Thực trạng thi hành chính sách pháp luật về bồi thường thiệt hại do hành vi làm ô nhiễm môi trường

01/12/2014

Mặc dù Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2005 đã quy định rất rõ ràng, cụ thể về các hoạt động BVMT nhưng nhiều doanh nghiệp chỉ nghĩ cách hoạt động, kinh doanh hiệu quả, sinh lợi nhiều mà ít quan tâm đến BVMT, xử lý tốt các chất thải. Điều này dẫn đến việc môi trường ngày càng bị ô nhiễm nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của người dân. Hiện nay, nhiều biện pháp khác nhau được đưa ra nhằm ngăn chặn, hạn chế tình trạng này, trong đó có các biện pháp pháp lý với nội dung chính là quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại (BTTH) do làm ô nhiễm môi trường . Tuy nhiên, các quy định hiện hành về cơ chế giải quyết yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực này còn rất chung chung, mang tính nguyên tắc, chưa thể áp dụng ngoài thực tế. Do vậy, các vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại trong thời gian qua gặp không ít khó khăn do chưa có sự thống nhất về cách hiểu và áp dụng các quy định pháp luật hiện hành. 
luat-bao-ve-moi-truong.jpg
Ảnh minh họa: ST
1. Chế định bồi thường thiệt hại do hành vi làm ô nhiễm môi trường
1.1. Bản chất của chế định
Trong quá trình giải quyết các tranh chấp yêu cầu BTTH do hành vi làm ô nhiễm môi trường xảy ra gần đây, có một nội dung gây tranh cãi về mặt thuật ngữ pháp lý khá quyết liệt, đó là nên dùng khái niệm “hỗ trợ” hay khái niệm “bồi thường” cho chế định này.
Điều 604 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: “1. Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. 2. Trong trường hợp pháp luật quy định người gây thiệt hại phải bồi thường cả trong trường hợp không có lỗi thì áp dụng quy định đó”; “Cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác làm ô nhiễm môi trường gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp người gây ô nhiễm môi trường không có lỗi” (Điều 624). Như vậy, về mặt pháp luật, khái niệm “bồi thường” dùng để chỉ nghĩa vụ của người có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại cho người khác phải hoàn trả lại giá trị tổn thất cho người bị thiệt hại, nạn nhân của hành vi trái pháp luật do mình thực hiện. Nguyên tắc bồi thường là phải bồi thường toàn bộ và kịp thời. Còn về thuật ngữ, thì chỉ có thể dùng từ “hỗ trợ” khi nào có hành vi “lỡ” gây ra thiệt hại mà không phải là hành vi trái pháp luật. Hỗ trợ được hiểu là sự an ủi, chia sẻ với người bị thiệt hại mà thiệt hại đó xảy ra bắt nguồn từ hành vi hợp pháp. Trong “hỗ trợ”, nghĩa vụ “phục hồi nguyên trạng” không được đặt ra, tức là không có quyền đòi hỏi sòng phẳng ngang giá và kịp thời. Hỗ trợ không mang bản chất BTTH ngoài hợp đồng, không căn cứ vào yếu tố lỗi mà chỉ dựa vào sự từ tâm, nhân đạo, cùng nhau chia sẻ khó khăn khi có người gặp nguy nan và có thể thực hiện hoặc không thực hiện, tùy theo thiện chí của chủ thể. Như vậy, người có hành vi vi phạm pháp luật môi trường gây thiệt hại tất yếu phải có nghĩa vụ bồi thường cho chủ thể bị hại. Tuy nhiên, thực tiễn giải quyết các vụ việc liên quan cho thấy chúng ta đã hiểu sai bản chất của chế định này.
Lâu nay, do quy định pháp luật chưa đầy đủ nên có rất nhiều trường hợp lẽ ra phải bồi thường thì người có hành vi xâm phạm môi trường gây thiệt hại cho người khác vẫn quen có thái độ “lấp liếm” bằng cách dùng từ “hỗ trợ”. Đó là kiểu cư xử của các cơ sở sản xuất kinh doanh do chạy theo lợi nhuận đã làm ô nhiễm môi trường, gây thiệt hại cho người dân. Sau đó, họ chi một số tiền tùy ý gọi là “hỗ trợ” và tự coi đó là sự thể hiện cao độ lòng nhân từ trong cách “đối nhân xử thế” mà không thấy trách nhiệm pháp lý của mình - vụ Vedan là một điển hình. Mặc dù có hành vi vi phạm pháp luật môi trường một cách trắng trợn, làm cho hàng ngàn hộ dân điêu đứng, nhưng cho đến tận thời điểm này, Vedan vẫn một mực khẳng định mình chỉ có trách nhiệm thực hiện việc “hỗ trợ” cho người dân và ngang nhiên đưa ra khoản chi trả với những điều kiện khắt khe đòi hỏi chủ thể nhận khoản “hỗ trợ” này phải đáp ứng. Và mới đây là câu chuyện công ty đường Quảng Ngãi xả thải gây ô nhiễm sông Trà Khúc, làm cho nông dân ở vùng ven sông bị thiệt hại hàng trăm triệu đồng, nhưng sau đó đại diện công ty lại tuyên bố rằng công ty muốn “hỗ trợ” cho người dân để chuẩn bị đón Tết Nguyên đán. Có một nghịch lý rằng, đây không phải là lần đầu tiên một doanh nghiệp tại Việt Nam gây ô nhiễm rồi tự xử lý hành vi vi phạm của mình bằng hỗ trợ nhân đạo, nhưng vẫn được sự chấp thuận một cách hồn nhiên của người dân cũng như sự đồng tình ủng hộ của chính quyền các địa phương.
