Gánh nặng bệnh tật và chi phí y tế của các bệnh liên quan đến thuốc lá

01/10/2014

Mặc dù ngành công nghiệp thuốc lá hàng năm đóng góp khá lớn cho ngân sách quốc gia từ thuế tiêu thụ đặc biệt, nhưng phần đóng góp này không đủ để bù đắp những tổn thất về sức khỏe do sử dụng thuốc lá gây ra cho các cá nhân, gia đình và xã hội. Theo ước tính, năm 2011, chi phí y tế của năm nhóm bệnh liên quan đến thuốc lá ở Việt Nam là 23.139,3 tỷ đồng, chiếm 0,91% GDP. Hút thuốc lá đang tạo ra gánh nặng về tài chính rất lớn đối với xã hội, đặc biệt là nhóm người nghèo. Để giảm những tổn thất này, Việt Nam cần phải nỗ lực thực hiện đồng bộ các biện pháp để giảm tiêu dùng thuốc lá hiệu quả, trong đó, tăng thuế thuốc lá là biện pháp hữu hiệu.
Untitled_302.png
1. Gánh nặng bệnh tật và tử vong từ các bệnh có nguyên nhân từ thuốc lá
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hút thuốc lá có hại cho sức khỏe vì trong thành phần của khói thuốc có đến 7.000 chất hóa học, trong đó có 69 chất gây ung thư. Những chất có hàm lượng cao gây độc hại cho sức khỏe của con người là nicotine, tar (nhựa thuốc lá), các-bon mô-nô-xít và các chất phụ gia khác[1]. Sử dụng thuốc lá gây ra hơn 20 loại bệnh trong đó bao gồm ung thư, tim mạch và bênh phổi mãn tính. Ở Mỹ, thuốc lá gây ra 90% các trường hợp ung thư phổi, 75% các ca bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và 25% ca bệnh tim thiếu máu cục bộ[2]. Sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây nên sáu trong số tám nhóm bệnh có số lượng tử vong cao nhất thế giới, bao gồm: thiếu máu tim cục bộ; đột quỵ; các bệnh đường hô hấp dưới; bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính; ung thư phổi thanh quản, thực quản và lao[3].
Những người không hút thuốc lá nhưng bị phơi nhiễm với khói thuốc (hay còn gọi là hút thuốc lá thụ động) cũng có nguy cơ phải gánh chịu những rủi ro bệnh tật từ thuốc lá giống như người hút thuốc, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.  
Bảng 1: Các bệnh liên quan đến thuốc lá
 
Bệnh do hút thuốc lá
Bệnh do hút thuốc lá thụ động
Ung thư
Các bệnh mạn tính khác
Trẻ em
Người trưởng thành
1.         Ung thư họng.
2.         Ung thư hầu họng
3.         Ung thư thực quản
4.         Ung thư phổi, khí quản, phế quản.
5.         Ung thư bạch hầu cấp.
6.         Ung thư dạ dày.
7.         Ung thư tụy.
8.         Ung thư thận, niệu quản.
9.         Ung thư đại tràng
10. Ung thư cổ tử cung.
11. Ung thư bàng quang.
1.         Đột quỵ
2.         Mù, đục thủy tinh thể
3.         Viêm quanh cuống răng.
4.         Phình động mạch chủ
5.         Bệnh mạch vành
6.         Viêm phổi
7.         Bệnh sơ vữa mạch ngoại vi
8.         Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen và các triệu chứng hô hấp mãn tính khác.
9.         Gẫy xương hông (loãng xương)
10. Tác hại tới sức khỏe sinh sản, tình dục.
1.         Khối u não
2.         Bệnh tai giữa
3.         Ung thư hạch
4.         Các triệu chứng hô hấp, giảm chức năng phổi
5.         Hen xuyễn
6.         Hội chứng đột tử trẻ sơ sinh
7.         Ung thư máu
8.         Bệnh đường hô hấp dưới.
1.          Đột quỵ
2.          Triệu chứng kích thích mũi (ung thư xoang mũi).
3.          Bệnh mạch vành tim
4.          Ung thư phổi
5.          Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.
6.          Hen xuyễn
7.          Giảm chức năng phổi
8.          Ảnh hưởng tới khả năng sinh sản ở phụ nữ.
