Hiến pháp năm 2013 và yêu cầu sửa đổi Luật tổ chức Tòa án nhân dân

01/10/2014

Ngày 28/11/2013, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp mới (Hiến pháp 2013) thay thế cho Hiến pháp 1992 với nhiều nội dung được sửa đổi, bổ sung một cách căn bản, nhất là các quy định về tổ chức bộ máy nhà nước. Các quy định của Hiến pháp 2013 về Tòa án nhân dân (TAND) cũng có nhiều thay đổi, phù hợp với việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Những sự thay đổi đó đặt ra yêu cầu cấp thiết phải sửa đổi Luật tổ chức TAND hiện hành. 
Untitled_310.png
Ảnh minh họa: (Nguồn internet)
1. Các quy định mới của Hiến pháp 2013 về Tòa án nhân dân  
1.1. Tòa án nhân dân là một nhánh quyền lực trong tổ chức bộ máy nhà nước, chủ thể duy nhất thực hiện quyền tư pháp
Ngay từ Điều 2, Hiến pháp 2013 đã khẳng định: Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân… Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Với quy định này, nguyên tắc phân công, phối hợp thực hiện quyền lực nhà nước được thể hiện rõ ràng, rành mạch hơn so với Hiến pháp 1992. Hiến pháp 2013 không chỉ quy định rõ, Quốc hội thực hiện quyền lập pháp, Chính phủ thực hiện quyền hành pháp, TAND thực hiện quyền tư pháp mà còn hiến định nguyên tắc kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Đây là lần đầu tiên, TAND được coi là một nhánh quyền lực trong tổ chức bộ máy nhà nước của nước ta.
Bằng việc quy định “TAND là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp” (khoản 1 Điều 102), Hiến pháp xác định rõ ràng, cụ thể vị trí, vai trò, chức năng của TAND trong bộ máy cơ quan nhà nước. TAND là cơ quan duy nhất thực hiện quyền tư pháp, thực hiện chức năng xét xử. TAND là cơ quan duy nhất có quyền ra phán quyết về các vi phạm pháp luật, các tranh chấp theo quy định của pháp luật và về các vấn đề pháp lý liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Xử lý các vi phạm pháp luật bằng chế tài nhà nước, giải quyết các tranh chấp bằng quyền lực nhà nước đều thuộc thẩm quyền của Tòa án. Vì vậy, quy định của Hiến pháp là cơ sở hiến định cho việc mở rộng thẩm quyền của Tòa án trong xét xử các loại án, thể hiện xu thế tất yếu của nhà nước pháp quyền. Hiến pháp khẳng định vị trí trung tâm của Tòa án trong hệ thống tư pháp, vị trí trọng tâm của hoạt động xét xử trong các hoạt động tư pháp.
Để thực hiện quyền tư pháp, Hiến pháp cũng quy định nhiệm vụ của TAND một cách cụ thể, rõ ràng. Hiến pháp còn sửa đổi một số quy định về thủ tục bầu, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức các chức danh quan trọng của TAND tối cao và các Tòa án khác. Nguyên tắc độc lập xét xử của Tòa án được nhấn mạnh và ở tầm hiến định, nghiêm cấm mọi tổ chức, cá nhân can thiệp vào hoạt động xét xử của Tòa án; quy định mở về hệ thống Tòa án mở đường cho việc tổ chức Tòa án theo cấp xét xử, không theo đơn vị hành chính... Chế độ báo cáo và chế độ trách nhiệm của Chánh án TAND tối cao và các Tòa án khác cũng có sự thay đổi cho phù hợp với sự thay đổi về tổ chức hoạt động của TAND nói riêng và bộ máy nhà nước nói chung.
