Bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư cá nhân trên thị trường chứng khoán

01/03/2012

Thị trường chứng khoán (TTCK) là một định chế tài chính tất yếu của nền kinh tế thị trường. TTCK là chiếc cầu nối giữa cung và cầu vốn trong nền kinh tế. Một TTCK lành mạnh và hoạt động có hiệu quả sẽ tạo điều kiện khai thác tốt các tiềm năng của nền kinh tế, tạo nên dòng chảy thu hút và phân phối vốn trong nền kinh tế một cách có hiệu quả nhất.  
Để đảm bảo cho TTCK Việt Nam phát triển lành mạnh, tạo niềm tin cho nhà đầu tư (NĐT), trước hết phải tạo một hành lang pháp lý an toàn bảo vệ quyền lợi cho NĐT chứng khoán, đặc biệt là NĐT chứng khoán cá nhân - một chủ thể chủ yếu và quan trọng của TTCK Việt Nam. 
 Untitled_598.png
Ảnh minh họa: nguồn internet
1. Nhà đầu tư chứng khoán cá nhân
Chủ thể tham gia trên TTCK Việt Nam chiếm tỷ trọng chủ yếu là cá nhân. NĐT chứng khoán cá nhân chủ yếu là cá nhân và hộ gia đình. Họ là những người có tiền tiết kiệm và muốn đầu tư số tiền để dành của mình vào việc mua chứng khoán để hưởng lợi tức. Họ cũng là người bán chứng khoán của mình trên TTCK thứ cấp để rút vốn khi cần thiết. Mục tiêu cuối cùng của các NĐT là tối đa hoá lợi nhuận trong các khoản đầu tư của họ. Trên thực tế, căn cứ vào trình độ NĐT và mức độ chấp nhận mạo hiểm, NĐT cá nhân được phân thành hai nhóm:
- Các NĐT cá nhân chấp nhận rủi ro (NĐT chứng khoán chuyên nghiệp): Là những người có mục đích tối đa hoá lợi nhuận thu được. Họ thường là những NĐT lớn và đầu tư ngắn hạn, họ mua bán chứng khoán để hưởng lãi và chênh lệch giá. Đối với NĐT chứng khoán này, họ nắm bắt các thông tin nhanh nhạy, có khả năng phân tích và tiếp cận thông tin. Do vậy, việc tham gia và bảo vệ quyền lợi của mình khi tham gia vào đầu tư chứng khoán cũng được đảm bảo, bởi họ nắm bắt được các thông tin chính xác và nguồn vốn đầu tư lớn.
- Các NĐT cá nhân không muốn rủi ro (NĐT chứng khoán không chuyên nghiệp): Là những người rất bảo thủ trong các phương thức đầu tư. Họ tìm mọi cách giảm thiểu rủi ro và tìm kiếm lợi nhuận có thể ở mức rủi ro thấp nhất. Họ thường là những NĐT nhỏ và NĐT dài hạn. Đối với NĐT chứng khoán này, họ nắm số lượng chứng khoán ít, không có chuyên môn cao trong lĩnh vực đầu tư chứng khoán và khả năng tiếp cận thông tin thấp hơn so với các NĐT chứng khoán chuyên nghiệp. Khi có những tranh chấp hay rủi ro xảy ra ảnh hưởng đến quyền lợi, họ khó có điều kiện để đứng ra bảo vệ cho chính mình. TTCK Việt Nam chủ yếu là NĐT chứng khoán không chuyên nghiệp loại này.
 “Các NĐT cá nhân trong nước chủ yếu đầu tư ngắn hạn, mang nặng tâm lý phong trào, nhiều NĐT mới kém hiểu biết tham gia”[1]. Đó chính là một trong những nguyên nhân tạo sự thăng trầm của TTCK Việt Nam trong thời gian qua. Để đảm bảo sự ổn định và phát triển lành mạnh của TTCK, đồng thời để TTCK là công cụ tài chính hữu hiệu cho nền kinh tế Việt Nam; bảo vệ quyền lợi và đảm bảo niềm tin cho các chủ thể đầu tư - đặc biệt là các chủ thể cá nhân mới bắt đầu tham gia vào thị thường, đòi hỏi Nhà nước phải xây dựng một hành lang pháp lý minh bạch và hoàn thiện.
