Hoàn thiện pháp luật về việc làm dưới tác động của công cuộc hội nhập quốc tế

01/10/2012

1. Tác động của hội nhập quốc tế trong lĩnh vực việc làm
Hội nhập quốc tế là một xu hướng tất yếu trong thời đại ngày nay. Hội nhập quốc tế có thể diễn ra trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội như kinh tế, chính trị, an ninh - quốc phòng, văn hoá, giáo dục, y tế… ở phạm vi song phương, đa phương, khu vực, liên khu vực, toàn cầu. Trong các lĩnh vực trên, hội nhập kinh tế quốc tế là nền tảng hết sức quan trọng cho sự tồn tại bền vững của hội nhập trong các lĩnh vực khác và nhìn chung, hội nhập kinh tế quốc tế được các nước ưu tiên thúc đẩy giống như đòn bẩy cho hợp tác và phát triển trong bối cảnh toàn cầu hoá.
Hội nhập kinh tế quốc tế mang lại nhiều cơ hội thuận lợi cho các quốc gia trên nhiều lĩnh vực, gồm cả lĩnh vực việc làm. Hội nhập tạo điều kiện thu hút vốn đầu tư nước ngoài, sản xuất kinh doanh được mở rộng, hàng rào thuế quan áp dụng với hàng hoá xuất nhập khẩu được cắt giảm, mở ra cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá tạo nhiều việc làm cho người lao động (NLĐ). Hội nhập cũng góp phần cải thiện chất lượng lực lượng lao động thông qua việc hợp tác và tiếp thu công nghệ mới được chuyển giao từ các nước tiên tiến. Thêm nữa, hội nhập sẽ thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông thôn, tạo điều kiện cho NLĐ tham gia vào hoạt động kinh tế trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, mang lại cơ hội thay đổi công việc và tăng thu nhập cho họ. Bên cạnh đó, hội nhập quốc tế tạo ra những tác động tiêu cực như:
Thứ nhất, hội nhập quốc tế tạo ra nhiều khó khăn trong giải quyết việc làm. Hội nhập quốc tế tạo ra sự cạnh tranh quyết liệt hơn và có khả năng giảm cơ hội việc làm ở một số ngành được bảo hộ của nhà nước và ở khu vực doanh nghiệp nhà nước. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh có sức cạnh tranh kém, quy mô nhỏ có nguy cơ phá sản, thu hẹp sản xuất dẫn đến việc NLĐ bị thiếu hoặc mất việc làm, nhất là những NLĐ có trình độ chuyên môn thấp và số lao động tự làm hoặc lao động làm việc trong khu vực phi chính thức. Ngoài ra, hội nhập quốc tế cũng đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hoá kéo theo việc sử dụng một diện tích lớn đất nông nghiệp khiến đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, người nông dân mất đất để lao động, sản xuất. Điều này dẫn đến một số lượng lớn NLĐ rơi vào tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm và đang trở thành gánh nặng, cản trở đối với quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá.
 Trước tác động trên, chúng ta thấy pháp luật về giải quyết việc làm mới chỉ quy định về chính sách tạo việc làm chung và chính sách việc làm cho một số đối tượng như lao động nữ, lao động là người khuyết tật, nằm rải rác trong Luật Người khuyết tật, Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành. Với các đối tượng đặc thù khác như: lao động là người dân tộc thiểu số, lao động có trình độ chuyên môn thấp, lao động tự làm hoặc lao động làm việc trong khu vực phi chính thức (là những lao động chịu ảnh hưởng lớn của quá trình hội nhập quốc tế)... chưa có chính sách riêng. Những quy định về việc làm đối với các đối tượng này mới chỉ dừng ở những quy định về chính sách hỗ trợ việc làm của Nhà nước đối với các đối tượng đặc thù, chưa có quy định về việc bảo đảm việc làm, bình đẳng về việc làm cho họ. Mặt khác, chính sách, cơ chế tuy tạo ra nhiều việc làm mới và có xu hướng tăng, nhưng thiếu vững chắc, chất lượng việc làm chưa cao và đặc biệt giá trị lao động của việc làm còn thấp. Hiện nay, pháp luật mới chỉ đề cập chủ yếu đến mục tiêu số lượng việc làm được tạo ra, chưa chú ý đúng mức tới mặt chất lượng việc làm. Số lao động được giải quyết việc làm hàng năm khá lớn, song đa số làm việc trong khu vực nông nghiệp với trình độ tay nghề thấp, năng suất lao động và thu nhập thấp.
