Áp dụng pháp luật cạnh tranh và phân bổ thực hiện độc quyền nhà nước qua một vụ xét xử

01/06/2012

Sau hơn sáu năm có hiệu lực, Luật Cạnh tranh (2004) đã được áp dụng để xử lý gần 30 vụ việc về hành vi cạnh tranh không lành mạnh và hành vi hạn chế cạnh tranh của các doanh nghiệp. Trong số đó, nỗi cộm nhất có 02 vụ việc liên quan đến hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh trên thị trường (sản phẩm bia cao cấp; phân phối phim nhựa nhập khẩu); 01 vụ việc liên quan đến hành vi lạm dụng vị trí độc quyền trên thị trường (tra nạp nhiện liệu hàng không tại Việt Nam); 01 vụ việc liên quan đến hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh (dịch vụ bảo hiểm xe cơ giới). Kết quả xử lý của Hội đồng Xử lý vụ việc cạnh tranh tuy không nhiều nhưng đã có sự tác động tích cực đến môi trường cạnh tranh Việt Nam, đã gióng lên được những tiếng chuông cảnh báo về ý thức tuân thủ pháp luật cạnh tranh của các doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế và sự khẳng định pháp luật cạnh tranh đã đi vào đời sống của các doanh nghiệp. Trong các vụ việc tiêu biểu đó, chúng tôi quan tâm và tập trung phân tích đến thực tiễn áp dụng pháp luật cạnh tranh xử lý vụ việc liên quan đến hành vi lạm dụng vị trí độc quyền trên thị trường của Công ty xăng dầu Hàng không Việt Nam Vinapco (gọi tắt là VNC) lạm dụng vị trí độc quyền tra nạp nhiện liệu hàng không tại Việt Nam đối với Hãng hàng không Jetstar Pacific Airlines (gọi tắt là JPA).
Nội dung vụ việc VNC đơn phương ngừng cung cấp nhiên liệu cho JPA[1]   
 Ngày 01/4/2008, các hành khách của Hãng hàng không JPA không khỏi ngạc nhiên và bức xúc khi nhận được thông báo tất cả các chuyến bay nội địa của Hãng đều không thể cất cánh được theo lịch bay do Công ty xăng dầu hàng không VNC, nhà cung cấp nhiên liệu hàng không cho JPA, đã đơn phương ngừng cung cấp nhiên liệu cho các chuyến bay của JPA từ 0 giờ ngày 01/4/2008.
Các chuyến bay của JPA chỉ được cất cánh trở lại sau khi Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo yêu cầu VNC cung cấp lại nhiên liệu cho JPA.
Nguyên nhân của sự việc này là do JPA và VNC đã không đạt được sự thống nhất về việc tăng mức phí dịch vụ cung cấp nhiên liệu hàng không mới do phía VNC đưa ra. Trước thời điểm diễn ra sự việc nêu trên, VNC và JPA đang thực hiện hợp đồng mua bán xăng dầu và cung cấp dịch vụ tra nạp nhiên liệu hàng không năm 2008 ký giữa hai bên, theo đó, mức phí tra nạp nhiên liệu hàng không là 593.000 đồng/tấn (năm 2007 là 565.000 đồng/tấn). Sau một thời gian thực hiện hợp đồng, đến giữa tháng 3/2008, VNC gửi văn bản cho JPA đề nghị tăng mức phí nạp xăng dầu lên 750.000 đồng/tấn kể từ ngày 01/4/2008. Trong các thương lượng về mức phí mới với VNC, JPA yêu cầu VNC phải đối xử công bằng giữa JPA và Tổng công ty Hàng không Việt Nam (gọi tắt là VNA) và JPA chỉ có thể chấp nhận mức giá mới nếu mức giá đó cũng áp dụng đối với VNA. Trong khi hai bên chưa đạt được sự thống nhất, ngày 01/4/2008, VNC đã đột ngột ngừng cung cấp nhiên liệu cho JPA. Đánh giá về sự kiện này, nhiều chuyên gia cho rằng đây là một sự kiện hi hữu trong lịch sử hàng không của Việt Nam, trong đó có nhiều dấu hiệu cho thấy VNC đã lạm dụng vị trí độc quyền trên thị trường dịch vụ tra nạp nhiên liệu hàng không, gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc kinh doanh của JPA, đến hàng ngàn hành khách, tác động tiêu cực đến dư luận trong nước và quốc tế về uy tín của ngành hàng không Việt Nam. JPA đưa sự việc lên Hội đồng Xử lý vụ việc cạnh tranh.