Theo báo cáo của Uỷ ban chứng khoán Nhà nước, trong thời gian ngắn, số lượng công ty niêm yết tăng nhanh từ 253 công ty vào cuối năm 2007 lên đến 557 công ty vào tháng 6/2010. Số lượng các NĐT cũng không ngừng tăng lên, đến cuối năm 2007 đã có hơn 312.139 NĐT, tăng 10 lần so với năm 2005 và đến cuối tháng 6/2010, số lượng lên đến 925.955 NĐT[2]. Theo báo Diễn đàn Doanh nghiệp số ra ngày 02/01/2010, số NĐT cá nhân tham gia vào TTCK Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn, trong tổng số 766.725 tài khoản vào cuối tháng 10/2009, NĐT có tổ chức là 3.147 tài khoản, trong khi NĐT cá nhân là 763.578 tài khoản.
2. Quyền lợi và vấn đề bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư chứng khoán cá nhân  
NĐT là chủ thể tham gia trên TTCK thứ cấp với hoạt động đầu tư mua bán các chứng khoán. Họ tham gia trong mối quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với tổ chức phát hành, công ty chứng khoán (CTCK), các tổ chức quản lý, cung ứng dịch vụ hỗ trợ thị trường cũng như các nhà môi giới chứng khoán và các NĐT khác để tìm kiếm thông tin đặt lệnh mua bán chứng khoán… phát sinh những quyền lợi nhất định cần được bảo vệ.
- Về đặt lệnh mua bán chứng khoán
NĐT cá nhân tham gia thực hiện hoạt động giao dịch mua bán chứng khoán có quyền lựa chọn CTCK và ký hợp đồng mở tài khoản giao dịch chứng khoán tại các CTCK thì được hưởng các quyền lợi chung theo quy định của pháp luật về chứng khoán và TTCK. NĐT có quyền lựa chọn đặt lệnh giao dịch thông qua CTCK; nhận báo cáo về giao dịch của khách hàng đã thực hiện; yêu cầu rút tiền, rút chứng khoán khỏi tài khoản và chấm dứt hợp đồng hoặc chuyển một phần tiền, chứng khoán sang tài khoản của khách hàng tại CTCK khác.
Ngoài ra, NĐT có thể thực hiện lệnh mua bán hoặc hủy bỏ các lệnh đặt mua và đặt bán chứng khoán theo quy định của pháp luật như đối với các NĐT khác. Điểm yếu thế của NĐT cá nhân khi đặt lệnh mua và bán là:
Thứ nhất, với năng lực tài chính nhỏ nên NĐT cá nhân thường yếu thế hơn khi đặt lệnh mua và bán, vì trong giao dịch chứng khoán, khớp lệnh thường được ưu tiên về khối lượng chứng khoán giao dịch. Do vậy, NĐT cá nhân thường đứng sau các NĐT chuyên nghiệp là các tổ chức;
Thứ hai, khi có hành vi xâm hại đến quyền lợi của chính mình trong quan hệ đặt mua đặt bán, có tranh chấp xảy ra, do nguồn vốn ít nên NĐT cá nhân cũng ngần ngại trong việc khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình.
Do vậy, để bảo vệ quyền lợi cho NĐT chứng khoán nói chung và NĐT chứng khoán cá nhân nói riêng, pháp luật hiện hành đã quy định rõ các nghiệp vụ của CTCK, cách thức, trình tự thực hiện các nghiệp vụ đó để NĐT có thể tự mình giám sát hoạt động của các chủ thể này. Mặt khác, Luật Chứng khoán quy định về việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán tại CTCK, trích lập quỹ bảo vệ NĐT để bồi thường thiệt hại cho NĐT do sự cố kỹ thuật và sơ suất của nhân viên trong công ty[3].
- Về tiếp nhận thông tin
Tiếp nhận thông tin là một trong những lợi thế và nhân tố quyết định đầu tư của NĐT. Việc cung cấp thông tin về công ty có cổ phiếu, trái phiếu đang giao dịch đến NĐT được thông suốt là cơ sở cho việc hình thành giá cả công bằng nhằm bảo vệ NĐT.
Thông tin được tiếp nhận đòi hỏi phải kịp thời, minh bạch và công khai đối với tất cả các NĐT. NĐT nào “có kinh nghiệm” có thể yêu cầu CTCK cho nghiên cứu thông tin chi tiết trong bản cáo bạch của các công ty có cổ phiếu, trái phiếu đang giao dịch tại Sở giao dịch chứng khoán. Thông tin loại này có thể yêu cầu nhân viên CTCK cho nghiên cứu tại bàn giao dịch. Có thể đề nghị CTCK cho bản photocopy.
Tuy nhiên, cần lưu ý, về các quyền lợi của NĐT khi nhận tư vấn từ CTCK, về giá cả chứng khoán chẳng hạn, là những thông tin do nhân viên của CTCK cung cấp. Do vậy, thông tin này không bắt buộc phải có tính pháp lý mà chỉ là... tư vấn để thoả mãn về thắc mắc của NĐT. Điều 10 trong Hợp đồng mở tài khoản giao dịch chứng khoán quy định về "Thông báo mặc định", trong đó ghi rõ: (i) Khi ký tên vào hợp đồng này, khách hàng mặc định thừa nhận giá cả chứng khoán có thể và luôn biến động và một chứng khoán bất kỳ đều có thể lên giá hoặc xuống giá và trong một số trường hợp có thể trở nên hoàn toàn vô giá trị. Khách hàng công nhận rằng luôn có một rủi ro tiềm tàng là thua lỗ có thể xuất hiện nhiều hơn là có lãi khi mua và bán chứng khoán. (ii) khi ký tên vào hợp đồng này, khách hàng thừa nhận CTCK đã thông báo đầy đủ với khách hàng về chức năng, giấy phép hoạt động, phạm vi kinh doanh, vốn điều lệ, người đại diện ký hợp đồng khách hàng của công ty. (iii) Khi ký tên vào phiếu lệnh, khách hàng mặc nhiên thừa nhận đã có đủ thông tin về tư cách của người giao dịch với mình.
Và cuối cùng, ngay trong trang đầu của Bản cáo bạch của một công ty có chứng khoán được niêm yết, giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán đã ghi rõ: "Uỷ ban chứng khoán Nhà nước cho phép niêm yết chứng khoán chỉ có nghĩa là việc niêm yết chứng khoán đã đáp ứng các quy định của pháp luật mà không hàm ý bảo đảm giá trị của chứng khoán. Mọi tuyên bố trái với điều này là bất hợp pháp".
Vì vậy, để bảo vệ quyền lợi NĐT chứng khoán cá nhân, Luật Chứng khoán đã có những quy định một số hành vi cấm giao dịch như hành vi giao dịch nội gián, hành vi lũng đoạn thị trường, hành vi thông tin sai sự thật, bỏ sót thông tin, thông tin không kịp thời. Tuy nhiên, việc giám sát, áp dụng các chế tài, cũng như việc NĐT cá nhân đứng ra để yêu cầu bảo vệ quyền lợi cho mình thì chưa được thực thi trên thực tế.
- Về quyền được thanh toán
Mục đích kinh doanh chứng khoán của các NĐT chứng khoán là tìm kiếm lợi nhuận. Vì vậy, quyền được thanh toán là quyền cơ bản của các NĐT trong giao dịch trên TTCK. Việc được thanh toán nhanh hay chậm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định đầu tư tiếp theo của các NĐT.
