Đính chính văn bản quy phạm pháp luật – biện pháp xử lý khiếm khuyết hay sự lạm quyền?

01/06/2012

1. Khái quát về các biện pháp xử lý khiếm khuyết văn bản quy phạm pháp luật
Điều 12 Hiến pháp năm 1992 khẳng định: “Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa”. Pháp chế đó là sự tuân thủ một cách thiêng liêng các đạo luật, là sự chấp hành pháp luật một cách nghiêm minh, bình đẳng và thống nhất bởi tất cả các cơ quan, tổ chức và cá nhân. Như vậy, một trong những điều kiện quan trọng để bảo đảm pháp chế là phải có một hệ thống pháp luật tương đối hoàn chỉnh. Trong đó, các đạo luật sẽ giữ vai trò điều chỉnh ở tầm cao nhất các quan hệ xã hội, các văn bản pháp luật khác sẽ cụ thể hóa, hướng dẫn thi hành cho các đạo luật. Các cơ quan nhà nước với chức năng của mình không chỉ ban hành ra văn bản pháp luật để điều chỉnh các quan hệ xã hội mà chính bản thân các văn bản pháp luật của cơ quan nhà nước đó cũng phải tuân thủ pháp luật.
Vậy, ranh giới giữa tuân thủ pháp luật và không tuân thủ pháp luật là ở đâu? Câu trả lời chỉ có thể là: phải xây dựng thành công một “luật cái - cỗ máy cái trong cơ chế xây dựng pháp luật”[1]. Đó là lý do ra đời của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Luật BHVBQPPL)[2].
Luật BHVBQPPL là một đạo luật rất quan trọng trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Kể từ khi ra đời cho đến nay, Luật BHVBQPPL năm 1996 (được sửa đổi, bổ sung năm 2002) và sau này được thay thế bởi Luật BHVBQPPL năm 2008 cùng với Luật BHVBQPPL của Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban nhân dân (UBND) năm 2004 đã tạo ra một hành lang pháp lý quan trọng cho hoạt động xây dựng pháp luật. Nếu như trước khi có sự ra đời của Luật BHVBQPPL, hệ thống pháp luật nước ta thiếu một luật điều chỉnh thống nhất hoạt động xây dựng pháp luật và xuất hiện nhiều sai phạm nghiêm trọng trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) của các cơ quan nhà nước ở cả trung ương lẫn địa phương, thì sau khi có sự ra đời của Luật BHVBQPPL, hoạt động ban hành VBQPPL của các cơ quan nhà nước dần đi vào quy củ, hạn chế một cách đáng kể sự tùy tiện, lạm quyền trong việc ban hành văn bản pháp luật của những cơ quan này. Sự ra đời và tồn tại cho đến ngày nay đã thể hiện tầm quan trọng của đạo luật này, mà nói theo cách của PGS.TS Nguyễn Cửu Việt thì: Luật BHVBQPPL chính là “luật của luật”[3], là nền tảng pháp lý cho việc hoàn thiện quy trình, hệ thống pháp luật Việt Nam.
VBQPPL một khi được ban hành ra chỉ có thể trở thành bộ phận hữu cơ của cơ chế điều chỉnh pháp luật và có hiệu quả khi nội dung và hình thức của chúng bảo đảm cả tính hợp pháp và tính hợp lý[4]. Trong đó, tính hợp pháp là yêu cầu cơ bản của nguyên tắc pháp chế, còn tính hợp lý là yêu cầu của nghệ thuật quản lý, của chính cuộc sống[5]. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan nên nhiều VBQPPL được ban hành ra không đáp ứng yêu cầu hợp pháp lẫn hợp lý. Vấn đề có tính thực tiễn quan trọng đặt ra là xử lý như thế nào đối với những VBQPPL có khiếm khuyết vì không tuân thủ yêu cầu của tính hợp pháp và tính hợp lý.
