Hoàn thiện pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm trong hoạt động thương mại

01/09/2013

Các quy định của pháp luật điều chỉnh hoạt động thương mại (HĐTM) nhằm quản lý vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) là hết sức quan trọng. Nó là cơ sở pháp lý để các cơ quan quản lý nhà nước đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) trong HĐTM. Chúng ta đã ban hành hàng loạt văn bản pháp luật (VBPL) nhằm kiểm soát VSATTP nói chung và trong HĐTM nói riêng. Các văn bản đó đã góp phần không nhỏ vào việc quản lý chất lượng VSATTP, đảm bảo sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, pháp luật về kiểm soát VSATTP trong HĐTM còn tồn tại một số hạn chế cần phải sửa đổi, bổ sung. 
Untitled_444.png
Ảnh minh họa: nguồn internet
1. Thành tựu trong công tác xây dựng pháp luật về kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm trong hoạt động thương mại
- Hệ thống VBPL về kiểm soát VSATTP trong HĐTM ở Việt Nam tương đối toàn diện và phong phú, bao gồm các lĩnh vực như an toàn sức khoẻ cộng đồng, quy định về kiểm dịch động thực vật, hệ thống quy định về kinh doanh, xuất khẩu và nhập khẩu thực phẩm.
Cùng với các văn bản theo hệ thống pháp luật về VSATTP, nhiều văn bản luật, pháp lệnh có liên quan đến công tác kiểm soát VSATTP trong HĐTM cũng đã được ban hành như Luật Tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật Thương mại, Luật Quảng cáo, Luật Hình sự, Pháp lệnh Thú y, Pháp lệnh Bảo vệ thực vật,... và hàng loạt các văn bản dưới luật cũng được ban hành. Các văn bản nói trên đã tạo hành lang pháp lý cho công tác kiểm soát VSATTP trong HĐTM, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.
- Những quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) đã được tiếp cập theo hướng mới, chuyển từ phương thức quản lý tiền kiểm sang hậu kiểm (quản lý dựa trên tiêu chuẩn, quy chuẩn công bố áp dụng); từ quản lý theo phương thức kiểm tra VSATTP theo công đoạn sang quản lý theo quá trình, theo chuỗi cung cấp thực phẩm.
So với Pháp lệnh VSATTP được ban hành năm 2003, Luật ATTP ra đời đánh dấu sự đổi mới tư duy từ quản lý trực tiếp sản phẩm sang quản lý cả quá trình sản xuất ra sản phẩm. Điều này có nghĩa là thay vì chứng nhận sản phẩm, sẽ thực hiện chứng nhận quy trình như quy trình nuôi trồng, sản xuất, chế biến; bảo quản và phân phối. Tại Điều 3 của Luật ATTP có quy định: Quản lý ATTP phải được thực hiện trong suốt quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên cơ sở phân tích nguy cơ đối với ATTP. Đây là cách tiếp cận rất mới, có sự tương thích với cách quản lý của các nước tiên tiến, giúp chúng ta không phải chạy theo từng loại sản phẩm mà quản lý nguy cơ đối với ATTP, từ đó thiết lập nên hệ thống quản lý để loại bỏ những nguy cơ mất VSATTP. 
- Chúng ta đã xây dựng được một hệ thống tiêu chuẩn về thực phẩm,tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước áp dụng trong quá trình sản xuất kinh doanh thực phẩm cũng như kiểm soát VSATTP trong HĐTM.
Việc xây dựng, ban hành tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, chuyển đổi tiêu chuẩn Việt Nam, tiêu chuẩn ngành thành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đã được các bộ, ngành quan tâm triển khai. Những tiêu chuẩn, quy chuẩn này là cơ sở để các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực phẩm xây dựng quy trình, kế hoạch sản xuất kinh doanh của mình. Các tiêu chuẩn đối với thực phẩm của Việt Nam đã và đang được chú trọng xây dựng nhằm đáp ứng với yêu cầu quốc tế.
- Về mặt hình thức, VBPL về kiểm soát VSATTP trong HĐTM ngày càng được nâng cao về hiệu lực pháp lý. Trước đây, nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn của việc kiểm soát VSATTP trong HĐTM, các VBPL được các cơ quan chức năng ban hành dưới các hình thức như Quyết định, Thông tư, Chị thị… Đến nay, Luật ATTP đã có hiệu lực từ ngày 01/07/2011. Điều này đánh dấu một bước phát triển của pháp luật về VSATTP nói chung và pháp luật kiểm soát VSATTP trong HĐTM nói riêng. Bên cạnh đó, phương thức quản lý đối với hàng hóa là thực phẩm đã được điều chỉnh theo Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Thủy sản, Luật Thương mại, Luật Cạnh tranh... Như vậy, về mặt hình thức pháp lý, các vấn đề về kiểm soát VSATTP trong HĐTM đã được luật hoá cơ bản.
