Cơ sở xây dựng Luật Thuế thu nhập cá nhân tối ưu

01/10/2012

Một trong những sắc thuế gây tranh luận nhiều nhất hiện nay là Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) hiện hành và dự thảo Luật Thuế TNCN áp dụng cho năm 2014. Các tranh luận xoay quanh vấn đề mức khấu trừ cho cá nhân và người phụ thuộc không hợp lý, tiếp theo là việc đánh thuế chưa thật sự hiệu quả và công bằng. Bài viết bàn về vấn đề xây dựng mức khấu trừ hợp lý và làm sao để đánh thuế TNCN mang tính tối ưu.
 Untitled_539.png
Ảnh minh họa: nguồn internet
 
 
1. Cơ sở lý thuyết về đánh thuế thu nhập tối ưu
Đánh thuế thu nhập tối ưu là một trong những mục tiêu đặt ra trong xây dựng chính sách thuế thu nhập, vì đây là loại thuế trực thu nên tính tác động lan toả của nó đối với nền kinh tế là rất sâu rộng. Chính vì lý do này mà các nước phát triển đã nghiên cứu rất kỹ trước khi ban hành chính sách thuế, mục tiêu là làm giảm các tác động tiêu cực của chính sách thuế đối với nền kinh tế. Sau đây, chúng ta hãy xem xét hai mô hình gợi ý làm sao để xây dựng chính sách thuế thu nhập tối ưu.
1.1. Mô hình Edgeworth
Mô hình này do Edgeworth (1897-1959) đề xuất, nghiên cứu vấn đề đánh thuế thu nhập tối ưu. Mô hình này dựa vào ba giả định sau:
(1)   Gọi W là tổng phúc lợi xã hội, Ui là hữu dụng của cá nhân thứ i trong xã hội, hàm phúc lợi xã hội có dạng:
W = 2_45.jpg, hệ thống thuế phải tối đa hoá giá trị hữu dụng hay tối đa hoá W
(2)   Các cá nhân có hàm hữu dụng đồng nhất và hàm hữu dụng chỉ phụ thuộc vào thu nhập
(3)   Tổng số thu nhập là con số cố định
Theo ba giả định trên thì để tối đa hoá phúc lợi xã hội (W) đòi hỏi hữu dụng biên tế thu nhập của mỗi cá nhân là như nhau. Với điều kiện (2) thì các hàm hữu dụng biên tế bằng nhau khi và chỉ khi thu nhập là bằng nhau. Kết quả này hàm ý trong chính sách thuế tối ưu là chính phủ phải đánh thuế như thế nào đó, sao cho phân phối thu nhập sau thuế càng ngang nhau càng tốt. Như vậy thu nhập trước tiên nên lấy đi từ người giàu, vì như vậy, thiệt hại hữu dụng biên tế của họ là nhỏ hơn của người nghèo.
Mô hình này gây nhiều tranh cãi bởi một số giả định trên nay đã không còn phù hợp, các nhà kinh tế đang khảo sát xem các kết quả sẽ thay đổi như thế nào khi thay đổi các giả định.
1.2. Mô hình hiện đại
Nghiên cứu của Stern[1] giả định số thu thuế từ một cá nhân là hàm số sau đây:
Ti = -α+ t.Ii      (*)
Trong đó:
Ti là số thu thuế của cá nhân thứ i
α : là hằng số (>0)
t: được xem là thuế suất (biên tế)
Ii : là thu nhập của cá nhân thứ i
Ví dụ: Có hai cá nhân A và B, thu nhập của A = 50.000 USD/năm, trong khi thu nhập của B = 6.000 USD/năm, cho α = 3.000 USD, t = 25%, thì nghĩa vụ thuế của họ là:
TA = -3.000 + 0.25*50.000 = 9.500 USD/năm
TB = -3.000 + 0.25*6.000 = -1.500 USD/năm
Nghĩa là cá nhân A trong năm phải nộp 9.500 USD tiền thuế TNCN, còn cá nhân B sẽ được cơ quan thuế hoàn lại 1.500 USD trong năm đó.