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì có một số biện pháp xử lý khiếm khuyết của VBQPPL như sau: đình chỉ việc thi hành, sửa đổi, bãi bỏ VBQPPL[6].
Đình chỉ việc thi hành VBQPPL: là biện pháp nhằm ngăn chặn ngay khả năng tiếp tục gây ra những ảnh hưởng xấu của nó. Về nguyên tắc, khi áp dụng quyền “đình chỉ” thì VBQPPL đó vẫn còn tồn tại nhưng không ai “dám” sử dụng hay viện dẫn văn bản đó nữa, mà chờ kết luận xử lý cuối cùng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. 
Sửa đổi VBQPPL: là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra một văn bản pháp luật khác để làm thay đổi tên hoặc thay đổi một phần nội dung trong khi vẫn giữ nguyên hiệu lực pháp lý của VBQPPL bị sửa đổi. Sửa đổi được áp dụng trong trường hợp cơ quan đã ban hành VBQPPL đó tự sửa đổi văn bản của mình. Theo Hiến pháp năm 1980, bên cạnh việc cơ quan nhà nước tự sửa đổi văn bản của mình còn có trường hợp cơ quan nhà nước cấp trên sửa đổi văn bản của cấp dưới. Nghĩa là trong trường hợp này, cơ quan nhà nước cấp trên đã áp đặt phương án, hành vi, cách thức hành động của mình cho cơ quan nhà nước cấp dưới. Đơn cử, theo Hiến pháp năm 1980, thì có hai chủ thể có quyền sửa đổi văn bản của UBND cấp tỉnh là Hội đồng Bộ trưởng (Khoản 25, Điều 107) và HĐND cấp tỉnh (Khoản 10, Điều 115). Quyền sửa đổi là dấu ấn của cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp nên không còn phù hợp với xu thế dân chủ hóa, vì vậy, Hiến pháp năm 1992 đã không quy định quyền này của cơ quan nhà nước các cấp. Như vậy, sửa đổi VBQPPL là việc làm được thực hiện bởi chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó.
Trong Hiến pháp năm 1992, Luật BHVBQPPL năm 2008, Luật BHVBQPPL của HĐND, UBND năm 2004 còn sử dụng thêm thuật ngữ “bổ sung”, “thay thế”. Tuy nhiên, thuật ngữ “bổ sung”, “thay thế” không có nội dung pháp lý mới, vì nó được bao hàm trong quyền ban hành văn bản: ban hành một văn bản hay một số quy phạm có thể để “bổ sung”, “thay thế” văn bản, quy phạm cũ[7].
Bãi bỏ VBQPPL: là chế tài nghiêm khắc, dứt khoát và rõ ràng nhất. Bãi bỏ được dành cho những cơ quan nhà nước cấp trên có quan hệ chặt chẽ về tổ chức và hoạt động với cơ quan đã ban hành văn bản đó. Ví dụ: Quốc hội bãi bỏ các văn bản của Chính phủ (Khoản 9 Điều 84 Hiến pháp năm 1992), Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ những quyết định, chỉ thị của UBND cấp tỉnh (Khoản 4, Điều 114 Hiến pháp năm 1992). Khi cơ quan nhà nước cấp trên bãi bỏ một quyết định nào đó của cơ quan nhà nước cấp dưới thì không những chấm dứt hiệu lực của VBQPPL đó, mà những văn bản phái sinh từ quyết định đó cũng chấm dứt hiệu lực theo.
Hiện nay, trong Hiến pháp năm 1992 và nhiều văn bản pháp luật khác còn sử dụng thuật ngữ “hủy bỏ” bên cạnh thuật ngữ “bãi bỏ”, nhưng thuật ngữ “hủy bỏ” dùng không nhất quán và không rõ nội hàm xác định, nhiều trường hợp trong cùng một quan hệ khi thì dùng “hủy bỏ”, khi thì “bãi bỏ”. Có người cho rằng, hai thuật ngữ này là giống nhau vì nhiều văn bản pháp luật hay thậm chí cả Hiến pháp - đạo luật có giá trị pháp lý cao nhất, cũng không có tiêu chí nào cho phép xác định sự khác biệt giữa hai thuật ngữ này.
