Nâng cao hiệu quả thực hiện quy định của pháp luật về các biện pháp phòng vệ thương mại ở Việt Nam

22/02/2021

TS. TRƯƠNG VĨNH XUÂN

Học viện Chính trị khu vực IV,

NGUYỄN VIỆT ANH

Viện Chiến lược, chính sách công thương (chi nhánh TP. HCM).

Tóm tắt: Khi hội nhập kinh tế quốc tế, các biện pháp phòng vệ thương mại được Việt Nam quy định và hoàn thiện nhằm bảo vệ nền sản xuất trong nước, tăng cường khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh những tác động tích cực, các biện pháp phòng vệ thương mại cũng ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất trong nước và Việt Nam cần đẩy mạnh các giải pháp thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng vệ thương mại, nhất là nâng cao nhận thức về phòng vệ thương mại và cơ chế thực thi các biện pháp phòng vệ thương mại.
Từ khóa: Phòng vệ thương mại, các biện pháp phòng vệ thương mại.
Abstract: Once it is integrated into the international economy, trade defense instruments are regulated and completed by Vietnam to protect domestic production and enhance the competitiveness of Vietnamese enterprises. In addition to their positive impacts, trade defense instruments also provide negative effects to domestic production, and Vietnam needs to promote solutions to effectively implement the trade defense instruments, especially to increase high awareness of the trade defense instruments and the mechanism for implementing the trade defense instruments.
Keywords: Trade defense; trade defense instruments
 PHÒNG-VỆ-THƯƠNG-MẠI_2.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Quy định của pháp luật về các biện pháp phòng vệ thương mại ở Việt Nam
Phòng vệ thương mại theo quan điểm của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) là một phần trong chính sách thương mại quốc tế của mỗi quốc gia, bao gồm chống phá giá[1], chống trợ cấp[2] và tự vệ[3],[4]. Mục tiêu của các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ, hỗ trợ ngành sản xuất trong nước của các nước thành viên trước những hành vi thương mại không lành mạnh (bán phá giá, trợ cấp) hoặc ứng phó với sự gia tăng nhập khẩu đột biến và phải đảm bảo quy trình thủ tục trong các hiệp định điều chỉnh của WTO[5]. Các biện pháp phòng vệ thương mại theo định nghĩa của WTO có giá trị tham khảo để các nước có thể quy định trong pháp luật của các quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Theo Luật Quản lý ngoại thương năm 2017, các biện pháp phòng vệ thương mại mà Việt Nam đang áp dụng đối với hàng khóa nhập khẩu vào Việt Nam trong những trường hợp cụ thể bao gồm biện pháp chống bán phá giá, biện pháp chống trợ cấp và biện pháp tự vệ.
(i) Biện pháp chống bán phá giá đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam (sau đây gọi là biện pháp chống bán phá giá) là biện pháp được áp dụng trong trường hợp hàng hóa được xác định bị bán phá giá khi nhập khẩu vào Việt Nam gây ra thiệt hại đáng kể hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể của ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước. Các biện pháp chống bán phá giá bao gồm áp dụng mức thuế chống bán phá giá và cam kết về các biện pháp loại trừ bán phá giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu hàng hóa bị yêu cầu áp dụng các biện pháp chống bán phá giá với cơ quan điều tra của Việt Nam hoặc với các nhà sản xuất trong nước nếu được các cơ quan điều tra áp dụng[6].
(ii) Biện pháp chống trợ cấp đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam (sau đây gọi là biện pháp chống trợ cấp) là biện pháp được áp dụng trong trường hợp hàng hóa được trợ cấp khi nhập khẩu vào Việt Nam gây ra thiệt hại đáng kể hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể của ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước. Biện pháp chống trợ cấp bao gồm áp dụng thuế chống trợ cấp và cam kết của tổ chức, cá nhân hoặc Chính phủ nước sản xuất, xuất khẩu với cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam về việc tự nguyện chấm dứt trợ cấp, giảm mức trợ cấp, cam kết điều chỉnh giá xuất khẩu và các biện pháp chống trợ cấp khác[7].