- Về mặt nội dung, các quy định về kiểm soát VSATTP trong HĐTM ngày càng tiến bộ và đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới. Nội dung của pháp luật về kiểm soát VSATTP trong HĐTM ngày càng bao quát và đầy đủ hơn.
Luật ATTP năm 2010 dành một chương để quy định về điều kiện bảo đảm an toàn về sản xuất, kinh doanh thực phẩm, trong đó phân định rõ hơn điều kiện bảo đảm an toàn trong từng công đoạn sản xuất, kinh doanh và gắn với từng nhóm sản phẩm cụ thể như sản xuất, kinh doanh thực phẩm tươi sống, trong chế biến thực phẩm, kinh doanh thực phẩm đã qua chế biến thể hiện sự phân loại rõ ràng đối với từng loại sản phẩm thực phẩm. Đặc biệt, Luật quy định một mục riêng về điều kiện bảo đảm an toàn đối với thức ăn đường phố, đây là một loại hình đặc thù cần được quản lý bằng những điều kiện, biện pháp riêng mà trước đây chưa được các VBPL nào đề cập đến. Về nội dung quảng cáo, ghi nhãn thực phẩm, Luật ATTP cũng đã quy định cụ thể hơn nhiều so với các VBPL trước. Luật đưa ra quy định về việc trước khi thực hiện quảng cáo thực phẩm, nội dung quảng cáo không những phải được thông báo tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế theo như tinh thần của pháp luật hiện hành về quảng cáo mà còn phải được kiểm tra, xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế. Việc bảo đảm an toàn đối với thực phẩm nhập khẩu và thực phẩm xuất khẩu cũng được quy định chi tiết, cụ thể và rõ ràng hơn so với các quy định trước đó.
- Pháp luật ATTP nói chung và kiểm soát VSATTP trong HĐTM nói riêng đã có một bước tiến vượt bậc trong việc phân công trách nhiệm cụ thể cho từng bộ ngành đối với hoạt động quản lý ATTP trên thị trường. Việc phân công quản lý về ATTP giữa các Bộ này lâu nay vẫn chưa đạt kết quả tốt. Chính vì vậy, việc ra đời của Luật ATTP sẽ giải quyết cơ bản những vấn đề nổi cộm liên quan đến sức khỏe người dân, tránh đùn đẩy trách nhiệm giữa các ngành.
- Pháp luật về VSATTP đã tạo được cơ sở để hình thành và kiện toàn bộ máy cơ cấu, tổ chức cơ quan quản lý nhà nước về VSATTP từ trung ương đến địa phương, có sự phân công, phân cấp trách nhiệm giữa các Bộ ngành, địa phương nên đã phát huy hiệu lực và hiệu quả trong công tác quản lý chất lượng VSATTP nói chung và hoạt động kiểm soát VSATTP trong HĐTM nói riêng.
- Hoạt động thanh tra, kiểm tra ATTP đã được quy định một cách rõ ràng, cụ thể hơn. Các quy định về thanh tra, kiểm tra hiện nay đã được luật hóa trong Luật ATTP năm 2010, vì vậy có tính hiệu lực cao hơn trước đây (trước đây các quy định về hệ thống thanh tra chuyên ngành VSATTP hiện mới được ghi tại Nghị định số 79/2008/NĐ-CP ngày 18/7/2008 của Chính phủ).
Với những quy định hiện có, pháp luật kiểm soát VSATTP trong HĐTM ở Việt Nam đã góp phần nâng cao chất lượng quản lý VSATTP trong HĐTM thời gian gần đây. Điều kiện VSATTP ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm được cải thiện hơn trước đây. Chất lượng của thực phẩm xuất, nhập khẩu và lưu thông trên thị trường nội địa được kiểm soát tốt hơn. Số lượng chợ đầu mối, siêu thị kinh doanh thực phẩm tăng dần theo từng năm.
2. Những hạn chế của pháp luật kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm trong hoạt động thương mại và nguyên nhân
2.1. Những hạn chế, bất cập
- Hệ thống các quy định về quản lý chất lượng VSATTP nói chung và kiểm soát VSATTP trong HĐTM nói riêng còn quá nhiều gây khó khăn khi áp dụng trên thực tế.