Ngoài ra, hệ thống pháp luật về việc làm (Bộ luật Lao động...) chủ yếu điều chỉnh quan hệ việc làm của những NLĐ có quan hệ lao động, còn số lao động đang làm việc trong nền kinh tế không có quan hệ lao động hiện Nhà nước chưa quản lý, chưa có các chính sách hỗ trợ, bảo đảm việc làm và an sinh xã hội. Trong quá trình hội nhập quốc tế, nhóm những NLĐ không có quan hệ lao động là nhóm dễ bị tổn thương nhất, công việc không mang tính ổn định, thu nhập thấp, dễ có nguy cơ mất việc làm. Mặc dù, hiện nay đã có chính sách bảo hiểm thất nghiệp nhưng chính sách này chỉ tập trung cho nhóm đối tượng có quan hệ lao động. Thêm nữa, các quy định về bảo hiểm thất nghiệp mới chỉ dừng ở việc hỗ trợ NLĐ sau khi họ bị mất việc làm, tức chỉ đi sau trong giải quyết hậu quả của việc mất việc làm. Nhà nước chưa có chính sách cụ thể nhằm ngăn ngừa và hỗ trợ duy trì việc làm cho NLĐ. Trước tác động tiêu cực của quá trình hội nhập quốc tế cùng với những đợt khủng khoảng kinh tế liên tiếp diễn ra trên quy mô khu vực, quốc tế, quốc gia đã ảnh hưởng không nhỏ đến vấn đề việc làm của NLĐ ở những nước đang phát triển, trong đó có nước ta. Tuy nhiên, quy định về phương hướng và chính sách nhằm ngăn ngừa và khắc phục những tiêu cực trên tác động đến vấn đề việc làm của NLĐ chưa được thể hiện ở tầm văn bản có hiệu lực pháp lý cao.
Thứ hai, hội nhập quốc tế cũng khiến một số lượng lớn lực lượng lao động sẽ không đáp ứng được yêu cầu về chất lượng nguồn cung lao động. Hội nhập quốc tế kéo theo việc chuyển giao công nghệ tiên tiến từ các nước phát triển sang các quốc gia khác, giảm nhu cầu sử dụng lao động phổ thông, đồng thời hội nhập cũng đặt ra yêu cầu đối với NLĐ cần có trình độ chuyên môn, tay nghề để sử dụng công nghệ. Tuy nhiên, hiện nay, chất lượng nguồn cung lao động ở Việt Nam đa phần chưa đáp ứng yêu cầu. Một mặt, do ít được đào tạo, tay nghề, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề, kỹ năng làm việc thấp. Số lao động đã được đào tạo lại chưa đáp ứng yêu cầu sử dụng. Đa số học sinh qua các trường nghề nhưng vẫn còn thiếu những kỹ năng cơ bản để có thể thực hiện công việc thực tế, người sử dụng lao động vẫn phải bồi dưỡng, đào tạo thêm. Số lượng lao động lớn nhưng chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu tạo ra thách thức không nhỏ trong việc giải quyết việc làm cũng như tạo sức ép lớn cho xã hội. Mặt khác, nhiều lao động chưa có được tác phong công nghiệp, thể lực thấp cũng là trở ngại không nhỏ trong quá trình hội nhập quốc tế.
Hiện nay, Luật Dạy nghề đã quy định việc dạy nghề và phát triển kỹ năng nghề nhưng mới chỉ quy định ở việc gắn với quá trình đào tạo ở cơ sở dạy nghề. Vấn đề phát triển kỹ năng nghề chưa được quy định cụ thể và cũng chưa gắn với quá trình làm việc, lao động của NLĐ. Mặt khác, thực tế thực hiện còn chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ sở dạy nghề, các doanh nghiệp, người sử dụng lao động vào hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề và không có chế tài đủ mạnh đối với các doanh nghiệp, người sử dụng lao động khi không tham gia vào những hoạt động này. Bên cạnh đó, các hiệp hội nghề nghiệp chưa tích cực tham gia hoạt động đánh giá kỹ năng nghề. Nhận thức của doanh nghiệp và NLĐ chưa đúng mứcvề ý nghĩa và tầm quan trọng của hoạt động đánh giá kỹ năng nghề trong việc cung cấp nguồn nhân lực kỹ thuật phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội.