1.2. Tổ chức hệ thống Tòa án nhân dân   
Khoản 2 Điều 102 Hiến pháp quy định: TAND gồm TAND tối cao và các Tòa án khác do luật định. Như vậy, ngoài TAND tối cao, Hiến pháp năm 2013 không liệt kê cụ thể các Tòa án khác, mà giao cho luật định. Điều này bảo đảm tính khái quát, ổn định lâu dài của Hiến pháp và tính mềm dẻo, linh hoạt của luật phù hợp với từng thời kỳ phát triển của đất nước. Đây cũng là yêu cầu cấp thiết cho việc nhanh chóng sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức TAND phù hợp với tiến trình cải cách tư pháp.
1.3. Nhiệm vụ của Tòa án nhân dân   
Tại khoản 3 Điều 102 Hiến pháp quy định rõ ràng, cụ thể nhiệm vụ của TAND. Đó là bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Hiến pháp đã nhấn mạnh việc bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân là những nhiệm vụ đầu tiên của TAND; sau đó mới là nhiệm vụ bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Đó là nhiệm vụ đặc trưng thể hiện cao nhất, tập trung nhất đối với cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp. Tòa án phải là nơi mà mọi con người, mọi công dân tìm đến lẽ phải, tìm đến sự thật. Khi quyền, lợi ích của mình bị xâm phạm hoặc bị tranh chấp, người dân tìm đến Tòa án như là tìm đến Công lý. Vì vậy, có thể nói, theo Hiến pháp 2013, Tòa án là biểu tượng của Công lý và có nhiệm vụ bảo vệ công lý.
Tại Điều 104, Hiến pháp quy định giao cho TAND tối cao thẩm quyền bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật. Đây là bảo đảm quan trọng cho hoạt động của Tòa án, phù hợp với chức năng áp dụng pháp luật của cơ quan tư pháp. Điều này có nghĩa là ngoài tổng kết thực tiễn xét xử, hướng dẫn áp dụng pháp luật, TAND tối cao còn có thể bằng các hình thức khác nhau bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử như thực hiện giám đốc xét xử, ban hành án lệ...
1.4. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân   
Điều 103 Hiến pháp năm 2013 quy định các nguyên tắc cơ bản tổ chức và hoạt động của TAND. Đó là:
1. Việc xét xử sơ thẩm của TAND có Hội thẩm tham gia, trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn.
2. Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm.
3. TAND xét xử công khai. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự, TAND có thể xét xử kín.
4. TAND xét xử tập thể và quyết định theo đa số, trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn.
5. Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm.
6. Chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được bảo đảm.
7. Quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự được bảo đảm. 
Theo quy định trên thì Hiến pháp năm 2013 đã kế thừa và có bổ sung cho chính xác, phù hợp với thực tiễn và tinh thần cải cách tư pháp một số nguyên tắc tổ chức và hoạt động của TAND - cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp ở nước ta. Đó là:
- Nguyên tắc xét xử có Hội thẩm tham gia. Theo Hiến pháp 2013 thì Hội thẩm chỉ tham gia trong xét xử ở cấp sơ thẩm; còn việc xét xử ở cấp phúc thẩm là không bắt buộc. Sự sửa đổi này cũng xuất phát từ thực tiễn xét xử những năm qua;
- Nguyên tắc Thẩm phán và Hội thẩm xét xử độc lập. Đồng thời, Hiến pháp cũng bổ sung một nội dung quan trọng: “Nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm”. Bổ sung này nhấn mạnh tầm quan trọng cũng như thái độ dứt khoát của Nhà nước ta đối với việc can thiệp vào hoạt động xét xử của Tòa án, bảo đảm quan trọng cho việc thực hiện nguyên tắc này trên thực tế;
- Nguyên tắc xét xử tập thể. Tuy nhiên, để thực hiện cải cách tư pháp, nâng cao hiệu quả của việc xét xử, bảo đảm cho việc xét xử nhanh chóng, kịp thời, tiết kiệm, Hiến pháp 2013 quy định ngoại lệ cho phép Tòa án xét xử bằng một Thẩm phán trong trường hợp áp dụng thủ tục rút gọn;
- Nguyên tắc xét xử công khai. Đồng thời, thay cho quy định trường hợp ngoại lệ do luật định trong Hiến pháp 1992, Hiến pháp 2013 quy định cụ thể điều kiện cho phép Tòa án xét xử kín. Đó là “trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự”;
- Nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo… Tuy nhiên, để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quyền con người một cách toàn diện, công bằng, Hiến pháp 2013 ngoài việc quy định quyền bào chữa của bị can, bị cáo, còn bổ sung việc bảo đảm quyền, bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự trong hoạt động xét xử của Tòa án.