(iii) Biện pháp tự vệ trong nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam (sau đây gọi là biện pháp tự vệ) là biện pháp được áp dụng trong trường hợp hàng hóa được nhập khẩu quá mức vào Việt Nam gây ra thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng của ngành sản xuất trong nước. Các biện pháp tự vệ bao gồm: Áp dụng thuế tự vệ, áp dụng hạn ngạch nhập khẩu, áp dụng hạn ngạch thuế quan, cấp giấy phép nhập khẩu, các biện pháp tự vệ khác[8].
Nhằm triển khai và đưa các biện pháp phòng vệ thương mại đi vào thực tiễn, nhiều văn bản pháp luật hướng dẫn, chi tiết Luật Quản lý ngoại thương để các doanh nghiệp thực hiện, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng pháp luật. Các văn bản pháp quy được chia thành hai loại sau:
Thứ nhất, nhóm các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Quản lý ngoại thương năm 2017 về phòng vệ thương mại, gồm: Nghị định số 10/2018/NĐ-CP ngày 15/1/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại, Thông tư số 06/2018/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành ngày 20/4/2018 quy định chi tiết một số nội dung về các biện pháp phòng vệ thương mại, Quyết định số 1821/QĐ-BCT của Bộ Công thương ngày 25/5/2018 về việc công bố thủ tục hành chính mới ban hành trong lĩnh vực phòng vệ thương mại thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Công thương, Quyết định số 2622/QĐ-BCT ngày 26/6/2018 của Bộ Công thương về điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại; Thông tư số 19/2019/TT-BTC ngày 30/9/2019 quy định về áp dụng các biện pháp tự vệ đặc biệt để thực thi Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương; Thông tư số 37/2019/TT-BCT ngày 29/11/2019 của Bộ Công thương quy định chi tiết một số nội dung về các biện pháp phòng vệ thương mại.
Thứ hai, nhóm các văn bản tổ chức triển khai các biện pháp phòng vệ thương mại vào thực tiễn, như các đề án, chương trình hành động, trình tự, thủ tục…: Quyết định số 824/QĐ-TTg ngày 04/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ”; Quyết định số 1230/QĐ-BCT ngày 13/5/2019 của Bộ Công thương về áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với các sản phẩm thép dây, thép cuộn nhập khẩu vào Việt Nam; Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 01/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại”; Quyết định số 2074/QĐ-BCT ngày 05/8/2020 của Bộ Công thương về việc ban hành chương trình hành động thực hiện Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 01/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại”; Quyết định số số 1347/QĐ-BCT ngày 19/5/2020 của Bộ Công thương triển khai một số hoạt động của Bộ Công thương nhằm nâng cao năng lực phòng vệ thương mại cho các ngành sản xuất trong nước trong bối cảnh Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; và các văn bản cụ thể Thông báo số 04/TP- phòng vệ thương mại ngày 16/3/2020 của Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công thương hướng dẫn nộp hồ sơ đề nghị miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, Thông báo số 17/TB-BCT ngày 8/9/2020 của Bộ Công thương về việc tiếp nhận hồ sơ đề nghị miễn trừ áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm bằng plastic được làm từ các polyme từ propylen có xuất xứ từ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Vương quốc Thái Lan và Malaysia…
Nhìn chung, từ năm 2017 đến nay, các quy định về biện pháp phòng vệ thương mại chưa có sự thay đổi nhiều. Nhiều quy định của Chính phủ, Bộ Công thương ban hành chủ yếu nhằm thúc đẩy việc thực hiện nhanh chóng, hiệu quả các biện pháp phòng vệ thương mại ở Việt Nam.