Thứ ba, quá trình hội nhập quốc tế đã tạo ra khoảng cách phát triển, khoảng cách về cơ hội việc làm giữa nông thôn, thành thị, giữa các vùng miền. Quá trình hội nhập quốc tế đã thu hút đầu tư, phát triển mạnh mẽ những trung tâm kinh tế, thương mại và dịch vụ tập trung ở các thành phố, các thị xã và các khu vực có điều kiện thuận lợi. Trong khi đó, vùng nông thôn, đặc biệt vùng đồng bào dân tộc thiểu số là nơi có nhiều khó khăn về điều kiện tự nhiên và xã hội, kinh tế chưa phát triển, trình độ dân trí thấp, bị hạn chế tiếp cận với nền kinh tế thị trường, bị hạn chế đầu tư phát triển khiến việc tiếp cận cơ hội việc làm của NLĐ gặp khó khăn. Điều này cũng khiến NLĐ ở nông thôn di cư đến các khu công nghiệp, đô thị tạo áp lực về việc làm ở nơi đến, gây sức ép về hệ thống cơ sở hạ tầng bảo đảm về mặt an sinh xã hội cho lao động di cư. Đối với khu vực nông thôn cũng có nhiều vấn đề đặt ra khi một bộ phận không nhỏ lao động trẻ khoẻ, có trình độ văn hoá đi làm việc ở khu vực thành thị và khu công nghiệp, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn, ngày càng tạo ra sự chênh lệch giữa nông thôn và thành thị. Những tồn tại trên xuất phát từ việc hiện nay vẫn còn thiếu chính sách việc làm theo ngành, vùng kinh tế, chưa có quy định cụ thể để tạo ra hành lang pháp lý bảo vệ quyền lợi của NLĐ di cư, chưa có biện pháp khắc phục, hạn chế những mặt tiêu cực phát sinh từ hiện tượng lao động di cư.
Thứ tư, trong lĩnh vực việc làm, hội nhập quốc tế cũng đặt ra yêu cầu tuân theo các công ước, cam kết quốc tế. Quá trình hội nhập gắn liền với việc các quốc gia cam kết cắt giảm hàng rào thuế quan. Tuy nhiên, nhằm bảo hộ nền sản xuất, dịch vụ trong nước, các quốc gia đã đưa ra các rào cản thương mại phi thuế quan, một trong các rào cản đó là yêu cầu tuân theo các công ước quốc tế của Tổ chức Lao động quốc tế. Pháp luật quốc gia cần phù hợp với các tiêu chuẩn lao động quốc tế được thể hiện thông qua việc thực hiện nội dung các Công ước mà quốc gia đã phê chuẩn đồng thời tôn trọng, hướng tới phản ánh nội dung các Công ước cơ bản mà quốc gia chưa phê chuẩn. Việc một quốc gia phê chuẩn Công ước sẽ ràng buộc trách nhiệm pháp lý của quốc gia đó trong việc đảm bảo thực hiện Công ước. Với các Công ước quốc gia chưa phê chuẩn, đặc biệt là Công ước cơ bản, các quốc gia cũng nên tôn trọng, thúc đẩy, ghi nhận vì đây là các tiêu chuẩn tối thiểu và có thể áp dụng cho mọi quốc gia, không phụ thuộc vào điều kiện kinh tế, xã hội, trình độ phát triển của mỗi quốc gia. Các Công ước cơ bản được xác định trong Tuyên bố về các Nguyên tắc cơ bản và các Quyền tại nơi làm việc ngày 18/6/1998 của Tổ chức Lao động quốc tế. Theo đó, có bốn nhóm tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản gồm: tự do hiệp hội và quyền thương lượng tập thể; xoá bỏ mọi hình thức lao động cưỡng bức và lao động bắt buộc; xoá bỏ phân biệt đối xử trong công việc; và xoá bỏ có hiệu quả lao động trẻ em. Các nhóm tiêu chuẩn này được quy định trong tám Công ước của Tổ chức Lao động quốc tế[1]. Trong lĩnh vực việc làm, tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản về xoá bỏ phân biệt đối xử trong công việc đòi hỏi cần được thể hiện trong luật pháp của quốc gia.
