Tìm lời giải cho bài toán về độc quyền và cạnh tranh

01/04/2014

1. Một số biểu hiện tình trạng độc quyền và cạnh tranh không lành mạnh
Từ khi nước ta phát triển nền kinh tế thị trường, định hướng XHCN, trong hoạt động kinh doanh đã xuất hiện và tồn tại một số biểu hiện về tình trạng độc quyền và cạnh tranh không lành mạnh. Xin đơn cử một số ví dụ dưới đây.
- Vụ tranh chấp giữa Tổng công ty Viễn thông quân đội (Viettel)Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) tháng 6/2005: Theo Bộ Quốc phòng, đơn vị chủ quản của Viettel, Viettel và VNPT đã ký các cam kết, theo đó VNPT có nghĩa vụ đáp ứng đủ nhu cầu kết nối vào mạng của mình cho Viettel để phát triển mạng điện thoại di động của Viettel. Tuy nhiên, khi thuê bao Viettel tăng lên thì mạng bị nghẽn mạch do VNPT không tăng dung lượng kết nối. Việc nghẽn mạch đã khiến nhiều khách hàng ngưng sử dụng dịch vụ của Viettel; số lượng thuê bao mới giảm đi khoảng 50%. Hai bên phát sinh tranh chấp.
Trước vụ việc tranh chấp kết nối giữa mạng di động của Viettel và mạng viễn thông của  VNPT, Bộ Bưu chính Viễn thông đã tổ chức họp và giải quyết ngay sự cố sau khi nhận được đề nghị của doanh nghiệp. Ngay sau khi nhận được công văn số 3428/TCTVTQĐ ngày 23/6/2005 của Viettel và công văn số 3114/BQP ngày 25/6/2005 của Bộ Quốc phòng, ngày 29/6/2005, Bộ Bưu chính Viễn thông đã tổ chức cuộc họp hiệp thương giữa hai doanh nghiệp để thống nhất giải pháp giải quyết tranh chấp.
Ngày 4/7/2005, Bộ Bưu chính Viễn thông đã ra Thông báo số 40/TB-BBCVT kết luận phiên họp. Đến ngày 10/7/2005, hai doanh nghiệp đã bàn bạc chi tiết và thực hiện kết nối được 29 luồng E1 tại 07 điểm kết nối và đến ngày 03/8/2005, theo báo cáo của hai doanh nghiệp, VNPT đã thực hiện kết nối được 50 luồng E1 tại 24 điểm kết nối trên toàn quốc.
Như vậy, sau một tháng xảy ra sự cố tranh chấp kết nối, Bộ Bưu chính Viễn thông đã giải quyết xong tranh chấp, sau khi tổ chức hiệp thương giữa hai doanh nghiệp và các doanh nghiệp đã thực hiện xong kết luận giải quyết tranh chấp này. Nhưng đây là tranh chấp giữa hai doanh nghiệp lớn đều có tiềm lực mạnh, lại do yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước (Thủ tướng Chính phủ có văn bản thông báo yêu cầu các bên giải quyết dứt điểm chuyện kết nối và báo cáo trước ngày 15/8/2005) nên vụ việc tranh chấp mới được giải quyết ổn thỏa.
- Vị thế độc quyền của Đài truyền hình Việt Nam (VTV) trong thị trường truyền hình cáp: Theo ước tính sơ bộ, các đơn vị thuộc VTV như VCTV hiện đang nắm hơn 1 triệu thuê bao, SCTV nắm 1,5 triệu thuê bao còn K+ có trong tay hơn 400.000 thuê bao. Tức là VTV đã kiểm soát hơn 3 triệu thuê bao trên tổng số khoảng 4,5 triệu thuê bao truyền hình trả tiền (THTT) của cả nước (hơn 70% thị phần truyền hình cáp). Cũng trong 3 năm qua, VCTV và SCTV đã nhiều lần tăng cước thuê bao, từ 44.000 đồng/tháng lên 110.000 đồng/tháng hiện nay. Cũng có nghĩa là giá cước thuê bao đã tăng gấp gần 3 lần.                                       .
