Thông tin tín dụng phòng ngừa rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng của ngân hàng thương mại

01/04/2014

Hoạt động cấp tín dụng (HĐCTD), có vai trò trung tâm trong hoạt động ngân hàng của các ngân hàng thương mại (NHTM), là một kênh quan trọng đáp ứng các nguồn lực tài chính cho nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. HĐCTD là loại hình kinh doanh chứa đựng sự rủi ro, dễ tác động dây chuyền đến các hoạt động kinh tế khác. Chính vì vậy, phải có những biện pháp phòng ngừa, hạn chế rủi ro để đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng cũng như toàn bộ nền kinh tế.
Hiện nay, pháp luật đã có nhiều quy định nhằm phòng ngừa rủi ro trong HĐCTD của NHTM như: thẩm định và xét duyệt cấp tín dụng, kiểm tra sử dụng tiền vay, các hạn chế trong HĐCTD, phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro, hệ thống kiểm soát và kiểm toán nội bộ, bảo đảm tiền vay, tiếp cận và phân tích thông tin tín dụng…Bài viết phân tích các quy định của pháp luật về thông tin tín dụng (TTTD) với tính chất là một trong những biện pháp quan trọng nhằm phòng ngừa rủi ro trong HĐCTD của các NHTM, đồng thời kiến nghị một số giải pháp hoàn thiện hệ thống TTTD.
Untitled_379.png
Ảnh minh họa: nguồn internet
1. Khái niệm và vai trò của thông tin tín dụng
Thông tin tín dụng (Credit information), theo nghĩa hẹp, được hiểu là các thông tin về khả năng trả nợ của cá nhân hoặc công ty được xem xét bởi các ngân hàng trước khi quyết định cho vay[1]. Theo nghĩa rộng hơn, TTTD là các dữ liệu, số liệu, dữ kiện và tin tức liên quan của khách hàng vay tại tổ chức cấp tín dụng[2]. TTTD có vai trò rất quan trọng trong phòng ngừa rủi ro, bảo đảm an toàn hoạt động cấp tín dụng của NHTM.
Trước hết, TTTD có vai trò góp phần làm giảm sự bất cân xứng về thông tin giữa bên vay và bên cho vay, cho phép bên cho vay đánh giá rủi ro chính xác hơn và cải thiện chất lượng hoạt động tín dụng. Thực tiễn hoạt động ngân hàng ở Việt Nam cho thấy, vấn đề đáng quan tâm là sự bất cân xứng thông tin giữa NHTM với khách hàng vay gây ra rủi ro cho các NHTM. Thật vậy, các NHTM gặp khó khăn trong việc nắm bắt các thông tin của khách hàng vay như tình trạng pháp lý, mức độ tín nhiệm, năng lực tài chính, hiệu quả của dự án sử dụng tiền vay và khả năng trả nợ… Điều này dẫn đến rủi ro trong việc quyết định cấp tín dụng là khả năng cấp tín dụng cho dự án tồi và từ chối cấp tín dụng cho dự án tốt. Ngược lại, khách hàng có thể gặp khó khăn trong việc hiểu biết các sản phẩm mà ngân hàng cung cấp đáp ứng mục đích sử dụng tiền vay của mình. Nhằm phòng tránh những rủi ro, các NHTM thường sử dụng cơ chế sàng lọc nhằm lựa chọn dự án tốt, khách hàng tốt để cho vay[3]. Cơ chế sàng lọc bao gồm hàng loạt những TTTD của khách hàng về tình trạng pháp lý, mức độ tín nhiệm, năng lực tài chính, khả năng trả nợ…
Sau khi đã cấp tín dụng (giải ngân) cho khách hàng, NHTM còn gặp rủi ro là khách hàng luôn có xu hướng muốn thực hiện việc đầu tư rủi ro hơn nhằm có được khoản lợi nhuận lớn nếu việc đầu tư thành công. Rủi ro này được một số nhà nghiên cứu cho là rủi ro đạo đức[4], xuất phát từ tâm lý ỷ lại hay chủ nghĩa cơ hội sau hợp đồng[5]. Nhằm phòng tránh rủi ro, các NHTM dùng nhiều cơ chế, trong đó có cơ chế giám sát[6]. Trong cơ chế này, ngân hàng thu thập và sử dụng nhiều TTTD của khách hàng từ các thông tin theo thỏa thuận trong hợp đồng, từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thị trường chứng khoán (TTCK), đối thủ cạnh tranh, công ty thông tin tín dụng, công ty xếp hạng tín nhiệm…
