Luận bàn về quyền nhân thân đối với hình ảnh của cá nhân theo quy định của Bộ luật Dân sự 2005

01/11/2012

Nếu trong Bộ luật dân sự (BLDS) Pháp chỉ quy định quyền của cá nhân đối với đời tư (Điều 9, Bộ luật dân sự Pháp) và sử dụng án lệ trong quá trình xét xử thì trong BLDS của Việt Nam, quyền nhân thân của cá nhân đối với hình ảnh đã được quy định trực tiếp, cụ thể ngay trong luật. Tiếp tục kế thừa BLDS 1995, BLDS 2005 đã bổ sung một số nội dung về quyền nhân thân của cá nhân đối với hình ảnh. Đó là việc sử dụng hình ảnh của người dưới mười lăm tuổi phải được cha, mẹ hoặc người đại diện của người đó đồng ý, nhằm điều chỉnh hiện tượng một số lịch in hình trẻ em mà không xin phép[1]. Quyền nhân thân của cá nhân đối với hình ảnh trở thành một quyền cần được quan tâm tới bên cạnh các quyền nhân thân khác quy định trong BLDS 2005.
Untitled_533.png
Ảnh minh họa: nguồn internet
1. Khái niệm quyền nhân thân với hình ảnh của cá nhân
Trên thực tế hiện nay chưa có một định nghĩa nào thật sự ngắn gọn dễ hiểu đối với khái niệm về hình ảnh. Việc hiểu “hình ảnh” là gì phụ thuộc chủ yếu vào từng lĩnh vực nghiên cứu khác nhau, mỗi ngành, mỗi lĩnh vực có một cách thức định nghĩa riêng phù hợp với chuyên môn của chính ngành đó. Nếu như nhiếp ảnh coi “hình ảnh” là sản phẩm nhằm thỏa mãn nhu cầu nhận thức sự vật bằng mắt và chỉ gồm hai yếu tố cơ bản là hình dáng của vật thể và sắc độ của hình ảnh, thì mỹ thuật lại xem “hình ảnh” như là sự diễn tả hay tái hiện một vật, một người trong nghệ thuật tạo hình. Nếu như trong nhiếp ảnh, vẻ bên ngoài của vật thể mẫu được chú ý đề cao thì trong mỹ thuật, ngoài việc sao chép vẻ bên ngoài của vật mẫu, hình ảnh còn phải thể hiện được cái tinh thần của mẫu. Do đó, ta có thể tạm hiểu hình ảnh chính là sự sao chép lại những hình ảnh, biểu tượng, có thể được nhận thức bằng chính tư duy của con người hoặc bằng các cách thức sao chụp nguyên mẫu. Tuy nhiên, hình ảnh không tồn tại độc lập với đối tượng của sự phản ánh. Mặc dù hình ảnh khách quan về mặt nội dung khi phản ánh chân thực đối tượng song hình ảnh không bao giờ có thể hàm chứa hết các thuộc tính và quan hệ của đối tượng, nguyên mẫu. Hình ảnh không chỉ đơn thuần là sự sao chép nguyên mẫu mà qua sự sao chụp đó còn phải gây được sự chú ý với mắt nhìn, thể hiện được nội dung, lột tả được tinh thần của vật mẫu, thể hiện cá tính nghệ thuật và dấu ấn riêng.
Khái niệm ˝hình ảnh của cá nhân˝ bao gồm mọi hình thức tác phẩm ghi lại hình dáng của con người cụ thể như chụp, ảnh vẽ, ảnh họa chép và suy luận rộng ra có thể cả bức tượng của cá nhân đó nữa. Đứng về mặt ˝quyền sở hữu trí tuệ˝ thì bức ảnh, tấm hình, pho tượng đều là loại hình tác phẩm, người sử dụng tác phẩm trước hết phải xin phép người chủ bản quyền (chủ sở hữu quyền tác giả) và trả cho họ một khoản lợi ích vật chất, đồng thời phải trả thù lao, nhuận bút cho người sáng tác (người chụp ảnh, sao chép, họa hình...). Đứng về mặt ˝quyền nhân thân của con người˝ thì ai muốn sử dụng hình ảnh của cá nhân đều phải được sự đồng ý của người đó.
