Hoàn thiện quy định về hình phạt cấm cư trú và hình phạt quản chế

01/12/2014

1. Hình phạt cấm cư trú và hình phạt quản chế
1.1. Hình phạt cấm cư trú
Từ khi Bộ luật Hình sự (BLHS) được ban hành năm 1985, hình phạt cấm cư trú được quy định trong BLHS và được áp dụng trong thực tiễn. Sau nhiều lần sửa đổi, bổ sung vào các năm 1999 và 2009, BLHS vẫn tiếp tục ghi nhận hình phạt cấm cư trú và hình phạt này tiếp tục được thực hiện đến nay. Trong BLHS, hình phạt cấm cư trú được xác định: “Cấm cư trú là buộc người bị kết án phạt tù không được tạm trú và thường trú ở một số địa phương nhất định”[1]. Theo quy định này, cấm cư trú là hình phạt bổ sung, người phạm tội bị buộc không được tạm trú và thường trú ở một số địa phương nhất định theo quyết định của Tòa án. Và quy định này cũng nêu rõ: đối với các hình phạt chính khác như cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ... thì khi quyết định hình phạt, Tòa án không được áp dụng thêm hình phạt bổ sung này. Chỉ những người phạm tội bị phạt tù mới bị áp dụng hình phạt cấm cư trú; nhưng không phải tất cả những người phạm tội bị áp dụng hình phạt tù đều sẽ bị áp dụng hình phạt cấm cư trú. Tuy trong điều luật không quy định rõ hình phạt cấm cư trú được áp dụng đối với những loại tội phạm nào, nhưng thông qua các quy định khác của BLHS và trong thực tế áp dụng cho thấy, hình phạt cấm cư trú chỉ có thể áp dụng đối với nhóm các tội xâm phạm về an ninh quốc gia và một số tội phạm khác, nếu nhận thấy khi người phạm tội chấp hành xong hình phạt tù trở về hòa nhập vào cộng đồng và sống ở nơi đó, người phạm tội có thể tiếp tục phạm tội mới. Và một nguyên tắc bắt buộc là hình phạt này chỉ được áp dụng khi trong điều luật cụ thể có quy định. Trong BLHS, có 28 điều luật về tội phạm cụ thể có quy định về việc áp dụng hình phạt cấm cư trú. Điều này có nghĩa là, đối với 28 loại tội phạm này, khi xét xử, Tòa án có thể cân nhắc áp dụng hình phạt bổ sung cấm cư trú đối với người phạm tội bị áp dụng hình phạt tù.
Việc quy định hình phạt cấm cư trú trong hệ thống hình phạt của BLHS có những mặt tích cực nhất định. Tuy nhiên, cũng có những vấn đề chưa thật sự phù hợp trong việc giáo dục người phạm tội và phòng ngừa chung. Cụ thể, đối với những người phạm tội mà nguyên nhân có phần xuất phát từ vị trí địa lý, môi trường sống, làm việc... và những nơi này tác động trực tiếp vào việc phạm tội của họ thì khi chấp hành xong hình phạt tù, việc áp dụng hình phạt bổ sung cấm cư trú là nhằm ngăn ngừa họ có các cơ hội tiếp tục phạm tội mới. Nếu chỉ nhìn nhận ở khía cạnh này thì rõ ràng, việc quy định hình phạt cấm cư trú trong hệ thống hình phạt là rất phù hợp. Nhưng ở một khía cạnh khác, nếu như chỉ vì lý do phòng ngừa người đã chấp hành hình phạt tù xong có thể tiếp tục phạm tội mới mà cấm không cho họ cư trú ở một số nơi nhất định, mà những nơi này là điều kiện thích hợp nhất cho họ làm ăn sinh sống, thì liệu có phù hợp? Vì thông thường, nơi bị cấm cư trú sau khi đã chấp hành hình phạt tù xong là nơi người phạm tội đã sống ở đó trước khi phạm tội, có nhiều mối quan hệ thân quen ở đó, đã làm ăn nuôi sống mình và gia đình và có thể đã phạm tội tại nơi đó. Họ cũng có có thể đã có một nghề nghiệp nhất định, đã quen thuộc với môi trường sống nhất định tại đó và ngành nghề mà họ thành thạo đã có thể phát triển và giúp họ làm ăn sinh sống một cách phù hợp tại đó. Nếu như sau khi chấp hành xong hình phạt tù, họ buộc phải tìm nơi khác để sống, nhưng những nơi này lại không đủ điều kiện đảm bảo cho đời sống của họ, thì như vậy, có tạo điều kiện để họ dễ dàng hòa nhập lại vào đời sống cộng đồng không? Hay khi họ đến sống ở một nơi xa lạ, sự khó khăn sẽ dẫn đến việc họ tiếp tục phạm tội mới?  
