Đánh giá một số điểm mới về thủ tục tranh tụng tại phiên tòa hình sự sơ thẩm

01/07/2017

Tóm tắt: Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS) năm 2015 đã thể hiện hợp lý, cụ thể hơn các quy định về thủ tục tranh tụng tại phiên tòa hình sự sơ thẩm. Tuy nhiên, vẫn còn có ý kiến khác nhau về các quy định này. Bài viết phân tích, đánh giá những quy định đó.
Từ khóa: tranh tụng, phiên tòa hình sự sơ thẩm.
Abstract: The Criminal Procedure Code of  2015 provides a more concise and detailed provisions of the procedural rules at the first instance criminal court. However, there are still controversial viewpoints on those provisions and this article provides the analysis and assessments of those ones.
Keywords: Litigation, criminal trial of first instance.
Untitled_415.jpg
Ảnh minh họa: nguồn internet
1. Thủ tục xét hỏi tại phiên tòa hình sự sơ thẩm
1.1 Thủ tục công bố cáo trạng
Điều 306 Bộ luật TTHS năm 2015 quy định “Trước khi tiến hành xét hỏi, kiểm sát viên công bố bản cáo trạng và trình bày ý kiến bổ sung (nếu có). Ý kiến bổ sung không được làm xấu đi tình trạng của bị cáo”. So với Bộ luật TTHS năm 2003, Điều luật này bổ sung quy định mới là kiểm sát viên trình bày ý kiến bổ sung cáo trạng không được làm xấu đi tình trạng của bị cáo. Quy định này nhằm mục đích bảo đảm quyền của người bị buộc tội. Tuy nhiên, cách thể hiện của Điều luật không nêu rõ việc bổ sung của kiểm sát viên chỉ để làm rõ, giải thích cáo trạng hay bao gồm cả những tình tiết, chứng cứ và các vấn đề khác của vụ án. Đó là những vấn đề gì? Mặt khác, quy định này lại chưa đề cập đến lời buộc tội của kiểm sát viên. Kiểm sát viên trình bày lời buộc tội là cơ sở để bị cáo, người bào chữa, người đại diện hợp pháp của bị cáo đưa ra lập luận về nội dung buộc tội, có nhận tội hay không, nhận tội đến đâu, vì sao, trước khi bước vào phiên tranh tụng.
Chúng tôi cho rằng, để bảo đảm quyền chứng minh, quyền nhận tội hay không của bị cáo, không những phải quy định kiểm sát viên trình bày lời buộc tội thông qua bản cáo trạng, mà còn phải quy định thủ tục chủ tọa phiên tòa hỏi bị cáo về việc có nhận tội hay không trước khi bước vào xét hỏi[1].
1.2 Trình tự xét hỏi
Điều 307 Bộ luật TTHS năm 2015 bổ sung trách nhiệm của chủ tọa phiên tòa về điều hành xét hỏi, quyết định người hỏi trước, hỏi sau theo thứ tự hợp lý. Quy định này được đánh giá là phù hợp với từng vụ án và diễn biến cụ thể tại các phiên tòa xét xử, bảo đảm cho hoạt động tranh tụng được thực hiện ngay trong phần xét hỏi tại phiên tòa[2]. Tuy nhiên, quy định này đã làm tăng vai trò của chủ tọa phiên tòa, ít nhiều làm lu mờ vai trò của kiểm sát viên với tư cách là chủ thể buộc tội tại phiên tòa. Điều này chưa phù hợp với chủ trương cải cách tư pháp, tăng tính tranh tụng và bảo đảm nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa. Bên cạnh đó, nó có thể làm lẫn lộn các chức năng tố tụng. Chúng tôi cho rằng, chủ tọa phiên tòa nên tập trung vào nhiệm vụ dẫn dắt phiên tranh tụng, chỉ nên hỏi bổ sung và sau cùng, nếu thấy cần thiết. Nếu hội đồng xét xử và chủ tọa phiên tòa đảm trách việc hỏi, công bố lời khai, vật chứng, tài liệu để buộc tội thì vô hình trung, Tòa án đã đứng về phía cơ quan buộc tội. Cách làm này của hội đồng xét xử sẽ không tránh được định kiến là buộc tội và thiên vị (hỏi để buộc tội), cũng như sẽ gây bất lợi cho bị cáo và làm cho phiên tranh tụng thiếu tính khánh quan, công bằng. Trong phiên tòa, trách nhiệm xét hỏi chính thuộc về kiểm sát viên - người giữ vai trò buộc tội.  
Có thể nói rằng, ở giai đoạn tranh tụng, thủ tục xét hỏi và tranh luận đóng vai trò quan trọng nhất. Bởi lẽ, quá trình chứng minh làm rõ sự thật khách quan của vụ án phụ thuộc rất lớn vào phần xét hỏi.
