Quyền hành pháp của Chính phủ theo Hiến pháp năm 2013

01/09/2014

1. Quá trình hiến định quyền hành pháp cho Chính phủ
1.1. Quan niệm về quyền hành pháp
Lịch sử tư tưởng nhà nước pháp quyền đã chỉ ra rằng, khi nói đến quyền hành pháp (executive power) là nói đến một trong ba loại quyền lực, bên cạnh quyền lập pháp (legislative power) và quyền tư pháp (judicial power)) của nhà nước ở trung ương. Hiện nay, đa số hiến pháp các quốc gia trên thế giới đều quy định quyền hành pháp được trao chủ yếu cho Chính phủ mà người đứng đầu phổ biến là Thủ tướng hoặc Tổng thống. Tuy nhiên, nội hàm của quyền hành pháp có sự đa dạng hóa trong quan niệm[1] cũng như trong thực tiễn tổ chức tại các quốc gia. Ở Việt Nam cũng tồn tại những quan niệm khác nhau về quyền hành pháp.
Thứ nhất,quyền hành pháp[2]là một trong ba quyền trong cơ cấu quyền lực nhà nước, bên cạnh quyền lập phápquyền tư pháp. Quyền hành pháp do các cơ quan hành chính nhà nước thực thi để đảm bảo hoàn thành chức năng và nhiệm vụ của mình. Quyền hành pháp bao gồm hai quyền: quyền lập quy và quyền hành chính. Quyền lập quy là quyền ban hành những văn bản pháp quy dưới luật, để cụ thể hoá luật pháp do các cơ quan lập pháp ban hành trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Quyền hành chính là quyền tổ chức quản lý tất cả các mặt, các quan hệ xã hội bằng cách sử dụng quyền lực nhà nước. Quyền hành chính bao gồm các quyền về tổ chức nhân sự trong cơ quan hành chính, quyền tổ chức thực thi và áp dụng pháp luật trong các mối quan hệ giữa tổ chức với cá nhân, tổ chức với tổ chức và giữa các cá nhân với nhau trong đời sống xã hội.
Thứ hai,hành pháp theo quan điểm hiện đại được hiểu theo hai nghĩa: một là tổ chức thi hành luật; hai là chủ động khởi thảo, hoạch định chính sách đối nội, đối ngoại và tổ chức thực thi các chính sách đó[3].
Thứ ba,quyền hành pháp[4] là một bộ phận tạo thành cơ cấu quyền lực nhà nước. Quyền hành pháp được hiểu một cách đơn giản nhất là quyền thi hành pháp luật. Trong cơ cấu quyền lực nhà nước, quyền hành pháp là một khái niệm chung dùng để chỉ một bộ phận quyền lực - quyền thi hành pháp luật, phản ánh mối quan hệ quyền lực giữa các bộ phận hợp thành của quyền lực nhà nước. Chủ thể chủ yếu của quyền hành pháp là Chính phủ (cơ quan hành pháp ở trung ương) với tính chất điển hình của cơ quan này là thực hiện hoạt động chấp hành và điều hành các hoạt động của đời sống xã hội. Ở Việt Nam, các chủ thể thực hiện quyền hành pháp không chỉ có Chính phủ, các cơ quan hành pháp ở trung ương, mà một số các cơ quan nhà nước ở địa phương cũng thực hiện quyền lực này.
Thứ tư,quyền hành pháp nói một cách phổ quát là quyền tổ chức bảo đảm, bảo vệ việc thực thi luật trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội[5].