 Hình ảnh của cá nhân có thể được hiểu là sự tái hiện lại vẻ bề ngoài của một người bằng cách thức nào đó có thể ghi lại và gây ấn tượng thị giác cho những người khác. Khi được mọi người nhìn vào hình ảnh tái hiện đó có thể nhận diện được rằng đó là ai. Do đó, hiện nay pháp luật đã bắt đầu đặt ra những quy định cụ thể về quyền nhân thân đối với hình ảnh.    
Việc sử dụng hình ảnh để xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có ảnh bị nghiêm cấm[2]. Nếu đối chiếu với luật của nước ngoài thì cơ chế pháp luật của Việt Nam khá hoàn chỉnh. Cá nhân được bảo vệ hình ảnh dưới nhiều hình thức, dù là tranh vẽ, ảnh chụp hoặc quay phim. Điều quan trọng là hình ảnh phải lấy từ một người và giống với người đó[3] [7]. Giống như quy định của một số nước, quy định trong pháp luật dân sự Việt Nam chỉ bảo vệ hình ảnh của cá nhân mà người trong ảnh có thể bị nhận dạng, không phụ thuộc vào việc ảnh có khuôn mặt hay có ghi tên của cá nhân đó. Trừ trường hợp vì lợi ích Nhà nước, lợi ích công cộng thì việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được sự đồng ý của người đó. Thực tế, hầu như mọi người chưa nhận thức rõ quyền đối với hình ảnh của chính bản thân mình đồng thời chưa triệt để bảo vệ hình ảnh của cá nhân khi có hành vi xâm phạm của người khác.
 Điều 31 BLDS 2005 quy định:
″1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.
 2. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp vì lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng hoặc pháp luật có quy định khác.
3. Nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.″
Điều 31 BLDS 2005 chưa đưa ra khái niệm quyền nhân thân đối với hình ảnh. Đối với giới luật học thì khái niệm này cũng chưa được đề cập một cách khái quát nên việc hiểu quyền nhân thân đối với hình ảnh còn rất mơ hồ và không ai nhận thấy giá trị thật của quyền này đem lại. Quyền đối với hình ảnh có thể là quyền của cá nhân đối với diện mạo bên ngoài của mình như hình dáng, khuôn mặt, cử chỉ, điệu bộ... Ngay cả hình ảnh chụp một người từ phía sau vẫn có thể vi phạm quyền nhân thân của cá nhân đối với hình ảnh nếu qua hình ảnh đó có thể nhận ra người này nhờ vào hình thể, tư thế và kiểu tóc của anh ta. Hoặc quyền đối với hình ảnh của cá nhân có thể hiểu là hình ảnh được tạo nên bởi sự công nhận của công chúng và gắn liền với hình ảnh của cá nhân như hình ảnh người đàn bà đẹp gắn liền với nữ diễn viên Julia Robert. BLDS 2005 chỉ đưa ra một khía cạnh của quyền nhân thân đối với hình ảnh, quy định mọi cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình mà không quy định rõ quyền đối với hình ảnh là như thế nào. Nhưng có thể thấy theo bản chất pháp lý thì cách hiểu thứ nhất về quyền đối với hình ảnh hợp lý với khái niệm quyền nhân thân của cá nhân. Còn cách hiểu quyền đối với hình ảnh được công chúng công nhận thì chỉ giới hạn trong một bộ phận cá nhân trong xã hội, ở đây chỉ là những người nổi tiếng bao gồm diễn viên, nhà chính trị, ... Quyền nhân thân đối với hình ảnh là quyền tuyệt đối của cá nhân nên chỉ có cá nhân đó mới có quyền quyết định việc thay đổi hình ảnh hay vẻ bề ngoài của mình như cắt một kiểu tóc, trang điểm khuôn mặt, phong cách thời trang là sự lựa chọn của chính cá nhân đó (trừ những người chưa thành niên hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì việc làm này phải có sự đồng ý của người đại diện của họ là cha, mẹ, vợ, chồng, con...). Hình ảnh thường để lại dấu ấn nhiều hơn trong trí nhớ của con người, chỉ trong một số trường hợp, việc đăng tải hình ảnh gây ảnh hưởng tới tên tuổi, danh dự, nhân phẩm của người đó thường không được đăng tải hoặc có được đăng tải thì sẽ làm nhoè khuôn mặt để nhằm tránh được sự quấy nhiễu, làm phiền của xã hội đối với người đó như hình ảnh một cô gái HIV nói về cuộc đời của cô; hình ảnh cháu bé bị kẻ xấu xâm hại tình dục....
Từ những phân tích trên đây, chúng tôi có thể hiểu quyền nhân thân đối với hình ảnh của cá nhân "là quyền nhân thân gắn liền với cá nhân liên quan đến việc tạo dựng, sử dụng và cho phép sử dụng hình ảnh theo ý chí của chính cá nhân đó".
2. Giới hạn của quyền nhân thân đối với hình ảnh của cá nhân                            
Quyền nhân thân đối với hình ảnh là một trong những quyền nhân thân tuyệt đối của cá nhân, không thể chuyển giao. Tuy nhiên, quyền này cũng có một vài ngoại lệ.                                     
2.1. Quyền của cá nhân đối với hình ảnh bị giới hạn trong trường hợp xung đột với quyền lợi chung, quyền lợi của bên thứ ba hoặc đương sự từ bỏ quyền của mình đối với hình ảnh
(i) Trường hợp xung đột với quyền lợi chung, quyền lợi của bên thứ ba
Bản thân quyền nhân thân đối với hình ảnh là một quyền tuyệt đối của cá nhân. Quyền này hoàn toàn được bảo vệ một cách vô điều kiện khi cá nhân có hình ảnh thấy rằng hình ảnh của mình bị xâm phạm. Thực tế, nhiều văn bản luật dù chặt chẽ đến mấy cũng không thể giải quyết thỏa đáng được tất cả những vấn đề rắc rối phát sinh hàng ngày trong cuộc sống. Bởi vậy, quyền nhân thân đối với hình ảnh không nằm ngoài ngoại lệ này. Điều 31 BLDS 2005 quy định ˝cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình˝. Quy định này dẫn đến cách hiểu là cá nhân hoàn toàn được phép định đoạt những gì mình muốn với hình ảnh của mình, không một ai được quyền ngăn cản hay được phép xâm phạm. Tuy nhiên, quyền nhân thân của cá nhân đối với hình ảnh bị giới hạn trong trường hợp xung đột với quyền lợi chung. Nghĩa là quyền đối với hình ảnh có sự khác biệt về giá trị văn hóa, quan điểm và yếu tố xã hội góp phần làm nảy sinh các xung đột với các quyền lợi chung của cộng đồng. Cá nhân không thể viện dẫn quyền nhân thân đối với hình ảnh nếu họ chỉ có mặt trong một bức ảnh chụp phong cảnh hoặc ảnh chụp các buổi tụ tập đông người như mít tinh, biểu tình, ... Ở đây, người chụp ảnh không nhằm ghi hình đương sự mà ghi hình phong cảnh hoặc các sự kiện đang diễn ra. Đương sự chỉ là một bộ phận bổ trợ trong phong cảnh hoặc sự kiện đó. Trường hợp người chụp ảnh tập trung mô tả đương sự, trong đó phong cảnh và sự kiện chỉ đóng vai trò làm nền thì vấn đề quyền nhân thân đối với hình ảnh sẽ được đặt ra (đương sự bị chụp cận cảnh và tách hẳn với bối cảnh xung quanh)[4]. Tại Việt Nam không có quy định cụ thể nào phân biệt rõ hình ảnh bắt buộc xin phép cá nhân và hình ảnh được phép chụp hình. Ví dụ, đối với hình ảnh được công bố nhằm mục đích truy nã, cơ quan hành pháp được quyền đăng hình tội phạm bị truy nã giúp người dân nhận biết được kẻ nguy hiểm đồng thời giúp trong việc phát hiện tội phạm này. Cũng nên hiểu một cách đúng đắn về vấn đề này, tránh cách hiểu cứ có hành vi phạm tội là cơ quan nào cũng được phép đăng hình. Như vụ dán ảnh 5 người lấy trộm hàng hóa của Siêu thị Intimex Nghệ An (thuộc Chi nhánh Công ty Cổ phần Intimex Việt Nam tại Nghệ An) đóng trên địa bàn phường Trung Đô, TP Vinh (Nghệ An) vào một tấm bảng lớn có nội dung là dòng chữ: "Các đối tượng lấy cắp hàng hóa tại Siêu thị Intimex Nghệ An[5].         Việc làm của Siêu thị Intimex là hoàn toàn không đúng, dán ảnh như thế không khác là truy nã. Quy định đăng hình truy nã tội phạm chỉ cơ quan có thẩm quyền mới được ra quyết định đối với những tội phạm gây nguy hiểm cho xã hội.