- Về các quyền khác
Ngoài ra NĐT còn có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình khi xảy ra tranh chấp hoặc khi các chủ thể có hành vi xâm phạm đến quyền và lợi ích chính đáng của họ. Quyền yêu cầu bồi thường khi các CTCK cũng như các chủ thể phát hành chứng khoán có những hành vi làm tổn thất đến lợi ích của NĐT mà xác định được giá trị tổn thất như những thông tin sai sự thật, việc đính chính lại các thông tin làm ảnh hưởng đến quyết định của NĐT, quyền được hưởng lợi tức, quyền ưu tiên mua cổ phần…
Quyền lợi của NĐT chứng khoán cá nhân nói riêng và NĐT chứng khoán nói chung tuy đã được pháp luật hiện hành ghi nhận và cam kết bảo đảm thực hiện, nhưng trên thực tế, nguy cơ bị vi phạm và bị tổn hại nhiều và việc thực hiện nhằm bảo vệ quyền lợi NĐT chưa được đảm bảo trên thực tế.
3. Giải pháp bảo vệ quyền lợi cho  nhà đầu tư chứng khoán cá nhân
Pháp luật Việt Nam quy định quyền tự do kinh doanh như là một nguyên tắc hiến định, đồng thời bảo vệ quyền sở hữu hợp pháp của các chủ thể, tạo điều kiện phát huy năng lực của mọi cá nhân. Để đáp ứng những yêu cầu đó đòi hỏi phải có những giải pháp đồng bộ để bảo vệ các quyền lợi ích chính đáng cho NĐT chứng khoán và cũng là phương thức củng cố niềm tin và trật tự cho hoạt động của TTCK. Đó là:
Một là, để bảo vệ quyền lợi NĐT không chỉ là hoàn thiện những quy định của pháp luật, mà vấn đề đặt lên hàng đầu là xây dựng cơ chế tự kiểm soát trên cơ sở nâng cao khả năng nhận thức thị trường và năng lực, kỹ thuật đầu tư của NĐT, có như vậy NĐT mới có khả năng tự bảo vệ mình trước nguy cơ bị xâm hại đến quyền, lợi ích của mình. NĐT cá nhân trong nước trình độ còn non kém, đầu tư còn mang tính “bầy đàn”, nên thường dẫn đến thất bại, gây tâm lý chán nản, do vậy cần có phương thức tuyên truyền, phổ biến nhằm năng cao khả năng nhận thức và tiếp cận các thông tin cho các NĐT thông qua các tổ chức hỗ trợ, các hiệp hội.
Hai là, phải xây dựng các quy phạm pháp luật hoàn chỉnh ghi nhận quyền lợi của NĐT cũng như trách nhiệm, chế tài xử phạt và mức bồi thường cụ thể, nhằm bảo vệ quyền mua và bán chứng khoán của NĐT cá nhân, đảm bảo thứ tự ưu tiên trong các lệnh đặt mua, đặt bán và khả năng thanh toán từ phía các CTCK; phải có cơ chế công bố thông tin kịp thời, công khai, chính xác, minh bạch và đáng tin cậy. Việc công khai thông tin về công ty có cổ phiếu, trái phiếu đang giao dịch trên TTCK sẽ giúp NĐT lụa chọn, quyết định mua bán và sẽ tạo sự cạnh tranh hiệu quả, ngăn ngừa hành vi kiếm lời không chính đáng.  
 Luật Chứng khoán đã có quy định chống việc vi phạm công khai thông tin về công ty có cổ phiếu, trái phiếu đang giao dịch trên TTCK. Luật cũng nêu rõ các loại hình công khai thông tin, thời hạn công khai thông tin, thời hạn đính chính các thông tin cũng như cơ chế bồi thường cụ thể khi công bố thông tin sai lệch, có biện pháp và mức xử phạt rõ ràng để bảo vệ quyền lợi cho NĐT nói chung và cho NĐT cá nhân nói riêng.
