Pháp luật điều chỉnh hoạt động tư vấn đầu tư của công ty chứng khoán

01/09/2014

Khi tham gia vào thị trường chứng khoán (TTCK), không phải tất cả các nhà đầu tư đều là những người am hiểu và có khả năng bao quát, nắm rõ tất cả mọi thông tin kinh tế và tài chính để đưa ra quyết định đầu tư hợp lý nhất cho mình. Để khắc phục nhược điểm trên, các nhà đầu tư tìm đến các chủ thể chuyên nghiệp để nhờ tư vấn đầu tư chứng khoán (ĐTCK). Vậy tư vấn ĐTCK là gì?
Ở góc độ kinh tế, tư vấn ĐTCK là những hoạt động tư vấn về giá trị của chứng khoán nhằm mục đích thu phí[1].
Ở góc độ kỹ thuật nghiệp vụ, tư vấn ĐTCK được hiểu là việc các chuyên gia về chứng khoán sử dụng những kiến thức chuyên môn của mình để phân tích và cung cấp các kết quả phân tích chứng khoán cùng với những khuyến nghị cho nhà đầu tư nhằm giúp họ đưa ra những quyết định ĐTCK[2].
Ở góc độ pháp lý, tư vấn ĐTCK có nghĩa là bất kỳ người nào tư vấn cho hoạt động kinh doanh của người khác, hoặc trực tiếp hoặc thông qua các ấn phẩm hoặc bài viết, nhằm xác định giá trị của chứng khoán hoặc cho những lời khuyên đầu tư mua và bán chứng khoán và cam kết bồi thường đối với những thiệt hại phát sinh từ các lời khuyên, ấn phẩm, bài viết, báo cáo của mình liên quan đến chứng khoán[3].
Untitled_321.png
Ảnh minh họa: (Nguồn internet)
Nhìn chung, hoạt động tư vấn ĐTCK có một số đặc điểm sau:
- Chủ thể cung ứng dịch vụ tư vấn ĐTCK thường được tiến hành bởi các chuyên gia đang làm việc ở các công ty chứng khoán (CTCK), công ty quản lý quỹ ĐTCK[4].
- Nội dung của hoạt động tư vấn ĐTCK là hoạt động kinh doanh cung cấp dịch vụ thu phí.
- Khi cung cấp dịch vụ tư vấn, chủ thể cung cấp dịch vụ và khách hàng phải ký kết hợp đồng bằng văn bản thể hiện rõ quyền và nghĩa vụ các bên trong hoạt động này.
Chủ thể cung ứng dịch vụ tư vấn ĐTCK chỉ đưa ra những lời tư vấn về hoạt động ĐTCK, nhà đầu tư là người cuối cùng ra quyết định đầu tư hay không ĐTCK. Chủ thể cung ứng dịch vụ tư vấn ĐTCK chỉ chịu trách nhiệm khi các thông tin, nội dung tư vấn không chính xác, không hợp lý, không có cơ sở rõ ràng.
Ở Việt Nam, hoạt động tư vấn ĐTCK cũng được hiểu với ý nghĩa tương tự trên. Theo đó, tại khoản 3 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán năm 2010 đã ghi nhận: “Tư vấn ĐTCK là việc cung cấp cho nhà đầu tư kết quả phân tích, công bố báo cáo phân tích và khuyến nghị liên quan đến chứng khoán”.
Theo đó, chủ thể cung cấp dịch vụ tư vấn ĐTCK có thể là CTCK, công ty quản lý quỹ. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ đề cập đến hoạt động tư vấn đầu tư của CTCK.