 - Hệ thống các văn bản QPPL về kiểm soát VSATTP trong HĐTM chưa đồng bộ, còn thiếu và chồng chéo. Trong các văn bản QPPL còn có những quy định mâu thuẫn, chồng chéo. Những mâu thuẫn, chồng chéo này đã gây không ít khó khăn trong hoạt động kiểm soát VSATTP trong HĐTM thời gian qua.
- Tính khả thi của các văn bản QPPL về VSATTP còn chưa cao, cần phải sửa đổi bổ sung cho phù hợp với thực tiễn áp dụng.  
- Tính ổn định của một số văn bản QPPL về kiểm soát VSATTP trong HĐTM chưa cao. Có những văn bản được các cơ quan chức năng ban hành chỉ trong một thời gian ngắn đã phải sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ, ví dụ: Nghị định 126/2005/NĐ-CP ngày 10/10/2005 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hóa sau gần 2 năm có hiệu lực đã bị sửa đổi bổ sung bằng Nghị định 95/2007/NĐ-CP;… Sự thiếu ổn định của các văn bản QPPL đó đã gây khó khăn cho các chủ thể kinh doanh thực phẩm cũng như công tác kiểm soát VSATTP trong HĐTM của các cơ quan nhà nước.
- Hiện nay, hệ thống pháp luật về kiểm soát VSATTP trong HĐTM đang thiếu các quy định chi tiết dẫn đến viêc áp dụng của các chủ thể đang gặp không ít khó khăn. Luật ATTP đã có hiệu lực từ ngày 01/07/2011 nhưng các cơ quan chức năng vẫn chưa thể áp dụng toàn bộ vào thực tiễn hoạt động kiểm soát VSATTP. Lý do chính là Chính phủ cũng như các Bộ, ngành liên quan vẫn chậm trễ trong công tác soạn thảo và ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành.
- Các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về ATTP hiện còn thiếu rất nhiều, đặc biệt là đối với những thực phẩm truyền thống (các loại mắm, nem chua, tương...) và một số tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được ban hành cũng đã lạc hậu nhưng chưa được sửa đổi.
Chính vì sự bất cập này mà hiện nay, nhiều doanh nghiệp thực phẩm ghi lên nhãn hàng hoá của mình các số liệu khác xa với thực tế sản xuất mà không có một chế tài kiểm soát nào.
2.2. Nguyên nhân hạn chế của pháp luật về kiểm soát VSATTP trong HĐTM  
Những hạn chế của pháp luật về kiểm soát VSATTP trong HĐTM Việt Nam thời gian qua là do những nguyên nhân sau:
- Hệ thống VBQPPL về kiểm soát VSATTP trong HĐTM có nhiều, nhưng chưa có một văn bản nào quy định riêng về kiểm soát VSATTP trong HĐTM nên việc các cơ quan chức năng cùng một lúc áp dụng nhiều văn bản trong việc kiểm soát VSATTP trong HĐTM là rất khó khăn.
- Hoạt động ban hành các văn bản dưới luật của các cơ quan quản lý còn chậm trễ, gây khó khăn cho công tác thực thi. 
- VBQPPL về kiểm soát VSATTP trong HĐTM được ban hành theo nhiều hệ thống luật khác nhau như thương mại, kiểm dịch động vật và thực vật, vệ sinh thực phẩm, chất lượng hàng hoá, tiêu chuẩn, quy chuẩn thực phẩm, sở hữu công nghiệp... số lượng văn bản là rất lớn trong khi nguồn lực để rà soát hệ thống pháp luật hiện hành còn hạn chế nên tính thống nhất trong một số quy định pháp luật còn chưa bảo đảm.
- Hoạt động kiểm soát VSATTP chưa có chiến lược quản lý dài hạn nên có tình trạng văn bản ban hành chỉ để giải quyết các vấn đề trước mắt, trong khi các vấn đề cơ bản của công tác quản lý lại chưa được đầu tư nghiên cứu sâu để có lộ trình giải quyết.
