Cách tiếp cận của pháp luật các nước và pháp luật Việt Nam về khái niệm điều kiện thương mại chung

01/12/2014

 
Điều kiện thương mại chung hay điều kiện giao dịch chung là một cụm danh từ được dịch từ tiếng Anh là “general condition of trade” hoặc “general condition of business” hay “general terms and conditions”. Khi tìm kiếm các cụm từ này trên trang Google sẽ cho thấy hàng loạt các điều kiện, quy tắc thương mại, các điều kiện hợp đồng cụ thể của nhiều doanh nghiệp. Xét ở khía cạnh tiếng Việt, thuật ngữ “điều kiện giao dịch chung” rộng hơn “điều kiện thương mại chung”, nhưng theo quan điểm của tác giả, dịch là điều kiện thương mại chung sát nghĩa hơn vì vậy tác giả chọn sử dụng thuật ngữ này làm thuật ngữ chung cho toàn bộ bài viết và lấy đó làm chuẩn để so sánh, phân tích với những khái niệm đang được sử dụng chưa nhất quán.
Untitled_282.png
Ảnh minh họa: (Nguồn internet)
1. Nguồn gốc kinh tế của việc hình thành điều kiện thương mại chung
Theo nghiên cứu của nhiều nhà khoa học[1], điều kiện thương mại chung xuất hiện ở thời kỳ công nghiệp hoá vào thế kỷ 19 ở châu Âu, kéo theo việc sản xuất hàng hoá và cung cấp dịch vụ đại trà làm thay đổi một cách căn bản nền kinh tế và xã hội châu Âu thời kỳ đó. Thuật ngữ điều kiện thương mại chung (ĐKTMC) còn có nhiều tên gọi khác nhau tuỳ thuộc vào điều kiện lịch sử - xã hội và cách tiếp cận khác nhau của hệ thống pháp luật các nước.
Sự xuất hiện của nền sản xuất và cung cấp hàng hoá đại trà (mass production) với các giao dịch thương mại được lặp đi lặp lại đã làm cho các nhà cung cấp loại bỏ các rủi ro trong quá trình kinh doanh bằng việc tự đúc rút kinh nghiệm của những lần giao dịch lặp lại đó. Lúc này các ĐKTMC được khoác tên “hợp đồng mẫu”, tiếng Anh gọi là “mass standardised contract” hoặc “standard form contract”[2].
Việc cung cấp hàng hoá, dịch vụ độc quyền (một cách tự nhiên hoặc có chủ ý) hoặc sự sao chép một cách đồng loạt các điều kiện thương mại giữa các nhà cung cấp cùng sản phẩm, hàng hoá buộc người mua phải ở thế “take it or leave it” (buộc phải đồng ý vì không còn sự lựa chọn nào khác). Thuật ngữ Adhesion Contract (còn có tên gọi khác là “Boilerplate Contract” - hợp đồng gia nhập) là khái niệm của quan hệ hợp đồng mà một bên chỉ ở thế “take it or leave it”. Khái niệm “hợp đồng gia nhập” có nguồn gốc từ hệ thống pháp luật dân sự của Pháp và không được ghi nhận trong hệ thống xét xử của Mỹ cho đến khi xuất hiện bài viết của Patterson “Sự thực hiện các chính sách bảo hiểm nhân thọ” vào năm 1919, đăng trên Tạp chí Luật của Đại học Harvard số 33, trang 198 và 222[3]. Sau đó, cùng với sự chấp nhận của Toà án tối cao California về những phân tích của luật sư đối với tính “gia nhập bắt buộc” của các hợp đồng bảo hiểm, dành phần thắng cho nguyên đơn Steven trong vụ khởi kiện Công ty Fidelity & Casualty Co (năm 1962), khái niệm “hợp đồng gia nhập” được trở nên phổ biến trong thực tiễn xét xử của các Toà án Mỹ. Từ đó, Patterson được ghi nhận là người đầu tiên đưa khái niệm “hợp đồng gia nhập” trở thành thuật ngữ pháp lý ở Mỹ[4].