Đồng thời, Hiến pháp 2013 bổ sung một số nguyên tắc quan trọng, bảo đảm sự phù hợp với tinh thần cải cách tư pháp, bảo vệ quyền con người và thông lệ quốc tế. Các nguyên tắc được bổ sung là:
- Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm. Đây là nguyên tắc thể hiện nội dung rất quan trọng trong cải cách tư pháp ở nước ta. Sự thật chỉ được xác định, công lý chỉ được thiết lập khi có sự tranh tụng giữa các bên trong tố tụng tư pháp, nhất là trong xét xử các vụ án;
- Chế độ xét xử sơ thẩm, phúc thẩm được bảo đảm. Nguyên tắc hai cấp xét xử là nguyên tắc xuyên suốt của hệ thống tư pháp của bất kỳ một quốc gia nào; được ghi nhận trong các văn kiện quốc tế về quyền con người và pháp luật của mọi quốc gia. Thực hiện hai cấp xét xử là một trong những biện pháp bảo vệ quyền con người hữu hiệu; đồng thời bảo đảm cho hoạt động tư pháp thận trọng nhưng có điểm dừng, tránh kéo dài, chậm trễ.
1.5. Nhiệm kỳ, thủ tục bổ nhiệm, phê chuẩn, miễn nhiệm, cách chức, nhiệm kỳ của các chức danh quan trọng trong Tòa án nhân dân   
Hiến pháp 2013 bổ sung quy định nhiệm kỳ của Chánh án, Thẩm phán các cấp. Theo đó, nhiệm kỳ của Chánh án TAND tối cao theo nhiệm kỳ của Quốc hội; việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức và nhiệm kỳ của Chánh án Tòa án khác, của Thẩm phán, nhiệm kỳ của Hội thẩm do luật định. Đây là những căn cứ hiến định cho việc cụ thể hóa quy định của Hiến pháp trong Luật Tổ chức TAND.
Hiến pháp 2013 có bổ sung quan trọng về việc bổ nhiệm Thẩm phán TAND tối cao. Theo Điểm 7 Điều 70, Điểm 3 Điều 88 thì Thẩm phán TAND tối cao do Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức sau khi được Quốc hội phê chuẩn. Quy định này thể hiện nguyên tắc tổ chức bộ máy nhà nước trong Nhà nước pháp quyền, nâng cao vị thế của cơ quan tư pháp tương xứng với cơ quan lập pháp, cơ quan hành pháp; bảo đảm nguyên tắc phân công, phối hợp và kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.
2. Sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân dưới góc độ tổ chức bộ máy theo yêu cầu của Hiến pháp
2.1. Sự cần thiết và những định hướng lớn của dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân sửa đổi
Hiện nay, điều chỉnh về tổ chức và hoạt động của TAND tối cao và các Tòa án khác gồm có Luật Tổ chức TAND năm 2002, Pháp lệnh Tổ chức Tòa án quân sự 2002, Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm TAND năm 2002 (được sửa đổi, bổ sung năm 2011). Sau hơn mười năm thực hiện, cùng với sự chuyển biến của nền kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước, các văn bản pháp luật nói trên đã bộc lộ những hạn chế, bất cập ảnh hưởng tới việc tổ chức và hoạt động của các Tòa án. Việc ban hành Hiến pháp 2013 với những quy định mới đặt ra yêu cầu cấp bách đối với việc hoàn thiện các quy định của pháp luật về tổ chức và hoạt động của Tòa án. Mặt khác, phù hợp với tiến trình cải cách tư pháp, cần nhanh chóng thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng về tổ chức và hoạt động của Tòa án đã được định hướng trong Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6-2005 của Bộ Chính trị “về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”, Kết luận số 79-KL/TW ngày 28/7/2010 của Bộ Chính trị “về Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án, Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra theo Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Kết luận số 92-KL/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW.
Việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức TAND cần được thực hiện theo các định hướng lớn sau đây:
- Dự án Luật Tổ chức TAND sửa đổi phải thể chế hóa các chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp, đặc biệt là Nghị quyết số 49-NQ/TW, Kết luận số 79-KL/TW, Kết luận số 64-KL/TW ngày 28/5/2013 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và Kết luận số 92-KL/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị. Trong đó, cần xác định rõ vị trí, chức năng của Tòa án trong cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước nói chung và trong các cơ quan có hoạt động tư pháp nói riêng: Tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, có vị trí trung tâm và xét xử là trọng tâm của hoạt động tư pháp. Tổ chức Tòa án theo thẩm quyền xét xử, bảo đảm nguyên tắc độc lập trong hoạt động của Tòa án cũng như các chức danh tư pháp trong Tòa án; tạo cơ sở pháp lý để nâng cao chất lượng đội ngũ Thẩm phán, cán bộ, công chức Tòa án, xây dựng cơ sở vật chất, phương tiện làm việc của Tòa án từng bước hiện đại, khoa học, đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, hiệu lực cho các hoạt động của Tòa án.
- Dự án Luật Tổ chức TAND sửa đổi phải cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp 2013 về TAND; bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; bảo đảm tính khả thi của Luật Tổ chức TAND (sửa đổi); không làm cản trở việc thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.          
- Dự án Luật Tổ chức TAND sửa đổi phải kế thừa các quy định còn phù hợp của Luật Tổ chức TAND năm 2002, Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm TAND năm 2002 và Pháp lệnh Tổ chức Tòa án quân sự năm 2002; tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới về tổ chức và hoạt động của Tòa án, về chế định Thẩm phán. Cần nhất thể hóa Luật Tổ chức TAND năm 2002, Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm TAND năm 2002 và Pháp lệnh Tổ chức Tòa án quân sự năm 2002 thành một văn bản quy phạm pháp luật mới.
2.2. Một số nội dung cụ thể của Dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân sửa đổi
2.2.1. Tổ chức TAND
Hiến pháp 2013 quy định TAND gồm có TAND tối cao và các Tòa án khác do luật định. Đây là quy định mở và đặt ra yêu cầu cụ thể hóa vào dự án Luật Tổ chức TAND, phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng về chiến lược cải cách tư pháp.
Nghị quyết số 49-NQ/TW, Kết luận số 79-KL/TW và Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị, Kết luận số 64-KL/TW của Ban chấp hành Trung ương khóa XI đã định hướng, Tòa án được tổ chức theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính, bảo đảm nguyên tắc độc lập trong hoạt động xét xử của Tòa án. Hệ thống Tòa án được cơ cấu gồm 4 cấp: TAND tối cao, TAND cấp cao, TAND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, TAND sơ thẩm.
- Đối với TAND tối cao:
TAND tối cao là cơ quan xét xử cao nhất của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; TAND tối cao không thực hiện chức năng xét xử phúc thẩm mà tập trung vào công tác tổng kết thực tiễn xét xử, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử, phát triển án lệ và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm.
 Tổ chức hoạt động của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao cần được thiết kế lại theo hướng “tinh gọn”; bộ máy giúp việc cho Chánh án TAND tối cao và Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao cần được tổ chức hợp lý để thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ được giao. Theo đó, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao không quá 17 thành viên; phương thức xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao cũng cần được đổi mới theo hướng có Hội đồng xét xử chuyên ngành gồm 5 Thẩm phán và Hội đồng toàn thể với đầy đủ các thành viên là Thẩm phán TAND tối cao.  
