Góp ý các nội dung trong lời nói đầu và chủ quyền nhân dân của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

01/05/2013

Trong nỗ lực cải cách nhằm đáp ứng các yêu cầu tất yếu của tiến trình xây dựng và bảo vệ đất nước, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 (Dự thảo) được đưa ra lấy ý kiến nhân dân. Dù đã có những cố gắng nhất định, song Dự thảo còn nhiều vấn đề mà không thể không cần tới sự nghiên cứu và thể hiện kỹ lưỡng hơn. Trong các vấn đề này, Lời nói đầu và chủ quyền nhân dân là hai vấn đề bộc lộ nhiều bất cập nhất.
 Untitled_494.png
Ảnh minh họa: nguồn internet
I. Về lời nói đầu của Hiến pháp
1.1. Dẫn luận
Như một bộ phận không thể tách rời của Hiến pháp, Lời nói đầu của Hiến pháp có một ý nghĩa dẫn nhập quan trọng. Chỉ cần đọc Lời nói đầu của Hiến pháp người ta đã có thể hiểu được phần nào về cộng đồng xây dựng nên bản Hiến pháp đó.
Hầu hết các Lời nói đầu của Hiến pháp bị chi phối bởi bản chất chung của Hiến pháp. Có lẽ không một cộng đồng chính trị nào không nhận thức rằng: Hiến pháp là một đạo luật của nhân dân thể hiện sự tự nguyện chung sống của họ trong một cộng đồng chính trị nhất định, và tổ chức nên chính quyền của mình, đồng thời giới hạn quyền lực của chính quyền đó nhằm bảo đảm tự do của mỗi thành viên trong cộng đồng chính trị ấy. Hiến pháp bởi lẽ đó không phải là một đạo luật từ “trên ban xuống”, mà là một khế ước giữa toàn dân. Vì vậy, Lời nói đầu của Hiến pháp nói chung thường phải bao gồm ba nội dung cơ bản sau: thứ nhất, những giá trị cơ bản khiến mọi người trong cộng đồng liên kết lại cùng nhau; thứ hai, căn nguyên và mục tiêu xây dựng cộng đồng; và thứ ba, thể hiện sự thống nhất ý chí tạo lập nên cộng đồng. Trong các nội dung trên, nội dung thứ ba là nội dung không thể thiếu, giống như người ta viết một hợp đồng không thể thiếu đoạn văn nói về sự thống nhất ý chí giữa các bên.
Câu chữ trong Lời nói đầu thường được chắt lọc để bảo đảm sự trong sáng, ngắn gọn, dễ hiểu. Văn phong ở đó thường phải phù hợp với đặc tính của dân tộc, không “đánh bóng” theo tư tưởng riêng của người soạn thảo, và thể hiện được trí tuệ, tinh thần và tình cảm của dân tộc.
1.2. Bình luận
Sơ lược có thể nói, có hai cách thức chủ yếu thể hiện những giá trị cơ bản khiến mọi người trong cộng đồng liên kết lại cùng nhau tại các lời nói đầu của các bản văn Hiến pháp nói chung: cách thức thứ nhất theo hướng mô tả truyền thống liên kết cộng đồng (lịch sử); và cách thức thứ hai theo hướng liệt kê ngắn gọn các giá trị cơ bản khiến các thành viên cộng đồng cùng nhau liên kết. Và đương nhiên có cách thức thứ ba là cách thức kết hợp giữa hai cách thức nói trên. Dự thảo dù vô tình hay hữu ý đã thể hiện Lời nói đầu theo cách thức thứ ba. Tuy nhiên các giá trị liên kết cộng đồng chưa được chuyển tải đúng mức, chưa được làm rõ và chưa được dồn nén vào một chỗ để dễ dàng nhận biết. Căn nguyên và mục tiêu xây dựng cộng đồng trong Lời nói đầu của Dự thảo đơn thuần là sự sao chép lại một cách máy móc Cương lĩnh của Đảng, thiếu tính chất văn phạm của luật học. Dự thảo làm cho người đọc có cảm giác Lời nói đầu ở đó là một sự chắp vá, thiếu nhất quán, thiếu sự nghiên cứu kỹ lưỡng và có sự trộn lẫn khó lý giải giữa các vấn đề như: giá trị liên kết cộng đồng, căn nguyên xây dựng cộng đồng, và mục tiêu xây dựng cộng đồng.