- Thực phẩm liên quan đến lĩnh vực quản lý của nhiều bộ, do vậy có tình trạng “cát cứ”, lĩnh vực của bộ nào thì bộ đó quản lý, ít quan tâm đến tính thống nhất, đồng bộ trong quản lý thực phẩm; sự hợp tác, phối hợp giữa các bộ trong công tác xây dựng VBQPPL còn chưa được quan tâm đúng mức, nhiều vấn đề “xung đột” lại né tránh, không quy định cụ thể nên việc thực hiện pháp luật còn gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, có tình trạng cục bộ về lợi ích nên một số quy định không bảo đảm tính khách quan, gây chồng chéo, cản trở cho hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
- Nhận thức trách nhiệm của các cấp lãnh đạo, các cơ quan quản lý nhà nước về tầm quan trọng của công tác kiểm soát VSATTP trong HĐTM còn chưa đầy đủ, nên sự chỉ đạo còn thiếu kiên quyết và sát sao.  
- Bộ máy cơ quan quản lý chuyên ngành về VSATTP chưa hoàn thiện; có nhiều đầu mối tham gia quản lý nhà nước về VSATTP nhưng việc phân công trách nhiệm kiểm soát VSATTP trong HĐTM đối với một số sản phẩm, thực phẩm còn chồng chéo. Bên cạnh đó, năng lực quản lý của cơ quan nhà nước còn hạn chế, công tác kiểm soát VSATTP trong HĐTM còn chậm đổi mới; việc triển khai thực hiện VBQPPL về kiểm soát VSATTP trong HĐTM còn chậm. Việc xử phạt chưa kiên quyết nên chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa. Năng lực của cán bộ làm công tác kiểm soát VSATTP trong HĐTM còn thiếu và yếu vì vậy dẫn đến tình trạng thụ động áp dụng pháp luật mà ít có những đóng góp phản hồi nhằm hoàn thiện pháp luật về kiểm soát VSATTP trong HĐTM.
- Kinh phí đầu tư cho hoạt động xây dựng pháp luật về ATTP nói chung và kiểm soát VSATTP trong HĐTM nói riêng còn thấp.
- Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật còn chưa được chú trọng nên có tình trạng, cán bộ, công chức thực thi pháp luật không biết có văn bản mới để triển khai thực hiện; nhiều địa phương, việc áp dụng VBPL còn ở tình trạng chờ đợi cấp trên phổ biến, hướng dẫn rồi mới “chính thức” triển khai.
3. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật về kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm trong hoạt động thương mại
3.1. Rà soát các quy định về kiểm soát VSATTP trong HĐTM
Công tác rà soát pháp luật có ý nghĩa hết sức quan trọng để đưa ra những kiến nghị nhằm khắc phục những khó khăn, bất cập, vướng mắc trong việc thực thực thi. Việc rà soát pháp luật về kiểm soát VSATTP trong HĐTM cần thực hiện những vấn đề sau:
- Rà soát và bổ sung quy chế quản lý nhập khẩu hoá chất, thuốc bảo vệ thực vật, các phụ gia thực phẩm, các loại thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, chống di nhập các loại sinh vật lạ lây lan mầm bệnh, làm biến đổi gen. Loại bỏ những điểm chồng chéo giữa các văn bản của các bộ ngành khác nhau, những quy định không hoặc ít có tính khả.
- Rà soát lại các quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thực phẩm tươi sống và chế biến, quy định về điều kiện vệ sinh ATTP đối với thực phẩm sản xuất trong nước và nhập khẩu nhằm tiêu thụ tại Việt Nam, các quy định về ghi nhãn chi tiết đối với thực phẩm bao gói sẵn để có những bổ sung, điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tế và chuẩn quốc tế. Trước mắt, ban hành các quy định cụ thể đối với từng loại hình dịch vụ kinh doanh ăn uống, chợ và siêu thị. Xây dựng quy trình ghi nhãn rộng rãi và chặt chẽ hơn.
- Rà soát lại các quy định và tiêu chuẩn về chất lượng của hàng thực phẩm xuất khẩu để hoàn thiện chúng theo hướng đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.  
3.2. Sửa đổi, bổ sung một số VBPL nhằm kiểm soát chặt chẽ và hiệu quả VSATTP trong HĐTM
Thứ nhất, sửa đổi một số điều của pháp luật có liên quan đến hoạt động kiểm soát VSATTP trong HĐTM làm cơ sở để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất khi thực hiện pháp luật về kiểm soát VSATTP trong HĐTM.
Thứ hai, sửa đổi các văn bản quy phạm chồng chéo, mâu thuẫn, bãi bỏ những quy định không phù hợp và bổ sung những quy định còn thiếu nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về kiểm soát VSATTP trong HĐTM.