Như vậy, nhận thức về bản chất của chế định BTTH do hành vi làm ô nhiễm môi trường gây ra dường như đã được hiểu sai lệch không chỉ bởi đông đảo cộng đồng dân cư mà còn của đại bộ phận cán bộ thực thi pháp luật môi trường. Thiết nghĩ, các nhà lập pháp và hành pháp của chúng ta cần đưa ra quan điểm rõ ràng về vấn đề này thông qua việc phân định đối tượng nào thuộc diện bồi thường, đối tượng nào được hỗ trợ trong số những chủ thể bị thiệt hại do hành vi xâm phạm môi trường gây ra. Bởi lẽ, khi chưa có nhận thức pháp lý đúng đắn để xác định sự việc chính xác thì khó giải quyết tranh chấp đúng pháp luật, đem lại sự công bằng trong xã hội.
1.2. Các chủ thể có quyền khởi kiện
Về phía người dân
Về bản chất, ý thức về quyền được sống trong môi trường trong lành của người dân là rất cao, do đó họ biết sử dụng quyền này để phát hiện, tố cáo những hành vi vi phạm pháp luật về môi trường. Ví dụ, khi một cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, xâm phạm đến quyền được sống trong môi trường trong lành của người dân, thì họ không chỉ có quyền tố cáo hành vi vi phạm đó mà còn có quyền khởi kiện yêu cầu BTTH về tài sản, sức khỏe, tính mạng. Nếu người dân sử dụng quyền này một cách triệt để sẽ tạo sức ép rất lớn đối với các cơ sở sản xuất vì họ sợ phải bồi thường. Tuy nhiên, trên thực tế, người dân ít khi nghĩ đến việc yêu cầu cơ sở kinh doanh gây ô nhiễm, gây thiệt hại cho mình phải BTTH. Tình trạng này xuất phát từ ý thức về quyền được sống trong môi trường trong lành của người dân còn hạn chế, nên họ đã không biết sử dụng những quyền năng này của mình một cách đầy đủ. Chính vì vậy, khi phải sống trong một môi trường bị ô nhiễm, phải gánh chịu những thiệt hại to lớn về tính mạng, sức khoẻ và tài sản, thì người dân thường có xu hướng tự tìm những biện pháp giải quyết tạm thời như đóng kín cửa nhà để hạn chế mùi hôi thối, bụi bặm từ môi trường bị ô nhiễm bên ngoài, hoặc chuyển nhà đi nơi khác trú ngụ... Có một số trường hợp cộng đồng dân cư đã không còn “kiên nhẫn”, phản ứng lại bằng những biện pháp tự phát. Việc người dân “bao vây” các cơ sở vi phạm pháp luật BVMT ở một số địa phương trong thời gian qua là các trường hợp như vậy. Sự việc xảy ra vào chiều ngày 19/7/2009 khi hàng chục người dân ở ấp 4, xã La Ngà, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai tụ tập dựng lều, giăng băng rôn đề nghị Công ty TNHH AB Mauri Việt Nam (chuyên sản xuất men thực phẩm) ngưng hoạt động, đồng thời dùng vỏ xe ô tô cũ và cây gai mắt mèo chất trước cổng, cử người trực canh 24/24 tại cổng công ty, không cho công nhân và xe chở hàng hoá ra vào để phản đối việc nhà máy này xả nước thải gây ô nhiễm môi trường. Hoặc những trường hợp người dân bao vây nhà máy gây ô nhiễm ở Nghệ An[1]; người dân bao vây nhà máy xi măng ở Thừa Thiên Huế[2]; bao vây nhà máy thép gây ô nhiễm ở Long An[3]… là những ví dụ điển hình.
Một trong những nguyên nhân lý giải cho việc người dân không sử dụng đến quyền yêu cầu BTTH, trong trường hợp bị thiệt hại do ô nhiễm môi trường, là họ chưa nhận thức được các quy định pháp luật có liên quan đến quyền năng của mình. Do vậy, người dân thường nghĩ rằng việc đưa ra những yêu cầu mang tính chất pháp lý phụ thuộc vào các cơ quan có thẩm quyền mà không phải là công việc của mình. Trách nhiệm luôn được người dân “gửi gắm” toàn bộ cho các cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, nếu các cán bộ, công chức lại không thực hiện đúng trọng trách mà dân chúng đã giao phó cho mình, đồng thời do chỉ nhìn thấy được khoản lợi ích trước mắt nên đã quên đi những ảnh hưởng nghiêm trọng của tình trạng môi trường bị ô nhiễm. Chính vì vậy, khi cá nhân hoặc cộng đồng bị thiệt hại có một mối liên hệ nào đó về mặt lợi ích với chủ thể gây hại, thì họ thường cố gắng quên đi tình trạng xuống cấp của môi trường, cho dù chúng ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống vật chất lẫn tinh thần của mình. Chẳng hạn, trường hợp các làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng như hiện nay là một ví dụ. Một khi chính những cư dân trong làng nghề là chủ thể gây ô nhiễm tại làng nghề đó thì có lẽ, sẽ không có chủ thể nào đứng lên đòi BTTH do môi trường bị xâm phạm cả. 