Đổi mới thủ tục xét xử và đổi mới phiên tòa theo hướng tăng cường yếu tố tranh tụng là mục tiêu lớn của quá trình cải cách tư pháp ở nước ta, nhưng quy định này của Bộ luật TTHS năm 2015 vẫn chưa tạo ra được sự chuyển biến căn bản về hoạt động tranh tụng.     
1.3 Thủ tục công bố lời khai trong giai đoạn điều tra, truy tố
Điều 308 Bộ luật TTHS năm 2015 bổ sung thêm các trường hợp công bố lời khai tại phiên tòa hình sự sơ thẩm. Đó là, khi người được xét hỏi không nhớ những lời khai của mình trong giai đoạn điều tra, truy tố; khi người được xét hỏi đề nghị công bố lời khai của họ trong giai đoạn điều tra, truy tố và quy định không được công bố các tài liệu trong hồ sơ vụ án có liên quan đến bí mật nhà nước, giữ gìn thuần phong mỹ tục, bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật đời tư v.v.. Đây là những điểm bổ sung hợp lý để mở rộng quyền chứng minh cho bị cáo và người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa. Tuy nhiên, điều luật này vẫn chưa quy định trường hợp phải công bố lời khai khi bị cáo chối tội, không thừa nhận hành vi nào đó xuyên suốt quá trình điều tra cho đến tại phiên tòa và khi cần phải đối chất, chứ không chỉ đơn thuần là có lời khai mâu thuẫn. Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 308 vẫn quy định thẩm quyền của hội đồng xét xử được công bố lời khai trong giai đoạn điều tra, truy tố là chưa hợp lý. Bởi lẽ, hội đồng xét xử chủ động công bố lời khai sẽ không tránh khỏi được định kiến buộc tội, cũng như sự phàn nàn của người tham gia phiên tòa về tính khách quan của hoạt động tranh tụng.    
1.4 Phạm vi xét hỏi
Điều 309, Điều 310 và Điều 311 Bộ luật TTHS năm 2015 quy định thủ tục xét hỏi đối với bị cáo, bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc người đại diện của họ, và người làm chứng. Điểm mới trong các quy định này là việc mở rộng phạm vi xét hỏi của kiểm sát viên và người bào chữa. Theo đó, kiểm sát viên hỏi bị cáo về những chứng cứ, tài liệu, đồ vật và các tình tiết khác của vụ án; người bào chữa không những được hỏi về các tình tiết liên quan đến việc bào chữa, mà còn được hỏi về các tình tiết khác của vụ án. Quy định này nhằm định hướng mục đích cho hoạt động xét hỏi của kiểm sát viên và người bào chữa, tránh kéo dài, lan man. Tuy nhiên, việc mở rộng phạm vi xét hỏi như vậy sẽ gây khó khăn cho kiểm sát viên và người bào chữa trong xác định phạm vi xét hỏi vì không thể phân biệt rõ ràng được chứng cứ, tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan hoặc không liên quan đến buộc tội và bào chữa.
1.5 Quyền đặt câu hỏi của bị cáo và người tham gia tố tụng khác
Để mở rộng quyền của bị cáo trong thủ tục xét hỏi, Điều 309, Điều 310 và Điều 311 Bộ luật TTHS năm 2015 quy định quyền trực tiếp xét hỏi của bị cáo. Theo đó, bị cáo có quyền hỏi bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc người đại diện hợp pháp của họ, và cả người làm chứng - nếu được chủ tọa phiên tòa đồng ý. Bị cáo có quyền đặt câu hỏi trực tiếp với người tham gia tố tụng khác về các vấn đề có liên quan đến bị cáo, mà không phải truyền đạt câu hỏi của mình cho chủ tọa phiên tòa như trước đây[3]. Tuy nhiên, quyền đặt câu hỏi của bị cáo vẫn bị phụ thuộc vào việc đề nghị của bị cáo có được chủ tọa phiên tòa đồng ý hay không. Chúng tôi cho rằng, chỉ nên giới hạn là chủ tọa phiên tòa cắt những câu hỏi của bị cáo không liên quan đến vụ án hoặc câu hỏi trùng lặp, vòng vo. Mặt khác, quy định nêu trên của Bộ luật TTHS năm 2015 vẫn chưa mở rộng quyền đặt câu hỏi trực tiếp của những người tham gia tố tụng khác là bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc người đại diện của họ. Đây là điểm hạn chế cần phải được khắc phục để bảo đảm quyền chứng minh cho người tham gia tố tụng tại phiên tòa hình sự sơ thẩm.
