Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và vấn đề cải cách thể chế kinh tế ở nước ta

01/11/2014

Toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại không chỉ là động lực quan trọng nhất thúc đẩy nền kinh tế thế giới phát triển trong thế kỷ XXI mà còn là xu hướng tất yếu của quá trình tập trung, chuyên môn hóa sản xuất và phân công lao động quốc tế. Trong bối cảnh đó, liên kết thương mại đa tầng nấc thông qua các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương ngày càng được các nước thúc đẩy mạnh mẽ, thu hút sự quan tâm và tham gia của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Những hiệp định đa phương thế hệ mới như Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) hoặc các FTA song phương mà Việt Nam đang đàm phán với các nước hứa hẹn đem lại nhiều cơ hội thành công, nhưng cũng đang tiềm ẩn nhiều thách thức đối với nền kinh tế - xã hội, trong đó có vấn đề hệ thống pháp luật chưa được kiện toàn để tương thích với các quy định chuẩn quốc tế. Một vấn đề cấp thiết đặt ra là làm thế nào để tận dụng và tranh thủ các thời cơ do FTA mang lại. Mặt khác, cần nhận diện những khó khăn, thách thức cơ bản mang tính chiến lược trong quá trình đàm phán, ký kết và thực hiện các FTA này, đặc biệt là việc hoàn thiện thể chế, hệ thống chính sách pháp luật phù hợp với các cam kết quốc tế; những khó khăn trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, năng lực quản lý vĩ mô trong nước… và những vấn đề khác mà hầu hết các nền kinh tế đang phát triển gặp phải.
Untitled_299.png
Ảnh minh họa: (Nguồn internet)
1. Tổng quan về Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới
Từ những năm đầu của thập niên 1990, song song với quá trình toàn cầu hóa, chủ nghĩa khu vực đã có sự phát triển mạnh mẽ cả về lượng và về chất. Trước đó, chủ nghĩa khu vực thường mang hình thái khu vực mậu dịch tự do (Free Trade Area), nhưng kể từ thập niên 1990, hình thái Hiệp định Thương mại tự do (Free Trade Agreement - FTA) song phương hoặc đa phương trở nên phổ biến hơn, với phạm vi hợp tác rộng hơn, không chỉ giới hạn trong việc thực hiện tự do hóa thương mại hàng hóa, dịch vụ mà còn cả tự do hóa đầu tư, hợp tác chuyển giao công nghệ, thuận lợi hóa thủ tục hải quan, tăng cường năng lực và nhiều nội dung mới khác như lao động, môi trường.
Một Hiệp định FTA được ký kết để thiết lập khu vực thương mại tự do giữa hai hay nhiều nước, với các điều khoản có mức độ liên kết và ràng buộc chặt chẽ hơn các khu vực ưu đãi thuế quan (PTA) về việc các nước tham gia dành cho nhau những ưu đãi về tiếp cận thị trường, về cắt giảm tiến tới xóa bỏ rào cản thuế quan và phi thuế quan…, trên nguyên tắc “nhân nhượng và đánh đổi” có phạm vi và mức độ cam kết tự do hóa sâu rộng hơn[1].
Khái niệm Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới được mở rộng hơn và có khả năng tác động đến thể chế với phạm vi lớn hơn các FTA truyền thống (bao gồm cả các lĩnh vực phi thương mại như môi trường, lao động, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm chính phủ…), mức độ sâu hơn với các cam kết về thuế của cả lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ và yêu cầu thực thi cao hơn.  Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam hiện đang tham gia đàm phán là một FTA thế hệ mới điển hình với những cam kết sâu rộng và lộ trình tự do hóa nhanh hơn những nội dung Việt Nam đã cam kết trong WTO. TPP điều chỉnh cả những nội dung không trực tiếp mang tính thương mại nhưng có liên quan gián tiếp đến thương mại như quyền của người lao động, các tổ chức xã hội dân sự, lao động - công đoàn, môi trường… với yêu cầu minh bạch cao, cơ chế giải quyết tranh chấp chặt chẽ, cơ chế thực thi và xử phạt nghiêm ngặt. Khung đàm phán của TPP gồm 30 chương bao gồm các lĩnh vực: thương mại hàng hóa, đầu tư, mua sắm chính phủ, chính sách cạnh tranh và doanh nghiệp nhà nước, lao động và công đoàn, môi trường, thương mại điện tử và viễn thông, sở hữu trí tuệ và các vấn đề về pháp lý và thể chế. Việc tham gia Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) có những tác động tích cực và bao gồm cả những thách thức cho nền kinh tế Việt Nam và các nước thành viên.
2. Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam khi tham gia các Hiệp định Thương mại Tự do thế hệ mới
Việc tham gia các FTA sẽ mang đến những cơ hội lớn, đồng thời đặt ra những thách thức đối với nền kinh tế nước ta. Với việc loại bỏ thuế quan theo các cam kết của các FTA, nền kinh tế sẽ có mức độ tăng trưởng xuất khẩu và nhập khẩu cao hơn, thu hút được nhiều hơn nguồn vốn, công nghệ và trình độ quản lý từ các đối tác đầu tư, môi trường kinh doanh thông thoáng và an toàn hơn với các chính sách hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường được xây dựng và sửa đổi. Tuy nhiên, các doanh nghiệp chưa tận dụng được đầy đủ các lợi ích thuế quan từ các FTA do không biết, không đáp ứng được các điều kiện về quy tắc xuất xứ hoặc do thủ tục, trình tự cấp ưu đãi phức tạp. Xuất khẩu tăng nhưng giá trị tăng không cao, chủ yếu nguyên liệu thô, hàng gia công. Nhập siêu tăng mạnh nhưng lại từ các nước có sản phẩm cạnh tranh với Việt Nam dẫn đến việc thị trường nội địa bị cạnh tranh khốc liệt với hàng hóa nước ngoài. Năng suất lao động và hiệu quả của doanh nghiệp đang giảm dần, đã xuất hiện những nhóm bị tổn thương nhiều hơn so với các nhóm khác như nông sản, thủy sản…, thiếu cơ chế hỗ trợ sử dụng các công cụ bảo vệ thị trường nội địa trước hàng nhập khẩu cạnh tranh không lành mạnh gây bất bình đẳng trong cạnh tranh tại chính “sân nhà”, tại thị trường các nước có FTA với Việt Nam đã xuất hiện những rào cản thương mại như hàng rào TBT, kiểm dịch ở biên giới với Trung Quốc, bảo hộ thị trường thép ở một số nước ASEAN…
Cho đến nay, Việt Nam chưa tham gia các FTA thế hệ mới mà đang trong quá trình đàm phán TPP và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU. Việt Nam cũng như các nền kinh tế mới nổi khác sẽ là đối tượng được hưởng lợi rất nhiều từ TPP thông qua thu hút đầu tư vốn và công nghệ cho mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cải thiện cơ cấu thị trường xuất nhập khẩu, mở thêm thị trường cho hàng hóa nội địa, tham gia các chuỗi sản xuất khu vực và quốc tế, tạo thuận lợi cho tái cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, hoàn thiện môi trường thể chế. Tuy nhiên, không ít thách thức cũng đặt ra trong quá trình ký kết và thực hiện các cam kết của TPP. Đối với doanh nghiệp, độ mở kinh tế sẽ rất cao trong khi hệ thống các rào cản kỹ thuật chưa có đủ để bảo vệ các ngành sản xuất trong nước nên đòi hỏi các doanh nghiệp phải gấp rút chuẩn bị nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa và dịch vụ của mình tại thị trường Việt Nam và các nước ASEAN, đồng thời có sản phẩm cạnh tranh để đẩy mạnh xuất khẩu. Cùng lúc, nền kinh tế của chúng ta vừa chuẩn bị thực hiện Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015, lộ trình cam kết WTO chưa thực hiện xong; lộ trình ASEAN+6 đến năm 2020 mới kết thúc... sẽ gây sức ép lớn đối với các doanh nghiệp. TPP sẽ tạo sức ép để điều chỉnh hệ thống pháp luật, hoàn thiện hệ thống hỗ trợ tư pháp, thay đổi tư duy quản lý và nâng cao năng lực quản lý…
3. Cải cách thế chế kinh tế - vấn đề cơ bản đặt ra khi tham gia Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới
Thể chế có thể được hiểu là những yếu tố tạo thành khung khổ trật tự cho các quan hệ của con người, định vị cơ chế thực thi và giới hạn của các quan hệ giữa các bên tham gia tương tác; là ý chí chung của cộng đồng xã hội trong việc xác lập trật tự, những quy tắc, những ràng buộc và các chuẩn mực, giá trị chung được mọi người chia sẻ… Môi trường thể chế được xác định là khung khổ hành chính và pháp lý điều chỉnh hành vi và các mối quan hệ giữa chính phủ, doanh nghiệp và cá nhân nhằm tạo ra thu nhập và của cải vật chất của một nền kinh tế[2]. Cải cách thể chế kinh tế là một khái niệm chính trị học liên quan đến sự vận hành của nhà nước đối với mọi nền kinh tế sản xuất hàng hóa. Vấn đề cải cách thể chế kinh tế được coi là vấn đề trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam hiện nay và được nhấn mạnh trong phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhân dịp năm mới 2014: “Năng lực cạnh tranh của quốc gia được quyết định bởi nhiều yếu tố, trong đó chất lượng thể chế và môi trường kinh doanh có tầm quan trọng hàng đầu. Chất lượng thể chế không chỉ tác động như một yếu tố tự thân mà còn ảnh hưởng có tính quyết định đến môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế, của từng doanh nghiệp và là điều kiện tiên quyết để phát huy có hiệu quả lợi thế quốc gia. Không thể có được năng lực cạnh tranh cao nếu không có một thể chế chất lượng cao và một nền quản trị quốc gia hiện đại”.