Ví dụ lớn thứ nhất: Đoạn 1, Lời nói đầu của Dự thảo dường như cho rằng giá trị liên kết cộng đồng là “…nhân dân Việt Nam… đã hun đúc nên truyền thống đoàn kết, nhân nghĩa, kiên cường, bất khuất của dân tộc…”, trong khi đó Đoạn 5 của Lời nói đầu này lại nhắc đến các giá trị khác làm căn nguyên xây dựng cộng đồng là “Nhân dân Việt Nam, với truyền thống yêu nước, đoàn kết một lòng[1], xây dựng và thi hành Hiến pháp vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Như vậy, phải chăng cộng đồng được xây dựng theo Dự thảo loại bỏ các đức tính “nhân nghĩa, kiên cường, bất khuất của dân tộc”?
Ví dụ lớn thứ hai: Đoạn 1, 3 và 5 của Dự thảo dùng từ ngữ “nhân dân Việt Nam”, trong khi đó Đoạn 2 của Dự thảo dùng từ ngữ “nhân dân ta”. Từ ngữ “nhân dân Việt Nam” khiến cho người đọc Việt Nam có cảm giác mình đang tuyên bố với thế giới về cộng đồng của mình. Còn từ ngữ “nhân dân ta” khiến cho người đọc Việt Nam có cảm giác mình đang “thủ thỉ” với các thành viên khác của cộng đồng mình. Cần lưu ý rằng: Đoạn 2, Lời nói đầu này của Dự thảo nói về giai đoạn cách mạng từ năm 1930 tới giờ. Liệu có ai đó đặt câu hỏi: về giai đoạn cách mạng này, nhân dân Việt Nam không muốn tuyên bố với thế giới? Vậy vì lẽ gì?
1.3. Kiến nghị
 Theo chúng tôi, Ủy ban sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cần lắng nghe ý kiến và chắt lọc các ý kiến của các chuyên gia trong các lĩnh vực khoa học xã hội khác (như lịch sử, dân tộc, xã hội học, văn hóa…) về những vấn đề cần thể hiện trong nội dung của Lời nói đầu của Hiến pháp.
Các giá trị cơ bản liên kết cộng đồng có thể bao gồm: (1) sự đùm bọc lẫn nhau (xuất phát từ sự sinh trưởng trong các cộng đồng làng xã); và (2) tinh thần yêu nước, thương nòi và bảo vệ đất nước (xuất phát từ truyền thống chống giặc ngoại xâm).
Căn nguyên xây dựng cộng đồng có thể bao gồm: (1) xây dựng cộng đồng vững mạnh, giữ vững chủ quyền và chung sống hòa bình với các dân tộc khác trên thế giới; (2) bảo đảm quyền tự do, dân chủ và sự ổn định.
Các mục tiêu xây dựng cộng đồng có thể bao gồm: (1) bảo đảm tất cả quyền lực của nhân dân; (2) nhân phẩm được tôn trọng và bảo vệ; (3) chính quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; (4) đa dạng văn hóa, tôn trọng cá tính; và (5) đại đoàn kết dân tộc.
