Đảm bảo quyền được cung cấp thông tin của người mua bảo hiểm trong quan hệ bảo hiểm thương mại

01/02/2014

1. Đặt vấn đề
Quan hệ bảo hiểm (QHBH) thương mại là những quan hệ xã hội được thiết lập trong quá trình các chủ thể tham gia vào hoạt động kinh doanh bảo hiểm (KDBH). KDBH là hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) nhằm mục đích sinh lợi, theo đó DNBH chấp nhận rủi ro của người được bảo hiểm, trên cơ sở bên mua bảo hiểm (BMBH) đóng phí bảo hiểm để DNBH trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm[1]. Như vậy, khi tham gia vào QHBH, các bên chủ thể đều nhằm đạt được những mục đích khác nhau. Phía DNBH nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận, còn BMBH nhằm mục đích chuyển giao rủi ro lẽ ra mình phải gánh chịu sang DNBH để DNBH gánh chịu thay.
Hoạt động KDBH có đối tượng kinh doanh là rủi ro. Rủi ro là yếu tố bất ngờ, ngoài dự đoán của các chủ thể tham gia QHBH. Nói một cách khác, đối tượng của hoạt động KDBH là yếu tố hoàn toàn trừu tượng, chưa tồn tại tại thời điểm các bên giao kết hợp đồng bảo hiểm (HĐBH). Đối tượng của hoạt động KDBH là lời cam kết gắn liền với yếu tố rủi ro. Người tham gia bảo hiểm đóng phí bảo hiểm để DNBH trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra. Đây là một cam kết đảm bảo về mặt tài chính trước rủi ro cho người được bảo hiểm. Để thực hiện cam kết này, DNBH sẽ thu phí bảo hiểm trước, sau đó nếu có sự kiện bảo hiểm xảy ra theo thỏa thuận trong HĐBH thì DNBH sẽ trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường cho người thụ hưởng hoặc người được bảo hiểm.
Tham gia vào QHBH, cả DNBH lẫn BMBH phải đối mặt với nguy cơ rủi ro xảy ra trong tương lai chứ không phải tại thời điểm giao kết hợp đồng. Vì vậy, đôi bên phải hình dung được những yếu tố liên quan đến đối tượng hợp đồng mà các bên giao dịch. Để có cơ sở cho việc nhận diện những rủi ro và các yếu tố liên quan đến sản phẩm bảo hiểm (SPBH) mà DNBH thiết kế, các bên phải có nghĩa vụ cung cấp cho nhau những thông tin cần thiết. Căn cứ vào những thông tin do người mua bảo hiểm (NMBH) cung cấp, DNBH có thể dự đoán được rủi ro có thể xảy ra đối với đối tượng bảo hiểm. Ngược lại, DNBH cũng phải cung cấp cho NMBH những thông tin cần thiết để họ có thể biết được những yếu tố hình thành nên SPBH. Dựa vào những thông tin này, các bên có khả năng đánh giá, dự đoán các rủi ro để có thể đi đến quyết định giao kết HĐBH.
Quan hệ KDBH khác với quan hệ kinh doanh thông thường. Cụ thể, trong KDBH, DNBH thiết kế nên SPBH và cũng bởi vì SPBH là trừu tượng (được thiết kế thông qua câu chữ trong quy tắc, điều khoản bảo hiểm) nên NMBH không thể tự cảm nhận bằng mắt thường đối với sản phẩm mà DNBH thiết kế. NMBH chỉ có thể nhận biết SPBH qua những thông tin mà DNBH cung cấp. Những thông tin này là những quy định trong bộ quy tắc, điều khoản bảo hiểm và trong HĐBH đã được DNBH soạn sẵn. Cũng chính vì yếu tố này mà quyền được cung cấp thông tin khi tham gia QHBH của BMBH được pháp luật ghi nhận[2].
2. Quy định của pháp luật về quyền được cung cấp thông tin của bên mua bảo hiểm khi tham gia quan hệ bảo hiểm
Để thiết lập nên QHBH, các bên phải tiến hành giao kết hợp đồng. HĐBH là sự thỏa thuận của BMBH và DNBH, theo đó BMBH phải đóng phí bảo hiểm, DNBH phải trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm[3].
