Tác động của tăng thuế thuốc lá đến số thu ngân sách nhà nước và tỷ lệ hút thuốc ở Việt Nam

01/10/2014

Chiến lược quốc gia về giảm tỷ lệ hút thuốc do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2000 đưa ra mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc ở nam giới trưởng thành từ mức 47,4% hiện nay xuống 39% vào năm 2020. Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam phải tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp, trong đó tăng thuế thuốc lá là biện pháp hữu hiệu nhất. Từ năm 2000 đến nay, Việt Nam đã hai lần điều chỉnh thuế TTĐB vào năm 2006 và 2008. Năm 2006, điều chỉnh ba mức thuế về một mức thuế chung cho tất cả các mặt hàng thuốc lá là 55% giá xuất xưởng. Theo điều chỉnh này thì thực tế, mức thuế chỉ tăng với các sản phẩm thấp cấp, còn với các sản phẩm cao cấp, thì thuế suất thực tế lại giảm. Năm 2008, Chính phủ quyết định tăng thuế TTĐB thuốc lá từ 55% lên 65% giá xuất xưởng. Trong Dự thảo Luật sửa đổi Luật thuế TTĐB đang chuẩn bị trình Quốc hội[1], thuốc lá được đưa vào danh mục các mặt hàng tăng thuế. Phương án tăng thuế Chính phủ đang trình Quốc hội như sau: từ 01/01/2016 tăng thuế TTĐB của thuốc lá từ 65% lên 70% và từ 01/01/2019 tăng lên mức 75%. Tuy nhiên, theo đề xuất của Bộ Y tế, thuế thuốc lá cần phải tăng từ 65% hiện nay lên 105% vào năm 2015 và tiếp tục tăng lên mức 145% vào năm 2018 và lên mức 155% vào năm 2020.
Phương án tăng thuế nào sẽ hiệu quả hơn xét trên phương diện tác động của thuế đến giảm tỷ lệ hút thuốc và tăng thu ngân sách nhà nước (NSNN)? Để trả lời câu hỏi này, chúng tôi thực hiện nghiên cứu ước tính tác động của tăng thuế theo các phương án trên.
Untitled_303.png
Ảnh minh họa: (Nguồn internet)
1. Phương pháp ước tính
Để lượng hóa tác động của tăng thuế đến số thu ngân sách và tỷ lệ hút thuốc, chúng tôi sử dụng mô hình của Van Walbeck[2]. Mô hình này do các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xây dựng và đã được áp dụng phổ biến ở nhiều quốc gia khi tính tác động của tăng thuế thuốc lá. Nội dung của mô hình là từ các mối quan hệ kinh tế giữa các biến số để xây dựng các công thức xác định sự thay đổi về sức mua thuốc lá (tính bằng % thu nhập để mua được 100 bao thuốc lá), mức tiêu dùng thuốc lá, tỷ lệ hút thuốc, số thu NSNN và một số đại lượng khác như giảm số ca tử vong hay số người bỏ thuốc.
Các dữ liệu đầu vào chính của mô hình Van Walbeck và nguồn dữ liệu dùng để ước tính cho Việt Nam được mô tả như sau:
Dân số trưởng thành: ước tính dựa trên số liệu của Tổng cục Thống kê (GSO). Năm 2011, dân số trưởng thành của Việt Nam là 64,6 triệu. Tỷ lệ tăng dân số trưởng thành theo ước tính của GSO là 1%/năm. Khi đó dân số trưởng thành của năm sau sẽ bằng dân số trưởng thành của năm trước nhân với 1.01.
Tỷ lệ hút thuốc: tỷ lệ hút thuốc trước khi tăng thuếđược lấy kết quả từ điều tra hút thuốc ở người trưởng thành (GATS 2010), trong đó tỷ lệ hút thuốc chung cho cả 2 giới là 23,8%, tỷ lệ hút thuốc của nam giới là 47,4%, giả định tỷ lệ này không đổi trong giai đoạn 2010 - 2014.