Cùng với việc phát triển của nền sản xuất công nghiệp tiêu dùng, hàng loạt các giao dịch với người tiêu dùng được thiết lập theo các tiêu chuẩn thương mại được nhà sản xuất áp dụng chung cho người tiêu dùng. Sự thờ ơ của đa số người tiêu dùng đối với nội dung hợp đồng mẫu, kết hợp với kinh nghiệm tích luỹ được trong quá trình kinh doanh, tạo điều kiện hình thành một cách tự nhiên, ở người bán hàng và người cung ứng dịch vụ chuyên nghiệp ý tưởng hoàn thiện hợp đồng theo hướng chỉ có lợi cho mình. Hợp đồng mẫu trong lĩnh vực tiêu dùng (hoặc hợp đồng tiêu dùng “consumer contract”) nhanh chóng trở thành miếng đất màu mỡ cho sự phát triển những giao ước không bình đẳng và người ở thế yếu là người tiêu dùng. Các thoả thuận không bình đẳng trong hợp đồng mẫu được pháp luật của các nước tiên tiến gọi là các điều khoản lạm dụng. Đó là những điều khoản do người bán hàng, cung cấp dịch vụ chủ động đề xuất, tạo ra tình trạng mất cân đối không bình thường về quyền và nghĩa vụ của các bên, được xuất hiện phổ biến với thuật ngữ là “unfair terms”.
Cùng với việc phát triển của nền sản xuất công nghiệp tiêu dùng, hàng loạt các giao dịch với người tiêu dùng được thiết lập theo các tiêu chuẩn thương mại được nhà sản xuất áp dụng chung cho người tiêu dùng, dẫn đến sự hình thành khái niệm “unfair terms” (điều khoản bất bình đẳng[5]) trong các “consumer contract” (hợp đồng tiêu dùng). Thuật ngữ “unfair terms” được sử dụng phổ biến nhất hiện nay khi nền kinh tế thị trường phát triển mạnh mẽ, dẫn đến nguy cơ xâm hại quyền lợi người tiêu dùng càng cao và cũng vì lẽ đó, pháp luật của các quốc gia đều tiếp cận bảo vệ người tiêu dùng trước các điều kiện hợp đồng lạm dụng. Điều này dễ dẫn đến sự nhầm lẫn khái niệm ĐKTMC và các điều khoản lạm dụng trong các hợp đồng tiêu dùng là một. Thực chất các điều khoản trong các hợp đồng tiêu dùng được ấn định và soạn sẵn chỉ là biểu hiện điển hình, phổ biến nhất của các ĐKTMC. 
2. Điều kiện thương mại chung: cách tiếp cận của pháp luật một số nước và pháp luật Việt Nam  
Cộng hoà Liên bang (CHLB) Đức là nước duy nhất ban hành văn bản pháp luật riêng biệt để điều chỉnh về ĐKTMC, là Luật về các ĐKTMC (Gesetz zur Regelung des Rechts der Allgemeinen Geschäftsbedingungen, viết tắt là AGB-Gesetz) năm 1976, được sửa đổi, bổ sung năm 1996. Năm 2002, theo chủ trương nhất thể hoá pháp luật về các giao dịch dân sự, văn bản này được nhập chung vào Bộ luật Dân sự (BLDS) CHLB Đức (Bürgerliches Gesetzbuch, viết tắt là BGB). Bộ luật này cũng đã nội luật hoá nhiều điều ước quốc tế mà CHLB Đức tham gia, trong đó có Chỉ thị số 93/13/EWG về các điều khoản lạm dụng trong các hợp đồng tiêu dùng.
Điều kiện thương mại chung được hiểu là những nội dung có tính tiêu chuẩn, ổn định trong hợp đồng, được doanh nghiệp sử dụng chung cho các khách hàng khác nhau đối với cùng một loại giao dịch mà các khách hàng không thể sửa đổi nội dung đó. Điều kiện thương mại chung có thể do một hoặc nhiều chủ thể cùng nhau xây dựng nhằm đảm bảo tính thống nhất về hiệu lực chung khi ký kết các hợp đồng trong cùng một lĩnh vực kinh doanh nào đó. Dưới góc độ pháp lý, các điều kiện thương mại chung khi được sử dụng trong giao kết hợp đồng, có tính chuẩn hoá, tính “mẫu” để được sử dụng chung, sử dụng lặp đi lặp lại nhiều lần nên được đặt tên là “standard business terms” (Điều 305 Bộ luật Dân sự Đức).