Bên cạnh đó, TTTD còn có vai trò gia tăng hiệu quả tín dụng, giảm nợ xấu ngân hàng. Nghiên cứu về hiệu quả của TTTD, Ngân hàng thế giới (WB) đã đưa ra một chỉ số, gọi là chỉ số TTTD, có giá trị từ 0 đến 6. Giá trị càng cao thể hiện hoạt động TTTD càng hoàn thiện. Kết quả nghiên cứu cho thấy mối quan hệ tỷ lệ thuận giữa tăng cường chia sẻ thông tin với năng suất lao động và tăng trưởng kinh tế[7]. Theo đó, cứ thêm 1 điểm trong chỉ số TTTD thì sẽ tăng tương ứng 0,9% GDP và 0,7% năng suất lao động[8]. Đồng thời, điều tra của WB năm 2001-2002 tại 34 nước về hiệu quả sử dụng TTTD cho thấy, hệ thống TTTD làm giảm thời gian xử lý, giảm chi phí, giảm nợ xấu trong hoạt động tín dụng[9].
Ngoài ra, trong hoạt động tín dụng, thông tin tín dụng đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý, điều hành, hạn chế và ngăn ngừa rủi ro cho hoạt động tín dụng nói riêng và nền kinh tế nói chung[10].
2. Pháp luật và thi hành pháp luật về thông tin tín dụng nhằm phòng ngừa rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng của ngân hàng thương mại
 Cho đến nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động TTTD đã dần được hoàn thiện. Có thể kể đến các văn bản như Luật các TCTD năm 2010 (Luật CTCTD); Luật Ngân hàng Nhà nước năm 2010 (Luật NHNN); Nghị định 10/2010/NĐ-CP ngày 12/02/2010 của Chính phủvề hoạt động TTTD; Thông tư 16/2010/TT-NHNN ngày 25/6/2010 của NHNN hướng dẫn Nghị định 10/2010/NĐ-CP; Thông tư 03/2013/TT-NHNN ngày 28/01/2013 về hoạt động TTTD của NHNN Việt Nam; Thông tư 35/2011/TT-NHNN ngày 11/11/2011 quy định việc công bố và cung cấp thông tin của NHNN; Thông tư 18/2012/TT-NHNN ngày 28/5/2012 về việc sửa đổi Thông tư 35/2011/TT-NHNN; Quyết định 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 về quy chế cho vay của TCTD đối với khách hàng.
Có thể thấy những văn bản pháp luật nêu trên đã đặt nền tảng pháp lý cơ bản cho hoạt động TTTD nhằm phòng ngừa rủi ro trong HĐCTD của NHTM Việt Nam, cụ thể:
Một là, pháp luật đã quy định nhiệm vụ của NHNN trong việc tổ chức hệ thống TTTD, hoạt động thông tin và cung ứng dịch vụ TTTD.
Một trong những nhiệm vụ của NHNN được quy định tại Khoản 23, Điều 4 Luật NHNN năm 2010 là: tổ chức hệ thống TTTD và cung ứng dịch vụ TTTD; thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các tổ chức hoạt động TTTD. Để thực hiện nhiệm vụ này, NHNN thực hiện các hoạt động thu nhận, sử dụng, lưu trữ, cung cấp và công bố thông tin theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, NHNN còn tổ chức, giám sát việc cung cấp TTTD của khách hàng có quan hệ với tổ chức tín dụng (TCTD) cho các TCTD, hướng dẫn việc cung cấp thông tin và đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện cung cấp thông tin của tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
Việc pháp luật quy định nhiệm vụ của NHNN về thông tin sẽ tạo điều kiện cho các NHTM tiếp cận với những thông tin về khách hàng. Đây là những thông tin được NHNN thu thập từ nhiều nguồn khác nhau, có độ tin cậy cao.
