Đổi mới quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp theo tinh thần nghị quyết đại hội đảng XI

01/09/2013

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã khẳng định: “Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế” và “Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân”. Trong tiến trình này, giáo dục nghề nghiệp (GDNN) cũng cần phải đổi mới căn bản và toàn diện gắn với chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để đổi mới hoạt động quản lý nhà nước (QLNN) về GDNN, khắc phục những hạn chế, yếu kém, tạo điều kiện phát triển GDNN đáp ứng các yêu cầu   mới. 
Untitled_436.png
Ảnh minh họa: nguồn internet
1. Thực trạng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp
Theo Luật Giáo dục (Luật GD) hiện hành, GDNN là một phân hệ trong hệ thống giáo dục quốc dân, bao gồm dạy nghề và trung cấp chuyên nghiệp. Trong những năm qua, Nhà nước ta đã đặc biệt quan tâm và ban hành nhiều chính sách, pháp luật về GDNN. Quốc hội đã ban hành Luật GD, Luật Dạy nghề, Bộ luật Lao động; Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, phê duyệt nhiều chiến lược, đề án về GDNN. Những văn bản pháp luật này[1] đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động QLNN về GDNN và hoạt động này đã có những chuyển biến tích cực trong thời gian qua.  
Cơ chế tài chính trong GDNN từng bước được đổi mới. Phân cấp quản lý giáo dục và quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục được tăng cường. Công tác thanh tra, kiểm tra được chú trọng hơn. Công khai, dân chủ đang là một tiền đề quan trọng đổi mới quản lý giáo dục. Hệ thống tổ chức bộ máy QLNN về GDNN (giáo dục chuyên nghiệp và dạy nghề) được thiết lập và hoạt động ở các cấp. Đội ngũ cán bộ làm công tác QLNN về GDNN tăng nhanh về số lượng, dần cải thiện về chất lượng và ngày càng được chuẩn hóa. Hệ thống các cơ sở GDNN (cơ sở dạy nghề và trường trung cấp chuyên nghiệp) tăng nhanh cả về số lượng, chất lượng, phát triển rộng khắp trên phạm vi cả nước. Tính đến 31/12/2011, cả nước có 136 trường cao đẳng nghề (trong đó có 34 trường ngoài công lập), 307 trường trung cấp nghề (trong đó có 99 trường ngoài công lập); 849 trung tâm dạy nghề (trong đó có 324 trung tâm ngoài công lập) và hơn 1.000 cơ sở khác (các cơ sở giáo dục - đào tạo, doanh nghiệp,…) tham gia dạy nghề, tăng 1,5 lần so với năm 2006. Tính đến năm 2010, cả nước có 273 trường trung cấp chuyên nghiệp và 239 trường cao đẳng, đại học tham gia đào tạo trung cấp chuyên nghiệp.
Công tác xã hội hoá dạy nghề đạt được kết quả bước đầu; nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước đã đầu tư thành lập cơ sở dạy nghề. Năm 2006, số cơ sở dạy nghề ngoài công lập chiếm 23,34% đến năm 2011 tăng lên 35,37%, thu hút khoảng trên 30% học sinh vào học nghề. Sự phát triển nhanh chóng của hệ thống các cơ sở GDNN đã góp phần đáp ứng nhu cầu đa dạng của người học và yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của từng vùng và từng địa phương.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác QLNN về GDNN đã bộc lộ những hạn chế, yếu kém. Đó là sự chồng chéo trong quản lý về GDNN giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Theo quy định của Luật GD và Luật Dạy nghề, GDNN bao gồm trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề, trong đó Bộ Giáo dục và Đào tạo được giao nhiệm vụ QLNN về trung cấp chuyên nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được giao QLNN về dạy nghề (cao đẳng nghề, trung cấp nghề và sơ cấp nghề). Như vậy, hệ thống giáo dục bị tách ra làm hai mảng do hai Bộ quản lý làm những việc tương tự như nhau về: tuyển sinh, xây dựng chương trình, giáo trình, bồi dưỡng và đào tạo giáo viên, kiểm định chất lượng. Ngoài ra, mỗi Bộ lại có thêm cơ quan chức năng về quản lý học sinh, sinh viên nên dẫn đến lãng phí tiền ngân sách, tốn gấp hai lần với các việc giống nhau và làm phân tán nguồn lực, thiếu tiêu chuẩn trong đào tạo. Đồng thời, trên địa bàn cấp quận, huyện lại tồn tại ít nhất ba loại hình trung tâm đều làm nhiệm vụ dạy nghề[2] chịu sự quản lý của hai Sở và có hai nguồn kinh phí cấp về theo hai kênh QLNN, tách rời giữa dạy nghề và dạy chữ làm