Phương trình (*) cho thấy, giữa thuế và thu nhập có quan hệ tuyến tính theo đồ thị sau đây:
1_72.jpg
Đồ thị 1: Thuế thu nhập tuyến tính
 
Đồ thị 1 thể hiện tính luỹ tiến của thuế thu nhập: Thu nhập của cá nhân càng cao thì tỷ lệ thuế phải trả so với thu nhập càng cao, giá trị của t càng lớn thì tính luỹ tiến càng cao (tính luỹ tiến là thước đo tính công bằng của thuế). Tuy nhiên t càng cao tính luỹ tiến càng lớn nhưng nó lại tạo ra gánh nặng tăng thêm lớn (gánh nặng thuế đo lường tính hiệu quả của thuế - thuế hiệu quả khi gánh nặng này càng nhỏ càng tốt). Do vậy, đánh thuế thu nhập tối ưu là phải tìm ra kết hợp tốt nhất giữa t và α nhằm tối đa hoá phúc lợi xã hội (W). Stern cho rằng, nếu chính phủ đánh thuế khoảng 20% trên thu nhập, giá trị của t=19% thì có thể tối đa hoá phúc lợi xã hội. Hạn chế trong nghiên cứu của Stern là chỉ tồn tại duy nhất một thuế suất biên tế đơn.
2.Phân tích tính phù hợp của Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành
2.1. Hệ thống thuế TNCN tại Hoa Kỳ
Như đã trình bày ở phần trên, vấn đề xây dựng hệ thống thuế tối ưu đòi hỏi hai tính chất: tính hiệu quả (làm tối đa hoá phúc lợi xã hội bằng cách tối thiểu hoá tổn thất) và tính công bằng (thuế phải mang tính luỹ tiến - theo mô hình của Stern).
Nếu như áp dụng công bằng theo chiều ngang, thì mô hình của Stern tính toán tương đối đơn giản, tuy nhiên ngày nay xu hướng chuyển từ công bằng ngang sang công bằng dọc, nghĩa là đánh thuế có xem xét với hoàn cảng sống của từng cá nhân, do vậy việc xác định α và các mức thuế t trở nên phức tạp. Về nguyên tắc, chính phủ phải nghiên cứu rất kỹ để đưa ra mức khấu trừ hợp lý (có thể xem như α trong mô hình của Stern) và xây dựng các mức thuế phù hợp để thuế mang tính luỹ tiến hợp lý (vì nếu đưa ra bậc thuế cao, tính luỹ tiến cao, công bằng cao nhưng không hiệu quả vì lúc này nó tạo ra gánh nặng lớn).
Phần trình bày sau đây tóm tắt cách tính thuế TNCN tại Hoa Kỳ, hệ thống thuế được xem là hợp lý, hiệu quả và công bằng.
Để tính thuế thu nhập, trước tiên cần tính mức thu nhập điều chỉnh tính thuế thu nhập (AGI- Adjustable Gross Income)
AGI = Tổng tất cả các khoản thu nhập - Các chi phí cho phép
Trong đó:
  • Tổng các khoản thu nhập bao gồm: Tiền lương, lợi nhuận, tiền cho vay, cổ tức, lợi nhuận kinh doanh, lãi vốn, trợ cấp thất nghiệp,...
  • Các khoản chi phí trừ bao gồm: tài khoản nghỉ hưu của cá nhân, chi phí lãi vay sinh viên, chi phí di chuyển (moving expenses), chi phí bảo hiểm y tế tự nguyện (không phải bảo hiểm y tế bắt buộc), chi trả cấp dưỡng, tiền phạt rút tiết kiệm sớm (penalties paid on early withdrawal of savings),...
Tiếp theo là tính thu nhập tính thuế (TI-Tax Income)
TI = AGI - Các khoản giảm trừ
Các khoản giảm trừ bao gồm:
  • Giảm trừ cho cá nhân: Năm 2010, mức giảm trừ cho một cặp vợ chồng là 11.400 $, người độc thân và vợ chồng sống riêng là 5.700 $, mức giảm trừ cho chủ hộ là 8.400 $ cho một năm.