Quan điểm khác cho rằng, khác với quyền “bãi bỏ”, quyền “hủy bỏ” có hàm ý là áp dụng đối với các văn bản đã không có hiệu lực từ lúc ban hành[8], nói cách khác, khi “hủy bỏ” là coi như văn bản bị hủy bỏ chưa từng tồn tại, còn khi “bãi bỏ” là văn bản bị bãi bỏ đã từng tồn tại và có hiệu lực[9]. Vì vậy, chế tài hủy bỏ chỉ nên quy định, nếu là cần, với công thức “phê chuẩn hoặc hủy bỏ” chứ không quy định “hủy bỏ” độc lập với “phê chuẩn”, trong một số quan hệ, khi một văn bản muốn có hiệu lực hay có hiệu lực đầy đủ phải cần phê chuẩn, nếu không phê chuẩn tức là bị hủy bỏ, coi nó chưa từng tồn tại và chưa có hiệu lực pháp lý. Như vậy, viết ra hay không viết ra thuật ngữ “hủy bỏ” cũng không ảnh hưởng tới nội dung pháp lý của quyền phê chuẩn, bởi quyền phê chuẩn đã bao hàm quyền hủy bỏ văn bản[10]. Theo chúng tôi, cũng có trường hợp hủy bỏ áp dụng độc lập, nhưng những trường hợp áp dụng hủy bỏ độc lập hoặc đi kèm quyền phê chuẩn chỉ có rất ít.
2. Đính chính văn bản quy phạm pháp luật - xử lý khiếm khuyết hay lạm quyền?
Bên cạnh việc cho ra đời Luật BHVBQPPL nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc xây dựng pháp luật thì nhà làm luật còn ban hành ra văn bản nhằm kiểm tra và xử lý các VBQPPL có khiếm khuyết. Đó là Nghị định 135/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 và hiện nay là Nghị định 40/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 để thay thế cho Nghị định 135/2003/NĐ-CP của Chính phủ.
Luật BHVBQPPL năm 2008 quy định “Đình chỉ việc thi hành, sửa đổi, bãi bỏ” là những biện pháp xử lý khiếm khuyết. Để cụ thể hóa quy định này, Điều 27 Nghị định 40/2010/NĐ-CP quy định các hình thức xử lý văn bản trái pháp luật, bao gồm:
1. Đình chỉ việc thi hành một phần hoặc toàn bộ nội dung văn bản;
2. Hủy bỏ, bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ nội dung văn bản.
Ngoài ra, trong phần thẩm quyền của các chủ thể cũng có quy định đầy đủ về “đình chỉ, bãi bỏ (và hủy bỏ) (Khoản 1 Điều 16, Khoản 1 Điều 18 Nghị định 40/2010/NĐ-CP). Quy định này đã thể hiện sự nhất quán trong tư duy lập pháp của nhà làm luật.
Tuy nhiên, trong Nghị định 40/2010/NĐ-CP chỉ sử dụng hai trong ba biện pháp là “đình chỉ, bãi bỏ (và hủy bỏ)” mà không có “sửa đổi”; thay vào đó, lại “biến tấu” thành biện pháp mới là “đính chính”. Như vậy, theo nhà làm luật, “đính chính” là một biện pháp xử lý khiếm khuyết. Xét một cách tổng thể, “đính chính” không phải là một biện pháp xử lý khiếm khuyết mà là một sự lạm quyền bởi các lý do sau đây:
Thứ nhất, sự “vượt mặt” của Nghị định 40/2010/NĐ-CP so với Luật BHVBQPPL năm 2008.
