Những điểm nổi bật trong Dự thảo Luật Quy hoạch và các kiến nghị hoàn thiện

01/08/2017

Tóm tắt: Dự thảo Luật Quy hoạch được kỳ vọng ​​tạo ra một khung pháp lý cho việc lập kế hoạch hoạt động trong tất cả các lĩnh vực và thúc đẩy việc sử dụng các nguồn lực hiệu quả hơn. Bài viết phân tích những điểm nổi bật của Dự thảo Luật Quy hoạch và đề xuất kiến nghị hoàn thiện một số quy định của Dự thảo luật này.
Từ khoá: lập quy hoạch, lấy ý kiến, điều chỉnh quy hoạch.
Abstract: The Bill on Master Planning is expected to create a legal framework for planning activities among all of fiels and premote the using of resoures more effectively. This article is to analyse and comment on some issues regading planning activities in the Bill.
Keywords: planning, community consultation, planning amendment.
Untitled_397.jpg
Ảnh minh họa: nguồn internet
1. Những điểm nổi bật trong Dự thảo Luật
So với các bản Dự thảo Luật quy hoạch trước đây, bản Dự thảo Luật lần thứ 9 đã có những điều chỉnh, bổ sung với những điểm mới đáng ghi nhận sau:
Một là, Dự thảo Luật đã đưa ra các khái niệm rõ ràng về các loại quy hoạch, điều này giúp cho việc hiểu nội hàm của từng loại quy hoạch được rõ ràng và định hướng cho công tác lập, thẩm định, phê duyệt… quy hoạch được chính xác.
Hai là, các nguyên tắc cơ bản, quan trọng đã được quy định rõ tại Điều 4 Dự thảo Luật, trong đó có hai nguyên tắc hết sức quan trọng là: (i) bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa các loại quy hoạch; (ii) bảo đảm sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân trong hoạt động quy hoạch, đảm bảo hài hoà lợi ích của quốc gia và người dân, trong đó đã nhấn mạnh đến nguyên tắc bình đẳng giới trong hoạt động quy hoạch.
Ba là, đã có quy định tạo tiền đề cho việc huy động mọi nguồn lực trong xã hội, sức sáng tạo của nhân dân trong quá trình lập quy hoạch. Cụ thể, khoản 4 Điều 10 Dự thảo Luật quy định “Nhà nước ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia vào hoạt động quy hoạch”.
Bốn là, Dự thảo đã có những quy định về quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân đồng thời quy định về các hình thức lấy ý kiến đối với các nhóm chủ thể này. Quy định này góp phần tạo điều kiện thuận lợi để người dân nói chung tham gia vào quá trình quy hoạch cũng như phát huy vai trò giám sát của nhân dân.
Năm là, Dự thảo Luật đã quy định rõ quy hoạch của cấp tỉnh trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phải được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, cho ý kiến và ban hành nghị quyết (Điều 65 Dự thảo Luật). Quy định này là phù hợp cả về lý luận cũng như thực tiễn: (i) xác định đúng vai trò, quyền lực của Hội đồng nhân dân; (ii) tăng tính giám sát và phản biện trong quá trình lập quy hoạch.
Sáu là, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã được nâng cao. Theo đó, Điều 67 Dự thảo Luật đã có những quy định về quyền hạn của Mặt trận Tổ quốc trong quá trình lập quy hoạch là “chủ trì tổ chức giám sát và phản biện xã hội hoạt động quy hoạch… và tổ chức lấy ý kiến cộng đồng về quy hoạch… theo quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn”.
2. Một số kiến nghị hoàn thiện Dự thảo Luật Quy hoạch
Trên cơ sở nghiên cứu Dự thảo Luật Quy hoạch, chúng tôi đề xuất kiến nghị hoàn thiện Dự thảo Luật Quy hoạch như sau:
2.1 Đối với Điều 3, 4 Dự thảo Luật
Để thống nhất với quy định của các luật chuyên ngành khác, cần bổ sung cho Điều 3 Dự thảo Luật khái niệm về quy hoạch công trình ngầm. Bên cạnh đó, do đặc thù của loại quy hoạch này nên cần có một chương riêng quy định về trình tự lập quy hoạch, việc lấy ý kiến, cũng như nguyên tắc bồi thường thiệt hại cho người bị ảnh hưởng trong quá trình thực hiện xây dựng các loại công trình này.