2. Những tác động của các quy định về biện pháp phòng vệ thương mại đối với thị trường hàng hóa, năng lực cạnh cạnh của các doanh nghiệp
Trong quá trình gia nhập WTO, Việt Nam ý thức được xu thế tự do hóa thương mại và đồng thời cũng nhận thức rất rõ vai trò, ý nghĩa của các biện pháp phòng vệ thương mại đối với các ngành sản xuất trong nước trên thị trường trong và ngoài nước. Các hiệp định FTA(Hiệp định thương mại tự do) truyền thống, cũng như các FTA thế hệ mới mà chúng ta tham gia ký kết, đều có điều khoản về phòng vệ thương mại. Các FTA sẽ tạo điều kiện cho mối quan hệ thương mại giữa các quốc gia khi ký kết các hiệp định. Khi ký kết các FTA, nhất là các FTA thế hệ mới có mức độ cam kết rất sâu rộng, Việt Nam cam kết xóa bỏ tới 80% đến hơn 90% các dòng thuế, hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam dễ dàng hơn. Để hạn chế thiệt hại cho nền sản xuất trong nước, nội dung các hiệp định đều bao gồm các biện pháp phòng vệ thương mại. Hiện nay, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất, chế biến, chế tạo của Việt Nam đang còn nhiều khó khăn nội tại như: về năng lực quản trị, ứng dụng khoa học, chất lượng nguồn nhân lực, mức độ cạnh tranh thấp. Do đó, khi hội nhập kinh tế quốc tế, các doanh nghiệp Việt Nam khi nhập khẩu hoặc xuất khẩu hàng hóa không nên chủ quan đối với các biện pháp phòng vệ thương mại mà các nước có thể áp dụng. Và cũng để bảo vệ nền sản xuất trong nước, Việt Nam cũng sẽ quy định các biện pháp phòng vệ thương mại mà Việt Nam áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho sản xuất trong nước.
Mặt khác, việc quy định về phòng vệ thương mại trong các FTA giúp doanh nghiệp Việt Nam tăng tính chủ động trong rà soát thị trường, rà soát lại giá bán sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm, tránh tăng trưởng xuất khẩu quá nóng vào một thị trường, thúc đẩy việc sản xuất các sản phẩm có chất lượng, có thương hiệu. Tuy nhiên, quy định về phòng vệ thương mại trong các FTA cũng gây ra những thách thức lớn cho các doanh nghiệp, có thể bị điều tra về bán phá giá, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại nhiều hơn. Do đó nếu doanh nghiệp chưa chủ động được các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ mình, cũng như chưa kịp thời kiến nghị các cơ quan nhà nước thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại, điều đó làm ảnh hưởng đến sản xuất trong nước, thậm chí một số doanh nghiệp còn bị mất thị phần. Ngoài ra có thể làm nảy sinh các vấn đề liên quan đến lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp xuất hiện, gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính[9].
Từ năm 2013 đến giữa năm 2020, Bộ Công thương đã khởi xướng điều tra 16 vụ việc  phòng vệ thương mại, trong đó có 10 vụ việc điều tra chống bán phá giá và 6 vụ việc điều tra tự vệ. Trên cơ sở tiến hành điều tra khách quan, minh bạch, tuân thủ quy định của pháp luật và phù hợp với cam kết quốc tế, Bộ Công thương đã ra quyết định áp dụng 13 biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng nhập khẩu. Các hàng hóa là đối tượng áp dụng của các biện pháp thuộc các nhóm hàng sắt thép, phân bón, chất dẻo, hàng dệt, thực phẩm. Đây hầu hết là những mặt hàng có vai trò quan trọng, là xương sống trong nền kinh tế của mỗi quốc gia. Bên cạnh những yếu tố tích cực của các biện pháp phòng vệ thương mại như bảo vệ và tạo công ăn việc làm của khoảng 120.000 người lao động, đóng góp khoảng 6,3% GDP của cả nước, tăng nguồn thu cho ngân sách… đối với một số ngành sản xuất đang được bảo vệ bởi các biện pháp phòng vệ thương mại như phân bón, sắt thép nhưng một số ngành sản xuất khác cũng ảnh hưởng không ít như nhập khẩu mặt hàng tôn mạ, phân bón, gỗ chế biến…[10]. Chỉ tính riêng 06 tháng đầu năm 2020, Việt Nam đã tiến hành điều tra 09 vụ việc nhằm áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu[11].
Bên cạnh đó, hàng hóa Việt Nam khi xuất khẩu cũng bị các nước áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Tính đến 2020, vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài khởi xướng điều tra đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam là 176 vụ[12]. Sáu tháng đầu năm 2020, Việt Nam có 09 vụ việc hàng xuất khẩu Việt Nam bị các nước tiến hành phòng vệ thương mại và 19 vụ việc mới khởi xướng đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam tại thị trường nước ngoài[13] và đến tháng 9/2020, số lượng vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài khởi xướng điều tra đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam đã đạt 29 vụ, cao gấp 1,8 lần tổng số vụ việc trong cả năm 2019[14].
Các biện pháp phòng vệ thương mại theo quy định của pháp luật Việt Nam là phù hợp với thông lệ quốc tế về phòng vệ thương mại, phù hợp với các hiệp định song phương, đa phương mà Việt Nam tham gia ký kết; đồng thời cũng phù hợp với điều kiện kinh tế của Việt Nam. Sự tác động của chính sách, biện pháp phòng vệ thương mại Việt Nam áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu và các chính sách, biện pháp phòng vệ thương mại các nước áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã tác động đến một số ngành sản xuất trong nước của Việt Nam
Thứ nhất, ngành sản xuất sắt thép.
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu thép của Việt Nam khiến nhiều quốc gia chú ý và điều tra áp dụng biện pháp  phòng vệ thương mại. Trước đó, ngành thép Việt Nam đã bị nhiều thị trường khởi xướng kiện phòng vệ thương mại. Những vụ kiện này hầu hết đến từ các thị trường trụ cột trong xuất khẩu thép của Việt Nam như Mỹ, EU, một số nước trong khu vực ASEAN và thậm chí cả Liên minh kinh tế Á - Âu… Sáu tháng đầu năm 2020, trong 07 vụ việc phòng vệ thương mại do Việt Nam tiến hành đối với hàng nhập khẩu đã có 03 vụ (chiếm 42,8%) liên quan đến thép (dạng tôn mạ, phôi thép và thép dài nhập khẩu, thép cuộn và thép dây); các vụ việc phòng vệ thương mại đang điều tra tiến hành đối với hàng xuất khẩu Việt Nam có 09 vụ nhưng đã có 06 vụ liên quan đến ngành sản xuất sắt, thép (chiếm 66,7%) và trong 19 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại mới khởi xướng đối với hàng xuất khẩu Việt Nam tại thị trường nước ngoài đã có 11 vụ liên quan đến sắt, thép, nhôm (chiếm 57,9%)[15]
Chỉ tính từ khoảng tháng 7 đến tháng 9/2020, Ủy ban về phá giá và trợ cấp Thái Lan đã quyết định áp thuế chống bán phá giá từ 6,97%-51,61% (giá CIF) đối với các sản phẩm ống dẫn bằng sắt hoặc thép có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam, nhằm ngăn chặn đe dọa gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất nội địa. Trước đó, Bộ Thương mại và Công nghiệp Malaysia (MITI) cũng khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với một số mặt hàng thép mạ (tôn mạ) có xuất xứ từ Việt Nam. Biên độ bán phá giá cáo buộc đối với Việt Nam lên tới 39,27%. Cùng thời điểm, cơ quan Biên phòng Canada (CBSA) ra thông báo kết luận sơ bộ và áp thuế tạm thời đối với thép chống ăn mòn của Việt Nam. Điều tra cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam bán phá giá sản phẩm thép nêu trên sang thị trường Canada với biên độ từ 36,3%-91,8%[16]. Tương tự, Ủy ban chống bán phá giá Australia (ADC) khởi xướng điều tra chống bán phá giá và trợ cấp đối với sản phẩm ống, ống dẫn bằng thép có xuất xứ từ Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan. Trung tuần tháng 5, Bộ Thương mại Mỹ cũng khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế với sản phẩm thép tấm không gỉ, nhập khẩu từ Việt Nam[17].
Kết quả cho thấy, số lượng các vụ việc phòng vệ thương mại Việt Nam tiến hành đối với hàng nhập khẩu liên quan đến sắt thép không nhiều hơn so với các vụ việc phòng vệ thương mại đang điều tra đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam và vụ việc điều tra phòng vệ thương mại mới khởi xướng đối với hàng xuất khẩu Việt Nam tại thị trường nước ngoài. Trong đó, sản phẩm sắt, thép, nhôm chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số các vụ việc. Tuy nhiên, mục tiêu cuối cùng là nhằm đảm bảo hiệu lực thực thi các biện pháp phòng vệ thương mại, nếu sản phẩm thép được sản xuất từ nguyên liệu của Việt Nam hoặc nguyên liệu nhập khẩu từ các nguồn khác sẽ được phép sử dụng cơ chế khai báo để hưởng miễn trừ áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ; lẩn tránh bị phát hiện sẽ áp dụng chế tài “trừng phạt” rất nặng, trong nhiều trường hợp doanh nghiệp sẽ mất toàn bộ thị trường xuất khẩu liên quan và ảnh hưởng rất lớn đến nền sản xuất trong nước.
 Trong bối cảnh trên, nhiều doanh nghiệp sản xuất trong nước đã tăng cường xuất khẩu sau khi biện pháp phòng vệ thương mại được áp dụng (như thép Hòa Phát, tôn Đông Á, DAP Hải Phòng, thép Posco SS Vina...), cho thấy năng lực cạnh tranh quốc tế của doanh nghiệp vẫn được đảm bảo.
Thứ hai, ngành sản xuất sản phẩm gỗ.
Tỷ trọng sản phẩm gỗ chế biến của Việt Nam được duy trì ở mức trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nhóm mặt hàng gỗ, được xuất khẩu trực tiếp sang 120 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Các thị trường xuất khẩu lớn của ngành Gỗ Việt Nam là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Liên minh châu Âu, chiếm tỉ trọng 88,84% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ cả nước.Gần đây, ngành Gỗ Việt Nam đang vướng phải nhiều vụ kiện chống bán phá giá, truy xuất vi phạm nguồn gỗ xuất xứ. Trong năm 2020, Hàn Quốc chính thức áp thuế bán phá giá đối với gỗ ép từ Việt Nam trong thời gian từ cuối tháng 5 đến cuối tháng 9. Tiếp theo Hàn Quốc, Mỹ cũng điều tra chống lẩn tránh thuế, chống bán phá giá, chống trợ cấp áp dụng với sản phẩm gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam. Nếu bị kết luận bán phá giá, Mỹ sẽ ban hành lệnh áp thuế với sản phẩm này của Việt Nam từ thời điểm khởi xướng điều tra với mức thuế cao nhất, như đang áp với Trung Quốc (thuế phá giá: 183,36%; thuế chống trợ cấp: 22,98-194,9%)[18].
Để ổn định sản xuất của ngành sản xuất gỗ Việt Nam, đảm bảo thị trường xuất khẩu, sản phẩm gỗ của Việt Nam được sản xuất từ nguyên liệu của Việt Nam hoặc nguyên liệu nhập khẩu từ các nguồn khác (ngoài Trung Quốc), các biện pháp phòng vệ thương mại đều không ảnh hưởng lớn đến kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam.
Do đó, những vụ việc chống bán phá giá, lẩn tránh thuế mà gỗ dán nếu bị áp dụng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xuất khẩu, và từ đó ảnh hưởng đến sản xuất trong nước đối với sản xuất gỗ, nhất là gỗ dán của Việt Nam.
Thứ ba, ngành sản xuất sản phẩm plastic và sản phẩm bằng plastic được làm từ các polyme từ propylen.
Phòng vệ thương mại cũng đã được Việt Nam áp dụng để bảo vệ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm màng BOPP (sản phẩm plastic và sản phẩm bằng plastic được làm từ các polyme từ propylen). Ngày 18/3/2020, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 880/QĐ-BTC về việc áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời đối với màng BOPP. Do ngành sản xuất sản phẩm màng BOPP trong nước đã và đang chịu thiệt hại (biên độ bán phá giá của hàng hóa nhập khẩu được xác định là từ 9,05% đến 23,71%), Việt Nam áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời ở mức từ 10,91% đến 43,04% đối với một số sản phẩm plastic và sản phẩm bằng plastic được làm từ các polyme từ propylen, bao gồm màng BOPP, có xuất xừ từ Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia[19].
Hành vi bán phá giá này đã gây ra sức ép đáng kể cho các chỉ số hoạt động của ngành sản xuất trong nước, các tiêu chí về sản lượng sản xuất, lượng bán hàng, doanh thu, lợi nhuận, thị phần… đều cho thấy xu hướng suy giảm rõ rệt, hàng tồn kho tăng và rất nhiều doanh nghiệp sản xuất trong nước thua lỗ, phá sản. Nhiều dây chuyền sản xuất phải ngừng hoạt động và số lượng lớn lao động đã phải nghỉ việc.
