Về tính khả thi Của luật phòng, chống tác hại của thuốc lá

01/06/2012

Hiện nay trên thế giới, việc sử dụng thuốc lá đang có chiều hướng gia tăng, khuynh hướng tuy có giảm ở các nước phát triển nhưng lại tăng ở các nước đang phát triển. Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao hàng đầu thế giới và việc sử dụng thuốc lá vẫn tăng dần qua các năm do rất nhiều nguyên nhân, mặc dù Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL).
 Theo nghiên cứu năm 1997 của Bộ Y tế, tỷ lệ hút thuốc lá trong nam giới là 50% và trong nữ giới lá 3,4%. Theo kết quả của cuộc điều tra y tế quốc gia năm 2001-2002 thì tỷ lệ người hút thuốc lá chiếm 56,1% ở nam và 1,8% ở nữ. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở thanh niên của Việt Nam với độ tuổi từ 17 - 24 là khá cao, khoảng 43,6%. Với khoảng 30% dân số Việt Nam ở độ tuổi trên 15 (21 triệu người) thì số người ở độ tuổi này nghiện hút thuốc là 9,7 triệu, do vậy, việc PCTHTL tại Việt Nam hiện nay là cấp bách và cấn thiết. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần có những biện pháp mạnh mẽ để PCTHTL và việc giảm cung cấp và giảm nhu cầu thuốc lá đang là vấn đề thách thức đối với Việt Nam.
Ngày 11/11/2004, Việt Nam đã tham gia Công ước khung về kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Công ước đã có hiệu lực áp dụng tại Việt Nam, do vậy cần thiết phải nội luật hoá Công ước này thành Luật để có cơ sở pháp lý đủ mạnh cho việc tổ chức có hiệu quả công tác PCTHTL ở nước ta.
Tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khoá XIII, Dự thảo Luật PCTHTL đã được Quốc hội xem xét và cho ý kiến. Dự thảo Luật PCTHTL bao gồm 5 Chương và 36 điều:
Chương I: “Những quy định chung” gồm 8 điều quy định về phạm vi và đối tượng điều chỉnh của Luật PCTHTL, giải thích từ ngữ, nguyên tắc PCTHTL, chính sách của Nhà nước về PCTHTL, trách nhiệm quản lý nhà nước về PCTHTL, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức địa phương trong PCTHTL, hợp tác quốc tế trong công tác đấu tranh PCTHTL và các hành vi bị nghiêm cấm.
Chương II: “Các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá”. Chương này gồm có 11 điều quy định về thông tin, giáo dục, truyền thông về PCTHTL; địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn; địa điểm cấm hút thuốc lá trong nhà nhưng được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc lá; quyền và nghĩa vụ của người hút thuốc lá; quyền và trách nhiệm của người đứng đầu địa điểm cấm hút thuốc; việc ghi nhãn, in cảnh báo sức khoẻ trên bao bì thuốc lá; hoạt động tài trợ; thuế để giảm cầu thuốc lá; cai nghiện thuốc lá; trách nhiệm trong hỗ trợ cai nghiện thuốc lá.
Chương III: “Các biện pháp kiểm soát nguồn cung cấp thuốc lá”. Chương này gồm 9 điều quy định về quản lý kinh doanh thuốc lá; quy hoạch kinh doanh thuốc lá, kiểm soát đầu tư sản xuất thuốc lá; kiểm soát sản lượng thuốc lá tiêu thụ trong nước; quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với thuốc lá; số lượng điếu thuốc lá trong bao gói; bán thuốc lá; các biện pháp phòng chống thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả; trách nhiệm phòng, chống thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả.
Chương IV: “Các điều kiện bảo đảm để  PCTHTL”. Chương này gồm 5 điều quy định về thành lập Quỹ PCTHTL; mục đích và nhiệm vụ Quỹ; nguồn hình thành và nguyên tắc sử dụng Quỹ; xử lý vi phạm pháp luật về PCTHTL; trách nhiệm xử lý vi phạm về PCTHTL.
Chương V: “Điều khoản thi hành”. Chương này có 3 điều quy định về hiệu lực thi hành; điều khoản chuyển tiếp; quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành.