Việc tham gia các Hiệp định Thương mại tự do với yêu cầu cao hơn, toàn diện hơn tạo ra nhiều cơ hội cho hợp tác cùng phát triển đồng thời cũng đặt ra những thách thức lớn đối với nền kinh tế. Để nâng cao nội lực nền kinh tế, vừa tận dụng được các cơ hội do FTA mang lại, vừa tuân thủ các cam kết đã đề ra, Việt Nam cần áp dụng các biện pháp cơ bản và lâu dài để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường như: cải cách mạnh mẽ doanh nghiệp nhà nước, tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, kể cả với doanh nghiệp FDI. Ngoài ra, Việt Nam cần thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường, loại bỏ mọi hình thức trợ cấp trái với quy định của WTO; xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, có thể tiên liệu được; tăng cường thể chế thực thi và chế tài xử phạt, bảo đảm sự tham gia của các bên liên quan trong quá trình xử lý tranh chấp; sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Mua sắm công, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Hình sự… Một vấn đề cấp thiết đặt ra là phải định vị lại vai trò của ba trụ cột trong một thể chế kinh tế thị trường hiện đại là: Thị trường, Nhà nước và Xã hội, trong đó: (1) Thị trường giữ vai trò quyết định trong việc phân bổ nguồn lực; (2) Nhà nước sử dụng các công cụ điều tiết nhằm khắc phục những bất cập của thị trường, thực hiện chức năng kiến tạo phát triển và chiến lược tăng trưởng bao trùm; (3) Xã hội đóng vai trò phản biện và giám sát. Cần tiếp tục đổi mới tư duy hội nhập, quán triệt đường lối hội nhập sâu rộng vào thị trường khu vực và quốc tế; tăng cường đồng thuận xã hội thông qua 5 kênh: (i) Giữa các Bộ, ngành, cơ quan hữu quan; (ii) Giữa Chính phủ và Quốc hội; (iii) Giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp; (iv) Phương tiện thông tin đại chúng; (v) Các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, cần gắn việc đàm phán và ký kết FTA với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020, tái cấu trúc nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, đa dạng hóa thị trường, đóng góp hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; tăng cường nghiên cứu, hoàn thiện và giải quyết các xung đột trong khung pháp lý tạo thuận lợi cho quá trình đàm phán, ký kết và thực hiện các cam kết quốc tế trên cơ sở đảm bảo chủ quyền và lợi ích quốc gia, phát triển bền vững và an sinh xã hội; tăng cường sự tham gia của Quốc hội và thực hiện quyền giám sát của Quốc hội đối với quá trình đàm phán, ký kết và thực hiện các FTA, đảm bảo tính hài hòa pháp luật của các Hiệp định này.
Vượt xa nội dung của những Hiệp định thương mại thông thường, Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, điển hình là TPP mở ra viễn cảnh xây dựng một khu vực tự do thương mại rộng lớn với những chuẩn mực mới của thế kỷ XXI. Việc tham gia các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới như TPP sẽ tạo ra áp lực để cải cách thể chế nhưng cũng là cơ hội để hình thành đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Kinh nghiệm từ việc tham gia và thực thi cam kết WTO cho thấy, sẽ không thể tận dụng được cơ hội, đối phó thành công với các thách thức khi tham gia TPP nếu không quyết tâm, mạnh dạn đổi mới từ quan điểm quản lý, chính sách của Chính phủ đến quản trị và sự chủ động của mỗi doanh nghiệp trong nền kinh tế./.

 


[1] Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, Đàm phán và ký kết Hiệp định Thương mại tự do - Kinh nghiệm và thực tiễn, 6/2012
[2] Diễn đàn Kinh tế thế giới WEF, Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2009/2010