Ba là, cần thành lập quỹ và công ty bảo vệ NĐT. Có ý kiến cho rằng, hiện nay, nhiều CTCK không có cơ chế quản trị rủi ro hiệu quả để bảo vệ mình và NĐT, nhất là các NĐT cá nhân. Nếu các công ty này sụp đổ, vỡ nợ hay khi NĐT bị lừa, bị chiếm dụng vốn, thì sẽ không có người đứng ra bồi thường cho họ. Việt Nam hiện chưa có một tổ chức nào làm việc này. Trong khi nhiều TTCK phát triển như Mỹ, Hồng Kông, Đài Loan... thì mô hình quỹ và công ty bảo vệ NĐT đã hoạt động rất thành công. Cụ thể, mô hình này tại Mỹ là Công ty bảo vệ NĐT chứng khoán (SIPC), trong khi tại Đài Loan là Trung tâm bảo vệ NĐT chứng khoán (SFIPC) và tại Hồng Kông là Công ty đền bù NĐT (ICC). Cơ chế bảo vệ NĐT được các mô hình này xây dựng dựa trên các yếu tố cơ bản là: Có quy định pháp luật cụ thể trong việc lập và điều hành quỹ đền bù, bảo vệ NĐT; có một cơ quan công cộng đóng vai trò quản trị và điều hành quỹ; có một cơ chế khởi kiện và tranh tụng tập thể, qua đó, một tổ chức có thể được ủy nhiệm từ trước bởi các thành viên để chủ động đi kiện và tiến hành các biện pháp tố tụng khi có đủ các điều kiện cần thiết. Các công ty, tổ chức, hiệp hội bảo vệ NĐT trong cơ chế này là tổ chức xã hội hoặc thuộc Chính phủ, hoạt động phi lợi nhuận và có nguồn quỹ để bảo vệ NĐT. Quỹ này do các thành viên là những tổ chức tham gia thị trường đóng góp và hỗ trợ tài chính từ phía Nhà nước…
Từ kinh nghiệm của các nước, cũng như thực tiễn hoạt động của TTCK Việt Nam cho thấy, cần sớm ban hành quy định pháp luật để bảo vệ NĐT, đặc biệt là NĐT cá nhân trong đó cho phép thành lập quỹ và công ty bảo vệ NĐT là một lựa chọn khả thi.
Bốn là, phải năng cao chất lượng quản lý và giám sát thị trường. Việc năng cao năng lực quản lý và giám sát thị trường sẽ tạo nên một trật tự trong hoạt động kinh doanh chứng khoán. Tính minh bạch trong việc công khai hóa thông tin hiện nay còn rất thấp, do vậy, cần đảm bảo sự công khai minh bạch, cũng như có những biện pháp xử lý. kịp thời ngăn chặn khi có hành vi vi phạm xảy ra.
Năm là, những hạn chế về cơ sở hạ tầng của TTCK phần nào cản trở hoạt động đầu tư chứng khoán cũng như việc tiếp cận các thông tin của NĐT, do đó cần có cơ chế để thúc đẩy và hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật cho TTCK.
Như vậy, việc bảo vệ quyền lợi NĐT không chỉ thông qua các quy định của pháp luật mà đòi hỏi phải có cơ chế giám sát, thực thi hiệu quả và các NĐT phải tự bảo vệ cho chính quyền lợi của mình.  
 

 


[1] Nguồn: Theo Báo cáo của Ủy ban Chứng khoán nhà nước tính đến 30/6/2010.
[2] Nguồn: Theo Báo cáo của Ủy ban Chứng khoán nhà nước tính đến 30/6/2010.
[3] Xem Điều 71, Luật Chứng khoán năm 2006.