Theo Điều 305 BGB, ĐKTMC “là tất cả các điều khoản hợp đồng được soạn thảo trước và được sử dụng ít nhất trong hai hợp đồng trở lên, do một bên - được gọi là bên phát hành (issuer) đưa ra và phía bên kia chỉ tham gia hợp đồng”. Định nghĩa này cho thấy không có sự phân biệt ĐKTMC với tư cách là các điều khoản mẫu trong hợp đồng tiêu dùng với các điều khoản trong các hợp đồng mẫu khác như cách tiếp cận của pháp luật các nước, trong đó có Việt Nam.
Cũng theo quy định của Điều 305 (mục a) BGB, để các điều khoản, điều kiện hợp đồng được coi là ĐKTMC, phải thoả mãn các điều kiện sau:
i) Phải được soạn thảo sẵn bởi một bên để sử dụng nhiều lần (ít nhất là 2 lần). Những hợp đồng với các điều khoản được soạn thảo sẵn nhưng chỉ để sử dụng một lần thì không được coi là các ĐKTMC hay các điều khoản của hợp đồng mẫu và không là đối tượng điều chỉnh của AGB;
ii) ĐKTMC không nhất thiết là toàn bộ các điều khoản trong hợp đồng mà có thể là một phần của hợp đồng dưới dạng một phần các điều khoản trong chính hợp đồng hoặc dưới dạng các tài liệu kèm theo hợp đồng hoặc thậm chí dưới dạng các thông báo hoặc bản khai báo thông tin thể hiện sự chấp thuận của một bên ở những bản điền thông tin trước khi lập hợp đồng nhưng phải được thông báo cho bên trong quan hệ hợp đồng;
iii) Các điều kiện hợp đồng phải do một bên áp đặt, phía bên kia hầu như không có cơ hội để sửa đổi và phải chấp thuận để tham gia giao dịch.
Như vậy, các tiêu chí của ĐKTMC là: i/phải được soạn sẵn (pre-fomulated); ii/được sử dụng nhiều lần; iii/một bên không có cơ hội hoặc hầu như có rất ít cơ hội để được đàm phán, thương lượng các điều khoản này. Hay nói cách khác, tính chất quan trọng nhất của các ĐKTMC đó là tính hạn chế nguyên tắc tự do khế ước. Tuy nhiên, theo cách quy định của CHLB Đức, trong trường hợp các điều kiện hợp đồng mẫu được sử dụng lặp đi lặp lại nhiều lần (từ hai lần trở lên) đối với cùng một chủ thể có được coi là ĐKTMC hay không thì dường như câu trả lời chưa thực sự rõ ràng. Thực tiễn xét xử của Toà án Đức cho thấy, các điều khoản hợp đồng được soạn thảo sẵn, sử dụng ba lần trở lên, thậm chí với cùng một chủ thể thì vẫn được coi là các ĐKTMC và thuộc phạm vi điều chỉnh của AGB trước đây và BGB hiện nay[6].
Các ĐKTMC không nhất thiết phải được đưa cho khách hàng đọc trước khi giao kết hợp đồng mà đôi khi chỉ là những chính sách thương mại của doanh nghiệp mà khách hàng buộc phải tìm hiểu vì doanh nghiệp đã niêm yết công khai tại địa điểm giao dịch hoặc có thể được đại diện, nhân viên, cán bộ của doanh nghiệp cung cấp thông tin có liên quan. Còn hợp đồng gia nhập, hợp đồng mẫu hay hợp đồng tiêu dùng… là những hình thức, cách biểu hiện ra bên ngoài của các ĐKTMC, chứa đựng một phần các ĐKTMC. Vì vậy, sự đồng nhất ĐKTMC với hợp đồng mẫu hay hợp đồng gia nhập hoặc hợp đồng tiêu dùng là không chính xác. Và dù xuất hiện ở bối cảnh nào, với những tên gọi, thuật ngữ nào, việc hình thành các ĐKTMC hoàn toàn là tất yếu khách quan trong nền kinh tế phát triển và đặc điểm cơ bản của tất cả các ĐKTMC đó là sự hạn chế quyền tự do khế ước.