Để hình thành nên quan hệ hợp đồng nói chung và HĐBH nói riêng, các bên trong hợp đồng đều phải thực hiện các nghĩa vụ để được hưởng những quyền lợi nhất định. Nghĩa vụ, theo cách hiểu thông thường là những gì mà một người phải làm hoặc không được làm với người khác. Nghĩa vụ thực chất là mối liên hệ giữa hai hay nhiều người với nhau, theo đó, những chủ thể này phải thực hiện những hành vi nhất định. Sở dĩ, khi tham gia vào quan hệ hợp đồng, các bên đều phải thực hiện những nghĩa vụ nhất định vì các giao dịch hợp đồng đều nhằm đạt được những lợi ích mà các bên hướng tới. Lợi ích trong hợp đồng chính là hệ quả của các quyền dân sự mà các bên được hưởng. Theo quy định của pháp luật, quyền dân sự là cách xử sự được phép của người có quyền năng[4].
Hoạt động KDBH có đặc điểm, các chủ thể thực hiện hoạt động kinh doanh này phải là những chủ thể có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ nhất định trong lĩnh vực bảo hiểm[5]. Pháp luật quy định, một trong những điều kiện để tiến hành cấp giấy phép thành lập và hoạt động đối với DNBH là người quản trị, điều hành có năng lực quản lý, chuyên môn về lĩnh vực bảo hiểm (khoản 4 Điều 63 Luật KDBH). Quy định này nhằm tạo lập nên một thị trường bảo hiểm vững mạnh, đảm bảo cho hoạt động KDBH đạt hiệu quả và cũng là cách thức để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho BMBH. Là chủ thể thực hiện hoạt động KDBH và thiết kế nên HĐBH cũng như các SPBH nên sự am hiểu của DNBH trong lĩnh vực bảo hiểm tốt hơn BMBH. Chính vì điều này mà trong lĩnh vực KDBH, pháp luật cho phép DNBH được soạn thảo HĐBH mẫu với những điều khoản cụ thể, nhất là phần điều kiện chung. Vì vậy, thông thường BMBH chỉ có thể đồng ý hoặc từ chối giao kết dựa trên mẫu hợp đồng đã định sẵn. Lý do của Nhà nước khi trao quyền cho DNBH được phép soạn thảo mẫu hợp đồng là vì, trong QHBH, DNBH là người biết rõ nhất những yếu tố liên quan đến quyền và nghĩa vụ của các bên, biết rõ những đặc trưng cơ bản của hoạt động KDBH để trên cơ sở đó hình thành nên các điều khoản của hợp đồng.
Như đã đề cập, hoạt động KDBH có đối tượng kinh doanh là rủi ro nên SPBH là hoàn toàn trừu tượng. Thực chất, SPBH chính là các cam kết về nghĩa vụ bồi thường hoặc trả tiền bảo hiểm của DNBH trong HĐBH. Và đương nhiên, để được nhận SPBH, NMBH hoặc người được bảo hiểm phải thực hiện những yêu cầu liên quan đến SPBH của DNBH. Những yêu cầu này chủ yếu được diễn giải trong quy tắc, điều khoản bảo hiểm do DNBH thiết kế đối với từng SPBH.
Để thực hiện hoạt động KDBH, pháp luật cho phép các DNBH ban hành các quy tắc, điều khoản bảo hiểm cho từng nghiệp vụ bảo hiểm. Quy tắc, điều khoản bảo hiểm do DNBH ban hành không phải là quy định của pháp luật nhưng nó có ý nghĩa chi tiết hóa quyền và nghĩa vụ của các bên trong HĐBH. Như vậy, để biết rõ quyền và nghĩa vụ của mình khi tham gia vào QHBH, BMBH phải biết rõ nội dung của quy tắc, điều khoản bảo hiểm đối với SPBH mà mình tham gia. Tuy nhiên, nội dung quy tắc, điều khoản bảo hiểm thường chứa đựng những thuật ngữ chuyên môn khó hiểu nên cần thiết phải có sự giải thích của DNBH cho BMBH về các nội dung chứa đựng trong tài liệu này.
Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 17 Luật KDBH, DNBH có nghĩa vụ: “giải thích cho BMBH về các điều kiện, điều khoản bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của BMBH”. Để đảm bảo nguyên tắc trung thực, việc giải thích này phải rõ ràng, chính xác, không được đưa ra những thông tin làm cho BMBH hiểu nhầm dẫn đến việc giao kết HĐBH ngoài ý muốn.
