Sự cần thiết phải tiếp tục khẳng định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong hiến pháp

01/04/2013

Dự thảo Hiến pháp sửa đổi, bổ sung đưa ra lấy ý kiến nhân dân có nhiều điểm thay đổi so với Dự thảo Hiến pháp trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 cũng như so với Hiến pháp năm 1992 (đã sửa đổi, bổ sung năm 2001). Trong đó, liên quan đến chế độ kinh tế, nội dung thay đổi đáng chú ý nhất là Điều 54 của Dự thảo lần này không còn quy định về vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước (KTNN) như Điều 55 Dự thảo lần trước. Liệu đã đến thời điểm thích hợp để loại bỏ việc hiến định vai trò chủ đạo của KTNN hay chưa? Với mong muốn cung cấp thêm một góc nhìn đa chiều về vai trò của KTNN hiện nay và trong những giai đoạn phát triển tiếp theo của đất nước, bài viết lưu ý các nhà làm luật có những cân nhắc cẩn trọng và thấu đáo hơn trước khi quyết định không hiến định vai trò chủ đạo của KTNN trong Hiến pháp sắp được sửa đổi, bổ sung.
Chưa-có-tên_6.png
Ảnh minh họa: nguồn internet
1. Vai trò chủ đạo của KTNN qua các văn kiện của Đảng  
Vai trò chủ đạo của KTNN trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) đã được ghi nhận trong hầu hết các văn kiện chính thức của Đảng dù qua các thời kỳ khác nhau, tên gọi của thành phần kinh tế này có sự thay đổi. Thuật ngữ đầu tiên là “kinh tế quốc doanh” nhằm chỉ một bộ phận kinh tế thuộc sở hữu nhà nước, do Nhà nước trực tiếp quản lý và kinh doanh. Báo cáo chính trị tại Đại hội VII (1991) nêu rõ: “Khẩn trương sắp xếp lại và đổi mới quản lý kinh tế quốc doanh, bảo đảm kinh tế quốc doanh phát triển có hiệu quả, nắm vững những lĩnh vực và ngành then chốt để phát huy vai trò chủ đạo trong nền kinh tế”. Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng sử dụng thuật ngữ “khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN)” thay thế thuật ngữ “kinh tế quốc doanh” nhằm làm rõ vấn đề Nhà nước không trực tiếp quản lý kinh doanh khu vực kinh tế này mà trao quyền cho doanh nghiệp, Nhà nước chỉ nắm quyền chi phối với tư cách là chủ sở hữu. Từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII thuật ngữ “KTNN” chính thức được sử dụng thay thế cho thuật ngữ ‘kinh tế quốc doanh” và vai trò chủ đạo của KTNN cũng được khẳng định một cách rõ ràng và cụ thể. Mặc dù tên gọi có sự thay đổi nhưng vai trò chủ đạo của thành phần kinh tế này qua các văn kiện của Đảng gần như không thay đổi. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII ghi nhận: “Tiếp tục đổi mới và phát triển có hiệu quả KTNN để làm tốt vai trò chủ đạo: làm đòn bẩy đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế và giải quyết những vấn đề xã hội, mở đường, hướng dẫn, hỗ trợ các thành phần kinh tế khác cùng phát triển; làm lực lượng vật chất để nhà nước thực hiện chức năng điều tiết và quản lý vĩ mô; tạo nềntảng cho chế độ xã hội mới ”[1]. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX tiếp tục khẳng định: “KTNN phát huy vai trò chủ đạo trong nền kinh tế, là lực lượng vật chất quan trọng và là công cụ để Nhà nước định và điều tiết vĩ mô nền kinh tế ”[2]. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X một lần nữa ghi nhận: “KTNN giữ vai trò chủ đạo, là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng và điều tiết thúc đẩy các thành phần kinh tế khác cùng phát triển ”[3]. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI vẫn tiếp tục khẳng định vai trò chủ đạo của KTNN[4].
Như vậy, vai trò chủ đạo của KTNN đã được khẳng định liên tục qua 4 kỳ Đại hội Đảng, nghĩa là trong khoảng thời gian 20 năm sau thời kỳ đổi mới. Điều này chứng minh vai trò của KTNN có ảnh hưởng quyết định đến quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường của Việt Nam. Nhìn tổng quát từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII đến nay, tư duy của Đảng ta về KTNN và về vai trò chủ đạo của KTNN trong nền kinh tế thị trường ở nước ta đã có sự phát triển đáng kể mà trong đó, nổi bật nhất là việc phân biệt giữa sở hữu nhà nước với hình thức doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước và phân biệt giữa quyền của chủ sở hữu với quyền kinh doanh trong doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước ngày càng rõ ràng hơn. Đây cũng chính là lý do các văn kiện của Đảng đã sử dụng thuật ngữ KTNN thay thế thuật ngữ kinh tế quốc doanh. Bên cạnh đó, các văn kiện Đại hội Đảng cũng đã cho thấy vai trò của KTNN không chỉ đơn thuần về mặt kinh tế, nghĩa là không chỉ là những con số lợi nhuận mang lại sau quá trình kinh doanh, sản xuất mà còn gắn liền với các mục tiêu chính trị - xã hội. KTNN giữ vai trò quan trọng trong quá trình hình thành các quan hệ sản xuất mới, góp phần quan trọng vào việc xây dựng chế độ kinh tế mới, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu chính trị mà Đảng, Nhà nước đã đề ra. KTNN còn là công cụ quan trọng để thực hiện các mục tiêu xã hội, đảm bảo nền kinh tế phát triển theo đúng định hướng, phục vụ cho các mục tiêu của chế độ XHCN. KTNN còn là công cụ để điều tiết nền kinh tế ở tầm vĩ mô. Tóm lại, vai trò của KTNN không thể đánh giá một cách đơn giản qua hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước, không thể đánh giá qua giá trị đóng góp vào ngân sách nhà nước mà hơn thế, KTNN tác động đến toàn bộ các mục tiêu chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước.
Thật ra, về mặt lý luận, việc xác định vai trò chủ đạo của KTNN không phải là vấn đề mới và càng không phải chỉ có những nước theo đuổi chế độ chính trị XHCN như Việt Nam mới khẳng định điều này. Chính sách kinh tế mới của Lê nin (NEP - New Economic Policy) đã chỉ ra nguyên lý ba thành phần kinh tế chủ yếu trong thời kỳ quá độ xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH) là: (1) Kinh tế XHCN bao gồm kinh tế quốc doanh, kinh tế tập thể, (2) kinh tế của những người sản xuất nhỏ, (3) kinh tế tư bản tư nhân. Lý thuyết của John Maynard Keynes cũng nhấn mạnh đến vai trò điều tiết của nhà nước thông qua công cụ kinh tế của nhà nước. Học thuyết kinh tế của Paul Antony Samuelson cũng nhận định KTNN, cụ thể là các DNNN, có vai trò tham gia cung cấp các hàng hóa và dịch vụ công ích không vì mục tiêu lợi nhuận và trong trường hợp không thể thu hút được khu vực kinh tế tư nhân tham gia. Như vậy, việc Đảng ta khẳng định trong các văn kiện về vai trò chủ đạo của KTNN không xuất phát từ ý chí chủ quan, càng không phải xuất phát từ những quan điểm thiếu khoa học mà hoàn toàn trên cơ sở các học thuyết kinh tế đã được thừa nhận rộng rãi và kiểm chứng trên thực tế trên cơ sở vận dụng vào hoàn cảnh thực tế của Việt Nam.
Tóm lại, việc khẳng định vai trò chủ đạo của KTNN trong các văn kiện của Đảng là hoàn toàn khoa học, đúng đắn và phù hợp với yêu cầu tình hình thực tiễn xây dựng và phát triển đất nước. Đó không đơn thuần là sự thử nghiệm một học thuyết kinh tế mà là tinh hoa, trí tuệ của cả dân tộc hun đúc nên, thể hiện sự lựa chọn đúng đắn của Đảng trong quá trình tiến hành sự nghiệp xây dựng XHCN ở Việt Nam.
2. Vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước qua các bản Hiến pháp
Ngược dòng lịch sử lập hiến của Việt Nam cho thấy, ngoại trừ bản Hiến pháp năm 1946 ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt của đất nước nên chưa có điều kiện đề cập đến các vấn đề liên quan đến chế độ kinh tế, thì ngay từ Hiến pháp năm 1959 vai trò chủ đạo của KTNN đã được ghi nhận. Đoạn 1 Điều 12 Hiến pháp năm 1959 quy định: “Kinh tế quốc doanh thuộc hình thức sở hữu của toàn dân, giữ vai trò lãnh đạo trong nền kinh tế quốc dân và được Nhà nước bảo đảm phát triển ưu tiên”. Hiến pháp năm 1959 ra đời trong hoàn cảnh Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đã ra đời và phát triển được 14 năm. Trong khoảng thời gian này có nhiều sự kiện chính trị quan trọng làm thay đổi tình hình chính trị, xã hội và kinh tế của đất nước. Năm 1958, chúng ta bắt đầu thực hiện kế hoạch kinh tế ba năm nhằm phát triển và cải tạo nền kinh tế quốc dân theo chủ nghĩa xã hội (1958 - 1960). Đối với khu vực KTNN (kinh tế quốc doanh), năm 1955 miền Bắc chỉ có 17 xí nghiệp quốc doanh. Đến năm 1959 đã có 107 xí nghiệp quốc doanh. Tỷ trọng công nghiệp quốc doanh trong giá trị sản lượng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp miền Bắc có sự thay đổi đáng kể, từ 34,4% của năm lên 57% năm 1960[5]. Sau giai đoạn khôi phục nền kinh tế, miền Bắc bước vào thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961- 1965) với nội dung cơ bản là tập trung thực hiện công nghiệp hóa ở miền Bắc, ưu tiên phát triển công nghiệp nặng, xây dựng các công trình công nghiệp lớn. Đến năm 1965, công nghiệp quốc doanh chiếm 68,9% tổng giá trị sản lượng công nghiệp của toàn miền Bắc[6]. Chính vai trò chủ đạo của kinh tế quốc doanh đã góp phần quan trọng vào công cuộc khôi phục, phát triển kinh tế ở miền Bắc cũng như cung cấp vật lực cho miền Nam trong cuộc chiến tranh thống nhất đất nước. Và vai trò này phát huy một cách hiệu quả trên thực tế một phần rất lớn xuất phát từ việc được khẳng định trong Hiến pháp, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho các kế hoạch phát triển. Như vậy, trong giai đoạn đầu tiên của công cuộc xây dựng nền kinh tế Việt Nam, KTNN đã được xác định là thành phần kinh tế chủ đạo và vai trò này hoàn toàn phù hợp với yêu cầu của thực trạng nền kinh tế Việt Nam giai đoạn đó cũng như đòi hỏi của tình hình thực tế.
Vai trò chủ đạo của KTNN tiếp tục được khẳng định trong Hiến pháp năm 1980, bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất. Đoạn 2 Điều 18 Hiến pháp năm 1980 quy định: “Kinh tế quốc doanh giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân và được phát triển ưu tiên”.Hiến pháp năm 1980 ra đời trong hoàn cảnh công cuộc đấu tranh thống nhất đất nước đã hoàn thành thắng lợi, cả nước tiến lên CNXH. Việc Hiến pháp năm 1980 tiếp tục khẳng định vai trò chủ đạo của KTNN trong điều kiện đất nước không còn chiến tranh và mục tiêu xây dựng CNXH là mục tiêu quan trọng nhất của đất nước và dân tộc đã cho thấy vai trò quan trọng của KTNN không chỉ phát huy trong thời chiến tranh, đòi hỏi phải tập trung mọi nguồn lực cho chiến trường, mà cả trong thời kỳ hòa bình, thực hiện mục tiêu xây dựng nền kinh tế XHCN của Việt Nam. Mặc dù có những khuyết điểm, hạn chế nhưng có thể đánh giá rằng, KTNN đã giữ vai trò định hướng quan trọng trong quá trình cải tạo các quan hệ sản xuất cũ, xây dựng và phát triển các quan hệ sản xuất mới, góp phần quan trọng trong việc xây dựng nền kinh tế Việt Nam những năm đầu tiên cả nước xây dựng CNXH. Đặc biệt đối với công cuộc cải tạo các thành phần kinh tế tư nhân, xây dựng các quan hệ sản xuất mới ở miền Nam đã cho thấy vai trò không thể thay thế của thành phần KTNN. Một lần nữa, sứ mệnh lịch sử của KTNN đã được thực thi để góp phần thực hiện thành công con đường đi lên XHCN của đất nước.
Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp của giai đoạn đổi mới, đã khẳng định một lần nữa vai trò chủ đạo của KTNN. Đoạn 1 Điều 19 Hiến pháp năm 1992 quy định: “Kinh tế quốc doanh được củng cố và phát triển, nhất là trong những ngành và lĩnh vực then chốt, giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân”. Nghị quyết số 51/2001/QH10 năm 2001 của Quốc hội khóa 10 sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1992 vẫn khẳng định: “KTNN được củng cố và phát triển, nhất là trong các ngành và lĩnh vực then chốt, giữ vai trò chủ đạo, cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc củanền kinh tế quốc dân”. Mặc dù thuật ngữ để chỉ thành phần kinh tế này từ có thay đổi từ “kinh tế quốc doanh” sang “KTNN” nhưng vai trò thì không hề thay đổi. Thậm chí Hiến pháp 1992 còn nhấn mạnh các chính sách của Nhà nước đối với thành phần kinh tế này là “củng cố và phát triển” thay vì “phát triển ưu tiên” như các bản Hiến pháp trước.
Như vậy, ngoài trừ Hiến pháp 1946 ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt của đất nước, vai trò chủ đạo của KTNN đã được khẳng định xuyên suốt các bản Hiến pháp. Điều này cho thấy tính hợp lý của một quy định mang tính định hướng cho việc xây dựng và phát triển kinh tế đất nước trong suốt một giai đoạn lịch sử tương đối dài của đất nước. Điều này không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên hay tình cờ. Đó là một quy luật khách quan mà đất nước đã và phải lựa chọn và tuân theo.
3. Vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong xây dựng và phát triển nền kinh tế Việt Nam giai đoạn vừa qua và hiện nay
Việt Nam đang trong quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với mục tiêu xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Muốn đạt được mục tiêu xã hội này, nhiệm vụ kinh tế quan trọng nhất là phải đảm bảo nền kinh tế phát triển ở trạng thái cân bằng, lợi ích kinh tế phải được chia sẽ một cách công bằng cho tất cả mọi người trong xã hội. Muốn như thế, không có cách nào khác Nhà nước phải định hướng sự phát triển của nền kinh tế bằng các công cụ vĩ mô, trong đó có thể khẳng định vai trò chủ đạo của KTNN là một trong các yếu tố đóng vai trò quan trọng nhất. Điều này càng có ý nghĩa quan trọng hơn nữa khi chúng ta đang ở giai đoạn phát triển rất thấp và có nguy cơ tụt hậu ngày càng xa hơn về kinh tế so với các nước xung quanh cũng như thế giới. Chúng ta cần phải có những cú đột phá trong phát triển kinh tế, phải đi những con đường ngắn hơn, hợp lý hơn và quan trọng nhất, phải có một đầu tàu kéo toàn bộ đoàn tàu kinh tế tăng tốc. Vai trò đó không ai khác chính KTNN phải đảm nhận như một nghĩa vụ xã hội giao cho. Thực tiễn xây dựng và phát triển kinh tế Việt Nam trong những giai đoạn vừa qua cũng đã chứng minh tầm quan trọng của KTNN trong việc định hướng cũng như thúc đẩy nền kinh tế đất nước. Khi đất nước chưa chuyển sang xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần, KTNN đã đóng vai trò quyết định tạo ra các nguồn lực cơ bản phục vụ cho cuộc chiến đấu thống nhất đất nước cũng như những năm đầu tiên tiến hành xây dựng XHCN. Khó có thể hình dung được Việt Nam sẽ xây dựng nền kinh tế XHCN như thế nào nếu không có vai trò chủ đạo của KTNN. Nhất là trong giai đoạn chúng ta xây dựng một nền kinh tế tự chủ của đất nước trên nền tảng một nền kinh tế nông nghiệp và là thị trường tiêu thụ thành phẩm của các nước công nghiệp phát triển. Khi đất nước chuyển sang nền kinh tế thị trường nhiều thành phần vai trò chủ đạo của KTNN lại một lần nữa được khẳng định trong bối cảnh các thành phần kinh tế khác luôn đặt mục tiêu lợi nhuận lên cao nhất, luôn sẵn sàng phá vỡ các định hướng chung trong phát triển kinh tế của đất nước. Cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu trong các năm 2008 - 2009 đã gây ra những biến động lớn trong nền kinh tế nước ta. Các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước đã đóng vai trò là lực lượng quan trọng được Nhà nước sử dụng để kiềm chế lạm phát, ổn định thị trường, ngăn chặn suy giảm kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội... Điều đó đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế cao của nền kinh tế nước ta so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Để đánh giá một cách chính xác vị trí, vai trò của KTNN chúng ta có thể khảo sát các số liệu thực tế liên quan đến bộ phận chủ yếu của KTNN là các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước. Đến thời điểm hiện tại, khu vực KTNN (tập trung chủ yếu vào các tập đoàn và tổng công ty) được đầu tư nhiều nguồn lực nhất, nắm giữ số tài sản lớn nhất và hoạt động trong những lĩnh vực then chốt nhất của nền kinh tế như: điện, khai thác dầu khí, kinh doanh xăng dầu, viễn thông, hàng không, khai thác khoáng sản… Cụ thể:
- Vốn chủ sở hữu: Năm 2006 là năm đầu tiên thành lập các tập đoàn KTNN thì quy mô vốn chủ sở hữu của các tập đoàn, tổng công ty  là 317.647 tỉ đồng. Đến hết năm 2010 tăng lên 653.166 tỉ đồng, bằng 204% năm 2006. Nguồn vốn tăng lên chủ yếu từ nguồn lợi nhuận sau thuế, đánh giá lại tài sản, thặng dư vốn thu được trong quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp thành viên, đơn vị phụ thuộc của các tập đoàn và tổng công ty[7].
- Tổng tài sản: Năm 2006 tổng tài sản của các tập đoàn, tổng công ty là 751.698 tỉ đồng. Đến hết năm 2010 tăng lên 1.799.317 tỉ đồng, bằng 238% so với năm 2006. Trong cơ cấu về tài sản, tỷ trọng tài sản cố định chiếm gần 40% tổng giá trị tài sản. Điều này chứng tỏ các doanh nghiệp khu vực KTNN được ưu tiên đầu tư rất lớn nhằm hiện đại hóa công nghệ, thiết bị để phục vụ trực tiếp và gián tiếp cho hoạt động sản xuất kinh doanh[8].
- Kết quả sản xuất kinh doanh: Năm 2007 doanh thu của các tập đoàn, tổng công ty là 642.004 tỉ đồng, tăng 29% so với năm 2006. Năm 208 là 842.758 tỉ đồng, tăng 31% so với năm 2007. Năm 2009 là 1.098.553 tỉ đồng, tăng 30% so với năm 2008. Và năm 2010 là 1.488.273 tỉ đồng, tăng 35% so với năm 2009. Về lợi nhuận, năm 2007 đạt 71. 491 tỉ đồng, tăng 6% so với năm 2006. Năm 2008 đạt 88.478 tỉ đồng, tăng 24% so với năm 2007. Năm 2009 đạt 97.537 tỉ đồng, tăng 10% so với năm 2009. Năm 2010 đạt 162.910 tỉ đồng, tăng 66% so với năm 2009. Về nộp ngân sách nhà nước: năm 2007 nộp ngân sách 133.108 tỉ đồng, tăng 8% so với năm 2006. Năm 2008 nộp ngân sách 223.260 tỉ đồng, tăng 67% so với năm 2007. Năm 2009 nộp ngân sách 189.991 tỉ đồng, giảm 15% so với năm 2008 (do giá dầu của thế giới giảm mạnh nên ảnh hưởng đến nguồn thu từ dầu). Năm 2010 nộp ngân sách 231.526 tỉ đồng, tăng 21% so với năm 2009[9].
- Về tỷ trọng vốn đầu tư so với toàn bộ nền kinh tế: Với vai trò chủ đạo trong nền kinh tế, nhà nước luôn ưu tiên đầu tư cho thành phần kinh tế này với tỷ trọng vốn đầu tư nhiều nhất so với các thành phần kinh tế khác xét ở khía cạnh số liệu giá trị tuyệt đối. Tuy nhiên, tỷ trọng của khu vực KTNN trong toàn bộ nền kinh tế lại có xu hướng giảm. Cụ thể: năm 1995 chiếm 42% tổng vốn đầu tư của toàn nền kinh tế, năm 2000 tăng lên 59%, nhưng đến năm 2005 giảm xuống 47,1% và năm 2010 chỉ còn chiếm tỷ trọng 38,1%[10]. Điều này cho thấy tỷ lệ gia tăng vốn đầu tư của khu vực KTNN thấp hơn so với các thành phần kinh tế khác.
Các số liệu cụ thể trên đã cho chúng ta một bức tranh toàn cảnh về vai trò của KTNN trong tổng thể nền kinh tế cũng như hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế này trong thời gian vừa qua. Về cơ bản chúng ta có thể thấy KTNN nắm giữ nhiều nguồn lực quan trọng nhất của xã hội, hoạt động trong những lĩnh vực then chốt mang tính định hướng cho sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế. Về hiệu quả hoạt động kinh doanh, mặc dù tỷ trọng vốn đầu tư so với toàn bộ nền kinh tế giảm nhưng doanh thu, lợi nhuận cũng như giá trị đóng góp vào ngân sách nhà nước không ngừng gia tăng. Điều này khẳng định rằng khu vực KTNN đã và đang không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh để tương xứng với nguồn lực mà mình nắm giữ cũng như để khẳng định vai trò chủ đạo không thể thay thế của mình đối với quá trình xây dựng và phát triển kinh tế đất nước. Đặc biệt, trong giai đoạn hội nhập quốc tế hiện nay, khu vực KTNN đang nắm giữ những ngành nghề được xem là lợi thế so sánh của Việt Nam bởi lẽ quá trình hội nhập quốc tế, bên cạnh những thuận lợi, cơ hội cũng kéo theo những khó khăn, thử thách đối với nền kinh tế đất nước mà điển hình mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt, các ngành kinh tế trong nước đối mặt với nguy cơ phá sản trước sức ép của các doanh nghiệp của nước ngoài. Trong khi khu vực kinh tế tư nhân của Việt nam trong giai đoạn hiện nay vị đánh giá là quá yếu kém, không đủ năng lực cạnh tranh đối với doanh nghiệp của nước ngoài nên việc đầu tư trọng điểm cho khu vực KTNN nhằm tạo những “quả đấm thép” mở đường phát triển, tạo đà cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển theo là điều hoàn toàn cần thiết.
Bên cạnh đó, KTNN còn cung cấp các hàng hóa, dịch vụ công ích ở những ngành, lĩnh vực mà khu vực kinh tế tư nhân không có khả năng tham gia hoặc không muốn tham gia vì không có lợi nhuận. Trong bất kỳ đất nước nào và ở bất kỳ giai đoạn phát triển nào việc cung cấp các hàng hóa, dịch vụ công ích để duy trì hoạt động bình thường của xã hội là điều không thể thiếu và đều do nhà nước chịu trách nhiệm thực hiện. Đây là hoạt động gắn liền với chức năng đảm bảo an sinh xã hội của nhà nước. Do đặc thù không phát sinh lợi nhuận nên các hàng hóa, dịch vụ công ích chỉ có thể được cung cấp bởi nhà nước. Cũng chính vì lý do này mà Luật DNNN năm 1995 và Luật DNNN năm 2003 đều có quy định về DNNN kinh doanh hàng hóa, dịch vụ công ích. Hiện nay, Luật DNNN 2003 đã hết hiệu lực thi hành nhưng các hàng hóa, dịch vụ công ích vẫn tiếp tục được cung cấp bởi các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước.
Những tiêu cực xảy ra trong các doanh nghiệp thuộc KTNN xảy ra trong thời gian qua đã làm cho một bộ phận xã hội hoài nghi về vai trò của KTNN. Bởi lẽ, doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước chỉ là một bộ phận của KTNN. KTNN ở nước ta được cấu trúc từ hai bộ phận: hệ thống doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước và bộ phận phi doanh nghiệp như tài nguyên quốc doanh (do DNNN sử dụng), ngân sách nhà nước và dự trữ quốc gia. Trong đó, hệ thống doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước được xác định là “lực lượng nòng cốt”. Việc xác định vai trò chủ đạo của KTNN thông qua vai trò của doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước đã gây ra sự nhầm lẫn giữa hai thuật ngữ này, từ đó dẫn đến việc đánh đồng những yếu kém của doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước là yếu kém của KTNN. Như vậy, việc xuất phát từ một hiện tượng thuộc về một bộ phận cấu thành của KTNN (dù là bộ phận quan trọng nhất) để đánh giá vai trò của toàn bộ thành phần KTNN là vấn đề cần phải xem xét lại về mặt phương pháp luận cũng như thực tiễn. Bên cạnh đó, thiết nghĩ cần phải có sự khảo sát, đánh giá một cách khách quan và toàn diện đâu là nguyên nhân của tính kém hiệu quả của KTNN trong thời gian qua: do quản lý yếu kém hay do cơ chế mà chính chúng ta tự tạo ra hoặc do lỗi xuất phát từ bản chất, vai trò chủ đạo của KTNN? Dĩ nhiên, những yếu kém của KTNN có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan cần phải được mổ xẻ một cách thấu đáo. Nhưng không vì thế mà chúng ta phủ nhận toàn bộ những đóng góp của KTNN trong suốt chặng đường lịch sử vừa qua đối với sự phát triển kinh tế của đất nước.
4. Cơ sở của việc tiếp tục khẳng định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong Hiến pháp sửa đổi, bổ sung
- Cơ sở chính trị, pháp lý: Việc tiếp tục khẳng định vai trò chủ đạo của KTNN trong Hiến pháp sửa đổi hoàn toàn xuất phát từ những cơ sở chính trị, pháp lý vững chắc và khoa học. Cụ thể:
Thứ nhất, vai trò chủ đạo của KTNN đã được khẳng định liên tục trong văn kiện của Đảng, kể cả văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI mới diễn ra năm 2011 đã cho thấy tầm quan trọng về mặt chính trị và kinh tế của KTNN đối với quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường XHCN nói riêng, công cuộc xây dựng chế độ XHCN ở Việt Nam nói chung. Cần phải nhận thức một cách rõ ràng rằng, KTNN là một tập hợp sức mạnh của đất nước bao gồm các ngành, lĩnh vực trọng yếu từ các định chế pháp luật, định chế tài chính, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước. Sức mạnh của KTNN còn bao gồm sức mạnh quản lý, điều hành của hệ thống chính trị, quyền lực quốc gia của Nhà nước. Vì thế, KTNN phải được xây dựng, phát triển thành lực lượng chủ đạo trong xây dựng và phát triển nền kinh tế. Việc hiểu và diễn giải KTNN thành doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước chỉ có thể do nguyên nhân sai lầm trong tư duy hoặc cố tình bóp méo vai trò của KTNN. Vấn đề này đã được Đảng ta làm rõ và hiểu một cách thống nhất trong một thời gian liên tục, thể hiện sự khoa học và nhất quán trong tư duy và vì thế, cần phải được kế thừa trong giai đoạn tiếp theo của quá trình xây dựng và phát triển nền kinh tế đất nước.
Thứ hai, vai trò chủ đạo của KTNN, mà đặc biệt là doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước đã được quy định trong hàng loạt văn bản pháp luật, từ văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất là Hiến pháp đến các văn bản luật, văn bản dưới luật. Như vậy, nền tảng pháp lý cho vai trò chủ đạo của KTNN đã được xác lập một cách thống nhất và ổn định trong một thời gian tương đối dài và là kết quả của việc cụ thể hóa đường lối của Đảng thể hiện trong các văn kiện. Vì vậy, việc Hiến pháp sửa đổi, bổ sung tiếp tục ghi nhận vai trò chủ đạo của KTNN là hoàn toàn phù hợp cả về mặt lý luận lẫn thực tiễn và trên cơ sở pháp lý vững chắc như là sự tiếp nối của quá trình điều chỉnh bằng pháp luật của nhà nước đối với KTNN.
- Cơ sở xuất phát từ vai trò của KTNN đối với nền kinh tế: Không thể phủ nhận vai trò của KTNN đối với việc xây dựng và phát triển kinh tế Việt Nam trong giai đoạn vừa qua. Vai trò đó thể hiện cụ thể như sau[11]:
Thứ nhất, KTNN là đòn bẩy đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội. Đối với đất nước đang trong giai đoạn tiến hành công nghiệp hóa như Việt Nam, vai trò đòn bẩy của KTNN có ảnh hưởng quyết định đến sự phát triển của kinh tế. KTNN giúp nhanh chóng hình thành những chủ thể kinh doanh trong các lĩnh vực công nghiệp có nguồn lực tài chính, có kỹ thuật, có năng lực, đội ngũ lao động lớn, đảm nhận vai trò mở đường cho sự phát triển kinh tế khi mà khu vực kinh tế tư nhân chưa tích lũy kịp các nguồn lực phục vụ cho phát triển nền kinh tế. Bên cạnh đó, KTNN còn giải quyết các vấn đề xã hội. Vai trò này thể hiện qua việc điều tiết các nguồn lực xã hội, phân phối lại thu nhập xã hội, đảm bảo tính công bằng của phúc lợi xã hội, cung cấp các hàng hóa, dịch vụ công ích, … mà ngoài KTNN không có khu vực kinh tế nào khác có thể đảm nhận.
Thứ hai, KTNN mở đường, hướng dẫn, hỗ trợ các thành phần kinh tế khác cùng phát triển. Bản chất của kinh tế thị trường là cạnh tranh, ở đó mọi hoạt động sản xuất kinh doanh đều hướng đến mục tiêu lợi nhuận. Việc tạo ra lợi nhuận là cần thiết để nhanh chóng gia tăng tích lũy trong nội bộ nền kinh tế. Tuy nhiên, việc chạy theo lợi nhuận bằng mọi phương thức, mọi giá sẽ dẫn đến tình trạng mất định hướng phát triển của nền kinh tế. Đặc biệt đối với Việt Nam, đang trong giai đoạn hình thành các nền tảng, thiết chế của kinh tế thị trường, văn hóa kinh doanh cùng nhiều vấn đề khác có liên quan chưa hình thành một cách đầy đủ thì việc đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích chung của toàn xã hội là điều không tránh khỏi. Để khắc phục tình trạng này không thể có giải pháp tối ưu nào ngoài phát huy vai trò chủ đạo của KTNN. Với những ưu thế của mình, KTNN sẽ là đầu tàu mở đường, hướng dẫn, hỗ trợ các thành phần kinh tế khác cùng phát triển.
Thứ ba, KTNN làm lực lượng vật chất để Nhà nước thực hiện chức năng điều tiết và quản lý nhà nước ở tầm vĩ mô. Nhà nước sử dụng KTNN với tư cách là một công cụ để điều tiết và quản lý kinh tế ở tầm vĩ mô. Để thực hiện vai trò này, KTNN phải nắm giữ những lĩnh vực, ngành nghề then chốt, có khả năng thúc đẩy, định hướng, mở đường cho các thành phần kinh tế khác phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho Nhà nước thực hiện các chiến lược và mục tiêu kinh tế ngắn hạn cũng như dài hạn.
Thứ tư, KTNN tạo nền tảng cho chế độ xã hội mới. Đây là mục tiêu cuối cùng và là mục tiêu thể hiện rõ nhất tính chất chính trị đối với vai trò chủ đạo của KTNN. Chế độ XHCN là mục tiêu mà Việt Nam đang quyết tâm xây dựng. Để xây dựng thành công CNXH ở Việt Nam cần phải giải quyết rất nhiều vấn đề, trong đó việc thiết lập một chế độ sở hữu mới dựa trên nền tảng sở hữu công cộng về tư liệu sản xuất để hình thành quan hệ sản xuất của chế độ xã hội mới là yếu tố có ý nghĩa then chốt. Chính vì vậy, việc khẳng định vai trò chủ đạo của KTNN sẽ góp phần quyết định trong việc hình thành chế độ sở hữu công cộng đối với các tư liệu sản xuất chủ yếu bởi lẽ đây là nền tảng của chế độ xã hội mới.
Như vậy, trong giai đoạn hiện nay, việc khẳng định vai trò chủ đạo của KTNN có ý nghĩa không những về mặt kinh tế mà còn có ý nghĩa chính trị sâu sắc. Những vai trò của KTNN đã cho thấy chưa có khu vực kinh tế nào có thể thay thế cho KTNN trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay cũng như trong việc thiết lập các nền tảng kinh tế và xã hội của chế độ xã hội mới.
- Cơ sở về mặt nghiên cứu so sánh: Trên thế giới, kể cả những quốc gia có nền kinh tế đạt đến mức độ tự do hóa cao nhất, KTNN vẫn được duy trì ở những lĩnh vực then chốt mà không đứng ngang hàng với các thành phần kinh tế khác. Điều này có lẽ là minh chứng hùng hồn sau cùng cho vai trò chủ đạo của KTNN đối với sự phát triển của một nền kinh tế. Ở các nước có nền kinh tế thị trường phát triển cao như Mỹ, các nước Tây Âu, Singapore vẫn có sự tồn tại các thực thể (thiết chế có cơ cấu, nhân sự) có mối liên hệ với nhà nước thực hiện các hoạt động giống như doanh nghiệp để cung cấp các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho xã hội mà khu vực kinh tế tư nhân không tham gia hoặc nhà nước cần nắm giữ chi phối để thực hiện các mục tiêu xã hội theo định hướng phát triển của nhà nước.
Như vậy, việc tiếp tục khẳng định vai trò chủ đạo của KTNN trong Hiến pháp sửa đổi, bổ sung hoàn toàn dựa trên những cơ sở lý luận và thực tiễn vững chắc. Việc khẳng định này còn là cơ sở để Việt Nam tiếp tục con đường xây dựng nền kinh tế thị trường XHCN cũng như khắc phục những quan điểm, nhận thức chưa chính xác về KTNN và vai trò chủ đạo của KTNN.
Với tất cả những cơ sở trên, theo chúng tôi, trong Hiến pháp cần phải tiếp tục khẳng định vai trò chủ đạo của KTNN nhưng cần có các văn bản điều chỉnh mọi vấn đề có liên quan đến quá trình hoạt động của KTNN, như làm rõ khái niệm “vai trò chủ đạo” của KTNN, xác định rõ vai trò, phạm vi của quản lý nhà nước về kinh tế đối với thành phần KTNN và vai trò tự chủ trong kinh doanh của KTNN, quy định cụ thể trách nhiệm cá nhân đối với hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước… Những quy định này phải đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất và cụ thể, nhằm tạo cơ chế hoạt động phù hợp nhất với yêu cầu của xã hội và tương xứng nhất với vai trò của thành phần kinh tế này.

 


[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia- Sự thật, Hà Nội, 2011.
[5] Nguồn: http://www.moit.gov.vn/vn/Pages/lichsuphattrien.aspx?IDNews=502
[6] Nguồn: http://www.moit.gov.vn/vn/Pages/lichsuphattrien.aspx?IDNews=502
[7] Nguồn: Chính phủ (2011), Báo cáo thực trạng hoạt động của tập đoàn, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2006 – 2010 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2011 – 2015.
[8] nt
[9] nt
[10] Nguồn: Tổng cục thống kê (2012).
Địa chỉ trang Web: http://www.gso.gov.vn/default.aspx?tabid=392&idmid=3&ItemID=11380.
[11] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996.