sản thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc, do không có hướng dẫn nên có nhiều cách chia khác nhau, vấn đề là một người đã được hưởng di sản thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc thì có được hưởng di sản thừa kế theo pháp luật nữa không?
Untitled_276.png
Ảnh minh họa: (Nguồn internet)
1. Di sản được chia để xác định một suất thừa kế theo pháp luật nên hiểu thế nào?
Điều 669 BLDS 2005 quy định: "Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó, trừ khi họ là những người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 642 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 643 của Bộ luật này:
1. Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
2. Con đã thành niên mà không có khả năng lao động".
Quy định trên đây được hiểu như sau: những người nêu trên thuộc diện thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc trong trường hợp người lập di chúc không cho hưởng di sản theo di chúc hoặc có cho hưởng, nhưng phần mà họ được hưởng theo di chúc ít hơn 2/3 của một suất thừa kế nếu di sản được chia theo pháp luật. Không cho hưởng được hiểu là người lập di chúc thể hiện rõ ý chí truất quyền hưởng di sản của những người nói trên hoặc là họ không đề cập đến những người này trong di chúc. Chẳng hạn, ông A và bà B là vợ chồng, không có con. Năm 2009, ông A lập di chúc cho cô M là hàng xóm được hưởng toàn bộ di sản. Năm 2010, ông A chết. Vậy trong trường hợp này, bà B là người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc nên bà B phải được hưởng phần di sản bằng ít nhất 2/3 của một suất nếu di sản được chia theo pháp luật.  
Còn trường hợp người lập di chúc cho hưởng nhưng những người này lại được cho hưởng ít hơn 2/3 của một suất thừa kế theo pháp luật, thì họ cũng được thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc, họ phải được hưởng ít nhất bằng 2/3 suất thừa kế nói trên.
Vấn đề là cách xác định 2/3 của một suất thừa kế theo pháp luật là như thế nào? Di sản được chia theo pháp luật để xác định 2/3 của một suất thừa kế là "di sản" nào? Là di sản mà người lập di chúc định đoạt trong di chúc hay là toàn bộ di sản của người đó? Để làm rõ vấn đề này, ta xét ví dụ sau: Ông M và bà H là vợ chồng hợp pháp có B và C là con chung. Năm 2008, ông M lập di chúc cho B được hưởng di sản là 500 triệu, cho C hưởng 500 triệu và truất quyền hưởng di sản của bà H. Năm 2010, ông M chết, di sản của ông M xác định được là 1,2 tỷ đồng. Năm 2011, bà H khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế của ông M.
Theo quy định của BLDS hiện hành, bà H là người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc của ông M nên bà H phải được hưởng phần di sản ít nhất bằng 2/3 suất thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật. Nhưng luật lại không nói rõ "di sản" này là "di sản" nào, nên có nhiều cách hiểu khác nhau.
Cách hiểu thứ nhất cho rằng, nên lấy phần di sản mà người lập di chúc định đoạt trong di chúc chia cho tất cả những người thừa kế theo pháp luật có quyền hưởng di sản của người đó để xác định một suất thừa kế. Nếu như vậy thì một suất thừa kế theo pháp luật trong ví dụ nêu trên sẽ được 333,3 triệu đồng (lấy 01 tỷ đồng chia cho 3 người), và 2/3 của một suất sẽ được 222,2 triệu đồng;
Cách hiểu thứ hai cho rằng, nên lấy toàn bộ di sản của người chết chia cho những người thừa kế theo pháp luật của người đó để xác định một suất thừa kế. Nếu như vậy thì một suất thừa kế theo pháp luật trong ví dụ nêu trên sẽ được 400 triệu đồng (lấy 1,2 tỷ đồng chia cho 3 người), và 2/3 của một suất sẽ được 266,6 triệu đồng;
Cách hiểu thứ ba cho rằng, chỉ lấy phần di sản mà người lập di chúc không định đoạt trong di chúc để xác định một suất thừa kế theo pháp luật. Nếu như vậy, một suất thừa kế theo pháp luật trong ví dụ nêu trên sẽ được 66,6 triệu đồng (lấy 200 triệu đồng chia cho 3 người), và 2/3 của một suất sẽ được 44,4 triệu đồng.