Thứ tư, ngành sản xuất phân bón, bột ngọt và thủy sản.
So với các ngành sản xuất sắt, thép, gỗ và nhựa, sáu tháng đầu năm 2020, trong 07 vụ việc phòng vệ thương mại do Việt Nam tiến hành đối với hàng nhập khẩu chỉ có 01 vụ (chiếm 14,2%) liên quan đến phân bón, 01 vụ việc (chiếm 14,2%) liên quan đến bột ngọt; các vụ việc phòng vệ thương mại đang điều tra tiến hành đối với hàng xuất khẩu Việt Nam có 09 vụ nhưng chỉ có 01 vụ liên quan đến ngành thủy sản (chiếm 11,1%) và trong 19 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại mới khởi xướng đối với hàng xuất khẩu Việt Nam tại thị trường nước ngoài không có vụ nào liên quan đến phân bón, bột ngọt và thủy sản.
Các biện pháp phòng vệ thương mại cũng góp phần ổn định giá đầu vào cho một số ngành sản xuất trong nước. Cụ thể, như đối với phân bón DAP, khi có sản xuất trong nước để tạo đối trọng, giá mặt hàng này đã thấp hơn thời kỳ phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu trước đó. Cụ thể, trước năm 2009, khi ta không có ngành sản xuất DAP trong nước, giá phân bón DAP (chủ yếu là từ Trung Quốc) đã từng bị đẩy lên ở mức rất cao (18.000 đồng/kg năm 2008) dẫn đến chi phí sản xuất lúa tăng cao. Nhưng sau khi hai nhà máy sản xuất DAP đi vào hoạt động, giá DAP đã giảm liên tục và chỉ còn 8.000 đồng/kg vào cuối năm 2017. Chính vì vậy, việc áp dụng công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ các ngành sản xuất liên quan đến nông nghiệp, xây dựng... vừa là để bảo vệ sản xuất và việc làm trong nước đồng thời giảm mức độ phụ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu. Rất nhiều thành viên WTO, kể cả các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, EU, Ca-na-đa, Úc… đều đã và đang đẩy mạnh việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm đảm bảo duy trì sản xuất trong nước[20].
Tóm lại, sự tác động của các biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản xuất trong nước là hai chiều, vừa bảo vệ, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền sản xuất trong nước, nhưng đồng thời cũng ảnh hưởng ít nhiều đến xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp, ngành hàng trong nước.
3. Các biện pháp nâng cao hiệu quả thực hiện quy định của pháp luật về các biện pháp phòng vệ thương mại ở Việt Nam
Theo dự báo tình hình kinh tế toàn cầu vẫn có nhiều biến đổi do tình hình phức tạp của đại dịch và kinh tế Việt Nam cũng không thể không bị ảnh hưởng từ đại dịch Covid – 19 và tình hình kinh tế của thế giới. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam vẫn được quốc tế và các chuyên gia trong nước đánh giá là khả quan và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế tiếp tục đạt được kết quả tích cực, hình ảnh và uy tín của Việt Nam được nâng cao. Tiếp theo Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) (có hiệu lực từ 1/8/2020) và Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)[21] đã và đang mang lại nhiều cơ hội xuất khẩu, đầu tư, du lịch, đồng thời là nhân tố quan trọng tiếp tục thúc đẩy quá trình cải cách, hoàn thiện thể chế kinh tế trong thời gian tới…
Để tiếp tục nâng cao nhận thức và thực thi hiệu quả quy định của pháp luật về các biện pháp phòng vệ thương mại, bảo vệ nền sản xuất trong nước, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện các giải pháp sau:
Một là, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về nội dung các biện pháp phòng vệ thương mại; những hoạt động “tiền phòng vệ thương mại” nhằm thực thi hiệu quả các chính sách, biện pháp phòng vệ thương mại.
Bộ Công thương và các bộ ngành có liên quan cần thực hiện nghiêm túc và có sự giám sát Quyết định 2074/QĐ-BCT của Bộ Công thương ngày 05/8/2020 về việc ban hành chương trình hành động thực hiện Quyết định 316/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 01/3/2020 phê duyệt đề án “Xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại”.
