Dịch vụ công với việc đảm bảo quyền con người

01/11/2012

1. Vai trò của dịch vụ công với việc đảm bảo quyền con người
Ở nước ta, khái niệm dịch vụ công (DVC) lần đầu tiên được Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành trung ương khoá VIII (1999) chính thức ghi nhận, và từ đó, giới học thuật bàn luận nhiều đến khái niệm DVC. Mặc dù còn những điểm chưa đồng nhất, nhưng về cơ bản, họ cũng đều thống nhất cho rằng “DVC là những hoạt động của các tổ chức nhà nước hoặc của các doanh nghiệp, tổ chức xã hội, tư nhân được Nhà nước uỷ quyền để thực hiện nhiệm vụ do pháp luật quy định, phục vụ trực tiếp nhu cầu thiết yếu chung của cộng đồng, công dân, theo nguyên tắc không vụ lợi, đảm bảo sự công bằng và ổn định xã hội”[1].
Giữa dịch vụ công (DVC) và quyền con người (QCN) có một sự gắn kết, liên hệ chặt chẽ. Việc cung ứng DVC là một trong những cách thức, biện pháp để thực hiện QCN. DVC còn là phương thức để đảm bảo QCN, đồng thời cũng là thước đo trực tiếp về đảm bảo QCN trong xã hội vì những lý do sau đây:
Thứ nhất, DVC là hoạt động phục vụ nhu cầu thiết yếu của toàn xã hội mà “QCN được hiểu là nhu cầu thiết yếu, chính đáng và phổ biến của con người, được xã hội thừa nhận và pháp luật ghi nhận”[2]. Như vậy, cung ứng DVC chính là đáp ứng QCN của người dân. Theo một cách tiếp cận khác về QCN, “nhân quyền là những nguyên tắc bẩm sinh, vốn có của con người mà nếu không được hưởng thì chúng ta sẽ không thể sống như một con người”[3]. Còn theo Ayn Rand trong tác phẩm “Atlas Shrugged”, quyền là điều kiện mà bản chất con người đòi hỏi để có thể tồn tại một cách thích đáng. Liệu con người có thể tồn tại khi bệnh tật không được chăm sóc, không có điện, nước sạch, không có môi trường trong lành để thở, không được học hành, đi lại… DVC cung cấp những điều kiện đó để con người được sống như một con người.
Thứ hai, nguyên tắc hoạt động của DVC là bình đẳng và không mang tính lợi nhuận. Đây chính là điểm khác biệt so với các dịch vụ xã hội khác. Những hoạt động dịch vụ vì mục tiêu lợi nhuận thì chỉ là dịch vụ thông thường. Người có nhiều tiền thì được hưởng nhiều dịch vụ với chất lượng tốt hơn. Còn nếu không có tiền thì không được hưởng dịch vụ. Như vậy, các dịch vụ thông thường thoả mãn nhu cầu của con người căn cứ vào năng lực tài chính của anh ta. Có nghĩa là, có sự bất bình đẳng trong việc hưởng quyền. Trái lại, DVC hoạt động theo nguyên tắc bình đẳng, không vì mục tiêu lợi nhuận. DVC phục vụ yêu cầu của tất cả các công dân, không phân biệt giai cấp, địa vị xã hội, mang tính nhân dân rộng rãi. Mọi người dân (bất kể đóng thuế nhiều hay ít hoặc không đóng thuế) vẫn có quyền ngang nhau trong việc tiếp cận các DVC với tư cách là đối tượng phục vụ của chính quyền. Lượng dịch cụ công cộng mà mỗi người tiêu dùng không phụ thuộc vào mức thuế mà người đó đóng góp. Ví dụ, Nhà nước làm sạch không khí sẽ đem lại lợi ích cho tất cả mọi người, bất chấp họ có trả tiền cho việc hưởng dụng chúng hay không. Trong một số trường hợp, bên sử dụng phải đóng lệ phí nhưng giá trị của dịch vụ được thụ hưởng thường lớn hơn nhiều so với chi phí mà bên thụ hưởng phải bỏ ra. Như vậy, DVC cũng đảm bảo nguyên tắc bình đẳng, ngang nhau trong việc thực hiện QCN.