Về phía Nhà nước
Khi được người dân yêu cầu, Nhà nước có trách nhiệm thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền lợi chung, trong đó có việc khởi kiện chủ thể có hành vi xâm hại. Và ngay cả khi không được yêu cầu, Nhà nước cũng phải chủ động điều tra và tiến hành khởi kiện. Theo đó, với tư cách là chủ sở hữu chính thức mọi nguồn tài nguyên thiên nhiên của quốc gia như đất đai, sông hồ, nguồn nước…, Nhà nước có quyền và nghĩa vụ đứng ra khởi kiện các chủ thể gây ô nhiễm yêu cầu BTTH về môi trường[4].
Tuy nhiên, từ trước đến nay, việc cơ quan nhà nước đứng ra làm nguyên đơn dân sự trong vụ kiện bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích nhà nước thuộc lĩnh vực môi trường là chưa từng có. Bởi cơ quan nhà nước chưa có ý niệm hay thói quen thể hiện mình với tư cách là một chủ thể dân sự, bình đẳng như các chủ thể dân sự khác. Thực tế cho thấy, khi có hành vi xâm phạm các nguồn tài nguyên như đất đai, rừng núi... các cơ quan có thẩm quyền thường chỉ áp dụng biện pháp xử lý hành chính (phạt tiền, buộc đình chỉ hoạt động, khắc phục hậu quả...) hoặc nếu ô nhiễm nghiêm trọng thì xử lý hình sự đối với người có hành vi vi phạm (mà hiện nay, việc này rất khó có thể thực hiện), còn yêu cầu đòi bồi thường thì chưa có. Trong khi đó, các khoản tiền BTTH về môi trường - không hề nhỏ, có thể lên đến hàng chục, hàng trăm tỷ đồng - một nguồn tài chính rất quan trọng dùng để phát triển Quỹ BVMT. Thêm vào đó, trước tình trạng cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường, thay vì việc đứng ra khởi kiện yêu cầu BTTH thì ngược lại, Nhà nước lại trở thành chủ thể đứng ra khắc phục hậu quả do doanh nghiệp gây ra, điều này đã làm cho nguyên tắc “người gây ô nhiễm trả tiền” dường như không còn giữ được ý nghĩa của nó trong thực thi pháp luật môi trường ở nước ta. Việc xử lý vụ ô nhiễm kênh Ba Bò giáp ranh Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh bằng ngân sách nhà nước (hơn 300 tỉ đồng, sau tăng lên 744 tỉ đồng) đã thể hiện sự “hào phóng” của Nhà nước đối với các chủ thể gây ô nhiễm cho dòng kênh này[5].
Khi đề cập đến vấn đề này, có thể cơ quan nhà nước sẽ đưa ra thật nhiều lý do về việc e ngại sẽ tác động nghiêm trọng đến môi trường đầu tư, sự phát triển kinh tế của đất nước hay sự chấn động của thị trường chứng khoán, thị trường lao động... Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhận thấy rằng, mặc dù không hiện hữu ra ngay lập tức như các lĩnh vực khác, nhưng những hậu quả do hành vi làm ô nhiễm môi trường gây ra là vô cùng khắc nghiệt, và hơn thế, chúng còn đe dọa đến sự tồn vong của cả dân tộc. Bởi lẽ, thiệt hại đối với Nhà nước là thiệt hại ảnh hưởng đến toàn thể cộng đồng, thiệt hại đó có tính dây chuyền, không chỉ đối với môi trường mà kéo theo nhiều vấn đề xã hội. Chẳng hạn, việc gây ô nhiễm môi trường của những chủ thể sản xuất kinh doanh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, đến môi trường tự nhiên, bao gồm nước, đất, không khí, môi trường sống của cá, tôm... Những tác động xấu này rất to lớn và nguy hại gấp nhiều lần so với thiệt hại kinh tế trước mắt. Do vậy, thiết nghĩ, ngay từ bây giờ, các cán bộ, các cơ quan có thẩm quyền cần sớm thay đổi nhận thức, quan điểm của mình theo hướng tích cực hơn nhằm hướng đến mục tiêu phát triển bền vững của đất nước, của con người Việt Nam.
1.3. Trách nhiệm của các chủ thể có liên quan trong việc thực hiện yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi làm ô nhiễm môi trường 
Mặc dù chế định BTTH do hành vi làm ô nhiễm môi trường gây ra đã được quy định trong luật gần hai thập niên, nhưng ý thức của các chủ thể gây ô nhiễm về trách nhiệm BTTH trong lĩnh vực môi trường vẫn chưa có sự cải thiện nào đáng kể. 