Phân xử của các cơ quan chức năng
 Ngày 14/04/2009, Hội đồng Xử lý vụ việc cạnh tranh đã mở phiên điều trần gồm năm thành viên do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng làm chủ tọa và đã kết luận: VNC vi phạm khoản 2 Điều 14 Luật Cạnh tranh về hành vi “Áp đặt các điều kiện bất lợi cho khách hàng của doanh nghiệp có vị trí độc quyền” và khoản 3 Điều 14 Luật Cạnh tranh về hành vi “Lợi dụng vị trí độc quyền để đơn phương thay đổi hoặc huỷ bỏ hợp đồng đã giao kết mà không có lý do chính đáng”.
Với những hành vi trên, Hội đồng Xử lý vụ việc cạnh tranh đã ra quyết định số 11/QĐ-HĐXL xử phạt tiền VNC mức phạt bằng 0,05% tổng doanh thu năm 2007 của VNC, tương đương số tiền 3.378.086.700 đồng, đồng thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền tách VNC ra khỏi VNA, cấp giấy phép cho các doanh nghiệp khác cùng được thực hiện chức năng cung cấp xăng dầu hàng không và tăng cường quản lý đối với dịch vụ cung cấp xăng dầu tại Việt Nam[2].
VNC khiếu nại. Ngày 26/6/2009, Hội đồng Cạnh tranh (VCC) đã ra quyết định giải quyết khiếu nại của VNC đối với Quyết định số 11/QĐ-HĐXL ngày 14/04/2009 của Hội đồng Xử lý vụ việc cạnh tranh. Trong quyết định này, về cơ bản, Hội đồng Cạnh tranh ủng hộ những đánh giá và kết luận trong Quyết định 11/QĐ-HĐXL của Hội đồng Xử lý vụ việc cạnh tranh. Hội đồng phúc thẩm đã nhất trí thông qua mức phạt không thay đổi so với phiên điều trần sơ thẩm đã diễn ra ngày 14/4/2009 trước đó (dù VNC đã có đơn kiến nghị) là phạt VNC 3.378.086.700 đồng (tương đương với 0,05% doanh thu của Công ty này trong năm 2007, trong khi mức phạt tối đa cho hành vi nói trên có thể lên đến 10% doanh thu). Tuy nhiên, so với phiên sơ thẩm, Hội đồng phúc thẩm đã rút lại kiến nghị tách VNC khỏi VNA như đề xuất trước đó, với lý do sự tách biệt này có thể làm phá vỡ hệ thống vận hành của Hãng Hàng không quốc gia VNA. Giải pháp dung hòa được đưa ra là nhanh chóng hoàn thành các thủ tục cấp phép cho Công ty Cổ phần nhiên liệu bay (PJF) của Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam được cung cấp nhiên liệu cho các hãng hàng không nước ngoài và trong nước khác để hạn chế sự độc quyền của VNC.