Thứ ba, cung cách, thái độ phục vụ của những người làm nhiệm vụ cung ứng DVC đối với những người thụ hưởng DVC cũng là tiêu thức trong việc đảm bảo QCN. Nếu những người làm nhiệm vụ cung ứng có thái độ thờ ơ, lạnh nhạt, thiếu tôn trọng đối với “khách hàng” thì không thể nói DVC đảm bảo QCN dù chất lượng của dịch vụ đó có tốt đến đâu. Bởi vì là một con người, họ cũng cần được người khác tôn trọng, đó là một nhu cầu thiết yếu, chính đáng và là một quyền. Cách ứng xử lịch thiệp và đồng cảm với khách hàng; tin cậy và sẵn sàng trong phục vụ của người cung ứng DVC chính là tiêu chí để đảm bảo QCN của người thụ hưởng dịch vụ. Sự sẵn sàng là việc chuẩn bị một cách chủ động những gì cần thiết để đáp ứng yêu cầu của dân khi giao tiếp, trao đổi giải quyết công việc. Sự cư xử thân thiện kích thích tinh thần của người dân nhằm tạo mối quan hệ gần gũi với người dân. Sự đồng cảm là việc tìm kiếm những giải pháp hợp lý trong những tình huống khó xử. Nếu làm được điều này sẽ tạo cho người dân cảm giác mình được tôn trọng chứ DVC không phải là sự ban phát, gia ơn của nhà nước đối với họ.
Thứ tư, việc tạo điều kiện cho người dân được phản hồi về chất lượng cung ứng DVC cũng là cách thức đảm bảo QCN. Với tư cách là một “khách hàng”, họ có quyền bày tỏ sự hài lòng hay không hài lòng về chất lượng dịch vụ, cung cách, thái độ của người phục vụ với mong muốn DVC ngày càng đáp ứng nhiều hơn, tốt hơn nhu cầu của họ. Điều quan trọng hơn để thực hiện QCN trong cung ứng DVC là những ý kiến của người dân về DVC, những mong đợi của họ có được xem xét, phản hồi và đảm bảo trong thực tế cung ứng DVC những lần tiếp theo hay không.
2. Dịch vụ công với việc đảm bảo quyền con người ở Việt Nam hiện nay
Với nỗ lực “Nhà nước không ngừng nâng cao mức bảo đảm các DVC cộng thiết yếu cho nhân dân”[4], hoạt động cung ứng DVC ở nước ta trong thời gian qua đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện QCN của người dân.
Số lượng và chất lượng cung ứng DVC ngày càng tăng lên, đảm bảo ngày càng tốt hơn những nhu cầu thiết yếu của nhân dân. Người dân được thụ hưởng ngày càng tốt hơn quyền được chăm sóc sức khỏe. Các hoạt động y tế dự phòng và các chương trình, chính sách có tính chất chiến lược như: tiêm chủng cho trẻ em, hỗ trợ bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi... được đẩy mạnh và có hiệu quả. Tỷ lệ tử vong ở trẻ em từ dưới 5 tuổi giảm từ 5,8% năm 1990 xuống còn 2,59% năm 2007, dưới 01 tuổi từ 3,1% năm 2001 xuống còn 1,6% năm 2007; tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em chỉ còn 21,2%; tỷ lệ tử vong ở phụ nữ sau sinh giảm từ 233/100.000 trẻ đẻ sống (1990) xuống 75/100.000 trẻ. Trong những năm qua, mạng lưới y tế, đặc biệt là y tế cơ sở được củng cố và phát triển. Hầu hết các xã, phường trong cả nước đã có trạm y tế, trong đó có trên 65% số trạm có bác sĩ. Đặc biệt là đã ngăn chặn có hiệu quả và khắc phục nhanh một số dịch bệnh mới như SARS, cúm gia cầm; đẩy mạnh phòng chống HIV/AIDS trên cơ sở chú trọng bảo đảm QCN của những người có HIV/AIDS, coi đây là biện pháp hữu hiệu của công tác phòng chống căn bệnh thế kỷ này. Thành tựu trong việc tôn trọng và bảo đảm quyền được chăm sóc sức khoẻ của mọi người dân được thể hiện rõ nhất là: tuổi thọ trung bình của người Việt Nam được nâng từ 67,8 tuổi năm 2000 lên 71,5 tuổi năm 2005. Trong 20 năm qua, giáo dục và đào tạo tiếp tục được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đầu tư cho phát triển. Riêng năm 2005, chi cho giáo dục đạt 18% tổng chi ngân sách, số học sinh đi học bậc tiểu học đạt 97,5%; có 31 tỉnh, thành phố hoàn thành phổ cập trung học cơ sở; số học sinh trung học chuyên nghiệp tăng 15,1%/năm; dạy nghề dài hạn tăng 12%/năm; sinh viên đại học và cao đẳng tăng 8,4%/năm. Qua đó quyền được học tập của người dân cũng được đảm bảo tốt hơn.
Thời kỳ đổi mới cũng là thời kỳ Việt Nam quan tâm chú trọng đến quyền được sống trong môi trường trong sạch - một trong những quyền phát triển quan trọng của con người. Trong những năm qua, công tác bảo vệ môi trường được quan tâm và đạt được những kết quả bước đầu. Hoạt động điều tra cơ bản về môi trường được duy trì, việc ngăn ngừa và khắc phục ô nhiễm môi trường có tiến bộ; đã ban hành được một số chính sách về bảo vệ môi trường. Việc cung ứng nước sạch, điện cho người dân cũng được cải thiện. Mạng lưới điện quốc gia đã đến được những vùng sâu, vùng xa của đất nước. Đa số người dân nông thôn đã được hưởng nguồn nước sạch.
Về dịch vụ hành chính công, những thủ tục rườm rà trong việc cấp giấy phép kinh doanh, hộ tịch, giấy khai sinh, quyền sở hữu… đã được giảm bớt, tạo sự thuận tiện cho người dân. Họ dễ dàng hơn và mất ít thời gian hơn trong việc thực hiện quyền của mình.
Về cung cách, thái độ phục vụ của người dân cũng được cải thiện nhiều. Với việc đề cao đạo đức tận tuỵ phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức và những người làm DVC, sự cửa quyền, hách dịch, thờ ơ của người cung ứng dịch vụ khi giao dịch với người thụ hưởng cũng giảm nhiều. Chúng ta cũng đã có cơ chế tạo điều kiện cho người dân được góp ý kiến, phản hồi về chất lượng DVC.
Những thành tựu trong cung ứng DVC đã đảm bảo tốt hơn các quyền kinh tế, xã hội, văn hoá của người dân. Nhờ đó mà chỉ số phát triển con người Việt Nam luôn cao hơn so với những nước có cùng tiềm lực kinh tế. Năm 2003, chỉ số phát triển con người Việt Nam là 0,704, xếp thứ 108/177 quốc gia, xấp xỉ mức các nước có thu nhập trung bình (0,774).
Tuy nhiên, việc cung ứng DVC ở nước ta cũng chưa thực sự đáp ứng hết được nhu cầu của người dân. Nguồn lực vật chất để nhà nước trực tiếp cung cấp các DVC rất hạn hẹp, đó là ngân sách, trong khi nhu cầu của xã hội không ngừng tăng lên. Chúng ta chỉ huy động chưa đến 20% GDP cho ngân sách nhà nước. So với cả tỷ lệ phần trăm và số tuyệt đối dành cho khu vực DVC ở nước ta thua xa các nước. Do đó, để có thêm nguồn lực cho hoạt động cung ứng DVC thì phải tiến hành xã hội hoá DVC, nhưng “việc thực hiện chính sách xã hội hoá chưa được đẩy mạnh, chưa huy động được nhiều nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước cho phát triển giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, văn hoá, giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường”[5]. Có những lĩnh vực đã được xã hội hoá nhưng do nhận thức chưa đúng về xã hội hoá hoặc quản lý của nhà nước còn hạn chế nên chất lượng chưa đáp ứng được mong đợi của người dân như giáo dục, y tế…. Cung cách, thái độ phục vụ của người cung ứng dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ hành chính công vẫn còn bị phàn nàn.