9.          Xơ vữa động mạch
                                     Nguồn: WHO (2009), Báo cáo MPOWER
Các kết quả nghiên cứu cho thấy, có mối liên quan rất lớn giữa hút thuốc lá với mức độ bệnh tật và tử vong: một nửa số người hút thuốc sẽ chết sớm[4], một nửa trong số các ca tử vong xảy ra ở tuổi trung niên (39-65 tuổi) và vì vậy làm mất đi từ 20 đến 25 năm thời gian làm việc[5]. 87% số trường hợp tử vong gia tăng do hút thuốc lá từ năm 1990 đến năm 2020 xảy ra ở các nước có thu nhập thấp[6].
Thống kê về số ca mắc bệnh và tử vong liên quan đến thuốc lá của Tổ chức Y tế thế giới cho biết, hiện nay mỗi năm thuốc lá gây ra gần sáu triệu ca tử vong, con số này sẽ tăng thành hơn tám triệu người vào năm 2020, trong đó 70% sẽ xảy ra ở các nước đang phát triển do điều kiện chăm sóc y tế và dinh dưỡng kém hơn. Thuốc lá cũng gây ra khoảng 600 nghìn ca tử vong mỗi năm do hút thuốc thụ động và 64% số tử vong này là nữ. Nếu như các biện pháp kiểm soát thuốc lá không được thực hiện một cách hiệu quả thì ước tính, con số tử vong trên phạm vi toàn cầu liên quan đến thuốc lá trong thế kỷ 21 lên đến một tỷ người[7]. Tại Việt Nam, khoảng 40 nghìn ca tử vong mỗi năm do các bệnh liên quan đến thuốc lá và con số này sẽ có thể lên 70 nghìn ca mỗi năm vào năm 2030[8].
2. Gánh nặng chi phí y tế của hút thuốc lá tại một số nước và Việt Nam
Hút thuốc lá gây ra bệnh tật và tử vong sớm, vì thế tạo ra gánh nặng về chi phí y tế đối với gia đình và xã hội. Chi phí y tế của hút thuốc lá là tất cả các khoản chi tiêu hay thu nhập bị mất đi vì bệnh tật do thuốc lá gây ra. Các khoản chi phí này bao gồm: chi phí trực tiếp cho điều trị bệnh (viện phí, và chi phí mua thuốc, máu…), chi phí trực tiếp không cho điều trị bệnh (chi phí đi lại, thuê người chăm sóc và ở trọ…) và chi phí gián tiếp (thu nhập bị mất đi do giảm năng suất lao động do nghỉ ốm và tử vong sớm và cho việc chăm sóc người thân bị bệnh). Cho đến nay, đã có nhiều nghiên cứu tại các quốc gia đánh giá về mức độ bệnh tật và ước tính chi phí y tế của hút thuốc. Mục tiêu của các nghiên cứu này là nhằm đánh giá gánh nặng về bệnh tật và chi phí của hút thuốc đối với gia đình, hệ thống y tế nói riêng và xã hội nói chung để từ đó, đưa ra các khuyến nghị về chính sách kiểm soát thuốc lá cũng như các chính sách chăm sóc sức khỏe quốc gia. Các nghiên cứu đều có chung một kết luận là: hút thuốc lá tạo ra một gánh nặng rất lớn về bệnh tật và chi phí y tế đối với gia đình và xã hội. Tổng chi phí y tế do hút thuốc lá chiếm từ 6% đến 15% tổng chi phí y tế tại các nước phát triển[9] và ở các nước đang phát triển như Trung Quốc, tỷ lệ này là 3,1%[10].
Dưới đây là tổng hợp một số kết quả nghiên cứu về gánh nặng bệnh tật và chi phí y tế của hút thuốc lá tại một số quốc gia.