Luật BHVBQPPL năm 2008 không có bất kỳ một quy định nào cho phép chúng ta kết luận “đính chính” là một biện pháp xử lý khiếm khuyết văn bản. Thế nhưng không hiểu vì lý do gì mà khi quy định chi tiết, Chính phủ lại “khai sinh” thêm biện pháp này trong Nghị định 40/2010/NĐCP. Có lẽ, do được Quốc hội trao cho quá nhiều quyền (Luật BHVBQPPL trao quyền cho Chính phủ được quyền ban hành nghị định quy định chi tiết thi hành luật) nên trong thực tế, Chính phủ vẫn có khi lạm quyền và Nghị định 40/2010/NĐ-CP là một ví dụ? Tuy trong Điều 27 Nghị định 40/2010/NĐ-CP không quy định trực tiếp, nhưng sự “có mặt” của biện pháp “đính chính” trong mục 5 Nghị định 40/2010/NĐ-CP về Các hình thức xử lý văn bản trái pháp luậtđã dẫn đến cách hiểu “đính chính” như là một biện pháp xử lý khiếm khuyết của văn bản.
Thứ hai, bản chất của “đính chính” là “sửa đổi”
TheoTừ điển tiếng Việt thì “đính” là sửa lại, còn “chính” là đúng. “Đính chính” có nghĩa là “sửa lại cho đúng”[11]. Như vậy, bản chất của “đính chính” là việc sửa đổi một hay một số điều, khoản của văn bản đã tồn tại trước đó “cho đúng”. Vậy tại sao trong Nghị định 40/2010/NĐ-CP không quy định biện pháp “sửa đổi” như trong Luật BHVBQPPL năm 2008 mà lại “biến tấu” thành “đính chính”, trong khi bản chất của “đính chính” là “sửa đổi”? Câu hỏi đó đã được phần nào trả lời thông qua Điều 30 Nghị định 40/2010/NĐ-CP. Điều 30 quy định về “đính chính” như sau: “Trong quá trình kiểm tra, phát hiện văn bản chỉ sai về căn cứ pháp lý được viện dẫn, thể thức, kỹ thuật trình bày,còn nội dung của văn bản phù hợp với quy định của pháp luật, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp thì đính chính đối với những sai sót đó”. Như vậy, đối với những sai phạm về “căn cứ pháp lý được viện dẫn, thể thức, kỹ thuật trình bày nhưng nội dung vẫn bảo đảm”thì sẽ sử dụng biện pháp “đính chính”, còn sai phạm ảnh hưởng đến nội dung thì sẽ sử dụng biện pháp “sửa đổi”? Phải chăng, so với sai phạm về mặt nội dung thì sai phạm về căn cứ viện dẫn, thể thức, kỹ thuật trình bày không phải là sai phạm lớn, nên có thể tùy tiện “đính chính”. Vậy, vai trò của cơ quan soạn thảo, vai trò của cơ quan thẩm định… ở đâu mà để xảy ra sai sót về căn cứ pháp lý được viện dẫn, thể thức, kỹ thuật trình bày? Thêm vào đó, một câu hỏi đặt ra là bên cạnh biện pháp “đính chính” thì biện pháp “sửa đổi” quy định ở đâu, vì biện pháp “sửa đổi” không được quy định trong Nghị định 40/2010/NĐ-CP?