1.2. Hình phạt quản chế
Cũng như hình phạt cấm cư trú, hình phạt quản chế được quy định trong hệ thống pháp luật hình sự Việt Nam từ năm 1985 và tiếp tục được quy định trong BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009). Theo đó, hình phạt quản chế được quy định: “Quản chế là buộc người bị kết án phạt tù phải cư trú, làm ăn sinh sống và cải tạo ở một địa phương nhất định, có sự kiểm soát, giáo dục của chính quyền và nhân dân địa phương”[2].
Quy định này thể hiện rất rõ, hình phạt quản chế chỉ được áp dụng đối với người phạm tội bị áp dụng hình phạt tù là hình phạt chính và người bị áp dụng hình phạt quản chế bị buộc phải sinh sống ở một địa phương nhất định; có nét tương đồng với quy định về áp dụng hình phạt bổ sung cấm cư trú trong pháp luật hình sự. Nhưng trong cơ chế áp dụng có những dấu hiệu khác cơ bản, là người bị áp dụng hình phạt quản chế sẽ bị buộc phải sinh sống, cải tạo ở một địa phương nhất định theo quyết định của Tòa án sau khi chấp hành xong hình phạt tù; và người phạm tội bị áp dụng hình phạt này chỉ sống ở một địa phương, chứ không như hình phạt cấm cư trú thì được sinh sống ở nhiều địa phương ngoài một số nơi bị cấm.
Việc quy định hình phạt quản chế sẽ giúp giáo dục, cải tạo người phạm tội sau khi chấp hành hình phạt tù về hòa nhập vào cộng đồng, tạo nhiều cơ hội rèn luyện hơn và theo đó việc tái phạm sẽ hạn chế hơn... Khi xét xử, quy định về hình phạt quản chế sẽ buộc Tòa án phải xem xét, đánh giá, cân nhắc xem địa phương nào thuận lợi cho việc tiếp tục quản lý, giáo dục người phạm tội khi chấp hành xong hình phạt tù tốt nhất và phù hợp nhất, để quyết định buộc họ phải chấp hành hình phạt ở địa phương đó.  
Hình phạt quản chế là loại hình phạt có giá trị bổ trợ cho việc giáo dục và phòng ngừa tội phạm rất cao đối với người bị phạt tù sau khi chấp hành xong hình phạt về địa phương sinh sống. Hình phạt này cũng được pháp luật hình sự một số nước, ví dụ như Trung Quốc, quy định, nhưng được quy định trong hệ thống hình phạt chính[3]. Còn ở Việt Nam thì hình phạt này được quy định là hình phạt bổ sung. Như vậy, hình phạt này chỉ có giá trị bổ trợ trong việc giáo dục, phòng ngừa tội phạm sau khi người phạm tội bị áp dụng hình phạt tù chấp hành xong hình phạt. Có lẽ quy định của pháp luật hình sự Việt Nam phù hợp hơn so với luật hình sự Trung Hoa; bởi lẽ, trong hệ thống hình phạt của Việt Nam có hình phạt cải tạo không giam giữ là hình phạt chính, nên hình phạt quản chế được quy định là hình phạt bổ sung nhằm bổ trợ trong việc giáo dục, phòng ngừa người phạm tội bị áp dụng hình phạt tù, khi xét thấy cần thiết thì Tòa án buộc họ tiếp tục phải bị quản chế một thời gian nhất định ở một địa phương nhất định để tiếp tục giáo dục, cải tạo họ.
Trong BLHS hiện hành có 31 điều luật trên tổng số 272 điều luật về tội phạm cụ thể quy định hình phạt quản chế, chiếm tỷ lệ 11%. Điều này cho thấy, tuy hình phạt này có giá trị hỗ trợ trong việc tiếp tục giáo dục, phòng ngừa tội phạm rất cao, nhưng các nhà làm luật chưa xem xét để quy định hình phạt này ở tỷ lệ cao hơn trong các quy phạm pháp luật hiện hành. Một vấn đề khác cần nghiên cứu thêm là, pháp luật hiện hành quy định hình phạt quản chế chỉ được áp dụng đối với người phạm tội bị áp dụng hình phạt tù; đều này có nghĩa là hình phạt này được áp dụng đối với người bị áp dụng hình phạt tù có thời hạn và tù chung thân. Nhưng trên nguyên tắc, người phạm tội bị áp dụng hình phạt tù chung thân là phải sống cả cuộc đời còn lại trong trại giam kể từ thời điểm trong bản án có hiệu lực quy định. Do vậy, khi Tòa án áp dụng hình phạt tù chung thân đối với người phạm tội thì không có cơ sở tuyên hình phạt bổ sung quản chế; nếu như có tuyên thì là việc không cần thiết.