Tại Trung Quốc, theo ước tính của Sung H-Y và cộng sự, năm 2005 có 673 nghìn trường hợp tử vong do hút thuốc lá, trong đó 268 nghìn người chết vì ung thư, 146,2 nghìn người chết vì bệnh tim mạch và 66,8 nghìn người chết vì bệnh đường hô hấp. Tổng chi phí y tế do thuốc lá tại Trung Quốc vào năm 2000 là 5 tỷ đô la Mỹ -$- (chiếm 3,1% tổng chi phí y tế của nước này), trong đó chi phí điều trị trực tiếp chiếm 34% (1,7 tỷ $), chi phí trực tiếp không cho điều trị bệnh chiếm 8% (0,4 tỷ $) và chi phí gián tiếp do tử vong sớm chiếm 58% (2,9 tỷ $)[11]. Năm 2003, tổng chi phí y tế cho thuốc lá tăng lên 17,1 tỷ $ và con số này là 28,9 tỷ $ vào năm 2008 (giá năm 2008)[12]. Như vậy, tổng chi phí y tế cho thuốc lá năm 2003 đã tăng 72% và năm 2008 tăng 154% so với mức chi phí của năm 2000.
Tại Ấn Độ, nghiên cứu của R.M John và cộng sự (2009) ước tính tổng chi phí y tế của hút thuốc lá tại nước này năm 2004 là 1,7 tỷ $, trong đó chi phí trực tiếp là 1,192 tỷ $, chi phí gián tiếp của hút thuốc là 502 triệu $. Tổng chi phí y tế của hút thuốc lá của nước này lớn hơn rất nhiều lần so với chi tiêu của Chính phủ cho các hoạt động kiểm soát thuốc lá (551,9 nghìn $) và lớn hơn 16% so với tổng doanh thu thuế từ tất cả các sản phẩm thuốc lá vào năm 2003 (số thu thuế thuốc lá của Ấn Độ năm 2003 là 1,46 tỷ $)[13].
Điều đáng chú ý tại Ấn Độ là sự gia tăng của bệnh lao. Hàng năm có khoảng 1,8 triệu trường hợp mới nhiễm bệnh lao và sử dụng thuốc lá được cho là nguyên nhân chính của căn bệnh này. Chi phí điều trị bệnh lao chiếm 18% (311 triệu $) tổng chi phí y tế của hút thuốc lá ở Ấn Độ. Con số này lớn gấp hơn ba lần chi phí quốc gia cho phòng chống lao ở Ấn Độ trong năm 2006[14]. Một điều đáng chú ý nữa là tiêu dùng thuốc lá ở những người nghèo tại Ấn Độ phổ biến hơn trong khi hơn 70% chi phí y tế ở Ấn Độ là do cá nhân tự chi trả. Vì thế, gánh nặng bệnh tật liên quan đến thuốc lá và gánh nặng chi phí y tế đối với nhóm người nghèo là cao hơn, đẩy họ vào tình trạng nợ nần và có thể dẫn đến sự bần cùng hóa. Chi tiêu cho thuốc lá còn làm giảm số tiền chi tiêu cho thực phẩm và giáo dục cũng dẫn đến sự suy giảm sức khỏe của nhóm dân cư này. Do đó, mức sử dụng thuốc lá cao ở nhóm người nghèo tại Ấn Độ đã đẩy họ rơi vào vòng luẩn quẩn của việc hút thuốc thuốc lá, bệnh tật và nghèo đói.
Tại Hàn Quốc, tỷ lệ hút thuốc lá cao tại Hàn Quốc không chỉ có tác động tiêu cực đối với sức khỏe của người dân mà còn tạo ra gánh nặng về kinh tế rất lớn đối với xã hội. Tổng chi phí y tế do hút thuốc lá tại Hàn Quốc năm 1998 theo ước tính dao động từ 3,15 tỷ $ (6,79 triệu $ trên 100 nghìn dân) đến 4,6 tỷ $ (9,86 triệu $ trên 100 nghìn dân). Chi phí y tế cho thuốc lá bằng 0,82% đến 1,19% GDP. Trong đó, chi phí điều trị trực tiếp cho các bệnh về thuốc lá là 88,09 triệu $, chi phí đi lại là 19,82 triệu $, chi phí chăm sóc là 19,42 triệu $, chi phí do mất khả năng lao động là 16,5 triệu $ và chi phí do tử vong sớm dao động từ 3.226,75 triệu $ đến 4.652,25 triệu $[15].