Số điếu trung bình mà một người tiêu thụ mỗi ngày: được tính bằng cách lấy tổng số thuốc lá tiêu thụ trong nước chia cho số người hút thuốc.
Sản lượng thuốc lá tiêu thụ nội địa: sử dụng số liệu của Hiệp hội Thuốc lá và các báo cáo của GSO.
Độ co giãn cầu tiêu dùng theo giá thuốc lá: được lấy từ nghiên cứu của Emmanuel và cộng sự, với giá trị độ co giãn bằng -0,5 (nghĩa là khi giá thuốc lá tăng 10% thì tiêu dùng sẽ giảm 5%)
Độ co giãn của cầu tiêu dùng theo thu nhập: dựa theo diễn biến của mức độ tiêu dùng thuốc lá theo đầu người ở Việt Nam và mức thay đổi của thu nhập đầu người trong 10 năm gần đây, chúng tôi ước tính con số này vào khoảng 0,15 (tức là khi thu nhập đầu người tăng 10% thì tiêu dùng thuốc lá sẽ tăng thêm 1,5%).
Giá bán buôn thuốc lá của năm 2014: được tính dựa trên các số liệu cơ sở của năm 2013 và điều chỉnh theo tỷ lệ tăng trung bình của các năm từ 2008 - 2012. Tỷ lệ số thu thuế hiện tại qua các năm chúng tôi sử dụng nguồn từ Báo cáo của Hiệp hội Thuốc lá trong báo cáo 2008 -2012 và ước tính cho giai đoạn 2013 - 2018. Căn cứ vào số liệu này chúng tôi ước tính được giá trung bình của một bao thuốc ở khâu bán buôn và mức thuế thu được trung bình từ mỗi bao thuốc (chia theo thuế TTĐB và Thuế Giá trị gia tăng - VAT).
Mức thay đổi (%) giá nhà sản xuất: giả định nhà sản xuất sẽ tăng giá bán buôn hàng năm với mức tăng bằng tỷ lệ lạm phát dự kiến - chung của cả nước.
Mức độ đóng góp của thuế trong giảm tiêu dùng thuốc lá: theo kinh nghiệm của Thái Lan, chính sách tăng thuế có hiệu quả góp 60% vào việc giảm tỷ lệ hút thuốc, 40% còn lại là do tác động của các biện pháp kiểm soát thuốc lá khác như in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh trên bao bì thuốc lá, thực hiện các khu vực không khói thuốc. Với Việt Nam, chúng tôi giả định rằng, việc tăng thuế sẽ đóng góp 50% vào giảm tỷ lệ hút thuốc đến năm 2020.
Số tử vong tránh được nhờ việc bỏ thuốc: được ước tính theo chỉ số của WHO. Theo WHO thì cứ hai người hút thuốc thường xuyên thì có một người tử vong do bệnh liên quan đến hút thuốc gây ra (50%). Trong mô hình này, chúng tôi sử dụng giá trị an toàn là cứ 100 người hút thuốc thì có 33 người tử vong sớm do hút thuốc gây ra (33%). Tức là cứ 100 người bỏ thuốc thì có 33 người tránh được tử vong sớm do bỏ hút thuốc.
2. Kết quả ước tính tác động đối với số thu ngân sách và tỷ lệ hút thuốc
a) Tác động của phương án tăng thuế theo dự thảo Luật Thuế TTĐB sửa đổi
Theo Dự thảo Luật sửa đổi Luật thuế TTĐB[3], từ 01/01/2016, thuế TTĐB của thuốc lá tăng từ 65% lên 70% và từ 01/01/2019 tăng từ 70% lên 75%. Kết quả ước tính tác động của tăng thuế được trình bày ở Bảng 1.
Bảng 1: Tác động của tăng thuế theo phương án của Dự thảo Luật thuế TTĐB
Năm
Đơn vị
2014
2015
2016
2017
2018
2019
2020
Mức thuế suất thuế TTĐB
%
65
65
70
70
70
75
75
Thay đổi giá bán lẻ
%
 