Thứ ba, khẩn trương ban hành các nghị định hướng dẫn thi hành Luật ATTP nhằm tạo điều kiện để Luật này sớm đi vào thực tiễn. Trước mắt cần khẩn trương soạn thảo và ban hành các nghị định về tổ chức và hoạt động của thanh tra ATTP, nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính về ATTP, nghị định quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm vi phạm ATTP,…
Thứ tư, xây dựng và ban hành các quy định về điều kiện kinh doanh, phương tiện vận chuyển, công nghệ bảo quản đối với từng nhóm thực phẩm có nguy cơ mất an toàn cao như thịt, sữa, rau quả, thực phẩm ăn ngay, nước đóng chai...
Thứ năm, xây dựng một cách đồng bộ các quy trình quy phạm, các kỹ thuật canh tác trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, các quy trình công nghệ trong bảo quản, chế biến, trong phân phối, lưu thông v.v... nhằm thực hiện phong trào thức ăn lành, rau lành, nước sạch v.v..
Thứ sáu, sớm ban hành quy định về xuất, nhập khẩu các sản phẩm biến đổi gen và sinh vật biến đổi gen.
Thứ bảy, hợp lý hoá các văn bản luật, chính sách và quy định về vệ VSATTP để nâng cao tính thực thi của chúng như ban hành các quy định chi tiết, xuất bản các sách hướng dẫn thi hành.
Thứ tám, nghiên cứu xây dựng và ban hành các tiêu chí về văn minh thương mại trong kinh doanh thực phẩm. Trên cơ sở đó kiểm tra khả năng đáp ứng của các cơ sở kinh doanh thực phẩm để cấp giấy chứng nhận. Giấy chứng nhận này là một hình thức quảng bá hình ảnh của các cơ sở kinh doanh thực phẩm (chẳng hạn như cửa hàng rau sạch, chè không có dư lượng độc tố, thịt chăn nuôi theo quy trình sạch…)
3.3. Hoàn thiện các quy định nhằm nâng cao năng lực quản lý nhà nước về VSATTP trong HĐTM
- Xây dựng, ban hành các quy định về kế hoạch hành động tập thể về sinh ATTP và kiểm dịch động thực vật theo nguyên tắc tiếp cận hệ thống toàn bộ ở tất cả các khâu trong chu trình thực phẩm, từ đó phân nhóm hành động theo chức năng và trách nhiệm của từng cơ quan.
- Trên cơ sở tìm hiểu kinh nghiệm, mô hình quản lý VSATTP của một số nước và điều kiện thực tiễn của Việt Nam, nghiên cứu ban hành các quy định pháp luật để xây dựng mô hình quản lý vệ sinh ATTP nói chung và kiểm soát VSATTP trong HĐTM ở Việt Nam với những nội dung sau:
+ Ban hành các VBQPPL quy định hoạt động xây dựng chiến lược, chính sách, kế hoạch, tổ chức thực hiện, thanh tra, giám sát, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan cùng chịu trách nhiệm về các vấn đề VSATTP.
+ Thiết lập cơ chế pháp lý và các chính sách tăng cường sự phối hợp ở cấp quốc gia và cấp tỉnh, do sự tập trung hiện nay của các cơ quan nhà nước vào một số phân đoạn nhất định của chuỗi cung là rất rủi ro và không nhất quán với cách tiếp cận “từ người nuôi trồng đến người tiêu dùng cuối cùng”.
+ Kiện toàn hệ thống đảm bảo chất lượng thực phẩm và triển khai việc áp dụng các hệ thống này trong điều kiện nước ta. Đến nay trên thế giới cũng như ở nước ta đã xuất hiện hàng chục hệ thống quản lý chất lượng khác nhau có thể áp dụng cho mọi loại hình doanh nghiệp, trong đó kể cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí kể cả các hợp tác xã, làng nghề,... vấn đề chỉ là lựa chọn sao cho phù hợp.
+Ban hành các VBQPPL để tạo quy chế pháp lý cho việc tăng cường và phát triển hợp tác liên ngành. Có một sự phối hợp liên ngành trong lĩnh vực này để triển khai đồng bộ từ công tác giống cây trồng, vật nuôi, kỹ thuật canh tác, các công nghệ sau thu hoạch đến việc phân phối thực phẩm, quản lý thị trường, quản lý vệ sinh thực phẩm, luật vệ sinh thực phẩm… đặc biệt là nâng cao năng lực phối hợp trong việc kiểm tra hàng nhập khẩu, kiểm dịch động thực vật nhập khẩu
+ Tiếp tục ban hành các quy định pháp lý để làm căn cứ cho việc kiểm soát thực phẩm trong HĐTM của các hiệp hội ngành hàng, khu vực tư nhân cùng với sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức xã hội khác.