Về bộ máy giúp việc, chúng tôi cho rằng, Dự thảo Luật chỉ nên quy định chung là cơ cấu tổ chức của TAND tối cao gồm các Vụ, Viện, Văn phòng, Trường Cán bộ Tòa án… Việc quy định cụ thể về bộ máy giúp việc của TAND tối cao do Chánh án TAND tối cao trình Ủy ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn như hiện hành.
- Đối với TAND cấp cao:
TAND cấp cao có nhiệm vụ xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm những bản án, quyết định thuộc địa hạt tư pháp bị kháng cáo, kháng nghị. TAND cấp cao gồm Ủy ban Thẩm phán, các Tòa chuyên trách và bộ máy giúp việc. Chúng tôi cho rằng, chỉ có Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao mới có quyền xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm; các Tòa chuyên trách chỉ có thẩm quyền xét xử phúc thẩm. Nếu cho rằng, Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao không thể xét xử hết các vụ án thuộc thẩm quyền, thì cần điều chỉnh kỹ thuật bằng pháp luật tố tụng để có cơ chế hạn chế việc kháng nghị tràn lan theo tinh thần Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị. 
- Đối với TAND khu vực:
Chúng tôi cho rằng, cần tổ chức TAND khu vực như Kết luận số 79-KL/TW chứ không nên tổ chức tại các đơn vị hành chính cấp huyện, bởi nếu như vậy thì chỉ là việc thay đổi tên gọi chứ không có sự thay đổi mấy về tổ chức và sự phụ thuộc vào cơ quan Đảng và chính quyền địa phương. Việc thành lập Tòa chuyên trách TAND khu vực cần căn cứ chủ yếu vào số lượng các vụ án cần giải quyết trung bình hàng năm.
- Đối với Tòa Gia đình và người chưa thành niên:
TAND tối cao đang xây dựng Đề án thành lập Tòa Gia đình và người chưa thành niên. Đây là bước đi cụ thể nhằm triển khai chủ trương, quan điểm của Đảng và pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, phát triển gia đình; bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và xử lý người chưa thành niên phạm tội phù hợp với sự phát triển cũng như những đặc thù về tâm, sinh lý của trẻ em. Việc thành lập Tòa này cũng là để thực hiện các cam kết của Việt Nam khi ký kết, tham gia các điều ước quốc tế về trẻ em, phù hợp với mô hình tổ chức Tòa án của nhiều nước trên thế giới.
2.2.2. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của TAND
 Tổ chức và hoạt động của các Tòa án dựa vào nhiều nguyên tắc, trong đó có nguyên tắc về tổ chức bộ máy và nguyên tắc hoạt động trong tố tụng. Chúng tôi cho rằng, dưới góc độ Luật Tổ chức TAND thì chỉ nên quy định các nguyên tắc về tổ chức bộ máy và các nguyên tắc chung nhất về hoạt động của Tòa án, còn các nguyên tắc hoạt động trong tố tụng thì nên để điều chỉnh bằng pháp luật tố tụng. Như vậy, không phải bất cứ nguyên tắc nào được quy định trong Hiến pháp đều nên đưa vào dự thảo Luật Tổ chức TAND, kể cả nguyên tắc quan trọng như nguyên tắc tranh tụng.
2.2.3. Các ngạch Thẩm phán
Khi tổ chức TAND thành 4 cấp, cũng cần quy định 4 ngạch Thẩm phán tương ứng nhằm tiêu chuẩn hóa đội ngũ cán bộ Thẩm phán chủ yếu ở từng cấp cũng như phân công nhiệm vụ phù hợp dựa trên tính chất, mức độ phức tạp của từng vụ việc. Do đó, chúng tôi cho rằng, nên quy định 4 cấp Thẩm phán là Thẩm phán TAND tối cao, Thẩm phán cao cấp, Thẩm phán trung cấp và Thẩm phán sơ cấp.