Thứ năm, quyền hành pháp là quyền tổ chức thực hiện ý chí chung của quốc gia do Chính phủ đảm trách. Thuộc tính cơ bản, xuyên suốt mọi hoạt động của quyền này là quản lý nhà nước (hay cai trị) mà thực chất là tổ chức thực hiện pháp luật để bảo đảm an ninh, an toàn và phát triển xã hội. Không có một Chính phủ quản lý nhà nước hữu hiệu không thể có một nhà nước giàu có, phát triển ổn định cả về mặt kinh tế lẫn mặt xã hội. Thực hiện quyền này đòi hỏi Chính phủ và các thành viên của Chính phủ phải nhanh nhạy, quyết đoán kịp thời và quyền uy tập trung thống nhất[6]
J.Rousseau đã từng nói trong Khế ước xã hội[7] rằng, chính phủ được lập ra để thực hiện quyền hành pháp và ông cũng có những nhận xét chung rằng “quan lại càng đông Chính phủ càng yếu” hoặc “… người chấp pháp không nên có quyền lập pháp và dân chúng dầu muốn cũng không thể trao quyền lập pháp cho người chấp pháp”…, nhưng chính ông cũng khẳng định rằng, có nhiều hình thức chính phủ khác nhau và không có mô hình chính phủ chung giống nhau cho mọi nhà nước cũng như trong một quốc gia ở mọi thời điểm… có nghĩa rằng nội hàm quyền hành pháp và cung cách tổ chức quyền hành pháp được quy định trong Hiến pháp[8] sẽ đa dạng và không giống nhau ở các quốc gia.
Nhìn chung, theo chúng tôi, nội hàm quyền hành pháp được thể hiện trên ba phương diện cơ bản sau:
(i) tổ chức thi hành luật do ngành lập pháp thông qua;
(ii) hoạch định và thực thi chính sách quốc gia;
(iii) kiềm chế, đối trọng, cân bằng với quyền lập pháp và quyền tư pháp.
1.2. Quá trình hiến định quyền hành pháp cho Chính phủ
Quá trình hiến định chính thức quyền hành pháp trong hiến pháp nói chung để lại dấu ấn rõ nét nhất kể từ khi Hiến pháp 1992 được sửa đổi, bổ sung vào năm 2001. Sau đó, thuật ngữ quyền hành pháp được nêu cụ thể trong Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ X và lần thứ XI của Đảng, trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 và được bình luận rộng rãi trong nhiều văn bản góp ý, báo cáo giải trình, thông qua Hiến pháp và triển khai thi hành Hiến pháp hiện hành (Hiến pháp năm 2013).
Việc nêu cụ thể tên gọi quyền hành pháp trong hiến pháp Việt Nam có từ năm 2001, được quy định tại Điều 2, với tinh thần thừa nhận về nguyên tắc quyền lực nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Song từ đó cho đến trước khi sửa đổi Hiến pháp vào năm 2013, quyền hành pháp chưa được chính thức phân công cho chủ thể nào trong Hiến pháp và nội hàm của nó là gì cũng chưa được giải nghĩa một cách chính thức.
Về phương diện chính trị, Đảng ta đã thể hiện rõ nét và mạnh mẽ nhất từ khi Đại hội X năm 2006 và Đại hội XI năm 2011, nhưng cho đến Hội nghị Trung ương Đảng lần 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) quyền hành pháp mới được quyết định là do Chính phủ thực hiện[9].
Quán triệt tinh thần đó, quyền hành pháp được cụ thể hóa tại Điều 2 và Điều 94 Hiến pháp (năm 2013), theo đó quyền hành pháp chính thức được trao cho Chính phủ thực hiện.
Quá trình này kèm theo nhiều tranh luận khác nhau nhưng tâm điểm là nếu đã thừa nhận Chính phủ thực hiện quyền hành pháp thì không thể tiếp tục quy định trong Hiến pháp rằng Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội và nhiều ý kiến đề xuất nên lược bỏ quy định Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội vì những lý do sau[10]:
Thứ nhất, Chính phủ phải là Chính phủ hành pháp, Chính phủ hành pháp mới là Chính phủ mạnh. Việc coi Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội sẽ xem nhẹ vai trò của Chính phủ. Thay vào đó, cần tăng vai trò của Chính phủ, cùng với Thủ tướng là người lãnh đạo điều hành Chính phủ thực hiện quyền hành pháp và phải chịu trách nhiệm cá nhân trước Quốc hội[11].
Thứ hai, khi tính chuyên nghiệp của cơ quan đại diện được đặt ra, các đại biểu chuyên trách ngày một tăng thêm, cơ quan đại diện đều thành lập những thiết chế thường trực, hoạt động thường xuyên của mình, do đó tính chất chấp hành của cơ quan hành chính nhà nước về thực chất đã giảm, đặc biệt ở địa phương. Việc quy định Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội và là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước, trong chừng mực nào đó là không hợp lý. Vì Chính phủ đã là cơ quan hành chính cao nhất của nước, đương nhiên phải chấp hành, thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội. Chính phủ không phải là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của Quốc hội. Đặc biệt, khi quy định Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội, trên thực tế sẽ làm chậm trễ những hoạt động điều hành của Chính phủ, có những việc thuộc thẩm quyền của hành chính lại phải chờ xin ý kiến của Quốc hội[12].  