Thứ ba, biện pháp “đính chính” đã được sử dụng “tràn lan” từ khá lâu
Như đã trình bày, biện pháp “đính chính” lần đầu tiên được quy định trong Nghị định 40/2010/NĐ-CP. Thế nhưng, trước khi có Nghị định 40/2010/NĐ-CP thì “đính chính” đã được sử dụng khá nhiều, như một biện pháp xử lý khiếm khuyết. Đơn cử là Quyết định 3902/QĐ-BNV ngày 19/10/2005 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ đính chính Thông tư liên tịch số 81/2005/TTLT/BNV-BTC ngày 10/08/2005 của Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính; Quyết định số 2746/QĐ-BTC ngày 16/8/2006 của Bộ Tài chính đính chính Thông tư 70/2006/TT-BTC của Bộ Tài chính. Trong khi đó, cả Luật BHVBQPPL năm 1996 (được sửa đổi, bổ sung năm 2002) và Nghị định 135/2003/NĐ-CP về kiểm tra và xử lý VBQPPL không quy định biện pháp này. Vậy cơ sở pháp lý nào để các chủ thể này áp dụng biện pháp “đính chính”? Có thể lý luận rằng, trong luật không cấm hoặc không quy định thì các cơ quan nhà nước vẫn có quyền áp dụng biện pháp này. Tuy nhiên, cần nhớ rằng, một mệnh đề quan trọng khi xây dựng Nhà nước pháp quyền nhằm đảm bảo pháp chế và dân chủ thì “công dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm, còn cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức chỉ được làm những gì pháp luật cho phép”[12]. Không quy định hay không cấm, không có nghĩa là các cơ quan nhà nước có thể tùy tiện áp dụng “đính chính” như là một biện pháp xử lý khiếm khuyết.
Có lẽ do nhận thức được bất cập này nên khi ban hành Nghị định 40/2010/NĐ-CP để thay thế cho Nghị định 135/2003/NĐ-CP, Chính phủ đã “hợp thức hóa” biện pháp “đính chính” tại Điều 30. Tuy nhiên, sự không nhất quán lại thể hiện trong Nghị định 40/2010/NĐ-CP vì tại mục 5 quy định rằng “đính chính” là một biện pháp xử lý khiếm khuyết, nhưng trong phần thẩm quyền của các chủ thể lại không quy định quyền này. Trong phần thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND không quy định về quyền “đính chính”[13].Như vậy, chủ thể nào có quyền đính chính; Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND có quyền đính chính hay không; khi đính chính thì dùng hình thức văn bản nào? Hàng loạt câu hỏi đặt ra nhưng không tìm thấy câu trả lời.
Thứ tư, “mỗi nơi một kiểu” về “đính chính”
Do hàng loạt câu hỏi đặt ra nhưng không có câu trả lời mang tính thống nhất từ văn bản pháp luật dẫn đến tình trạng “luật của quốc gia” để trống, tạo cơ hội cho “lệ” phát huy tác dụng. Việc “đính chính” văn bản như “trăm hoa đua nở”, mỗi nơi mỗi kiểu, gây rối loạn pháp chế. Và có lẽ đây mới là hạn chế lớn nhất. Trên thực tế, các cơ quan nhà nước tự xem mình có quyền đính chính theo công thức chung “chủ thể tự đính chính các VBQPPL do mình ban hành”. Bên cạnh đó, các chủ thể này còn sử dụng nhiều hình thức văn bản khác nhau như công văn, quyết định… để đính chính VBQPPL đã ban hành. Đơn cử như Công văn số 181/ĐC-CP ngày 23/10/2009 của Chính phủ đính chính Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Chính phủ; Quyết định số 2905/QĐ-BTC ngày 09/11/2010 của Bộ Tài chính về việc đính chính Thông tư số 153/2010/TT-BTC ngày 28/9/2010 của Bộ Tài chính; Quyết định số 2837/QĐĐC-BTP của Bộ Tư pháp ngày 9/12/2010 đính chính Thông tư số 20/2010/TT-BTP ngày 30/11/2010 của Bộ Tư pháp.
Hiện nay, số lượng các văn bản được ban hành để đính chính các văn bản pháp luật khác khá nhiều. Chúng tôi tập trung phân tích một ví dụ điển hình. Đó là Quyết định số 934/QĐ-BTC ngày 29/4/2010 của Bộ Tài chínhđính chính Thông tư số 34/2010/TT-BTC ngày 12/3/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện xóa nợ thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp chuyển đổi trước ngày 01/7/2007.