Hai là, pháp luật đã tạo hành lang pháp lý cho các NHTM tiếp cận nhiều nguồn TTTD, đảm bảo cho HĐCTD an toàn, hiệu quả.
Những nguồn TTTD mà NHTM có thể tiếp cận bao gồm:
- Nguồn TTTD từ NHNN Việt Nam, thông qua Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC – Credit Information Centre) làm đầu mối. Những thông tin này có nguồn gốc từ hệ thống chỉ tiêu TTTD do TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung cấp cho CIC, như thông tin nhận dạng khách hàng, thông tin hợp đồng tín dụng, thông tin quan hệ tín dụng của khách hàng vay, thông tin tình trạng tài khoản thẻ tín dụng, thông tin bảo đảm tiền vay, thông tin tài chính của khách hàng vay là doanh nghiệp, thông tin đầu tư trái phiếu vào khách hàng vay là doanh nghiệp. Hiện nay, CIC đã thu thập được 24,5 triệu hồ sơ khách hàng vay, trong đó 500 nghìn hồ sơ của khách hàng là doanh nghiệp, còn lại 24 triệu hồ sơ là khách hàng cá nhân và 1 triệu hồ sơ của chủ thẻ tín dụng[11]. Những thông tin này sẽ được CIC sử dụng các giải pháp công nghệ, nghiệp vụ để xử lý dữ liệu TTTD bao gồm các khâu tiếp nhận, chuẩn hóa, làm sạch, ghép nối và cập nhật vào Cơ sở dữ liệu Thông tin tín dụng quốc gia. Từ đó, các NHTM có thể khai thác phục vụ cho nhu cầu tìm kiếm khách hàng, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng, quản lý rủi ro tín dụng và các hoạt động nghiệp vụ ngân hàng khác. Tính đến năm 2012, CIC đã cung cấp được khoảng hơn 3 triệu báo cáo tín dụng, với mức tăng trưởng hàng năm khoảng 30 - 40%[12].
- Nguồn TTTD từ khách hàng vay cung cấp. Nhiều người xem hoạt động ngân hàng như một ngành công nghiệp về thông tin. Tất cả các ngân hàng đều có xu hướng thu thập tối đa thông tin về khách hàng của họ[13]. Trước khi cấp tín dụng cho khách hàng, NHTM phải yêu cầu khách hàng cung cấp TTTD, bao gồm các tài liệu chứng minh phương án sử dụng vốn khả thi, khả năng tài chính của mình, mục đích sử dụng vốn hợp pháp, biện pháp bảo đảm tiền vay. Sau khi cấp tín dụng, NHTM có quyền yêu cầu khách hàng vay báo cáo việc sử dụng vốn vay và chứng minh vốn vay được sử dụng đúng mục đích vay vốn. Việc khách hàng cung cấp thông tin tín dụng cho các NHTM cũng được coi là nghĩa vụ được pháp luật quy định (Khoản 2, Điều 24 Quy chế cho vay).
- Nguồn TTTD từ công ty thông tin tín dụng. Theo pháp luật Việt Nam, Công ty thông tin tín dụng là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp và pháp luật có liên quan để thực hiện hoạt động TTTD, bao gồm thu thập, xử lý, lưu trữ TTTD và cung cấp sản phẩm TTTD (Điều 3 Nghị định 10/2010/NĐ-CP). Như vậy, các NHTM có thể khai thác các TTTD từ Công ty thông tin tín dụng trên cơ sở hợp đồng.