VNC đã tiến hành khởi kiện quyết định xử lý của Hội đồng Cạnh tranh ra Tòa án nhân dân (TAND) thành phố Hà Nội. Theo Bản án số 09/2010/HCST, TAND thành phố Hà Nội không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của VNC về việc đề nghị hủy Quyết định số 12/QĐ-HĐCT ngày 26/6/2009 của Hội đồng Cạnh tranh về việc giải quyết khiếu nại đối với Quyết định số 11/QĐ-HĐXL ngày 14/4/2009 của Hội đồng Xử lý vụ việc cạnh tranh. Cụ thể, TAND thành phố Hà Nội cho rằng: “việc Hội đồng Xử lý vụ việc cạnh tranh xác định Vinapco có hành vi vi phạm quy định khoản 2 Điều 14 Luật Cạnh tranh (cấm doanh nghiệp ở vị thế độc quyền áp đặt các điều kiện bất lợi cho khách hàng); khoản 3 Điều 14 Luật Cạnh tranh (cấm doanh nghiệp lợi dụng vị trí độc quyền đơn phương thay đổi hoặc hủy bỏ hợp đồng đã giao kết mà không có lý do chính đáng) là có căn cứ. Toà án cũng bác bỏ quan điểm của VNC cho rằng: “Quyết định số 11 và Quyết định số 12 của Hội đồng Xử lý vụ việc cạnh tranh và Hội đồng Cạnh tranh lấy toàn bộ tổng doanh thu của doanh nghiệp này để xử phạt là không đúng”[3].
Vụ tranh chấp này đã gây ra nhiều tranh luận nêu các quan điểm pháp lý khác nhau, có bên thì ủng hộ VNC, có bên thì ủng hộ JPA.   
Quan điểm của các bên ủng hộ VNC  
(i) Hợp đồng giữa VNC và JPA là một hợp đồng thương mại thuần túy[4]
Trong hợp đồng, quyền và nghĩa vụ của các bên đã được xác định rõ, tuân thủ toàn bộ các quy định của pháp luật hiện hành và phù hợp với thông lệ quốc tế trong lĩnh vực cung ứng nhiên liệu hàng không. Về bản chất, sự việc tạm ngừng giao hàng theo Hợp đồng ngày 01/4/2008 là một tranh chấp thương mại thuần túy phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng.
(ii) Hành vi ngừng cung ứng nhiên liệu của VNC là xử lý vi phạm hợp đồng đối với JPA  
Trong hợp đồng, các bên đã thỏa thuận về việc khi có sự thay đổi mức phí cung ứng, VNC có trách nhiệm thông báo cho JPA bằng văn bản qua đường fax và điều 9 của Hợp đồng có quy định mọi sửa đổi, bổ sung hợp đồng đều phải được hai bên thỏa thuận bằng văn bản có chữ ký của người có thẩm quyền. Trong vụ việc, VNC đã nhiều lần thông báo bằng văn bản cho JPA nhưng JPA không tích cực tập trung đàm phán mà chủ yếu đòi hỏi sự đối xử bình đẳng giữa JPA và VNA. Điều này đã góp phần tạo ra phản ứng tạm ngừng việc thực hiện hợp đồng của VNC.
(iii) Do trách nhiệm bảo toàn vốn cho Nhà nước (3)
Là doanh nghiệp Nhà nước, vào thời điểm xảy ra vụ việc, với tư cách là nhà cung ứng duy nhất, VNC đang phải chịu sự kiểm soát của Bộ Tài chính về giá tra nạp, cung ứng nhiên liệu cho các hãng hàng không nội địa. Vấn đề ở chỗ, mức phí này không được khác biệt, dù việc tra nạp được thực hiện tại các sân bay có tần suất hoạt động khác nhau, có cự ly vận chuyển nhiên liệu từ cảng đầu nguồn khác nhau…, nên với việc cung ứng cho các hãng hàng không nội địa, VNC gần như không có lãi. Rất có thể, việc đặng chẳng đừng rơi vào “vị thế độc quyền” không chỉ xảy ra với VNC, mà với cả những doanh nghiệp vừa phải thực hiện nghĩa vụ bảo toàn vốn theo Luật Doanh nghiệp, vừa phải tuân theo những quy định bó buộc tại Luật Cạnh tranh. Vinapco ở vào tình thế rất khó xử, bởi nếu tuân theo những quy định tại Luật Cạnh tranh, thì sẽ để xảy ra mất vốn Nhà nước.  