0,00
2,88
0,00
0,00
2,80
0,00
Sức mua thuốc lá
%
7,1
6,8
6,7
6,4
6,1
6,0
5,7
Tổng tiêu thụ thuốc lá
triệu bao
 4.495
 4.561
 4.517
 4.538
 4.560
 4.517
 4.539
Tỷ lệ hút thuốc nam giới
%
 47,4
  47,6
47,3
 47,4
 47,6
  47,3
 47,4
Số thu thuế
tỷ đồng
18.625
20.023
22.648
24.349
26.177
29.503
31.718
Với mức tăng thuế 5% vào năm 2016, giá bán lẻ thực tế của thuốc lá tăng 2,88% và tính chung cho cả giai đoạn 2015 - 2020 thì giá bán lẻ chỉ tăng khoảng 1%/năm. Mức tăng giá thực của thuốc lá nhỏ hơn so với dự báo về tỷ lệ tăng thu nhập thực bình quân đầu người (4,75%)[4] trong giai đoạn này. Do đó, sức mua thuốc lá vẫn tăng và tiêu dùng tiếp tục gia tăng do dân số tăng. Cụ thể, năm 2014 người tiêu dùng phải chi 7,1% thu nhập trung bình để mua được 100 bao thuốc, đến năm 2020 chỉ cần phải chi 5,7% thu nhập đã mua được 100 bao thuốc. Vì thế, lượng tiêu dùng chỉ làm giảm rất nhẹ tại đúng hai năm tăng thuế là 2016 (giảm từ 4.561 triệu bao năm 2015 xuống 4.517 triệu bao năm 2016) và 2019 (giảm từ 4.560 triệu bao năm 2018 xuống 4.517 triệu bao năm 2019), nhưng lại tăng trở lại ngay vào các năm sau đó. Xét cả giai đoạn 2014 - 2020, tiêu dùng thuốc lá vẫn tăng ròng (từ mức 4.495 triệu bao năm 2014 lên 4.539 triệu bao vào năm 2020). Điều này cũng được kiểm chứng qua hai lần tăng thuế thuốc lá vào năm 2006 và 2008, mặc dù thuế tăng mỗi lần là 10% nhưng sản lượng tiêu thụ nội địa của ngành thuốc lá nhìn chung vẫn tăng đều theo từng năm, chứng tỏ rằng, tiêu dùng thuốc lá không giảm.
Mức tăng thuế này là rất thấp và chưa có tác động làm giảm tỷ lệ hút thuốc. Kết quả tính toán của chúng tôi cho thấy, tỷ lệ hút thuốc ở nam giới không giảm, năm 2020 tỷ lệ này vẫn giữ ở mức 47,4% như hiện nay và vì dân số gia tăng nên số người hút thuốc ở Việt Nam vẫn tiếp tục tăng.
Tăng thuế làm tăng thu ngân sách: Trên thực tế, do trượt giá liên quan đến lạm phát, ngay cả khi không tăng thuế, giá thuốc lá vẫn tăng do giá nguyên liệu đầu vào tăng và khi đó thu ngân sách vẫn tăng nhưng là tăng do trượt giá. Ước tính, nếu không tăng thuế, thì cả giai đoan 2015-2020, do trượt giá, mức thu ngân sách từ thuế thuốc lá vẫn tăng thêm 34,610 tỷ đồng so với mức thu năm 2014. Tính cộng dồn cho cả giai đoạn 2015-2020, tổng thu thuế từ thuốc lá ước tính đạt 146,360 tỷ đồng.
Với phương án tăng thuế của Chính phủ trình Quốc hội hiện nay, tổng thu thuế từ thuốc lá cho cả giai đoạn 2015-2020 sẽ đạt 154,420 tỷ đồng (trung bình 25,737 tỷ đồng/năm), cao hơn so với kịch bản không tăng thuế là 8.060 tỷ đồng.
b) Tác động của phương án tăng thuế theo đề xuất của Bộ Y tế
- Phương án tăng thuế để đạt mục tiêu quốc gia về giảm tỷ lệ hút thuốc
Để đạt mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc theo Chiến lược quốc gia về Phòng chống tác hại của thuốc lá đến năm 2020, Bộ Y tế đề xuất thuế TTĐB thuốc lá phải tăng từ 65% lên 105% vào năm 2015, tiếp tục tăng lên mức 145% vào năm 2018 và 155% vào năm 2020.
 