- Nguồn TTTD từ dữ liệu tại chính NHTM. Những dữ liệu đó bao gồm các thông tin từ hồ sơ tín dụng, cơ sở dữ liệu dự phòng, hệ thống kiểm soát nội bộ, hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ, các quy trình, thủ tục liên quan đến nhận biết khách hàng. Đây là những TTTD được NHTM lưu giữ và quản lý trực tiếp nên việc khai thác thông tin này trở nên dễ dàng, kịp thời, hiệu quả.
- Nguồn TTTD từ các TCTD khác cung cấp. Quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay cho phép các TCTD hợp tác và cạnh tranh trong hoạt động ngân hàng (Điều 9 Luật các TCTD) Đặc biệt là các TCTD có thể chia sẻ thông tin với nhau nhằm ngăn ngừa và hạn chế rủi ro trong hoạt động tín dụng, góp phần bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng (Điều 4 Nghị định 10/2010/NĐ-CP). Chính vì vậy, TTTD từ các TCTD khác cung cấp là một nguồn thông tin hữu ích cho HĐCTD của NHTM.
- Các nguồn TTTD khác từ thị trường chứng khoán (TTCK), công ty xếp hạng tín nhiệm. Những thông tin trên TTCK từ các công ty phát hành chứng khoán, công ty niêm yết chứng khoán, công ty đại chúng sẽ giúp các NHTM đánh giá chính xác hơn mức độ tín nhiệm, khả năng tài chính khi các công ty đó có quan hệ tín dụng với NHTM. Ngoài ra, các NHTM có thể khai thác thông tin khách hàng từ các công ty đánh giá xếp hạng tín nhiệm. Ở các thị trường tài chính phát triển, thông tin từ các công ty xếp hạng tín nhiệm như Standard & Poor’s, Moody’s, Fitch… được coi là một “kênh” giám sát rất hiệu quả vì kết quả xếp hạng của các tổ chức độc lập này có ảnh hưởng rất lớn đến vị trí của một doanh nghiệp trên thị trường[14].
Ba là, pháp luật đã quy định việc thiết lập hệ thống bảo mật thông tin, một số hạn chế trong hoạt động TTTD.
Việc pháp luật quy định thiết lập hệ thống bảo mật thông tin và các hạn chế trong hoạt động TTTD nhằm bảo vệ an ninh tài chính tiền tệ quốc gia, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của các chủ thể trong xã hội, tránh tình trạng lạm dụng thông tin, gây rối loạn xã hội. Cụ thể, Điều 38 Luật NHNN Việt Nam năm 2010 quy định trách nhiệm của NHNN trong bảo vệ bí mật thông tin, các quy định của Nghị định 10/2010/NĐ-CP về phạm vi TTTD được tiếp cận, thời hạn sử dụng thông tin, phạm vi phổ biến thông tin…
Bên cạnh những mặt đã đạt được của pháp luật về TTTD, thực trạng pháp luật và thực tiễn thi hành pháp luật về TTTD còn gặp phải những khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến hoạt động phòng ngừa rủi ro trong HĐCTD của NHTM. Cụ thể:
Hệ thống TTTD vẫn còn mang tính rời rạc, chưa liên kết thành hệ thống có độ tin cậy cao. Chẳng hạn, những thông tin trên TTCK do Bộ Tài chính quản lý, thông tin tín dụng do NHNN quản lý, thông tin về đầu tư thì do Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý, thông tin về doanh nghiệp do Bộ Công thương quản lý… mà những thông tin này đôi khi chưa ăn khớp với nhau, cơ chế trao đổi thông tin chưa hiệu quả. Như vậy, các NHTM muốn tìm hiểu TTTD một cách toàn diện từ khách hàng thì phải mất nhiều thời gian, công sức và chi phí.