Tại Philippines, tổng chi phí y tế của bốn bệnh liên quan đến thuốc lá (năm 2003) là 116,3 triệu $, trong đó chi phí điều trị trực tiếp là 16,49 triệu $, chi phí do giảm năng suất lao động vì bệnh tật là 3,5 triệu $, chi phí do thu nhập mất đi vì tử vong sớm là 96,2 triệu $. Trong bốn loại bệnh được nghiên cứu thì bệnh viêm não có mức chi phí cao nhất, chiếm 57,5% (66,8 triệu $) tổng chi phí y tế của hút thuốc lá, các bệnh tim mạch có mức chi phí cao thứ hai, chiếm 27% (31,5 triệu $). Tổng chi phí y tế cho thuốc lá chiếm 0,45% GDP của nước này và chiếm 3,65% tổng chi phí y tế vào năm 2003.
Tại Canada, hút thuốc lá cũng gây ra gánh nặng về bệnh tật nghiêm trọng. Năm 2002 có 37.209 trường hợp tử vong là do hút thuốc (trong đó 23.766 nam giới và 13.443 phụ nữ) chiếm 16,6% số ca tử vong ở Canada. Nguyên nhân chính gây tử vong do hút thuốc lá là bệnh ung thư (17.427 trường hợp), các bệnh tim mạch (10.275 trường hợp) và bệnh đường hô hấp (8.282 trường hợp), ung thư phổi (13.401 trường hợp) và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (7.533 trường hợp). Theo ước tính, có đến 515.608 năm của cuộc sống đã bị mất sớm do hút thuốc trong năm 2003 (trong đó 316.417 năm ở nam giới và 199.191 năm ở phụ nữ)[16]. Kết quả nghiên cứu cho thấy, hút thuốc lá là nguyên nhân chính gây tử vong ở Canada và tác động của nó đối với xã hội Canada tiếp tục là một gánh nặng rất lớn.
Tại Mỹ, kết quả ước tính cũng cho thấy, tổng chi phí của ba loại bệnh liên quan đến thuốc lá chiếm từ 6% đến 8% tổng chi phí y tế của nước này[17].
Tại Việt Nam, theo kết quả nghiên cứu mới nhất của nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Y tế công cộng và HealthBridge Canada tại Việt Nam[18], tổng chi phí cho điều trị và mất khả năng lao động vì bệnh tật và tử vong sớm cho năm nhóm bệnh bao gồm ung thư phổi, ung thư đường hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, đột quỵ và nhồi máu cơ tim do hút thuốc gây ra là 23.139,3 tỷ đồng, chiếm 0,91% tổng GDP của cả nước vào năm 2011. Trong đó, chi phí y tế trực tiếp cho khám và điều trị nội trú và ngoại trú là 10.856,9 tỷ đồng, chi phí do mất khả năng lao động do tử vong sớm vì các bệnh liên quan đến hút thuốc lá là 9.563,5 tỷ đồng và chi phí do mất khả năng lao động vì bệnh tật liên quan đến hút thuốc lá là 2.718,9 tỷ đồng. Trong năm nhóm bệnh được nghiên cứu, tổng chi phí cho bệnh ung thư phổi lớn nhất chiếm 35,7% tổng chi phí (8.279 tỷ đồng), bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính có tổng chi phí lớn thứ hai chiếm 31,4% tổng chi phí (7.276,8 tỷ đồng).
 
Bảng 2: Tổng chi phí y tế của năm nhóm bệnh liên quan đến thuốc lá
ở Việt Nam năm 2011
Các bệnh liên quan đến thuốc lá
Chi phí trực tiếp khám và điều trị
(tỷ đồng)
Chi phí do mất khả năng lao động do bị bệnh
(tỷ đồng)
Chi phí do tử vong sớm
(tỷ đồng)
Tổng
chi phí
(tỷ đồng)
Nội trú
Ngoại trú
Nội trú
Ngoại trú
Nam
Nữ
Ung thư phổi
2.133,0
555,2
2.212,6
152,5
2.785,3
441,1
8.279,7
Ung thư đường tiêu hóa-hô hấp trên
1.822,7
223,0
229,2
1,7
910,1
69,1
3.255,8
Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính
4.498,9
1.085,1
50,9
5,2
1.180,6
456,1
7.276,8
Bệnh tim thiếu máu cục bộ
83,3
10,4
2,6
0,7
801,9
116,8
1.015,7
Đột quỵ
360,7
84,6
53,2
10,3
2.459,2
343,3
3.311,3
Tổng
8.898,6
1.958,3
2.548,5
170,4
8.137,1
1.426,4
23.139,3
Nguồn: Phạm Hoàng Anh và cộng sự (2013), Chi phí Y tế cho năm nhóm bệnh liên quan  đến thuốc lá ở Việt Nam, Báo cáo nghiên cứu.