Về Khoản 1 Điều 4 Dự thảo Luật quy định: “Hoạt động quy hoạch phải tuân theo quy định của Luật này, quy định của pháp luật khác có liên quan và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”, do đây là luật chung để điều chỉnh hoạt động lập, thẩm định, thực hiện các loại quy hoạch khác nhau nên có thể phát sinh trường hợp một số quy định của Luật Quy hoạch khác với quy định trong các luật khác có liên quan. Vì vậy, Điều 4 Dự thảo Luật cần quy định nguyên tắc lựa chọn áp dụng luật trong trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Luật Quy hoạch với các luật khác có liên quan cũng như các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Cụ thể, cần quy định nguyên tắc sau đây: “Nếu quy định của Luật Quy hoạch và quy định trong các văn bản pháp luật khác về việc lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, thực hiện, điều chỉnh, giám sát, đánh giá, kiểm tra, thanh tra quy hoạch; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động quy hoạch có sự khác nhau thì áp dụng quy định của Luật Quy hoạch; trường hợp các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác thì áp dụng theo quy định của các điều ước quốc tế đó”.
2.2 Đối với Điều 20 Dự thảo Luật
Thứ nhất, cần bổ sung, xác định rõ nội hàm từ “cá nhân” tại khoản 2 được lấy ý kiến ở đây là ai. Cá nhân là các nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch đang cần lấy ý kiến, hay cá nhân là tất cả các cá nhân không giới hạn có đang cư trú tại khu vực có quy hoạch hay không đều có quyền góp ý cho đồ án của quy hoạch? Bên cạnh đó, bổ sung hình thức lấy ý kiến đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân bằng việc tổ chức hội nghị, hội thảo, và bỏ hình thức này ở khoản 3.
Thứ hai, cần bổ sung xác định rõ nội hàm khái niệm “cộng đồng” tại khoản 3 sẽ được lấy ý kiến; điều chỉnh các hình thức được áp dụng để lấy ý kiến cộng đồng. Theo quy định của khoản 3, việc lấy ý kiến cộng đồng được thực hiện bằng hình thức đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan tổ chức lập quy hoạch, phát phiếu điều tra phỏng vấn, tổ chức hội nghị, hội thảo. Chúng tôi cho rằng, trong trường hợp này, hình thức lấy ý kiến đối với cộng đồng là không phù hợp. Bởi lẽ, đồ án quy hoạch và các tài liệu liên quan không phải là một tài liệu chứa đựng các kiến thức phổ thông, và sẽ không có nhiều “cộng đồng” có kiến thức và có thể hiểu được trọn vẹn các nội dung của đồ án quy hoạch. Hệ quả là cả việc lấy ý kiến và góp ý đều không đạt được mục đích và chất lượng như mong muốn. Bên cạnh đó, nếu việc lấy ý kiến không hiệu quả thì không thể đảm bảo được tính giám sát, phản biện của nhân dân trong quá trình lập quy hoạch, không phát huy được nguồn lực, trí tuệ từ nhân dân và đặc biệt là các quy hoạch có thể không phù hợp với thực tiễn tại khu vực được lập quy hoạch.
Vì những lý do trên, chúng tôi đề nghị khoản 3 bỏ hình thức lấy ý kiến cộng đồng thông qua hội nghị, hội thảo. Bên cạnh đó, để việc lấy ý kiến quy hoạch được hiệu quả, cần gửi các thuyết minh của đồ án quy hoạch đến người dân, bởi vì chỉ có hiểu được đồ án quy hoạch thì mới có thể có những góp ý phù hợp cả về lý luận và thực tiễn cho quy hoạch đang thực hiện.
Thứ ba, bổ sung quy định về việc các ý kiến góp ý nếu bằng văn bản thì phải được cơ quan có thẩm quyền trả lời bằng văn bản, đồng thời có sự gặp gỡ, đối thoại, giải trình, tiếp thu đối với những góp ý có nội dung không đồng ý hoặc bổ sung cho các nội dung của quy hoạch được lấy ý kiến vào khoản 4 Điều 20 Dự thảo Luật.
Thứ tư, bổ sung quy định về tỷ lệ ý kiến đồng thuận bắt buộc để các đồ án quy hoạch được thông qua. Với quy định này sẽ tăng chất lượng lấy ý kiến người dân trong quá trình lập quy hoạch, đồng thời quy định này có thể giúp nâng cao trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong việc lập quy hoạch, vì để quy hoạch được thông qua thì quy hoạch đó phải khả thi, khoa học và góp phần hạn chế được tình trạng cục bộ, lợi ích nhóm trong quá trình lập quy hoạch.
Thứ năm, bổ sung quy trình cho việc tổ chức thực hiện lấy ý kiến nhân dân trong quá trình lập quy hoạch cũng như trách nhiệm phản hồi thông tin đến người dân trong quá trình lập quy hoạch vào khoản 5. Việc quy định quy trình như vậy sẽ đảm bảo được quyền tự do tiếp cận thông tin hợp pháp của người dân, đảm bảo quyền giám sát và phản biện xã hội của nhân dân, đồng thời nâng cao trách nhiệm của các cơ quan hữu quan trong quá trình lập quy hoạch.