Chất lượng TTTD vẫn chưa đảm bảo yêu cầu phòng ngừa rủi ro. Việc khai thác thông tin từ khách hàng là tổ chức, pháp nhân thường dựa vào báo cáo tài chính do khách hàng cung cấp mà thường không qua kiểm toán, không có cơ quan xác nhận tính xác thực của báo cáo. Đối với khách hàng là cá nhân và hộ gia đình, NHTM phải liên hệ với địa phương nơi cá nhân cư trú và hộ gia đình sinh sống để tìm hiểu nhưng chỉ thu thập được những thông tin sơ sài như tình trạng nhân thân, những người có tên trong cùng sổ hộ khẩu còn những thông tin về sở hữu tài sản, lịch sử giao dịch tài sản hay các mối quan hệ khác thì không có cơ quan nào lưu giữ. Việc tìm hiểu TTTD của khách hàng từ cơ quan thuế, hải quan, công an… là rất khó khăn, chủ yếu dựa vào các mối quan hệ. Chính vì vậy, vẫn xảy ra trường hợp phổ biến là báo cáo tài chính gửi cơ quan thuế thì lỗ, nợ đọng thuế nhưng báo cáo tài chính gửi ngân hàng thì vẫn có lãi mà ngân hàng không biết hoặc không thể biết[15].
Một số kênh cung cấp thông tin tín dụng còn nhiều hạn chế. Thông tin trên TTCK trong thời gian vừa qua còn thiếu công khai, minh bạch. Nhiều doanh nghiệp phát hành và niêm yết chứng khoán, công ty đại chúng thường xuyên vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin. Đây chính là một trong những nguyên nhân gây ra sự trầm lắng của TTCK cũng như sự rời bỏ của nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ sau bao nhiêu năm gắn bó với thị trường này. Thông tin từ những công ty xếp hạng tín dụng của Việt Nam còn khá mới mẻ, với hệ thống cơ sở dữ liệu chưa thật sự đủ lớn và đa dạng. Đó là chưa nói đến những tiêu chuẩn và hệ thống xếp loại của các tổ chức này đang tạm thời sử dụng từ các tổ chức khác nhau trên thế giới và chưa thể xây dựng được một hệ thống chỉ tiêu thống nhất cho Việt Nam. Tính đến nay, nếu không kể CIC thì ở Việt Nam chỉ có hai công ty thông tin tín dụng là Công ty thông tin tín nhiệm và xếp hạng doanh nghiệp Việt Nam (VietnamCredit) và Công ty xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp Việt Nam (CRV).
Nguồn TTTD từ chính các NHTM vẫn chưa phát huy hiệu quả trên thực tế. Biểu hiện cụ thể của tình trạng trên là hệ thống chấm điểm tín dụng của các NHTM để đánh giá khách hàng vay còn nhiều bất cập, do các NHTM áp dụng mô hình đo lường rủi ro theo phương pháp định tính (theo phương pháp chuyên gia và phân tích tín dụng cổ điển). Chính vì vậy, việc đánh giá tín nhiệm ở Việt Nam hiện nay còn mang tính chủ quan, dựa theo cảm tính, nhiều ngân hàng dựa theo “khẩu vị” của mình để xây dựng tiêu chí xếp hạng doanh nghiệp[16]. Ngoài ra, theo một nghiên cứu, các NHTM Việt Nam chủ yếu áp dụng mô hình tổ chức rủi ro phân tán (80%), mô hình kiểm soát rủi ro đơn (87,5%)[17] nên chưa có sự tách bạch chức năng quản lý rủi ro, kinh doanh và tác nghiệp trong HĐCTD. Chính vì vậy, các cán bộ tín dụng là người trực tiếp giải quyết việc cho vay nên khó tránh khỏi những tiêu cực, không quan tâm đến TTTD của khách hàng vay.
Những khó khăn, vướng mắc nêu trên do một số nguyên nhân chủ yếu sau đây:
- Hệ thống pháp luật Việt Nam điều chỉnh hoạt động TTTD mới được ban hành hoặc sửa đổi trong những năm gần đây nên khó tránh được việc tồn tại những “khoảng trống” pháp luật điều chỉnh hoạt động TTTD. Chẳng hạn, TTTD mà NHTM có thể tiếp cận từ cơ quan thuế, cơ quan hải quan, cơ quan công an... là rất khó khăn do cơ chế pháp lý chưa rõ ràng. Cụ thể, Luật Quản lý thuế năm 2006, Luật Quản lý thuế sửa đổi năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành không có quy định về cung cấp thông tin về người nộp thuế cho các đối tượng có nhu cầu như NHTM, TCTD khác, ngoại trừ các quy định về công khai thông tin vi phạm pháp luật thuế (Điều 74 Luật Quản lý thuế) và trao đổi, cung cấp thông tin hải quan, thông tin về người nộp thuế trong lĩnh vực thuế, giao thông vận tải, thông tin và truyền thông phục vụ mục tiêu quản lý nhà nước theo Thông tư liên tịch 235/2009/TTLT/BTC-BGTVT-BTTTT.
- Việc vận hành hệ thống TTTD ở nước ta cũng còn mới mẻ. Chính điều này đã ảnh hưởng đến số lượng và chất lượng TTTD. Ngoài ra, các NHTM vẫn chủ yếu tập trung vào nguồn TTTD từ dữ liệu tại chính ngân hàng mình, chưa chú trọng vào những thông tin từ những nguồn khác. Như vậy muốn thực hiện có hiệu quả hoạt động TTTD trên thực tế thì cần phải có một khoảng thời gian và điều quan trọng là các NHTM cần quan tâm hơn nữa vào nhiều nguồn TTTD mà mình có thể khai thác.
- Cơ chế phối hợp giữa các chủ thể có khả năng cung cấp nguồn TTTD còn hạn chế. Chính vì vậy, hệ thống TTTD còn rời rạc, chắp nối, chưa liên kết thành hệ thống có độ tin cậy cao. Thực tế, các NHTM phải “gõ cửa” nhiều nơi khác nhau nhằm thu thập TTTD.
- Trong hơn 20 năm thành lập và hoạt động, CIC đã thu được một số kết quả khả quan, tuy nhiên chất lượng cung cấp thông tin từ CIC chưa thật sự đáp ứng nhu cầu phòng ngừa rủi ro của các NHTM. Lý do dẫn đến hiện tượng này là CIC hoạt động như một đơn vị sự nghiệp có thu, thực hiện việc thu nhận thông tin theo nhiệm vụ Nhà nước giao phó. Chính vì vậy, việc cung cấp thông tin về khách hàng vay của TCTD của CIC mang tính chất đối phó chỉ nhằm hoàn thành nhiệm vụ được giao mà thôi[18].
- Công ty TTTD bị giới hạn về quyền cung cấp thông tin của các tổ chức cấp tín dụng, theo đó, mỗi tổ chức cấp tín dụng chỉ được cam kết cung cấp TTTD cho một công ty TTTD (Khoản 5, Điều 7 Nghị định 10/2010/NĐ-CP). Theo thống kê mới nhất, ở Việt Nam có 49 NHTM, 50 chi nhánh ngân hàng nước ngoài[19]. Điều này sẽ ảnh hưởng đến số lượng công ty TTTD và nguồn cung cấp TTTD không thể hiện một cách đầy đủ toàn cảnh quan hệ tín dụng trên thị trường.
3. Kiến nghị
Thứ nhất, cần thiết lập đầy đủ cơ sở pháp lý cho việc hoàn thiện hệ thống TTTD thông qua việc ban hành Luật Tiếp cận thông tin (TCTT). Chúng tôi cho rằng, việc xây dựng và ban hành Luật TCTT sẽ đảm bảo quyền TCTT của tổ chức và cá nhân, trong đó có NHTM trong HĐCTD; giải quyết căn bản những hạn chế, khó khăn trong hoạt động thông tin thông qua việc quy định nội dung về “dịch vụ thông tin” cho các tổ chức và cá nhân có nhu cầu, quy định trách nhiệm cung cấp thông tin, bảo vệ bí mật thông tin, cơ chế phối hợp của các cơ quan về thông tin.
Thứ hai, đối với các NHTM, cần quan tâm hơn nữa và chủ động, tích cực trong việc tiếp cận, tham khảo những TTTD từ nhiều nguồn khác nhau, đặc biệt là TTTD từ CIC. Đồng thời, NHTM cần hoàn thiện mô hình quản trị rủi ro để đảm bảo khai thác tốt và hiệu quả nhất những TTTD trong phòng ngừa rủi ro trong HĐCTD.