Về nguyên tắc, đây là hoạt động cung ứng dịch vụ, là sự thỏa thuận mang tính chất bình đẳng, tự nguyện giữa nhà đầu tư và CTCK, theo đó CTCK là người cung ứng dịch vụ và thu phí, nhà đầu tư là người sử dụng dịch vụ và trả phí. Tuy nhiên, không phải trong bất kỳ mối quan hệ nào việc tự do thỏa thuận giữa các bên cũng đảm bảo sự công bằng đó. Bởi có thể có một số trường hợp khi giao kết hợp đồng, một bên vì không biết hoặc vì không thể biết đầy đủ và chính xác các nội dung của hoạt động tư vấn ĐTCK nên bị bên còn lại lợi dụng để trục lợi. Vì vậy, theo chúng tôi, Nhà nước cần phải ban hành pháp luật điều chỉnh vào hoạt động tư vấn ĐTCK của CTCK xuất phát từ hai lý do sau: i) nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhà đầu tư; ii) tạo cơ chế pháp lý rõ ràng cho hoạt động tư vấn đầu tư, thúc đẩy xu hướng chuyên môn hóa trong hoạt động kinh doanh chứng khoán.
Pháp luật điều chỉnh hoạt động tư vấn ĐTCK của CTCK là một bộ phận của pháp luật về chứng khoán và TTCK, bao gồm tổng thể các quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình thực hiện hoạt động tư vấn ĐTCK của CTCK với nhà đầu tư trên TTCK.
1. Quy định của pháp luật điều chỉnh hoạt động tư vấn đầu tư chứng khoán của công ty chứng khoán
Thứ nhất, các nguyên tắc áp dụng trong hoạt động tư vấn ĐTCK
Về cơ bản, hoạt động tư vấn ĐTCK cũng là một hoạt động kinh doanh của CTCK nên những nguyên tắc áp dụng trong hoạt động tư vấn ĐTCK cũng chính là những nguyên tắc áp dụng trong hoạt động kinh doanh chứng khoán của CTCK. Bên cạnh những nguyên tắc chung trong hoạt động kinh doanh chứng khoán, theo chúng tôi, CTCK cũng cần phải tuân thủ các nguyên tắc sau trong quá trình cung ứng dịch vụ tư vấn ĐTCK:
- Các nội dung tư vấn ĐTCK phải có cơ sở hợp lý và phù hợp dựa trên thông tin đáng tin cậy, phân tích lôgic. Khuyến nghị ĐTCK được đưa ra phải liên quan và phù hợp với nội dung phân tích chứng khoán và TTCK. Các báo cáo phân tích chứng khoán và thị trường, khuyến nghị đầu tư phải ghi rõ nguồn trích dẫn số liệu và tên người chịu trách nhiệm về nội dung báo cáo, khuyến nghị ĐTCK[5].
- CTCK tư vấn đầu tư cho khách hàng phải đảm bảo rằng khách hàng đưa ra quyết định đầu tư trên cơ sở được cung cấp thông tin đầy đủ bao gồm cả nội dung và rủi ro của sản phẩm, dịch vụ cung cấp[6].
- CTCK phải tư vấn đầu tư phù hợp với mục tiêu đầu tư và tình hình tài chính của khách hàng và phải chịu trách nhiệm về kết quả phân tích và độ tin cậy của thông tin cung cấp cho khách hàng[7].
Thứ hai, nội dung hoạt động tư vấn ĐTCK của CTCK
Thông tư 210/2012/TT-BTC không có những quy định cụ thể về nội dung của hoạt động tư vấn giống như Quy chế tổ chức và hoạt động CTCK ban hành kèm theo Quyết định 27/2007/QĐ-BTC ban hành ngày 24/04/2007 của Bộ Tài chính (Quyết định 27/2007/QĐ BTC)[8]. Tuy nhiên, căn cứ vào khái niệm của hoạt động tư vấn ĐTCK được xác định tại khoản 3 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán năm 2010, có thể xác định hai nội dung cơ bản của hoạt động này là (i) CTCK cung cấp cho khách hàng các kết quả phân tích, các báo cáo phân tích; (ii) CTCK cung cấp cho khách hàng các khuyến nghị liên quan đến chứng khoán.
Thứ ba, hợp đồng tư vấn ĐTCK của CTCK
Về cơ bản, hợp đồng tư vấn ĐTCK là sự thoả thuận bằng văn bản giữa CTCK với tổ chức phát hành chứng khoán nhằm xác lập quyền và nghĩa vụ cụ thể giữa các bên trong hoạt động tư vấn ĐTCK.