Ba nội dung chính mà các cơ quan phải thực hiện đó là công tác phối hợp, cơ chế phối hợp trong việc thông tin, cảnh báo, và xử lý vụ việc phòng vệ thương mại. Tính minh bạch, nhanh chóng và hiệu quả xử lý phòng vệ thương mại phụ thuộc rất nhiều vào cơ chế phối hợp giữa các cơ quan ở trung ương và giữa các cơ quan ở trung ương với các cơ quan ở địa phương.
Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát là cần thiết trong quá trình thực hiện, giúp các cơ quan thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn và xử lý vi phạm khi xảy ra vi phạm trong cảnh báo, thông tin và xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại.
Hai là, xây dựng các hiệp hội ngành hàng uy tín, mạnh về chất lượng.
Trong thực tế, các vụ khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại có thể bắt đầu với bị đơn là một doanh nghiệp hoặc một vài doanh nghiệp. Vụ việc của họ gắn với lợi ích của một ngành hàng, gắn với nền sản xuất của cả nước. Do lợi ích chung như vậy, nên vai trò của các hiệp hội, các tổ chức đại diện doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh là rất lớn.
Hai vấn đề lớn đối với các hiệp hội cần quan tâm là: Uy tín của hiệp hội và hiệu quả hoạt động của hiệp hội. Niềm tin của các doanh nghiệp thành viên đối với hiệp hội là rất lớn, góp phần tạo sự phối hợp giữa doanh nghiệp thành viên và hiệp hội; hiệu quả hoạt động của hiệp hội và lợi ích từ hoạt động của hiệp hội đối với doanh nghiệp thành viên. Đây là mối quan hệ biện chứng, nếu hoạt động không hiệu quả, hiệp hội sẽ không có uy tín; ngược lại có uy tín thì hiệu quả phối hợp giữa hiệp hội và doanh nghiệp thành viên mới cao.
Hoạt động xuất khẩu hàng hóa Việt Nam không ngừng gia tăng, việc thực thi các cam kết của nhiều FTA, các hiệp hội cần chủ động khuyến cáo các thông tin về thị trường xuất khẩu cho hội viên, doanh nghiệp để đánh giá nguy cơ nước ngoài điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại; thông báo kịp thời các thông tin liên quan đến nước ngoài điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp hội viên biết[22].
Ba là, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức quản lý nhà nước về phòng vệ thương mại có chất lượng, năng lực.
Đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về phòng vệ thương mại không chỉ tập trung ở Bộ Công thương mà còn ở các bộ ngành khác, ở địa phương. Đội ngũ này vừa tham mưu chính sách, vừa tổ chức thực hiện chính sách và đồng thời có khả năng nhận thức, cảnh báo, thông tin sớm cho các doanh nghiệp về phòng vệ thương mại.
Đội ngũ này nên được đào tạo bài bản, trong nước và ngoài nước; hơn nữa họ cần có những kỹ năng, nghiệp vụ trong tham mưu, cảnh báo, điều tra và xử lý vụ việc phòng vệ thương mại.
Bốn là, xây dựng đội ngũ hỗ trợ doanh nghiệp, ngành hàng (luật sư, các chuyên gia tư vấn…) có trình độ, năng lực và hiệu quả tư vấn, bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp trong các vụ việc phòng vệ thương mại.
Năm là, xây dựng hệ thống phần mềm phân tích, tính toán và cảnh báo sớm nguy cơ xảy ra các vụ kiện phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam; cảnh báo nguy cơ hàng hóa nước ngoài lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại do Việt Nam áp dụng.
Sáu là, xây dựng phần mềm phân tích, tính toán biên độ bán phá giá, biên độ trợ cấp, tính toán thiệt hại của ngành sản xuất trong nước.
Tóm lại, các biện pháp phòng vệ thương mại được tất cả các quốc gia trên thế giới thừa nhận là những công cụ chính sách cần thiết để bảo vệ sản xuất trong nước. Đối với Việt Nam, mặc dù các biện pháp phòng vệ thương mại mới được áp dụng trong những năm gần đây nhưng đã đem lại hiệu quả tích cực cho ngành sản xuất trong nước và cần tiếp tục hoàn thiện trong thời gian tới./.