1.6 Thủ tục nghe, xem nội dung được ghi âm, ghi hình có âm thanh và thủ tục điều tra viên, kiểm sát viên và người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng khác trình bày ý kiến
Điều 313 và Điều 317 Bộ luật TTHS năm 2015 quy định về thủ tục nghe, xem nội dung được ghi âm, ghi hình có âm thanh và thủ tục điều tra viên, kiểm sát viên và người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng khác trình bày ý kiến. Thực tế xét xử cho thấy, hoạt động xét hỏi tại phiên tòa hình sự sơ thẩm có sự kết hợp với việc nghe, xem băng ghi âm, ghi hình xảy nhưng chưa được pháp luật tố tụng hình sự ghi nhận. Vì vậy, việc bổ sung những quy định này sẽ làm tăng tính tranh tụng tại phiên tòa. Bên cạnh đó, quy định thủ tục điều tra viên, kiểm sát viên hoặc người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng khác trình bày ý kiến trước phiên tòa sẽ giúp cho việc giải thích rõ ràng những quyết định, hành vi tố tụng trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử; đặc biệt là trường hợp bị cáo không nhận tội, không thừa nhận hành vi phạm tội nào đó, hoặc thay đổi lời khai vì cho rằng, trong quá trình điều tra, bị cáo bị ép cung, mớm cung.  
2. Thủ tục tranh luận tại phiên tòa hình sự sơ thẩm
2.1 Bản luận tội của kiểm sát viên
Điều 321 Bộ luật TTHS năm 2015 bổ sung một số yêu cầu đối với bản luận tội, trong đó đáng chú ý là yêu cầu trong bản luận tội phải “đề nghị mức hình phạt chính, hình phạt bổ sung, các biện pháp tư pháp, trách nhiệm bồi thường thiệt hại, xử lý vật chứng”. Chúng tôi cho rằng, quy định này chưa hợp lý. Bởi lẽ, luận tội được trình bày sau khi kết thúc việc xét hỏi, mở đầu cho một phiên tranh luận. Trong khi việc tranh luận chưa xảy ra, các bên chưa đưa ra ý kiến lập luận để làm sáng tỏ các tình tiết, chứng cứ còn mâu thuẫn, thì kiểm sát viên đã đề xuất chi tiết về mức án, trách nhiệm dân sự. Điều này vô hình trung sẽ gây áp lực cho bị cáo và người bào chữa. Vì vậy, sẽ hợp lý hơn khi kiểm sát viên chỉ đưa ra lập luận, kết luận về tội danh và khung hình phạt đối với bị cáo, còn mức án và trách nhiệm bồi thường thiệt hại nên để cho hội đồng xét xử kết luận khi tuyên án; hoặc, sau khi các bên đã tranh luận xong, kiểm sát viên đưa ra lời đề nghị cụ thể về hình phạt, trách nhiệm bồi thường thiệt hại và các vấn đề khác (nếu thấy cần thiết) trước khi hội đồng xét xử vào phòng nghị án.  
2.2 Thủ tục đối đáp
Điều 322 Bộ luật TTHS năm 2015 bỏ quy định bị cáo, người bào chữa ...“trình bày ý kiến về luận tội”, thay vào đó, họ được trình bày ý kiến liên quan đến vụ án, kết hợp với đưa ra chứng cứ, tài liệu và những lập luận của mình để đối đáp lại quan điểm buộc tội của kiểm sát viên v.v.. Như vậy, việc đưa ra ý kiến của bị cáo và người bào chữa không còn bị bó hẹp như trước đây, đồng thời thông qua việc đối đáp, bị cáo, người bào chữa, người tham gia tố tụng khác có quyền đưa ra đề nghị của mình.
Bên cạnh đó, Điều 322 bổ sung quy định về trách nhiệm của kiểm sát viên khi đối đáp phải đưa ra những chứng cứ, tài liệu và những lập luận của mình và phải đối đáp đến cùng với từng ý kiến của bị cáo, người bào chữa và người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa. Đồng thời, chủ tọa phiên tòa có quyền yêu cầu kiểm sát viên phải đáp lại những ý kiến của người bào chữa, người tham gia tố tụng khác mà những ý kiến đó chưa được kiểm sát viên tranh luận. Những điểm mới này có giá trị tích cực, tạo ra sự bình đẳng, dân chủ trong hoạt động tranh tụng.
2.3 Thủ tục trở lại việc hỏi
Điều 323 Bộ luật TTHS năm 2015 bổ sung quy định, trường hợp hội đồng xét xử “phải” quyết định trở lại việc xét hỏi nếu còn tình tiết vụ án chưa được hỏi, chưa được làm sáng tỏ. Quy định này nhằm mục đích ràng buộc trách nhiệm của hội đồng xét xử trong việc làm rõ chứng cứ, tình tiết vụ án trong phần xét hỏi./.
 

[1] Quy định về thủ tục nhận tội của bị cáo trước và trong khi thẩm vấn tại phiên tòa hình sự sơ thẩm được nhiều nước trên thế giới đặt ra như Mỹ, Nhật và nhiều nước ở châu Âu theo hệ tố tụng tranh tụng.
[2] Nguyễn Hòa Bình (chủ biên), Những nội dung mới trong Bộ luật TTHS năm 2015, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2016, tr. 320.
[3] Điểm mới khác là, người làm chứng có thể được Tòa án hỏi thông qua mạng máy tính, mạng viễn thông (khoản 5 Điều 311 Bộ luật TTHS năm 2015). Thủ tục này phù hợp và thuận lợi cho cả người làm chứng và Tòa án.