Hoạt động tư vấn ĐTCK là một hoạt động rất quan trọng, liên quan, ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động ĐTCK của nhà đầu tư. Trong hoạt động này, nhà đầu tư có thể sẽ bị CTCK dùng nhiều biện pháp, cách thức để cung cấp dịch vụ không đạt chất lượng hoặc các CTCK sẽ cố tình đưa vào các quy định bất lợi cho nhà đầu tư nhằm trục lợi riêng. Vì vậy, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nhà đầu tư, pháp luật có quy định những nội dung cơ bản mà hợp đồng tư vấn ĐTCK cần phải có, đó là[9]: quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên tham gia hợp đồng; phạm vi tư vấn ĐTCK; phương thức cung cấp dịch vụ; phí cung cấp dịch vụ.
Bên cạnh những nội dung cơ bản trên, trong hợp đồng tư vấn ĐTCK bắt buộc phải có những nội dung khác như: chủ thể thực hiện hợp đồng; thời hạn thực hiện hợp đồng. Điều này giúp xác định rõ ai là người thực hiện, ai là người cung cấp dịch vụ, ai thụ hưởng và nhiều yếu tố quan trọng khác kèm theo.
Thứ tư, quyền và nghĩa vụ của các bên trong hoạt động tư vấn ĐTCK
Nhìn chung, pháp luật không có quy định cụ thể về nghĩa vụ của CTCK trong hoạt động tư vấn ĐTCK. Tuy nhiên, thông qua các quy định về hoạt động tư vấn ĐTCK, chúng tôi thấy CTCK phải thực hiện các nghĩa vụ sau trong quá trình tiến hành hoạt động này:
- CTCK phải ký kết hợp đồng với khách hàng khi cung cấp dịch vụ tư vấn ĐTCK.
- CTCK phải thu thập, cập nhật thường xuyên, quản lý thông tin về khách hàng trên các nội dung: tình hình tài chính của khách hàng; mục tiêu đầu tư của khách hàng; khả năng chấp nhận rủi ro của khách hàng; kinh nghiệm và hiểu biết về đầu tư của khách hàng.
- CTCK phải bảo mật các thông tin nhận được từ người sử dụng dịch vụ tư vấn trong quá trình cung ứng dịch vụ tư vấn trừ trường hợp được khách hàng đồng ý hoặc pháp luật có quy định khác[10].
Ngoài ra, trong hoạt động tư vấn ĐTCK, CTCK không được trực tiếp hoặc gián tiếp thực hiện các hành vi sau[11]:
- Quyết định ĐTCK thay cho khách hàng; thỏa thuận với khách hàng để chia sẻ lợi nhuận hoặc lỗ.
- Quảng cáo, tuyên bố rằng nội dung, hiệu quả, hoặc các phương pháp phân tích chứng khoán của mình có giá trị cao hơn của CTCK khác.
- Có hành vi cung cấp thông tin sai sự thật để dụ dỗ hay mời gọi khách hàng mua/bán một loại chứng khoán nào đó.
- Cung cấp thông tin sai lệch, gian lận, hoặc gây hiểu nhầm cho khách hàng.
Bên cạnh các nghĩa vụ trên, CTCK cũng có những quyền nhất định như:
- Quyền thu phí cung cấp dịch vụ tư vấn.
- Quyền yêu cầu khách hàng cung cấp những thông tin khi có sự thay đổi so với thông tin cung cấp ban đầu.
- Quyền thay đổi phí khi có những thay đổi nhất định từ nhà đầu tư dẫn đến thay đổi cơ bản phạm vi tư vấn, nội dung tư vấn.
Quan hệ tư vấn ĐTCK là quan hệ song vụ. Nên tương ứng với quyền và nghĩa vụ của CTCK là quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư là khách hàng trong hoạt động tư vấn ĐTCK.
