Tòa án trực tuyến và quyền xét xử công bằng: kinh nghiệm quốc tế và triển vọng ở Việt Nam

29/10/2021

TS.BÙI TIẾN ĐẠT*

TS. NGUYỄN BÍCH THẢO**

*,** Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội,

TRẦN THỊ TRINH***

*** Cựu sinh viên K61 Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Tóm tắt: Thời đại kỹ thuật số đã giúp cho các ý tưởng áp dụng “Tòa án trực tuyến” trở nên khả thi hơn với các hình thức như quản lý tòa án dựa trên môi trường internet, xét xử trực tuyến và truyền hình trực tiếp phiên tòa. Những hình thức tòa án trực tuyếnnày có thể tạo điều kiện đảm bảo tốt hơn đối với một số quyền xét xử công bằng, nhưng đồng thời những hình thức đó cũng hạn chế hoặc thậm chí triệt tiêu một số quyền xét xử công bằng khác. Mặc dù một số dịch vụ tư pháp dựa trên internet đã được ứng dụng ở một số quốc gia, nhưng chúng ta hiện vẫn chưa đánh giá đúng mức về sự ảnh hưởng của các dịch vụ đó đối với các quyền xét xử công bằng phổ quát. Trong phạm vi bài viết này, các tác giả phân tích khả năng mở rộng một số hình thức thủ tục tư pháp trực tuyến và sự ảnh hưởng của những hình thức “Tòa án trực tuyến” đến quyền xét xử công bằng trên thế giới và ở Việt Nam.
Từ khóa: Tòa án trực tuyến, tư pháp trực tuyến, quyền xét xử công bằng, thủ tục công bằng.
AbstractDigital age has brought the application of “e-Court” more feasible in the form of internet-based court management, online trial and live broadcasting trial, for example. These forms of e-Court, paradoxically, facilitate a number of fair trial rights and concurrently limit or even threaten a number of other fair trial rights. Although several internet-based judicial services have been introduced in a number of countries and jurisdictions, legal scholarship has paid little attention to how universal fair trial rights are affected by those services. Within the scope of this article, the authors gives out an analysis and assessment of the possibility of expanding several forms of online judicial procedures and ways they affect fair trial rights in several countries and Vietnam.
Keywords: e-Court, e-Justice, fair trial rights, fair procedure.
 XÉT-XỬ-TRỰC-TUYẾN.png
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Tư pháp trực tuyến và Tòa án trực tuyến trên thế giới
Tòa án trực tuyến (e-Court, sau đây viết tắt là TATT) thường được coi là một thành phần của hệ thống tư pháp trực tuyến (e-Justice, sau đây viết tắt là TPTT) ở nhiều quốc gia, đặc biệt là ở châu Âu. Trên khắp thế giới, các sáng kiến ​​về công lý trực tuyến và tòa án trực tuyến vẫn đang là vấn đề mới[1], bởi vì mô hình thủ tục tư pháp truyền thống sử dụng giao tiếp trực tiếp. Ở Mỹ, TATT có thể giảm chi phí và tăng hiệu quả, nhưng nó vẫn chưa trở thành chuẩn mực vì người ta “lo sợ những thứ chưa biết rõ, sợ mất công việc và vị thế, lo ngại chi phí thiết lập và nghi ngại rằng công nghệ sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến trình tự công bằng”[2]. Điều này cũng có thể đúng với các quốc gia và hệ thống pháp luật khác.
Tại châu Âu, Chiến lược và Kế hoạch Hành động 2019-2023 của Hội đồng châu Âu đã xác nhận mô hình TPTT “nhằm mục đích tạo điều kiện tiếp cận công lý và chức năng của hệ thống tư pháp, kể cả đối với các vụ việc xuyên quốc gia, đối với công dân, người làm nghề luật và cơ quan chức năng, đảm bảo độc lập tư pháp và tam quyền phân lập”[3]. Hệ thống TPTT này phản ánh các kết nối tư pháp dựa trên các thủ tục và thông tin liên lạc được đơn giản hóa và số hóa[4].