Tuy nhiên, cách hiểu thứ ba không được nhiều người đồng tình, vì nếu người lập di chúc định đoạt hết toàn bộ di sản trong di chúc thì không thể xác định được một suất thừa kế theo pháp luật như trên.
Cách hiểu thứ hai được đa số đồng ý, tuy nhiên, chúng tôi lại muốn phân tích ở một góc độ khác. Vì những người đồng tình với cách hiểu thứ nhất cũng không hoàn toàn sai. Để chứng minh cho vấn đề này, ta xét ví dụ sau: Ông K và bà H là vợ chồng hợp pháp có ba người con chung là C, D và E. Năm 2007, ông K lập di chúc cho C được hưởng di sản là 100 triệu đồng và truất quyền hưởng di sản của bà H. Năm 2008, ông K chết, di sản được xác định có 01 tỷ đồng. Năm 2010, bà H khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế của ông K.
Trong trường hợp này, nếu chúng ta lấy toàn bộ di sản của ông K chia cho tất cả những người thừa kế theo pháp luật đủ điều kiện hưởng di sản thì ta có một suất thừa kế là 250 triệu đồng, và 2/3 của một suất là 166,6 triệu đồng. Vậy, 166,6 triệu đồng mà bà H được hưởng không phụ thuộc vào di chúc sẽ được lấy từ đâu? Nếu chúng ta lập luận rằng phần di sản mà người được thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc chỉ được trừ vào phần di sản mà người lập di chúc định đoạt trong di chúc thì không phù hợp trong trường hợp này, bởi C chỉ được nhận có 100 triệu đồng, mà nếu trừ hết của C thì vẫn chưa đủ phần di sản mà bà H được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc, hơn nữa lại không bảo vệ được quyền lợi hợp pháp cho C, vì C được thừa kế theo ý chí của người lập di chúc nhưng cuối cùng C lại không có quyền đó, mặc dù không vi phạm gì. Mặt khác, cũng không thể trừ số tiền này vào phần di sản không được định đoạt trong di chúc, vì đây là "thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc" chứ không phải thừa kế không phụ thuộc vào ý chí của nhà làm luật.
2. Người được thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc có được hưởng di sản thừa kế theo pháp luật nữa không?
Điều 631 BLDS 2005 quy định về quyền thừa kế như sau: "Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật".
Như vậy, trong phạm vi quyền thừa kế theo quy định của BLDS không đề cập đến việc một người đã được thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc thì có được hưởng di sản thừa kế theo pháp luật nữa hay không. Tuy nhiên, quy định thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc lại nằm trong Chương XXIII, Phần thứ tư của BLDS về thừa kế theo di chúc, chứ không nằm vào chương XXIV về thừa kế theo pháp luật. Do đó, thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc không phải là thừa kế theo pháp luật.
Xét về diện thừa kế, những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc, họ cũng là những người thuộc phạm vi được hưởng di sản thừa kế theo pháp luật. Xét về hàng thừa kế, họ cũng nằm trong hàng thừa kế được hưởng di sản thừa kế theo pháp luật. Vậy, nếu không cho họ hưởng di sản thừa kế theo pháp luật là không bảo đảm quyền lợi cho họ.
Chế định mà chúng ta đang nghiên cứu là chế định "thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc". Trong chế định này, những người được bảo vệ "trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn 2/3 suất đó". Như vậy, chúng ta vận dụng chế định này khi người có tài sản định đoạt tài sản này "lập di chúc"[1], mà "di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết". Vậy, việc không cho những người thuộc diện thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc được hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng nhưng ít hơn 2/3 của một suất thừa kế theo pháp luật là ý chí của cá nhân người lập di chúc. Vì ý chí của người lập di chúc xâm hại đến quyền lợi của những người mà chế định "thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc" bảo vệ, cho nên để bảo vệ họ, pháp luật quy định, mặc dù người lập di chúc không cho họ hưởng di sản hoặc cho hưởng nhưng ít hơn 2/3 của một suất thừa kế theo pháp luật thì họ vẫn được hưởng di sản ít nhất bằng 2/3 suất đó.