cản trở cơ hội vừa học tập hết trình độ trung học phổ thông và vừa học nghề để trở thành người lao động trong tương lai. Từ đó dẫn đến tình trạng nhà trường và người dân chịu sự chi phối của nhiều cơ quan quản lý, đi ngược lại với việc cải cách thể chế hành chính, chi phí giao dịch hành chính tăng do phải qua nhiều cửa. Một cơ sở đào tạo chịu nhiều quy chế đào tạo chi phối do hai ngành ban hành, không có sự thống nhất dẫn đến những khó khăn trong việc giảng dạy, kiểm tra đánh giá, xếp loại học lực và công nhận tốt nghiệp. Mặt khác, cơ quan QLNN cũng không thể đưa ra các con số dự báo nhu cầu đào tạo do sự trùng lặp về tên gọi trình độ, khó đưa ra các số liệu chính xác về thống kê đào tạo, quy hoạch nhân lực mà bản chất gây ra chủ yếu do sự tham gia của hai cơ quan QLNN về GDNN. Có thể nói, sự bất cập về công tác QLNN về GDNN nêu trên đã làm hạn chế hiệu quả đầu tư, gây lãng phí các nguồn lực, thiếu thống nhất về tiêu chuẩn, chế độ, chính sách, hội nhập quốc tế về GDNN, khó thực hiện phân luồng, liên thông trong hệ thống giáo dục nói chung và hệ thống GDNN nói riêng.
Ngoài ra, cơ cấu hệ thống GDNN và quy hoạch mạng lưới các cơ sở GDNN chưa hợp lý, thiếu đồng bộ, chưa liên thông giữa một số cấp học và trình độ đào tạo. Công tác quy hoạch của các cơ sở dạy nghề còn chưa sát với nhu cầu của xã hội. Công tác dự báo phát triển GDNN chưa đáp ứng được yêu cầu tạo nên cơ chế phân bổ, đầu tư nguồn vốn còn mang tính bình quân. Một số cơ sở dạy nghề không phát huy được hiệu quả hoặc hoạt động sai chức năng, các ngành nghề đào tạo chưa nhiều, một số nghề không còn phù hợp với điều kiện và nhu cầu thực tế tại địa phương, chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp, người sử dụng lao động. Trước tình hình trên, một số địa phương đã thực hiện sáp nhập các cơ sở dạy nghề tại địa phương trong khi chưa có hướng dẫn cụ thể của cơ quan quản lý cấp trên, nên việc sáp nhập và hoạt động còn rất lúng túng. Bân cạnh đó, chính sách đối với giáo viên dạy nghề và thu hút thợ lành nghề, nghệ nhân tham gia học nghề còn chưa thỏa đáng. Hoạt động của các trung tâm dạy nghề, giới thiệu việc làm còn gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, bộ máy tổ chức cán bộ, giáo viên dạy nghề cơ hữu; biên chế thuộc các trung tâm không đảm bảo về số lượng và chất lượng. Tình trạng mất cân đối trong cơ cấu trình độ và ngành nghề đào tạo, giữa các vùng miền chậm được khắc phục. Chất lượng GDNN hiệu quả thấp, chưa gắn với nhu cầu của xã hội, nhiều cơ sở dạy nghề mặc dù được đầu tư lớn nhưng vẫn không tuyển được học sinh vào học hoặc học sinh học xong nhưng không tìm và tạo được việc làm, gây lãng phí cho ngân sách Nhà nước và gia đình người học. Khó khăn về việc làm sau đào tạo cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/112009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” chưa được khắc phục. Xã hội hóa dạy nghề còn chậm, chưa thu hút được các tổ chức, cá nhân, nhất là các doanh nghiệp tham gia dạy nghề. Công tác thông tin, tuyên truyền, tư vấn và hướng nghiệp về dạy nghề còn yếu, chưa làm cho xã hội, nhất là thanh niên hiểu đúng và lựa chọn học nghề phù hợp với khả năng, điều kiện của mình. Nhận thức của xã hội và của bản thân thanh niên về học nghề còn chưa đầy đủ, toàn diện…
2. Một số giải pháp đổi mới quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng XI
Trước những bất cập của công tác QLNN về GDNN thời gian qua, đồng thời để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa phát triển đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, cần thiết phải đổi mới công tác QLNN về GDNN. Chúng tôi đề xuất một số giải pháp đổi mới QLNN về GDNN trong bối cảnh đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI như sau:
Thứ nhất, quán triệt mạnh mẽ, sâu sắc nhận thức, tư duy đổi mới căn bản và toàn diện về giáo dục nói chung và đổi mới công tác QLNN về GDNN nói riêng một cách nhất quán, từ khâu quán triệt đến tổ chức thực hiện các quan điểm, đường lối và chủ trương phát triển giáo dục của Đảng; từ nhận thức mục tiêu giáo dục đến nhận thức về các giải pháp, điều kiện đảm bảo để tạo chuyển biến căn bản và toàn diện về GDNN.