Như đã trình bày, bản chất của “đính chính” chính là việc sửa đổi một văn bản đã tồn tại trước đó. Với tư duy đó thì Quyết định số 934/QĐ-BTC được ban hành là nhằm để sửa đổi Thông tư số 34/2010/TT-BTC và điều này được thể hiện ngay trong văn bản. Khoản 2 Điều 1 Quyết định934/QĐ-BTC quy định:
 “Doanh nghiệp nhà nước sản xuất kinh doanh bị lỗ, có nợ đọng thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước, có quyết định sáp nhập vào doanh nghiệp nhà nước khác trước 01/7/2007, đến 31/12/2008 số nợ thuế này chưa được xử lý thì được xem xét xóa nợ thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước tối đa bằng số lỗ của doanh nghiệp sáp nhập tại thời điểm có quyết định sáp nhập.”
Nay sửalại thành:
“Doanh nghiệp nhà nước sản xuất kinh doanh bị lỗ, có nợ đọng thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước, có quyết định sáp nhập vào doanh nghiệp nhà nước khác trước 01/7/2007, đến 31/12/2008 số nợ thuế này chưa được xử lý thì được xem xét xoá nợ thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước. Doanh nghiệp nhận sáp nhập phải là doanh nghiệp không có khả năng thanh toán nợ thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước theo quy định tại khoản 3, Điều 11 Nghị định 69/2002/NĐ-CP ngày 12/7/2002 của Chính phủ được xoá nợ tối đa bằng số lỗ của doanh nghiệp sáp nhập tại thời điểm có quyết định sáp nhập”.
Tương tự, Khoản 1 Điều 1 Quyết định 934/QĐ-BTC cũng có quy định về việc sửa đổi. Đọc qua cả Quyết định934/QĐ-BTC thì thấy văn bản này không nhằm xử lý các sai sót về căn cứ pháp lý được viện dẫn, thể thức, kỹ thuật trình bày mà thật ra là sửa đổi về mặt nội dung[14]. Sai thì sửa, thiếu thì bổ sung, đó là những vấn đề hết sức bình thường trong việc ban hành VBQPPL. Nhưng vấn đề đáng nói ở đây là việc Bộ Tài chính sử dụng hình thức văn bản là “Quyết định” để sửa đổi “Thông tư” là trái với Luật BHVBQPPL năm 2008.
Theo Điều 16 Luật BHVBQPPL năm 2008 thì từ ngày 1/1/2009, chỉ có Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ mới được xem là VBQPPL (quyết định mang tính quy phạm), Quyết định và Chỉ thị của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ không còn được xem là VBQPPL mà chỉ là những quyết định cá biệt. Cũng theo Khoản 1 Điều 9 Luật BHVBQPPL năm 2008 thì:“VBQPPL chỉ được sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ hoặc bãi bỏ bằng VBQPPL của chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bảnđó hoặc bị đình chỉ việc thi hành, hủy bỏ hoặc bãi bỏ bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.
Như vậy, sửa đổi VBQPPL là việc làm được thực hiện bởi chính cơ quan nhà nước đã ban hành VBQPPL đó. Và khi sửa đổi thì chỉ có thể dùng VBQPPL để sửa đổi cho VBQPPL. Cụ thể, trong trường hợp này, Bộ Tài chính muốn sửa đổi Thông tư thì phải ban hành Thông tư để sửa đổi chứ không thể dùng Quyết định để sửa đổi Thông tư, càng không thể sử dụng “công văn” để sửa đổi VBQPPL là Nghị định như cách làm của Chính phủ[15]. Bên cạnh đó, cho dù là đính chính thì cũng không thể dùng quyết định cá biệt “đính chính” cho văn bản mang tính quy phạm, vì việc làm này không chỉ vi phạm pháp chế[16] mà còn ảnh hưởng rất lớn đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức vì theo Điều 5 Nghị định 104/2004/NĐ-CP ngày 23/3/2004 của Chính phủ về Công báo thìCác văn bản đăng trên Công báo ở trung ươngbao gồm:
1. Các VBQPPL do cơ quan có thẩm quyền ở trung ương ban hành.
2.Các quyết định của cơ quan có thẩm quyền xử lý văn bản trái pháp luật; các văn bản cá biệt; văn bản có giá trị pháp lý khác do cơ quan có thẩm quyền quyết định.