1.1. Nhận diện một số hình thức biểu hiện của tòa án trực tuyến
-Tự động hóa tòa án (Court Automation)[5]
Theo phân tích trong Báo cáo Môi trường kinh doanh năm 2016 của Ngân hàng Thế giới, các quy trình tố tụng của tòa án có thể nâng cao hiệu quả, khả năng tiếp cận, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình thông qua bốn hình thức trực tuyến: (i) nộp đơn khởi kiện trực tuyến; (ii) tống đạt văn bản tố tụng bằng phương thức trực tuyến; (iii) thanh toán án phí trực tuyến; và (iv) công bố bản án trực tuyến[6]. Giải pháp tự động hóa tòa án có thể được coi là sự khởi đầu của tòa án trực tuyến. Không chỉ vậy, thời gian gần đây đã chứng kiến việc tăng cường sử dụng ghi hình và ghi âm các phiên họp, ghi hình việc lấy lời khai, đấu giá trực tuyến và nhiều hoạt động khác tại các tòa án[7]. Ít nhất, các hình thức thực hiện thủ tục tư pháp trực tuyến có thể là một lựa chọn cho các bên song song với thủ tực tư pháp trực tiếp, khi được tất cả các bên tham gia tố tụng đồng ý[8].
-Nộp đơn trực tuyến và tống đạt trực tuyến (eLodgment)
Việc giải quyết tranh chấp tại tòa án đã từng bước chuyển từ hoạt động trực tiếp sang trực tuyến, áp dụng công nghệ đối với một số thủ tục. Sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 đã góp phần tăng tốc độ cung cấp dịch vụ trực tuyến trong các quy trình tố tụng tại tòa án.
Việc nộp đơn, giao nộp chứng cứ và tống đạt văn bản tố tụng thường được quy định chi tiết và chặt chẽ nhằm đảm bảo quyền tiếp cận công lý và luồng thông tin thông suốt giữa tòa án và các bên, đồng thời cho phép các bên tham gia vào các quy trình tố tụng. Những quy tắc này mang tính kỹ thuật cao và rất quan trọng. Hiện nay, công nghệ kỹ thuật số đã bắt đầu được sử dụng cho việc lập hồ sơ, giao nộp chứng cứ và tống đạt nhằm giảm chi phí và công sức. Chẳng hạn, tại Úc, e-Lodgment được cho phép bởi Quy tắc Thủ tục tòa án năm 2006 và được liên kết với Hệ thống Quản lý vụ án tích hợp (ICMS)[9].
E-Lodgement được hiểu là quá trình chuyển giao tài liệu và thông tin cho các tòa án thông qua một phương tiện trực tuyến thay vì nộp giấy tờ trực tiếp tại tòa án. E-Lodgement tạo điều kiện thuận lợi cho bước đầu tiên trong quá trình tố tụng tại tòa án như một dịch vụ cho phép đương sự nộp đơn khởi kiện, bản tự khai, bản tuyên thệ, đơn yêu cầu triệu tập phiên họp về thi hành án trực tuyến thông qua một nhà cung cấp dịch vụ đã được phê duyệt.
Việc cho phép nộp hồ sơ trực tuyến giúp cho luật sư và đương sự không phải đến tòa án để nộp tất cả các tài liệu cần thiết, và tòa án có tất cả các tài liệu xác thực cần thiết và chữ ký được xác minh hợp pháp ở các hình thức có thể chấp nhận được để dễ dàng xử lý hồ sơ vụ án. Đương sự hoặc luật sư có thể nộp các tài liệu trực tiếp qua internet từ nhà, văn phòng hoặc bất cứ nơi nào.
-Phiên tòa trực tuyến (eCourtroom, phòng xử án ảo )
Theo kinh nghiệm của Úc, “E-Courtroom là phòng xử án trực tuyến được các thẩm phán và thư ký sử dụng để hỗ trợ quản lý và xét xử một số vấn đề trước Tòa án Liên bang Úc”[10]. E-Courtroom được tích hợp với e-Lodgment, cung cấp cho các bên liên kết giữa e-Courtroom và e-Lodgment để tạo điều kiện thuận lợi cho việc nộp hồ sơ trực tuyến. Phiên tòa trực tuyến là phòng xử án được bố trí phù hợp với quy định của pháp luật tố tụng, được trang bị thiết bị ghi âm, ghi hình, màn hình tivi, máy vi tính, mạng internet, mạng truyền hình trực tuyến và các thiết bị khác phục vụ hoạt động trong quá trình xét xử, phiên họp.
Những người tham gia tố tụng sẽ tham gia phiên tòa tương tự như hội nghị truyền hình trực tuyến. Người tiến hành tố tụng ngồi tại phòng xử án của tòa án (điểm cầu trung tâm) và những người tham gia tố tụng ngồi tại phòng xử án của tòa án nơi cư trú (điểm cầu địa phương) vẫn có thể nhìn thấy, nói chuyện trực tiếp với nhau đồng thời thông qua các thiết bị trực tuyến được thiết lập, liên kết với internet và vận hành bởi một phần mềm ứng dụng, mà không cần phải tập trung tại một phòng xử án của tòa án như thường lệ. Hơn nữa, với sự cho phép kết nối kỹ thuật của hội đồng xét xử, nhiều người quan tâm đến vụ án có thể theo dõi các thủ tục pháp lý dễ dàng hơn so với xét xử thông thường, nơi số lượng người xem bị hạn chế bởi không gian của phòng xử án.