Trong hầu hết các vụ việc xâm phạm môi trường xảy ra trên thực tế, khi bị phát hiện, bị nhân dân khiếu nại, thì thái độ đầu tiên và duy nhất của các doanh nghiệp đó là sự chối cãi, trốn tránh trách nhiệm. Đến khi nào các cơ quan chức năng hoặc người dân đưa ra bằng chứng rõ ràng, cụ thể thì lúc đó họ mới “ậm ừ” thừa nhận. Tuy nhiên, từ lúc xác nhận hành vi đến khi họ đứng ra chịu trách nhiệm BTTH là một khoảng thời gian rất xa. Đồng thời, trước những người dân nghèo khổ, yếu thế và một hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh, các cơ sở gây ô nhiễm này đã không ngần ngại lợi dụng những “cơ hội” để kèo nài “bớt một thêm hai” trên bàn thương lượng, và tìm mọi cách kéo dài thời gian, cho đến khi nào phía các nạn nhân mệt mỏi, chán nản với quá trình thương lượng, nên phải chấp nhận giá bồi thường rẻ mạt.
Những biểu hiện coi thường pháp luật, thiếu trách nhiệm đối với thiệt hại đã gây ra cho môi trường tự nhiên không còn là câu chuyện lạ trong thực tiễn thực thi pháp luật BTTH về môi trường. Chính thái độ, lối suy nghĩ vô trách nhiệm của các cơ sở xâm phạm môi trường đã gây bức xúc rất lớn trong dư luận, đòi hỏi Nhà nước cần đưa ra các chế tài thật mạnh mẽ cùng biện pháp pháp lý thật cứng rắn để răn đe những chủ thể này. Qua đó, nâng cao tính nghiêm minh của pháp luật cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho công tác BTTH trong lĩnh vực môi trường và bảo vệ tốt nhất quyền lợi của công dân.
Do chưa nhận thức đầy đủ và quan tâm đúng mức đối với công tác BTTH môi trường, một số cán bộ đã thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát về môi trường, giải quyết các yêu cầu BTTH của công dân một cách chiếu lệ, hình thức. Như ta đã biết, xuất phát từ đặc trưng vốn có, việc xác định thiệt hại để yêu cầu BTTH là một công việc hết sức phức tạp, đòi hỏi có sự giúp sức của các cơ quan chuyên môn trong bộ máy nhà nước. Thiệt hại được xác định cụ thể sẽ là một cơ sở pháp lý quan trọng để người dân thực hiện quyền khởi kiện đòi BTTH. Hơn thế, hoạt động giải quyết tranh chấp BTTH có kịp thời, hiệu quả hay không là phụ thuộc vào tiến độ nhanh, chậm của việc đánh giá, xác định thiệt hại.Tuy nhiên, thực tế đã cho thấy, cơ quan chức năng ở một số địa phương vẫn chưa nhận thức được tầm quan trọng của những trách nhiệm mà mình đã được nhân dân giao phó. Từ đó, trước các đơn thư khiếu nại về tình trạng ô nhiễm, hoặc các yêu cầu xác định nguyên nhân, nguồn gốc của những thiệt hại đang hiện hữu, thì một số quan chức đã tỏ thái độ dửng dưng như không nghe, không thấy, hoặc nếu có chút ít quan tâm thì họ cũng chỉ thực hiện nhiệm vụ chiếu lệ. Do đó, câu chuyện làng ung thư ở Thạch Sơn tồn tại, gây bức xúc từ 2005 đến nay vẫn chưa được lý giải nguyên nhân gây ra tình trạng ung thư cao hơn 2,6 lần mức trung bình cả nước. Mặc cho những người dân trong làng lần lượt ra đi do căn bệnh quái ác, mặc cho những lời cầu cứu từ mọi tầng lớp nhân dân trong làng, các chủ thể có thẩm quyền cho rằng: “tỷ lệ ung thư ở Thạch Sơn vẫn bình thường như bao địa phương khác”[6]. Họ không hề biết rằng, kết quả xác định thiệt hại ấy có ý thế nào đối với những người dân nghèo khổ, bệnh tật đang từng ngày, từng giờ đối mặt với cái chết, đang ra sức đấu tranh để giành lại lẽ công bằng. Ở nhiều địa phương khác trong cả nước, cũng không khó để có thể tìm thấy những thái độ vô cảm đến đáng sợ như thế này. Bên cạnh đó, tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan quản lý với nhau trước các đơn thư khiếu kiện của công dân cũng xảy ra phổ biến hiện nay.