Ở Việt Nam, định nghĩa về ĐKTMC lần đầu tiên được đưa ra bởi PGS.TS Nguyễn Như Phát trong bài: “ĐKTMC và nguyên tắc tự do khế ước”. Theo đó, ĐKTMC“được hiểu là tất cả những điều kiện hợp đồng, quy tắc bán hàng được soạn trước bởi một bên trong quan hệ hợp đồng và được sử dụng trong khi ký kết hợp đồng với nhiều khách hàng khác nhau”. Tiếp cận ở góc độ của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD), khoản 6 Điều 2 Luật BVQLNTD định nghĩa: “Điều kiện giao dịch chung là những quy định, quy tắc bán hàng, cung ứng dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ công bố và áp dụng đối với người tiêu dùng”.
Luật BVQLNTD không gọi là ĐKTMC mà gọi nó là “điều kiện giao dịch chung” với ý nghĩa là các điều khoản, điều kiện hợp đồng trong các giao dịch với người tiêu dùng. Vì vậy, dễ dẫn đến sự nhầm lẫn ĐKTMC chỉ là cácquy định, quy tắc bán hàng, cung ứng dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ công bố và được áp dụng đối với người tiêu dùng.
Bên cạnh khái niệm điều kiện giao dịch chung của Luật BVQLNTD, ở Việt Nam còn xuất hiện khái niệm hợp đồng theo mẫu trong BLDS 2005 và khái niệm hợp đồng theo mẫu trong Luật BVQLNTD với hai cách định nghĩa khác nhau. Theo quy định tại Điều 407 BLDS 2005 thì: “Hợp đồng theo mẫu là hợp đồng gồm những điều khoản do một bên đưa ra theo mẫu để bên kia trả lời trong một thời gian hợp lý; nếu bên được đề nghị trả lời chấp nhận thì coi như chấp nhận toàn bộ nội dung hợp đồng theo mẫu mà bên đề nghị đã đưa ra”. Định nghĩa này của Điều 407 BLDS 2005 cũng cho thấy sự không rõ ràng giữa chế định hợp đồng theo mẫu và ĐKTMC, bởi hợp đồng theo mẫu có thể chỉ là hợp đồng với những điều khoản được một bên soạn sẵn và không nhất thiết được sử dụng nhiều lần. Bên cạnh đó, Luật BVQLNTD lại định nghĩa: “Hợp đồng theo mẫu là hợp đồng do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ soạn thảo để giao dịch với người tiêu dùng” cũng cho thấy cách tiếp cận khác với hợp đồng theo mẫu của BLDS 2005 bởi theo đó, hợp đồng mẫu là những hợp đồng được soạn thảo sẵn để áp dụng với một bên là người tiêu dùng. Như vậy, cùng là khái niệm “hợp đồng mẫu”, chúng ta có hợp đồng mẫu trong các giao dịch dân sự và hợp đồng mẫu trong lĩnh vực tiêu dùng mà bản chất cũng là một dạng giao dịch dân sự. Điều này cho thấy sự tồn tại của khái niệm hợp đồng mẫu trong Luật BVQLNTD là không cần thiết.
Có thể nói, việc tồn tại song song khái niệm “điều kiện giao dịch chung” trong Luật BVQLNTD và các khái niệm “hợp đồng theo mẫu” nêu trên làm cho cách tiếp cận của pháp luật Việt Nam về khái niệm ĐKTMC trở nên không rõ ràng và dường như thiếu nhất quán trong cách hiểu về bản chất của các ĐKTMC.
Định nghĩa của PGS.TS Nguyễn Như Phát và định nghĩa của các nhà làm luật Việt Nam về các quy tắc, ĐKTMC cũng cho thấy cách tiếp cận khác nhau. Trong định nghĩa của PGS.TS Nguyễn Như Phát, các ĐKTMC được các nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ áp đặt cho tất cả các khách hàng với tư cách là bên kia của quan hệ hợp đồng, không nhất thiết bên này phải là người mua, sử dụng hàng hoá, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức theo quy định của Luật BVQLNTD.