Như vậy, việc pháp luật bảo vệ quyền lợi cho những người thừa kế này và việc họ đương nhiên được hưởng thừa kế theo pháp luật là khác nhau. Họ được thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc là do người lập di chúc không cho họ hưởng, do ý chí của người lập di chúc không phù hợp với đạo lý, bởi người Việt Nam vốn coi trọng nghĩa tình, "một ngày cũng là đạo nghĩa phu thê", "giọt máu đào hơn ao nước lã", cho nên pháp luật mới quy định hạn chế quyền của người lập di chúc nhằm bảo vệ những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc. Còn việc họ được hưởng di sản theo pháp luật là quyền thừa kế cơ bản của mỗi cá nhân. Do đó, không thể lẫn lộn giữa thừa kế theo pháp luật và thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc.
Để làm rõ vấn đề này, xin viện dẫn ví dụ sau: Vợ chồng ông A, bà B có 2 người con chung là C và D đều đã trưởng thành. Ông A chết, có để lại di chúc định đoạt 1/2 di sản cho anh C và 1/2 cho anh D. Nhưng anh C đã chết trước ông A. Di sản của ông A xác định được là 120 triệu đồng. Sau khi ông A qua đời, bà B yêu cầu tòa án chia thừa kế di sản của ông A.
Theo tình huống trên, di sản của ông A được chia như sau: ông A đã định đoạt toàn bộ di sản cho hai người con hưởng mà không chỉ định cho bà B hưởng nhưng bà B không phải là người bị ông A truất quyền hưởng di sản. Bà B được hưởng phần di sản được chia theo pháp luật là phần di sản liên quan đến phần di chúc ông A chỉ định cho C nhưng C đã chết trước ông A, phần di chúc này không có hiệu lực thi hành. Vậy anh D được hưởng 1/2 di sản của ông A, theo đó anh D được 60.000.000 đồng; còn 1/2 di sản của ông A liên quan đến phần di chúc cho C hưởng không có hiệu lực pháp luật được chia theo pháp luật. Những người thừa kế theo pháp luật tại hàng thừa kế thứ nhất nhận di sản của ông A gồm bà B, anh C, anh D. Nhưng anh C đã chết trước ông A, không có người thừa kế thế vị, do vậy di sản của ông A chia theo pháp luật cho bà B và anh D hưởng, theo đó bà B và anh D mỗi người được hưởng 30.000.000 đồng.
Bà B được hưởng theo pháp luật di sản của ông A được 30.000.000 đồng nhưng nếu theo quy định tại Điều 669 BLDS thì bà B còn thiếu là 10.000.000 đồng theo cách tính: Nếu không có di chúc thì bà B và anh D là hai người thừa kế tại hàng thứ nhất nên B và D mỗi người được hưởng 60.000.000 đồng. Một suất thừa kế theo pháp luật trong trường hợp này là 60.000.000 đồng, do vậy 2/3 là 40.000.000 đồng. Bà B phải được hưởng phần tối thiểu là 40.000.000 đồng nhưng bà B mới được chia 30.000.000 đồng theo pháp luật. Phần còn thiếu của bà B là 10.000.000 đồng được trừ vào phần di sản của anh D được hưởng theo di chúc, vậy anh D chỉ còn được hưởng thừa kế theo di chúc là 50.000.000 đồng. Tổng hợp người được thừa kế và phần di sản họ được: Bà B hưởng 40.000.000 đồng; anh D hưởng 50.000.000 đồng theo di chúc và 30.000.000 đồng theo pháp luật, tổng anh D được hưởng là 80.000.000 đồng[2].