Với kiểu làm việc thiếu trách nhiệm như vậy, nhưng khi đề cập đến việc truy cứu trách nhiệm thì những cán bộ này lại không ngần ngại đổ lỗi cho sự hạn chế về khả năng, trình độ nghiệp vụ nên không thể thực hiện được nhiệm vụ. Rõ ràng, đây là sự bao biện, bởi nếu cấp dưới nhận thấy không có khả năng thì họ cần báo cáo để cấp trên chỉ đạo hoặc đưa ra phương hướng giải quyết. Tuy nhiên, nhiều trường hợp xảy ra trên thực tế đã cho thấy sự thờ ơ, không có bất kỳ hành động nào của cán bộ có thẩm quyền được thực hiện.
Trường hợp Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh gửi đơn khởi kiện đòi bồi thường 14,3 tỉ đồng tiền thiệt hại gây ra do sự cố tràn dầu của tàu Kasco quốc tịch Liberia vào năm 2005 là một ví dụ[7]. Ở đây, mặc dù nhận thấy không đủ khả năng giải quyết vụ kiện, nhưng Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh vẫn im lặng, để rồi đơn kiện của nguyên đơn được “ngâm” hơn hai năm mà vẫn chưa tiến hành xét xử. Thiết nghĩ, trước thực trạng hoạt động kém hiệu quả của một số cơ quan chức năng tại các địa phương như hiện nay, Nhà nước cần đề ra được những thiết chế pháp lý cần thiết nhằm thay đổi nhận thức cũng như nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong công tác BVMT nói chung, cũng như hoạt động thực thi pháp luật về BTTH môi trường nói riêng.
2. Bất cập trong việc giải quyết các tranh chấp bồi thường thiệt hại do hành vi làm ô nhiễm môi trường
Thứ nhất, các khiếu kiện liên quan đến BTTH do hành vi làm ô nhiễm môi trường gây ra đã xảy ra thường mang tính nhỏ, lẻ, chỉ diễn ra ở một địa phương cụ thể như cấp xã hoặc cấp huyện, chủ yếu liên quan đến hành vi xả nước thải, khí thải độc hại gây ô nhiễm như lúa chết vì khói lò gạch, cá chết do nước thải ô nhiễm... Nhìn chung, khi bị thiệt hại, đa số người dân vẫn chưa có ý thức về quyền khiếu kiện yêu cầu BTTH, trong trường hợp hiếm hoi có một số ít người dân lên tiếng đòi chủ thể gây ô nhiễm bồi thường thì họ cũng chỉ biết gửi đơn đến chính cơ sở đã gây ô nhiễm, hoặc chính quyền cấp xã và hầu như không thể có khả năng để gây sức ép lên chủ thể vi phạm. Mặt khác, đối với trường hợp một cộng đồng cùng bị thiệt hại có số đông người đưa ra yêu cầu bồi thường thì người dân cũng chỉ tiến hành việc khiếu kiện riêng lẻ, mà chưa tập hợp nhau lại để tạo nên một sức mạnh tập thể lớn hơn.
Ngoài ra, các vụ việc về BTTH do hành vi làm ô nhiễm môi trường trong thời gian qua thường tập trung khiếu kiện những thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tài sản và lợi ích hợp pháp khác của tổ chức, cá nhân bị thiệt hại mà chưa tính đến những thiệt hại về mức suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường tự nhiên. Đây là thiệt hại gắn liền với chủ sở hữu là Nhà nước hoặc cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn chưa có chủ thể nào đứng ra yêu cầu BTTH cho loại thiệt hại này.
Thứ hai, hầu hết các tranh chấp về BTTH do hành vi làm ô nhiễm môi trường gây ra hiện nay đều được giải quyết thông qua thương lượng. Số lượng các tranh chấp đưa ra giải quyết bằng con đường xét xử là rất ít. Tất nhiên, trong thực tế, cũng có một vài vụ kiện nhỏ liên quan tới hành vi gây ô nhiễm môi trường hoặc gây suy thoái môi trường mà hệ thống Tòa án đã phải đối mặt để giải quyết như: vụ khởi kiện Công ty Ba Lá Xanh (do Tòa án nhân dân tỉnh Long An giải quyết)[8]; vụ bồi thường do ruộng bị nhiễm phèn ở TP. Hồ Chí Minh[9]; vụ bồi thường cá chết ở Thốt Nốt (Cần Thơ)[10]. Một trong những lý do chủ yếu là xuất phát từ sự rườm rà, phức tạp trong quy trình tố tụng tại Toà án cũng như những hạn chế về trình độ pháp lý của người dân, do đó phương thức khởi kiện thường vấp phải sự khước từ của đa số các chủ thể bị thiệt hại. Mặc dù vậy, giải pháp thương lượng trong trường hợp tranh chấp về môi trường lại thường không phải là giải pháp tối ưu. Khác với nhiều loại tranh chấp khác, các tranh chấp về môi trường đòi hỏi phải được giải quyết nhanh chóng bởi những thiệt hại này càng kéo dài càng khó khắc phục. Trong khi đó, quá trình thương lượng luôn phụ thuộc vào thiện chí của các bên, do đó, nó có thể kéo dài vô thời hạn. Mặt khác, quá trình đàm phán là quá trình thiếu minh bạch, thường được thực hiện bởi các chủ thể đại diện và đôi khi lại bị ảnh hưởng bởi các yếu tố chính trị và lợi ích, nên các bên có thể đạt được giải pháp cho tranh chấp nhưng giải pháp đó chưa chắc đã tốt cho môi trường, chủ thể bị thiệt hại. Điều này đặc biệt quan trọng khi người dân là những người trực tiếp chịu ảnh hưởng từ các vấn đề về môi trường, do dó, không những họ cần được bảo vệ mà còn có quyền được tiếp cận thông tin và được có tiếng nói trong quá trình giải quyết tranh chấp. Giải pháp thương lượng giữa các bên nhiều khi không đảm bảo cho họ những quyền này. Như vậy, dù muốn hay không, hướng phát triển cho tương lai là tìm kịếm giải pháp để tạo ra một quy trình tố tụng tại Toà án đơn giản, thuận lợi nhưng cũng không kém phần hiệu quả để người dân có thể tiếp nhận và đặt niềm tin của họ vào đó.