3. Các Điều ước quốc tế đã có hiệu lực đối với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam như quy định tại Khoản 1 Điều 2 của Nghị định này.
4. Phụ trương Công báo được phát hành kèm Công báo, đăng các dự thảo văn bản pháp luật khi được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định đăng để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Như vậy, Thông tư số 34/2010/TT-BTC thì bắt buộc phải đăng Công báo trong khi đó Quyết định số 934/QĐ-BTC thì không bắt buộc đăng Công báo. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của cá nhân, tổ chức. Có lẽ nhận thấy bất cập này, nên trong Nghị định 100/2010/NĐ-CP về Công báo ngày 28/9/2010 của Chính phủ cũng quy định “các văn bản đính chính” bắt buộc phải đăng Công báo[17].
Là “cỗ máy cái trong cơ chế điều chỉnh pháp luật” nhưng Luật BHVBQPPL đã nhiều lần tỏ ra “bất lực” và để cho những văn bản dưới luật “vượt mặt”, mà “đính chính văn bản” quy định tại Điều 30 Nghị định 40/2010/NĐ-CP là một minh chứng rõ ràng nhất. “Đính chính” dù hiểu dưới bất kỳ nghĩa nào cũng là “sửa đổi”. Do đó, việc phân chia ra thành những “sai sót về căn cứ pháp lý được viện dẫn, thể thức, kỹ thuật trình bày” để “đính chính” và “thiếu sót về nội dung” để “sửa đổi” là không có cơ sở. Tất nhiên, ai cũng biết khi “khai sinh” ra một biện pháp xử lý khiếm khuyết “mới” thì phải có những cơ sở cho nó tồn tại, nhưng sự tồn tại của nó đang gây rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực xét dưới góc độ nhà quản lý và đối tượng thi hành. Với những phân tích trên, rõ ràng, “đính chính” đơn giản hơn rất nhiều so với “sửa đổi” vì khi “sửa đổi” VBQPPL phải sử dụng VBQPPL và thỏa các yêu cầu về trình tự xây dựng, ban hành VBQPPL. Trong khi đó, đính chính bằng văn bản cá biệt thì trình tự xây dựng, ban hành đơn giản hơn rất nhiều. Điều này vô hình trung sẽ tạo nên sự cẩu thả của cơ quan có thẩm quyền soạn thảo, cơ quan có thẩm quyền thẩm định... vì cứ ban hành, cứ thẩm định qua loa, sai thì lại “đính chính”, thủ tục thì rất đơn giản.
 Nhà nước pháp quyền là nhà nước chống lại sự tùy tiện, lạm quyền. Do đó, thiết nghĩ, trong trường hợp này, Quốc hội nên xem xét lại tính hợp hiến, hợp pháp của Điều 30 Nghị định40/2010/NĐ-CP theo quy định tại Khoản 9 Điều 84 Hiến pháp năm 1992: Quốc hội bãi bỏ các văn bản của Chính phủ trái với Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội.
 
 

[1] Nguyễn Cửu Việt, Một luật hay hai luật?, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp (số chủ đề Hiến kế lập pháp), số 24 (102), tháng 7/2007.
[2] Đây là cách nói chung của hai luật: Luật BHVBQPPL năm 2008 và Luật BHVBQPPL của HĐND và UBND năm 2004.
[3] Nguyễn Cửu Việt, Một luật hay hai luật? Tlđd
[4]Cao Vũ Minh, Tính hợp pháp và tính hợp lý trong quyết định quản lý nhà nước của UBND, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật số 7, năm 2010.