Với 5 Chương và 36 Điều, Dự thảo Luật PCTHTL đã bao quát được phạm vi điều chỉnh của Luật, đó là quy định về các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, các biện pháp kiểm soát nguồn cung cấp thuốc lá và các điều kiện bảo đảm để PCTHTL. Tuy nhiên, trong quá trình tham gia góp ý và thảo luận tại Quốc hội, có một số ý kiến của Đại biểu Quốc hội băn khoăn về tính khả thi của Dự án Luật, liệu khi được ban hành, Luật có đi vào cuộc sống thực tiễn được hay không, trong khi ở Việt Nam, người dân cũng như các nhà quản lý chưa thực sự quan tâm đến tác hại của thuốc lá, bên cạnh đó ý thức tuân thủ pháp luật của người dân còn hạn chế. Các ý kiến băn khoăn đó tựu trung lại ở các nội dung sau:
Về quy định cấm hút thuốc lá ở địa điểm công cộng
Dự thảo Luật quy định: địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn cả trong nhà và trong phạm vi khuôn viên, bao gồm: cơ sở y tế, cơ sở giáo dục (trường đại học, cao đẳng) cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi giải trí dành riêng cho trẻ em, những nơi có nguy cơ cháy nổ cao; địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà bao gồm: nơi làm việc, trường đại học, cao đẳng, địa điểm công cộng (trừ các địa điểm công cộng nêu trên và các địa điểm công cộng cấm hút thuốc lá trong nhà nhưng được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc lá); địa điểm cấm hút thuốc lá trong nhà nhưng được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc lá, bao gồm: khu vực cách ly của sân bay, nhà hàng, quán bar, karaoke, khách sạn, vũ trường; phương tiện giao thông công cộng là tàu thuỷ, tàu hoả; trên những phương tiện công cộng là ôtô, tàu bay đều thuộc địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn.
Những quy định nêu trên là những quy định thực sự rất cần thiết và cấp bách, mang tính nhân văn cao, mang lại lợi ích cho sức khoẻ cộng đồng. Nó giúp cho chúng ta không bị phơi nhiễm với khói thuốc lá nhiều như hiện nay, để tất cả mọi người không hút thuốc lá được sống trong môi trường không có khói thuốc lá. Quy định này được người dân đồng tình ủng hộ nên chắc chắn sẽ được thực thi tốt khi Luật được ban hành. Tuy nhiên, để đảm bảo cơ chế trong triển khai và thực hiện, Luật cần phải có quy định theo hướng tăng quyền và trách nhiệm cho người đứng đầu các địa điểm quy định cấm hút thuốc lá. Theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính hiện hành và dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính sẽ được Quốc hội thông qua trong thời gian tới, thì người đứng đầu các cơ sở này không có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với người hút thuốc lá tại các địa điểm có quy định cấm. Trong khi đó, những người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính lại không có mặt thường xuyên tại những địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá để phát hiện và xử lý kịp thời đối với người có hành vi vi phạm. Do vậy, Dự thảo Luật PCTHTL nếu có quy định trao thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cho người đứng đầu các địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá là tốt nhất, để người này có thể áp dụng chế tài xử phạt ngay đối với người có hành vi vi phạm hút thuốc lá tại nơi có quy định cấm. Nếu chưa quy định như vậy, thì ít nhất, trong Luật này cũng phải có quy định cho phép người đứng đầu các địa điểm công cộng có quy định cấm hút thuốc lá được quyền lập biên bản vi phạm hành chính để chuyển biên bản đó đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với người có hành vi hút thuốc lá tại nơi có quy định cấm.
Đối với vấn đề in cảnh báo sức khỏe trên vỏ bao thuốc lá
Dự thảo Luật PCTHTL quy định thuốc lá được sản xuất, nhập khẩu để tiêu thụ tại Việt Nam phải in cảnh báo sức khoẻ bằng chữ và hình ảnh. Nội dung cảnh báo sức khoẻ được in trên bao bì thuốc lá phải mô tả cụ thể tác hại của việc sử dụng thuốc lá đối với sức khoẻ và các thông điệp thích hợp khác, phải được thay đổi theo định kỳ hai năm/lần. Diện tích in cảnh báo sức khoẻ chiếm ít nhất 50% diện tích của mỗi mặt chính truớc và mặt chính sau trên bao, tút và hộp thuốc lá. Quy định này sẽ là một trong những biện pháp tuyên truyền ít tốn kém và có hiệu quả cao trong PCTHTL, vì nó có thể tuyên truyền tới tất cả mọi người, nhất là phụ nữ, trẻ em và cả người cao tuổi, giúp cho mọi người có được thông tin cảnh báo về tác hại của thuốc lá đối với sức khoẻ của chính mình. Các thông tin cảnh báo này sẽ giúp hình thành quan niệm: vì lợi ích của chính mình và của người xung quanh, mọi người không được hoặc không nên sử dụng thuốc lá, nếu có sử dụng thuốc lá thì không được để khói thuốc lá ảnh hưởng đến người xung quanh, không được hút thuốc lá tại những nơi có quy định cấm.
Quy định về cảnh báo sức khoẻ trong Dự thảo Luật như vậy là phù hợp với quy định của Công ước khung về Kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế thế giới. Tuy nhiên, trong quá trình tham gia góp ý kiến đối với Dự thảo Luật, cũng có một số ý kiến cho rằng: chỉ nên quy định in cảnh báo sức khoẻ bằng chữ và hình ảnh chiếm ít nhất 30% diện tích của mỗi mặt chính trước và mặt chính sau trên bao bì thuốc lá, sau năm năm thực hiện Luật sẽ tăng dần lên 50% hoặc hơn nữa. Nhưng ở Việt Nam, việc thực hiện in cảnh báo sức khỏe bằng chữ đã được thực hiện với diện tích 30% của mỗi mặt chính và mặt chính từ năm 2007 (bằng mức tối thiểu của Công ước khung về Kiểm soát thuốc lá). Do vậy, đến nay, năm 2012, khi ban hành Luật thì không nên quy định theo mức tối thiểu của Công ước khung về Kiểm soát thuốc lá và càng không nên quy định lại mức 30% mà Bộ Y tế đã quy định cách đây 05 năm.