-Hệ thống quản lý hồ sơ trực tuyến
Hệ thống quản lý hồ sơ trực tuyến là ứng dụng phần mềm được kết nối mạng internet, được xây dựng nhằm mục đích quản lý, theo dõi các vụ việc từ khi thụ lý đến khi giải quyết xong. Hệ thống này sẽ ghi lại các vụ án, quản lý danh sách các vụ án sẽ xét xử, ghi nhận quyết định của tòa án và kết quả của từng vụ án. Hệ thống quản lý hồ sơ trực tuyến hỗ trợ cán bộ phụ trách quản lý hồ sơ; hỗ trợ các thư ký lên lịch và sắp xếp các vụ việc được xét xử; hỗ trợ thẩm phán đưa ra phán quyết; đồng thời là nguồn cung cấp thông tin, dữ liệu về hoạt động của tòa án. Hệ thống quản lý hồ sơ trực tuyến giúp tòa án thực hiện các quy trình, thủ tục lặp đi lặp lại một cách chính xác hơn, nhanh hơn và chi phí thấp hơn so với khi thực hiện thủ công.
-Tòa án trực tuyến toàn diện (áp dụng toàn hệ thống công nghệ kỹ thuật số)
Một bước tiến xa hơn mà một số quốc gia (như Vương quốc Anh, Canada và Trung Quốc) thực hiện gần đây là xây dựng TATT toàn diện - có nghĩa là sử dụng toàn diện công nghệ kỹ thuật số không chỉ ở một số khía cạnh như nộp đơn, tống đạt tài liệu, thu thập chứng cứ, tổ chức các phiên họp, phiên tòa mà là trong hầu như tất cả các hoạt động của tòa án. 
Vương quốc Anh đã thành lập một Tòa án trực tuyến để xử lý các tranh chấp dân sự và gia đình có giá trị dưới 25.000 bảng Anh dựa trên nền tảng đặt đương sự làm trung tâm. Tòa án trực tuyến được đặc trưng bởi ít phiên họp hơn, tăng cường hòa giải, các quy trình đơn giản hơn và ít thủ tục giấy tờ hơn[11]. Nó được thiết kế như một hệ thống ba cấp. Cấp đầu tiên là đánh giá trực tuyến, giúp đương sự tự đánh giá các vấn đề tranh chấp và các lựa chọn của họ; cấp thứ hai có sự xuất hiện của các Hòa giải viên trực tuyến để hỗ trợ các bên đạt được các giải pháp thông qua hòa giải và thương lượng được thực hiện qua Internet; và cấp thứ ba là sự tham gia của các Thẩm phán dưới hình thức trực tuyến để đưa ra quyết định cuối cùng dựa trên việc tranh tụng của các bên thông qua hình thức trực tuyến. Hai năm đầu tiên triển khai Tòa án trực tuyến ở Anh cho thấy kết quả lạc quan[12]. Ngoài Tòa án trực tuyến giải quyết các tranh chấp giá trị nhỏ, Anh còn thực hiện đề án giải quyết các vụ việc vi phạm giao thông trực tuyến và đề án giải quyết thuận tình ly hôn trực tuyến bởi một thẩm phán (đề án được khởi động từ tháng 1 năm 2017).[13]. Đồng thời, Anh cũng triển khai hệ thống trực tuyến để giải quyết các vụ việc về phân chia di sản thừa kế[14].
Tại Canada, một Tòa án trực tuyến giải quyết tranh chấp dân sự (Civil Resolution Tribunal - CRT) được thành lập tại British Columbia vào tháng 7/2016. Thẩm quyền của Tòa án này đã được mở rộng từ các yêu cầu bồi thường nhỏ lên đến 5.000 Đô La Canada, đến các tranh chấp bồi thường thiệt hại phát sinh do tai nạn giao thông[15].
Trung Quốc là quốc gia đầu tiên thành lập TATT vào tháng 8/2017 tại Hàng Châu, tỉnh Triết Giang, và một năm sau, nước này thành lập thêm hai tòa án trực tuyến ở Bắc Kinh và Quảng Châu, để xử lý các vụ việc thương mại điện tử và các vụ án liên quan đến Internet. Tòa án trực tuyến xét xử các vụ án trực tuyến và tất cả các quy trình tố tụng, từ thụ lý vụ án, tống đạt, hòa giải, trao đổi chứng cứ, chuẩn bị xét xử, xét xử và tuyên án, đều được tiến hành trực tuyến, trừ khi đương sự có yêu cầu khác. Tòa án trực tuyến hoạt động thông qua một nền tảng tranh tụng trực tuyến. Các đương sự và luật sư của họ được yêu cầu đăng ký một tài khoản bằng tên thật của họ trên trang web chính thức của tòa án trực tuyến và được xác minh danh tính bằng công nghệ nhận diện khuôn mặt. Sau khi hoàn tất đăng ký và đăng nhập vào trang web của tòa án trực tuyến, nguyên đơn có thể nộp hồ sơ trực tuyến bằng cách điền các thông tin cơ bản của vụ việc, bao gồm số điện thoại di động, fax, e-mail và các công cụ nhắn tin tức thời như WeChat và QQ để nhận các tài liệu của tòa án trực tuyến, gửi đơn khởi kiện trực tuyến và tải lên chứng cứ ở các định dạng trực tuyến[16]. Tòa án sẽ gửi thông báo và mã xác minh cho bị đơn bằng dịch vụ tin nhắn ngắn (Short Messaging Service – SMS) hoặc email sau khi thụ lý vụ án. Để trao đổi chứng cứ, các bên nhập dữ liệu trực tuyến vào nền tảng tranh tụng hoặc xử lý chứng cứ trực tuyến thông qua việc quét dữ liệu và tải lên trang web. Nếu một bên phản đối tính xác thực của dữ liệu điện tử, tòa án sẽ xem xét và đánh giá tính xác thực của quá trình tạo, thu thập, lưu trữ và truyền dữ liệu điện tử cùng với việc kiểm tra chéo. Tòa án sử dụng hội nghị truyền hình trực tuyến để tổ chức các phiên xét xử. Trong một trường hợp đặc biệt mà tòa án cần xác minh danh tính hoặc xem xét các tài liệu gốc và các vật chứng, tòa án có thể quyết định tổ chức xét xử trực tiếp, nhưng các hoạt động khác sẽ vẫn được tiến hành trực tuyến.
2. Tòa án trực tuyến: Lợi ích và sự tác động đến quyền xét xử công bằng
2.1. Lợi ích của tòa án trực tuyến
Việc triển khai các quy trình với việc áp dụng mô hình TATT trong xét xử nhằm giảm thiểu sự can thiệp của con người, loại bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, sử dụng các thuật toán để nâng cao năng suất phân loại và xử lý giấy tờ trên hệ thống trực tuyến mang lại một số lợi ích so với mô hình xét xử truyền thống.
-Lợi ích cho người tham gia tố tụng
TATT giúp người tham gia tố tụng giảm chi phí phải chi trả cho hoạt động tố tụng. TATT cũng giảm cảm giác e ngại cho đương sự khi xuất hiện tại tòa án, tạo sự bình đẳng cho các bên tham gia tố tụng không phân biệt ngành nghề. 
Trong điều kiện, các hệ thống tư pháp trên toàn thế giới hiện nay đang phải đối mặt với vấn đề ngày càng có nhiều đương sự không có luật sư bảo vệ quyền lợi trong các vụ án dân sự, ngay cả ở những quốc gia với nhiều luật sư giỏi như Vương quốc Anh hoặc Hoa Kỳ[17], Tòa án trực tuyến có thể tăng cường khả năng tiếp cận công lý cho những đương sự này, với các nền tảng tương tác cung cấp hướng dẫn hữu ích cho đương sự để họ có thể tự mình hoàn thành các thủ tục tố tụng dân sự phức tạp.
-Lợi ích đối với cơ quan nhà nước
Chi phí xây dựng TATT ban đầu thường tốn kém, nhưng sẽ được bù đắp bằng việc tiết kiệm chi phí vận hành. Các hệ thống giải quyết tranh chấp trực tuyến (ODR) giúp giảm bớt sự căng thẳng giữa các bên và hòa giải trực tuyến dễ dẫn đến sự thỏa thuận và giải quyết nhanh chóng. Điều này giúp các tòa án giảm gánh nặng về hành chính và nhân sự. TATT có thể dễ dàng tiếp cận từ bất cứ đâu và các trường hợp vắng mặt người tham gia tố tụng liên quan đến sức khỏe được giảm thiểu, giúp tránh gián đoạn phiên tòa và tránh lãng phí chi phí cơ hội của những người bị tác động khi phiên tòa bị hoãn không do lỗi của họ.
2.2.Tác động của tòa án trực tuyến đến quyền xét xử công bằng
Nhiều quốc gia đã ứng dụng thành công công nghệ thông tin để vận hành hệ thống tòa án[18]. Qua đó có thể thấy, việc áp dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của tòa án tác động đến nhiều khía cạnh như tiếp cận công lý, thủ tục và chi phí, v.v... Cần phải xem xét mối quan hệ qua lại giữa mô hình TATT và quyền con người. Trong đó, cần đặc biệt lưu ý đến quyền xét xử công bằng (right to a fair trial), bao gồm: quyền được xét xử tại một phiên tòa công bằng và công khai, sự tương xứng giữa hình thức xét xử và mức độ phức tạp của vụ việc, quyền được đối chất và quyền được đối thoại của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng v.v…
Phiên tòa trực tuyến tác động tới một số thành tố của quyền xét xử công bằng như sau: (i) quyền được xét xử trong một thời gian hợp lý; (ii) quyền được lắng nghe bởi một người ra quyết định độc lập và khách quan ; (iii) quyền được cung cấp tất cả các thông tin liên quan; (iv) quyền được xét xử công bằng và công khai (mặc dù báo chí và công chúng có thể không được tham dự đối với các vụ án có tính nhạy cảm cao); (v) quyền có người đại diện và người phiên dịch thích hợp; (vi) quyền được giám sát hoạt động xét xử của người dân. Trong đó, TATT tác động lớn và rõ ràng nhất đến ba quyền: quyền được xét xử trong thời gian hợp lý, quyền được xét xử công bằng và công khai, quyền giám sát tư pháp của công chúng.
(1) Quyền được xét xử trong một thời gian hợp lý
Giải pháp TATT rõ ràng là rút ngắn tổng thời gian tố tụng và đảm bảo tốt hơn quyền được xét xử trong một thời gian hợp lý. Chẳng hạn, tại Tòa án trực tuyến Hàng Châu, Trung Quốc, phiên tòa trực tuyến trung bình chỉ mất 28 phút và thời gian xét xử trung bình là 41 ngày, tiết kiệm 60% thời gian so với thủ tục tố tụng truyền thống[19]. Như trong trường hợp tranh chấp thương mại trực tuyến, nếu chủ sở hữu bản quyền muốn yêu cầu bồi thường thiệt hại do vi phạm bản quyền, họ thường phải nộp đơn kiện nhà điều hành trang web bất hợp pháp tại nơi đặt máy chủ của họ. Do đó, chi phí về thời gian và tiền bạc cho các vụ kiện tụng nói chung là cao. Đặc biệt, chủ sở hữu bản quyền phải chịu trách nhiệm chứng minh hành vi vi phạm bản quyền, nhưng họ không dễ dàng cung cấp chứng cứ chắc chắn về hành vi vi phạm bản quyền trên Internet vì chứng cứ điện tử được lưu trữ trên cơ sở dữ liệu tập trung luôn có vấn đề về bảo mật và độ tin cậy dữ liệu. Hiện nay, để thu thập và lưu giữ chứng cứ vi phạm bản quyền trên Internet, chủ sở hữu quyền tác giả phải đích thân đến văn phòng công chứng, yêu cầu công chứng viên tải và in các trang web có nội dung vi phạm và công chứng. Quá trình thu thập chứng cứ sẽ tốn nhiều thời gian hơn cho chủ sở hữu bản quyền.
Để giải quyết vấn đề này, Tòa án trực tuyến Hàng Châu, Trung Quốc là tòa án đầu tiên chấp nhận chứng cứ trực tuyến được lưu trữ bằng công nghệ blockchain khi giải quyết tranh chấp vi phạm bản quyền trên Internet. Trong trường hợp này, nguyên đơn đã ghi lại hình ảnh của các trang web và mã nguồn vi phạm thông qua nền tảng của bên thứ ba và tải lên blockchain Factom. Tòa án đã chấp nhận phương thức giao nộp chứng cứ này sau khi nhận thấy rằng công nghệ blockchain đáp ứng các tiêu chuẩn để xác thực độ tin cậy của dữ liệu trực tuyến. Trường hợp này cho thấy blockchain có thể được sử dụng như một phương tiện pháp lý để xác thực chứng cứ tương tự như dịch vụ công chứng truyền thống ở Trung Quốc, tiết kiệm đáng kể thời gian và chi phí thu thập chứng cứ cho các bên[20].
(2) Quyền được xét xử công bằng và công khai
TATT gây ra những lo ngại đáng kể đối với việc bảo đảm quyền được xét xử công bằng và công khai khi hầu hết các thủ tục diễn ra trên nền tảng Internet. Ngay cả khi tòa án tổ chức các phiên tòa trực tuyến thông qua hội nghị truyền hình, tính chất cũng hoàn toàn khác với phiên tòa trực tiếp vì các bên đương sự, người làm chứng và luật sư có thể ngồi thoải mái tại nhà hoặc ở một nơi quen thuộc với họ so với việc xuất hiện tại tòa án mang tính áp lực và trang trọng hơn. Kết nối Internet có thể gặp sự cố ảnh hưởng gây gián đoạn phiên tòa, hoặc gây ảnh hưởng đến chất lượng âm thanh và hình ảnh được truyền đi. Hơn nữa, nguyên tắc xét xử công khai (open justice) cũng có thể bị ảnh hưởng tiêu cực khi tất cả hoặc hầu hết các quá trình tố tụng diễn ra trên Internet và công chúng không có khả năng tham gia giám sát hoạt động của tòa án. 
Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng hiện nay, phần lớn cuộc sống của con người diễn ra trong thế giới số, ngày càng nhiều tranh chấp nảy sinh trên mạng Internet; do đó, quyền được lắng nghe không chỉ đơn thuần có nghĩa là “quyền được lắng nghe trực tiếp”, mà cần được hiểu là “quyền được lên tiếng thông qua các phương tiện kỹ thuật số”. Con người hiện đại dành nhiều thời gian để giao tiếp với người khác qua mạng xã hội hơn là qua điện thoại hoặc qua các cuộc trò chuyện trực tiếp. Do đó, khái niệm “quyền được lắng nghe” - yếu tố cốt lõi của quyền xét xử công bằng - cũng nên được thay đổi. “Phiên tòa công khai” hay “công lý công khai” cũng nên được hiểu theo nghĩa rộng, không chỉ mang nghĩa trực diện là công chúng có thể trực tiếp tham dự và theo dõi phiên xét xử, mà cần được hiểu rộng hơn là bất kỳ ai cũng có thể theo dõi quá trình tố tụng dân sự tại bất kỳ thời điểm và địa điểm nào thông qua các phương tiện kỹ thuật số. Do đó, công nghệ số không làm xói mòn nguyên tắc xét xử công khai mà ngược lại, giúp thực hiện nguyên tắc này một cách hiệu quả và ý nghĩa hơn[21]
(3) Quyền giám sát tư pháp của công chúng
TATT giúp tăng các kênh giao tiếp giữa các cơ quan tố tụng với công chúng, và do vậy tăng cường hiệu quả của quyền tiếp cận công lý và quyền giám sát tư pháp của công dân. Mỗi người đều có thể sử dụng internet và công nghệ số để tham gia các thủ tục tư pháp và thực hiện các quyền giám sát, thể hiện qua các hình thức sau: (i) truy cập các trang web, các kênh thông tin chính thức cùa tòa án để nắm được lịch xét xử, thông tin về các vụ án, thông tin phòng họp trực tuyến của phiên tòa trực tuyến; (ii) tham dự các phiên tòa, phiên họp trực tuyến mà mình quan tâm; (iii) đăng tải thông tin, bình luận, phản hồi về các phiên tòa, phiên họp đó; (iv) nâng cao nhận thức của cộng đồng về các thủ tục tố tụng tư pháp… 
3. Tòa án trực tuyến ở Việt Nam: chính sách và triển vọng
Tại Việt Nam, nhận thức được tầm quan trọng của công nghệ số trong việc hiện đại hóa hệ thống tòa án và tăng cường khả năng tiếp cận công lý, Chánh án Toà án nhân dân tối cao khẳng định, TATT “là một xu hướng phát triển không thể đảo ngược trong thời đại cuộc cách mạng công nghệ 4.0” và “cần có những chiến lược toàn diện, tổng hợp và dài hạn hơn trong lĩnh vực phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng tòa án điện tử, tiến tới tòa án thông minh trong thập kỷ tới”[22]. Đã có một số dấu hiệu tích cực cho thấy, Việt Nam đang tìm hiểu kinh nghiệm của các nước và xem xét một số giải pháp về tòa án trực tuyến. Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao và Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương đang nghiên cứu, xem xét “tạo hành lang pháp lý để Tòa án xét xử trực tuyến”[23] vì “phiên tòa xét xử trực tuyến là tất yếu”[24].
Ngày 30/212/2016, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết số 04/2016/NQ-HĐTP hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự số 92/2015/QH13, Luật Tố tụng hành chính số 93/2015/QH13 về gửi, nhận đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ và cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng bằng phương tiện điện tử. Theo Nghị quyết này, nguyên đơn có thể gửi đơn khởi kiện đến tòa án bằng phương thức trực tuyến thông qua cổng thông tin điện tử của tòa án. Ngày 22/10/2018, Tòa án nhân dân tối cao chính thức ra mắt Hệ thống Dịch vụ và hồ sơ trực tuyến để áp dụng thí điểm tại một số tỉnh và sau đó được nhân rộng trên toàn quốc. Tòa án nhân dân tối cao cũng đã chấp thuận cho Tòa án nhân dân Tp. Hồ Chí Minh thí điểm đề án “Đối thoại trực tuyến” trong vòng một năm kể từ ngày 1/1/2021[25]. Ngày 07/8/2021, Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng đã thí điểm tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến án hành chính, với hai điểm cầu tại Tòa án nhân dân thành phố và Trung tâm hội nghị thành phố[26]. Hiện nay, Tòa án nhân dân tối cao đang xây dựng dự thảo Quy chế tổ chức phiên tòa trực tuyến, trong đó quy định nguyên tắc, phạm vi, điều kiện tổ chức phiên tòa trực tuyến, yêu cầu đối với các điểm cầu, trình tự, thủ tục chuẩn bị phiên tòa và tiến hành phiên tòa[27]. Trong giải quyết tranh chấp thương mại, hệ thống giải quyết tranh chấp trực tuyến của Trung tâm Trọng tài quốc tế Hà Nội, vốn dựa trên hướng dẫn của UNCITRAL 2016, cung cấp cơ chế giải quyết tranh chấp trong hoạt động thương mại trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam[28].
Trong Hội thảo ''Tham vấn ý kiến về Báo cáo những thực tiễn tốt về thủ tục hành chính tư pháp nhằm tăng cường tính liêm chính của Tòa án”, các diễn giả đã đề xuất bốn nhóm thủ tục tư pháp trực tuyến: (i) thủ tục nhận đơn khởi kiện, thụ lý vụ án (bao gồm cả hòa giải do tòa án phụ trách) ; (ii) phân công thẩm phán; (iii) quản lý thời gian giải quyết vụ việc; và (iv) cấp bản trích lục, chuyển giao các bản án và công bố các bản án[29].
Theo xu thế chung trên thế giới, việc thực hiện một số thủ tục tư pháp của tòa án trên nền tảng trực tuyến cũng đã được thí điểm trong những năm gần đây và đang xem xét để chính thức áp dụng ở Việt Nam. Để hiện thực hóa xu hướng này, chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật làm cơ sở pháp lý và hệ thống hạ tầng cho hoạt động của TATT./.
 

 


* Bài viết này được phát triển từ Báo cáo khoa học bằng tiếng Anh “E-Court: Fair or Unfair Procedures?” trong Kỷ yếu hội thảo quốc tế “Good Governance and Anti-Corruption: Opportunities and Challenges in the Era of Digital Technology”, Nxb. Khoa học Xã hội, 2021. Nghiên cứu này được thực hiện trong khuôn khổ Đề tài nghiên cứu cơ bản “Nguyên tắc thủ tục pháp lý chặt chẽ và vai trò bảo vệ quyền con người ở Việt Nam” (Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ quốc gia Việt Nam (NAFOSTED) tài trợ, mã số 505.01-2018.300, 2019-2021) và Đề tài khoa học cấp Đại học Quốc gia Hà Nội “Chính sách pháp luật tố tụng dân sự đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư ở Việt Nam” do Đại học Quốc gia Hà Nội tài trợ, mã số QG.20.73, 2020-2022.
[1] Amy J. Schmitz, ‘Expanding Access to Remedies through E-Court Initiatives’ (2019) 1 Buffalo Law Review Vol 67, p. 92.
[2] Nt, tr. 94.
[3] Joana Covelo de Abreu, ‘E-Justice paradigm under the new Council’s 2019-2023 Action Plan and Strategy – some notes on effective judicial protection and judicial integration’ (2019) UNIO Eu Law Journal, p. 2.
[4] Nt, tr. 5.
[5] Heike Gramckow và các cộng sự, Good Practices For Courts: Helpful Elements for Good Court Performance and the World Bank’s Quality of Judicial Process Indicators (World Bank 2016), p. 73.
[6] World Bank, Doing Business 2016: Measuring Regulatory Quality and Efficiency, p.91-98.
[7] Gramckow và các cộng sự, tlđd, tr. 73.
[8] Nt, tr. 84.
[9] Queensland Courts, “Electronic lodgement (eLodgement)” (2020) hướng dẫn các thủ tục đăng ký trực tuyến (eLodgement) tại website Toà án Queensland courts.qld.gov.au/court-users/practitioners/electronic-lodgement. E-lodgement bao gồm quy định thao tác đăng ký trực tuyến, nội dung và hình thức đơn nộp, cũng như trang thiết bị để truy cập dịch vụ.
[10] Federal court of australia, “Electronic courtroom (e-courtroom)” (2020) hướng dẫn chức năng của phòng xét xử trực tuyến bao gồm giao thức thực hiện đưa ra các quy tắc sử dụng phiên tòa trực tuyến (fedcourt.gov.au/online-services/ecourtroom).
[11] Secretary of State for Justice of UK, Speech at the First International Forum on Online Courts: the Cutting Edge of Digital Reform (London, 3 December 2018).
[12] Nt.
[13] Schmitz, tr.136.
[14] Nt, tr.138.
[15] Nt, 126-127.
[16] Guodong Du and Meng Yu, ‘How to Litigate before the Internet Courts in China?’, www.chinajusticeobserver.com/insights/how-to-litigate-before-the-internet-courts-in-china.html, truy cập ngày 08/10/2021 .
[17] Ayelet Sela, Streamlining Justice: How Online Courts Can Resolve The Challenges of Pro Se Litigation (2016) 26 Cornell Journal of Law and Public Policy (JLPP), p. 335.
[18] Xem: Giampiero Lupo và Jane Bailey, ‘Designing and Implementing e-Justice Systems: Some Lessons Learned from EU and Canadian Examples’, Laws 2014, 3, pp. 353–387.
[19] Zhou Yuhang, ‘Judicial Interpretations of Provisions of the Supreme People’s Court on Several Issues Concerning the Hearing of Cases by Internet Courts’ (2018) 11 Tsinghua China Law Review, p.176.
[20] Hangzhou Huatai Yimei Culture Media Co., Ltd vs. Shenzhen Daotong Technology Development Co., Ltd Judgment of Hangzhou Internet Court, Case No.: 055078 (2018) Zhe 0192 No. 81, June 27, 2018.
[21] Lord Chief Justice of England and Wales, ‘Speech at the First International Forum on Online Courts: the Cutting Edge of Digital Reform’ (London 3 December 2018), p. 4.
[22] Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Bài phát biểu tại Hội nghị quốc tế “Hoàn thiện hệ thống tư pháp trước những thách thức hiện nay” được tổ chức tại Bangkok, Thái Lan, nhằm trao đổi kinh nghiệm, tăng cường hợp tác về tòa án và tư pháp của các nước trong khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng, 12-14/9/2018.
[23] Xem: Kim Dung, Xem xét tạo hành lang pháp lý để tòa án xét xử trực tuyến, Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử, https://tapchitoaan.vn/bai-viet/thoi-su/xem-xet-tao-hanh-lang-phap-ly-de-toa-an-xet-xu-truc-tuyen, truy cập ngày 09/10/2021.
[25] Lê Đức Anh, Mô hình “Xét xử trực tuyến thay xét xử tập trung”, Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử, https://tapchitoaan.vn/bai-viet/nghien-cuu/mo-hinh-xet-xu-truc-tuyen-thay-xet-xu-tap-trung, truy cập ngày 09/10/2021.
[26] Xem: Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng thí điểm phiên tòa xét xử trực tuyến, https://haiphong.toaan.gov.vn/webcenter/portal/haiphong/chitiettin?dDocName=TAND185402, truy cập ngày 9/10/2021.
[27] Xem: Nguyễn Thị Hải Châu, Những yêu cầu cơ bản khi tổ chức phiên tòa trực tuyến, Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử, https://tapchitoaan.vn/bai-viet/nghien-cuu/nhung-yeu-cau-co-ban-khi-to-chuc-phien-toa-truc-tuyen, truy cập ngày 9/10/2021.
[28] Comm. on Int’l Trade Law, Rep. on the Working Group IV (Electronic Commerce) on the Work of Its Fifty-Sixth Session, U.N. Doc. A/CN.9/936, at 7–8 (2018). Báo cáo lưu ý: “Đối với phần M, Nhóm công tác đã đồng ý bổ sung một tiểu mục về giải quyết tranh chấp trực tuyến (ODR) dựa trên mức độ liên quan và tầm quan trọng của ODR đối với việc giải quyết các tranh chấp phát sinh từ các giao dịch điện toán đám mây và có tính đến Công việc của UNCITRAL trong lĩnh vực đó”, Id., tr. 6.
[29] Nguyen Hung Quang, NHQuang&Associates’ Managing Partner, ‘Good Practices in Court Procedures to Improve Court Integrity’ tại Hội thảo tham vấn về Dự thảo Báo cáo “Thực hành tốt trong thủ tục Tòa án để Cải thiện tính liêm chính của Tòa án” ngày 23/7/2020 do UNDP Việt Nam phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Đại sứ quán Anh tại Hà Nội tổ chức trong Dự án thúc đẩy môi trường kinh doanh bình đẳng trong ASEAN.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 20 (444), tháng 10/2021.)


Ý kiến bạn đọc