2. Những hạn chế trong các quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động tư vấn đầu tư chứng khoán của Công ty chứng khoán  
2.1. Quy định về cách thức thu thập thông tin từ CTCK trong hoạt động tư vấn ĐTCK
 Về tính chịu trách nhiệm của hoạt động tư vấn ĐTCK, vấn đề này sẽ làm xuất hiện các nội dung sau: i) cơ sở nào để cho rằng nhà đầu tư đã cung cấp đầy đủ hay chưa cung cấp đầy đủ, chính xác hay chưa chính xác… ii) thông tin cung cấp vào thời điểm nào là hợp lý? Hiện nay, các nội dung trên vẫn chưa được pháp luật quy định rõ ràng và thấu đáo. Điều này sẽ làm xuất hiện những tranh chấp phát sinh mà không có cơ sở pháp lý rõ ràng để giải quyết.
Để giải quyết vấn đề này, theo chúng tôi, các cơ quan lập quy cần bổ sung vào quy định về hoạt động tư vấn ĐTCK nội dung sau: “để thực hiện tư vấn ĐTCK cho khách hàng, CTCK phải làm ký hợp đồng tư vấn ĐTCK với khách hàng trên cơ sở Giấy đề nghị giao kết hợp đồng tư vấn ĐTCK/Phiếu cung cấp thông tin cho hoạt động tư vấn ĐTCK. Giấy đề nghị giao kết hợp đồng tư vấn ĐTCK/Phiếu cung cấp thông tin cho hoạt động tư vấn ĐTCK phải có các nội dung tối thiểu là:..”. Quy định này mang những ý nghĩa sau:
- Thông qua việc quy định này, pháp luật đã yêu cầu CTCK phải nắm bắt được những thông tin cơ bản về nhà đầu tư. Trên cơ sở đó, CTCK sẽ xem có đủ điều kiện cung cấp và đáp ứng các yêu cầu của nhà đầu tư hay không?
- Pháp luật sẽ liệt kê những thông tin cơ bản cần phải có để nhà đầu tư ý thức được rõ tầm quan trọng của các thông tin mình phải cung cấp cho CTCK biết trong hoạt động cung cấp thông tin. Bởi đây là cơ sở để có thể truy cứu hay không truy cứu trách nhiệm của CTCK trong hoạt động tư vấn trước nhà đầu tư.
- CTCK sẽ thiết kế mẫu Giấy đề nghị giao kết hợp đồng tư vấn ĐTCK/Phiếu cung cấp thông tin cho hoạt động tư vấn ĐTCK phù hợp hơn theo yêu cầu và mục đích thu thập của CTCK nhằm làm sáng tỏ các thông tin mà CTCK cần biết để nhằm thỏa mãn nhu cầu, mục tiêu đầu tư của khách hàng, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ.
- Xác định rõ thời điểm cung cấp làm cơ sở xác định nhà đầu tư đã cung cấp hay chưa cung cấp thông tin cho CTCK, mức độ cấp thông tin đầy đủ hay chưa đầy đủ cho CTCK.
Quy định như vậy sẽ đảm bảo chứng minh CTCK đã thu thập được thông tin từ phía nhà đầu tư, tránh trường hợp CTCK cho rằng nhà đầu tư đã không cung cấp thông tin nên CTCK chậm trễ trong việc cung ứng dịch vụ.
 Giấy đề nghị giao kết hợp đồng tư vấn ĐTCK/Phiếu cung cấp thông tin cho hoạt động tư vấn ĐTCK phải có những điều khoản cụ thể, được thiết kế thành một văn bản ghi nhận trong Phụ lục của Thông tư.  
 Trong hoạt động môi giới chứng khoán, pháp luật cũng đã quy định: “để thực hiện giao dịch mua, bán chứng khoán cho khách hàng, CTCK phải làm thủ tục mở tài khoản giao dịch cho từng khách hàng trên cơ sở Giấy đề nghị mở tài khoản và hợp đồng mở tài khoản giao dịch chứng khoán với khách hàng. Giấy đề nghị mở tài khoản phải có các nội dung tối thiểu theo quy định tại Phụ lục XV ban hành kèm theo Thông tư này”[12].