Trên thực tế lại có những trường hợp, nếu đối với người bị tuyên phạt tù chung thân, Tòa án không áp dụng thêm hình phạt bổ sung quản chế; nếu sau này họ được giảm án và chấp hành hình phạt trong một thời gian nhất định, khi chấp hành xong thời hạn phạt tù, nếu thuộc trường hợp cần phải quản chế ở một địa phương nhất định thì sẽ giải quyết thế nào? Rõ ràng đối với trường hợp này, pháp luật hình sự hiện hành chưa quy định và đây cũng là vấn đề cần nghiên cứu kỹ và có quy định rõ ràng tránh trường hợp khi xảy ra không có hướng xử lý.
Một vấn đề khác, việc quy định hình phạt quản chế chỉ được áp dụng đối với người phạm tội bị áp dụng hình phạt tù là chưa thật sự thỏa đáng. Vì mục đích của hình phạt quản chế là nhằm tiếp tục giáo dục, cải tạo người phạm tội không phạm tội mới, nên nếu người phạm tội bị áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính thì cũng có thể xem xét áp dụng hình phạt bổ sung này để giáo dục, cải tạo họ.
2. Một số kiến nghị hoàn thiện
2.1. Bỏ hình phạt cấm cư trú
Như đã phân tích, hình phạt cấm cư trú đã góp phần nhất định vào việc phòng ngừa tội phạm, cụ thể là khi áp dụng đối với người phạm tội bị áp dụng hình phạt tù là hình phạt chính, sau khi chấp hành xong hình phạt chính khi ra tù sẽ bị cấm không cho cư trú ở một số địa phương nhất định. Việc áp dụng hình phạt này trên thực tế chỉ mang tính phòng ngừa tức thời và không mang lại hiệu quả thực chất. Bởi lẽ, để phòng ngừa một tội phạm xảy ra, thì vấn đề đầu tiên là cần tác động đến tâm lý, ý chí của con người cụ thể; kế tiếp là cần phải có những chính sách an sinh xã hội, tạo điều kiện về kinh tế để đảm bảo đời sống cần thiết cho người dân; và một yếu tố không thể thiếu là sự tác động, tuyên truyền, giáo dục của chính quyền địa phương, của gia đình và các đoàn thể đến mọi người... Các yếu tố này phải có sự gắn kết với nhau thì mới phát huy được sức lan tỏa rộng khắp. Ví dụ như sự tuyên truyền, vận động, giáo dục của gia đình, địa phương và các đoàn thể sẽ tác động đến tâm lý, ý chí của con người, giúp họ nhận thức được những việc có thể làm và những việc không thể làm; sự tạo điều kiện của chính quyền, gia đình, đoàn thể phát triển về kinh tế giúp cho họ có sự ổn định về đời sống, từ đó họ sẽ nhận thức đúng và tôn trọng pháp luật, các quy định ở địa phương...
Hình phạt cấm cư trú được quy định trong hệ thống hình phạt của pháp luật hình sự sẽ không đáp ứng được các nội dung trên. Vì khi cấm cư trú là cấm người phạm tội khi chấp hành xong hình phạt tù không được sống ở các địa phương mà có thể tạo điều kiện cho họ tiếp tục phạm tội mới, nhưng trên thực tế, đó là những địa phương mà họ thường xuyên sinh sống, là quê hương của họ, là nơi phù hợp với điều kiện phát huy sở trường, nghề nghiệp của họ... Khi cấm sinh sống ở những nơi này, có nghĩa là người phạm tội sau khi chấp hành xong hình phạt tù phải đến sống ở những nơi xa lạ, khi đó sẽ khó có nơi phù hợp với điều kiện nghề nghiệp của họ, sống xa gia đình và không có một đoàn thể, địa phương nào trực tiếp được giao để tiếp tục giáo dục, cải tạo họ... Như vậy, việc áp dụng hình phạt cấm cư trú không có tác dụng lớn trong việc phòng ngừa tội phạm, nhưng lại có thể là nguyên nhân sâu xa làm cho người chấp hành xong hình phạt tù tiếp tục phạm tội mới.