Trong trường hợp này, bà B là người thừa kế theo pháp luật của ông A nên bà B đương nhiên được hưởng thừa kế theo pháp luật của ông A như anh D, nên không có lý do gì D vừa được thừa kế theo di chúc lại vừa được thừa kế theo pháp luật, trong khi bà B là người được pháp luật chú trọng bảo vệ hơn lại chỉ được hưởng một phần di sản là 2/3 của một suất thừa kế theo pháp luật với lập luận rằng vì bà B đã được hưởng di sản thừa kế theo pháp luật là 30.000.000 đồng rồi, nên phần di sản mà bà B được thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc theo Điều 669 BLDS còn thiếu 10.000.000 đồng nữa trừ vào phần di sản D được hưởng theo di chúc
Điều 632 BLDS 2005 quy định: "Mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền để lại tài sản của mình cho người khác và quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật". Như vậy, theo luật thì bà B và D đều bình đẳng với nhau về quyền thừa kế theo pháp luật, do đó, phần di sản mà bà B được hưởng theo pháp luật phải giữ nguyên, đồng thời bà B còn được hưởng thêm một phần di sản ít nhất bằng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật nữa, vì ý chí của người lập di chúc không cho bà B hưởng nhưng bà B thuộc đối tượng được pháp luật bảo vệ theo Điều 669 BLDS.
Muốn làm được như vậy, chúng ta phải tính 2/3 của một suất thừa kế theo pháp luật dựa trên phần di sản mà người lập di chúc đã định đoạt trong di chúc và phần đó có hiệu lực pháp luật, vì tên của Điều luật là “thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc”. Chẳng hạn, trong ví dụ nêu trên thì 60 triệu đồng ông A định đoạt cho C nhưng vì C đã chết trước ông A, và C cũng không có người thừa kế thế vị, nên theo quy định tại Điều 641 và Điều 675 thì 60 triệu đồng này sẽ được chia theo pháp luật. Hàng thừa kế thứ nhất của ông A có bà B và D đều còn sống và đủ điều kiện hưởng di sản, mỗi người được hưởng một phần di sản ngang nhau là 30 triệu đồng. Mặt khác, vì di chúc của ông A không thể hiện ý chí cho bà B được hưởng di sản theo di chúc, nên theo quy định tại Điều 669 BLDS thì bà B thuộc diện thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc của ông A nên phải được hưởng một phần di sản ít nhất bằng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu di sản được chia theo pháp luật. Do đó, nếu di sản của ông A định đoạt trong di chúc được chia theo pháp luật thì một suất là 30.000.000 đồng, và 2/3 của một suất là 20.000.000 đồng. Bà B được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc là 20.000.000 đồng. Vậy, tổng hợp lại, những người được thừa kế và di sản mà họ được hưởng là: Bà B được thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc và thừa kế theo pháp luật là 50.000.000 đồng; D được thừa kế theo di chúc và theo pháp luật là 70.000.000 đồng.
3. Kiến nghị
Từ những phân tích trên, chúng tôi đề xuất một số kiến nghị sau:
Thứ nhất, để có cách hiểu thống nhất về quy định tại Điều 669 BLDS 2005, luật nên quy định cụ thể hơn về di sản được chia theo pháp luật để xác định 2/3 của một suất thừa kế theo pháp luật là "di sản" nào, là di sản được định đoạt trong di chúc hay là toàn bộ di sản. Ví dụ: "Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu di sản được định đoạt trong di chúc/toàn bộ di sản được chia theo pháp luật...".
Thứ hai, thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc không phải là một quy định của chế định thừa kế theo pháp luật. Do vậy, mặc dù luật không quy định là một người có thể vừa được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc vừa được hưởng thừa kế theo pháp luật, nhưng cũng không có quy định nào về việc một người đã được hưởng di sản do được thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc rồi thì không được hưởng di sản thừa kế theo pháp luật nữa, và cũng không có văn bản hướng dẫn cách chia di sản thừa kế, nên chúng ta không thể đồng nhất hai vấn đề trên. Như vậy sẽ không thể hiện được tính chất bảo vệ của chế định thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc, mặt khác, còn vô tình tước mất quyền được thừa kế theo pháp luật của những người này. Chính vì vậy, khi chia di sản thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc mà có phần di sản được chia theo pháp luật thì phải để những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc được hưởng thừa kế theo pháp luật./.

 


[1] TS. Đỗ Văn Đại, Luật thừa kế Việt Nam - Bản án và bình luận bản án, Nxb. Chính trị Quốc gia, H., 2009; tr 211
 
[2] TS. Phùng Trung Tập, Luật thừa kế Việt Nam, Nxb. Hà Nội, H., 2010, tr.165-166.