Mở rộng phạm vi hành nghề của luật sư Việt Nam trong tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài

01/08/2012

Theo Luật Luật sư (Luật LS), phạm vi hành nghề luật sư bao gồm tham gia tố tụng, thực hiện tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng để thực hiện các công việc có liên quan đến pháp luật và thực hiện các dịch vụ pháp lý khác[1]. Tuy nhiên, khi tham gia hành nghề trong tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài, luật sư Việt Nam (LSVN) không được tham gia tố tụng tại Tòa án Việt Nam. Bài viết phân tích những hạn chế của quy định này; đồng thời kiến nghị mở rộng phạm vi hành nghề của LSVN trong tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài.
Untitled_557.png
Ảnh minh họa: nguồn internet
Khởi thủy của nghề luật sư tại Việt Nam chính là “nghề thầy cãi” trong khi hoạt động tư vấn pháp luật mới được xem là hoạt động độc lập của nghề luật sư từ cuối những năm 90 trở lại đây[2]. Vì vậy, trong xã hội, luật sư được rộng rãi biết đến như là “thầy cãi” hay là người giúp khách hàng tham gia tranh tụng tại Tòa án hơn là tham gia tư vấn pháp luật.
LSVN có quyền lựa chọn giữa hành nghề trong tổ chức hành nghề luật sư (bao gồm tổ chức hành nghề luật sư trong nước hoặc tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam) và hành nghề với tư cách cá nhân[3]. Trường hợp LSVN hành nghề với tư cách cá nhân hoặc hành nghề trong tổ chức hành nghề trong nước như văn phòng luật sư hay công ty luật trong nước thì LSVN được phép thực hiện mọi công việc trong phạm vi hành nghề được phép bao gồm cả tham gia tố tụng tại Tòa án Việt Nam. Tuy nhiên, nếu LSVN hành nghề trong tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam thì phạm vi hành nghề của họ bị hạn chế, cụ thể là LSVN không được phép tham gia tố tụng tại Tòa án Việt Nam cho khách hàng của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài mà mình làm việc[4].
Khác với một số nước Châu Á như Trung Quốc và Hàn Quốc hiện vẫn còn bảo lưu thị trường dịch vụ pháp lý cho tổ chức hành nghề luật sư trong nước, Việt Nam đã mở cửa thị trường này cho tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài từ trước khi trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Cho đến nay hầu hết các tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài lớn, uy tín và mang tầm quốc tế đều có hiện diện thương mại tại Việt Nam. Tính riêng tại địa bàn thành phố Hồ Chí Minh cho đến thời điểm hiện tại có khoảng 45 tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài đăng ký cấp phép hoạt động hành nghề. Để được phép tư vấn pháp luật Việt Nam, theo Luật LS, các tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài phải có LSVN hoặc luật sư nước ngoài được cấp phép hành nghề tại Việt Nam và có bằng cử nhân luật[5]. Rất ít luật sư nước ngoài hiện có bằng cử nhân luật cấp tại Việt Nam, do đó các tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài thường phải thuê LSVN để được phép tư vấn pháp luật Việt Nam. Chính vì vậy, hiện có một số lượng đáng kể LSVN đang tham gia hành nghề tại tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam.
Hoạt động tham gia tranh tụng của luật sư luôn là một trong những hoạt động chính và quan trọng của LSVN. Hơn nữa, lĩnh vực tố tụng luôn được coi là điểm nhấn của hành nghề luật sư và thậm chí là niềm đam mê, niềm hạnh phúc của hầu hết các LSVN. Tuy nhiên, khi tham gia hành nghề trong tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài LSVN hiện đang bị “tước” đi quyền này. Theo chúng tôi, việc hạn chế này nên xem xét loại bỏ vì những lý do sau:
Thứ nhất, một trong các quyền cơ bản của LSVN được ghi nhận trong Luật LS là được phép hành nghề luật sư trong khi hành nghề luật sư này được hiểu bao gồm cả tham gia tố tụng tại Tòa án Việt Nam[6]. Việc không cho phép tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài được cử LSVN tham gia tố tụng tại Tòa án Việt Nam là gián tiếp hạn chế quyền cơ bản về hành nghề của LSVN.
Thứ hai, LSVN phải có nghĩa vụ tham gia tố tụng trong các vụ án do cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu theo quy định của Luật LS[7]. Thực tế vụ án mà cơ quan tố tụng thường yêu cầu người bào chữa là vụ án có bị can, bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần; bị can, bị cáo phạm tội theo khung hình phạt có mức cao nhất là tử hình; mà bản thân bị can, bị cáo hoặc người đại diện hợp pháp của họ không mời người bào chữa. Trong trường hợp được yêu cầu, LSVN phải thực hiện nghĩa vụ này kể cả đối với LSVN hiện đang hành nghề trong tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài. Do bị hạn chế về phạm vi hành nghề tham gia tố tụng tại Tòa án nên LSVN hành nghề trong tổ chức hành nghề nước ngoài thường không có kinh nghiệm trong lĩnh vực tham gia tranh tụng và hậu quả có thể không bảo vệ tối đa được quyền lợi của bị can, bị cáo. Thậm chí LSVN có thể gây cản trở hoạt động tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng với lý do đơn giản là không được thường xuyên trau dồi, thực hành trong lĩnh vực tố tụng.