 


[1] Bán phá giá là hiện tượng xảy ra khi một loại hàng hóa nhất định được xuất khẩu sang một nước khác, với mức giá thấp hơn mức giá thông thường có thể so sánh được tại thị trường nước xuất khẩu.
[2] Biện pháp chống trợ cấp (còn gọi là biện pháp đối kháng) là biện pháp được cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu áp dụng nhằm vào các nhà sản xuất, xuất khẩu nước ngoài (được Chính phủ nước xuất khẩu trợ cấp) thông qua một cuộc điều tra nhằm xác định liệu Chính phủ nước xuất khẩu có cung cấp khoản “trợ cấp bị cấm” hoặc “có thể bị đối kháng” hay không.
[3] Biện pháp tự vệ là công cụ bảo vệ/hỗ trợ ngành sản xuất hàng hóa tương tự hoặc cạnh tranh trực tiếp của nước nhập khẩu trong trường hợp khẩn cấp nhằm hạn chế những thiệt hại nghiêm trọng do tình trạng gia tăng của hàng hóa nhập khẩu gây ra hoặc đe dọa gây ra.
[4] Tham khảo thêm về các biện pháp phòng vệ thương mại tại Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế (2018, Cẩm nang tích hợp các FTA trong từng lĩnh vực - Hướng dẫn thực thi các cam kết về phòng vệ thương mại và giải quyết tranh chấp, Nxb. Hồng Đức, tr.10-11, https://chongbanphagia.vn/cam-nang-tich-hop-cac-fta-theo-tung-linh-vuc-huong-dan-thuc-thi-cam-ket-ve-phong-ve-thuong-mai-va-giai-quyet-tranh-chap-n18782.html.
[5] Tham khảo thêm về các biện pháp phòng vệ thương mại tại Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế (2018, Cẩm nang tích hợp các FTA trong từng lĩnh vực - Hướng dẫn thực thi các cam kết về phòng vệ thương mại và giải quyết tranh chấp, Nxb. Hồng Đức, tr.14, https://chongbanphagia.vn/cam-nang-tich-hop-cac-fta-theo-tung-linh-vuc-huong-dan-thuc-thi-cam-ket-ve-phong-ve-thuong-mai-va-giai-quyet-tranh-chap-n18782.html.
[6] Điều 77 Luật Quản lý ngoại thương năm 2017.
[7] Điều 83 Luật Quản lý ngoại thương năm 2017.
[8] Điều 91 Luật Quản lý ngoại thương năm 2017.
[15] Tổng hợp diễn tiến các vụ điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại (chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ) liên quan tới hàng hóa xuất, nhập khẩu Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2020. Nguồn: https://chongbanphagia.vn/Modules/News/Uploaded/39/20200805134927047tonghoppvtm.pdf
[16] Lạc Phong (2020), Ngành thép liên tục bị điều tra kiện phòng vệ thương mại, https://www.sggp.org.vn/nganh-thep-lien-tuc-bi-dieu-tra-kien-phong-ve-thuong-mai-683931.html, truy cập ngày 8/9/2020.  
[17] Lạc Phong (2020), Ngành thép liên tục bị điều tra kiện phòng vệ thương mại, https://www.sggp.org.vn/nganh-thep-lien-tuc-bi-dieu-tra-kien-phong-ve-thuong-mai-683931.html, truy cập ngày 8/9/2020.
[18] Văn Gia (2020), Ngành gỗ đối mới mặt với các vụ kiện phòng vệ thương mại, http://baodongnai.com.vn/kinhte/202009/nganh-go-doi-mat-voi-cac-vu-kien-phong-ve-thuong-mai-3021114/, truy cập ngày 9/9/2020.
[19] Thanh Dương (2020), Áp thuế chống bán phá giá sản phẩm plastic nhập khẩu, http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-phap-luat/ap-thue-chong-ban-pha-gia-san-pham-plastic-nhap-khau-325832.html, truy cập ngày 23/7/2020.
[21] Sáng 15/11/2020, Bộ trưởng Kinh tế của 15 quốc gia đã ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) từ các đầu cầu truyền hình trực tuyến; http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Hiep-dinh-Doi-tac-toan-dien-khu-vuc-chinh-thuc-duoc-ky-ket/414159.vgp.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 21 (421), tháng 11/2020.)


Ý kiến bạn đọc