Thứ ba, việc không quy định Chính phủ là “cơ quan chấp hành của Quốc hội” nhằm tạo điều kiện để Chính phủ chủ động trong quản lý, điều hành nền hành chính quốc gia, mặt khác trong chức năng “hành pháp” và “hành chính” đã thể hiện rõ trách nhiệm của Chính phủ chấp hành Hiến pháp, luật do Quốc hội thông qua[13].
Tuy nhiên, trong quá trình tiếp thu và hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã khẳng định “Chính phủ phải chấp hành Quốc hội” với lý do:
i) Việc quy định Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội là phù hợp với nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, nhưng có sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.
ii) Quốc hội được xác định là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan duy nhất do cử tri cả nước bầu ra, là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân. Trong các bản Hiến pháp trước đây của Nhà nước ta đều quy định Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội và trên thực tế, quy định này không cản trở hoạt động của Chính phủ mà ngược lại làm cho Chính phủ thực hiện tốt hơn nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
iii) Mặt khác, trong Dự thảo sửa đổi Hiến phápđã khẳng định Chính phủ là cơ quan thực hiện quyền hành pháp nên việc quy định Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội không ảnh hưởng đến tính chủ động, sáng tạo của Chính phủ trong quản lý, điều hành[14].
Như vậy, cho đến ngày 28/11/2013, với tuyệt đại đa số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành (486/488, chiếm 97,59%), Quốc hội khóa XIII đã thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, trong đó quyền hành pháp của Chính phủ ở nước ta được Hiến pháp chính thức quy định trên cơ sở có tiếp thu, chọn lọc, cân nhắc, kế thừa hài hòa các yếu tố khách quan và chủ quan, lý luận và thực tiễn vận hành quyền lực nhà nước ở Việt Nam để tạo thành nội dung quyền hành pháp của Chính phủ mang màu sắc Việt Nam trong Hiến pháp nước ta.
2. Nội dung và phạm vi quyền hành pháp của Chính phủ trong Hiến pháp
2.1. Nội dung và phạm vi
Tổng thể những nhiệm vụ, quyền hạn được trao cho các bộ phận cấu thành Chính phủ để thể hiện vị trí tính chất của Chính phủ được xác định tại Điều 94, trong đó có thực hiện quyền hành pháp.
Về phương diện lý luận và thực tiễn tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước và hành chính nhà nước, không dễ chỉ ra với nhiệm vụ và quyền hạn nào thì để thực hiện quyền hành pháp, với nhiệm vụ quyền hạn nào thì để thể hiện là cơ quan chấp hành của Quốc hội… nhưng tổng thể, chúng là để hướng đến cùng nhau thực hiện quyền hành pháp của Chính phủ.
Trong Hiến pháp (năm 2013), Điều 96 quy định những nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ,   Điều 98 quy định những nhiệm vụ và quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ, Điều 99 quy định những nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Điều 100 quy định những quyền liên quan đến văn bản pháp luật: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành văn bản pháp luật để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, kiểm tra việc thi hành các văn bản đó và xử lý các văn bản trái pháp luật theo quy định của luật.
2.2. Một số nhận xét
Về nội dung quyền hành pháp, hai phương diện: (i) tổ chức thi hành luật do ngành lập pháp thông qua, (ii) hoạch định và thực thi chính sách quốc gia như nói trên là được thể hiện rõ nét, còn phương diện (iii) kiềm chế, đối trọng, cân bằng với quyền lập pháp và quyền tư pháp thì chưa được thể hiện, mà nội dung này được trao cho thiết chế Chủ tịch nước trong chương VI của Hiến pháp.
Phạm vi quyền hành pháp của Chính phủ trong khuôn khổ của Hiến pháp (theo các đầu việc được trao cho các bộ phận cấu thành Chính phủ) và được nối dài, nhưng trên nguyên tắc là chỉ theo quy định của luật (chứ không phải theo pháp luật), phần nối dài chúng ta sẽ quan sát trong các đạo luật do Quốc hội ban hành sau này và quyền hành pháp do Chính phủ thực hiện tác động trên địa bàn toàn quốc, với cả nền hành chính quốc gia.