(iv) Cách xác định doanh thu để tính tỷ lệ phạt là không đúng  
VNC là một doanh nghiệp kinh doanh đa ngành nghề. Trong nhiều lĩnh vực kinh doanh, chỉ có cung ứng dịch vụ tra nạp nhiên liệu bay là liên quan đến vị thế độc quyền. Những lĩnh vực mang lại doanh thu lớn cho doanh nghiệp như: vận tải, kho bãi, bán lẻ xăng dầu mặt đất, kinh doanh tài chính… đều nằm ngoài phạm vi điều chỉnh vụ việc. Thế nhưng, khi tính tỷ lệ nộp phạt, cơ quan có trách nhiệm lại “gộp” cả doanh thu từ những lĩnh vực kinh doanh không liên quan đến việc được xử lý theo quy định của pháp luật cạnh tranh. Trong trường hợp này nếu VNC vi phạm, khi tính xử phạt, Hội đồng Xử lý vụ việc cạnh tranh phải tính trên cơ sở doanh thu từ hoạt động dịch vụ cung ứng dịch vụ tra nạp nhiên liệu bay mới đúng bản chất vụ việc.
Quan điểm của các bên ủng hộ JPA
(i) VNC ngừng cung ứng nhiên liệu là hành vi vi phạm hợp đồng
VNC đã ký hợp đồng cung cấp xăng năm 2008 cho JPA với giá cố định. Trong hợp đồng thương mại, thoả thuận về giá cả là thoả thuận quan trọng nhất. Tự ý thay đổi giá đã cam kết là hành vi vi phạm nghiêm trọng hợp đồng. Thay đổi giá đã cam kết với lý do giá thị trường thay đổi chưa bao giờ được chấp nhận trong thương mại quốc tế. Chính là để được bảo đảm giá mua bán không thay đổi - dù giá thị trường biến động - các doanh nghiệp mới giao kết hợp đồng[5]
(ii)-VNC không tăng giá đối với VNA là vi phạm pháp luật cạnh tranh
Tại thời điểm xảy ra vụ việc, ở Việt Nam chỉ có duy nhất VNC cung cấp nhiên liệu bay nên JPA không còn nguồn nào khác để mua. Rõ ràng, nếu VNC chỉ tăng giá với JPA mà không tăng giá với VNA thì giá vé của VNA sẽ cạnh tranh hơn, dẫn đến cạnh tranh không bình đẳng, và sẽ gây thiệt hại cho JPA[6].
Bình luận
Hai loại quan điểm trên đều có cơ sở. Nhưng theo chúng tôi, sẽ là không toàn diện khi nhìn nhận vụ việc này nếu chúng ta chỉ tiếp cận hành vi ứng xử của VNC trên góc độ của quyền nghĩa vụ hợp đồng của hai bên, mà cần thiết phải nhìn nhận thêm một khía cạnh nữa là quyền bình đẳng của các chủ thể giao dịch trên hợp đồng hoặc quyền đặc thù của VNC được Nhà nước giao cho khi giao dịch hợp đồng độc quyền với các chủ thể khác.  
(i) Đối với quan điểm pháp lý của VNC & JPA
- Về quyền thay đổi giá cung cấp vật tư nguyên liệu của một bên trong hợp đồng: Chúng tôi giả định VNC không phải là một doanh nghiệp đặc thù được Chính phủ giao cho quyền độc quyền cung ứng nhiên liệu hàng không (tại thời điểm xảy ra vụ việc thì chỉ có Vinapco mới được quyền thực hiện hành vi kinh doanh tra nạp nhiên liệu hàng không tại Việt Nam)thì VNC có quyền hành xử như thế không? Dĩ nhiên là không vì nếu có một nhà cung cấp cung ứng nhiên liệu hàng không thứ hai thì khi VNC đòi tăng giá, JPA sẽ được quyền so sánh giá của các nhà cung cấp khác để quyết định có chấp nhận tiếp tục thực hiện hợp đồng với VNC hay không? Chính cơ chế độc quyền của Nhà nước ban phát cho VNC đã đẩy JPA vào tình huống không được lựa chọn. Do đó, JPA đã im lặng để giữ thế trong hợp đồng, vì “mọi sự thay đổi trong hợp đồng sẽ do các bên thỏa thuận ký kết bằng văn bản”.Theo chúng tôi, VNC không thể đơn phương tự tuyên bố thay đổi điều khoản trong hợp đồng khi không thỏa thuận được với JPA làm căn cứ để hành xử việc ngừng tra nạp nhiên liệu cho JPA.    