Thứ ba, việc giải quyết các tranh chấp thường diễn ra trong một khoảng thời gian rất dài. Trong khi đó, những thiệt hại cần được bồi thường do hành vi làm ô nhiễm môi trường gây ra là những thiệt hại có liên quan trực tiếp đến cuộc sống mưu sinh của cộng đồng dân cư. Do vậy, việc được bồi thường một cách kịp thời có ý nghĩa rất lớn đối với họ, nhằm có thể nhanh chóng khôi phục lại hoạt động sản xuất, để có thể trang trải cho các nhu cầu sinh hoạt của gia đình và bản thân. Tuy nhiên, vì những nguyên nhân khác nhau như công tác xác định thiệt hại phức tạp, mất nhiều thời gian; hay mức thiệt hại mà hai bên đưa ra chênh lệch nhau quá nhiều dẫn sự tranh cãi giữa các bên kéo dài; do sự chây ỳ của chủ thể gây thiệt hại; hoặc xuất phát từ kiểu làm việc thiếu trách nhiệm của cán bộ ở các địa phương... đã làm cho thời gian giải quyết tranh chấp thường kéo dài nhiều năm, thậm chí là rơi vào bế tắc. Có thể kể đến thời gian giải quyết của một số vụ tranh chấp điển hình như: Vụ tràn dầu tại Vịnh Gành Rái, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vào tháng 9/2001 kéo dài trong hơn 6 năm; vụ yêu cầu Công ty Men Mauri Việt Nam và Công ty cổ phần Mía đường La Ngà (Đồng Nai) bồi thường kéo dài trong 1,5 năm mới có kết quả. Và vụ hơn 6.000 nông dân yêu cầu Công ty Vedan BTTH kéo dài gần hai năm... Đó là chưa kể đến một khoảng thời gian không ngắn để số tiền bồi thường có thể đến được tay của người bị thiệt hại. Rõ ràng, điều này sẽ kéo theo những thiệt hại không nhỏ cho người dân bên cạnh những tổn thất phát sinh trực tiếp từ hành vi gây ô nhiễm môi trường.
Thứ tư, nhìn một cách tổng quát, trong hầu hết các vụ tranh chấp, mức bồi thường mà bên chủ thể bị thiệt hại đạt được cuối cùng thường rất thấp so với mức thiệt hại đã xảy ra trên thực tế. Những kết quả đạt được mang tính hạn chế này có lẽ một phần xuất phát từ tính phức tạp của việc xác minh thiệt hại trong bối cảnh trình độ cán bộ cũng như các phương tiện kỹ thuật liên quan đến việc đánh giá, thống kê thiệt hại môi trường ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế. Vì vậy, chúng ta chưa thu thập được những cơ sở vững chắc cho việc chứng minh toàn bộ thiệt hại xảy ra để buộc chủ thể gây hại phải bồi thường thoả đáng. Ngoài ra, những hạn chế về mặt pháp luật liên quan đến căn cứ, cách thức xác định thiệt hại môi trường cũng là một nguyên nhân không kém phần quan trọng. Chúng ta chưa tạo ra được những căn cứ pháp lý rõ ràng cho việc định giá thiệt hại, nên trong các vụ tranh chấp, mức thiệt hại mà người dân đưa ra thường vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ chủ thể gây hại. Và do sự yếu thế về căn cứ pháp lý nên trong cuộc tranh cãi đó, phần thắng thường nghiêng về chủ thể gây thiệt hại. Cuối cùng, với một quy trình khởi kiện khó khăn, cũng như sức lực dành cho việc đấu tranh yêu cầu BTTH đã phần nào suy giảm qua khoảng thời gian đàm phán kéo dài, trong khi hầu như chưa nhận được sự hỗ trợ tích cực nào từ phía chính quyền các cấp, thì người dân đành phải chấp nhận mức bồi thường rất ít ỏi so với mức thiệt hại thực. Ví dụ: một hộ dân bị thiệt hại hơn 30 tấn cá với tổng giá trị hơn 800 triệu đồng do hành vi gây ô nhiễm môi trường của hai công ty Men Mauri Việt Nam và Công ty cổ phần Mía đường La Ngà (Đồng Nai) gây ra, nhưng chỉ “Nhận được 140 triệu tiền đền bù, chỉ đủ trả nợ lãi số tiền bị thiệt hại hơn một năm qua đã đi vay. Chẳng ai bảo vệ người nông dân“thấp cổ bé họng”, xác định có theo kiện nữa cũng chẳng được gì mà thêm mất công sức. Thôi thì cứ coi như chấp nhận số không may... ”[11]. Thực tế cho thấy, đây không phải là một trường hợp hiếm hoi, bởi số lượng các vụ tranh chấp kết thúc với khoản tiền bồi thường nhỏ nhoi chiếm số lượng tuyệt đối trong tổng số các vụ tranh chấp mà bên bị hại đòi được tiền bồi thường. Trong vụ Công ty Men Mauri Việt Nam và Công ty cổ phần Mía đường La Ngà gây ô nhiễm làm cho 27 hộ dân làng bè lòng hồ Trị An thiệt hại vì số cá chết có trị giá lên tới hơn 5 tỷ đồng, nhưng mức bồi thường mà nông dân đạt được cuối cùng chỉ là 1,7 tỷ đồng. Trong sự cố tràn dầu tại vịnh Gành Rái (9/2001), bên đại diện tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đưa ra yêu cầu đòi chủ tàu bồi thường 14 triệu USD, nhưng mức bồi thường chính thức là 4,754 triệu USD; hay trong vụ tàu chở dầu Neptune Aries (Singapore) đâm vào cầu tàu cảng Cát Lái trên sông Sài Gòn năm 1994 gây thiệt hại ước tính 28 triệu USD, song ta chỉ đòi được chủ tàu bồi thường 4,2 triệu USD[12].