Mặt khác, nếu như không quy định hình phạt cấm cư trú trong hệ thống hình phạt của pháp luật hình sự mà có trường hợp vẫn cần phải áp dụng một hình phạt bổ sung để tiếp tục giáo dục, cải tạo người phạm tội thì có thể xem xét áp dụng hình phạt quản chế. Vì xét về tổng thể thì hình phạt quản chế có tác dụng giáo dục, cải tạo người phạm tội sau khi chấp hành xong hình phạt tù về địa phương sinh sống có hiệu quả rất cao.
Chúng tôi cho rằng, hình phạt cấm cư trú quy định trong hệ thống hình phạt của pháp luật hình sự Việt Nam là không cần thiết. Việc không quy định hình phạt cấm cư trú và khi cần thiết thì sẽ xem xét áp dụng hình phạt quản chế sẽ thể hiện cao hơn nữa tính nhân đạo trong pháp luật hình sự Việt Nam.
2.2. Hoàn thiện quy định hình phạt quản chế
Để hình phạt quản chế được áp dụng một cách phổ biến hơn, các quy định hoàn thiện hơn và thể hiện cao hơn nữa tính hợp hiến và nhân đạo về chính sách hình sự của Nhà nước ta, cần hoàn thiện một số vấn đề sau:
- Thứ nhất, để thuận lợi cho việc quy định và áp dụng hình phạt bổ sung quản chế, trong quy phạm pháp luật về hình phạt quản chế không cần giới hạn hình phạt quản chế chỉ áp dụng đối với “người bị kết án phạt tù”. Vì nếu quy định như vậy, thì khi cần quy định để áp dụng hình phạt quản chế đối với các trường hợp khác sẽ không được xem xét để áp dụng.
- Thứ hai, cần sửa đổi BLHS theo hướng quy định hình phạt bổ sung quản chế với tỷ lệ nhiều hơn trong các tội phạm cụ thể. Như đã phân tích trên, hình phạt quản chế có giá trị giáo dục và phòng ngừa tội phạm rất cao đối với người bị phạt tù sau khi chấp hành xong hình phạt về địa phương sinh sống. Nhưng thực tế, BLHS hiện hành chỉ có 31 điều luật về tội phạm cụ thể có quy định hình phạt bổ sung này, so với 272 điều luật quy định về tội phạm cụ thể, là rất thấp. Vì vậy, cần quan tâm xem xét bổ sung hình phạt quản chế vào các điều luật về tội phạm khi cần thiết. Ví dụ, đối với tội trộm cắp tài sản, nếu người phạm tội sau khi chấp hành xong hình phạt về địa phương thì có thể quy định buộc người này tiếp tục chấp hành hình phạt quản chế để tiếp tục giáo dục, cải tạo họ trở thành người có ích.  
- Thứ ba, cần quy định rõ về trường hợp nếu người bị phạt tù chung thân, nhưng sau đó được xét giảm án xuống còn tù có thời hạn và khi chấp hành hình phạt tù xong về địa phương mà thuộc trường hợp cần áp dụng hình phạt quản chế. Cụ thể, trong trường hợp này có thể quy định “Nếu Tòa án xét thấy người phạm tội bị kết án tù chung thân thuộc trường hợp cần áp dụng hình phạt quản chế thì phải áp dụng hình phạt này”.
Như vậy, Điều 38 BLHS quy định về hình phạt quản chế có thể được viết như sau:
Điều 38. Quản chế
Quản chế là buộc người bị kết án phải cư trú, làm ăn sinh sống và cải tạo ở một địa phương nhất định, có sự kiểm soát, giáo dục của chính quyền và nhân dân địa phương. Trong thời gian quản chế, người bị kết án không được tự ý ra khỏi nơi cư trú, bị tước một số quyền công dân theo Điều 39 của Bộ luật này và bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định.
Quản chế được áp dụng đối với người phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia, người tái phạm nguy hiểm hoặc trong những trường hợp khác do Bộ luật này quy định.
Nếu Tòa án xét thấy người phạm tội bị kết án tù chung thân thuộc trường hợp cần áp dụng hình phạt quản chế thì phải áp dụng hình phạt này.
Thời hạn quản chế là từ một năm đến năm năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù”

 


[1] Điều 37 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).
[2] Điều 38 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).
[3] BLHS Trung Quốc, Đinh Bích Hà dịch và giới thiệu, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2007. tr. 52.