 Ngoài ra, không phải tất cả các đầu việc được trao cho các bộ phận cấu thành Chính phủ đều là chỉ để thực hiện riêng quyền hành pháp mà chúng còn là sự thể hiện vị trí, tính chất cơ quan hành chính nhà nước cao nhất và cơ quan chấp hành của Quốc hội.
Nhìn chung, quyền hành pháp của Chính phủ trong Hiến pháp nước ta đã có sự có kế thừa, phát triển lịch sử lập hiến nước nhà và kinh nghiệm của các nước và đã có chắt lọc, hợp lý hóa ở mức độ nhất định trong khung cảnh Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, so với Hiến pháp năm 1992 trước đây, thì những điểm mới về chế định Chính phủ nói chung và quyền hành pháp của Chính phủ nói riêng được nhấn mạnh[15] như sau:
Về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ:Bổ sung thẩm quyền đề xuất, xây dựng chính sách trình Quốc hội, UBTVQH quyết định hoặc quyết định theo thẩm quyền để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan hành pháp quy định tại Điều 96 của Hiến pháp; phân định rõ thẩm quyền của Chính phủ trong việc tổ chức đàm phán, ký điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước theo ủy quyền của Chủ tịch nước; quyết định việc ký, gia nhập, phê duyệt hoặc chấm dứt hiệu lựcđiều ước quốc tế nhân danh Chính phủ, trừ điều ước quốc tế trình Quốc hội phê chuẩn quy định tại khoản 14 Điều 70 của Hiến pháp.
Về Thủ tướng Chính phủ: Hiến pháp sắp xếp, cơ cấu lại nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ bảo đảm tương thích với nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ; làm rõ hơn thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ trong việc định hướng, điều hành hoạt động của Chính phủ; lãnh đạo và chịu trách nhiệm về hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương, bảo đảm tính thống nhất và thông suốt của nền hành chính quốc gia; bổ sung thẩm quyền quyết định và chỉ đạo việc đàm phán, chỉ đạo việc ký, gia nhập điều ước quốc tế thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ; tổ chứcthực hiện điều ước quốc tế mà Cộng hoà XHCN Việt Nam là thành viên (Điều 98).
Về Bộ trưởng và các thành viên Chính phủ: Hiến pháp (năm 2013) làm rõ hơn mối quan hệ giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên khác của Chính phủ. Nhằm tăng cường trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Hiến pháp quy định các thành viên Chính phủ chịu trách nhiệm cá nhân trước Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và Quốc hội về ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách, cùng các thành viên khác của Chính phủ chịu trách nhiệm tập thể về hoạt động của Chính phủ (Điều 95). Hiến pháp bổ sung quy định “Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ báo cáo công tác trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; thực hiện chế độ báo cáo trước Nhân dân về những vấn đề quan trọng thuộc trách nhiệm quản lý” (khoản 2 Điều 99).
3. Cấu trúc tương thích của Chính phủ để thực hiện quyền hành pháp
Cấu trúc bộ máy của Chính phủ được thiết kế trên cơ sở địa vị pháp lý và tính chất của Chính phủ cũng như hệ thống những nhiệm vụ và quyền hạn được trao, do đó đề cập đến cấu trúc Chính phủ cần chú ý các khía cạnh sau:
Thứ nhất, xuất phát từ địa vị pháp lý ba trong một tại Điều 94 của Hiến pháp: Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của Nước Cộng hoà XHCN Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội.
Quy định trên có thể được hiểu như sau:
(i) về địa vị pháp lý: là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất. Nội dung này thể hiện mối quan hệ của Chính phủ với các cơ quan hành chính nhà nước khác, vì có nhiều cơ quan hành chính nhà nước trong bộ máy nhà nước nhưng Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất.
(ii) về công việc: thực hiện quyền hành pháp. Nội dung này thể hiện mối quan hệ với quyền lập pháp và quyền tư pháp, cụ thể hóa sự phân công thực hiện quyền lực nhà nước được ấn định tại Điều 2 của Hiến pháp.
(iii) về tính chất: cơ quan chấp hành Quốc hội thể hiện mối quan hệ với Quốc hội, để phù hợp với nguyên tắc tập quyền XHCN là dĩ bất biến trong tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước ở nước ta.
Thứ hai, các bộ phận cấu thành Chính phủ: Khoản 1 Điều 95 Hiến pháp viết:
1. Chính phủ gồm Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. 
Cơ cấu, số lượng thành viên Chính phủ do Quốc hội quyết định.
Chính phủ làm việc theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số. 
2. Thủ tướng Chính phủ là người đứng đầu Chính phủ, chịu trách nhiệm trước Quốc hội về hoạt động của Chính phủ và những nhiệm vụ được giao; báo cáo công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước Quốc hội, UBTVQH, Chủ tịch nước.
3. Phó Thủ tướng Chính phủ giúp Thủ tướng Chính phủ làm nhiệm vụ theo sự phân công của Thủ tướng Chính phủvà chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về nhiệm vụ được phân công. Khi Thủ tướng Chính phủ vắng mặt, một Phó Thủ tướng Chính phủ được Thủ tướng Chính phủủy nhiệm thay mặt Thủ tướng Chính phủlãnh đạo công tác của Chính phủ.
4. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chịu trách nhiệm cá nhân trước Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và Quốc hội về ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách, cùng các thành viên khác của Chính phủ chịu trách nhiệm tập thể về hoạt động của Chính phủ.
Và thời gian vận hành bộ máy Chính phủ là có hạn định: Nhiệm kỳ của Chính phủ theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Chính phủ tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khoá mới thành lập Chính phủ (Điều 97 Hiến pháp năm 2013). 
Nhìn chung, cấu trúc, nguyên tắc và nhiệm kỳ hoạt động của Chính phủ trong Hiến pháp (năm 2013) về cơ bản là kế thừa như trước đây và có một số điều chỉnh cho cụ thể hơn về trách nhiệm và mối quan hệ giữa các bộ phận cấu thành như đã nêu trên. Vấn đề chi tiết hóa bộ máy Chính phủ có lẽ sẽ được tiến hành trong quá trình sửa Luật tổ chức Chính phủ, nhưng cần lưu ý là “Khó khăn là ở cách xếp đặt toàn bộ những cái bên dưới Chính phủ; sắp xếp thế nào để nó không làm hỏng mất cấu trúc chung mà vẫn khẳng định được bản thân nó; làm thế nào cho Chính phủ luôn luôn phân biệt được lực lượng Chính phủ để bảo tồn Chính phủ với lực lượng công cộng nhằm bảo tồn quốc gia. Nói tóm lại, sắp xếp thế nào để luôn luôn có thể sẵn sàng hy sinh Chính phủ vì nhân dân chứ không phải hy sinh nhân dân vì Chính phủ ”.[16]
4. Kiểm soát quyền hành pháp của Chính phủ trong Hiến pháp
Trong nhà nước pháp quyền, ngành quyền lực nào cũng phải được kiểm soát, quyền hành pháp trong Hiến pháp nước ta cũng được kiểm soát theo phương thức riêng mà bắt đầu là từ nguyên tắc Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp đã được ấn định tại Điều 2 của Hiến pháp (năm 2013). Cụ thể hoá việc kiểm soát quyền hành pháp của Chính phủ trong Hiến pháp thể hiện trên hai phương diện sau:
- Thứ nhất, việc tự kiểm soát, thể hiện ở việc Chính phủ thống nhất quản lý nền hành chính quốc gia; thực hiện quản lý về cán bộ, công chức, viên chức và công vụ trong các cơ quan nhà nước; tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống quan liêu, tham nhũng trong bộ máy nhà nước; lãnh đạo công tác của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (Điều 96 khoản 5 Hiến pháp năm 2013); Đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ văn bản của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ (Điều 98 khoản 4); Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ báo cáo công tác trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; thực hiện chế độ báo cáo trước Nhân dân về những vấn đề quan trọng thuộc trách nhiệm quản lý (Điều 99 khoản 2); Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành văn bản pháp luật để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, kiểm tra việc thi hành các văn bản đó và xử lý các văn bản trái pháp luật theo quy định của luật (Điều 100); Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và người đứng đầu cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội được mời tham dự phiên họp của Chính phủ khi bàn các vấn đề có liên quan (Điều 101).