- Các doanh nghiệp “độc quyền nhà nước” phải tuân thủ các điều kiện đặc biệt do Nhà nước quy định: Sự im lặng của JPA đã buộc VNC phải ngừng cung cấp nhiên liệu nên VNC đã vi phạm luật cạnh tranh. VNC đã quên nguyên tắc luật chơi của doanh nghiệp “độc quyền nhà nước” là phải tuân thủ các điều kiện đặc biệt do chính Nhà nước quy định vì chức năng hoạt động của VNC có liên quan đến “trật tự công cộng”, mọi hành vi xử sự đều phải hướng đến lợi ích chung. Chúng tôi giả định, sự độc quyền của VNC hoàn toàn độc lập ngay cả với VNA (tức VNC không trực thuộc VNA)và khi VNC cùng hành xử với VNA và JPA như nhau thì hậu quả xảy ra sẽ rất lớn, vì máy bay trong nước không được tra nạp nhiên liệu sẽ không thể cất cánh được, phải hủy tất cả các chuyến bay. Việc can thiệp của Bộ Giao thông vận tải buộc VNC phải tiếp tục tra nạp nhiên liệu cho JPA là tất yếu, vì đây là trách nhiệm của Nhà nước - phải giải quyết các hậu quả của cơ chế độc quyền nhà nước đối với các trật tư công cộng. Theo chúng tôi, VNC cần phải ứng xử sao cho phù hợp với các quy định của Nhà nước đối với doanh nghiệp độc quyền nhà nước.   
- Sự hạn chế đối với các doanh nghiệp độc quyền từ pháp luật cạnh tranh
Đối với các doanh nghiệp không độc quyền thì họ có thể ứng xử các hành vi trong hợp đồng có phần thoải mái hơn, thí dụ như doanh nghiệp A nợ tiền mua hàng của doanh nghiệp B thì doanh nghiệp B có thể tạm dừng hợp đồng hoặc chấm dứt hợp đồng mua bán hàng đó từ hành vi chưa thanh toán của doanh nghiệp A,nhưng trong trường hợp của JPA và VNC thì VNC khó có thể hành xử quyền tự do hợp đồng của mình như doanh nghiệp B nêu trên xuất phát từ yếu tố đặc thù “độc quyền nhà nước” sẽ dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh. Theo chúng tôi, để đảm bảo an toàn cho mình đối với sự hạn chế nêu trên, doanh nghiệp độc quyền cần có sự cân nhắc các ràng buộc khác để đảm bảo sự ứng xử phù hợp khi các tình huống tương tự phát sinh có liên quan đến pháp luật cạnh tranh.
(ii) Bình luận về quyết định của Hội đồng Xử lý vụ việc cạnh tranh  
- Việc thụ lý điều tra của Cơ quan quản lý cạnh tranh là không bình thường. Có ý kiến cho rằng, trong vụ việc ngừng tra nạp nhiên liệu hàng không của VNC không có đơn khiếu nại của JPA nhưng cơ quan quản lý cạnh tranh Việt Nam vẫn thụ lý điều tra là không bình thường. Nhưng theo chúng tôi, cơ quan quản lý cạnh tranh Việt Nam tiến hành thụ lý điều tra vụ việc trên là bình thường vì khoản 2 Điều 86 Luật Cạnh tranhđã quy định về Điều tra sơ bộ[7] “Việc điều tra sơ bộ vụ việc cạnh tranh được tiến hành theo quyết định của Thủ trưởng cơ quan quản lý cạnh tranh trong những trường hợp sau đây: 1. Hồ sơ khiếu nại vụ việc cạnh tranh đã được cơ quan quản lý cạnh tranh thụ lý; 2. Cơ quan quản lý cạnh tranh phát hiện có dấu hiệu vi phạm quy định của Luật này”.Do đó, việc thụ lý điều tra trong vụ việc này được thực hiện theo Điều 86 nêu trên và có ý nghĩa Nhà nước thực hiện kiểm tra việc tuân thủ pháp luật của các tổ chức, công dân trong nước, chứ không phải chỉ có việc nhà nước thực hiện xem xét các khiếu nại của các tổ chức hoặc công dân theo quy định của khoản 1 Điều 86 nêu trên.