Về bố trí Thẩm phán ở các cấp Tòa án, chúng tôi cho rằng, ở TAND tối cao chỉ có Thẩm phán TAND tối cao và Thẩm phán cao cấp; ở TAND cấp cao chỉ nên có Thẩm phán cao cấp và Thẩm phán Trung cấp; ở TAND cấp tỉnh có Thẩm phán cao cấp, Thẩm phán trung cấp và Thẩm phán sơ cấp; TAND sơ thẩm khu vực có Thẩm phán trung cấp và Thẩm phán sơ cấp.
2.2.4. Việc thành lập, quản lý và đảm bảo kinh phí hoạt động các TAND
Việc thành lập các Tòa án là vấn đề hệ trọng, quyết định đến hiệu quả và hiệu lực của việc thực hiện quyền tư pháp của quốc gia. Bên cạnh đó, việc thành lập các Tòa án còn là cơ sở để quyết định các vấn đề quan trọng khác như: biên chế cán bộ, cơ sở vật chất, kinh phí bảo đảm hoạt động Tòa án, chế độ chính sách đối với Thẩm phán, Hội thẩm và các chức danh công tác trong ngành Tòa án. Với tầm quan trọng đó, việc xem xét, quyết định thành lập các TAND sơ thẩm, TAND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, TAND cấp cao và Tòa án quân sự cần được quy định là thẩm quyền của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Cơ chế quản lý các TAND về tổ chức, cán bộ, kinh phí, cơ sở vật chất có mối quan hệ mật thiết với việc bảo đảm tính độc lập của Tòa án trong việc thực hiện quyền tư pháp. Theo chúng tôi, cần cắt bớt các cơ quan liên quan trong việc thực hiện công tác cán bộ, phân cấp kinh phí cho Tòa án và xây dựng một cơ quan tổ chức cán bộ đủ mạnh ngay trong các TAND, chủ yếu ở TAND tối cao để thực hiện tốt việc quản lý, đảm bảo cho các chức danh tư pháp tập trung vào việc thực hiện chức năng xét xử và thực hiện quyền tư pháp theo quy định của Hiến pháp.
Riêng đối với việc phân cấp ngân sách, chúng tôi cho rằng, cần giao cho Chánh án TAND tối cao thẩm quyền nhất định trong việc trình Quốc hội dự toán ngân sách đối với các TAND. Theo đó, Chính phủ trình Quốc hội quyết định ngân sách của TAND sau khi thống nhất với Chánh án TAND tối cao; trường hợp Chánh án không đồng ý với Chính phủ thì có quyền có ý kiến trực tiếp với Quốc hội. 
2.2.5. Nhiệm kỳ và tuổi làm việc của Thẩm phán
Để góp phần tăng cường tính trách nhiệm, độc lập của Thẩm phán trong hoạt động xét xử, thực hiện quyền tư pháp, cần quy định nhiệm kỳ của Thẩm phán đủ dài. Theo đó, Thẩm phán TAND tối cao được bổ nhiệm đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác; các ngạch Thẩm phán khác bổ nhiệm lần đầu 5 năm, các lần sau 10 năm.
Chúng tôi cho rằng, cần có sự phân biệt giữa Thẩm phán TAND tối cao với các ngạch Thẩm phán khác. Thẩm phán TAND tối cao do Quốc hội phê chuẩn, Chủ tịch nước bổ nhiệm. Để phù hợp với mặt bằng chung về tuổi làm việc của cán bộ, công chức, có thể quy định tuổi nghỉ hưu của Thẩm phán TAND tối cao (không giữ chức vụ quản lý) là 65 tuổi, các ngạch Thẩm phán khác theo quy định của Bộ luật Lao động.
2.2.6. Hội thẩm
Chúng tôi cho rằng, Hội thẩm không phải là một chức danh tư pháp, bởi họ không phải là cán bộ thuộc sự quản lý của Tòa án. Không thể coi bất cứ ai tham gia vào hoạt động tư pháp đều là người có chức danh tư pháp. Mặt khác, nếu coi họ là một chức danh tư pháp, thì cần cho họ được hưởng chế độ phụ cấp chức danh tư pháp.