Thứ ba, hoạt động hành nghề của LSVN là đặc thù. Khác với phần lớn các ngành nghề khác, hoạt động này đòi hỏi tính bảo mật cao cho khách hàng của mình. Đồng thời, LSVN được khách hàng tìm đến chủ yếu dựa trên uy tín và kinh nghiệm cá nhân. Vì vậy, thực tế khách hàng thường mong muốn LSVN do mình lựa chọn có thể thực hiện trọn gói toàn bộ các công việc liên quan đến pháp lý (tất nhiên bao gồm cả tham gia tố tụng cho khách hàng). Việc không cho phép LSVN trong các tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam tham gia hoạt động tố tụng tại Tòa án Việt Nam đã và đang ngăn cản LSVN được phép cung cấp dịch vụ trọn gói và vì thế, có thể ảnh hưởng gián tiếp tới quyền và lợi ích của chính khách hàng. Trong khi đó Luật LS cũng đã gián tiếp ghi nhận một số tình huống tương tự để bảo vệ quyền lợi cho chính khách hàng như quy định tại khoản 3 Điều 24 Luật LS: “Luật sư không chuyển giao vụ, việc mà mình đã nhận cho luật sư khác làm thay, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý hoặc trường hợp bất khả kháng”.
Thứ tư, khuynh hướng nói chung của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam là mong muốn nhận được trợ giúp pháp lý, sử dụng dịch vụ trọn gói từ chính các tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam có cùng quốc tịch. Lý do đơn giản là nhà đầu tư tìm được điểm tương đồng về văn hóa và sự tín nhiệm tại các tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài này. Trong khi có thể công việc cụ thể tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài sẽ giao trực tiếp cho LSVN. Vì vậy, việc cho phép LSVN trong tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam tham gia tố tụng cho khách hàng sẽ đáp ứng được nhu cầu thực tế của phần lớn các nhà đầu tư nước ngoài; phần nào tạo tâm lý an tâm đầu tư hơn cho nhà đầu tư nước ngoài. Điều này có tác động gián tiếp đến thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn đang suy thoái và nhà đầu tư nước ngoài có nhiều cơ hội đầu tư vào các nước khác có môi trường đầu tư hấp dẫn không kém Việt Nam.
Thứ năm, có thể một trong các lý do hiện Việt Nam bảo lưu không cho phép LSVN làm việc trong tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam không được phép tham gia tố tụng tại Tòa án Việt Nam là để “bảo hộ” hoạt động này cho tổ chức hành nghề luật sư trong nước và vì một số lợi ích công cộng. Tuy nhiên, việc bảo hộ này nếu có, nên chỉ giới hạn không cho tham gia tố tụng đối với luật sư nước ngoài hơn là đối với LSVN hoặc chỉ giới hạn ở vụ án hình sự mang tính chất nhạy cảm hoặc liên quan nhiều đến lợi ích công cộng. Đối với vụ án dân sự kinh tế thuần túy cần cho phép LSVN được tham gia tố tụng cho khách hàng. Thực tế quy định của pháp luật về việc bảo hộ này không hiệu quả vì tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam có thể dễ dàng “lách” luật bằng cách để khách hành ủy quyền cho LSVN trong tổ chức hành nghề luật sư của mình nhận ủy quyền trực tiếp từ khách hàng hoặc nhờ LSVN thành lập các tổ chức hành nghề luật sư trong nước ngay tại trụ sở của mình để hợp pháp hóa các vụ việc tố tụng tại Tòa án từ khách hàng.
Báo cáo về kết quả hành nghề của các tổ chức hành nghề luật sư tại Việt Nam của Bộ Tư pháp trong những năm gần đây đều đánh giá cao chất lượng hành nghề nổi trội của các tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam. LSVN làm việc trong các tổ chức hành nghề này đã và đang có các cơ hội quý báu để học hỏi nghề nghiệp và được cọ sát với các luật sư nước ngoài tầm cỡ quốc tế ngay tại Việt Nam. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi để phát triển đội ngũ LSVN ngang tầm các nước trong khu vực và trên thế giới như quy định trong Quyết định số 1072/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 05/7/2011 về việc phê duyệt chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020. Việc cho phép LSVN hành nghề trong các tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài được phép tham gia tố tụng sẽ mang lại cơ hội phát triển toàn diện hơn cho LSVN. Đồng thời, sự mở rộng này còn có ý nghĩa đảm bảo quyền được lựa chọn, gửi gắm của khách hàng vào những LSVN và ở mức độ nhất định có tác động gián tiếp thu hút đầu tư nước ngoài. Vì vậy, chúng ta nên cho phép LSVN hành nghề trong tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam được trực tiếp tham gia tố tụng tại Tòa án Việt Nam./.

 


[1] Điều 22 Luật LS.
[2] Khoản 2, Điều 13 của Pháp lệnh Tổ chức hành nghề luật sư 1987 lần đầu tiên ghi nhận hành nghề của luật sư bao gồm làm tư vấn pháp luật cho các tổ chức kinh tế nhà nước, tập thể và tư nhân, kể cả các tổ chức kinh tế nước ngoài bên cạnh hoạt động hành nghề truyền thống là tham gia tố tụng.
[3] Điều 23 Luật LS.
[4] Theo Phụ lục đính kèm Nghị quyết của Quốc hội số 71/2006/QH11 ngày 29/11/2006 phê chuẩn Nghị định thư gia nhập HIệp định thành lập WTO của Việt Nam.
[5] Điều 70 Luật LS.
[6] Điểm a khoản 1 Điều 21 Luật LS.
[7] Điểm c khoản 2 Điều 21 Luật LS.