- Xác định VNC có hành vi vi phạm khoản 2 và 3 Điều 14 Luật Cạnh tranh. Điều 14 Luật Cạnh tranh quy định các hành vi lạm dụng vị trí độc quyền bị cấm “Cấm doanh nghiệp có vị trí độc quyền thực hiện hành vi sau đây: 1. Các hành vi quy định tại Điều 13 của Luật này; 2. Áp đặt các điều kiện bất lợi cho khách hàng; 3. Lợi dụng vị trí độc quyền để đơn phương thay đổi hoặc huỷ bỏ hợp đồng đã giao kết mà không có lý do chính đáng”. Với hành vi tăng giá từ 593.000 đồng/tấn của hợp đồng năm 2008 lên 750.000 đồng/tấn kể từ 01/04/2008, VNC đã thỏa mãn hành vi áp đặt các điều kiện bất lợi cho khách hàng được quy định tại khoản 2 điều 14 và hành vi ngừng tra nạp nhiên liệu đối với các máy bay của JPA đã thỏa mãn hành vi lợi dụng vị trí độc quyền để đơn phương thay đổi hoặc huỷ bỏ hợp đồng đã giao kết mà không có lý do chính đáng được quy định tại khoản 3 Điều 14, nên chúng tôi hoàn toàn đồng tình với việc xác định VNC có hành vi vi phạm khoản 2 và 3 Điều 14 Luật Cạnh tranh của Hội đồng Xử lý vụ việc cạnh tranh.
- Mức xử phạt đối với VNC:
Sau khi kết luận VNC có hành vi vi phạm khoản 2 và 3 Điều 14Luật Cạnh tranh, Hội đồng Xử lý vụ việc cạnh tranh đã ra quyết định số 11/QĐ-HĐXL xử phạt VNC với mức phạt bằng 0,05% tổng doanh thu của năm tài chính năm 2007, tương đương số tiền 3.378.086.700 đồng.Vấn đề cần xem xét ở đây là việc áp dụng xử phạt có phù hợp với các quy định của pháp luật hay không?
Điều 5 Nghị định 120/2005/NĐ-CP ngày 30/09/2005 của Chính phủ quy định về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh như sau: “1. Đối với hành vi vi phạm quy định về kiểm soát hành vi hạn chế cạnh tranh, cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm có thể phạt tiền theo các mức cụ thể được quy định tại Mục 1, 2 và 3 Chương II của Nghị định này nhưng tối đa đến 10% tổng doanh thu của doanh nghiệp vi phạm trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi vi phạm. Trường hợp doanh nghiệp vi phạm mới thành lập và hoạt động chưa đủ một năm tài chính, tổng doanh thu trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản này được xác định là tổng doanh thu của doanh nghiệp kể từ ngày thành lập cho đến ngày ra quyết định điều tra chính thức về hành vi vi phạm. 2. Đối với các hành vi vi phạm quy định về cạnh tranh không lành mạnh và hành vi vi phạm quy định pháp luật về cạnh tranh khác không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, cơ quan có thẩm quyền tiến hành phạt tiền theo các mức cụ thể quy định tại Mục 4 và 5 Chương II của Nghị định này”.
Theo quy định này, mức phạt VNC 0,05% tổng doanh thu của năm tài chính năm 2007 đối với hành vi vi phạm năm 2008 và doanh thu không bóc tách ra phần doanh thu tra nạp nhiên liệu mà Hội đồng Xử lý cạnh tranh áp dụng là phù hợp.  