Về vấn đề này, chúng ta có thể tham khảo quy định tại Điều 24 Luật Bản quyền Đức năm 1907. Theo đó, các cơ quan có thẩm quyền được phép công khai đăng hình ảnh của cá nhân mà không cần sự đồng ý của người đó vì lý do bảo vệ pháp luật hoặc an ninh công cộng. Thậm chí, Luật Tố tụng hình sự Đức (StPO) còn cho phép đăng hình tìm kiếm nhân chứng. Ở một số nước đã có luật cho nhà nhiếp ảnh (photographier’s right). Trong luật này phân định rõ giới hạn mà nhiếp ảnh gia được phép chụp hình mà không cần sự xin phép của cá nhân đó. Như chụp ảnh trên đường, bãi biển, bãi đỗ xe, công viên,.... là người chụp ảnh hoàn toàn được quyền chụp ảnh mà không cần phải xin phép. Đặc biệt là đối với những người lãnh đạo có ảnh hưởng đến cộng đồng chung, những hành động của họ gần như trở thành cách xử sự để người dân nhìn nhận và đánh giá, do đó họ cần phải xử sự mẫu mực cho cộng đồng và xã hội. 
Trường hợp xung đột với người thứ ba ở đây, tác giả muốn đề cập đến khía cạnh đối với những bức ảnh chụp chung với mọi người như chụp với bạn bè, gia đình, hoặc với những người nổi tiếng...... Theo luật, việc đăng ảnh cần phải xin phép những người có mặt trong bức hình đó. Tuy nhiên, điều luật nào cũng có những giới hạn và ngoại lệ. Trong trường hợp này quyền nhân thân của cá nhân đối với hình ảnh cũng đã bị giới hạn. Khi chúng ta đứng vào bức ảnh đó, chụp chung với mọi người thì mặc nhiên thừa nhận là chúng ta đã chấp nhận là người đó được phép đăng ảnh của mình. Việc này không gây thiệt hại gì cho người có mặt trong bức ảnh. Tuy nhiên đối với những bức ảnh chụp lén lút thì ta vẫn hoàn toàn có quyền không cho phép đăng tải lên.        
(ii) Đương sự từ bỏ quyền của mình đối với hình ảnh
Tất cả các quyền dân sự của cá nhân đều được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Khi hành vi xâm phạm xảy ra thì hai bên có thể tự thỏa thuận. Nguyên tắc hòa giải luôn được pháp luật dân sự khuyến khích. Và chỉ khi hai bên không thống nhất ý chí được với nhau thì tranh chấp mới xảy ra và phát sinh thủ tục tố tụng. Tòa án là cơ quan xét xử các vụ việc này và Tòa án chỉ thực sự tiến hành xét xử khi có đơn yêu cầu của đương sự. Đấu tranh, bảo vệ hình ảnh của mình trước hết phải là nghĩa vụ, quyền của chính người đó. Thực tế, chúng ta cũng chưa xử lý tốt việc truy xét hay tìm ra manh mối kẻ phát tán nhưng hầu như những vụ bị phát tán hình ảnh (đặc biệt là hình ảnh khoả thân) lên mạng thì không thấy người gây ra hành vi nhận trách nhiệm. Điều này đã gây ra tâm lý ngại không muốn khơi ra của chính người bị hại. Nạn nhân không tự mình viết đơn tố cáo, đề nghị cơ quan điều tra, xử lý thì những vụ việc trên chỉ dừng lại ở quan hệ dân sự, các bên tự thoả thuận và giải quyết. Nếu chủ thể nào cần sự phân xử của Tòa án thì buộc phải có yêu cầu thì Tòa mới bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ. Hiện nay, xã hội có quá nhiều vụ xâm phạm hình ảnh của cá nhân như chụp ảnh lén lút, quay lén đời sống riêng tư .....và đăng tải lên Internet với phản ứng dây chuyền cực nhanh và không thể kiểm soát nổi thì việc tìm ra kẻ phát tán hình ảnh cũng khó xác định. Những hành vi phát tán này đã làm ảnh hưởng đến truyền thống văn hoá nói chung. Các văn bản pháp luật đã quy định rõ việc xử lý những người xâm phậm quyền nhân thân đối với hình ảnh dẫn tới xúc phạm danh dự, nhân phẩm, bí mật đời tư của công dân như Điều 31 BLDS 2005 quy định cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình, việc sử dụng hình ảnh cá nhân phải đuợc người đó đồng ý hoặc thân nhân của người đó đồng ý nếu người đó đã chết. Nếu vi phạm đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành và có thể bị truy cứu về tội truyền bá văn hoá phẩm đồi truỵ với các chế tài nghiêm khắc. Do đó, không thể nói pháp luật không bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân mà do chính đương sự từ bỏ quyền này của mình. Quyền nhân thân đối với hình ảnh là một quyền cơ bản của con người nên cá nhân có toàn quyền xử sự đối với hành vi xâm phạm tới hình ảnh của mình. Nhưng một khi đương sự từ bỏ quyền này của mình thì mặc nhiên quyền nhân thân đối với hình ảnh đó của họ cũng bị từ bỏ. Vì chủ thể tự nguyện từ bỏ thì hình ảnh cũng được từ bỏ.