[5] Nguyễn Cửu Việt (2008), Giáo trình luật Hành chính Việt Nam, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.334.
[6] Xem thêm Điều 9 Luật BHVBQPPL năm 2008 và Điều 11 BHVBQPPL Luật của HĐND và UBND năm 2004.
[7] Nguyễn Cửu Việt, Các yếu tố cấu thành thẩm quyền và tính hệ thống của thẩm quyền, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 9, năm 2005.
[8] Hoàng Thị Ngân, Văn bản quy phạm pháp luật: hủy bỏ hoặc bãi bỏ, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 6, năm 2005.
[9] Điều 29 Luật BHVBQPPL năm 2008 quy định về: Hủy bỏ, bãi bỏ văn bản trái pháp luật.
Hình thức hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ nội dung văn bản áp dụng trong trường hợp một phần hoặc toàn bộ văn bản đó được ban hành trái thẩm quyền về hình thức, thẩm quyền về nội dung hoặc không phù hợp với quy định của pháp luật từ thời điểm văn bản được ban hành.
Hình thức bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ nội dung văn bản áp dụng trong trường hợp một phần hoặc toàn bộ văn bản làm căn cứ ban hành văn bản được kiểm tra đã được thay thế bằng văn bản khác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, dẫn đến nội dung của văn bản không còn phù hợp với pháp luật hiện hành hoặc tình hình kinh tế - xã hội thay đổi.
[10] Nguyễn Cửu Việt, Các yếu tố cấu thành thẩm quyền và tính hệ thống của thẩm quyền, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 9, năm 2005.
[11] Giáo sư Nguyễn Lân, Từ điển từ và ngữ Việt Nam, Nxb Tổng hợp TP.HCM, 2010, tr.638; Viện Ngôn ngữ học, Từ điển tiếng Việt phổ thông, Nxb Phương Đông, 2009, tr. 290.
[12] Vũ Thư, Về nội dung các mệnh đề:“Viên chức nhà nước chỉ được làm những gì pháp luật cho phép” và “công dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm” Tạp chí Nhà nước và Pháp luật số 10, năm 2007.
[13] Xem các Điều 16, 17, 18 Nghị định 40/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010.
[14] Công văn181/ĐC-CP ngày 23/10/2009 của Chính phủ; Quyết định số 2905/QĐ-BTC ngày 9/11/2010 của Bộ Tài chính; Quyết định 2837/QĐĐC-BTP ngày 9/12/2010 của Bộ Tư pháp cũng không phải “đính chính” những sai sót về căn cứ pháp lý được viện dẫn, thể thức, kỹ thuật trình bàymà thật ra là sửa đổi về mặt nội dung.
[15] Công văn 181/ĐC-CP ngày 23/10/2009 của Chính phủ đính chính Nghị định 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Chính phủ.
[16] Quyết định 2837/QĐĐC-BTP của Bộ Tư pháp ngày 9/12/2010 đính chính Thông tư 20/2010/TT-BTP ngày 30/11/2010 của Bộ Tư pháp, tại đoạn cuối có quy định: “Quyết định đính chính này là một bộ phận cấu thành của Thông tư 20/2010/TT-BTP”. Như vậy là Thông tư 20/2010/TT-BTP tuy là văn bản quy phạm pháp luật nhưng lại có một bộ phận không phải là văn bản quy phạm pháp luật mà chỉ là văn bản cá biệt. Đây là biểu hiện rõ nhất của sự vi phạm pháp chế nghiêm trọng.
[17] Nghị định 100/2010/NĐ-CP về Công báo ngày 28/9/2010 thay thế Nghị định 104/2004/NĐ-CP ngày 23/3/2004 có quy định tại Khoản 4, Điều 5 là: “Văn bản đính chính văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước ở trung ương ban hành hoặc phối hợp ban hành phải được đăng công báo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.