- Đề nghị tách VNC ra khỏi VNA
Như đã phân tích nêu trên, vấn đề độc quyền của VNCmới là quan trọng; còn VNC trực thuộc VNA chỉ là tiền đề của hành vi cạnh tranh, do đó việc tách VNC ra khỏi VNA chỉ giải quyết được yếu tố thứ hai của cạnh tranh là VNC dùng giá nhiên liệu để tạo điều kiện cho VNA cạnh tranh với JPA. Nếu VNC được tách ra khỏi VNA như đề nghị thì cũng chỉ mới giải quyết phần ngọn, còn cái gốc vẫn còn đó, VNC vẫn có thể dùng yếu tố độc quyền để bắt chẹt các khách hàng phải mua xăng dầu của mình. Vì vậy, việc Hội đồng Xử lý cạnh tranh rút lại kiến nghị tách VNC khỏi VNA là xác đáng.
-Cấp giấy phép cho các doanh nghiệp khác cùng được thực hiện chức năng cung cấp xăng dầu hàng không
Nhận định của Hội đồng Xử lý cạnh tranh cho rằngGiải pháp dung hòa là phải nhanh chóng hoàn thành các thủ tục cấp phép cho Công ty cổ phần nhiên liệu bay (PJF) của Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam được cung cấp nhiên liệu cho các hãng hàng không nước ngoài và trong nước khác để hạn chế sự độc quyền của VNC”. Chúng tôi cho rằng, nhận định trên của Hội đồng Xử lý cạnh tranh là chưa chính xác, bởi việc cấp phép cho Công ty cổ phần nhiên liệu bay (PJF) của Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam hoặc bất kỳ một công ty nào khác không phải là giải pháp dung hòa với việc xử lý vi phạm của VNC, hai việc này hoàn toàn khác nhau. Phải nhìn nhận vấn đề cho các doanh nghiệp khác cùng thực hiện việc cung ứng nhiên liệu hàng không là một chính sách, một chủ trương đúng đắn của Nhà nước nhằm thực hiện đường lối chủ trương của Đảng là kiên quyết chấm dứt tình trạng biến độc quyền nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp[8].  
-  Xác định tổng doanh thu liên quan đến việc áp dụng chế tài vụ việc cạnh tranh chưa hợp lý. Chúng tôi đồng tình với quan điểm kiến nghị của VNC vì sự chế tài tỷ lệ xử phạt cần áp dụng trực tiếp cho nhóm doanh thu liên quan đến lĩnh vực cạnh tranh. Hành vi vi phạm của VNC là tra nạp nhiên liệu hàng không đối với JPA nên tổng doanh thu cần tính toán tỷ lệ phạt chỉ nên khoanh vùng tổng doanh thu tra nạp nhiên liệu hàng không của năm 2007. Do đó, chúng tôi kiến nghị cần thiết phải bóc tách tổng doanh thu có liên quan trực tiếp đến hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh để tính toán tỷ lệ xử phạt. Và như vậy,cần sửa đổi Điều 5 Nghị định 120/2005/NĐ-CP ngày 30/09/2005 của Chính phủ quy định về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh.   
- Sự phân bổ thực hiện độc quyền nhà nước nhằm chống biến độc quyền nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp. Sự độc quyền của Nhà nước là cần thiết đối với các loại hàng hóa, dịch vụ có liên quan mật thiết đến “trật tự công cộng”, “an ninh quốc gia”, “chủ đạo nền kinh tế quốc dân”… Những yếu tố này có sự tác động chủ yếu và ảnh hưởng không nhỏ đến sự ổn định chính trị, định hướng phát triển kinh tế, sự toàn vẹn lãnh thổ, hội nhập kinh tế quốc tế. Do đó, Nhà nước cần phải xem xét định hướng lĩnh vực nào, loại hàng hóa, dịch vụ nào cần phải nắm giữ, chi phối, nhằm đảm bảo thực hiện hoạt động quản lý nhà nước của mình.