3. Đánh giá quy định pháp luật về đảm bảo quyền được cung cấp thông tin của người mua bảo hiểm và thực tiễn áp dụng
Theo quy định của pháp luật và trên thực tế, việc bán bảo hiểm chủ yếu được thực hiện thông qua hai chủ thể: DNBH và đại lý bảo hiểm (ĐLBH). Khi bán bảo hiểm, pháp luật quy định, bên bán bảo hiểm (BBBH) phải có nghĩa vụ giải thích cho BMBH các điều kiện, điều khoản bảo hiểm do DNBH thiết kế cũng như quyền và nghĩa vụ của BMBH khi tham gia QHBH. Như vậy, trước khi giao kết HĐBH, một trong những nghĩa vụ mà DNBH phải thực hiện là giải thích những yếu tố của HĐBH cho BMBH. Nếu việc bán bảo hiểm thông qua đại lý thì DNBH phải ủy quyền cho đại lý thực hiện nghĩa vụ này thay mình. Giải thích những quy định trong HĐBH là một yêu cầu bắt buộc đối với bên soạn thảo (DNBH), với mục đích nhằm làm rõ nghĩa các điều khoản trong HĐBH và để cho BMBH hiểu rõ những điều kiện cũng như quyền và nghĩa vụ của các bên được quy định trong HĐBH. Việc thực hiện nghĩa vụ này của BBBH còn nhằm mục đích giúp cho BMBH hiểu được những nội dung của HĐBH để họ thực hiện đúng theo quy định trong HĐBH, như thế, HĐBH sẽ được duy trì và mục đích giao kết HĐBH của BMBH và cả DNBH đều đạt được.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc thực hiện nghĩa vụ này của BBBH (cũng đồng nghĩa với quyền được cung cấp thông tin của BMBH) hầu như chưa được đảm bảo. Các DNBH và ĐLBH khi tiến hành tư vấn để giao kết hợp đồng đều cố tình không thực hiện hoặc lờ đi nghĩa vụ phải giải thích các điều kiện, điều khoản bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ cho BMBH. Nguyên nhân sâu xa của thực trạng trên chủ yếu từ hai lý do:
Thứ nhất, nếu các HĐBH được bán thông qua ĐLBH, các DNBH hầu như giao phó trách nhiệm này cho ĐLBH. Trên thực tế, điều kiện đào tạo ĐLBH còn sơ sài nên kiến thức về bảo hiểm của ĐLBH còn non kém. Chính vì vậy, nghĩa vụ giải thích các điều kiện, điều khoản bảo hiểm của đại lý cho NMBH có thể không được thực hiện hoặc thực hiện chưa thấu đáo. Ngoài ra, khi bán bảo hiểm, ĐLBH là người đại diện cho DNBH vì vậy trong mối quan hệ với NMBH, đại lý tham gia với tư cách vì quyền lợi của DNBH, vì vậy, nếu có giải thích thì cũng chỉ giải thích theo hướng có lợi cho DNBH. Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền được cung cấp những thông tin cần thiết của BMBH trước khi tiến hành giao kết HĐBH.
Thứ hai, pháp luật chỉ quy định nghĩa vụ của DNBH (đồng thời cũng là quyền của BMBH) về việc cung cấp thông tin trước khi giao kết HĐBH nhưng lại không hề quy định cách thức thực hiện cũng như hậu quả pháp lý của việc vi phạm nghĩa vụ này. Chính vì vậy, nếu DNBH không thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin theo luật định thì cũng không phải gánh chịu hậu quả nào[6].
Khi một giao dịch dân sự được xác lập, các bên phải thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ của mình. Nếu một bên vi phạm nghĩa vụ (không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ) thì phải gánh chịu những hậu quả bất lợi mà pháp luật đã dự liệu[7]. Khoản 1 Điều 302 Bộ luật Dân sự Việt Nam quy định: “Bên có nghĩa vụ mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì phải chịu trách nhiệm dân sự với bên có quyền”. Việc pháp luật quy định khi một bên vi phạm nghĩa vụ thì phải gánh chịu trách nhiệm do hành vi vi phạm của mình nhằm ngăn ngừa và hạn chế các chủ thể thực hiện những hành vi làm ảnh hưởng đến quyền lợi người khác. Trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ luôn phải mang đến một hậu quả bất lợi cho người có hành vi vi phạm pháp luật.