2.2. Quy định về nội dung hợp đồng tư vấn ĐTCK
Khoản 1 Điều 56 Thông tư 210/2012/TT-BTC đã xác định những nội dung của hợp đồng tư vấn ĐTCK. Theo đó, nội dung của hợp đồng tư vấn ĐTCK được ký kết giữa CTCK và nhà đầu tư phải có “các nội dung tối thiểu sau: a) Quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên tham gia hợp đồng; b) Phạm vi tư vấn ĐTCK; c) Phương thức cung cấp dịch vụ; d) Phí cung cấp dịch vụ”. Tuy nhiên, quy định này là chưa đầy đủ và có ảnh hưởng không nhỏ đến quyền và lợi ích của nhà đầu tư. Bởi lẽ:
- Mục đích mà nhà đầu tư mong muốn khi sử dụng dịch vụ này là đạt được những mục tiêu nhất định. Tuy nhiên, trong nội dung của hợp đồng không xác định rõ mục đích của hoạt động tư vấn thì khó làm sáng tỏ được cơ sở đánh giá CTCK đã thực hiện đúng hay chưa đúng yêu cầu của người sử dụng dịch vụ, nhà đầu tư.
- Để đạt được mục tiêu của nhà đầu tư, CTCK phải nắm rõ các thông tin của nhà đầu tư. Từ đó, CTCK mới xác định và đưa ra những phương thức cung ứng dịch vụ cho phù hợp.
Cả hai nội dung này đều thiếu trong quy định về nội dung của hợp đồng tư vấn ĐTCK. Như vậy, liệu mục đích bảo vệ quyền lợi của các bên trong quan hệ trên có đạt được hay không?
Để giải quyết vấn đề trên, có hai phương án được đề ra:
Phương án 1: Bổ sung vào quy định những nội dung cơ bản của hợp đồng tư vấn ĐTCK các nội dung: mục tiêu của nhà đầu tư và các thông tin liên quan đến hoạt động đầu tư của nhà đầu tư.
Phương án này có ưu điểm là tập hợp tất cả những nội dung liên quan đến hoạt động tư vấn đầu tư vào một văn bản cụ thể. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tham chiếu, đối chiếu để thực hiện các quyền và nghĩa vụ, nội dung của hợp đồng, quá trình đánh giá tính đúng đắn hợp lý trong hành vi của các bên trong quá trình thực hiện của hợp đồng. Tuy nhiên, quy định này sẽ làm vô hiệu hóa các thông tin cung cấp trong Giấy đề nghị giao kết hợp đồng tư vấn ĐTCK/Phiếu cung cấp thông tin cho hoạt động tư vấn ĐTCK của nhà đầu tư trong giai đoạn tiền giao kết hợp đồng.
Phương án 2: Chỉ cần bổ sung vào quy định những nội dung cơ bản của hợp đồng tư vấn ĐTCK các nội dung: “mục tiêu của nhà đầu tư” mà không cần bổ sung nội dung “các thông tin liên quan đến hoạt động đầu tư” của nhà đầu tư. Với phương án này, pháp luật cần xác định Giấy đề nghị giao kết hợp đồng tư vấn ĐTCK/Phiếu cung cấp thông tin cho hoạt động tư vấn ĐTCK - một nội dung không thể tách rời của hợp đồng tư vấn ĐTCK.
Phương án này có ưu điểm là sử dụng các thông tin ghi nhận trong Giấy đề nghị giao kết hợp đồng tư vấn ĐTCK/Phiếu cung cấp thông tin cho hoạt động tư vấn ĐTCK để làm cơ sở đối chiếu và xác định tính đúng đắn, hợp lý trong các hành vi mà các bên thực hiện trong hoạt động tư vấn, nhất là hoạt động của CTCK. Hạn chế của phương án này là hợp đồng sẽ bao gồm hai phần Giấy đề nghị giao kết hợp đồng tư vấn ĐTCK/Phiếu cung cấp thông tin cho hoạt động tư vấn ĐTCK và hợp đồng với những nội dung đã được xác định trong khoản 1 Điều 56 Thông tư 210/2013/TT-BTC và bổ sung thêm nội dung “mục tiêu của nhà đầu tư”.
Chúng tôi ủng hộ phương án 2. Bởi lẽ việc thực hiện phương án này sẽ tránh cho nhà đầu tư việc phải xem xét lại các nội dung mà họ đã cung cấp trước đây cho CTCK, đồng thời ràng buộc được tính chính xác trong các thông tin khi nhà đầu tư cung cấp để CTCK xem xét khả năng giao kết hợp đồng.
2.3. Hạn chế trong quy định về nghĩa vụ và trách nhiệm của nhà đầu tư
Trong các nội dung quy định về hoạt động tư vấn ĐTCK, pháp luật có nhiều quy định về việc CTCK phải làm gì, không được làm gì, cấm làm gì, nhưng không thấy có quy định cụ thể nào về việc nhà đầu tư phải làm gì trong hoạt động tư vấn. Điều này có lẽ xuất phát từ quan điểm bảo vệ nhà đầu tư trong mối quan hệ với CTCK.
Theo chúng tôi, mặc dù quan điểm này là đúng và rất chính xác vì trong quan hệ tư vấn với CTCK thì nhà đầu tư nằm ở vị thế “yếu thế” nên cần được pháp luật bảo vệ thông qua cách quy định rất nhiều về các nghĩa vụ, trách nhiệm của CTCK nhằm bảo vệ nhà đầu tư. Tuy nhiên, không phải trong mối quan hệ tư vấn ĐTCK, nhà đầu tư không có nghĩa vụ hay trách nhiệm gì. Vì rõ ràng đây là mối quan hệ song vụ và những quyền, lợi ích của bên này sẽ xuất phát từ nghĩa vụ và trách nhiệm của phía bên còn lại. Hoặc ở góc độ khác, việc một bên trong quan hệ có hoàn thành được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình hay không đôi khi còn phụ thuộc vào việc thực hiện nghĩa vụ của bên còn lại.
Trong quan hệ tư vấn ĐTCK, nhà đầu tư cũng phải có nghĩa vụ cung cấp thông tin đầy đủ và chính xác cho CTCK để CTCK thực hiện tốt hoạt động tư vấn của mình nhằm thỏa mãn nhu cầu, mục tiêu của nhà đầu tư. Vì vậy, pháp luật cần ghi nhận rõ ràng nhà đầu tư phải tự chịu trách nhiệm nếu như những thông tin mà họ cung cấp cho CTCK là không chính xác dẫn đến các lời tư vấn, khuyến nghị của CTCK không đem lại hiệu quả và kỳ vọng đúng như mong muốn.
Trong nội dung này, có hai vấn đề đặt ra và cần giải quyết như sau:
Một là, vấn đề về tính tự chịu trách nhiệm của nhà đầu tư đối với các thông tin cung cấp cho CTCK.
Quy chế tổ chức và hoạt động CTCK ban hành kèm theo Quyết định số 27/2007/QĐ-BTC đã từng xác định rõ trong khoản 9 Điều 37 rằng: “Trong trường hợp khách hàng không cung cấp đầy đủ thông tin theo yêu cầu của CTCK theo quy định..., khách hàng phải chịu trách nhiệm về kết quả tư vấn không phù hợp của CTCK”. Nhưng Thông tư 210/2012/TT-BTC đã không có quy định trên, thể hiện tính lạc hậu hơn so với quy định cũ. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị cần đưa nội dung này vào các quy định về hoạt động tư vấn ĐTCK trong thông tư quy định về hoạt động của CTCK, nhằm đảm bảo xác định rõ trách nhiệm của nhà đầu tư.
Hai là, quy định về trách nhiệm cung cấp thông tin khi có những nội dung thay đổi so với thông tin ban đầu khi giao kết hợp đồng tư vấn ĐTCK.