Thứ ba, cần tăng cường hoàn thiện hệ thống TTTD[20], sau đó triển khai và áp dụng hệ thống thông tin quốc gia. Điều này sẽ giúp hệ thống thông tin đồng bộ, chất lượng tốt hơn. Hiện nay, các nước phát triển đều có hệ thống thông tin quốc gia công khai, được xây dựng trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại, kết nối từ trung ương đến địa phương, do vậy dễ dàng cho việc tra cứu, tìm hiểu thông tin[21].
Thứ tư, cần thay đổi mô hình tổ chức của CIC từ đơn vị sự nghiệp có thu sang mô hình doanh nghiệp là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ. Điều này đảm bảo tăng cường hiệu quả của “dịch vụ thông tin” do CIC cung cấp cho các tổ chức và cá nhân, trong đó có NHTM. Bên cạnh đó, cần bãi bỏ quy định việc NHTM chỉ cung cấp thông tin cho một công ty TTTD mà không được cung cấp TTTD cho công ty TTTD khác.
Thứ năm, pháp luật cần quy định áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế, tăng cường vai trò và hoạt động của kiểm toán nội bộ và kiểm toán độc lập. Hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, hỗ trợ hiệu quả công tác thu thập và xử lý thông tin khách hàng, tăng cường công tác sàng lọc thông tin đảm bảo cho HĐCTD an toàn, hiệu quả

 


[2] Khoản 1, Điều 3 Nghị định 10/2010/NĐ-CP ngày 12/02/2010 của Chính phủ về hoạt động TTTD.
[3]Huỳnh Thế Du, Tại sao tài sản đảm bảo là yếu tố quan trọng trong quyết định cấp tín dụng của các TCTD Việt Nam?, Tạp chí Ngân hàng, số 2/2005, tr 36.
[4] TS Vũ Đình Ánh, An ninh tài chính trong hoạt động ngân hàng, Tạp chí Tài chính, tháng 9/2001, tr 37.
[5] Huỳnh Thế Du, Tlđd, tr 36.
[6]Huỳnh Thế Du, Tlđd, tr 36.
[7] Nguyễn Hữu Đương, Đẩy mạnh hoạt động thông tin tín dụng  nhằm nâng cao chất lượng quản trị rủi ro tại các ngân hàng thương mại Việt Nam, Tạp chí Ngân hàng, số Chuyên đề năm 2005, tr 84.
[8] TS Nguyễn Trọng Tài, Hoàn thiện hệ thống thông tin tín dụng, Tạp chí Nghiên cứu kinh tế, số 350, tháng 7/2007, tr 21.
[9] Nguyễn Hữu Đương, Tlđd, tr 85.
[10] TS Phan Thị Thành Dương, Quyền tiếp cận thông tin tín dụng của công ty thông tin tín dụng ở Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo khoa học, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, năm 2012, tr 46.
[13] TS Trương Quang Thông (2010), Quản trị ngân hàng thương mại, NXB Tài chính, tr 175.
[14] Huỳnh Thế Du, Tlđd, tr 37.
[15]Lê Thị Huyền Diệu (2010), Luận cứ khoa học về việc xác định mô hình quản lý rủi ro tín dụng tại hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam, Luận án TS, Học viện Ngân hàng, Hà Nội, tr 176.
[17]Lê Thị Huyền Diệu (2010), Tlđd, tr 87.
[18] Nguyễn Thị Thủy (2000), Phòng ngừa rủi ro tín dụng của NHTM bằng biện pháp pháp luật, Luận văn ThS, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, tr 87.
[19] Thống kê từ số liệu công bố trên Website Ngân hàng Nhà nước http://www.sbv.gov.vn (truy cập ngày 23/10/2013).
[20]Lê Thị Huyền Diệu (2010), tlđd.
[21] Lê Thị Huyền Diệu (2010), tlđd, tr 175.