Từ những lập luận trên, có thể thấy rằng, việc pháp luật KDBH không quy định trách nhiệm pháp lý mà BBBH phải gánh chịu khi vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin là một thiếu sót lớn, vi phạm nghiêm trọng quyền được cung cấp thông tin theo luật định của BMBH. Pháp luật phải là công cụ bảo vệ cho những chủ thể ở thế yếu. Trong QHBH, BMBH là chủ thể ở thế bất lợi hơn do sự bất cân xứng về trình độ chuyên môn nghiệp vụ về bảo hiểm giữa DNBH và BMBH. Ngoài ra, SPBH mang tính trừu tượng, lại do chính DNBH thiết kế, HĐBH và quy tắc bảo hiểm do chính DNBH ban hành, vì vậy, BMBH cần thiết phải được quyền nắm bắt những thông tin liên quan đến HĐBH và SPBH. Để quyền này của BMBH được thực thi, pháp luật cần thiết phải bổ sung, sửa đổi những nội dung sau:
Một là, trên thực tế, các DNBH mặc dù không giải thích hoặc giải thích không đầy đủ các nội dung về điều kiện, điều khoản bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của BMBH nhưng trong HĐBH, DNBH luôn thiết kế điều khoản: “sau khi đã được DNBH giải thích đầy đủ…”. Với sự thiếu hiểu biết của mình về bảo hiểm, BMBH không thể biết được họ đã được giải thích đầy đủ hay chưa nên đã bị điều khoản này ràng buộc mà không thể khiếu kiện trong trường hợp DNBH không giải thích hoặc giải thích không đầy đủ. Để khắc phục tình trạng này, pháp luật KDBH cần bổ sung quy định về cách thức giải thích HĐBH và quy tắc bảo hiểm. Cụ thể, việc giải thích này của DNBH phải được thực hiện bằng văn bản cho BMBH và đây được coi là tài liệu đính kèm trong Bộ HĐBH. Kiến nghị này hoàn toàn có thể thực hiện được từ phía DNBH vì các SPBH cùng loại được thiết kế cho nhiều chủ thể là tương đối giống nhau nên họ không mất nhiều thời gian để thực hiện nghĩa vụ này.
Hai là, pháp luật cần thiết phải quy định về hậu quả pháp lý của việc không thực hiện nghĩa vụ giải thích HĐBH của DNBH. Cụ thể, nếu DNBH vi phạm nghĩa vụ này thì BMBH được miễn trừ trách nhiệm trong việc phải thực hiện những nghĩa vụ tương ứng, đồng thời DNBH phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh cho BMBH.
Ba là, để đảm bảo nghĩa vụ giải thích HĐBH của ĐLBH khi thực hiện bán bảo hiểm thay cho DNBH, pháp luật cần thiết phải quy định đây là một nghĩa vụ bắt buộc của ĐLBH trong hợp đồng đại lý. Nếu đại lý vi phạm nghĩa vụ này thì phải bồi thường thiệt hại phát sinh do vi phạm nghĩa vụ được quy định trong hợp đồng ĐLBH.
Tóm lại, quyền được cung cấp thông tin khi tham gia QHBH là quyền luật định của BMBH. Với đặc trưng của hoạt động KDBH thì đây là một quyền năng mà pháp luật cần thiết phải trao cho NMBH và phải có cơ chế để đảm bảo tính thực thi. Một khi quyền được giải thích các điều kiện, điều khoản bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của BMBH được đảm bảo thực hiện thì lợi ích bảo hiểm mới được đảm bảo, thị trường bảo hiểm mới thực sự phát huy được vai trò của mình đối với NMBH, đối với nền kinh tế và toàn xã hội.

 


[1] Khoản 1 Điều 3 Luật KDBH năm 2000.
[2]Điểm a khoản 2 Điều 17 quy định: DNBH có nghĩa vụ: “Giải thích cho BMBH về các điều kiện, điều khoản bảo hiểm; quyền, nghĩa vụ của BMBH”. Điểm b khoản 1 Điều 18 quy định:BMBH có quyền: “Yêu cầu DNBH giải thích các điều kiện, điều khoản bảo hiểm…”.
[3] Khoản 1 Điều 12 Luật KDBH năm 2000.
[4] Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam, Trường Đại học Luật Hà Nội, Nxb Công an nhân dân, 2009, tr 70.
[5] Xem các Điều 24, 25, 26, 27, 28 về Tiêu chuẩn người Quản trị, Điều hành DNBH được quy định trong Thông tư 124/TT-BTC ngày 30/7/2012 hướng dẫn thi hành một số điều của NĐ 45/2007/NĐ-CP ngày 27/03/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thihành một số điều của Luật KDBH và Nghị định số 123/2011/NĐ-CP ngày 28/11/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thihành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KDBH về Tiêu chuẩn người Quản trị, Điều hành DNBH.
[6] Khoản 3 Điều 19 Luật KDBH chỉ quy định quyền đơn phương đình chỉ thực hiện HĐBH của BMBH và DNBH phải bồi thường thiệt hại nếu DNBH cố ý cung cấp thông tin sai sự thật. Trong Luật KDBH và các văn bản hướng dẫn thi hành không hề quy định hậu quả pháp lý mà DNBH phải gánh chịu khi không giải thích các điều kiện, điều khoản bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của BMBH (cố ý cung cấp thông tin sai sự thật và không giải thích các điều kiện, điều khoản bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của BMBH là khác nhau).
[7] Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam, tập 1, Trường Đại học Luật Hà Nội, Nxb Công an nhân dân, 2006, tr 4.