2. Hoàn thiện pháp luật về việc làm
Trong lĩnh vực việc làm, quá trình hội nhập quốc tế một mặt tạo những thuận lợi, nhưng mặt khác cũng tạo ra những khó khăn nhất định. Một trong những hướng cơ bản để giải quyết những tồn tại, đó là việc cần xây dựng và hoàn thiện pháp luật về việc làm nhằm tháo gỡ những khó khăn trong việc giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng nguồn cung lao động, thu hẹp khoảng cách về việc làm giữa các vùng, miền cũng như đảm bảo bình đẳng về quyền làm việc cơ bản cho NLĐ. Để thực hiện được mục tiêu trên, pháp luật về việc làm cần hướng vào những quy định sau:
2.1. Pháp luật về việc làm cần mở rộng phạm vi đối tượng điều chỉnh. Ngoài quan hệ việc làm của những NLĐ có quan hệ lao động, cần mở rộng, có chính sách bảo vệ, hỗ trợ việc làm đối với lao động làm việc trong khu vực phi chính thức, lao động đặc thù, lao động mất đất, lao động di cư.
Riêng với đối tượng lao động đặc thù là lao động tự làm cho bản thân, đây là đối tượng chiếm tỷ lệ cao trong số lao động có việc làm và cũng là đối tượng chịu nhiều rủi ro trong quá trình hội nhập quốc tế so với đối tượng lao động có việc làm thông qua việc tham gia quan hệ lao động, nên cần có quy định về tạo điều kiện vay vốn tạo việc làm, phát triển kỹ năng nghề, mở rộng các loại hình bảo hiểm (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm việc làm, bảo hiểm y tế)… để họ có thể tham gia được. Đối với đối tượng là các lao động đặc thù khác cần khẳng định lại quyền lợi, nguyên tắc bình đẳng của họ trong việc làm cũng như trách nhiệm của Nhà nước, của các tổ chức, cá nhân trong tạo việc làm. Cần có quy định hỗ trợ việc làm cho lao động đặc thù như: lao động làm việc trong các ngành, nghề thủ công truyền thống; lao động là người dân tộc thiểu số, lao động là người khuyết tật, lao động là người cao tuổi, lao động nữ, lao động thanh niên; lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao; lao động tự làm; lao động mất đất, lao động di cư.
Ngoài ra, cũng cần bổ sung quy định về chính sách phát triển việc làm theo ngành, vùng kinh tế, khắc phục sự mất cân đối về cơ hội việc làm giữa thành thị, nông thôn. Đồng thời, phải có quy định để hoàn thiện các chính sách giải quyết việc làm nhằm tạo ra việc làm và hướng tới việc làm đầy đủ, có chất lượng.
2.2. Pháp luật về việc làm cần có quy định về chính sách bảo đảm việc làm. Để khắc phục một số hạn chế về chính sách bảo hiểm thất nghiệp hiện hành, cần xây dựng và ban hành chính sách bảo hiểm việc làm (trên cơ sở chính sách bảo hiểm thất nghiệp hiện hành được quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội, nên mở rộng thêm việc hỗ trợ cho doanh nghiệp, người sử dụng lao động gặp khó khăn trong quá trình sản xuất, kinh doanh nhằm ngăn ngừa tình trạng mất việc làm và duy trì việc làm cho NLĐ). Đây là một chính sách của thị trường lao động với mục đích không chỉ là bù đắp thu nhập, hỗ trợ giải quyết rủi ro cho NLĐ mà mục đích chính nhằm duy trì việc làm, phòng chống thất nghiệp, đồng thời giúp NLĐ khi bị thất nghiệp nhanh chóng vượt qua được rủi ro, ổn định cuộc sống cũng như trợ giúp họ nhanh chóng quay lại thị trường lao động. Để thực hiện được mục đích này đòi hỏi chính sách bảo hiểm việc làm phải có sự phối hợp, thống nhất với các chính sách hỗ trợ về việc làm của Nhà nước (hỗ trợ phát triển việc làm, hỗ trợ ổn định việc làm....) bởi đối tượng thụ hưởng của chính sách bảo hiểm việc làm sẽ được mở rộng, vượt ra ngoài phạm vi đối tượng thụ hưởng của bảo hiểm xã hội (các chế độ bảo hiểm xã hội chỉ áp dụng đối với NLĐ, trong khi đó, bảo hiểm việc làm áp dụng cả đối với NLĐ và người sử dụng lao động). Bên cạnh đó, chính sách bảo hiểm việc làm không chỉ dừng lại ở việc trợ cấp thất nghiệp cho NLĐ khi bị thất nghiệp, thúc đẩy việc quay trở lại với thị trường lao động thông qua các hoạt động như: tư vấn giới thiệu việc làm, phát triển kỹ năng nghề... mà còn thực hiện các biện pháp để phòng chống thất nghiệp, chống sa thải hàng loạt.