Bảng 2: Tác động của tăng thuế theo phương án của Bộ Y tế để đạt mục tiêu quốc gia về giảm tỷ lệ hút thuốc
Năm
Đơn vị
2014
2015
2016
2017
2018
2019
2020
Mức thuế suất thuế TTĐB
%
65
105
105
105
145
145
155
Thay đổi giá bán lẻ
%
 
20,81
0,00
0,00
17,13
0,00
3,86
Sức mua thuốc lá
%
7,1
8,2
7,8
7,5
8,3
8,0
7,9
Tổng tiêu thụ thuốc lá
triệu bao
 4.495
 4.096
 4.125
 4.155
 3.826
 3.853
 3.806
Tỷ lệ hút thuốc nam giới
%
 47,4
  43,5
43,7
 43,9
 41,9
  42,1
 39,0
Số thu thuế
tỷ đồng
18.625
27.690
29.840
32.156
42.794
46.116
51.899
Kết quả tính toán của chúng tôi cho thấy, mức tăng thuế mạnh hơn theo phương án đề xuất của Bộ Y tế khiến giá thực của thuốc lá tăng nhiều hơn và có tác động làm giảm tiêu dùng thuốc lá. Giá thực của thuốc lá sẽ tăng đáng kể vào các năm tăng thuế, cụ thể là năm 2015 giá sẽ tăng 20,8% và năm 2018 giá tăng 17,1% và 2020 sẽ tăng 3,9% so với mức giá trước khi tăng thuế. Tính chung cho cả giai đoạn, giá thực tăng trung bình 7%/năm. Mức tăng giá thực của thuốc lá lớn hơn so với mức tăng thu nhập thực bình quân đầu người (4,75%) đã làm cho sức mua thuốc lá giảm. Cụ thể là, năm 2014 người tiêu dùng cần chi 7,1% thu nhập để mua 100 bao thuốc lá thì đến năm 2015 tỷ lệ này là 8,2% thu nhập và tại thời điểm năm 2020 là 7,9% thu nhập. Lượng tiêu dùng thuốc lá theo tính toán sẽ giảm từ mức 4.495 triệu bao năm 2014 xuống còn 3.806 triệu bao vào năm 2020. Tỷ lệ hút thuốc ở nam giới giảm từ 47,4% năm 2014 xuống 43,5% vào năm 2015, 41,9% vào năm 2018 và tiếp tục giảm còn 39% vào năm 2020.
Theo phương án này, thu ngân sách từ thuế cho cả giai đoạn 2015-2020 đạt 230.494 tỷ đồng (trung bình 38.416 tỷ đồng/năm) cao hơn kịch bản không tăng thuế là 84.134 tỷ đồng và cao hơn so với phương án hiện nay của chính phủ là 76.074 tỷ đồng và cao hơn phương án đạt sức mua không đổi là 35.028 tỷ đồng.
Các bằng chứng quốc tế cũng phù hợp với tính toán của chúng tôi. Ví dụ, ở Thái Lan với lộ trình tăng thuế rất mạnh đã làm thu ngân sách từ thuế thuốc lá tăng tới 300% trong vòng 20 năm từ 1994 đến 2014, tỷ lệ hút thuốc giảm trung bình 1%/năm trong khi các doanh nghiệp thuốc lá vẫn hoạt động hiệu quả. Năm 2011, mức thuế suất thuế TTĐB của thuốc lá tại Thái Lan là 85% trên giá bán lẻ (tương đương mức thuế suất 567% thuế theo giá xuất xưởng của Việt Nam) và hiện nay mức thuế suất của họ là 87% trên giá bán lẻ. Tại Việt Nam, nếu tăng thuế lên 105% thì tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ cũng mới chỉ là 50,5% thấp hơn nhiều so với khuyến cáo của Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Y tế thế giới (66 - 80%)[5].
- Phương án tăng thuế để duy trì sức mua không đổi
Bên cạnh phương án đề xuất tăng thuế để đạt mục tiêu quốc gia về giảm tỷ lệ hút thuốc, Bộ Y tế cũng đưa ra một phương án trung gian với mức tăng thuế ít hơn nhưng ít nhất là phải đảm bảo duy trì sức mua thuốc lá không đổi trong giai đoạn từ nay đến 2020. Hiện tại, giá trị của sức mua thuốc lá ở nước ta là 7,1%[6], tức là người tiêu dùng sẽ cần phải chi số tiền bằng 7,1% thu nhập để mua được 100 bao thuốc lá. Vì thu nhập thực bình quân có xu hướng tăng theo thời gian với mức tăng trung bình 4,8%/năm nên nếu giá thuốc lá không đổi sẽ khiến cho sức mua thuốc lá tăng hay tỷ lệ giữa chi phí để mua 100 bao thuốc lá so với mức thu nhập bình quân giảm.
Để duy trì giá trị của sức mua thuốc lá không đổi (dao động xung quanh mức 7,1%) thì thuế TTĐB cần tăng từ mức 65% lên 85% vào năm 2015, từ 85% lên 105% vào năm 2018 và tiếp tục tăng lên mức 125% vào năm 2020.
Bảng 3: Tác động của tăng thuế theo phương án của Bộ Y tế
để giữ sức mua thuốc lá không đổi
Năm
Đơn vị
2014
2015
2016
2017
2018
2019
2020
Mức thuế suất thuế TTĐB
%
65
85
85
85
105
105
125
Thay đổi giá bán lẻ
%
 
