Mười sự kiện quan trọng của quốc hội việt nam trong năm 2018

01/01/2019

1. Tổ chức thành công Hội nghị thường niên Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 26 (APPF-26) với chủ đề “Quan hệ đối tác Nghị viện vì hòa bình, sáng tạo, tăng trưởng bền vững” tại Thủ đô Hà Nội từ 18 đến 21 tháng 1. Hội nghị đã thông qua 14 Nghị quyết về những vấn đề quan trọng, Tuyên bố APPF Hà Nội về “Tầm nhìn mới cho quan hệ đối tác Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương” và Thông báo chung APPF-26.

2. Từ thí điểm cải tiến hoạt động chất vấn tại phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đến đổi mới căn bản hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 6 của Quốc hội. Nội dung thí điểm là “hỏi nhanh, đáp gọn”, tạo sự tương tác nhiều hơn, sự đối thoại trực diện giữa người chất vấn và người trả lời về vấn đề được chất vấn. Đổi mới căn bản là, không lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn mà là việc thực hiện các Nghị quyết về chất vấn của các kỳ họp trước và các chuyên đề đã được Quốc hội giám sát từ đầu nhiệm kỳ tới nay (bao trùm hầu như toàn bộ các vấn đề kinh tế - xã hội); không cắt cử người trả lời, mà câu chất vấn thuộc bộ, ngành nào thì Bộ trưởng, Trưởng ngành đó trả lời; hỏi trong một phút, trả lời trong ba phút mỗi câu. Cải tiến và đổi mới đem lại kết quả tốt đẹp được Nhân dân và cử tri hài lòng, đánh giá cao.

3. Chủ tịch Quốc hội dự Đại hội đồng IPU-38 và thăm Hà Lan:

Nhận lời mời của Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) Gabriela Cuevas Barron, Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn thị Kim Ngân dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tham dự Đại Hội đồng IPU-138 với chủ đề, “Giải pháp chính sách nhằm tăng cường cơ chế toàn cầu về người di cư và tỵ nạn” tại Geneve (Thụy Sĩ) từ 24 đến 25 tháng 3. Trong bài phát biểu thảo luận chung, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam đã nhấn mạnh, “Ở cấp độ quốc tế, Việt Nam ủng hộ các hoạt động di cư hợp pháp, nhất là di cư lao động, đồng thời kiên quyết đấu tranh phòng chống di cư trái phép, đặc biệt là buôn bán người và tội phạm xuyên quốc gia, bảo đảm di cư an toàn, bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người di cư trong suốt quá trình di cư, đặc biệt khi xảy ra tình trạng khủng hoảng”.
Tiếp đó, nhận lời mời của Chủ tịch Hạ viện Vương quốc Hà Lan Khadija Arib, Chủ tịch Quốc hội nước ta và Đoàn đã thăm chính thức Hà Lan và dự lễ kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hà Lan (từ ngày 26 đến 28 tháng 3). Tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam đã có bài phát biểu, trong đó khẳng định, “Trên nền tảng quan hệ bạn bè tin cậy có chung quyết tâm chính trị, có tiềm năng và nhu cầu hợp tác, có lợi ích tương hợp và kinh tế tương hỗ, mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước chúng ta sẽ tiếp tục đơm hoa kết trái”.
 4. Được sự ủy nhiệm của Hội đồng Nhà nước Cuba, chiều 11/4 Chủ tịch Viện Cuba hữu nghị với các dân tộc (ICAP) Fernado Gonzalez Llort đã trao Huân chương Đoàn kết cho Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Phát biểu tại lễ trao tặng, Chủ tịch Viện ICAP bày tỏ niềm tự hào được là người chuyển tấm huân chương cao quý của Hội đồng Nhà nước Cuba đến Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, nhằm ghi nhận tình hữu nghị quý báu và những đóng góp to lớn mà Chủ tịch Quốc hội Việt Nam đã dành cho Cuba trong suốt một thập niên khi còn là Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Cuba.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ xúc động, vinh dự và tự hào được Hội đồng Nhà nước Cuba trao tặng Huân chương Đoàn kết vì những đóng góp đối với tình hữu nghị anh em và mối quan hệ đoàn kết đặc biệt giữa hai nước.
 5. Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Hồi giáo Iran Ali Ardeshir Larijani và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Hồi giáo Iran đã thăm chính thức Việt Nam từ ngày 15 đến 18 tháng 4. Trong cuộc hội đàm, Chủ tịch Quốc hội Iran nhất trí với đề xuất của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam về việc, hai bên cần phối hợp chặt chẽ thúc đẩy triển khai để sớm đạt mục tiêu mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã nhất trí là, đưa kim ngạch song phương lên hai tỷ USD, đồng thời tập trung vào một số lĩnh vực cụ thể. Chủ tịch Quốc hội Iran khẳng định, với tiềm năng hiện có, hai bên hoàn toàn có thể đạt mục tiêu này, đặc biệt là trong lĩnh vực dầu khí, Iran có thể hỗ trợ cung cấp cho Việt Nam các sản phẩm hóa dầu, khí hóa lỏng, nhựa đường... Đồng thời Iran cũng muốn học hỏi Việt Nam những kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp. Hai Chủ tịch nhất trí tăng cường trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là cấp cao, tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, trong đó có Liên minh Nghị viện thế giới (IPU)... trong thời gian tới.
 6. Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội
Nguyễn Thị Kim Ngân, Đoàn đại biểu Quốc hội cấp cao nước Cộng hòa XHCN Dân chủ Sri Lanka do Chủ tịch Quốc hội Karu jayasuriya đẫn đầu thăm chính thức Việt Nam từ 23 đến 27 tháng 4. Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka trân trọng cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu, trọng thị của Quốc hội Việt Nam; bày tỏ ngưỡng mộ về những thành quả phát triển kinh tế - xã hội mà Việt Nam đã đạt được. Ngài cho biết, nhân dân Sri Lanka luôn ngưỡng mộ Chủ tịch Hồ Chí Minh, hiện tại tượng đài của Người được đặt tại Colombo và là tượng đài lãnh tụ nước ngoài duy nhất ở Sri Lanka.
 7. Từ ngày 4 đến ngày 8 tháng 9, Đại hội đồng AIPA-39 đã diễn ra tại Singapore, Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam do Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ dẫn đầu đã tham dự. Trưởng đoàn Việt Nam đã có bài phát biểu quan trọng với tựa đề “AIPA-hình mẫu của hợp tác liên Nghị viện khu vực”. Trưởng đoàn nhấn mạnh “Việt Nam đánh giá cao chủ đề của Đại hội đồng AIPAnăm nay là: “Hướng tới một cộng đồng tự cường và sáng tạo”, phù hợp với yêu cầu phát triển của cộng đồngASEAN trong giai đoạn mới. Tự cường ASEAN cần được phát huy trên mọi khía cạnh về chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội. Đoàn kết, thống nhất, duy trì vai trò trung tâm trong khu vực là nhân tố then chốt của tự cường về chính trị”.
 8. Đoàn đại biểu Quốc hội nước ta tham dự Hội nghị Chủ tịch Quốc hội các nước Á - Âu và thăm Thổ Nhĩ Kỳ từ ngày 7 đến ngày 12 tháng 10:
Nhận lời mời của Chủ tịch Duma Quốc gia Liên bang Nga Vyacheslab Volodin và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Moon Hee Sang - đồng Chủ tịch sáng lập Hội nghị Chủ tịch Quốc hội các nước Á - Âu (ASEAP), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tham dự ASEAP lần thứ 3 được tổ chức tại thành phố Antalya (Thổ Nhĩ Kỳ). Chủ đề của Hội nghị là “Hợp tác kinh tế, môi trường và phát triển bền vững ở khu vực Á - Âu”. Phát biểu tại phiên họp toàn thể, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam nhấn mạnh “Hợp tác kinh tế trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng, công bằng, cùng có lợi là điều kiện quan trọng để giữ được môi trường hòa bình, ổn định nhằm vượt qua những thách thức để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Đồng thời phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường, nâng cao các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm rủi ro thiên tai”.
Trong chuyến thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân đã tiếp kiến Tổng thống Recep Tayyip Erdogan và hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim. Trong cuộc hội đàm, hai Chủ tịch vui mừng nhận thấy, quan hệ hữu nghị và hợp tác tryền thống có bề dày 40 năm giữa hai nước đang tiếp tục phát triển tốt đẹp. Chuyến thăm của Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội dẫn đầu càng thúc đẩy và làm sâu sắc hơn quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước nói chung và giữa hai Quốc hội nói riêng.
 9. Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã bầu 
Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.
Tại Kỳ họp này, Quốc hội cũng đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
 10. Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Moon Hee Sang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã thăm chính thức Hàn Quốc từ ngày 4 đến ngày 7 tháng 12.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn thị Kim Ngân đã có cuộc tiếp kiến với Tổng thông Hàn Quốc Moon Jae-in và hội đàm với Đoàn đại biểu Quốc hội Hàn Quốc do Chủ tịch Quốc hội Moon Hee Sang dẫn đầu.