Sinh ra từ các làng xã và đa số vẫn là nông dân nên người Việt vốn mộc mạc, chân thành. Vì thế Lời nói đầu của Hiến pháp nên viết giản dị, mộc mạc, dễ hiểu, không nên “đánh bóng”, khoa trương. Đoạn cuối cùng của Lời nói đầu phải có một câu thể hiện rõ ý chí chung sống của toàn dân và sự thống nhất ý chí trong việc tạo lập nên cộng đồng chính trị của mình, chẳng hạn như: “Chúng tôi, nhân dân Việt Nam cùng nhau xây dựng (hoặc thông qua) Hiến pháp như sau:…”.
II. Về chủ quyền nhân dân
2.1. Dẫn luận
Hiến pháp năm 1946 có một tuyên ngôn bất hủ rằng: “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”. Tuyên ngôn này đã đụng chạm tới nơi sâu nhất trong trái tim của người Việt, khiến họ xả thân vì nước, vì dân. Xét về mặt học thuật, đây là một nguyên tắc nền tảng chi phối toàn bộ các nguyên tắc và qui tắc khác của Hiến pháp. Có thể thấy, bất kể một lực lượng đấu tranh giành chính quyền nào cũng đều nhân danh nhân dân. Chẳng hạn trong cuộc xung đột vũ trang ở Syria hiện nay, cả chính quyền lẫn phe nổi dậy đều nhân danh nhân dân. Điều đó có nghĩa là: chỉ có nhân dân mới có quyền lực thực sự; và tính hợp pháp hay chính đáng của quyền lực chính quyền chỉ có thể có khi được nhân dân ủy quyền. Bởi vậy, không một chính quyền nào không nói rằng mình được nhân dân ủy quyền. Tuy nhiên chính quyền đó có được ủy quyền thực sự hay không cần phải được xem xét từ thể thức trao quyền và các vấn đề liên quan. Vì vậy việc sửa đổi Hiến pháp lần này ở Việt Nam là một cơ hội quan trọng để củng cố lại vị thế của Đảng và Nhà nước là công bộc của nhân dân.
Chủ quyền nhân dân đặt ra ba vấn đề lớn buộc Hiến pháp phải thể hiện. Đó là: (1) thể thức nhân dân trao quyền lực của mình cho chính quyền (ủy quyền); (2) cơ chế bảo đảm chủ quyền vẫn thuộc về nhân dân; và (3) nền tảng kinh tế, xã hội của chủ quyền nhân dân. Mỗi vấn đề lớn này bao hàm trong nó các tiêu chuẩn cơ bản của Hiến pháp.
Trong vấn đề thể thức nhân dân trao quyền lực của mình cho chính quyền, có các tiêu chuẩn cơ bản sau: thứ nhất, Hiến pháp phải được xem là bản văn ủy quyền của nhân dân cho chính quyền, có nghĩa là ban tính hợp pháp cho quyền lực của chính quyền. Nếu Hiến pháp không phải do nhân dân làm ra thì quyền lực của chính quyền không phải là quyền lực được ủy quyền; thứ hai, Hiến pháp phải xác định rõ phạm vi của sự ủy quyền bằng cách nêu rõ một số vấn đề lớn của đất nước mà nhân dân vẫn giữ lại để trực tiếp quyết định thông qua phúc quyết toàn dân; thứ ba, Hiến pháp phải làm rõ cách thức trao quyền lực của nhân dân cho chính quyền. Cách thức này thường được thể hiện ở qui trình lập hiến mà tại đó bảo đảm cho nhân dân thực hiện quyền lập hiến của mình, và chính quyền được xây dựng trên nền tảng Hiến pháp.
Trong vấn đề cơ chế bảo đảm chủ quyền vẫn thuộc về nhân dân, có các tiêu chuẩn cơ bản sau: thứ nhất, Hiến pháp phải đặt ra các giới hạn mà chính quyền không thể vượt qua. Đó là quyền con người; thứ hai, Hiến pháp phải thiết lập rõ ràng một cơ chế bảo đảm hiệu lực của Hiến pháp trên thực tế. Sự vi phạm Hiến pháp của các cơ quan công quyền đều bị xử lý thích đáng; thứ ba, Hiến pháp phải bảo đảm cho cơ quan đại biểu của nhân dân phản ánh đúng ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Tiêu chuẩn này đòi hỏi Hiến pháp qui định các nguyên tắc cơ bản về bầu cử cơ quan đại biểu của nhân dân, hậu quả chính trị đối với cơ quan này do không tuân thủ Hiến pháp, và hậu quả chính trị đối với đại biểu của nhân dân do không hoàn thành nhiệm vụ đại biểu; thứ tư, Hiến pháp phải đặt ra nguyên tắc bãi bỏ sự ủy quyền của nhân dân cho chính quyền thông qua việc làm mới hoặc sửa đổi Hiến pháp.
Trong vấn đề nền tảng kinh tế, xã hội của chủ quyền nhân dân, có các tiêu chuẩn cơ bản sau: thứ nhất, Hiến pháp phải bảo đảm quyền sở hữu tư liệu sản xuất của người dân. Đây được xem là nguyên tắc quan trọng nhất để bảo đảm nền tảng kinh tế cho người dân có thể tự sinh sống và thực hiện chủ quyền của mình; thứ hai, Hiến pháp phải bảo đảm quyền tự do kinh doanh và chỉ cho phép giới hạn quyền này khi có lý do thật sự chính đáng từ phía cộng đồng và bằng một hình thức thỏa đáng; thứ ba, Hiến pháp phải tôn trọng và bảo đảm đa dạng văn hóa và cá tính. Thủ tiêu đa dạng văn hóa và cá tính đồng nghĩa với việc không cho mỗi người phát biểu ý kiến riêng của mình. Như vậy chủ quyền nhân dân mất đi ý nghĩa đích thực của nó là sự thỏa hiệp để sống thống nhất trong đa dạng; thứ tư, Hiến pháp phải bảo đảm sự bình đẳng về mọi phương diện của công dân. Sự phân biệt đối xử được xem là sự phân bổ chủ quyền không đồng đều và sự loại bỏ thỏa thuận chung sống. Cần lưu ý rằng sự thỏa thuận hay thỏa hiệp chỉ có thể có được giữa những con người cá biệt và hoàn toàn bình đẳng với nhau.
2.2. Bình luận
Các tiêu chuẩn cơ bản nêu trên chưa được Dự thảo thể hiện đủ và rõ ràng. Do đó việc đánh giá Dự thảo không thể theo hoàn toàn cấu trúc hệ thống của các tiêu chuẩn đó mà chỉ dựa vào đó để đánh giá từng mảng vấn đề lớn của Dự thảo.
2.2.1. Quyền lập hiến
Mặc dù Lời nói đầu của Dự thảo có đề cập tới việc nhân dân Việt Nam xây dựng Hiến pháp, song việc thực hiện quyền lập hiến, và quyền làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp vẫn được Dự thảo dành cho Quốc hội lập pháp (Điều 74 và Điều 75, khoản 1 của Dự thảo). Các qui định này của Dự thảo không thể xem là phù hợp với chủ quyền nhân dân. Như vậy toàn bộ quyền bính trong nước đều là của Nhà nước. Nhân dân chỉ có thể được hỏi ý kiến khi Quốc hội quyết định việc trưng cầu ý dân (Điều 75, khoản 15 và Điều 124, khoản 4 của Dự thảo). Ngoài ra Ủy ban dự thảo Hiến pháp cũng có thể “tổ chức lấy ý kiến nhân dân” (Điều 124, khoản 3).
2.2.2. Quyền lực của nhân dân và liên minh giai cấp
Điều 2 của Dự thảo tuyên bố: “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”. Theo lẽ thường, như trên đã phân tích, Nhà nước tự nó hoàn toàn không có quyền lực hoặc không có quyền lực hợp pháp hay chính đáng. Vì vậy đoạn văn “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân” là vô nghĩa và làm cho người đọc cảm giác: nhân dân tự thân họ không có quyền lực, và quyền lực nhà nước bao trùm lên toàn bộ đời sống xã hội. Việc tuyên bố nền tảng nhân dân là “liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức” như trên là có sự phân biệt giữa những người dân và gây mâu thuẫn với Điều 13, khoản 1 và Điều 17, khoản 2 của Dự thảo.
Quốc kỳ của Việt Nam (theo Điều 13, khoản 1 của Dự thảo) là cờ đỏ ở giữa có sao vàng năm cánh. Mọi người đều hiểu truyền thống, từ khi xuất hiện, năm cánh sao vàng trên quốc kỳ Việt Nam tượng trưng cho các giai tầng trong xã hội: sĩ, nông, công, thương, binh. Vậy phải chăng sao vàng hiện nay chỉ có ba cánh hoặc có năm cánh không đều nhau? Sự kế tiếp truyền thống phải được giải thích như thế nào? Trong nền kinh tế thị trường, thương nhân có vai trò hết sức quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xây dựng đất nước và cạnh tranh với thế giới bên ngoài. Liệu có thể đạt được mục tiêu dân giàu, nước mạnh nếu thiếu đi sự đóng góp của thương nhân? Truyền thống giữ nước và việc bảo vệ biên cương, biển đảo của tổ quốc hiện nay không thể không kể đến các chiến sĩ. Vậy là công bằng nếu không nhắc tới họ?
Điều 17, khoản 2 của Dự thảo tuyên bố “Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội”. Thế nhưng Điều 2 của Dự thảo có sự phân biệt rõ ràng về mặt chính trị giữa các giai tầng hay giữa những người dân với nhau bởi tuyên bố về liên minh giai cấp. Việc tuyên bố liên minh giai cấp, về mặt hình thức cho thấy có sự phân bổ không đồng đều trong chủ quyền nhân dân. Việc phân bổ không đồng đều này gây khó khăn cho thỏa thuận chung sống và tạo dựng chính quyền của nhân dân, cũng như giám sát các hoạt động của chính quyền này. Ở đây cần phải nói thêm rằng: Đảng Cộng sản Việt Nam hiện đã trở thành Đảng của dân tộc Việt Nam (Điều 4, khoản 1 của Dự thảo). Vậy việc phân biệt giai cấp và tuyên bố liên minh giai cấp trong Hiến pháp là không cần thiết. Hãy cố gắng để mọi người dân đoàn kết cùng với sự lãnh đạo của Đảng xây dựng và gìn giữ đất nước!
2.2.3. Quyền con người
Cơ chế bảo đảm chủ quyền vẫn thuộc về nhân dân chưa được Hiến pháp qui định thỏa đáng. Trước hết, quyền con người vẫn có thể là một giới hạn dễ dàng vượt qua bởi chính quyền. Điều 15, khoản 2 của Dự thảo đưa ra các lý do mà quyền con người có thể bị chính quyền hạn chế một cách rất dễ dàng. Khoản này tuyên bố: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe của cộng đồng”. Tuyên bố này thoạt nhìn có vẻ như ủng hộ cho quyền con người, nhưng ngẫm qua là thấy ngay có khuynh hướng tạo điều kiện dễ dãi cho việc hạn chế quyền con người trong bất kể trường hợp nào. Quyền con người xuất phát từ nhân phẩm được sinh ra rất tự nhiên mà không ai có thể trao tặng hay ban cho. Trong Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945 có đoạn trích dẫn: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
Các quyền tự nhiên này là đạo đức cao nhất của loài người đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh suy rộng ra để đòi hỏi độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam và được thể hiện trong đoạn văn tiếp theo đoạn văn vừa dẫn của Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 của Việt Nam. Do đó việc lấy lý do đạo đức để giới hạn các quyền tự nhiên như vậy của con người là thiếu xác đáng. Các lý do khác của Điều 15, khoản 2 của Dự thảo đưa ra đều rất mơ hồ, dễ giải thích theo hướng có lợi cho việc giới hạn quyền con người, chẳng hạn như: lý do trật tự, an toàn xã hội, sức khỏe cộng đồng. Đặc biệt điều khoản này không quy định cơ quan công quyền nào có thẩm quyền giới hạn quyền con người. Việc này có thể dẫn tới bất kỳ cơ quan công quyền nào cũng có thể đặt ra các giới hạn đối với quyền con người. Phương thức bảo vệ quyền con người quan trọng nhất và hữu hiệu nhất không được Dự thảo đề cập tới. Phương thức đó chính là tố quyền (quyền khởi kiện) hay quyền tự do khởi kiện. Nếu không có các tố quyền và không có sự tiếp nhận các tố quyền về sự vi phạm quyền con người thì người dân không thể tiếp cận được công lý và các vi phạm quyền con người không thể bị loại bỏ. Điều 31, khoản 1 của Dự thảo chỉ đề cập tới “Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân”. Quyền tự do khởi kiện và tiếp cận tư pháp không được Dự thảo chú ý.
Theo kinh nghiệm của Thụy Sĩ, có sáu vấn đề trọng yếu liên quan tới hiệu lực thực sự của quyền con người: (1) tòa án độc lập; (2) quyền tiếp cận tòa án; (3) tính chính đáng của các quyền; (4) sự phân biệt giữa quyền, nghĩa vụ và mục tiêu xã hội; (5) sự tôn trọng và bảo đảm của mọi cơ quan công quyền đối với các quyền; và (6) sự hạn chế hợp lý các quyền. Theo kinh nghiệm này, có một câu tổng kết quan trọng là “luật không phải sinh ra để hạn chế các quyền con người”[2]. Thực tế các vấn đề này đều được thể hiện rất rõ trong Hiến pháp năm 2002 của Thụy Sĩ.
Bản chất thực sự của quyền con người hay quyền tự do là sự lựa chọn. Đi liền với sự lựa chọn này là quyền phản kháng lại sự ngăn cản lựa chọn. Điều đó có nghĩa là: việc tước đi quyền khởi kiện sự vi phạm quyền tự do đồng nghĩa với việc không có quyền tự do. Vì vậy việc qui định quyền tự do khởi kiện và cơ chế tiếp nhận khởi kiện là một phương thức quan trọng để bảo đảm quyền con người và quyền công dân.
Các qui định tại Chương II của Dự thảo đã không có sự tách bạch giữa quyền với nghĩa vụ và với mục tiêu xã hội. Việc thiếu tách bạch này có lẽ xuất phát từ sự hiểu sai về bản chất của Hiến pháp. Kể từ khi ra đời cho đến giờ, hiến pháp nói chung đều được xem là một đạo luật ràng buộc chính quyền (tạo lập và giới hạn quyền lực của chính quyền), chứ không phải một đạo luật ràng buộc trực tiếp công dân. Do đó tuyên bố “Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân” là vô nghĩa và thiếu thỏa đáng. Hiến pháp năm 1946 của Việt Nam chỉ qui định ba nghĩa vụ cơ bản của công dân được dồn nén vào Điều thứ 4, bao gồm: Bảo vệ tổ quốc; tôn trọng Hiến pháp; và tuân theo pháp luật. Trong khi đó Hiến pháp này có tới mười một điều (từ Điều thứ 6 tới Điều thứ 16) qui định về quyền lợi của cơ bản của công dân.
2.2.4. Hội đồng Hiến pháp
Thông thường quyền con người được bảo vệ bằng cơ chế bảo đảm thi hành nghiêm chỉnh Hiến pháp. Thế nhưng Hội đồng Hiến pháp được qui định tại Điều 120 của Dự thảo không thể có khả năng bảo đảm cho việc thi hành nghiêm chỉnh Hiến pháp. Như vậy chủ quyền nhân dân, quyền con người khó có khả năng được bảo vệ tránh khỏi những xâm hại. Hội đồng Hiến pháp theo Dự thảo hầu như là một cơ quan chỉ có chức năng phát hiện và cảnh báo các vi phạm Hiến pháp. Bản thân cơ quan này lại bị phụ thuộc và bị giám sát bởi chính đối tượng của hoạt động kiểm tra của nó, mà đối tượng đó là Quốc hội (Điều 75, khoản 2 và khoản 7 của Dự thảo). Hội đồng này không được Dự thảo “ban tặng” nguyên tắc hoạt động độc lập và chỉ tuân theo Hiến pháp và pháp luật - một nguyên tắc không thể thiếu trong việc làm cho Hiến pháp có hiệu lực trên thực tế.
2.2.5. Cơ quan đại biểu của nhân dân
Dự thảo tuyên bố: “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân” (Điều 74), có nghĩa là Quốc hội được nhân dân ủy quyền thay mặt nhân dân thi hành quyền lực của nhân dân. Thế nhưng Dự thảo lại qui định “Quốc hội thực hiện quyền lập hiến” (Điều 74 của Dự thảo), có nghĩa là Quốc hội tự thảo văn bản ủy quyền và cấp hiệu lực cho nó bằng việc thông qua Hiến pháp (Điều 124, khoản 4 của Dự thảo). Vì tự mình ủy quyền cho mình nên các nguyên tắc cơ bản về bầu cử và cơ chế giải tán Quốc hội và bãi miễn đại biểu Quốc hội không được đặt ra trong Dự thảo.
2.2.6. Quyền tư hữu và quyền tự do kinh doanh
Dự thảo đã rất tiến bộ bởi việc khẳng định quyền tư hữu tư liệu sản xuất và quyền tự do kinh doanh, đồng thời tuyên bố bảo hộ các quyền đó (Điều 33 và Điều 34). Tuy nhiên đất đai vẫn thuộc toàn quyền của Nhà nước theo qui định tại các Điều 57 và Điều 58 của Dự thảo. Từ thời La Mã cổ đại người ta có một cách phân chia tài sản thành: (1) Tài sản chung (res communes) là những tài sản mà không ai có thể chiếm hữu làm của riêng như không khí, biển, nước chảy…; (2) tài sản công (res publicae) là những tài sản thuộc nhà nước như đường xá, cầu, cống công cộng…; và (3) tài sản tư là những tài sản thuộc sở hữu tư nhân[3]. Các phân loại này còn được giữ lại trong các Bộ luật Dân sự hiện đại, kể cả Bộ luật Dân sự Louisiana (Hoa Kỳ). Điều 57 của Dự thảo tuyên bố “Đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản và tài nguyên thiên nhiên khác, nguồn lợi vùng biển, thềm lục địa, vùng trời và các tài sản khác do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo qui định của pháp luật”. Tuyên bố này có mấy vấn đề phải bàn: Thứ nhất, không biết có hữu ý hay không, Dự thảo đã nhầm lẫn giữa tài sản chung và tài sản công; thứ hai, khi liệt kê các tài sản, Dự thảo đã không chú ý tới không gian ba chiều của quyền sở hữu đối với đất đai, do đó không nhắc tới lòng đất, trong khi nhắc tới vùng trời và đáy biển (sự thiếu chú ý này đã xuất hiện ở Điều 1 của Dự thảo khi nói về chủ quyền quốc gia); và thứ ba, Dự thảo thể hiện Nhà nước coi mình là đại diện chủ sở hữu đối với tài sản thuộc sở hữu toàn dân bởi Hiến pháp do Nhà nước (cụ thể là Quốc hội) làm ra.
2.2.7. Văn hóa và cá tính
Dự thảo thừa nhận sự đa dạng văn hóa thông qua tuyên ngôn “bảo tồn, kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa của các dân tộc Việt Nam” (Điều 64). Tuy nhiên, sự thừa nhận này thiếu tính chất pháp lý bởi các khoản từ 1 tới 3, Điều 64 của Dự thảo mang nặng tính tuyên ngôn về tư tưởng, đường lối. Việc tôn trọng cá tính không được đặt ra trực tiếp trong Dự thảo, nhưng nhẽ ra có thể được hiểu thông qua việc giải thích các Điều liên quan tới quyền con người và quyền công dân.
2.3. Kiến nghị
Xét tổng thể, có thể thấy Dự thảo chưa xác định được mô hình Hiến pháp và thiếu tính logic nghiêm trọng trong việc thể hiện các tư tưởng lớn của Hiến pháp. Do đó kiến nghị sửa chữa cụ thể vào các điều khoản của Dự thảo theo các tiêu chuẩn cơ bản nói trên của Hiến pháp liên quan tới chủ quyền nhân dân khó hơn là viết lại Dự thảo. Việc đưa ra những kiến nghị lớn có tính nguyên tắc có lẽ là một việc làm phù hợp nhất trong phạm vi của một bài viết.
Kiến nghị lớn thứ nhất: Dự thảo nên lược bỏ chức năng thực hiện quyền lập hiến và quyền làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp của Quốc hội, đồng thời qui định các nguyên tắc cơ bản về qui trình lập hiến của nhân dân.
Kiến nghị lớn thứ hai: Điều 2 của Dự thảo cần khẳng định “Tất cả quyền lực là của nhân dân”, đồng thời lược bỏ tuyên bố về liên minh giai cấp. Vì vậy Điều 2 nên được viết lại như sau:
“Việt Nam là nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa. Tất cả quyền lực trong nước là của nhân dân.
Nhà nước pháp quyền và dân chủ là các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Nhà nước”
Kiến nghị lớn thứ ba: Dù muốn hay không thì khi xem xét sự vi hiến, Hội đồng Hiến pháp vẫn phải giải thích các nguyên tắc và qui tắc của Hiến pháp. Do đó, Dự thảo nên xác định Hội đồng Hiến pháp có chức năng giải thích Hiến pháp, đồng thời qui định nguyên tắc hoạt động của Hội đồng Hiến pháp là độc lập và chỉ tuân theo Hiến pháp và pháp luật. Dự thảo cần loại bỏ việc giám sát của Quốc hội đối với Hội đồng Hiến pháp và loại bỏ việc buộc Chủ tịch Hội đồng Hiến pháp phải báo cáo trước Quốc hội.
Kiến nghị lớn thứ tư: Dự thảo cần khẳng định nhân phẩm và xác định quyền con người chỉ có thể bị giới hạn bởi luật và vì lý do trật tự công cộng, đồng thời qui định quyền tự do khởi kiện và cơ chế tiếp nhận quyền khởi kiện liên quan tới quyền con người.
Kiến nghị lớn thứ năm: Dự thảo nên xác lập các nguyên tắc chủ yếu về giải tán Quốc hội và bãi miễn đại biểu quốc hội.
Kiến nghị lớn thứ sáu: Dự thảo nên xem xét lại các qui định về quyền sở hữu đất đai theo hướng cho tư nhân sở hữu hạn chế đối với đất đai, và loại bỏ sự nhầm lẫn giữa tài sản chung và tài sản công./.
 

[1] Lưu ý: Tác giả bài viết này (Ngô Huy Cương) dùng chữ nghiêng để nhấn mạnh
[2] Bài giảng của các giáo sư Đại học Luzern, Thụy Sĩ cho các giáo sư và giảng viên của Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh vào ngày 27/9/2012 tại Đại học Luzern, Thụy Sĩ.
[3] Andrew Borkowski & Paul du Plessis, Textbook on Roman Law, Third Edition, Oxford University Press, 2005, p. 154