Về nguyên tắc, nhà đầu tư phải cung cấp thông tin cho CTCK khi giao kết hợp đồng tư vấn nhằm xác định mục tiêu đầu tư để CTCK cung cấp dịch vụ tư vấn thỏa mãn các mục tiêu đặt ra. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện hợp đồng, một số nội dung thông tin mà nhà đầu tư cung cấp ban đầu không còn chính xác vì những lý do khách quan hoặc chủ quan như: thay đổi mục tiêu đầu tư, thay đổi nguồn tài chính… Những nội dung thay đổi này sẽ tác động không nhỏ đến hoạt động cung cấp dịch tư vấn của CTCK, đôi khi chúng làm phá vỡ những dự định, những chiến lược đầu tư mà CTCK đã dự định trước đó. Vì vậy, để đảm bảo quyền và lợi ích các bên, theo chúng tôi, nhà đầu tư có nghĩa vụ phải thông báo cho CTCK khi có những thay đổi cơ bản các thông tin so với thông tin ban đầu cung cấp khi giao kết hợp đồng tư vấn ĐTCK. Điều này sẽ đem lại lợi ích cho cả hai phía nhà đầu tư và CTCK.
Với hai nội dung trên, theo chúng tôi, nên có một quy định về nghĩa vụ và trách nhiệm của nhà đầu tư trong hoạt động tư vấn đầu tư chứng khoán.
2.4. Quy định về nghĩa vụ và trách nhiệm của CTCK khi thực hiện hoạt động tư vấn ĐTCK
Pháp luật chưa có những quy định về bằng chứng chứng minh việc thực hiện hoạt động cung cấp dịch vụ của CTCK, chưa có những quy định cụ thể về tài liệu xác định nội dung tư vấn mà CTCK đã hoặc sẽ cung cấp cho nhà đầu tư. Bởi vì trong hoạt động tư vấn ĐTCK, CTCK có nghĩa vụ cung cấp cho nhà đầu tư kết quả phân tích, công bố báo cáo phân tích và khuyến nghị liên quan đến chứng khoán. Để thực hiện hoạt động này, tùy thuộc vào sự thỏa thuận giữa các bên mà CTCK có thể cung cấp cho nhà đầu tư thông qua hoạt động tư vấn trực tiếp hoặc gián tiếp. Tuy nhiên, nội dung tư vấn như thế nào? Việc tư vấn có đạt được mục tiêu mong muốn của nhà đầu tư hay không? Đây là những vấn đề mà theo chúng tôi pháp luật cũng cần có những quy định cụ thể. Việc làm này có những ý nghĩa nhất định như: xác định rõ chất lượng và độ tin cậy của các nội dung tư vấn mà CTCK đã cung cấp cho nhà đầu tư để từ đó xác định là CTCK đã tư vấn chính xác hay chưa chính xác nhằm đáp ứng mục tiêu của nhà đầu tư; tài liệu này là những minh chứng để xác định rõ trách nhiệm của các bên trong hoạt động cung cấp dịch vụ tư vấn ĐTCK.
Mặt khác, pháp luật cần có những quy định cụ thể về xác định “nguồn tin cậy” của các thông tin tư vấn từ CTCK cho nhà đầu tư. Trong nội dung này, chúng ta có thể chia hoạt động tư vấn ĐTCK thành các trường hợp sau:
- Đối với tư vấn đầu tư trực tiếp: kết thúc một buổi tư vấn hoặc một nội dung tư vấn, giữa CTCK và nhà đầu tư cần có biên bản ghi nhận nội dung của buổi làm việc.
- Đối với tư vấn gián tiếp: giữa CTCK và nhà đầu tư cần có những bằng chứng chứng minh là đã thực hiện hoạt động tư vấn của mình và có những dấu hiệu để nhà đầu tư nhận biết được đó là các sản phẩm, các lời tư vấn do CTCK gửi cho họ. Ví dụ: Các ấn phẩm phân tích của CTCK cung cấp cho khách hàng phải có con dấu xác nhận hoặc có những dấu hiệu để nhận biết đó là ấn phẩm chính thức của CTCK. Hoặc trong trường hợp tư vấn bằng email thì CTCK phải gửi lời tư vấn từ một địa chỉ email mặc định của CTCK cho địa chỉ email của khách hàng.