11,0
0,0
0,0
9,9
0,0
9,0
Sức mua thuốc lá
%
7,1
7,5
7,2
6,9
7,2
6,9
7,1
Tổng tiêu thụ thuốc lá
triệu bao
 4.495
 4.320
 4.351
 4.382
 4.195
 4.225
 4.064
Tỷ lệ hút thuốc nam giới
%
 47,4
  45,3
45,5
 45,7
 44,6
  44,8
 42,1
Số thu thuế
tỷ đồng
18.625
24.084
25.954
27.969
34.738
37.435
45.286
Với phương án trung gian này, sức mua được giữ không đổi vào năm 2020 là 7,1%. Tiêu thụ thuốc lá giảm nhẹ từ mức 4.495 triệu bao năm 2014 xuống 4.064 triệu bao vào năm 2020. Tỷ lệ hút thuốc ở nam giới giảm từ 47,4% năm 2014 xuống 42,1% năm 2020. Với phương án sức mua không đổi, thu ngân sách từ thuế cho cả giai đoạn 2015-2020 đạt 195,466 tỷ đồng (trung bình 32,578 tỷ đồng/năm) cao hơn kịch bản không tăng thuế là 49,106 tỷ đồng và cao hơn so với phương án hiện nay của chính phủ là 41,046 tỷ đồng.
c) So sánh tác động của các phương án
Tác động làm giảm tỷ lệ hút thuốc
Phương án tăng thuế theo Dự thảo Luật sửa đổi Luật thuế TTĐB hầu như không làm thay đổi tỷ lệ hút thuốc ở nam giới. Phương án tăng thuế để giữ sức mua không đổi với mức tăng thuế cao hơn đã có tác động làm giảm tỷ lệ hút thuốc nhưng mức giảm chưa đủ để đạt được mục tiêu quốc gia. Chỉ khi tăng thuế ở mức đủ lớn với mức tăng 40% cho mỗi lần tăng vào năm 2015, 2018 và tăng thêm 10% vào năm 2020 Việt Nam mới đạt được mức giảm tỷ lệ hút thuốc theo mục tiêu đề ra và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
1_45.jpg2_32.jpg
 
Tác động đối với số thu NSNN
Cả ba phương án tăng thuế đều có tác động làm tăng thu NSNN. Tuy nhiên, phương án tăng thuế của Bộ Y tế sẽ làm tăng thu ngân sách nhiều gấp hơn ba lần so với phương án tăng thuế của Dự thảo Luật sửa đổi Luật thuế TTĐB.
4. Kết luận và khuyến nghị
Mức tăng thuế theo Dự thảo Luật sửa đổi Luật thuế TTĐB là rất thấp và không làm giảm tiêu dùng thuốc lá, do đó Việt Nam sẽ không đạt được mục tiêu đề ra trong Chiến lược quốc gia là giảm tỷ lệ hút thuốc ở nam giới còn 39% vào năm 2020. Để chính sách thuế có hiệu quả tốt nhất đối với giảm tiêu dùng thuốc lá và tăng thu ngân sách, chúng ta nên cân nhắc tăng thuế theo phương án của Bộ Y tế đề xuất: tăng thuế lên 105% vào năm 2015, 145% vào 2018 và 155% vào năm 2020.
Trong trường hợp chưa thể tăng thuế ở mức có thể đạt được mục tiêu quốc gia về giảm tỷ lệ hút thuốc, thuế cũng cần tăng ở mức giữ cho sức mua thuốc lá không đổi, tức là cần phải tăng từ 65% lên 85% vào năm 2015, sau đó tăng lên 105% vào năm 2018, 125% vào năm 2020./.

 


[1] Bộ Tài chính (2014), Dự thảo Luật thuế TTĐB trình Quốc hội, tháng 09/2014
[2] Van Walbeek, C. (2010),  A simulation model to predict the fiscal and public health impact of a change in cigarette excise taxes. Tobacco Control 19 (1), 31–36.
[3] Bộ Tài chính (2014), Dự thảo Luật sửa đổi Luật thuế TTĐB trình Quốc hội, tháng 09/2014
 
[4] Dự báo GDP thực tế tăng trưởng hàng năm là 5,8%. Dự báo dân số tăng hàng năm là 1% à Mức tăng GDP đầu người thực tế hàng năm là 4,75%.
 
[5] Theo khuyến nghị của WB, WHO, thuế nên chiếm từ 2/3 đến ¾ giá bán lẻ thuốc lá sẽ giúp giảm hút thuốc lá hiệu quả tốt hơn.
[6] Bộ Tài chính (2014), Báo cáo đánh giá sức mua và tác động của tăng thuế thuốc lá. Báo cáo nghiên cứu.