- Thứ hai, “bị” kiểm soát: thể hiện sự giám sát của Quốc hội và nguyên thủ quốc gia đối với quyền hành pháp của Chính phủ, cụ thể: Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác trước Quốc hội, UBTVQH, Chủ tịch nước (Điều 94); Thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội; xét báo cáo công tác của... Chính phủ (Điều 70 khoản 2, khoản 7)v.v.. ; Chủ tịch nước có quyền tham dự phiên họp của… Chính phủ. Chủ tịch nước có quyền yêu cầu Chính phủ họp bàn về vấn đề mà Chủ tịch nước xét thấy cần thiết để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước (Điều 90)…
Có thể nói, Hiến pháp (năm 2013) chủ yếu kế thừa các phương thức kiểm soát như trước đây, thể hiện được sự đa dạng các kênh khác nhau để kiểm soát hoạt động của Chính phủ nói chung và quyền hành pháp của Chính phủ nói riêng, do đó, các chủ thể kiểm soát và Chính phủ - đối tượng kiểm soát - phải chú ý để quyền hành pháp được vận hành đúng chuẩn mực… phát huy tác dụng sao cho không bị yếu thế hoặc lạm quyền.
5. Kiến nghị
Một là, tuyên truyền nội dung quyền hành pháp của Chính phủ trong Hiến pháp (năm 2013) cần được chú trọng với tính cách là một nội dung mới, lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến nước nhà trên các diễn đàn và tới mọi đối tượng trong toàn thể hệ thống chính trị và trong nhân dân.
Hai là, quán triệt nội dung và tinh thần quyền hành pháp mới của Chính phủ trong xây dựng pháp luật, đặc biệt chú ý tới các khía cạnh sau:
- Cần quán triệt những vấn đề có tính nguyên tắc trong Hiến pháp suốt quá trình sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ (Luật TCCP) như bản chất pháp lý, vị trí hiến định của Chính phủ theo tinh thần mới.
- Cụ thể hóa các nội dung chi tiết về cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn cơ bản trong Luật TCCP sửa đổi, đặc biệt chú ý đến các nội dung mới liên quan đến thực hiện quyền hành pháp của Chính phủ, sao cho các quyền hạn này được thể hiện rõ nét trong Luật.
- Chú ý sự tương thích trong nội dung về quyền hành pháp của Luật TCCP với các Luật tổ chức bộ máy khác như Luật tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Chính quyền địa phương… và Luật Giám sát của Quốc hội… khi sửa đổi bổ sung các luật trên trong thời gian tới.
- Các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành Luật TCCP như quy định các bộ phận hợp thành Chính phủ cũng cần chú ý hướng đến phục vụ Chính phủ thực hiện quyền hành pháp để quyền hành pháp không bị ‘lu mờ’ khi đến tay, trong các phần việc của các bộ phận hợp thành Chính phủ.
Ba là, hoàn thiện đội ngũ cán bộ, công chức của Chính phủ theo yêu cầu của quyền hành pháp.
Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức làm việc trong Chính phủ về chính sách công, kỹ năng tham mưu, hoạch định chính sách công để có thể thực hiện tốt vai trò của mình, góp phần cho Chính phủ thực hiện quyền hành pháp được rõ nét và chất lượng. Đẩy nhanh tiến độ các dự án hỗ trợ đào tạo cán bộ, công chức cấp vụ trở lên nhằm phục vụ cho công việc xây dựng và thực thi chính sách công, một nội dung quan trọng trong quyền hành pháp của Chính phủ ở nước ta hiện nay.
Bốn là, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện quyền hành pháp của Chính phủ trong tương lai.
Cho đến nay, nội dung quyền hành pháp của Chính phủ trong Hiến pháp vẫn còn có nhiều ý kiến khác nhau, sự vận hành của nó trong tương lai như thế nào còn là ẩn số… do đó, cần tiếp tục nghiên cứu về lý luận và thực tiễn quyền hành pháp tại Việt Nam để quyền hành pháp dần được hợp lý hóa trong Hiến pháp và được chấp nhận rộng rãi ở Việt Nam./.