Mặt khác, xung quanh khái niệm “người tiêu dùng” cũng đã cho thấy cách tiếp cận theo hai  xu hướng khác nhau. Điều này dẫn đến cách hiểu về các điều kiện, quy tắc thương mại trong các hợp đồng tiêu dùng cũng đã có sự khác nhau.
Xu hướng thứ nhất cho rằng, “người tiêu dùng” chỉ là các thể nhân (cá nhân) mua sắm hàng hoá, sử dụng dịch vụ không mang mục đích kinh doanh, thương mại. Xu hướng thứ hai cho rằng, “người tiêu dùng” không chỉ là các cá nhân mà còn bao hàm cả các tổ chức.
Có thể khẳng định rằng, xu hướng thứ nhất là phổ biến, mang tính thông lệ trong pháp luật bảo vệ người tiêu dùng ở các quốc gia trên thế giới (nhất là các quốc gia phát triển và các quốc gia thuộc khu vực ASEAN). Qua nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy khái niệm người tiêu dùng không được giải thích một cách rõ ràng trong Bản hướng dẫn của Liên hợp quốc về bảo vệ người tiêu dùng ban hành từ năm 1985 và đã được hiệu chỉnh vào năm 1999. Tuy nhiên, theo bản hướng dẫn này, người tiêu dùng được hưởng tám quyền sau đây: (1) quyền được thỏa mãn những nhu cầu cơ bản, (2) quyền được an toàn, (3) quyền được thông tin, (4) quyền được lựa chọn, (5) quyền được lắng nghe, (6) quyền được khiếu nại và bồi thường, (7) quyền được giáo dục, đào tạo về tiêu dùng, (8) quyền được có môi trường sống lành mạnh và bền vững[7]. Vì vậy, theo phương pháp suy đoán, chỉ cá nhân mới là chủ thể có đầy đủ tư cách để thụ hưởng các quyền này. Nói cách khác, tám quyền năng này không thể trao trọn vẹn cho chủ thể là tổ chức. Điều này cũng có nghĩa rằng, trong quan niệm của Bản hướng dẫn vừa nêu, người tiêu dùng chỉ được hiểu là cá nhân người tiêu dùng. Luật về BVQLNTD của Trung Quốc năm 1993 tuy không có điều khoản riêng giải thích khái niệm người tiêu dùng, nhưng tại Điều 2 Luật này có quy định: “Trường hợp người tiêu dùng, vì nhu cầu cuộc sống, mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ thì các quyền và lợi ích hợp pháp của mình sẽ được bảo vệ theo quy định của Luật này và trường hợp Luật này không quy định thì sẽ được bảo vệ theo các quy định khác có liên quan của pháp luật”[8]. Điều luật này đã chỉ rõ, người tiêu dùng theo quan niệm của pháp luật Trung Quốc chỉ là cá nhân (mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ vì nhu cầu sinh hoạt của mình chứ không phải vì mục đích kinh doanh hoặc hoạt động nghề nghiệp). Hoa Kỳ tuy không có một đạo luật chung thống nhất về bảo vệ người tiêu dùng mà trong đó, khái niệm người tiêu dùng được giải thích rõ ràng, nhưng theo các chuyên gia pháp luật của Hoa Kỳ, khái niệm người tiêu dùng chỉ được quan niệm là cá nhân người tiêu dùng. Cụ thể, “người tiêu dùng là cá nhân tham gia giao dịch với mục đích chủ yếu vì nhu cầu cá nhân hoặc sinh hoạt hộ gia đình”[9]. Tương tự, luật của Canada cũng quy định theo hướng người tiêu dùng là cá nhân. Chẳng hạn, Luật Bảo vệ người tiêu dùng của bang Quebec (Điều 1(e) giải thích rõ: Người tiêu dùng là tự nhiên nhân (cá nhân) nhưng không phải là thương nhân mua sắm hàng hóa, dịch vụ cho mục đích kinh doanh của mình”[10]. Luật về Bảo vệ người tiêu dùng và các hành vi kinh