Thứ năm, một bất cập nữa trong công tác BTTH do hành vi làm ô nhiễm môi trường gây ra là việc xác định chính xác nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm đôi khi là rất khó khăn. Bởi việc gây ô nhiễm một vùng rộng lớn thường không chỉ do một chủ thể nào đó gây ra mà thường liên quan đến nhiều chủ thể khác nữa, và trong những trường hợp này, việc xác định tất cả các chủ thể gây thiệt hại đã là một công việc không hề đơn giản, huống chi xác định cụ thể mức độ lỗi, phạm vi gây thiệt hại của mỗi chủ thể để phân chia trách nhiệm bồi thường. Mặt khác, đối với các vụ tràn dần thì việc xác định nguồn gốc gây ô nhiễm lại càng khó khăn hơn trong bối cảnh trình độ chuyên môn, phương tiện kỹ thuật cho việc xác định thiệt hại của ta chưa đáp ứng được yêu cầu, cũng như kinh nghiệm giải quyết tranh chấp của đội ngũ cán bộ còn nhiều hạn chế, mà đó lại là những vụ việc thường mang tính chất quốc tế. Đây chính là nguyên nhân lý giải tại sao hiện nay có đến hơn 77% sự cố tràn dầu đã xảy ra mà chúng ta không thể yêu cầu BTTH từ phía các chủ thể gây thiệt hại hoặc đang trong quá trình giải quyết.
Thứ sáu, việc giải quyết vấn đề “hậu tranh chấp” vẫn đang gặp nhiều rắc rối ở không ít các địa phương sau khi tiền BTTH được chi trả.Do những hạn chế về hiểu biết pháp luật cũng như thiếu những kỹ năng cần thiết trong việc khiếu kiện môi trường ở Việt Nam, những người nông dân bị hại có xu hướng, hoặc được chỉ dẫn ủy quyền cho một tổ chức có tư cách pháp nhân đại diện cho mình tham gia khởi kiện. Theo đó, những tổ chức được người dân tin cậy thường là UBND, hay cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường ở địa phương hoặc chính quyền thôn, xóm... Tuy vậy, cùng với những đóng góp trong việc giúp dân đòi chủ thể gây ô nhiễm phải bồi thường, thì trong thời gian qua, vấn đề phân chia tiền bồi thường cho các hộ dân bị thiệt hại cũng như giải quyết mối quan hệ sau tranh chấp giữa chủ thể ủy quyền và chủ thể đại diện đã tạo ra không ít những bức xúc trong cộng đồng, dẫn đến việc khiếu kiện này lại tiếp nối khiếu kiện khác, gây nên tình trạng bất ổn trong xã hội. Những rắc rối trong việc chi trả tiền đền bù thiệt hại ở khu dân cư Ngọc Tỉnh, thị trấn Lâm Thao, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ là một điển hình. “Sự việc bắt đầu từ năm 2006, khi khí thải của Công ty Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao gây thiệt hại đối với rau màu của nhân dân khu dân cư Ngọc Tỉnh, và đến cuối năm 2006, hai công ty đã bồi thường theo kiến nghị của khu dân cư. Song đáng tiếc, việc nhận chi trả số tiền trên cho nhân dân của trưởng khu dân cư - ông Hoàng Văn Nhu cùng Ban Khói (tổ công tác do khu tự thành lập gọi tắt là Ban Khói) của xóm không đúng với thực tế mà chủ thể gây thiệt hại hỗ trợ đền bù, do vậy, đã gây nên bức xúc cho người dân trong khu. Cụ thể, vụ việc được xác minh như sau: số tiền mà hai công ty bồi thường cho người dân được gửi về UBND thị trấn cuối năm 2006 là 111.119.133 đồng. Do có 4 hộ dân yêu cầu thanh toán trực tiếp với số tiền đền bù là 27.244.000 đồng, tổng số tiền còn lại là 83.875.000 đồng, trưởng khu dân cư đã trực tiếp đến nhận về để thanh toán cho nhân dân. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền về, ông Nhu không họp dân, không thông báo với chi bộ khu mà tự ý cắt 10% trong tổng số tiền trên để chi trả một số việc mà không có sự đồng ý của nhân dân; Công ty đền bù loại rau thấp nhất bằng 10%, trong khi đó ông trưởng khu cùng Ban Khói chi trả thấp hơn nhiều; bên cạnh đó, trưởng khu dân cư đã không trả hết tiền cho nhân dân theo danh sách mà Công ty đã trả; mà còn chi trả thêm cho một số hộ dân ngoài danh sách được đền bù...”[13]. Sự việc này lại bị nhân dân tiếp tục khiếu nại lên chính quyền cấp trên giải quyết. Và có lẽ, cũng sẽ mất thêm một thời gian dài nữa thì số tiền bồi thường mới được phân chia ổn thỏa đến người dân.