Với quy mô thị trường THTT tại Việt Nam còn nhỏ, đang phát triển và có nhiều tiềm năng, nhiều doanh nghiệp viễn thông, hạ tầng thông tin muốn gia nhập thị trường này, như Viettel và FPT. Tuy nhiên, trong khi không gặp bất cứ khó khăn nào về mặt công nghệ, hạ tầng kỹ thuật vì các doanh nghiệp này chỉ cần tận dụng mạng lưới mình đang có để triển khai cung cấp dịch vụ, thì họ lại vướng phải vấn đề giấy phép kinh doanh. Nguyên nhân là vì trước đó, VCTV, SCTV cùng với Hiệp hội THTT đã kiến nghị với các Bộ, ngành chức năng không cấp thêm giấy phép dịch vụ truyền hình cáp, với lý do các doanh nghiệp bên ngoài VTV không được sản xuất nội dung truyền hình. Đại diện của Viettel, FPT đã có những phản ứng khá gay gắt trước quan điểm này. Ông Trương Gia Bình, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT cho rằng, VTV không thể cố tình đồng nhất nội dung truyền hình với hạ tầng công nghệ để cung cấp dịch vụ truyền hình. Trên thực tế, với sự phát triển chóng mặt của công nghệ hiện nay, các hãng công nghệ có đầy đủ điều kiện để nắm bắt các công nghệ truyền hình mới để cung cấp cho người dùng với mức giá tối ưu nhất. Ngược lại, các đài truyền hình chỉ mạnh về làm nội dung chứ không thể cập nhật xu hướng công nghệ nhanh bằng các hãng hạ tầng, viễn thông[1].
- Một ví dụ khác: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã nhiều lần tăng, giảm giá điện bất hợp lý khiến cho khách hàng là người dân và doanh nghiệp kêu ca nhiều. Việc tăng giá bán điện chủ yếu do EVN xây dựng đề án, trình Chính phủ (cụ thể là trình Bộ Công thương) phê duyệt. Và hầu như phương án giá nào đưa trình cũng được chấp thuận. Việc Bộ Công thương trao quyền cho EVN tự tính toán các yếu tố đầu vào để làm căn cứ điều chỉnh giá bán điện càng khiến cho Tập đoàn này tăng cấp độ độc quyền. Mới đây nhất, ngày 31/7/2013, với sự chấp thuận của Bộ Công thương, EVN đã công bố tăng 5% giá điện và áp dụng ngay ngày 1/8 khiến dư luận rất bất ngờ. Chi phí, giá cả do EVN đưa ra, công bố, đều mang tính áp đặt một chiều. Giá điện qua các kỳ điều chỉnh còn mang nặng dấu ấn của cơ chế hành chính, thiếu cơ sở khoa học, thiếu minh bạch, nên khó thuyết phục được sự đồng thuận của khách hàng sử dụng điện.
Như vậy, việc điều chỉnh giá bán điện ngày 31/7/2013 là lần tăng giá thứ năm của EVN kể từ năm 2011 (hai lần tăng năm 2011, hai lần tăng năm 2012). Theo EVN, năm 2012 tổng doanh thu bán điện của Tập đoàn này lên tới trên 143.000 tỉ đồng (tức khoảng 7 tỉ USD), lợi nhuận trên 5.000 tỉ đồng. Với việc tăng giá điện lần thứ năm, nhiều chuyên gia ước tính, EVN đã có thêm vài ngàn tỉ doanh thu nữa trong riêng năm 2013[2].
 - Gần đây nhất, 3 nhà mạng VinaPhone, MobiFone và Viettel đều tăng cước đồng loạt vào ngày 16/10/2013. Việc cả 3 nhà mạng cùng bắt tay nhau tăng giá cước đã gây ra những hiệu ứng không tốt, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế và túi tiền người dân, gián tiếp tác động đến việc   tăng giá ở nhiều lĩnh vực dịch vụ trong xã hội, điển hình như trong ngành giao thông vận tải. Khi các đơn vị nói trên thực hiện việc điều chỉnh giá cước với cách tính cước tăng “nhảy vọt” gấp nhiều lần, hàng vạn thiết bị giám sát hành trình đã ngừng hoạt động do không truyền phát dữ liệu về máy chủ được, khiến cho hàng loạt lái xe có nguy cơ bị tước giấy phép.