Tổng chi phí này tạo ra gánh nặng lên gia đình và xã hội. Trong đó, hộ gia đình phải chịu hoàn toàn các khoản chi phí do mất khả năng lao động do bị bệnh và tử vong sớm. Gánh nặng của khoản chi phí điều trị nội trú được chia cho ba bên: Nhà nước, các cơ quan bảo hiểm và gia đình bệnh nhân. Chi phí của Nhà nước và bảo hiểm chiếm khoảng 46%-67% tổng chi phí tùy theo từng nhóm bệnh. Tính trung bình ngân sách nhà nước trả 40% chi phí điều trị nội trú, hộ gia đình trả 40,8% và 19,2% chi phí điều trị nội trú là từ bảo hiểm y tế.
3. Nhận xét và khuyến nghị
Chi phí hàng năm mà các nước phải chi để điều trị các bệnh do hút thuốc lá gây ra và các khoản chi phí bị mất đi khác do giảm năng suất lao động do bị bệnh hay tử vong sớm được xem là những khoản chi phí đáng kể đối với xã hội và đang tạo áp lực rất lớn đối với nhóm người nghèo tại các quốc gia, đặc biệt là tại các nước đang phát triển.
Tại Việt Nam, chỉ với năm trong số 25 căn bệnh liên quan đến thuốc lá thì chi phí đã là hơn 23 nghìn tỷ đồng mỗi năm cho việc điều trị các bệnh liên quan đến thuốc lá và giảm năng suất lao động. Số tiền này, lẽ ra, có thể sử dụng để chi tiêu cho những hàng hóa và dịch vụ cần thiết khác như: lương thực, thực phẩm, giáo dục,... góp phần cải thiện sức khỏe, nâng cao trình độ người dân và làm gia tăng năng suất lao động xã hội.
So sánh tổng chi phí y tế cho tiêu dùng thuốc lá với số thu của ngân sách từ thuế thuốc lá (13.598 nghìn tỷ đồng năm 2011) cho thấy, khoản chi phí này lớn gấp 1,7 lần đóng góp từ thuế của ngành công nghiệp thuốc lá vào ngân sách quốc gia.
Nếu cộng cả số tiền người tiêu dùng phải chi để mua thuốc lá mỗi năm là 22 nghìn tỷ đồng[19] thì tổng số tiền mỗi năm Việt Nam phải chi cho việc tiêu dùng và điều trị các bệnh liên quan đến thuốc lá lên tới hơn 45,14 nghìn tỷ đồng (chiếm khoảng 1,8% GDP của nền kinh tế), trong khi đó ngành công nghiệp thuốc lá chỉ đóng góp về sản lượng khoảng 0,75% GDP[20]. Như vậy, tổng chi phí của việc hút thuốc lá mà xã hội phải chi trả hàng năm lớn hơn rất nhiều so với mức đóng góp của ngành thuốc lá.
Điều đáng lo ngại nữa là, tại Việt Nam cũng giống như Ấn Độ, nhóm người nghèo có xu hướng hút thuốc nhiều hơn người giàu. Tình trạng hút thuốc lá nhiều hơn ở nhóm người nghèo có xu hướng làm gia tăng sự nghèo đói bởi những lý do như: họ phải cắt giảm tiền mua lương thực, thực phẩm, hay tiền học hành của con cái để mua thuốc lá, họ dễ mắc bệnh hơn vì điều kiện dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe hạn chế, họ bị suy giảm khả năng lao động do bệnh tật hay mất sớm. Nghèo đói gia tăng sẽ gây mất ổn định xã hội và tiếp tục tạo áp lực về chi phí cho việc ổn định xã hội.