[1] Thử dò tìm trên Internet: tiếng Việt: “quyền hành pháp” / About 961,000 results (0.27 seconds)/ https://www.google.com.vn/#q=%22quy%E1%BB%81n+h%C3%A0nh+ph%C3%A1p%22; tiếng Anh: “executive Power” /About 729,000 results (0.44 seconds)/ https://www.google.com.vn/#q=%22executive+power%22, truy cập ngày 7/4/2014.
[2] http://vi.wikipedia.org/wiki/Quy%E1%BB%81n_h%C3%A0nh_ph%C3%A1p, truy cập ngày: 12/02/2014
[3] Nguyễn Phước Thọ, Cao Anh Đô, Về quyền hành pháp của Chính phủ trong cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước, http://www.google.com.vn/url?sa=t&rct=j&q=&esrc=s&frm=1&source=web&cd=3&ved=0CDQQFjAC&url=http%3A%2F%2Fduthaoonline.quochoi.vn%2FDuThao%2FLists%2FDT_TAILIEU%2FAttachments%2F656%2FVe_quyen_Hanh_phap_cua_Chinh_phu_trong_co_che_phan_cong_phoi_hop_kiem_soat.22.12.doc&ei=U9L6Uq_-EcnriAe3uIGgCw&usg=AFQjCNEe7_70xkK9X8lkkPOfyTJJ5q-Lxw, truy cập ngày 12/02/2014
[4]http://www.google.com.vn/url?sa=t&rct=j&q=&esrc=s&frm=1&source=web&cd=4&ved=0CDwQFjAD&url=http%3A%2F%2Fdonga.edu.vn%2FLinkClick.aspx%3Ffileticket%3DqUpWbI6GtGY%253D%26tabid%3D856&ei=U9L6Uq_-EcnriAe3uIGgCw&usg=AFQjCNHuM1V-u4ApSEbQdPoHP736394SWQ, truy cập ngày 12/02/2014
[5] Đinh Văn Mậu, Tổ chức thực hiện quyền hành pháp trong cải cách hành chính nhà nước hiện nay, Tạp chí Nhà nước & Pháp luật, Số 7 (243), 2008.
[6] Trần Ngọc Đường, Tìm hiểu nguyên tắc “quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 139-140, tháng 01/2009 ngày 20/01/2009.
[7] Mông-téc-xki-ơ, Khế ước xã hội, Quyển thứ hai và Quyển thứ ba, bản dịch của Hoàng Thanh Đạm, Nxb Tổng hợp TP.HCM 1992
[8] Xem thêm: Trung tâm Thông tin, thư viện và nghiên cứu khoa học, Văn phòng Quốc hội, Tuyển tập Hiến pháp một số nước trên thế giới, Nxb Thống kê, Hà nội 2009, TS. Nguyễn Sĩ Dũng chủ biên.
[9] Tại Kết luận Hội nghị Trung ương Đảng lần 5Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), ngày 15/05/2012, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định “Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội, cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp” .
[10]Tại hội thảo "Chế định Chính phủ và chính quyền địa phương trong Hiến pháp" do Bộ Nội vụ cùng Văn phòng Chính phủ tổ chức sáng 8/3/2014, có nhiều quan điểm khác nhau, song tất cả đồng tình cần ưu tiên hàng đầu chế định "hành pháp" của Chính phủ và không đồng tình quy định Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội, http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/112025/chinh-phu-hanh-phap-moi-la-chinh-phu-manh.html, bài của Xuân Linh lược ghi, truy cập ngày 6/4/2014.
[11] Ý kiến của ông Phạm Đức Bảo, Đại học Luật Hà Nội tại hội thảo "Chế định Chính phủ và chính quyền địa phương trong Hiến pháp".
[12] Ý kiến của GS, TS Phạm Hồng Thái, Đại học Quốc gia Hà Nội, tại hội thảo "Chế định Chính phủ và chính quyền địa phương trong Hiến pháp".
 
[13] Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, ngày 22/10/2013
[14] Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, ngày 22/10/2013
19 Điều 10, Điều 12, Điều 41, Điều 44, Điều 61
[15] Những nội dung cơ bản của Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, mục 6.3. Về Chính phủ (Chương VII) do đồng chí Uông Chu Lưu trình bày trong Hội nghị phổ biến Hiến pháp năm 2013.
[16]Mông-téc-xki-ơ, Khế ước xã hội, Quyển thứ hai và Quyển thứ ba, Sđd