Có thể cho rằng, quy định này sẽ là quá chi tiết và không cần thiết trong văn bản lập quy. Tuy nhiên, theo chúng tôi, quy định này sẽ là hữu ích trong trường hợp có phát sinh tranh chấp giữa CTCK và nhà đầu tư trong quá trình thực hiện hoạt động tư vấn ĐTCK. Ví dụ, hiện nay việc sử dụng hộp thư điện tử (email) khá phổ biến trong cuộc sống. Điều này cũng kéo theo hoạt động quảng cáo thông qua gửi thư điện tử (thư rác). Do vậy, nếu như CTCK và nhà đầu tư không xác định rõ địa chỉ mail chính thức mà CTCK sử dụng để gửi các báo cáo cho nhà đầu tư thì có thể các thư từ CTCK gửi đến bị nhận diện là thư rác, sẽ bị chặn lại. Lúc này, cả quyền và lợi ích của hai bên trong quan hệ đều bị vi phạm. Theo đó, CTCK đã thực hiện công việc nhưng không đem lại hiệu quả, đạt được những mục tiêu của nhà đầu tư. Ngược lại, nhà đầu tư cũng không nhận được những lời tư vấn như mong muốn.
Từ hai phân tích trên, chúng tôi cho rằng, pháp luật điều chỉnh về hoạt động tư vấn ĐTCK nên có một điều khoản quy định cụ thể về trách nhiệm của CTCK khi thực hiện hoạt động tư vấn ĐTCK. Cụ thể, bổ sung vào Điều 56 Thông tư 210/2012/TT-BTC nội dung: “CTCK phải cùng nhà đầu tư xác định các dấu hiệu để nhận biết chính xác các nội dung tư vấn mà CTCK cung cấp cho nhà đầu tư như: các ấn phẩm phân tích, các báo cáo phân tích, địa chỉ email chính thức cung cấp thông tin (trong trường hợp cung cấp qua internet). Khi kết thúc một nội dung tư vấn, CTCK cần lập biên bản ghi nhận nội dung tư vấn có sự xác nhận của nhà đầu tư. Biên bản này phải được lưu trữ trong bộ hồ sơ tư vấn của từng nhà đầu tư riêng biệt”./.

 


[1]Giáo trình Những vấn đề cơ bản về chứng khoán và thị trường chứng khoán, TS. Đào Lê Minh chủ biên, Nxb. Chính trị Quốc gia - HN 2002, trang 313.
[2] Giáo trình Luật Chứng khoán, Chủ biên TS. Phạm Thị Giang Thu, Trường Đại học Luật Hà Nội, Nxb. Công an nhân dân- HN 2008, trang 338.
[3] Khoản 11 Điều 202 Luật Tư vấn ĐTCK năm 1940 của Mỹ.
[4] Một số vấn đề về pháp luật chứng khoán và thị trường chứng khoán ở Việt Nam, TS. Phạm Thị Thu Giang, Nxb. Chính trị Quốc gia, HN 2004, trang 144; Giáo trình Luật chứng khoán, Chủ biên TS. Phạm Thị Giang Thu, Trường Đại học Luật Hà Nội, Nxb. Công an Nhân dân- HN 2008, trang 338.
[5] Khoản 3 Điều 56 Thông tư 210/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính ban hành ngày 30/12/2012 Hướng dẫn về thành lập CTCK.
[6] Khoản 4 Điều 56 Thông tư 210/2012/TT-BTC  
[7] Khoản 6 Điều 56 Thông tư 210/2012/TT-BTC  
[8] Theo khoản 1 Điều 37 Quy chế tổ chức và hoạt động CTCK ban hành kèm theo Quyết định 27/2007/QĐ-BTC thì: “Nội dung tư vấn đầu tư chứng khoán bao gồm:
a) Tư vấn chiến lược và kỹ thuật giao dịch;
b) Cung cấp kết quả phân tích chứng khoán và thị trường chứng khoán”.
[9] Theo khoản 2 Điều 56 Thông tư 210/2012/TT-BTC ban hành ngày 30/12/2012 Hướng dẫn về thành lập CTCK.
[10] Theo khoản 5 điều 56 Thông tư 210/2012/TT-BTC.
[11]Theo Điều 57 Thông tư 210/2012/TT-BTC.
[12] Xem thêm khoản 1 Điều 48 Thông tư 210/2013/TT-BTC.