Thứ sáu, bổ sung quy định rõ, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến về quy hoạch sẽ thực hiện tất cả các hình thức được quy định tại Điều 20 hay chỉ thực hiện một hoặc một số hình thức.
Thứ bảy, chúng tôi cho rằng sẽ hợp lý hơn nếu nhập nội dung tại Điều 13 về Quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân trong việc tham gia ý kiến và giám sát hoạt động quy hoạch với Điều 20 về Lấy ý kiến về quy hoạch.
2.3 Về khoản 4 Điều 10 Dự thảo Luật
Khoản 4 Điều 10 Dự thảo Luật quy định: “Nhà nước ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia vào hoạt động quy hoạch”. Tuy nhiên, để quy định này thực sự đi vào đời sống và phát huy được tính dân chủ, sáng tạo của nhân dân trong việc lập quy hoạch, chúng tôi cho rằng, cần bổ sung quy định về việc xây dựng cơ chế khuyến khích và cho phép cộng đồng dân cư được tự lập quy hoạch cho khu vực mình đang sinh sống, trên cơ sở phù hợp với các loại quy hoạch được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố. Với cơ chế này sẽ khuyến khích được sự chủ động tham gia một cách tích cực, hiệu quả và trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong quá trình lập, thẩm định và thực hiện quy hoạch. Các nước Nhật Bản[1], Pháp[2], Hàn Quốc[3]… là những quốc gia đã rất thành công khi thực hiện quy hoạch với mô hình “bottom-up” này…
2.4 Về khoản 4 Điều 30 Dự thảo Luật
Khoản 4 Điều 30 Dự thảo Luật quy định: “Cơ quan tổ chức lập quy hoạch có trách nhiệm nghiên cứu, giải trình, tiếp thu ý kiến của Hội đồng thẩm định để chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ trình thẩm định quy hoạch và đồng thời gửi báo cáo giải trình tiếp thu kèm theo đến Hội đồng thẩm định”. Chúng tôi cho rằng, cần bổ sung quy định: báo cáo, thẩm định quy hoạch của Hội đồng thẩm định phải được công khai đầy đủ trên các phương tiện thông tin đại chúng, hoặc trên website của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để nhân dân giám sát trước khi trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trong một khoảng thời gian nhất định (ví dụ: ít nhất 30 ngày), trừ những nội dung thuộc bí mật quốc gia, quốc phòng, an ninh.
2.5 Đối với Điều 53 Dự thảo Luật
Điều 53 Dự thảo Luật quy định về trình tự, thủ tục và thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch. Thực tế cho thấy, trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch không tránh khỏi việc cần phải thay đổi một số nội dung để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội hiện tại, nên việc điều chỉnh quy hoạch sau khi đã được phê duyệt là điều cần thiết. Tuy nhiên, để hạn chế tình trạng“quy hoạch con” phá vỡ quy hoạch tổng thể hoặc không thực hiện đúng mục tiêu ban đầu của quy hoạch, chúng tôi kiến nghị bổ sung quy định về việc lấy ý kiến cũng như tham vấn các chuyên gia, cộng đồng dân cư nơi có quy hoạch trước khi thực hiện việc điều chỉnh.
Quy hoạch là một trong những công cụ hữu hiệu để giúp các cấp, các ngành cụ thể hoá các mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ, đảm bảo quốc phòng - an ninh và môi trường. Đồng thời, quy hoạch cũng là công cụ quan trọng để các cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo, điều hành và thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - chính trị - xã hội. Với vai trò quan trọng như vậy, việc xây dựng một khung pháp lý thống nhất điều chỉnh hoạt động quy hoạch là hết sức cần thiết và đáp ứng được yêu cầu về cả lý luận và thực tiễn. Tuy nhiên, để Dự thảo Luật quy hoạch sau khi được thông qua có tính khả thi cao thì cần xem xét điều chỉnh, bổ sung một số vấn đề còn nhiều ý kiến để Luật được hoàn chỉnh hơn, trong đó cần có quy định cụ thể hơn về việc lấy ý kiến quy hoạch cũng như tạo điều kiện để khuyến khích các tầng lớp nhân dân, các thành phần kinh tế tham gia vào quá trình lập, thẩm định và thực hiện cũng như giám sát quy hoạch./.

[1] Tâm An, Quy hoạch và quản lý đô thị: Bài học kinh nghiệm từ Nhật Bản, http://www.acvn.vn/quy-hoach-va-quan-ly-do-thi-bai-hoc-kinh-nghiem-tu-nhat-ban.html, truy cập 8-8-2017.
[2] Trung tâm dự báo và nghiên cứu đô thị, Xây dựng đô thị - Đối chiếu phương pháp và công cụ quy hoạch đô thị ở Việt Nam – Tổng hợp kinh nghiệm trong quá trình hợp tác giữa các địa phương của Pháp và Việt Nam. 2014.