Các số liệu trên đây cho thấy sự cần thiết đối với nước ta hiện nay là phải có các chính sách kiểm soát thuốc lá mạnh mẽ hơn để giảm tiêu dùng thuốc lá, khuyến khích những người hút thuốc lá bỏ thuốc và ngăn chặn những người bắt đầu hút thuốc.Theo nghiên cứu của Dollvà cộng sự, khi một người 60 tuổi bỏ thuốc lá sẽ có thể kéo dài tuổi thọ thêm được ít nhất là ba năm, nếu bỏ thuốc ở tuổi 50 thì số năm tuổi thọ kéo dài thêm được tăng thành sáu năm, những người bỏ thuốc ở tuổi 40 sẽ thêm được chín năm tuổi thọ và những người dừng lại trước khi độ tuổi trung niên sẽ kéo dài được khoảng 10 năm tuổi thọ. Đánh thuế thuốc lá cao làm giảm số người hút thuốc sẽ làm giảm đáng kể chi phí y tế của hút thuốc lá đặc biệt là chi phí do giảm năng suất lao động vì bệnh tật và tử vong sớm[21]. Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, mức thuế thuốc lá tối thiểu phải đạt được 70% của giá bán lẻ, trong khi thuế ở Việt Nam hiện nay chỉ tương đương với 41,6% giá bán lẻ./.

 


*BS,ThS.**ThS. HealthBridge Canada tại Việt Nam
[1] World Health Organization, WHO report on the global tobacco epidemic, 2008. Geneva, Switzerland: World Health Organization, 2008
[2]US Department of Health and Human Service (2000)
[3] World Health Organization, WHO report on the global tobacco epidemic, 2008. Geneva, Switzerland: World Health Organization, 2008
[4]  English và cộng sự, 1995 The quantification of drug caused morbidity and mortality in Australia, 1995 Edition. Commonwealth Department of Human Services and Health, Canberra, 1995
[5] Jha P, Chaloupka FJ. Curbing the Epidemic: Governments and the Economics of Tobacco Control. Washington, DC: The World Bank, 1999
[6] Murray CJ, Lopez AD. Alternative projections of mortality and disability by cause 1990–2020: Global Burden of Disease Study. Lancet. 1997;349: 1498–1504
[7] World Health Organization Fresh and alive: Mpower, WHO report on the global tobacco epidemic, 2008 Geneva, Switzerland: World Health Organization, 2008.
[8] David Levy và cộng sự, Vai trò của chính sách công trong giảm sử dụng thuốc lá và tử vong do sử dụng thuốc lá ở Việt Nam, 2005
 
[9] World Bank Curbing the epidemic governments and the economics of tobacco control Washington, DC, USA: World Bank, 1999
[10] Sung H-Y, Wang L, Jin S, et al. Economic burden of smoking in China, 2000. Tob Control 2006;15:i5–i11
[11] Sung H-Y, Wang L, Jin S, tlđd
[12]Sung H-Y, Wang L, Jin S, et al, Economic costs attributable to smoking in China: update and an 8-year comparison, 2000-2008. Tob Control. 2011 Jul;20(4):266-72
[13] R.M John và cộng sự (2009), Economic cost of tobacco use in India, 2004. Tob Control. Apr 2009; 18(2): 138–143.
[14] Steinbrook R. Tuberculosis and HIV in India. N Engl J Med 2007;356:1198–9.
[15] H Y Kang và cộng sự ( 2003), Economic burden of smoking in Korea. Tobacco Control 2003; 12:37–44
[16] Baliunas, Smoking-attributable mortality and expected years of life lost in Canada 2002: conclusions for prevention and policy. Chronic Dis Can. 2007;27(4):154-62
[17] Warner KE, Hodgson TA, Carroll CE. Medical costs of smoking in the United States: estimates, their validity, and their implications. Tobacco Control. 1999;8:290-300.
[18] Phạm Hoàng Anh và cộng sự (2013), Chi phí y tế cho năm nhóm bệnh liên quan đến thuốc lá ở Việt Nam, Báo cáo nghiên cứu.
[19] Văn phòng Chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế, Tờ tin “Vì sao cần tăng thuế thuốc lá”, 2014.
[20] Tổng cục Thống kê (2007), Bảng cân đối liên ngành của Việt Nam năm 2007, Nxb. Thống kê, Hà Nội.
[21] Doll, Peto, Boreham, Sutherland. Mortality in relation to smoking: 50 years' observations on male British doctors. BMJ. 2004;328:1519.