  • Các khoản giảm trừ khác gồm: Những đóng góp từ thiện, những chi phí y tế bắt buộc, thuế thu nhập tiểu bang, thuế bất động sản, những khoản chi trả lợi nhuận nhất định,...
                            Sau cùng là tính thuế thu nhập phải nộp theo biểu thuế luỹ tiến:
Bảng 1. Biểu thuế luỹ tiến TNCN năm 2011 tại Hoa Kỳ
Thuế suất
Độc thân
Kết hôn
Sống chung
Kết hôn
Sống riêng
Chủ hộ
10%
$0
$0
$0
$0
15%
$8,500
$17,000
$8,500
$12,150
25%
$34,500
$69,000
$34,500
$46,250
28%
$83,600
$139,350
$69,675
$119,400
33%
$174,400
$212,300
$106,150
$193,350
35%
$379,150
$379,150
$189,575
$379,150
Ví dụ: Thu nhập tính thuế một cá nhân độc thân năm 2011 là 40.000 $, mức thuế tính như sau: 8.500 $ đầu tiên thuế bằng 8.500*10% = 85 $; thu nhập từ 8.501 $ đến 34.500 $ mức thuế là 15%, số thuế bằng (34.500 $ - 8.500 $)*15% = 3.900 $; phần thu nhập còn lại chịu thuế suất 25% tính bằng (40.000 $ - 34.500 $)*25% = 1.375 $; tổng nghĩa vụ thuế = 6.125 $, và thuế suất trung bình của cá nhân = 6.125/40.000 = 15.31%
Nhận xét:
Luật Thuế TNCN tại Hoa Kỳ có các ưu việt sau đây:
- Thứ nhất, mức giảm trừ cho cá nhân là có phân biệt giữa người độc thân, đã kết hôn sống chung, đã kết hôn nhưng ly thân và chủ hộ gia đình. Mức giảm trừ này đã được nghiên cứu rất khoa học, dựa trên mức sống thực tế và được điều chỉnh qua các năm;
- Thứ hai, mức giảm trừ là khá rộng, giảm trừ các khoản chi phí và các khoản bổ sung khác khá rộng phù hợp cho cuộc sống, đáp ứng cho nhu cầu sống tối thiểu cho một cá nhân;
- Thứ ba, mang tính hoàn trả trực tiếp, cá nhân có nghĩa vụ thuế âm, sẽ được cơ quan thuế hoàn trả trực tiếp (chương trình trợ cấp bù thuế).
2.2. Hệ thống thuế TNCN tại Việt Nam
Thuế TNCN tại Việt Nam có hiệu lực áp dụng từ ngày 1/1/2009 thay thế cho Pháp lệnh về Thuế cho người có thu nhập cao. Tính ưu việt của Luật Thuế TNCN so với trước là chuyển từ hình thức công bằng theo chiều ngang sang công bằng theo chiều dọc, nghĩa là tính thuế có xem xét đến hoàn cảnh sống của từng cá nhân, thông qua việc cho khấu trừ cho bản thân và người phụ thuộc. Tuy nhiên, xét trên tính tối ưu thì thuế TNCN tại nước ta hiện nay còn một số hạn chế sau đây:
- Mức khấu trừ cho cá nhân tính chung là 4 triệu đồng/người/tháng, không phân biệt độc thân hay kết hôn, hay chủ hộ… như vậy chưa đảm bảo tính công bằng theo chiều dọc;
- Mức giảm trừ cho cá nhân và người phụ thuộc là cố định, không được điều chỉnh theo mức sống từng năm. Ví dụ như một người độc thân tại Hoa Kỳ được khấu trừ 4.550 $ trong năm 2001, đến năm 2011 mức khấu trừ là 5.700 $, tăng 25,27%, tức tăng bình quân khoảng 2,5%/năm, trong khi chỉ số lạm phát của Hoa Kỳ duy trì ở mức thấp. Còn tại Việt Nam trong các năm qua, nhất là các năm 2009, 2010, 2011 chỉ số lạm phát tăng khá cao nhưng mức thu nhập khấu trừ tính thuế cho cá nhân vẫn cố định, không được điều chỉnh;
                      Bảng 2. Tỷ lệ lạm phát ở Mỹ và Việt Nam qua các năm
Năm
Mỹ
Việt Nam
2005
3,4
8,3
2006
2,5
7,1
2007
4,1
8,3
2008
0,1
23,12
2009
2,7
5,92
2010
1,5
11,75
2011
3,0
18,6
Nguồn: www.usinflationcalculator.com/inflation, Tổng cục Thống kê (Việt Nam)
- Xây dựng mức khấu trừ cho cá nhân và người phụ thuộc chưa dựa trên mức nghiên cứu hợp lý, mức giảm trừ này phải được khảo sát dựa trên các chứng cứ khoa học hợp lý, nhằm đảm bảo cuộc sống cho một cá nhân trước khi tính thuế, mức giảm trừ này được tính đồng mức cho tất cả các khu vực nên không công bằng giữa người sống ở thành thị và nông thôn, vì mức sống ở hai khu vực này là khác nhau;
- Thuế thu nhập tại Việt Nam chưa cho khấu trừ các khoản chi phí hợp lý phục vụ cho cuộc sống bản thân và gia đình như: chi phí đi lại, di chuyển; chi phí lãi mua nhà, chi phí bảo hiểm y tế ngoài bảo hiểm y tế bắt buộc,…;
- Đánh thuế không công bằng giữa người cư trú và không cư trú, tính ra thuế thu nhập từ kinh doanh và tiền lương tiền công thì người không cư trú có thể bị đánh thuế cao hơn người cư trú, trong khi thu nhập từ chứng khoán, bất động sản thì người không cư trú lại chịu thuế ít hơn người cư trú.
3. Một số kiến nghị xây dựng Luật Thuế TNCN tối ưu tại nước ta
Từ các phân tích trên, nhằm xây dựng Luật Thuế TNCN mang tính hiệu quả và công bằng, chúng tôi đề nghị một số giải pháp sau đây:
- Xây dựng mức giảm trừ cho cá nhân và người phụ thuộc cần phải khảo sát và tính toán dựa trên mức giảm trừ hợp lý. Mức giảm trừ hợp lý là ngưỡng thu nhập trung bình tối thiểu phục vụ cho nhu cầu sống. Nên khảo sát dựa vào mô hình kinh tế lượng của Stern, tìm ra giá trị anpha (α) và đây chính là mức khấu trừ hợp lý cho một cá nhân.
- Mức khấu trừ cho cá nhân phải có sự điều chỉnh phù hợp với mức sống hằng năm, cụ thể là nên có hệ số điều chỉnh dựa vào mức tăng chỉ số giá hằng năm.
- Để đảm bảo tính công bằng, hợp lý giữa các khu vực, nên có hệ số điều chỉnh mức khấu trừ theo ba khu vực, vì mức sống giữa khu vực thành thị và nông thôn là rất khác nhau.
- Mở rộng các khoản giảm trừ phục vụ nhu cầu sống, tăng phúc lợi xã hội như: lãi vay mua nhà; lãi vay sinh viên; chi phí bảo hiểm y tế mua ngoài (nếu có); các khoản thuế khác đã nộp như thuế nhà đất, thuế lợi tức,…
- Thực hiện đánh thuế công bằng giữa người cư trú và người không cư trú nhằm tránh tình trạng trốn thuế, gian lận thuế. Ví dụ như thuế đánh trên chứng khoán đối tượng cư trú chọn một trong hai cách tính là 20% trên lãi hoặc 0,1% trên giá chuyển nhượng, trong khi đối tượng không cư trú đánh thuế theo một phương pháp là 0,1% trên giá chuyển nhượng. Đương nhiên nếu chứng khoán lên giá thì chọn cách 0,1% sẽ có lợi hơn, do vậy, cá nhân cư trú có thể nhờ người không cư trú mở tài khoản kinh doanh để được lợi ích do tiền thuế thấp hơn nhiều lần./.


[1] Stern, Lý thuyết hàng hoá tối ưu và đánh thuế thu nhập, Oxford University Press (1987)