Thứ hai, hoàn thiện thể chế QLNN về GDNN. Tập trung xây dựng khung pháp lý, chính sách, cơ chế QLNN về GDNN, tạo môi trường pháp lý đầy đủ cho đổi mới căn bản và toàn diện GDNN theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật GD, Luật Dạy nghề theo hướng thống nhất về GDNN.Thực hiện thống nhất cơ quan QLNN về GDNN; thống nhất trung cấp nghề và trung cấp chuyên nghiệp; cao đẳng nghề và cao đẳng thành hệ thống GDNN. Hoàn thiện cơ chế phân công, phối hợp quản lý của cơ quan QLNN về GDNN ở trung ương và Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố đối với các cơ sở GDNN.
Thứ ba, đổi mới cơ chế quản lý,trong đó giao các cơ quan QLNN về GDNN được chủ động về quản lý nhân sự và tài chính cùng với quản lý thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Từng bước tách bạch công tác QLNN về GDNN với công tác chuyên môn của các cơ sở GDNN; cơ quan quản lý không làm thay công việc quản trị của cơ sở giáo dục. Đổi mới quản trị cơ sở GDNN theo hướng phát huy dân chủ, tính sáng tạo; tăng cường vai trò của Hội đồng trường; thực hiện cơ chế tự chủ và chịu trách nhiệm xã hội, công khai, chịu sự giám sát của các chủ thể trong các cơ sở GDNN, của Nhà nước và xã hội.
Thứ tư, tăng cường dân chủ hóa trong GDNN, xây dựng cơ chế thu thập và xử lý thông tin phản hồi trong quản lý về GDNN. Thực hiện cơ chế người học, xã hội đánh giá hoạt động GDNN; các cơ sở GDNN đánh giá cơ quan QLNN về GDNN. Thiết lập cơ chế đo lường mức độ hài lòng của người dân với sự phục vụ của các cơ quan QLNN và các cơ sở GDNN.Phát triển hệ thống thông tin trong QLNN về GDNN. Tăng cường công tác thông tin trong hoạt động GDNN và thị trường lao động; công tác dự báo về GDNN và nhu cầu nguồn nhân lực của xã hội; gắn công tác giáo dục hướng nghiệp với nhu cầu của thị trường và người học.
Thứ năm, làm tốt công tác quy hoạch mạng lưới các cơ sở GDNN, cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo phù hợp với quy hoạch phát triển nhân lực của quốc gia, từng vùng và từng địa phương. Phân tầng các cơ sở GDNN theo mục tiêu đào tạo, theo khả năng đáp ứng nhu cầu đa dạng của các lĩnh vực, ngành nghề, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao cho phát triển kinh tế - xã hội, cạnh tranh quốc tế và nhu cầu người học. Coi trọng quản lý chất lượng đầu ra, quản lý quá trình đào tạo và chuẩn hóa các điều kiện đảm bảo chất lượng. Xây dựng hệ thống kiểm định độc lập về chất lượng các cơ sở GDNN. Nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn dành cho công tác GDNN ở các cấp.
Thứ sáu, đẩy mạnh phân cấp đi đôi với tăng cường kỷ cương trong quản lý GDNN, nâng cao năng lực của bộ máy quản lý GDNN các cấp; thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm minh, kịp thời các sai phạm trong hoạt động GDNN

 


[1]Tính đến 30/5/2012, đã có 142 văn bản quy phạm pháp luật về dạy nghề được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành để hướng dẫn triển khai thực hiện Luật Dạy nghề.
[2] Trung tâm dạy nghề, Trung tâm giáo dục thường xuyên, Trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng hợp và hướng nghiệp