2.2. Phân biệt quyền nhân thân đối với hình ảnh và quyền đối với từng hình ảnh cụ thể
Điểm khác nhau cơ bản giữa quyền nhân thân đối với hình ảnh và quyền đối với từng hình ảnh cụ thể là quyền nhân thân đối với hình ảnh của cá nhân tồn tại vô thời hạn còn quyền đối với từng hình ảnh cụ thể sẽ chấm dứt khi hình ảnh đó được sử dụng đúng mục đích mà người có quyền đối với hình ảnh đó đã đồng ý. Ví dụ như người mẫu A đồng ý chụp bộ ảnh mùa xuân cho bộ lịch, đây gọi là quyền đối với từng hình ảnh trong bộ ảnh lịch của A. Quyền đối với bộ ảnh lịch này của A sẽ chấm dứt sau khi bộ ảnh này được chụp xong theo như đúng thoả thuận của A về việc chụp bộ ảnh này. Ngay sau đó, bộ ảnh lịch này có thể được sử dụng mà không cần sự đồng ý của A. Như việc nhà báo sử dụng một bức ảnh trong số bộ ảnh lịch của người mẫu A  để làm hình ảnh mang tính chất minh hoạ cho bài viết của mình thì nhà báo đó không cần phải có sự đồng ý của A mà chỉ cần sự chấp nhận của cơ quan, đơn vị đã chụp bộ ảnh lịch này. Vì chụp ảnh mỗi con người là không giống nhau từ cử chỉ, dáng điệu, cách ăn mặc, cách trang điểm,.... tạo điểm nhấn khác biệt của từng bức ảnh đối với một cá nhân. Hình ảnh cụ thể là hình ảnh được chụp và trở thành một sản phẩm vật chất. Quyền đối với từng hình ảnh cụ thể là việc cá nhân có quyền tự do định đoạt đối với từng bức ảnh phản chiếu lại hình ảnh của mình. Thường mọi người vẫn nhầm lẫn quyền nhân thân của cá nhân đối với hình ảnh có thể đem ra trao đổi được. Thực chất thì hình ảnh mà cá nhân đem ra giao dịch là quyền tài sản đối với hình ảnh. Hình ảnh sau khi được chụp, vẽ, .... trở thành một tài sản và cá nhân được phép bán quyền đối với hình ảnh cụ thể đó. Còn ngược lại, quyền nhân thân đối với hình ảnh của cá nhân không phải là một loại tài sản nên không thể định đoạt được, không được phép chuyển giao. Ở đây cần phải dung hòa đặc điểm không thể định đoạt của quyền nhân thân với giao dịch dân sự về hình ảnh. Việc chuyển giao quyền đối với từng bức ảnh cụ thể được thể hiện rõ nét ở khía cạnh những người nổi tiếng ký hợp đồng sử dụng hình ảnh của mình với các cơ quan thông tin, xuất bản. Chúng tôi cho rằng, việc phân biệt quyền nhân thân cơ sở với quyền nhân thân phái sinh theo quy định của Pháp là hoàn toàn hợp lý nhằm phân biệt quyền nhân thân gắn liền với cá nhân và quyền nhân thân được phép chuyển giao. Vì quyền nhân thân cơ sở là quyền nhân thân không thể chuyển nhượng được quyền đối với hình ảnh của cá nhân. Tức là quyền nhân thân cơ sở là quyền nhân thân của cá nhân đối với hình ảnh. Quyền nhân thân phái sinh là quyền khai thác danh tiếng của một cá nhân với mục đích thương mại. Tức là việc người nổi tiếng ký hợp đồng đồng ý cho phép sử dụng hình ảnh của mình là quyền nhân thân phái sinh. Quyền nhân thân phái sinh là quyền đối với từng bức ảnh cụ thể nhằm khai thác danh tiếng của mình để thu lợi nhuận. Để làm rõ hơn cho phần này, có thể xem vụ khiếu kiện giữa Công ty nhiếp ảnh Noi Picture và ca sỹ Thanh Lam liên quan đến việc sử dụng hình ảnh trong album Nơi bình yên[6].