Những hiện tượng nêu trên đang ngày càng gây bức xúc trong dư luận, mặc dù các cơ quan quản lý, trước hoặc sau khi đưa ra các chính sách tăng, giảm giá đều có giải thích. Nhưng các lập luận đều chưa làm thỏa mãn mong đợi của người dân, của các doanh nghiệp, tổ chức có liên quan.
Các hiện tượng tương tự như vậy đều là biểu hiện của sự độc quyền trong nền kinh tế. Trên thị trường độc quyền, doanh nghiệp độc quyền kiểm soát toàn bộ (hoặc phần lớn) lượng cung hàng hóa, dịch vụ nên có thể quyết định giá sản phẩm của mình để hưởng lợi nhuận siêu ngạch.
Nếu như trên thị trường, có nhiều doanh nghiệp bán cùng một mặt hàng, cung cấp một loại dịch vụ, thì mỗi doanh nghiệp riêng lẻ sẽ không thể gây ảnh hưởng được tới giá bán sản phẩm, mà phải chấp nhận giá theo quy luật cạnh tranh của thị trường.
Độc quyền và cạnh tranh đã và đang được nhắc đến nhiều hiện nay ở nước ta vì những khái niệm này - xét về thực tiễn - vẫn còn nhiều tranh cãi. Thực tế đã chứng minh rằng, có độc quyền thì không có cạnh tranh. Còn nếu cạnh tranh lành mạnh thì hạn chế được độc quyền, khiến cho độc quyền khó có cơ hội để phát triển. Tuy nhiên, nếu cạnh tranh không lành mạnh thì tác hại của nó cũng chẳng khác gì độc quyền.
Vì là nhà độc quyền nên doanh nghiệp độc quyền tùy ý áp đặt giá cả mà không cần đếm xỉa đến nhu cầu của khách hàng vì khách hàng không có sự lựa chọn nào khác hơn. Hơn nữa, độc quyền khiến cho các doanh nghiệp nhỏ cùng ngành kinh doanh không có khả năng cạnh tranh do bị doanh nghiệp độc quyền áp giá.
Độc quyền không chỉ gây ra việc tăng giá tuỳ tiện mà còn cung cấp những sản phẩm kém chất lượng. Độc quyền cũng có tác động xấu tới nền kinh tế bởi nhà sản xuất và cung cấp dịch vụ không có động cơ để đổi mới và cung cấp các sản phẩm "mới và cải tiến".
Trong khi đó, cạnh tranh là hành động ganh đua, đấu tranh chống lại các cá nhân hay các nhóm vì mục đích giành được sự tồn tại, sống còn, giành được lợi nhuận, địa vị, sự kiêu hãnh, các phần thưởng hay những thứ khác. Thuật ngữ cạnh tranh được sử dụng cho nhiều lĩnh vực khác nhau như lĩnh vực kinh tế, thương mại, luật, chính trị, sinh thái, thể thao... Trong lĩnh vực kinh tế, cạnh tranh có thể được hiểu là sự ganh đua giữa các chủ thể kinh tế bằng các biện pháp, thủ đoạn khác nhau nhằm đạt mục tiêu tối đa lợi ích trong quá trình sản xuất - kinh doanh.
Ngày nay, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều phải thừa nhận trong mọi hoạt động kinh tế đều phải có cạnh tranh và coi cạnh tranh không những là môi trường, động lực của sự phát triển nói chung, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển và tăng năng suất lao động, hiệu quả của các doanh nghiệp nói riêng, mà còn là yếu tố quan trọng làm lành mạnh hoá các quan hệ xã hội. Trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, cạnh tranh vừa là môi trường vừa là động lực của sự phát triển.  
2. Làm thế nào để giải bài toán độc quyền và cạnh tranh hiện nay ở nước ta?
Trên thực tế, rất khó để xác định hành vi độc quyền ở Việt Nam. Nếu các hành vi cạnh tranh không lành mạnh chưa được xác định thì khó làm rõ được độc quyền trong cạnh tranh.
Theo quy định của Luật Cạnh tranh Việt Nam hiện hành, có thể xác định hai loại hành vi "hạn chế cạnh tranh" và hành vi "cạnh tranh không lành mạnh". Theo đó, "Hành vi hạn chế cạnh tranh là hành vi của doanh nghiệp làm giảm, sai lệch, cản trở cạnh tranh trên thị trường, bao gồm hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền và tập trung kinh tế" (Khoản 3 Điều 3 của Luật Cạnh tranh).
"Hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi cạnh tranh của doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh trái với các chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác hoặc người tiêu dùng. Các hành vi đó bao gồm: chỉ dẫn gây nhầm lẫn; xâm phạm bí mật kinh doanh; ép buộc trong kinh doanh; gièm pha doanh nghiệp khác; gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác; quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh; khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh; phân biệt đối xử của hiệp hội; bán hàng đa cấp bất chính; các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác theo tiêu chí xác định tại khoản 4 Điều 3 của Luật này do Chính phủ quy định (Điều 39).
Nhưng để xác định được một hành vi là hành vi "hạn chế cạnh tranh" hay hành vi "cạnh tranh không lành mạnh" là điều không dễ, khi mà cơ quan quản lý cạnh tranh là cơ quan của Nhà nước và các điều tra viên do Bộ trưởng Bộ Thương mại bổ nhiệm theo đề nghị của Thủ trưởng Cơ quan quản lý cạnh tranh (Điều 49, 50, 51 Luật Cạnh tranh) và đôi khi, các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm lại là cơ quan trực thuộc phạm vi quản lý của mình.
Trở lại với việc giải quyết các tranh chấp đã nêu trên đây, chúng ta thấy rằng, về tranh chấp kết nối giữa mạng di động của Viettel và mạng viễn thông của VNPT, một cơ quan quản lý Nhà nước (Bộ Bưu chính - Viễn thông) đã đứng ra làm trung gian tổ chức cuộc họp hiệp thương giữa hai doanh nghiệp để thống nhất giải pháp giải quyết tranh chấp. Còn đối với các vụ việc các doanh nghiệp viễn thông nhỏ khác khiếu nại VTV độc quyền thị trường truyền hình cáp, cản trở không cho các doanh nghiệp này tham gia thị trường này, thì lại do Bộ Thông tin - Truyền thông giải thích. Gần đây nhất, là việc khiếu nại tăng giá điện, cước 3G lại do Bộ Thương mại, Cục Viễn thông (Bộ Thông tin - Truyền thông) - với tư cách là cơ quan phê duyệt phương án tăng giá từ trước đó - đương nhiên phải có động thái để lập luận cơ sở cho việc tăng giá. Như vậy thì việc giải quyết không thể khách quan.
Và thực tế đã diễn ra đúng như vậy. Ngày 27/12/2013, Cục Quản lý cạnh tranh và Bộ Công thương đã gửi kết quả báo cáo đến Phó Thủ tướng theo Công văn yêu cầu xác minh giá cước trước đó của Văn phòng Chính phủ ngày 18/12/2013. Cục Quản lý cạnh tranh cho rằng, chưa phát hiện thấy các dấu hiệu bất thường của sự cấu kết, bắt tay nhau hay thỏa thuận giữa ba doanh nghiệp: Viettel, Mobifone và VinaPhone trong đợt điều chỉnh giá cước từ ngày 16/10/2013. Và theo Cục này, hiện cũng chưa đủ cơ sở để coi việc tăng giá này là hành vi áp đặt giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý gây thiệt hại cho khách hàng[3].
Các chuyên gia và quan chức của Cục Quản lý cạnh tranh cũng thừa nhận, với chế độ sổ sách, kế toán và thống kê hiện nay ở Việt Nam, không dễ để có thể tính toán và xác định thế nào là chiếm lĩnh thị phần, độc quyền hay lạm dụng vị trí thống lĩnh.
Chính vì thế, hiện tượng Luật Cạnh tranh phải “khoanh tay” đứng nhìn độc quyền cũng là một tình trạng dễ hiểu[4]. Theo TS. Lê Đăng Doanh, chống độc quyền ở Việt Nam phức tạp hơn nhiều so với các quốc gia khác, vì các công ty có được vị trí độc quyền không từ quá trình cạnh tranh, mà do sự ủng hộ của Nhà nước.
Nếu nghiên cứu các quy định của Luật Cạnh tranh thì thấy rằng, Luật đã tạo ra khá đầy đủ các cơ sở pháp lý để xác định hành vi độc quyền và lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, và trên thực tế đã có dấu hiệu cho thấy những hành vi đó đã có, nhưng điều tra và xác định nó có độc quyền hay không, đến mức nào, thì còn tùy thuộc các cơ quan quản lý nhà nước. Và phụ thuộc vào các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước có muốn “đụng” đến những doanh nghiệp độc quyền nhà nước và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công ích mà lâu nay họ thường ủng hộ hay không.