Dự thảo Luật quy định in cảnh báo về sức khỏe bằng chữ và bằng hình ảnh với diện tích 50% của mỗi mặt chính trước và sau bao thuốc lá là phù hợp, được người dân đồng tình ủng hộ. Khi Luật được ban hành thì quy định này chắc chắn sẽ phát huy hiệu quả trong thực tiễn, góp phần cảnh báo cho người sử dụng thuốc lá sẽ phải cân nhắc khi có ý định sử dụng và những người đang sử dụng sẽ cân nhắc có nên tiếp tục sử dụng nữa hay không? Nếu vẫn tiếp tục sử dụng thì hãy tôn trọng mọi người xung quanh để họ không bị ảnh hưởng bởi khói thuốc lá do mình gây ra.
Thành lập Quỹ PCTHTL
Các quy định về việc thành lập, vận hành Quỹ PCTHTL là những quy định được rất nhiều người quan tâm trong quá trình tham gia góp ý cho Dự thảo Luật, nhất là trong quá trình  thảo luận tại Quốc hội. Một số đại biểu Quốc hội băn khoăn về tính khả thi của quy định này. Tuy nhiên, ai cũng khẳng định việc thành lập Quỹ PCTHTL là rất biện pháp cần thiết để đảm bảo cho các hoạt động PCTHTL có hiệu quả. Nếu chỉ với nguồn ngân sách ít ỏi của Nhà nước cấp như hiện nay thì không thể triển khai được hoạt động PCTHTL một cách có hiệu quả, đặc biệt là các hoạt động truyền thông, tổ chức cai nghiện thuốc lá và nghiên cứu khoa học… Nhưng nguồn quỹ được lấy từ đâu? Một số ý kiến cho rằng, nguồn quỹ nên được trích từ ngân sách nhà nước hàng năm. Song nếu ngân sách nhà nước cấp hàng năm thì nguồn quỹ này cũng sẽ rất hạn chế. Hơn nữa, nó sẽ làm tăng gánh nặng cho ngân sách nhà nước trong khi ngân sách nhà nước vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu các mục chi ngân sách. Nhiều ý kiến cho rằng, nguồn quỹ nên huy động từ sự đóng góp của cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc lá. Thuốc lá gây nguy hại đến sức khỏe của con người, do vậy các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc lá phải có trách nhiệm đóng góp cho các hoạt động phòng, chống, giảm tác hại của thuốc lá là hoàn toàn hợp lý. Đây là một hoạt động nhằm cụ thể hóa chủ trương xã hội hóa của các hoạt động chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân. Việc thành lập Quỹ PCTHTL và nguồn hình thành quỹ theo định hướng đó sẽ là một tiền đề, tạo điều kiện cho việc thành lập Quỹ nâng cao sức khỏe nhân dân khi Luật phòng, chống lạm dụng rượu bia được xem xét và ban hành trong thời gian tới.
Đã có ý kiến cho rằng, sau khi ban hành Luật PCTHTL, có khả năng nguồn thu thuế từ thuốc lá sẽ làm giảm. Nhưng đã đến lúc chúng ta phải so sánh nguồn thu thuế thuốc lá liệu có thể đảm bảo đủ chi phí để chữa cho các bệnh liên quan đến thuốc lá hay không? Hơn nữa, trong Dự thảo Luật cũng đã quy định theo hướng tăng thuế để giảm cầu thuốc lá. Phân tích và đánh giá của Vụ Chính sách thuế - Bộ Tài chính cho thấy, trong khu vực ASEAN, Thái Lan có mức thuế suất cao nhất, tính theo trung bình tỷ lệ phần trăm của thuế trên giá bán lẻ của mỗi bao thuốc lá. Năm 2010, trung bình tỷ lệ phần trăm của thuế thuốc lá trên giá bán lẻ của mỗi bao thuốc lá ở Thái Lan là 70%; Sinhgapore là 69%; Indonesia 52%; Myanmar 50%; Malaysia 45%; còn Việt Nam đứng thứ 6 với tỷ lệ 45%. Như vậy, tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ thuốc lá ở Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực, và theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam cần tiếp tục tăng tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ lên mức 65%.
Dự thảo Luật PCTHTL đang được Quốc hội xem xét ban hành là một Dự thảo đã khá hoàn chỉnh, đảm bảo tính khoa học, tính pháp lý, phù hợp với thực tiễn và phù hợp với Công ước khung về Kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế thế giới. Chúng ta tin tưởng rằng, Luật PCTHTL khi được ban hành sẽ đi vào thực tiễn cuộc sống, được người dân đồng tình ủng hộ và sẽ góp phần đáng kể cho công tác bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân./.