Giao quyền trong giải quyết khiếu nại theo pháp luật hiện hành

17/10/2021

PGS.TS. BÙI THỊ ĐÀO

Trường Đại học Luật Hà Nội.

Tóm tắt: Trong giải quyết khiếu nại, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có thể giao cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khác thực hiện một số thẩm quyền được pháp luật quy định giao cho mình. Điều này là cần thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết khiếu nại. Luật Khiếu nại năm 2011 và Nghị định số 124/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về một số quyền mà người giải quyết khiếu nại có thể giao cho người khác thực hiện, đồng thời quy định những hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến giao quyền. Tuy nhiên, một số quy định trong các văn bản này vẫn còn bất cập cần được tiếp tục hoàn thiện.
Từ khóa: Giao quyền, giải quyết khiếu nại, vi phạm pháp luật, tổ chức đối thoại, xác minh nội dung khiếu nại.
Abstract: For settlement of complaints, the person authorized to settle complaints may assign other agencies, organizations or individuals to exercise certain rights assigned to him/her by law. This assignation is necessary to facilitate the settlement of complaints. The Law on Complaints of 2011 and Decree No. 124/2020/ND-CP dated October 19, 2020 of the Government stipulate a number of rights that the authorized persons of complaint settlement can assign to others to exercise, and at the same time stipulate violations of the law related to the assignment of rights. However, a number of provisions in these documents are still inadequate and need to be further improved.
Keywords: Assignation of rights; complaint settlements; violation of the law, dialogues arrangment, verification of complaints.
khieu-nai-_1.jpg
 Ảnh minh họa: Nguồn internet
1.   Quan niệm về giao quyền
Một trong những vấn đề quan trọng nhất của bộ máy nhà nước là vấn đề thẩm quyền của các cơ quan, cá nhân trong bộ máy đó. Nói đến thẩm quyền là nói đến việc ai (cơ quan, cá nhân nào) được sử dụng quyền lực nhà nước khi nào, đối với ai, sử dụng đến giới hạn nào, sử dụng để làm gì... Để quyền lực nhà nước được sử dụng hiệu quả thì thẩm quyền của mỗi cơ quan, cá nhân phải hoàn toàn phù hợp với khả năng thực hiện thẩm quyền được quy định của cơ quan, cá nhân đó. Hiệu lực, hiệu quả của việc sử dụng thẩm quyền không chỉ phụ thuộc vào sự hợp lý, rõ ràng, cụ thể của các quy định về thẩm quyền của từng cơ quan, cá nhân mà còn phụ thuộc vào bộ máy, con người, các nguồn lực phù hợp cho việc thực hiện thẩm quyền đó. Mỗi cơ quan, cá nhân trong bộ máy nhà nước không tồn tại, hoạt động độc lập mà có mối liên hệ với nhiều cơ quan, cá nhân khác ở những mức độ khác nhau để đảm bảo quyền lực được sử dụng thống nhất, hài hòa, đúng đắn. Điều đó cũng có nghĩa là, khi quy định thẩm quyền cho một cơ quan, cá nhân nhất định thì không chỉ cần quan tâm đến cơ quan, cá nhân đó có thể sử dụng thẩm quyền được trao một cách tốt nhất hay không mà còn phải xem xét thẩm quyền của mỗi cơ quan, cá nhân trong mối tương quan với thẩm quyền của cơ quan, cá nhân khác. Vì vậy, một cách khái quát có thể nói, khi pháp luật quy định thẩm quyền của một cơ quan, cá nhân nhất định thì có nghĩa đó là chủ thể có khả năng tốt nhất trong việc thực hiện thẩm quyền được trao. Tuy nhiên, ở mức độ chi tiết hơn, pháp luật có tính khái quát nên không phải luôn luôn phù hợp với mọi điều kiện, hoàn cảnh, tình huống cụ thể. Cho nên, pháp luật cũng cho phép các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền được phép chuyển giao một phần thẩm quyền của mình cho chủ thể khác trong trường hợp thích hợp khi đủ điều kiện nhằm đảm bảo thực hiện quyền lực hiệu quả hơn. Việc chuyển giao thẩm quyền thường được thực hiện thông qua một số phương thức sau:
-   Phân cấp là trường hợp cơ quan cấp trên chuyển giao cho cơ quan cấp dưới thực hiện liên tục, thường xuyên một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền của mình. Cơ quan được phân cấp có thể phân cấp tiếp với sự đồng ý của cơ quan phân cấp cho mình[1].
-   Ủy quyền là trường hợp cơ quan cấp trên chuyển giao cho cơ quan cấp dưới hoặc cơ quan, tổ chức khác thực hiện một, một số nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong khoảng thời gian nhất định kèm theo điều kiện cụ thể. Cơ quan, tổ chức được ủy quyền không được ủy quyền tiếp[2].
-   Giao quyền là trường hợp người có thẩm quyền chuyển một phần quyền hạn của mình cho người khác thực hiện khi được pháp luật quy định. Người được giao quyền không được giao quyền tiếp[3].
Như vậy, giao quyền rất giống với ủy quyền. Trong các quy định của pháp luật thì ủy quyền được nhắc đến nhiều hơn giao quyền. Giao quyền (cũng như phân cấp, ủy quyền nói chung) là cần thiết trong quản lý. Thậm chí có ý kiến còn cho rằng, giao quyền là kỹ năng cần thiết để quản lý hiệu quả vì quản lý được hiểu là tạo thành quả thông qua người khác. Nếu giao quyền được thực hiện tốt thì không chỉ tạo điều kiện cho người giao quyền có thể tập trung vào những công việc quan trọng hơn mà còn có thể phát huy tốt hơn năng lực của người được giao quyền; vấn đề cần quan tâm chỉ là giao quyền cho ai, giao quyền gì và kiểm soát việc thực hiện quyền được giao thế nào để đảm bảo việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao tốt hơn so với trường hợp không giao quyền[4].
“Giao quyền” (theo nghĩa chuyển giao quyền hạn của mình cho người khác) được quy định cụ thể trong Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Trong khi đó, Luật Khiếu nại năm 2011 thì chỉ đơn giản gọi là “giao” nhưng thực chất chính là giao quyền, tức là người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại chuyển giao cho chủ thể khác thực hiện một số thẩm quyền được pháp luật quy định giao cho mình.
2.   Các trường hợp giao quyền trong giải quyết khiếu nại
-Xác minh, kết luận nội dung khiếu nại
Việc xác minh nội dung khiếu nại được thực hiện nếu sau khi kiểm tra hành vi hành chính, quyết định hành chính, quyết định kỷ luật bị khiếu nại mà vẫn không đủ cơ sở để kết luận nội dung khiếu nại. Khi đó, việc xác minh nội dung khiếu nại có mục đích tìm kiếm, đánh giá đầy đủ, chính xác thông tin, tài liệu, chứng cứ liên quan đến nội dung khiếu nại, qua đó kết luận nội dung khiếu nại khách quan, chính xác. Người giải quyết khiếu nại có thể tự mình xác minh, kết luận nội dung khiếu nại hoặc giao cho cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp hay cơ quan, tổ chức, cá nhân khác xác minh, kết luận nội dung khiếu nại[5]. Khi được giao quyền xác minh, người được giao quyền có thẩm quyền như người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, gồm: Ban hành Quyết định xác minh nội dung khiếu nại[6]; kiểm tra, xác minh tại địa điểm phát sinh khiếu nại hay thông qua các tài liệu, chứng cứ; yêu cầu người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ; yêu cầu người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có liên quan giải trình về nội dung liên quan đến khiếu nại; triệu tập người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có liên quan…[7]
-Tổ chức đối thoại
Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần đầu, việc tổ chức đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền, nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức có liên quan được thực hiện khi yêu cầu của người khiếu nại khác với kết quả xác minh nội dung khiếu nại. Đối với thủ tục giải quyết khiếu nại lần hai thì tổ chức đối thoại là khâu bắt buộc. Mục đích đối thoại là để làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại và hướng giải quyết khiếu nại. Tổ chức đối thoại tạo cơ hội để người khiếu nại, người bị khiếu nại, cơ quan, tổ chức cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ liên quan đến nội dung khiếu nại, bày tỏ nguyện vọng, lập luận bảo vệ quan điểm, ý kiến, quyết định, hành vi của mình. Đây cũng là cơ hội để người giải quyết khiếu nại hiểu rõ hơn, khách quan hơn về nội dung khiếu nại.
Luật Khiếu nại năm 2011 không quy định người giải quyết khiếu nại giao quyền tổ chức đối thoại cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khác[8]. Tuy nhiên, khoản 1 Điều 28 Nghị định số 124/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 (Nghị định số 124) quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Khiếu nại năm 2011 chia việc tổ chức đối thoại lại thành hai trường hợp sau:
Thứ nhất, trường hợp người giải quyết khiếu nại phải trực tiếp tổ chức đối thoại gồm:
(1) Người giải quyết khiếu nại lần hai là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Giám đốc sở hoặc tương đương;
(2) Người giải quyết khiếu nại lần hai là Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với khiếu nại phức tạp[9].
Thứ hai, đối với các trường hợp khác, người giải quyết khiếu nại có thể phân công cấp phó của mình hoặc thủ trưởng cơ quan chuyên môn cùng cấp hoặc thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực thuộc được giao nhiệm vụ xác minh đối thoại với người khiếu nại.
Quy định trên đây cho thấy, tất cả các trường hợp giải quyết khiếu nại lần đầu, người giải quyết khiếu nại phải trực tiếp tổ chức đối thoại, không được giao quyền tổ chức đối thoại cho bất cứ ai. Trường hợp giải quyết khiếu nại lần hai, tùy thuộc người giải quyết khiếu nại giữ chức danh nào và tính chất vụ việc khiếu nại như thế nào mà người giải quyết khiếu nại phải tự mình trực tiếp tổ chức đối thoại hay có thể giao cho chủ thể khác tổ chức đối thoại. Trong trường hợp được phép giao thì cơ quan, đơn vị, cá nhân được giao tổ chức đối thoại có quyền giống như người giải quyết khiếu nại với vai trò là người chủ trì đối thoại.
-Đôn đốc, theo dõi, kiểm tra việc thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật
Thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật là khâu quan trọng, có ý nghĩa quyết định giá trị thực tế của toàn bộ quá trình giải quyết khiếu nại; đặc biệt, trong trường hợp khiếu nại đúng và theo quyết định giải quyết khiếu nại thì người khiếu nại được khôi phục quyền, lợi ích đã bị xâm hại bởi quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại, nếu quyết định giải quyết khiếu nại không được thi hành thì các quyền, lợi ích đã bị xâm hại đó không có cơ hội để khôi phục. Trên thực tế, cũng có nhiều trường hợp quyết định giải quyết khiếu nại không được thi hành đã gây bức xúc cho người khiếu nại, cho xã hội, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước[10]. Vì vậy, đôn đốc, theo dõi, kiểm tra việc thi hành quyết định giải quyết khiếu nại cần được tiến hành sát sao nhằm đảm bảo quyết định giải quyết khiếu nại được thi hành. Luật Khiếu nại năm 2011 không quy định người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại phải tự mình hay có thể giao quyền cho cơ quan, tổ chức khác đôn đốc, theo dõi, kiểm tra việc thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực. Trong khi đó, Nghị định số 124 quy định rõ vấn đề này tại khoản 2 Điều 21.
3.   Trách nhiệm liên quan đến giao quyền trong giải quyết khiếu nại
Luật Khiếu nại không trực tiếp quy định về trách nhiệm của người giao quyền và người được giao quyền trong giải quyết khiếu nại. Tuy nhiên, theo nguyên lý chung, người giao quyền có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mình giao và chịu trách nhiệm về kết quả của việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đó; người được giao quyền phải chịu trách nhiệm trước người giao quyền về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mà mình được giao[11]. Điều này cũng được thể hiện gián tiếp thông qua các quy định về xử lý vi phạm trong Nghị định số 124. Theo Nghị định này, người được giao quyền nếu có hành vi vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà có thể bị xử lý kỷ luật, bị truy cứu trách nhiệm hình sự, phải bồi thường, bồi hoàn.
Nghị định số 124 trực tiếp quy định một số hành vi vi phạm kỷ luật và hình thức kỷ luật đối với người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại và người được giao nhiệm vụ xác minh nội dung khiếu nại.
Các hành vi vi phạm kỷ luật của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại gồm[12]:
-       Sách nhiễu, cản trở, gây khó khăn, phiền hà cho người khiếu nại, người được ủy quyền khiếu nại, người bị khiếu nại;
-       Bao che cho người bị khiếu nại;
-       Đe dọa trả thù, trù dập người khiếu nại, người được ủy quyền khiếu nại, người bị khiếu nại;
-       Cố ý không thụ lý đối với vụ việc thuộc thẩm quyền của mình khi đủ điều kiện thụ lý;
-       Cố ý bỏ qua bằng chứng, bỏ lọt thông tin, tài liệu hoặc làm sai lệch hồ sơ vụ việc;
-       Cố ý không ban hành quyết định giải quyết khiếu nại hoặc cố ý ban hành quyết định giải quyết khiếu nại trái pháp luật gây mất ổn định nghiêm trọng về trật tự, an toàn xã hội hoặc gây hậu quả chết người;
-       Vi phạm nghiêm trọng thủ tục giải quyết khiếu nại gây mất ổn định nghiêm trọng về an ninh, trật tự xã hội hoặc gây hậu quả chết người.
Tất cả các hành vi nêu trên đều là hành vi người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại vi phạm khi trực tiếp thực hiện thẩm quyền của mình trong quá trình giải quyết khiếu nại. Không có hành vi nào trong số đó là hành vi của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại với tư cách là người giao quyền cho người khác thực hiện thẩm quyền của mình.
Các hành vi vi phạm kỷ luật của người được giao nhiệm vụ xác minh nội dung khiếu nại gồm[13]:
-       Sách nhiễu, cản trở, gây khó khăn, phiền hà cho người khiếu nại, người được ủy quyền khiếu nại, người bị khiếu nại;
-       Bao che cho người bị khiếu nại;
-       Đe dọa trả thù, trù dập người khiếu nại, người được ủy quyền khiếu nại, người bị khiếu nại;
- Cố ý bỏ qua bằng chứng, bỏ lọt thông tin, tài liệu hoặc làm sai lệch hồ sơ vụ việc trong quá trình xác minh nội dung khiếu nại;
-       Cố ý báo cáo sai lệch kết quả xác minh nội dung khiếu nại dẫn đến quyết định giải quyết khiếu nại sai gây mất ổn định nghiêm trọng về an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc gây hậu quả chết người.
Các hành vi nêu trên là những vi phạm được thực hiện trong quá trình người được giao quyền thực hiện thẩm quyền được giao.
Nghị định này không quy định hành vi vi phạm kỷ luật đối với người được giao thực hiện việc tổ chức đối thoại và người được giao theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thi hành quyết định giải quyết khiếu nại.
4.   Nhận xét và kiến nghị
Thứ nhất, quy định của Nghị định số 124 không thống nhất với Luật Khiếu nại năm 2011.
Như đã đề cập ở phần trên, theo quy định của Nghị định số 124, có ba trường hợp, trong quá trình giải quyết khiếu nại, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có thể tự mình thực hiện hoặc giao cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khác thực hiện. Trong khi đó, Luật Khiếu nại năm 2011
không trực tiếp quy định người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có thẩm quyền này. Để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tác giả cho rằng, cần sửa đổi Nghị định số 124 cho phù hợp với Luật Khiếu nại năm 2011. Tuy nhiên, trên thực tế, việc chuyển giao thẩm quyền như quy định của Nghị định số 124 là hợp lý. Vì vậy, cần sửa đổi Luật Khiếu nại năm 2011 theo hướng cho phép trong ba trường hợp nêu trên thì người có thẩm quyền được giao cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khác thực hiện như quy định của Nghi định số 124.
Thứ hai, hành vi vi phạm kỷ luật liên quan đến giao quyền trong giải quyết khiếu nại chưa được quy định đầy đủ.
Trong nhiều trường hợp, giao quyền là cần thiết nhưng giao quyền luôn phải đi kèm với kiểm soát việc giao quyền và thực hiện quyền được giao. Một trong những nội dung bảo đảm giao quyền và thực hiện quyền được giao đúng đắn, hiệu quả là quy định các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến giao quyền. Nghị định số 124 dành Chương VI quy định về xử lý vi phạm pháp luật. Chương này có 4 điều: Điều 39. Nguyên tắc xử lý hành vi vi phạm; Điều 40. Xử lý kỷ luật đối với người được giao nhiệm vụ xác minh nội dung khiếu nại; Điều 41. Xử lý kỷ luật đối với người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại; Điều 42. Xử lý kỷ luật đối với người có trách nhiệm tổ chức thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật. Nội dung những quy định này cho thấy:
Một là, thiếu hành vi vi phạm kỷ luật của người giao quyền. Theo quy định của Điều 41 Nghị định số 124, các hành vi vi phạm kỷ luật của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đều là hành vi được thực hiện khi họ trực tiếp thực hiện thẩm quyền của mình, không có hành vi nào được thực hiện với tư cách là người giao quyền; chẳng hạn: người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại giao quyền cho người không đủ điều kiện thực hiện thực hiện thẩm quyền được giao; người được giao quyền thực hiện không đúng thẩm quyền được giao gây hậu quả nghiêm trọng (trường hợp này người giao quyền vẫn phải chịu trách nhiệm)….
Hai là, thiếu một số nhóm chủ thể thực hiện hành vi vi phạm kỷ luật. Nghị định số 124 hoàn toàn không quy định hành vi vi phạm kỷ luật của người được giao quyền tổ chức đối thoại, người được giao quyền đôn đốc, theo dõi, kiểm tra việc thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật.
Ba là, thiếu một số hành vi vi phạm của người được giao quyền. Nghị định số 124 không chỉ không quy định hành vi vi phạm kỷ luật của người được giao quyền tổ chức đối thoại, đôn đốc, theo dõi, kiểm tra việc thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật mà quy định về hành vi của người được giao quyền xác minh nội dung khiếu nại cũng không đầy đủ. Chẳng hạn, hành vi thực hiện không đúng giới hạn thẩm quyền hay không thực hiện thẩm quyền được giao (đặc biệt là khi gây hậu quả nghiêm trọng), hành vi làm sai lệch hồ sơ gây hậu quả nghiêm trọng…
Măc dù Nghị định số 124 dẫn chiếu áp dụng quy định của pháp luật về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức đối với những nội dung về xử lý kỷ luật chưa được quy định tại Nghị định này[14]. Tuy nhiên, việc  Nghị định số 124 không quy định những hành vi nêu trên cũng là sự thiếu sót của pháp luật. Bởi lẽ, Nghị định số 124 đã dành hẳn một chương quy định về xử lý vi phạm pháp luật thì cần phải quy định những hành vi vi phạm mang tính chất riêng trong giải quyết khiếu nại. Điều này vừa đảm bảo kỹ thuật xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, vừa thuận tiện cho việc xử lý vi phạm pháp luật và quan trọng hơn là, khi quy định trách nhiệm rõ ràng thì sẽ góp phần kiểm soát tốt hơn việc giao quyền và thực hiện quyền được giao trong giải quyết khiếu nại./. 

 


[1] Điều 13 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015.
[2] Điều 14 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015.
[3] Điều 54 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2020.
[4] SprinGO Consultant, Bài học về giao việc, ủy quyền hiệu quả, https://springo.vn/bai-hoc-ve-giao-viec-va-uy-quyen-hieu-qua.
[5] Điều 29, Điều 38 Luật Khiếu nại năm 2011.
[6] Điều 18 Nghị định số 124 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Khiếu nại năm 2011.
[7] Điều 29 Luật Khiếu nại năm 2011.
[8] Điều 30, Điều 39, Điều 53 Luật Khiếu nại năm 2011.
[9] Điều 28 Nghị định số 124: Khiếu nại phức tạp là nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung, nhiều ý kiến khác nhau của các cơ quan có thẩm quyền về biện pháp giải quyết, người khiếu nại có thái độ gay gắt, dư luận xã hội quan tâm, vụ việc ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
[10] Nguyễn Thị Thúy Hồng, luận án tiến sĩ luật học “Thi hành quyết định giải quyết khiếu nại hành chính từ thực tiễn tỉnh Phú Yên, Học viện Khoa học xã hội, 2019, tr.117-120.
[11] Xem thêm Điều 13, Điều 14 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015.
[12] Điều 40 Nghị định số 124.
[13] Điều 41 Nghị định số 124.
[14] Xem Điều 39 Nghị định số 124.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 13 (437), tháng 7/2021.)


Ý kiến bạn đọc