Cần phải khẳng định rằng, chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước về việc khu vực kinh tế nhà nước chiếm vị trí chủ đạo trong nền kinh tế[5] không đồng nghĩa với việc khuyến khích sự độc quyền để cho các doanh nghiệp này lợi dụng vị trí của mình để trục lợi gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác hoặc người tiêu dùng. Hơn thế nữa, các doanh nghiệp nhà nước có vị trí thống lĩnh thị trường cần phải là những doanh nghiệp đi đầu trong việc thực thi các quy định của Luật Cạnh tranh và các quy định liên quan. Có như thế, các doanh nghiệp này mới thể hiện vai trò tiên phong của mình trong việc thực thi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước theo đúng bản chất vai trò chủ đạo, then chốt của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế thị trường để các doanh nghiệp này vững mạnh và là chỗ dựa vững chắc cho các doanh nghiệp ở các khu vực khác. Sự tồn tại của các doanh nghiệp này là để phục vụ lợi ích công chứ không phải chỉ để phục vụ riêng cho doanh nghiệp này hay ai khác. Nếu mục tiêu ban đầu là phục vụ lợi ích công nhưng sau đó do kinh doanh thua lỗ gây thiệt hại cho Nhà nước và các doanh nghiệp khác hoặc người tiêu dùng thì thử hỏi nó có còn "ích nước, lợi dân nữa" hay không?
Vậy thì ai được lợi bởi độc quyền kinh doanh? Rõ ràng, đó chỉ là những doanh nghiệp giữ vị thế độc quyền. Trong một môi trường cạnh tranh lành mạnh, mọi doanh nghiệp kinh doanh đều phải nỗ lực hết mức để phát triển thông qua việc nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm. Giá cả không tăng hoặc tăng ít nhưng chất lượng được cải thiện thì chắc chắn sẽ có lợi cho người tiêu dùng, cho các doanh nghiệp khác và cho cả xã hội nói chung.
Trong khi đó, các doanh nghiệp chiếm giữ độc quyền thì lại không chịu sức ép phải cải tiến chất lượng sản phẩm và giảm giá thành để cạnh tranh. Tệ hơn nữa, họ có thể đưa toàn bộ sự yếu kém, sự thua lỗ, kể cả nhu cầu tái đầu tư của mình vào giá cả. Bằng cách này, vô hình trung, tất cả những người tiêu dùng sản phẩm của doanh nghiệp độc quyền (và cả những người nộp thuế) đều trở thành những người bù lỗ hoặc những người mua cổ phần mà không bao giờ được hưởng cổ tức[6].
Trong khi đó, các doanh nghiệp tư nhân thì lại đang gặp nhiều khó khăn vì khả năng cạnh tranh thấp do bị "che khuất" bởi những tập đoàn, nhóm doanh nghiệp lớn của Nhà nước, dù có nỗ lực đến mấy cũng chưa có điều kiện để tiếp cận các nguồn lực kinh tế lớn, nên không thể đầu tư lâu dài để trở thành những doanh nghiệp có quy mô đáng kể hơn. Đó là nguyên nhân vì sao cho tới nay các doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn, dựa trên sản phẩm có sức cạnh tranh cao, hay sản phẩm riêng biệt tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho xã hội gần như chưa xuất hiện trong nền kinh tế nước ta. Có chăng, chỉ một số ít các doanh nghiệp tư nhân phất lên nhờ có mối quan hệ thân hữu, tiếp cận được sự hỗ trợ cơ chế tài chính - ngân hàng, hoặc được ưu đãi nhất định nào đó trong việc tiếp cận với tài nguyên (đất, rừng, biển, mỏ).
Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Đối thoại về phòng, chống tham nhũng lần thứ 12 giữa Chính phủ Việt Nam với cộng đồng các nhà tài trợ, đối tác phát triển quốc tế diễn ra ngày 12/11/2013 ở Hà Nội đề cập vai trò của doanh nghiệp và khu vực tư trong phòng, chống tham nhũng, thì "Còn một thực tế khác là nhiều doanh nghiệp thường chủ động hối lộ nhằm đạt được lợi thế không chính đáng trong cạnh tranh trên thương trường hoặc để trốn tránh trách nhiệm pháp lý khi có sai phạm"[7].