3.4. Tăng cường nguồn lực cho hoạt động xây dựng pháp luật kiểm soát VSATTP trong HĐTM
- Nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác, rà soát, xây dựng, ban hành VBPL về kiểm soát VSATTP trong HĐTM nói riêng và pháp luật quản lý chất lượng ATTP nói chung.
- Bảo đảm cấp đủ ngân sách nhà nước cho hoạt động nghiên cứu, xây dựng pháp luật về VSATTP nói chung và pháp luật về kiểm soát VSATTP trong HĐTM nói riêng.
3.5. Tăng cường hợp tác quốc tế
- Tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế tại các cửa khẩu để ngăn chặn sự xâm nhập của dịch bệnh và dịch hại. Để làm được điều này, cần thiết phải có các hàng rào tự nhiên và chương trình kiểm dịch đủ mạnh. Bước tiếp theo là từng bước hài hòa tiêu chuẩn về OIE[1] và IPPC[2], tiến tới ký hiệp định về kiểm dịch động thực vật với các nước có chung đường biên giới. Đặc biệt chú trọng công tác kiểm dịch với các nước có chung hệ sinh thái.
- Tranh thủ sự trợ giúp quốc tế để xây dựng khung khổ luật pháp, hỗ trợ kỹ thuật, phối hợp quốc tế phòng trừ bệnh dịch, trước mắt là dịch cúm gia cầm. Tăng cường trao đổi thông tin, đào tạo cán bộ dưới mọi hình thức (hội thảo, tập huấn ngắn hạn, dài hạn, v.v..) và xây dựng những chương trình nghiên cứu triển khai mà các bên đều quan tâm, trước hết là đối với các hợp tác xã, các xí nghiệp vừa và nhỏ.
- Đẩy mạnh việc ký kết các điều ước quốc tế, thoả thuận song phương, đa phương trong lĩnh vực VSATTP; về công nhận, thừa nhận lẫn nhau về kết quả chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn.
3.6. Xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia về VSATTP phù hợp với khu vực và thế giới
- Xây dựng và hoàn thiện các tiêu chuẩn về VSATTP theo chuẩn quốc tế và đặc thù của Việt Nam. Mục đích cuối cùng là áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế vào thị trường trong nước. Tuy nhiên cần lưu ý rằng, những tiêu chuẩn của Codex, IPPC, OIE, dù dựa trên cơ sở khoa học nhưng rất khó thực hiện trong nước vì sẽ làm giá thực phẩm tăng ít nhất từ 5-10% và vì những tiêu chuẩn đó dựa trên tập quán ăn uống của người phương Tây. Do đó nên lựa chọn cách chuyển đổi từng bước sang tiêu chuẩn quốc tế.
- Nâng cao khả năng đáp ứng các quy định và tiêu chuẩn quốc tế về kiểm dịch động thực vật. Đối với các tiêu chuẩn của IPPC, OIE, cần nhanh chóng hoà nhập sâu hơn vào hệ thống quy định quốc tế. Năng cao năng lực quốc gia về ngăn ngừa các nguy cơ dịch bệnh ở thực vật và động vật là biện pháp tốt nhất để nâng cao khả năng tiếp cận thị trường quốc quốc tế hàng nông, thuỷ sản, nâng cao hình ảnh quốc gia, tạo môi trường thuận lợi cho hội nhập và bảo vệ sức khoẻ và tính mạng của người dân khỏi các đại dịch bệnh.
- Xây dựng các tiêu chuẩn, yêu cầu có thể cạnh tranh với các tiêu chuẩn quy định quốc tế và phù hợp với điều kiện trong nuớc.
- Cần có sự phối hợp giữa các cơ quan soạn thảo và các doanh nghiệp, tham khảo ý kiến của các chuyên gia trong việc xây dựng tiêu chuẩn và các quy định quản lý để có thể bắt buộc doanh nghiệp thực hiện một cách có hiệu quả, tránh tình trạng áp đặt hoặc xây dựng tiêu chuẩn không dựa trên những chứng cứ khoa học.
- Tranh thủ sự trợ giúp về kỹ thuật và chuyên gia của các tổ chức tiêu chuẩn, môi trường quốc tế đồng thời tăng cương công tác đào tạo đội ngũ chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia.

 


[1] Tổ chức Thú y Thế giới
[2] Công ước Bảo vệ Thực vật Quốc tế