doanh của bang British Columbia cũng quy định rõ tại Điều 1: “Người tiêu dùng là tự nhiên nhân (cá nhân) tham gia giao dịch tiêu dùng”… tức là tham gia giao dịch mua sắm hàng hóa, dịch vụ với mục đích chủ yếu phục vụ nhu cầu cá nhân hoặc nhu cầu sinh hoạt gia đình[11]. Luật của Liên minh châu Âu (EU) cho thấy trước đây, khi chưa có giải thích rõ ràng, đã từng có vụ tranh chấp vào năm 1991 trong đó các đương sự đề nghị Tòa Công lý châu Âu (European Court of Justice) giải thích khái niệm người tiêu dùng bao gồm cả các doanh nghiệp khi mua sản phẩm, dịch vụ không nhằm mục đích hoạt động kinh doanh, tuy nhiên, Tòa Công lý Châu Âu đã bác bỏ đề nghị này và cho rằng, người tiêu dùng chỉ được hiểu là các cá nhân người tiêu dùng, không bao gồm các chủ thể khác[12]. Khái niệm người tiêu dùng trong các văn bản pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng của Liên minh Châu Âu đã được giải thích trong Chỉ thị số 1999/44/EC ngày 25/5/1999 về việc mua bán hàng hóa tiêu dùng và các bảo đảm có liên quan (Directive 1999/44/EC of the European Parliament and of the Council of 25 May 1999 on certain aspects of the sale of consumer goods and associated guarantees). Chỉ thị này giải thích: “Người tiêu dùng là bất cứ tự nhiên nhân (tức là cá nhân) nào… tham gia vào các hợp đồng điều chỉnh trong Chỉ thị này… vì mục đích không liên quan tới hoạt động kinh doanh hoặc nghề nghiệp của mình”[13].Xu hướng quan niệm người tiêu dùng chỉ là cá nhân, không bao gồm các tổ chức, còn có ở các nước khác như: Pháp, Đức, Nhật, Indonesia, Philippines, Thái Lan…
Xu hướng thứ hai có quy định người tiêu dùng bao gồm cả tổ chức, chẳng hạn như Ấn Độ, Đài Loan, Hàn Quốc. Điều 2 (1d) và 2 (1m)[14] Luật Bảo vệ người tiêu dùng Ấn Độ năm 1986 quy định như sau: Điều 2 (1d): Người tiêu dùng là bất cứ người nào mua… hàng hóa… mà không có mục đích để bán lại hoặc vì mục đích thương mại khác”. Điều 2 (1m) giải thích chữ “người” (nhân) ở đây được hiểu bao gồm: hãng (doanh nghiệp), cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã, tổ chức xã hội.
Điều 2 Luật BVQLNTD Việt Nam quan niệm “người tiêu dùng” là các cá nhân và tổ chức mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng. Giải thích cho việc quan niệm như vậy, các nhà làm luật cho rằng, người tiêu dùng là người luôn đứng ở vị trí yếu thế. Vị trí yếu thế ngoài vấn đề tài chính còn là sự mất cân bằng về thông tin, tính chuyên nghiệp nên việc bảo vệ các tổ chức với tư cách là người tiêu dùng là cần thiết[15]. Tuy nhiên, việc sử dụng thuật ngữ “mục đích tiêu dùng” cho cả tổ chức làm cho cách định nghĩa này của Luật BVQLNTD của Việt Nam trở nên lạc lõng, trong khi pháp luật các nước không coi “tổ chức” là người tiêu dùng hoặc chỉ coi “tổ chức” là người tiêu dùng đối với những hoạt động không mang tính thương mại.
Có thể kết luận, cách tiếp cận của PGS.TS Nguyễn Như Phát về khái niệm ĐKTMC phù hợp hơn cách định nghĩa của các nhà làm luật ở Luật BVQLNTD Việt Nam, bởi về bản chất, ĐKTMC không chỉ là các quy tắc, điều kiện bán hàng, cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực tiêu dùng.