Lại có một nghịch lý khác là, các doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực tài nguyên, bất động sản, ngân hàng đã trở thành doanh nghiệp lớn nhưng chưa có đóng góp lớn đáng kể (về công nghệ, trình độ quản trị doanh nghiệp, nộp ngân sách) cho nền kinh tế. Nhìn chung, đa phần các doanh nghiệp của khu vực kinh tế tư nhân không có khả năng cạnh tranh ngay trong nước chứ chưa nói gì đến nước ngoài. Thậm chí, "các yếu kém về thể chế đã giải thích sự phát triển thiên lệch và nguy cơ tiềm ẩn dẫn tới đổ vỡ hàng loạt trong khu vực doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam"[8].
Chúng ta đang hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng vào các tổ chức như ASEAN, APEC, WTO, AFTA, sắp tới sẽ là Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TTP). Để cạnh tranh trên trường quốc tế với các nước và tổ chức, nước ta cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh của toàn bộ nền kinh tế bao gồm các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần. Đặc biệt cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, phải phát huy các lợi thế cạnh tranh. Quả thật là khó để làm như vậy khi mà nhiều doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế không những không làm đòn bẩy cho sự phát triển của nền kinh tế mà ngược lại đáng buồn hơn là làm ăn không hiệu quả, còn trì trệ, tình trạng tham nhũng và thất thoát vốn nhà nước khá nghiêm trọng trong khi nhận được nhiều sự ưu đãi và hỗ trợ từ phía Nhà nước.
Đứng trước tình hình đó, trước hết chúng ta cần có một chính sách thực thi pháp luật cạnh tranh đúng đắn và từng bước hạn chế độc quyền.  
Để giải bài toán cạnh tranh và độc quyền ở nước ta không thể chỉ là một sớm, một chiều mà còn cần phải có một lộ trình và quyết tâm thực hiện. Lộ trình đó xuất phát từ nhận thức của các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp có liên quan và cả xã hội nói chung về sự hài hòa giữa lợi ích công cộng và lợi ích bộ phận và rồi đi đến áp dụng các quy định đang tồn tại như thế nào một cách hợp pháp, minh bạch và công khai.
Để các quy định của Luật Cạnh tranh luật thực sự đưa vào được cuộc sống, Nhà nước phải tích cực thúc đẩy thi hành luật và phải hành động quyết liệt như đã làm đối với Luật Doanh nghiệp trước đây.
Trong thông điệp đầu năm mới 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định: "Mọi doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế phải hoạt động theo cơ chế thị trường. Xóa bỏ tình trạng độc quyền doanh nghiệp và những cơ chế chính sách tạo ra bất bình đẳng trong kinh doanh, nhất là trong tiếp cận các nguồn lực". Đó là một tín hiệu đáng mừng.

 


[1]Theo VienamNet ngày 11/03/2013.
[2]TS. Nguyễn Hoàng Hiển, Học viện Hành chính Quốc gia; Nhìn lại tiến trình “phá” thế độc quyền của EVN; Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 15/2013
[3] Ngọc Lan - Cục Quản lý cạnh tranh: Tăng giá cước 3G không phạm luật, Thời báo Kinh tế Sàigòn Online, 30/12/2013
[4] Lê Châu - Luật Cạnh tranh “khoanh tay” nhìn độc quyền? VnEconomy ngày 11/11/2013.
[5] Khoản 1 Điều 51 Hiến pháp mới 2013 khẳng định vai trò chủ đạo của khu vực kinh tế nhà nước trong nền kinh tế. Quy định như vậy không ảnh hưởng đến sự vận hành của nền kinh tế thị trường và vị trí, vai trò của các thành phần kinh tế khác.
[6] Báo Lao Động điện tử; Số 243, Thứ hai 21/10/2013
[7] Nguồn: Linh Thư - Hồng Nhi - Báo VietnamNet ngày 12/11/2013
[8]Tư Giang - Các doanh nghiệp tư nhân khó lớn, vì sao? Thời báo Kinh tế Sài Gon Online ngày 17/10/2013