Tóm lại, việc nghiên cứu, tìm hiểu trên đây cho thấy, hệ thống pháp luật Việt Nam về BTTH do hành vi làm ô nhiễm môi trường gây ra cũng như cơ chế thực hiện chúng trên thực tế còn nhiều bất cập và thiếu sót, đòi hỏi các cơ quan có thẩm quyền cần nhanh chóng đề ra biện pháp cần thiết như kịp thời tiến hành sửa đổi, hoàn thiện pháp luật và đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc thực thi pháp luật nhằm nhanh chóng khắc phục những hạn chế còn tồn tại. Qua đó, góp phần làm cho công tác giải quyết tranh chấp BTTH trong lĩnh vực môi trường ngày càng hoàn thiện, nâng cao tính thực thi của pháp luật và trên hết là bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của người dân bị thiệt hại do hành vi làm ô nhiễm môi trường./.

 


[1]Hồ Hồng Tuyến, “Nghệ An: dân “vây” nhà máy vì ô nhiễm” (http://vietbao.vn/Xa-hoi/Nghe-An-Dan-vay-nha-máy-vi-o-nhiem/70036577/157) ngày 12/01/2006
[2]Nguyên Bình, “Thừa Thiên Huế: Người dân lại bao vây nhà máy xi măng Luks vì ô nhiễm” (http://laodong.com.vn/Tin-tuc/Nguoi-dan-lai-bao-vay-nha-may-xi-mang-Luks-vi-o-nhiem/22362) ngày 25/11/2010
[3]Ngọc Hậu, “Dân bao vây nhà máy thép gây ô nhiễm” (http://tuoitre.vn/Chinh-tri-xa-hoi/Moi-truong/471180/Dân-%È%80%9Cbao-vay%È%80%9D-nha-may-thep-gây-o-nhiem.html) ngày 27/12/2011
[4] Điều 3 Nghị định số 113/2010/NĐ-CP ngày 03/12/2010 của Chính phủ về xác định thiệt hại đối với môi trường
[5] Anh Thoa, “Kênh Ba Bò đổi thay”; Báo Tuổi trẻ online 12/8/2013.
[6]Trong danh sách thống kê mới nhất về số người chết từ năm 1991-2005 tại xã Thạch Sơn, có cả thảy 304 người chết: 106 người trong đó qua đời vì bệnh ung thư (chiếm 34.86%). Có những con số vô tri nhưng thật ai oán: Có 9 gia đình chết cả vợ chồng; gia đình chết cả bố mẹ và con, 3 gia đình có từ 3 người chết trở lên... Xem bài http://vietbao.vn/Suc-khoe/Ai-cuu-lang-ung-thu-Thach-Son/70029965/248/.
[7] Sở Tài nguyên và Môi trường Tp. Hồ Chí Minh, “Báo cáo hiện trạng môi trường” (2005).
[8]TS. Đỗ Văn Đại, Luật Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng Việt Nam: Bản án và bình luận bàn án, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr.645 - 647
[9]Tlđd, tr.648 - 651
[10]Tòa án nhân dân TP.Hồ Chí Minh, Bản án số 254/2009/DSPT, ngày 17/02/2009.
[11] Lan Phương (2009), “Tan nát làng cá bè sau ô nhiễm”, Tạp chí Phía trước,(06), tr. 6 - 8
[12] Đỗ Văn Sen (2008), “Ô nhiễm môi trường biển và vấn đề thực thi các điều ước quốc tế về bảo vệ môi trường biển tại Việt Nam”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, (09), tr. 75 – 76.
[13] http://www.monre.gov.vn/MONTENET/default.aspx?tabid=207&ItemID=32616.