2.3. Pháp luật cần tập trung vào quy định nâng cao chất lượng nguồn cung lao động để đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế, phục vụ cho mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Bên cạnh quy định về việc đẩy mạnh đào tạo nghề trình độ cao, huy động sự tham gia của phía người sử dụng lao động vào đào tạo, cần phát triển kỹ năng nghề cho NLĐ. Vấn đề phát triển kỹ năng nghề cần được bổ sung, quy định mới vì đây là năng lực để thực hiện một công việc cụ thể mà NLĐ có được thông qua đào tạo, bồi dưỡng, làm việc. Phát triển kỹ năng nghề được gắn với quá trình làm việc, thông qua làm việc để nâng cao kỹ năng lao động của NLĐ. Phát triển kỹ năng nghề nhằm mục tiêu giúp NLĐ có được kỹ năng phù hợp với các công việc nhất định của thị trường lao động. Bên cạnh đó, khi hội nhập ASEAN, theo Tuyên bố Hà Nội năm 2011, kỹ năng nghề của NLĐ cần được công nhận giữa các nước ASEAN. Điều này đặt ra yêu cầu cần xây dựng bộ tiêu chuẩn đánh giá kỹ năng nghề độc lập và hài hoà với tiêu chuẩn chung của các nước ASEAN để khi NLĐ Việt Nam đã được công nhận kỹ năng nghề tại Việt Nam có thể tìm kiếm việc làm tại các nước trong khối ASEAN. Như vậy, phát triển nguồn nhân lực của quốc gia không chỉ nhằm phục vụ các vấn đề trong phạm vi quốc gia mà còn đồng thời phải chuẩn bị các điều kiện cho lao động Việt Nam tiếp cận, hội nhập thị trường lao động quốc tế.
2.4. Pháp luật phải phù hợp với một số tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản. Quá trình hội nhập quốc tế đặt ra yêu cầu pháp luật quốc gia phải phù hợp với tiêu chuẩn lao động quốc tế. Liên quan đến lĩnh vực việc làm là yêu cầu xóa bỏ sự phân biệt đối xử trong công việc. Điều này cần được thể hiện thành những quy định về bảo đảm quyền làm việc, quyền bình đẳng về việc làm giữa nam và nữ trong công việc, không phân biệt đối xử vì lý do dân tộc, tôn giáo. Bên cạnh đó, cũng cần có quy định ưu tiên, hỗ trợ về việc làm cho một số đối tượng lao động đặc thù như người khuyết tật, NLĐ tự làm, NLĐ ở khu vực phi chính thức, lao động là người dân tộc thiểu số.../.
 
 

[1] Công ước số 87 năm 1948 về Quyền tự do hiệp hội và việc bảo vệ quyền được liên kết; Công ước số 98 năm 1949 về Quyền được tổ chức và thương lượng tập thể; Công ước số 29 năm 1930 về Lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc; Công ước số 105 năm 1957 về Xoá bỏ lao động cưỡng bức; Công ước số 138 năm 1973 về Tuổi lao động tối thiểu; Công ước số 182 năm 1999 về Cấm và hành động ngay lập tức để xoá bỏ những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất; Công ước số 100 năm 1951 về Trả công bình đẳng giữa lao động nam và lao động nữ cho một công việc có giá trị ngang nhau; Công ước số 111 năm 1958 về Phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp