Kháng cáo trong pháp luật việt nam thời kỳ hậu lê (thế kỉ XV-thế kỉ XVIII)

01/04/2013

Chế định kháng cáo là chế định được ghi nhận khá sớm trong hệ thống pháp luật tố tụng hiện hành, đó là chế định thể hiện quyền năng tố tụng cơ bản được pháp luật tố tụng hình sự (TTHS) quy định cho bị cáo và những người tham gia tố tụng khác bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc người khác, đồng thời là cơ sở làm phát sinh thủ tục phúc thẩm hình sự, là cơ sở biểu hiện của nguyên tắc hai cấp xét xử trong TTHS. Chế định kháng cáo là một bộ phận của pháp luật TTHS, nó cũng được hình thành trên cơ sở kinh tế, xã hội và chịu sự tác động sâu sắc của các yếu tố kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội đương thời. Trong lịch sử pháp luật Việt Nam nói chung, pháp luật tố tụng nói riêng, chế định kháng cáo được hình thành và phát triển như một dòng chảy liên tục, mỗi thời đại, mỗi thể chế chính trị đã kế thừa và hoàn thiện, đáp ứng các yêu cầu của cuộc sống và để lại dấu ấn của mình trên dòng chảy đó.
Chưa-có-tên_5.png
Ảnh minh họa: nguồn internet
Trong tiến trình phát triển của pháp luật Việt Nam, pháp luật phong kiến Việt Nam thời kỳ Hậu Lê phát triển từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII dưới sự trị vì của các vị vua triều Lê (1428 - 1789) đã phát triển và đạt được những thành tựu rực rỡ, không những đồ sộ về khối lượng, mà còn phong phú về hình thức văn bản và đa đạng về lĩnh vực điều chỉnh. Những thành tựu trong pháp luật thời kỳ này, nhất là thời kỳ Lê Sơ mà đỉnh cao - là thời kỳ vua Lê Thánh Tông - đã trở thành mẫu mực, mà các triều đại trước đó chưa hề đạt tới, và là cơ sở để nhiều triều đại sau này làm theo. Các luật lệ nhà Hậu Lê được ban hành trong thế kỷ XV dưới các đời vua Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông và Lê Thánh Tông (1428 - 1497) không những thể hiện được sự phong phú, đa dạng về các vấn đề liên quan mà còn thể hiện các điểm đặc sắc của các chế định Việt Nam. So với các bộ luật Trung Quốc, như bộ luật nhà Đường mà có ảnh hưởng ở Phương Đông rất lớn, nền pháp chế triều Hậu Lê còn tiến bộ hơn cả về mặt kỹ thuật lập pháp[1]. Đồng thời, pháp luật triều Hậu Lê còn là một phản ánh trung thực xã hội Việt Nam, vì nó phù hợp với các điều kiện xã hội và tôn giáo thời kỳ đó, có ảnh hưởng rất lớn đối với dân tộc. Ngày nay, một số lớn các tục lệ nước ta về hôn nhân, gia đình… vẫn còn phản chiếu các điều khoản đó. Pháp luật phong kiến Việt Nam thời kỳ Hậu Lê đã bao gồm khá đầy đủ các quy phạm điều chỉnh các quan hệ xã hội trong đời sống xã hội đương thời từ hình sự đến dân sự, hôn nhân gia đình, tố tụng, thậm chí cả các vấn đề liên quan đến luật hành chính. Trong các quy định về tố tụng[2], các vấn đề được kháng cáo đã được quy định, tuy nó vẫn còn tồn tại ở hình thức sơ khai nhất, nhưng đã bao gồm được một số nội dung cơ bản về kháng cáo trong pháp luật TTHS hiện nay của Việt Nam.
Trong việc xử kiện cũng như trong việc tổ chức các cơ quan tài phán các cấp theo các cấp chính quyền trong cách thức tổ chức bộ máy hành chính nhà nước phong kiến thời kỳ Hậu Lê, quyền kháng cáo của các chủ thể kháng cáo đã được pháp luật thời kỳ Hậu Lê ghi nhận cụ thể. "Nhân dân", "người kiện cáo"… khi "chưa phục tình", "tình lý có điều gì bức bách" sẽ thực hiện quyền kháng cáo, quyền phúc cáo lên cơ quan tài phán cấp trên trực tiếp cao hơn, các chủ thể có quyền kháng cáo thực hiện quyền kháng cáo của mình tương ứng với hệ thống các cơ quan tài phán được tổ chức ở ba cấp: các cơ quan tài phán ở các Phủ, các Huyện; Các Thừa ty và Hiến ty; các cơ quan tài phán ở Kinh Đô, cụ thể như sau: Điều 672 - Quốc triều hình luật có quy định: nhân dân trong lộ, trong huyện có việc tranh chấp kiện tụng nhau, việc rất nhỏ đến kiện ở xã quan, việc nhỏ đến kiện ở lộ quan; việc trung đến kiện ở quan phủ; các quan kể trên phải xét xử cho công bằng, còn việc lớn thì phải lên kinh. Nếu quan xã xử đoán không hợp lẽ thì kêu lên quan huyện, quan huyện xử đoán không hợp lẽ thì mới đến kinh để tâu bày[3]. Hoặc, điều 1 thông lệ về khám tung - Quốc triều khám tụng điều lệ có quy định các việc về ruộng đất công tư, hôn nhân, tài sản, đánh nhau, chửi nhau, tiền tô, phần biếu, phần mộ, gian lạm về khe cừ; các việc sai trái thuộc về tạp tụng, đều phải cáo trình với quan huyện, phúc thẩm tại quan phủ, không giải quyết được thì phúc thẩm tại Thừa ty. Nếu còn chưa phục tình thì mới phúc thẩm ở Ngự sử đài[4]. Nếu tình lý có điều gì bức bách, chưa được làm sáng tỏ, mới cho khải trình, kêu trình ở Chính đường[5]. Các vụ án mạng do thù sát, dâm sát, ẩu sát đều cáo trình ở quan phủ để cùng với quan huyện khám xét, phúc thẩm tại Thừa ty, không giải quyết được thì đến Ngử sử đài, rồi mới đến Chính đường. Nếu sự việc liên quan đến người tạp cư, thì cáo trình ở quan Phủ Doãn[6], phúc thẩm ở quan Ngự sử, không giải quyết được thì đến Chính đường[7]. Thậm chí, các vụ kiện đã quy Lục bộ, Ngự sử đài, Chính đường công minh đã khám xét xử án, nếu chưa phục tình thì cho vào ngày Thị chính[8] làm tờ khải khiếu nại và cho cam kết nếu sai xin chịu trọng hình[9]. Hay, năm Ất Dậu, niên hiệu Thái Phúc thứ ba (1645), mùa hạ tháng 6, ban lệnh về khám tụng như sau: các vụ kiện về hộ hôn, điền sản đầu tiên cáo lên xã trưởng, thứ đến là quan huyện, quan huyện không thụ lý thì cáo đầu quan phủ, quan phủ xử bất công thì phúc cáo lên Thừa ty. Thừa ty xử không minh bạch thì phúc cao lên Hiến ty, Hiến ty không thể thẩm tra xét xử thì phúc cáo lên Cao đạo, Cai bộ; Cai đạo, Cai bộ xét xử có sự dối trá mới phúc cáo lên Ngự sử đài[10]…Năm Cảnh Hưng thứ mười hai (1751) lệnh xếp đặt lại các chức vụ trong năm phủ, luật lệ về tố tụng được quy định như sau: việc nào đã do quan Ngự sử xét xử rồi, nếu kẻ bị tội không phục tình xin kháng cáo lên Phủ đường (tức Phủ chúa) thì giao tất cả cho triều thần công luận([11])I. 
Như vậy, hệ thống pháp luật thời kỳ Hậu Lê đã quy định một cách có hệ thống quyền kháng cáo cho các chủ thể có quyền kháng cáo từ cấp dưới lên cấp trên tương ứng với hệ thống cơ quan tài phán trong tổ chức bộ máy nhà nước trong thời kỳ này, đặc biệt trong một vụ kiện nói chung có thể được thực hiện trên nguyên tắc có thể kháng cáo hai lần, điều này có sự khác biệt cơ bản so với các quy định quyền kháng cáo trong pháp luật tố tụng hiện hành (hiện nay, các bị cáo và những người có quyền kháng cáo khác chỉ được thực hiện quyền kháng cáo khi thể hiện sự phản đối với bản án sơ thẩm (kháng cáo 1 lần). Đây là một điểm khá tiến bộ của các quy định về kháng cáo trong hệ thống pháp luật triều Hậu Lê, điều này đã thể hiện rõ tư tưởng "lấy dân làm gốc" trong đường lối cai trị cũng như trong các quy định pháp luật của các triều vua nhà Hậu Lê, đã thực sự quan tâm đến đời sống của nhân dân nói chung, cũng như người khởi kiện, người kháng cáo nói riêng, đảm bảo cho họ có quyền kháng cáo, quyền phúc cáo để có thể bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Tuy nhiên, quyền kháng cáo của các chủ thể có quyền kháng cáo cũng bị giới hạn, và người kháng cáo, phúc kiện phải thực hiện quyền kháng cáo theo các cấp theo đúng thứ tự của các cấp xét xử, không được kháng cáo vượt cấp, không được phúc kiện, phúc cáo bừa bãi. Cụ thể, năm Quý Tỵ, niên hiệu Thịnh Đức thứ nhất (1653), mùa hạ tháng 5, ban hành lệnh giải thích lệnh răn đe về khám tụng có đề cập "Nếu vụ kiện nào đã qua ba nha môn xử mà người kiện vẫn phúc kiện thì y luật xử tội đối với người kiện"[12], hoặc mùa đông tháng 12 Năm Ất Tỵ, niên hiệu Cảnh Trị thứ ba (1665) ban lệnh về tiền tạ đối với người phúc kiện bừa bãi có đề cập các nha môn khám tụng, khi điều tra các vụ kiện, xử đã đúng lý mà người kiện vẫn bừa bãi kiện đi, kiện lại, thì đối với các vụ kiện lớn phải có tiền tạ. Nhất phẩm 100 quan, nhị phẩm 75 quan, tam phẩm 50 quan, tứ phẩm 30 quan, ngũ phẩm 25 quan, lục thất phẩm 20 quan, bát cửu phẩm 10 quan. Tiền tạ đối với những vụ kiện nhỏ giảm một nửa so với các vụ kiện lớn. Các vụ kiện lớn là những loại kiện về mưu sát, trộm cướp, điền thổ. Các vụ kiện nhỏ là những loại kiện về hộ hôn, làm trái, đánh chửi nhau và tạp tụng[13]. Như vậy, người kiện chỉ được kháng cáo hai lần, và thực hiện quyền kháng cáo phải theo thứ tự các cấp của cơ quan tài phán, không được vượt cấp, sau khi xét xử ở cấp nha môn thứ ba, dù việc xét xử này có thỏa đáng hay không, người kiện có "phục tình" hay không thì cũng không được phúc kiện nữa, nếu phúc kiện sẽ bị trị tội, nếu xét về bản chất của vấn đề thì quy định này cũng không phải là không có tính hợp lý của nó, chính quy định này sẽ làm cho các bản án, quyết định đã giải quyết vụ kiện được ổn định, đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, cũng như hạn chế được sự lãng phí, mất thời gian cho việc xét xử một vụ kiện. Bên cạnh đó, việc ghi nhận quyền kháng cáo, quyền phúc cáo cho các chủ thể có quyền kháng cáo, pháp luật thời kỳ Hậu Lê đã làm rõ được một số vấn đề khác có liên quan đến quyền kháng cáo như: chủ thể có quyền kháng cáo, căn cứ kháng cáo, hình thức kháng cáo, thậm chí cả thời hạn kháng cáo cũng đã được pháp luật thời kỳ này ghi nhận và làm rõ cụ thể như sau:
- Về chủ thể có quyền kháng cáo: khác với pháp luật tố tụng hiện hành là có điều luật ghi nhận về các chủ thể có quyền kháng cáo, thì pháp luật phong kiến nhà Hậu Lê không có một điều luật trong hệ thống pháp luật ghi nhận trực tiếp về chủ thể có quyền kháng cáo, mà các chủ thể có quyền kháng cáo được ghi nhận gián tiếp thông qua các quy định về quyền hạn xử kiện các cấp (điều 672) Quốc triều hình luật; về thông lệ về khám tụng (điều 1) Quốc triều khám tụng điều lệ; lệnh về khám tụng (mục 3), lệnh giải thích lệnh răn về khám tụng (mục 7) Quốc triều chiếu lệnh thiện chính hay lệnh xếp đặt lại các chức vụ trong năm phủ (khoản 6, đoạn 85) Lịch triều hiến chương loại chí… do đó mà chủ thể có quyền kháng cáo, quyền phúc cáo được quy định trong hệ thống pháp luật thời kỳ này tương đối rộng, đó có thể là "nhân dân", là "người kiện cáo", "người kiện", hay "kẻ bị tội", ngoài ra, những người bị xử vắng mặt ở phủ huyện có thể khiếu oan ở Hiến ty, nếu sau khi điều tra và nhận thấy sự hàm oan, Hiến ty sẽ giao cho cơ quan phủ xét lại[14]. Như vậy, mặc dù chủ thể có quyền kháng cáo không được ghi nhận trực tiếp thành một điều luật như pháp luật TTHS hiện hành, mà chỉ được ghi nhận gián tiếp qua các quy định khác, tuy nhiên có thể nhận thấy so với các chủ thể có quyền kháng cáo trong pháp luật TTHS hiện hành thì các chủ thể có quyền kháng cáo được pháp luật phong kiến thời kỳ Hậu Lê ghi nhận khá đầy đủ, bao gồm cả những chủ thể chủ yếu thực hiện quyền kháng cáo hiện nay như bị cáo (kẻ bị tội, người bị xử vắng mặt), người bị hại, nguyên đơn dân sự (người kiện cáo, người kiện)… việc quy định các chủ thể có quyền kháng cáo này trong pháp luật phong kiến thời kỳ này đã thể hiện được ý nghĩa của nó như hiện nay, nó sẽ là một hình thức để nhà nước đảm bảo quyền bình đẳng, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của nhân dân nói chung, của chủ thể của quyền kháng cáo nói riêng, đồng thời nó cũng là cơ sở làm phát sinh thủ tục xét xử ở cấp cao hơn trong hệ thống cơ quan tài phán thời kỳ này.
- Về thủ tục kháng cáo: bên cạnh việc quy định quyền kháng cáo, cũng như chủ thể thực hiện quyền kháng cáo đó, các nhà lập pháp triều Hậu Lê còn ghi nhận cả thủ tục thực hiện quyền kháng cáo, cụ thể, Niên hiệu Phúc Thái thứ ba (1645) trong lệ điều tra xét hỏi các vụ kiện về hộ khẩu, hôn nhân, ruộng đất và tạp tụng chuẩn định: Phàm các vụ kiện về hộ khẩu, hôn nhân, ruộng đất, trước hết phải từ xã trưởng thứ đến phải qua các nha môn quan phủ, quan huyện, Thừa ty, Hiến ty, Cai đại, Ngự sử, theo thứ tự để điều tra giải quyết. Nếu chưa thỏa đáng, cho người kiện làm tờ khải kêu lên trên. Đối với các vụ tạp tụng như đánh chửi nhau, đòi nợ cũng cáo lên nha môn để khám xét giải quyết. Theo thứ tự mà phúc cáo, cũng như lệ đối với các vụ kiện về hộ khẩu, hôn nhân, ruộng đất[15]. Hay, trong Lê triều hội điển phần IV - Hình thuộc trong lệ phạt người kiện cáo vượt cấp có đề cập: người kiện đưa đơn vượt cấp mà cấp ấy báo cáo bừa lên, phạt 15 quan tiền quý. Nếu làm tờ khải kêu vượt cấp và gửi tờ khải vào trong, phạt 20 quan tiền quý. Viên nào nhận tờ khải vượt cấp mà trình giao cho điều tra, phạt 15 quan[16]. Như vậy, về thủ tục thực hiện quyền kháng cáo qua khảo cứu các quy định về kháng cáo trong pháp luật thời kỳ Hậu Lê nhận thấy chỉ có một hình thức duy nhất, đó là thực hiện quyền kháng cáo bằng văn bản và gửi trực tiếp cho cơ quan tài phán cấp trên trực tiếp cơ quan đã xét xử vụ kiện, vụ tạp tụng mà những người này không phục tình dưới dạng "tờ khải", mà không có điều nào, quy định nào quy định về hình thức người kháng cáo có thể trình bày trực tiếp như pháp luật TTHS hiện hành. Cũng qua khảo cứu, nhận thấy "tờ khải" là một dạng của đơn kiện, và cũng phải tuân thủ cách thức người kiện tụng viết đơn được quy định trong Từ tụng điều lệ cụ thể: đơn kiện cáo nếu người nào biết chữ thì tự cho tay viết đơn, ở dưới chỗ tháng năm ghi người trình đơn là Nguyễn… ký. Nếu không biết chữ thì cho người khác viết thay, trong đơn ghi người viết thay Nguyễn… ký, rồi điểm chỉ phía trước ba lần, phía sau hai lần, giao cho người thủ án. Nam giới điểm chỉ tay trái, nữ giới điểm chỉ tay phải, các dấu điểm chỉ phải rõ ràng, các trang khác cũng điểm chỉ như vậy[17].
- Về thời hạn kháng cáo: về thời hạn kháng cáo, cũng được pháp luật thời kỳ Hậu Lê ghi nhận, cụ thể như sau: Năm Bính Thìn, niên hiệu Vĩnh Trị thứ nhất (1676) mùa đông tháng 11, lệnh về giải thích rõ điều lệ khám tụng có đề cập: kỳ hạn phúc kiện cho các vụ kiện thì đối với các vụ kiện về hôn nhân, điền thổ, trộm cướp, ức hiếp hoặc các vụ tạp tụng cho trong vòng 6 tháng. Kiện về nhân mệnh, cho 1 năm. Nay các vụ kiện đều cho trong vòng 1 năm, ngoài ra, người kiện không được cố tình phúc kiện bừa bãi, khám quan không được nhận bừa đơn thẩm xét[18]. Như vậy, thời hạn thực hiện quyền kháng cáo, quyền phúc cáo của các chủ thể kháng cáo trước thời điểm năm Bính Thìn, niên hiệu Vĩnh Trị thứ nhất (1676) mùa đông tháng 11 có sự phân biệt giữa các loại vụ kiện: cụ thể đối với những vụ kiện về hôn nhân, điền thổ, trộm cướp, ức hiếp hoặc các vụ tạp tụng được thực quyền phúc cáo trong thời hạn là 6 tháng, còn đối với các vụ kiện về nhân mạng được thực hiện quyền kháng cáo trong thời hạn 1 năm. Còn từ năm Bính Thìn, niên hiệu Vĩnh Trị thứ nhất (1676) mùa đông tháng 11 trở về sau thì thời hạn kháng cáo chung đối với tất cả các vụ kiện là 1 năm không phân biệt các vụ kiện lớn nhỏ. Đó là khoảng thời gian mà người kháng cáo thực hiện quyền phúc cáo, phúc kiện của mình đối với các quyết định vụ kiện mà người kháng cáo, người kiện tụng không phục tình. So với thời hạn kháng cáo so với pháp luật TTHS hiện hành là 15 ngày kể từ ngày tuyên án, thì thời hạn kháng cáo trong các quy định kháng cáo của hệ thống pháp luật phong kiến thời kỳ Hậu Lê là quá dài, thời hạn này kéo dài đến tận 1 năm. Tuy nhiên, các quy định của pháp luật thời kỳ này vẫn chưa làm rõ được thời điểm bắt đầu tính thời hạn kháng cáo như pháp luật TTHS hiện hành, đây có thể là điểm hạn chế của pháp luật thời kỳ này về thời hạn kháng cáo, phúc cáo.
Ngoài các vấn đề quy định về kháng cáo, hệ thống pháp luật thời kỳ này đã quy định được một vấn đề mà hiện nay giới nghiên cứu luật học còn đang tranh luận có nên quy định trong pháp luật TTHS hiện hành hay không, đó là căn cứ kháng cáo, mặc dù căn cứ kháng cáo không được quy định thành một điều luật riêng nhưng qua rất nhiều các quy định liên quan,   thấy có rất nhiều quy định liên quan đến căn cứ kháng cáo, nó có thể là: "xử đoán không hợp lẽ", "không giải quyết được", "chưa phục tình", "tình lý có điều gì bức bách, chưa được làm sáng tỏ", "quan phủ xử bất công", "xử không minh bạch", "không thể thẩm tra xét xử", "xét xử có sự dối trá", "nếu kẻ bị tội không phục tình". Như vậy, căn cứ để thực hiện quyền kháng cáo của các chủ thể thực hiện quyền kháng cáo trong các quy định pháp luật thời kỳ này có thể nhóm thành các căn cứ sau: vụ kiện không giải quyết được, chưa được làm sáng tỏ; vụ kiện đã giải quyết nhưng người kiện cáo không phục tình, tình lý còn có điều bức bách chưa phục; vụ kiện đã giải quyết nhưng các quan xét xử xử bất công, có sự dối trá.
Như vậy, mặc dù so với các quy định về quyền kháng cáo trong pháp luật TTHS hiện hành, các quy định về kháng cáo trong pháp luật phong kiến thời kỳ Hậu Lê còn những hạn chế nhất định, tuy nhiên, nếu xét tại thời điểm, hoàn cảnh xã hội mà nó được hình thành thì những quy định đó lại là những thành tựu quan trọng mà pháp luật thời kỳ này đã đạt được. Các quy định về kháng cáo trong pháp luật thời kỳ này là một hình thức quan trọng ghi nhận các quyền cơ bản quan trọng người dân, điều này vẫn được kế thừa trong các quy định của pháp luật ở các triều đại sau và hiện nay ở Việt Nam. Đồng thời, các quy định về quyền kháng cáo của người kiện cáo, phúc cáo là cơ sở quan trọng làm phát sinh thủ tục xét xử ở cấp cao hơn trong hệ thống cơ quan tài phán đối với cùng một vụ kiện, cũng như làm phát sinh các thủ tục tố tụng liên quan điến việc xử kiện, góp phần vào sự phát triển của pháp luật tố tụng, qua đó chứng tỏ sự phát triển của pháp luật phong kiến dưới thời Hậu Lê. "Có thể nói, tố tụng là một trong những lĩnh vực được chú trọng, phát triển và đạt nhiều thành tựu trong hệ thống pháp luật Việt Nam ở thế kỷ XV - XVIII. Nó là một di sản quý báu và đặc sắc trong kho tàng lịch sử văn hóa của dân tộc Việt Nam"[19]. Các quy định về quyền kháng cáo trong hệ thống pháp luật phong kiến thời kỳ Hậu Lê được hình thành xuất phát từ chính hoàn cảnh đời sống chính trị - xã hội của nhà nước phong kiến khi đó, khi mà xã hội vẫn còn nhiều biến động và bất ổn, nạn cường hào ác bá, nạn tham nhũng, lộng quyền và lạm quyền vẫn còn hành hoành, ức hiếp dân chúng… tất yếu dẫn đến việc kiện cáo hình thành và ngày càng nhiều, từ đó đòi hỏi phải có các quy định về tố tụng nói chung để giải quyết các vụ kiện đó[20], đồng thời các quy định về kháng cáo, phúc kiện, phúc cáo được hình thành làm cơ sở để các tầng lớp nhân, tầng lớp "thế yếu" trong xã hội có thể bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình, cơ sở làm phát sinh thủ tục giải quyết vụ kiện cở cấp cao hơn./.

 


[1]Vũ Văn Mẫu (1970), Cổ luật Việt Nam lược khảo, quyển thứ nhất, Sài Gòn, tr145
[2]Trong hệ thống pháp luật phong kiến triều Hậu Lê chưa phân biệt rõ TTHS và tố tụng dân sự như pháp luật tố tụng hiện nay.
[3]Viện sử học, Viện khoa học xã hội Việt Nam (2009) Cổ luật Việt Nam Quốc triều hình luật và Hoàng Việt luật lệ, Nxb Giáo dục Việt Nam, tr 131
[4]Cơ quan thanh tra giám sát ở triều đình.
[5]Cơ quan xử kiện cao nhất ở phủ chúa Trịnh.
[6]Quan đứng đầu ở Kinh Đô
[7]Quốc triều khám tụng điều lệ, Viện nghiên cứu Hán Nôm, Viện Khoa học xã hội Việt Nam (2006), Một số văn bản điển chế và pháp luật Việt Nam từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII, tập 1, Nxb Khoa học xã hội, tr 713
[8]Ngày nhà Chúa thiết triều xem xét giải quyết các vấn đề chính sự.
[9]Quốc triều khám tụng điều lệ…sđd, tr 719.
[10]Quốc triều chiếu lệnh thiện chính, quyển VI - Hình thuộc, Viện nghiên cứu Hán nôm, Viện khoa học xã hội Việt Nam (2006), Một số văn bản điển chế và pháp luật Việt Nam từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII, tập 1, Nxb Khoa học xã hội, tr 663 - 664
[11]Vũ Văn Mẫu (1975), Cổ luật Việt Nam và Tư pháp sử diễn giải, quyển thứ hai, Sài gòn, tr 239
[12]Quốc triều chiếu lệnh thiện chính, quyển VI - Hình thuộc, Sđd. tr. 669
[13]Quốc triều chiếu lệnh thiện chính…sđd., tr 685 - 686
[14]Vũ Văn Mẫu (1975), Cổ luật Việt Nam và Tư pháp sử diễn giải, quyển thứ hai, Sài gòn, tr.238
[15]Lê triều hội điển, Viện nghiên cứu Hán nôm, Viện khoa học xã hội Việt Nam (2009), Một số văn bản điển chế và pháp luật Việt Nam từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII, Sđd., tr 121
[16]Lê triều hội điển., sđd., tr 131.
[17]Từ tụng điều lệ, Viện nghiên cứu Hán nôm, Viện khoa học xã hội Việt Nam (2009), Một số văn bản điển chế và pháp luật Việt Nam từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII, tập 2, Nxb Khoa học xã hội, mục IV - Hình thuộc, tr 253
[18]Quốc triều chiếu lệnh thiện chính…. sđd., tr694
[19]Viện Nhà nước và Pháp luật - Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia, (1994), Nghiên cứu về hệ thống pháp luật thế kỷ XV - Thế kỷ XVIII", Nxb Khoa học xã hội, tr 262.
[20]Lê Sơn (chủ biên), 2004, Quốc triều hình luật lịch sử hình thành nội dung và giá trị (sách chuyên khảo), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr 284 - 285.