Trong một số trường hợp, quyền nhân thân đối với hình ảnh có quan hệ chặt chẽ với quyền bí mật đời tư. Cũng như quyền nhân thân đối với hình ảnh, hiện nay chưa có quy định như thế nào là quyền bí mật đời tư trong BLSD 2005. Theo TS.Lê Đình Nghị, quyền bí mật đời tư là những thông tin, tư liệu (gọi chung là thông tin) về tinh thần, vật chất, quan hệ xã hội hoặc những thông tin khác liên quan đến cá nhân trong quá khứ cũng như trong hiện tại, được pháp luật bảo vệ và những thông tin đó được bảo mật bằng những biện pháp mà pháp luật thừa nhận[7]. Tuy nhiên, nếu đối tượng trong ảnh chụp là một cá nhân, dù người đó không nổi tiếng thì người này cũng có đủ mọi quyền để phản đối việc sử dụng hình ảnh của mình. Lúc này, quyền nhân thân đối với hình ảnh xuất phát từ quyền bí mật đời tư. Trước khi có thể sử dụng hình ảnh liên quan phải đảm bảo rằng người được ghi hình không bị tổn hại đến đời sống cá nhân, hình tượng riêng và bản thân họ không phản đối việc sử dụng hình ảnh đó. Ngược lại, với những bức ảnh vượt khỏi khuôn khổ đời tư, người có hình ảnh được chụp khi họ tham gia các buổi biểu tình, lễ hội công khai thì cá nhân đó có thể yêu cầu xử lý sao cho mình không thể bị nhận dạng trong bức ảnh đó. Điều này thể hiện sự tôn trọng với cá nhân đó. Quyền nhân thân đối với hình ảnh có đối tượng hẹp hơn quyền bí mật đời tư, đó là: quyền nhân thân đối với hình ảnh có đối tượng cụ thể - hình ảnh của chính cá nhân đó còn quyền bí mật đời tư có đối tượng là những thông tin, tài liệu về quá khứ liên quan đến cá nhân đó. Một đặc điểm khác biệt nữa, tính bí mật đời tư chỉ mang tính tuơng đối vì đứng dưới góc độ này đối với cá nhân đó thì thông tin đó cần phải che đậy, giữ kín nhưng đứng dưới góc độ khác, đối với chủ thể khác thì những thông tin trên không cần che dấu. Vì vậy bí mật đời tư chỉ có cá nhân đó hoặc một số người hạn chế được biết. Quan điểm xác định như thế nào là bí mật đời tư là do từng cá nhân trong xã hội. Như có người không muốn tiết lộ thông tin đã từng có mối tình đẹp trong quá khứ, họ muốn giữ cho riêng bản thân nhưng có người nghĩ rằng việc nói với người bạn đời là không sao cả miễn là không ảnh hưởng đến cuộc sống hiện tại của họ. Do đó, quyền bí mật đời tư được xác định phải chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố như thói quen sống, phong tục tập quán, công việc, .... 
           

 


[1]Đinh Văn Quế, Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự, Phần các tội phạm, Tập I, Bình luận chuyên sâu, Nhà xuất bản TP.HCM, 1999, tr 44.
[2]Đinh Trung Tụng, Bình luận những nội dung mới của Bộ luật Dân sự 2005, tr.45-46.
 
[3] Hoàng Thế Liên, Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự Việt Nam tập 1 - Những quy định chung, Nhà xuất bản tư pháp, Hà Nội, năm 2000, tr.77.
 
[4] Chu Tuấn Đức, Quyền của cá nhân đối với hình ảnh trong pháp luật một số nước phương Tây - đối chiếu với pháp luật Việt Nam, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 4/2008.
 
[5]Hồng Thắng, Ăn trộm bị siêu thị dán ảnh như … truy nã, http://www.baomoi.com/Home/
 
[6] Khánh Nam, Nơi bình yên của Thanh Lam gặp rắc rối vì bản quyền, http://www.baodatviet.vn/Home/
 
[7] TS. Lê Đình Nghị, Bàn về khái niệm quyền bí mật đời tư, Đề tài khoa học cấp trường, Đại học Luật Hà Nội, năm 2008