Về lâu dài, cần có sự tham gia sâu và toàn diện của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc vào việc quản lý, phân công Hội thẩm tham gia công tác xét xử thay vì để Tòa án quản lý và phân công như hiện nay. Mặt khác, pháp luật về tố tụng cũng cần quy định cụ thể về số lượng Hội thẩm tham gia vào một hội đồng xét xử theo hướng ít hơn hiện nay để đảm bảo chất lượng của hội đồng xét xử khi thực hiện quyền tư pháp.
2.2.7. Kỷ luật, cách chức Thẩm phán
Thẩm phán là chức danh tư pháp quan trọng nhất trong hoạt động xét xử, thực hiện quyền tư pháp của Tòa án. Thực chất, hoạt động xét xử, thực hiện quyền tư pháp của Tòa án là hoạt động của Thẩm phán. Chúng tôi cho rằng, cùng với việc quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức cũng như vị thế, chế độ đãi ngộ đối với Thẩm phán, thì việc kỷ luật, cách chức Thẩm phán do vi phạm pháp luật, kỷ luật nghiệp vụ cũng cần được quy định cụ thể. Luật Tổ chức TAND hiện tại quy định quá sơ sài và chung chung, khó áp dụng để xử lý kỷ luật người vi phạm. Chúng tôi cũng cho rằng, là một nghề đặc thù, việc bổ nhiệm, miễn nhiệm cũng như xử lý kỷ luật, cách chức Thẩm phán cần được thông qua một Hội đồng có sự tham gia của đại diện cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp và Mặt trận Tổ quốc và một số Thẩm phán tiêu biểu. Có như vậy, mới nâng cao chất lượng đội ngũ Thẩm phán được lựa chọn, tăng cường tính độc lập của Thẩm phán khi xét xử. Không nên áp dụng các quy định liên quan của Luật Cán bộ, Công chức đối với đội ngũ Thẩm phán.
2.2.8. Tòa án Quân sự trong Dự thảo Luật Tổ chức TAND sửa đổi
Tòa án Quân sự là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, thuộc hệ thống TAND, được tổ chức trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Các Tòa án Quân sự là các Tòa án chuyên biệt chỉ có thẩm quyền xét xử các vụ án hình sự theo quy định của pháp luật.
 Thời gian gần đây, có ý kiến cho rằng, nên giao các vụ án quân nhân phạm tội không liên quan đến bí mật quân sự hoặc không phải tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân và những vụ án người khác gây thiệt hại cho quân đội... cho TAND giải quyết. Chúng tôi cho rằng, quan điểm như thế là hoàn toàn sai lầm và không tính đến tính chất phức tạp, đảm bảo bí mật quân đội trong việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án này, nhất là các vụ án xảy ra trong doanh trại của các đơn vị quân đội. Do đó, theo chúng tôi, cần giữ nguyên thẩm quyền xét xử của Tòa án Quân sự như khoản 2 Điều 3 Pháp lệnh Tổ chức Tòa án quân sự.
Mặt khác, với xu hướng giao cho Tòa án xử lý các vi phạm pháp luật, giải quyết tất cả các mâu thuẫn, tranh chấp của các chủ thể tham gia các quan hệ pháp luật, thì dần dần, việc xử lý kỷ luật quân đội, xử lý vi phạm hành chính do các đơn vị quân đội thực hiện… có thể được nghiên cứu giao cho Tòa án Quân sự giải quyết. Vì vậy, để tránh phải tiếp tục sửa đổi Luật Tổ chức TAND, chúng tôi đề nghị bổ sung thẩm quyền giải quyết các việc khác theo quy định của pháp luật cho Tòa án Quân sự như một phương án để ngỏ, mang tính dự phòng cho tương lai./.