Chủ thể thực hiện độc quyền phải là các doanh nghiệp nhà nước để đảm bảo sự chi phối tuyệt đối khi Nhà nước phải thực hiện các chính sách điều tiết; thực hiện các nhiệm vụ quản lý của Nhà nước và đảm bảo được quan điểm về kiểm soát độc quyền trong kinh doanh của Đảng là “hạn chế và kiểm soát độc quyền kinh doanh”[9], “Thực hiện độc quyền nhà nước trong lĩnh vực cần thiết nhưng không biến độc quyền nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp”[10]; kiên quyết chấm dứt tình trạng biến độc quyền nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp.  
Mục tiêu của độc quyền nhà nước là để đảm bảo sự điều hành nhà nước, do đó phải tạo điều kiện phân bổ cho nhiều doanh nghiệp nhà nước cùng thực hiện. Nếu nhà nước chỉ giao cho một doanh nghiệp nhà nước nào thực hiện việc độc quyền này sẽ tạo ra sự hạn chế cạnh tranh và vi phạm pháp luật cạnh tranh. Các doanh nghiệp nhà nước cùng thực hiện nhiệm vụ độc quyền nhà nước để đảm bảo sự quản lý của nhà nước đối với trật tự công cộng.
(iii) Sự cần thiết ban hành một đạo luật về độc quyền nhà nước.
Chúng tôi cho rằng, sự độc quyền nhà nước trong một số lĩnh vực là cần thiết nhằm đảm bảo cho hoạt động điều hành nhà nước, nhưng để việc thực hiện độc quyền được công khai, minh bạch, tránh sự lạm dụng của một số doanh nghiệp nhà nước được giao quản lý thực hiện một số lĩnh vực độc quyền và gây thiệt hại cho cộng đồng dân cư trong quá trình thực hiện quyền độc quyền nhà nước, cần thiết phải ban hành một đạo luật quy định về độc quyền nhà nước. Đạo luật này cần quy định rõ các nội dung sau: (i) giới hạn các lĩnh vực nhà nước sẽ thống lĩnh độc quyền nhà nước; (ii) chủ thể tham gia thực hiện hành vi độc quyền nhà nước; (iii) loại doanh nghiệp được nhà nước giao thực hiện nhiệm vụ độc quyền; (iv) điều kiện hạn chế các doanh nghiệp khi thực hiện độc quyền; (v) những hạn chế biến độc quyền nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp; (vi) trách nhiệm nhà nước giải quyết các hậu quả do độc quyền nhà nước gây ra; (vii) cơ quan có thẩm quyển giảiquyết các tranh chấp từ độc quyền nhà nước (viii) trách nhiệm bồi thường khi gây thiệt hại cho tổ chức, công dân./.
             
 

[1] Một số sự kiện liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh trong năm 2008, Bản tin cạnh tranh & người tiêu dùng số 2/2009 của Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương; trang 10.
 
[2] Theo Tin xử lý cạnh tranh của Ban thư ký Hội đồng Cạnh tranh tại trang websites www.hoidongcanhtranh.vn
 
[3]Vinapco “ấm ức” chịu phán quyết, Báo Đầu tư.vn ngày 17/01/2011
 
[4]Nguyễn Ngọc Sơn, Xét xử về hành vi hạn chế cạnh tranh đầu tiên tại VN: Không phải chuyện một DN; Báo Diễn đàn Doanh nghiệp
[5] Vụ Pacific Airlines-Vinapco: “Phép thử” luật Cạnh tranh?Posted on 04.04.2008 by GS. Nguyễn Vân Nam.
 
 
[7]Luật Cạnh tranh số 27/2004/QH11 của Quốc hội ban hành ngày 14/12/2004.  
 
[8] Nghị quyết Đại hội Đảng IX, tháng 4/2001
 
[9]Hội nghị III BCH TƯ Đảng khóa IX về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN, tháng 9/2001)
  
[10] Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 5/2/2007 của BCHTƯ Đảng khóa X về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững