Xác lập tư cách pháp lý cho trí tuệ nhân tạo

08/10/2021

BÙI THỊ HẰNG NGA

Khoa Luật Kinh tế Trường Đại học Kinh Tế Luật

NGUYỄN THẢO LINH

Sinh viên ngành Luật Thương mại quốc tế (K18502), Trường Đại học Kinh tế Luật.

Tóm tắt: Mặc dù trí tuệ nhân tạo (AI) mới được quan tâm gần đây tại Việt Nam, nhưng với những tiềm lực sẵn có, AI hứa hẹn sẽ phát triển vượt bậc trong tương lai ở nước ta. Để tận dụng triệt để những lợi thế mà AI mang lại cho nền kinh tế thì việc dự báo những thách thức về mặt pháp lý cũng như trù liệu giải pháp giải quyết là việc nên làm. Theo đó, việc xác định rõ tư cách pháp lý cho AI là vấn đề tiên quyết, tạo nền tảng thiết lập khung pháp lý điều chỉnh các mối quan hệ pháp luật phát sinh xung quanh AI như quan hệ sở hữu, lao động, sở hữu trí tuệ...
Từ khóa: Trí tuệ nhân tạo, Tư cách pháp lý.
Abstract: Although artificial intelligence (AI) has recently been interested in Vietnam, with the available potentials, it is expected to develop AI dramatically in the future in our country. It is advisable to forecast legal challenges as well as plan solutions to take full advantage of the advantages that AI providing to the economy. Accordingly, clearly defining the legal status for AI is a prerequisite, creating a foundation for establishing a legal framework governing legal relationships arising around AI such as ownership, employment, intellectual property etc.
Keywords: Artificial Intelligence, legal eligibility.
 TRÍ-TUỆ-NHÂN-TẠO_2.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Trí tuệ nhân tạo và sự cần thiết xác lập tư cách pháp lý cho trí tuệ nhân tạo
1.1. Tổng quan về trí tuệ nhân tạo
“Trí tuệ nhân tạo” (Artificial Intelligence – AI) được định nghĩa lần đầu vào năm 1955 bởi John McCarthy – nhà khoa học máy tính và khoa học nhận thức của Hoa Kỳ. Theo đó, AI là bộ môn khoa học và kỹ thuật chế tạo máy thông minh[1]. Tính tới thời điểm hiện tại, có rất nhiều định nghĩa về AI được đưa ra nhưng chưa có một định nghĩa thống nhất. Một số định nghĩa về AI được đưa ra như sau:
(i) AI là các hệ thống suy nghĩ (thông minh) như con người[2];
(ii) AI là các hệ thống suy nghĩ một cách hợp lý[3];
(iii) AI là các hệ thống hành động, thông minh như con người[4];
(iv) AI là các hệ thống hành động một cách hợp lý[5].
Hiểu một cách đơn giản, AI là một nhánh của khoa học máy tính liên quan đến việc xây dựng các máy móc thông minh có khả năng thực hiện các tác vụ mang trí tuệ con người[6].Trí tuệ này tuy do con người tạo ra nhưng có thể học hỏi, tư duy như con người.
AI được chia thành hai loại phổ biến sau đây:
Thứ nhất, theo chức năng,AI được chia thành 04 cấp độ: máy phản ứng (Reactive machines), AI với bộ nhớ giới hạn (Limited memory), AI gắn với lý thuyết về tâm trí (Theory of mind) và cấp độ cao nhất: AI có khả năng tự nhận thức (Self-awareness)[7].
Thứ hai, theo khả năng tư duy – đây cũng là cách phân loại phổ biến hơn khi AI được chia thành 3 loại: Narrow AI, General AI và Strong AI. Đối với Narrow AI, loại này chỉ có thể giải quyết một công việc cụ thể trong phạm vi được hướng dẫn. Với General AI, trí tuệ nhân tạo này có thể thực hiện bất kỳ nhiệm vụ sử dụng trí tuệ nào có độ chính xác tương đương như con người. Ở cấp độ cao nhất – Strong AI, được coi là thông minh hơn nhiều so với trí thông minh của con người[8].
1.2. Sự cần thiết xác lập tư cách pháp lý cho trí tuệ nhân tạo
Sau nhiều thập kỷ bị xếp vào hàng viễn tưởng – những ý tưởng được cho là điên rồ không thể thành hiện thực, AI giờ đây đã trở thành một phần trong cuộc sống hiện đại của chúng ta. Trong thực tiễn một số ứng dụng AI có thể kể đến như: nhận dạng chữ viết, nhận dạng tiếng nói, dịch tự động, tìm kiếm thông tin, khai phá dữ liệu và phát triển tri thức, lái xe tự động, robot... Các lĩnh vực sử dụng AI có hiệu quả và chất lượng tăng lên rõ rệt, góp phần thay đổi sâu sắc nhiều khía cạnh của cuộc sống. Tuy nhiên, việc AI đang ngày càng có sức ảnh hưởng đến mọi khía cạnh trong cuộc sống cũng tiềm ẩn nhiều vấn đề mà hầu hết hệ thống pháp luật các nước chưa có cơ chế giải quyết hoặc giải quyết chưa triệt để. Đơn cử như AI có thể tự mình sáng tạo nên những bức tranh[9], hiện thực này đặt ra dấu hỏi lớn trong việc xác định bản quyền và quyền tác giả đối với các tác phẩm đặc biệt này. Thêm vào đó, AI tiềm ẩn nguy cơ vượt khỏi sự kiểm soát của con người, bởi lẽ các máy học có thể đạt tới trình độ tự giải quyết vấn đề. Mặc dù ở thời điểm hiện tại, AI mới chỉ dừng lại là hệ thống máy móc với khả năng giới hạn, nhưng trong tương lai, vấn đề xảy ra khi các hệ thống có thể tự học để thực hiện những nhiệm vụ mà không có định hướng hay giám sát từ con người được một số nghiên cứu gọi là sự tự trị[10]. Stephen Hawking – Nhà vật lý người Anh, nhận định rằng: “Trí tuệ nhân tạo có thể là một sự kiện (tốt) lớn nhất trong lịch sử nhân loại, hoặc nó có thể là một sự kiện tồi nhất mà chúng ta vẫn chưa biết”[11]. Do đó, để quản lý, kiểm soát AI một cách tối ưu và tận dụng triệt để lợi ích nó mang lại thì việc dự trù, thiết lập khung pháp lý điều chỉnh những vấn đề phát sinh liên quan đến AI là điều cần thiết. Theo đó, việc cấp bách đầu tiên cần giải quyết là “định vị” AI trong hệ thống pháp luật.
Khi AI đạt đến trình độ phát triển nhất định, chúng không còn là những thực thể vô tri vô giác, chúng có khả năng nhận thức, học hỏi, tự đưa ra quyết định, có khả năng độc lập sáng tạo. Nhu cầu của mọi người đối với các cỗ máy thông minh ngày càng cao chính là động lực thúc đẩy sự phát triển của AI. Trong tương lai, việc AI tham gia vào các quan hệ xã hội cùng với các chủ thể khác là hoàn toàn có thể, điều này sẽ làm phát sinh các quan hệ pháp luật mới cần điều chỉnh. Điều gì sẽ xảy ra khi một robot tích hợp AI thực hiện cách hành vi gây hại cho con người, chế tài đối với thực thể này như thế nào hay một khi AI tham gia vào các quan hệ xã hội làm phát sinh các vấn đề pháp lý thì sẽ được điều chỉnh như thế nào? Điển hình là khả năng tham gia xác lập quan hệ lao động của AI. Năm 2018, Báo cáo về thị trường việc làm của Diễn đàn Kinh tế thế giới dự đoán, vào năm 2025, robot và máy móc được điều khiển bởi AI sẽ thực hiện phân nửa các chức năng sản xuất tại nơi làm việc; ở viễn cảnh xa hơn, triển vọng AI trở thành “người lao động” thực thụ là hoàn toàn có căn cứ. Do đó, sẽ là thiếu thuyết phục nếu coi AI là một tài sản, công cụ hay sản phẩm, chúng cần được trao tư cách pháp lý và các quyền, nghĩa vụ tương ứng khi tham gia vào các quan hệ xã hội. Mặt khác, do tồn tại định kiến với AI, trên thực tế con người đã có những hành động bạo lực đối với những cỗ máy này. Trong tương lai khi AI tiên tiến hơn, chúng có khả năng suy nghĩ và hành động gần như con người thì việc đặt ra cơ chế bảo vệ AI là cần thiết. Ngược lại, trường hợp AI gây hại cho con người cũng hoàn toàn có thể xảy ra. Vì vậy, việc xác định tư cách pháp lý của AI sẽ là tiền đề để quản lý, giám sát AI, tránh việc AI gây tổn hại đến đời sống xã hội.
Trao tư cách pháp lý cho AI đồng nghĩa với việc trao một số quyền nhất định tương xứng với những đặc tính mà AI có và hỗ trợ cho những đóng góp của nó trong xã hội. Tuy nhiên, AI cần được xem xét như một chủ thể mới trong quan hệ pháp luật chứ không xếp nó vào nhóm chủ thể hiện có. Bởi lẽ, AI mang những đặc điểm không đồng nhất với các chủ thể của quan hệ pháp luật hiện tại: mặc nhiên AI không mang đặc điểm của một tổ chức, AI là một thực thể nhân tạo, không phải thực thể tự nhiên như con người.
2. Quy định của pháp luật của một số nước trên thế giới về tư cách pháp lý của trí tuệ nhân tạo
Trên bình diện quốc tế, song song với việc nghiên cứu phát triển và ứng dụng AI, giải quyết các thách thức pháp lý mà AI mang lại luôn là vấn đề mà các chính phủ và giới học giả quan tâm. Nhiều nước trên thế giới đã tiến hành nghiên cứu và có những bước đi đáng kể trong việc xây dựng hành lang pháp lý điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến AI[12].
Sự kiện đánh dấu cột mốc đầu tiên trong lịch sử công nhận quyền công dân cho robot trên thế giới là vào năm 2017, tại Ả Rập Xê Út, quốc gia này đã trao quyền công dân cho robot xã hội Sophia[13]. Theo David Hanson- cha đẻ của robot này, Sophia được tạo ra nhằm mục đích “lên tiếng về quyền của phụ nữ” ở Ả Rập Xê Út. Hanson cũng tin rằng các quyền của robot là tiền đề quan trọng để “trở thành con người” – điều này là có khả năng khi robot bắt đầu chia sẻ suy nghĩ có ý thức với con người. Ông giải thích: “Nó không chỉ đòi hỏi khả năng thể chất, mà còn là cảm giác khao khát tự chủ, cũng như sự tò mò và nhận thức về trạng thái của một người”.
Ngày 16/2/2017, Nghị viện châu Âu đã thông qua Nghị quyết với các khuyến nghị đối với Ủy ban về Quy tắc Luật Dân sự về robot (Nghị Quyết). Nội dung của Nghị Quyết này bao gồm việc xác định các loại hình sử dụng AI, các vấn đề về trách nhiệm pháp lý, đạo đức và cung cấp các quy tắc ứng xử cơ bản cho các nhà phát triển, nhà điều hành và nhà sản xuất trong lĩnh vực robot, các quy tắc dựa trên ba định luật về công nghệ rô bốt của Azimov (1942). Trong tương lai gần, Nghị quyết xác định vấn đề quan trọng đầu tiên là quyền tự chủ của robot được hỗ trợ bởi AI và mức độ tham gia của bên thứ ba vào việc điều khiển robot. Nghị Quyết “[...] lưu ý rằng, ít nhất ở giai đoạn hiện tại, trách nhiệm phải thuộc về con người chứ không phải robot”[14]; theo đó, khi xung đột pháp lý phát sinh, robot không thể chịu trách nhiệm về các hành động và/hoặc không hành động mà trách nhiệm sẽ thuộc về người dùng, nhà phát triển phần mềm hoặc nhà sản xuất. Thêm vào đó, Nghị quyết còn đưa các đề xuất “tạo một tình trạng pháp lý cụ thể cho robot về lâu dài, để ít nhất robot tự động tinh vi nhất có thể được thiết lập như có tư cách của những cá nhân điện tử chịu trách nhiệm giải quyết mọi thiệt hại mà chúng có thể gây ra và có thể áp dụng nhân cách điện tử[15] (electronic personality) cho các trường hợp robot đưa ra quyết định tự chủ hoặc tương tác với các bên thứ ba một cách độc lập”[16].
Ở Nga, trong quá trình sửa đổi Bộ luật Dân sự (BLDS) Liên bang Nga, một dự thảo luật về lĩnh vực robot có tên là “Robot-Agent” đã được như là một chủ thể của quan hệ dân sự, tham gia vào hoạt động dân sự theo quyết định của chủ sở hữu và dựa trên các tính năng thiết kế của nó[17], bất kể quyền tự chủ của robot, áp đặt tất cả trách nhiệm cho nhà phát triển, người vận hành hoặc nhà sản xuất robot và bao gồm các vấn đề về quyền đại diện của robot trước tòa án, các cơ quan giám sát...[18]
Có thể thấy, sự phát triển mạnh mẽ của AI chính là động lực thúc đẩy các nhà lập pháp nghiên cứu, thiết lập khung pháp lý điều chỉnh các vấn đề phát sinh mà AI mang lại ở thời điểm hiện tại cũng như các thách thức về mặt pháp lý trong tương lai. Một số quốc gia trên thế giới đã có những động thái tích cực trong việc giải quyết các vấn đề này. Nhìn chung, về tư cách pháp lý của AI có 2 hướng giải quyết sau đây:
Thứ nhất, xét AI có các quyền và nghĩa vụ như con người, nhưng phần lớn pháp luật quốc gia và quốc tế đều không đi theo cách tiếp cận này;
Thứ hai, coi AI là một đối tượng đặc biệt trong hệ thống pháp luật với bản chất là một công cụ, hoàn toàn không được trao các quyền như con người.
3. Xác lập tư cách pháp lý cho trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam
Ở Việt Nam, AI được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực của đời sống và đạt được những thành tựu đáng kể. Đặc biệt, vào ngày 22/11/2020, trong khuôn khổ Diễn đàn công nghệ giáo dục EDU 4.0, Người máy Trí Nhân được ra mắt. Đây là người máy “make in VietNam” đầu tiên. Trí Nhân ra đời với mục đích giáo dục, hỗ trợ cho việc dạy và học của giảng viên và học sinh, sinh viên. Về cấu tạo, Trí Nhân là một robot nam có kích thước của một người trưởng thành, được in 3D với 5 giác quan và các yếu tố mô phỏng sinh học như tim phổi nhân tạo và chuỗi ADN, là robot hội tụ rất nhiều công nghệ như AI, dữ liệu lớn, vạn vật kết nối, điện toán đám mây... Về khả năng, robot này có thể trả lời được kiến thức về hầu hết mọi lĩnh vực, có thể nhận dạng khuôn mặt, nhận dạng hình ảnh và đo được nhịp tim của người đối diện. Có thể nói, Trí Nhân chính là thành công lớn của ngành khoa học AI tại Việt Nam, hứa hẹn sự phát triển của AI và ứng dụng rộng rãi của nó vào cuộc sống trong tương lai[19].
Tuy nhiên, bên cạnh chính sách phát triển AI được chú trọng, nhưng việc dự liệu, thiết lập khung pháp lý điều chỉnh các vấn đề phát sinh liên quan đến AI lại chưa được quan tâm đúng mức. Xét tổng thể, trong hệ thống pháp luật của nước ta hiện nay, không gian pháp lý điều chỉnh các quan hệ pháp luật có sự tham gia của công nghệ còn hạn hẹp, không thể xử lý được các vấn đề phát sinh liên quan đến AI. Do đó, việc chuẩn bị những giải pháp, kịch bản cụ thể trước viễn cảnh AI phát triển mạnh tại Việt Nam là hết sức cần thiết. Để có những giải pháp tối ưu giải quyết các thách thức pháp lý mà AI mang lại, theo xu hướng chung, việc đầu tiên là xác định tư cách pháp lý cho AI.
   Theo quy định của BLDS của nước ta, chủ thể của quan hệ pháp luật là cá nhân, pháp nhân[20]. Do AI là thực thể nhân tạo, không phải thực thể tự nhiên như con người; do đó, không thể gộp AI vào nhóm chủ thể là cá nhân; hiển nhiên AI cũng không phải là tổ chức, không mang các đặc điểm để được công nhận là pháp nhân. Mặt khác, cũng không nên coi AI chỉ là một công cụ. Bởi lẽ, trong tương lai, viễn cảnh AI tự mình tham gia vào các quan hệ xã hội một cách độc lập là hoàn toàn có thể xảy ra. Việc coi AI là tài sản, công cụ hay sản phẩm là chưa phù hợp với trình độ phát triển của AI. Từ các lập luận này, có thể thấy rằng, giải pháp tối ưu nhất cho vấn đề là trao tư cách pháp lý cho AI, coi nó là một chủ thể độc lập với các chủ thể thực tại, từ đó xây dựng khung pháp lý riêng điều chỉnh các vấn đề pháp lý liên quan đến AI.
   Khi thiết lập tư cách pháp lý cho AI, cần xác lập tên gọi cho AI. Chúng tôi cho rằng, AI là “cá nhân điện tử”. Đây là một cái tên phù hợp vì có lý do sau:
 Thứ nhất, AI là một thực thể nhân tạo, không phải con người, hoạt động dựa trên nguyên lý điện tử học.
Thứ hai, pháp luật Việt Nam hiện nay đã ghi nhận khái niệm “cá nhân” cũng như có nhiều khái niệm liên quan đến “điện tử”[21], do đó khái niệm cá nhân điện tử sẽ không gây khó khăn nhiều cho việc giải thích và sử dụng.
Tuy nhiên, không phải bất cứ AI nào “sinh ra” cũng được trao tư cách pháp lý, mà chỉ có những AI phát triển đạt đến ngưỡng có thể tự mình hoạt động độc lập không phụ thuộc vào con người, cộng thêm với việc được tích hợp trong cơ thể của một robot, thì AI đó mới có thể được công nhận là một chủ thể mới của quan hệ pháp luật. Do vậy, đi kèm với việc trao tư cách pháp lý thì Nhà nước cần xây dựng khung tiêu chuẩn đánh giá năng lực riêng cho AI. Việc đánh giá khả năng của AI để công nhận tư cách pháp lý cần phải có thời gian quan sát, nghiên cứu cũng như tham khảo ý kiến của các chuyên gia về các lĩnh vực công nghệ để xây dựng bộ tiêu chuẩn và quy trình giám định kèm theo. Khi được công nhận tư cách pháp lý, AI sẽ được định dạng  như một chủ thể của quan hệ pháp luật. Tuy nhiên, do AI không có đầy đủ nhận thức và khả năng tư duy, chịu trách nhiệm như một thể nhân, pháp nhân. Vì vậy, các quyền của AI cũng phải bị giới hạn chứ không hoàn toàn giống như các quyền của các chủ thể trong quan hệ pháp luật hiện nay. Các quyền và nghĩa vụ này sẽ bị giới hạn tương ứng với khả năng tham gia vào quan hệ xã hội một cách độc lập của AI. Song song đó là vấn đề trách nhiệm pháp lý của AI, chúng tôi cho rằng, chúng ta cần tham khảo Nghị quyết của Nghị viện châu Âu[22]. Theo đó, trách nhiệm pháp lý phát sinh từ AI sẽ thuộc về con người, cụ thể là chủ sở hữu của cá nhân điện tử này vì các lý do sau: thứ nhất, trong tương lai gần, AI không thể tự chịu mọi trách nhiệm pháp lý cho những hành động của mình mà chỉ có thể chịu trách nhiệm giới hạn trong khả năng của nó; thứ hai, chủ sở hữu AI, bên cạnh việc được hưởng lợi từ các quyền tài sản của AI nên cũng phải đại diện và chịu trách nhiệm cho AI trong các vấn đề phát sinh khác.
Hiện tại, việc xem xét đặt ra tư cách cho AI có thể được xem là mới mẻ. Tuy nhiên, trong tương lai nếu AI đáp ứng đủ điều kiện thì cần được công nhận tư cách pháp lý. Do đó, để chuẩn bị cho viễn cảnh AI phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, việc nghiên cứu, xem xét, đề ra các dự thảo luật điều chỉnh các vấn đề có thể phát sinh là điều cần thiết./.
 

 


[1] A Brief History of AI (2018), AITopics, retrieved on 17/01/2021, from <https://aitopics.org/misc/brief-history>.
[2] Bellman (1978) định nghĩa: trí tuệ nhân tạo là tự động hoá các hoạt động phù hợp với suy nghĩ con người, chẳng hạn các hoạt động ra quyết định, giải bài toán. Xem thêm R. E. Bellma (1978), An Introduction to Artificial Intelligence: Can Computers Think?, Boyd & Fraser Publishing Company, San Francisco
[3] Winston (1992) cho rằng trí tuệ nhân tạo là lĩnh vực nghiên cứu các tính toán để máy có thể nhận thức, lập luận và hành động. Xem thêm P. H. Winston (1992), Artificial Intelligence (Third Edition), Addison-Wesley, Reading, Massachusetts.
[4] Rich và Knight (1991) cho rằng Trí tuệ nhân tạo là khoa học nghiên cứu xem làm thế nào để máy tính có thể thực hiện những công việc mà hiện con người còn làm tốt hơn máy tính. Xem thêm E Rich & K Knight E. Rich (1991), Artificial Intelligence Artificial Intelligence (Second Edition), McGraw (Second Edition), McGraw-Hill New York Hill, New York.
[5] Thuộc nghiên cứu các hành vi thông minh mô phỏng các vật thể nhân tạo (Nilsson, 1998). Xem thêm N. J. Nilsson (1998), Artificial Intelligence: A New Synthesis, Morgan Kaufmann, San Mateo, C lif in California..
[6] What is Artificial Intelligence? How Does AI Work? (2016), retrieved on 17/01/2021, from <https://builtin.com/artificial-intelligence>..
[7] Arend Hintze (2016), Understanding the Four Types of Artificial Intelligence, Michigan State University, retrieved on 20/01/2021, from
[8] Kateryna Nekit, Vira Tokareva & Volodymyr Zubar (2020), ‘Artificial intelligence as a potential subject of property and intellectual property relations’, Ius Humani Law Journal, vol 9 no 1, pp. 237-238.
[9] Bức tranh “Chân dung của Edmond Belamy” được sáng tác bởi AI do nhóm 3 nghệ sĩ Pháp sở hữu. Xem thêm: Is artificial intelligence set to become art’s next medium? (2018), retrieved on 19/01/2021, from
[10] European Group on Ethics in Science and New Technologies, Statement on Artificial Intelligence, Robotics and ‘Autonomous’ Systems, Luxembourg: Publications Office of the European Union, 2018.
[11] Wil M. P. van der Aalst. (2016), Process Mining - Data Science in Action, 2nd edition, Springer.
[12] A. Atabekov, O. Yastrebov (2018), “Legal Status of Artificial Intelligence Across Countries: Legislation on the Move”, European Research Studies Journal, XXI(4), pp.773-782.
[13] Sophia là robot hình người được phát triển bởi Hansen Robotics Technology có trụ sở tại Hồng Kông, Trung Quốc. Sophia xuất hiện lần đầu tiên vào tháng tư năm 2015 tại Liên hoan South By Southwest Texas, với cấu thành từ ba phần: trí tuệ ở mức rất cơ bản để trả lời những câu hỏi đơn giản, khả năng diễn thuyết với tài liệu được cung cấp sẵn và kết hợp thuật toán để ngắt nối câu từ sao cho hợp lý. Ngoài ra, còn có một hệ thống sử dụng chatbot kết hợp với cơ khí, giúp Sophia có thể nhận dạng khuôn mặt, lắng nghe để lọc ra những "từ khóa", sau đó lựa chọn những câu trả lời được soạn sẵn để phát ngôn. Sophia chỉ có thể trả lời những câu hỏi khi được kết nối với Internet, máy tính và chỉ giới hạn trong những thông tin mình có được.
[14] European Parliament resolution of 16 February 2017 with recommendations to the Commission on Civil Law Rules on Robotics (2015/2103(INL)), para 59(f), retrieved on 20/01/2021, from <https://eur-lex.europa.eu/legal-content/EN/TXT/?uri=CELEX%3A52017IP0051>.
[15] Xem tài liệu đã dẫn tại chú thích 15.
[16] Xem tài liệu đã dẫn tại chú thích 15.
[17] Xem tài liệu đã dẫn tại chú thích 19.
[18] A.Atabekov, Oleg Aleksandrovich Yastrebov (2018), Legal status of artificial intelligence across countries: Legislation on the move, European Research Studies Journal, Volume XXI, Issue 4, p. 778–779, retrieved on 21/01/2021, from <https://www.researchgate.net/publication/332138607_Legal_status_of_artificial_intelligence_across_countries_Legislation_on_the_move>.
 
[19] Trí Nhân: Người máy AI “Make in Vietnam” lần đầu ra mắt (2020), Thông tin và Truyền thông, truy cập ngày 21/1/2021, từ
[20] Quốc hội (2015), Bộ luật Dân sự Việt Nam ban hành ngày 24/11/2015, Điều 1 đã quy định các chủ thể tham gia vào các quan hệ dân sự phải là cá nhân hoặc pháp nhân.
[21] “Điện tử” xuất hiện trong các thuật ngữ pháp lý như “thương mại điện tử”, “tiền điện tử”. Điện tử thường được hiểu là một không gian điện tử, không gian số lưu giữ giá trị của sự kiện, vật thể đang xác định. Ví dụ, theo Dự thảo Nghị định quy định về thanh toán không dùng tiền mặt Điều 3(12), tiền điện tử được xác định là “giá trị tiền tệ lưu trữ trên các phương tiện điện tử”. Tương tự như vậy, “cá nhân điện tử” có thể được hiểu như một cá nhân khác với cá nhân sinh học. Tính “cá nhân” của chủ thể này được thể hiện trên nền tảng số, trong một không gian điện tử. Chính không gian điện tử thay thế cho cơ quan sinh học, sẽ mang vai trò chủ đạo, điều khiển cá nhân có thể suy nghĩ, hành động. Tương tự với các cơ quan quan trọng của cá nhân tự nhiên khi xác định sự sống - chết pháp lý, y học, là não và tim, là các cơ quan sinh học.
[22] Neznamov, A., Naumov, V. (2017), Model Convention on Robotics and AI, retrieved on 21/01/2021, from <http://robopravo.ru/matierialy_dlia_skachivaniia#ul-id-4-35>.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 12 (436), tháng 6/2021.)