Mặc dù định nghĩa của PGS.TS Nguyễn Như Phát đã thoát ly cách hiểu nhầm lẫn giữa ĐKTMC với các điều khoản, quy tắc thương mại trong các hợp đồng tiêu dùng, nhưng trong định nghĩa của PGS.TS Nguyễn Như Phát, dường như đã giới hạn hẹp hơn phạm vi khái niệm ĐKTMC, đó là “nó phải được sử dụng với nhiều khách hàng khác nhau”. Điều đó có nghĩa, nếu điều kiện, quy tắc thương mại được soạn sẵn, sử dụng nhiều lần cho một chủ thể trong nhiều lần giao dịch thì không được coi là ĐKTMC. Cách định nghĩa này vẫn chưa thực sự đầy đủ bởi bản thân ĐKTMC, do một bên soạn thảo, được áp dụng nhiều lần cho cùng giao dịch với một chủ thể, xét cho cùng cũng là những điều kiện, quy tắc thương mại được “lặp đi lặp lại” và bên không được soạn thảo không có khả năng đàm phán, sửa đổi nó và quan trọng là các điều khoản hợp đồng này không được hình thành trên nguyên tắc tự do khế ước. Tuy nhiên, những điều kiện thương mại như thế này là vô cùng hiếm. Mặc dù vậy, nên tiếp cận theo hướng này cho trọn vẹn về lý luận của ĐKTMC.
Cùng với sự phát triển của các giao dịch thương mại, các ĐKTMC áp dụng đối với các thương nhân trong các hoạt động kinh doanh, thương mại thuần tuý, chẳng hạn như các hợp đồng trong lĩnh vực bảo hiểm, hợp đồng tín dụng, hợp đồng xây dựng, hợp đồng trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản ngày càng trở nên phổ biến. Tuy nhiên, với cách tiếp cận về khái niệm ĐKTMC của pháp luật Việt Nam và pháp luật nhiều nước trên thế giới hiện nay đã tạo ra “lỗ hổng pháp lý” trong việc bảo vệ các chủ thể là các thương nhân yếu thế trước các ĐKTMC bất bình đẳng. Vấn đề này hiện nay đang được các nhà khoa học trên thế giới tiếp tục nghiên cứu, thảo luận với kỳ vọng thay đổi cách tiếp cận của pháp luật nhiều nước liên quan đến phạm vi điều chỉnh của ĐKTMC - không chỉ giới hạn ở lĩnh vực BVQLNTD như đa số cách tiếp cận của các quốc gia hiện nay./.
 

[1] Friedrich (Đại học Yale, Mỹ), Pattenson (Đại học Havard, Mỹ), PGS.TS Nguyễn Như Phát (Việt Nam)
[2] Friedrich (1943), Contract of Adhersion, - Some Thought about Freedom of , Law Review, Columbia University, Volum 43.
[3] Friedrich, tlđd.
[4] Friedrich, tlđd.
[5] Có cách dịch khác là “điều khoản bất bình đẳng”, nhưng theo chúng tôi, dịch là “điều khoản lạm dụng” chính xác hơn.
[6] Friedrich, tlđd.
 
[7] Cục Quản lý cạnh tranh (2006), Sổ tay công tác bảo vệ người tiêu dùng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 33.
[8]http://www.lehmanlaw.com/resource-centre/laws-and-regulations/consumer-protection/law-of-the-peoples-republic-of-china-on-protection-of-the-rights-and-interests-of-the-consumers-1994.html.
[9] Michael L. Rustad, Everyday Law for Consumers (Paradigm Publishers, 2007) at 2.
[10] http://www.canlii.org/en/qc/laws/stat/rsq-c-p-40.1/latest/rsq-c-p-40.1.html.
[11] http://www.bclaws.ca/EPLibraries/bclaws_new/document/ID/freeside/04002_01.
[12] Criminal Proceedings against Patrice Di Pinto, Case C-361/89 [1991] I-1189 (cited in Geraint Howells and Stephen Weatherill, Consumer Protection Law, 2nd ed.(England: Ashgate Publishing Limited, 2005) at 365.
[13] Francise Rose (ed.), Blackstone’s Statutes on Commercial and Consumer Law 2008-2009, 17th ed. (Oxford: Oxford University Press, 2008) at 539.
[14] http://www.cgap.org/gm/document-1.9.46004/CONSUMER%20PROTECTION%20ACT,%201986.pdf.
[15] Tờ trình chính thức về Đề án xây dựng Luật BVQLNTD của Bộ Công thương, ngày 8/4/2010.