3. Một số giải pháp đảm bảo DVC tốt hơn  
Để việc cung ứng DVC có thể đảm bảo tốt hơn QCN ở Việt Nam hiện nay, chúng ta cần lưu ý thực hiện mấy vấn đề chính sau:
Thứ nhất, cần tiếp tục đẩy mạnh xã hội hoá DVC. Để đảm bảo tốt hơn QCN thì hoạt động cung ứng phải được nâng cao về số lượng và chất lượng. Trong điều kiện nước ta còn nghèo, GDP thấp so với nhiều nước khác thì việc thực hiện xã hội hoá là cần thiết để tăng thêm nguồn lực cung ứng DVC, đáp ứng ngày càng đầy đủ hơn nhu cầu rất đa dạng và không ngừng tăng lên của người dân. Hơn nữa, chúng ta biết nếu nhà nước độc quyền cung ứng DVC thì chất lượng cung ứng dịch vụ rất thấp. Tuy nhiên nếu thực hiện xã hội hoá thì chất lượng cung ứng DVC sẽ được cải thiện hơn rất nhiều. Việc chuyển giao một số DVC cho các tổ chức ngoài quốc doanh sẽ tạo môi trường cạnh tranh giữa các tổ chức này. Những tổ chức được nhận thầu cung ứng độc quyền một loại DVC nào đó luôn có nguy cơ bị xoá bỏ hợp đồng nếu làm ăn kém hiệu quả. Do đó đòi hỏi họ phải nâng cao hiệu quả để tồn tại trong một thế giới cạnh tranh.
Thứ hai, nâng cao vai trò quản lý của nhà nước đối với việc cung ứng DVC. Việc xã hội hoá DVC, chuyển giao một số hoạt động cung ứng cho các tổ chức không phải là làm suy giảm vai trò của Nhà nước trong việc cung ứng DVC. Nhà nước vẫn là người chịu trách nhiệm cuối cùng về chất lượng DVC. Chất lượng cung ứng phụ thuộc rất nhiều vào năng lực quản lý của nhà nước. Vai trò của nhà nước ở đây là thể chế hoá hoạt động cung cấp dịch vụ, quy định một cách chặt chẽ, trách nhiệm rõ ràng, đáp ứng hiệu quả kinh tế, xã hội, đồng thời tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát và có chế tài nghiêm minh, đủ mạnh cho những hành vi vi phạm quy định của nhà nước.
Thứ ba, nâng cao tinh thần, trách nhiệm phục vụ nhân dân của những người làm nhiệm vụ cung ứng DVC, Nhà nước cần phải giáo dục những người làm nhiệm vụ cung ứng DVC rằng người dân chính là “khách hàng” của họ, sự hài lòng của người dân cả về chất lượng dịch vụ cũng như thái độ phục vụ chính là tiêu chí đánh giá năng lực, hiệu quả công việc của họ.
Thứ tư, khách hàng tiêu dùng DVC vừa là đối tượng tiêu dùng DVC, vừa là người giám sát chất lượng cung ứng DVC, họ có quyền đòi hỏi nhà nước và các tổ chức cung cấp DVC cung cấp hàng hóa, dịch vụ với chất lượng tốt nhất. Hơn nữa, chính những khách hàng của DVC (công dân) có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng DVC.Do đó, Nhà nước cần hỗ trợ cho những người hưởng DVC có tiếng nói lớn hơn đối với các DVC. Ở nước ta, trong giai đoạn hiện nay, quản lý DVC chủ yếu mới chỉ quan tâm đến quản lý cung ứng mà thôi, còn các lĩnh vực khác chưa được quan tâm nhiều. Vì vậy, Nhà nước cần tạo cơ chế để người dân được phản hồi về chất lượng cung ứng và các tổ chức cung ứng dịch vụ có trách nhiệm đáp ứng những mong đợi của người dân.
Với nỗ lực của Đảng và Nhà nước ta trong đảm bảo QCN ngày càng tốt hơn thì việc quan tâm để nâng cao chất lượng cung ứng DVC chính là yêu cầu cấp thiết. Bởi chất lượng DVC là thước đo việc đảm bảo QCN./.
 
 

[1]TS Chu Văn Thành, DVC và xã hội hoá DVC - một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb CTQG, H, 2004, tr 15.
[2]PGS.TS Phạm Văn Tình, “QCN – bản chất và cáh tiếp cận khoa học pháp lý”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật số 12/2010, tr 63.
[3]Liên hợp quốc: QCN - hỏi và đáp, Niu-ooc và Giơ-ne-vơ, 2006, tr 4 (tiếng Anh).
 
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam; Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H, 2011, tr 125
 
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam; Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H, 2011, tr 169